“Địa chấn” WikiLeaks lan sang Đông Nam Á

Thanh Nien Online
16/12/2010 8:08
Ông Samak phát biểu dưới ảnh của Quốc vương Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit hồi năm 2008 - Ảnh: Wn.com
Sau Singapore và Malaysia, đến lượt Thái Lan và Myanmar xuất hiện trong các thư tín mật của Bộ Ngoại giao Mỹ do website WikiLeaks tung ra.

Thái Lan nổi giận

Trong lúc độ nóng của các tài liệu từ WikiLeaks đang giảm dần, thì tiết lộ mới của tổ chức này thông qua tờ Guardian đã khiến hoàng gia và dân chúng Thái Lan nổi cơn thịnh nộ. Theo thư tín gửi đi hồi tháng 10.2008 từ Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok, Thủ tướng lúc đó là Samak Sundaravej quy trách nhiệm cho Hoàng hậu Sirikit, người được toàn dân tôn kính chỉ sau Quốc vương Bhumibol Adulyadej, đã đứng sau giật dây vụ đảo chính lật đổ tỉ phú Thaksin Shinawatra khỏi ghế Thủ tướng vào năm 2006.

Ông Samak, giữ chức Thủ tướng Thái từ tháng 1 đến 9.2008, tự nhận mình là người trung thành hết mực với Quốc vương Bhumibol, nhưng cho rằng Hoàng hậu Sirikit có đường lối chính trị khác biệt với chồng, theo mật điện đăng trên tờ Guardian hôm qua.

Ông Samak là vị thủ tướng dân cử đầu tiên ở Thái từ sau đảo chính nhưng ông bị Tòa án Hiến pháp truất phế vì tham gia vào một chương trình nấu ăn trên truyền hình, điều bị coi là trái với hiến pháp.

Vẫn chưa rõ ông Samak, người qua đời vào tháng 11.2009 vì ung thư gan, đã dựa trên chứng cứ nào khi đưa ra cáo buộc như vậy đối với vị hoàng hậu đáng kính của Thái Lan. Phản ứng trước tiết lộ trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thani Thongphakdi cho hay chính phủ không đưa ra bình luận nào về việc này vì những bức điện tín không phải của Thái Lan. Tuy nhiên, “chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng vương triều Thái đứng bên ngoài hoạt động chính trị của đảng phái và trên cả những xung đột đã xảy ra”, AFP dẫn lời ông Thani nói.

Kể từ cuộc đảo chính năm 2006, tình hình Thái Lan vẫn chưa thật sự ổn định khi phải chứng kiến những cuộc biểu tình liên tục của phe áo đỏ ủng hộ ông Thaksin và phe áo vàng. Chính phủ của ông Samak từng vấp phải sự phản đối dữ dội của phe áo vàng, trong đó có việc chiếm giữ 2 sân bay tại Bangkok vào năm 2008. Trong khi đó, cuộc đại biểu tình hồi tháng 4 và 5 năm nay ở thủ đô Thái của những người áo đỏ đã dẫn đến bạo lực, khiến 91 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Đến nay, Bangkok và 3 tỉnh lân cận vẫn còn nằm trong tình trạng khẩn cấp.

Một thư tín khác vào tháng 11.2009 cũng chỉ trích sự hiện diện của Hoàng hậu Sirikit tại tang lễ của một người biểu tình thuộc phe áo vàng đã thiệt mạng vì đụng độ với cảnh sát. “Sự xuất hiện của hoàng hậu là một sai lầm nghiêm trọng, hủy hoại nhận thức của dư luận về sự trung lập của hoàng gia”, theo nội dung bức điện. Cũng trong loạt thư tín vừa được tung ra, một người thân cận với ông Thaksin tiết lộ cựu thủ tướng từng bị đối thủ chính trị thuê người ám sát với giá khoảng 10.000 USD.

Singapore tiếp tục gặp rắc rối

Trong khi đó, Singapore tiếp tục “đau đầu” vì WikiLeaks. Một điện tín mật năm 2007 ghi lại cuộc nói chuyện giữa ông Lý Quang Diệu với Đại sứ Mỹ Patricia Herbold và Phó trợ lý Ngoại trưởng Thomas Christensen trích lời ông Lý gọi các lãnh đạo Myanmar là “cứng nhắc”. Ông Lý, cựu Thủ tướng Singapore và hiện là Bộ trưởng Cố vấn, bình luận rằng nói chuyện với Myanmar như thể “nói với người chết”, và ông đã “đầu hàng cách đây một thập niên”.

Khi được hỏi về khả năng ASEAN cử một đại diện đến Myanmar để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở đây thì ông Lý cho rằng Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (thường được gọi tắt là SBY) là “ứng viên lý tưởng” nhất, bởi ông này cũng xuất thân từ quân đội. “Từng là một tướng lĩnh, SBY có thể gặp Thống tướng Than Shwe và làm ông ấy chịu nghe”, bức điện trích lời ông Lý nói. Nhà lãnh đạo Singapore cũng “khuyên” rằng cần có một người “không quá thân Mỹ” thuyết phục ông SBY làm người trung gian hòa bình.

Bức điện tín bị rò rỉ mới nhất cũng ghi lời ông Lý cho rằng trong tất cả các nước có quan hệ với Myanmar, Trung Quốc có “ảnh hưởng nhiều hơn cả”, và rằng Bắc Kinh quan ngại Myanmar có thể “nổ tung”, làm phương hại đến đầu tư của họ ở đất nước giàu tài nguyên này. Còn Ấn Độ cũng ra sức tạo ảnh hưởng lên Myanmar nhưng không mấy thành công vì “không tinh tế” như Trung Quốc. Hiện chính quyền Myanmar chưa có phản ứng gì với những thông tin này.

Ông Assange vẫn chưa được tại ngoại

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange hôm 14.12 đã được tòa án ở London, Anh cho phép tại ngoại với số tiền bảo lãnh là 240.000 bảng (khoảng 393.700 USD) cùng với nhiều điều kiện khắt khe như ông này phải đeo vòng kiểm soát điện tử... Tuy nhiên, đến hôm qua, ông Assange vẫn bị giam sau khi đại diện chính quyền Thụy Điển nộp đơn kháng cáo phán quyết trên. Phiên tòa mới sẽ được tiến hành vào hôm nay để quyết định liệu ông Assange có được bảo lãnh hay không.

Trong khi đó, Không quân Mỹ đã chặn tất cả các website đăng thông tin rò rỉ từ WikiLeaks, từ The New York Times, Guardian, Le Monde... đến các trang blog, theo giới chức lực lượng này.

Thụy Miên - Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét