Bác kháng cáo của ông Võ Hải Bình

Pháp luật - Người Lao Động Online:
Thứ tư, 15/12/2010 | 08:29GMT+7
Ông Võ Hải Bình, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn phạt học sinh thụt dầu phải nhập viện, đã bị HĐXX phiên tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên mức kỷ luật buộc thôi việc của Sở GD-ĐT TPHCM đối với ông

Cuối cùng, điều nhiều người không mong đợi cũng đã đến. Sau khi tạo cơ hội lần thứ hai cho hai bên hòa giải nhưng không thành, chiều 14-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên bác kháng cáo của ông Võ Hải Bình, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Theo đó, sai phạm của ông Bình là rất nghiêm trọng, trước khi Sở GD-ĐT ra quyết định buộc thôi việc đã cân nhắc hoàn cảnh gia đình và quyết định này là có căn cứ pháp luật.

Sau khi nghe tuyên án, ông Bình khẳng định tiếp tục làm đơn khiếu nại lên giám đốc thẩm.
Quyết định buộc thôi việc của Sở GD-ĐT TPHCM đối với ông Võ Hải Bình
Không tìm được tiếng nói chung
Tại phiên tòa lần này, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng quyết định buộc thôi việc đối với ông Bình căn cứ vào Nghị định 35/2005/CP ngày 17-3-2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ công chức (buộc thôi việc trong trường hợp cán bộ công chức vi phạm lần đầu nhưng tính chất mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ công chức), đồng thời đưa ra 4 lý do để không rút quyết định này là: 1- Ông Bình không thiện chí, tự giác nhìn nhận khuyết điểm, không đủ tư cách làm thầy giáo. 2- Quyết định này đã được xem xét cân nhắc kỹ. 3- Kỷ cương nhà trường được tăng cường, ý kiến trong ngành đồng tình cao, chất lượng giáo dục phát triển. 4- Bạo lực học đường đang bị lên án không có lý do gì để giảm mức kỷ luật trong lúc này.
Trước tình huống ông Bình đồng ý làm đơn xin giảm mức kỷ luật xuống cảnh cáo, tiếp đó làm đơn xin nghỉ việc, Sở GD-ĐT vẫn khăng khăng không thể hạ mức xử lý kỷ luật, HĐXX tạm dừng phiên tòa lần thứ hai để hai bên tiếp tục thương lượng.
“Trong tình huống người ta không còn nói thêm điều gì nữa, thừa nhận sai sót, có lẽ cũng nên gạt bỏ đi tất cả những điều không hay trước đây. Hơn nữa, nhận thức là một quá trình. Có đôi khi người ta có thể nhận thức ngay nhưng cũng có khi mất một thời gian dài. Tính nhân văn của giáo dục là khi người ta đã nhận thức ra, hạ mình như thế, người quản lý ứng xử như thế nào?” - một vị thẩm phán phân tích.
Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ lại, đến chiều cùng ngày, ông Bình quyết định chỉ làm đơn thừa nhận sai sót và xin giảm hình thức kỷ luật, không đồng ý làm đơn xin nghỉ việc vì ông vẫn tha thiết với nghề và trường. Quyết định này của ông Bình một lần nữa bị Sở GD-ĐT cho rằng thiếu thiện chí và khiến HĐXX có phần bất ngờ. Nhưng qua đó cũng có thể thấy rõ đó mới chính là điều mong muốn duy nhất, xuyên suốt của ông Bình từ khi quyết định bắt đầu vụ kiện đến nay.
Nên mang tính giáo dục
Trong phần nêu ý kiến của mình, đại diện VKSND Tối cao nói việc ông Bình phạt học sinh thụt dầu phải nhập viện là có thật và hành vi này gây bức xúc đối với phụ huynh, ảnh hưởng đến uy tín của trường và Sở GD-ĐT, vì thế cần thiết phải xử lý. Tuy nhiên, ông Bình đã nhận thấy sai sót và có ý thức khắc phục một phần hậu quả bằng việc đề nghị hỗ trợ chi phí điều trị. Hơn nữa, nguyên nhân phần nào cũng có lỗi của học sinh dẫn đến việc giáo viên thiếu kiềm chế, xử lý quá đà.
Vi phạm đã rõ, vấn đề vi phạm đó có rất nghiêm trọng hay không và xử lý như thế nào? Theo tài liệu trong hồ sơ, biên bản họp của tổ toán Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM, thể hiện: 12/13 giáo viên đề nghị xem xét hoàn cảnh gia đình, cống hiến của ông Bình, xử nhẹ tạo cơ hội cho ông Bình được tiếp tục cống hiến.
Mặt khác, không phải ngẫu nhiên mà HĐXX dừng phiên tòa hai lần vì quyết định buộc thôi việc là quá nghiêm khắc đối với ông Bình. Nghị định 35 của Chính phủ nêu hành vi cần áp dụng hình thức buộc thôi việc cán bộ công chức là khi họ bị tù giam, sử dụng văn bằng giả, nghiện ma túy... Tuy nhiên, Sở GD-ĐT lại vận dụng tình tiết vi phạm lần đầu nhưng rất nghiêm trọng.
Hơn nữa, quyết định của ngành giáo dục phải mang đậm tính giáo dục. Ông Bình từng bước nhận ra sai phạm, tha thiết được gắn bó với Trường THPT Lê Quý Đôn - nơi ông gắn bó, cống hiến nhiều năm. Xử lý một con người với quyết định pháp luật và bằng quyền lực không khó. Nhưng xử lý như thế nào, người quản lý cần xem xét kỹ để thấu lý, đạt tình và để ông Bình và những giáo viên khác nhìn vào đó mà tâm phục khẩu phục. Chính điều này mới có ý nghĩa giáo dục.
Với những phân tích trên, VKSND Tối cao đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận kháng cáo của ông Bình, hủy quyết định buộc thôi việc của Sở GD-ĐT.
Hai lần dừng phiên tòa để các bên hòa giải có thể thấy tòa rất trăn trở về vụ án này bởi đây là vụ án đặc biệt, người khởi kiện là một thầy giáo có nhiều năm trong nghề, người bị kiện là giám đốc Sở GD-ĐT. Trong lần thắng kiện này của Sở GD-ĐT TPHCM, liệu uy tín của sở có được nâng cao, mức xử lý kỷ luật này có tác dụng răn đe, giáo dục như Sở GD-ĐT mong muốn? Nhưng có một sự thật là ông Bình đã không còn đường trở lại nghề giáo và gia đình bé nhỏ của ông chưa biết rồi sẽ ra sao..
.

Theo đại diện VKSND Tối cao, Nghị định 35 của Chính phủ nêu hành vi cần áp dụng hình thức buộc thôi việc cán bộ công chức là khi họ bị tù giam, sử dụng văn bằng giả, nghiện ma túy... Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TPHCM lại vận dụng tình tiết vi phạm lần đầu nhưng rất nghiêm trọng đối với ông Võ Hải Bình.

Bài và ảnh: Tố Trâm

Thứ tư, 25/11/2009 | 00:45GMT+7
Em Anh Tuấn, học sinh lớp 11A8 Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM, đã vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng đau cơ, nước tiểu màu đỏ như máu

Ba ngày sau khi vào Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cấp cứu, ngày 24-11, sức khỏe của Anh Tuấn vẫn chưa tiến triển bao nhiêu và em vẫn phải nằm lặng trên giường bệnh.

Trước đó vài ngày, Tuấn và một số bạn cùng lớp đã bị thầy Võ Hải Bình, giáo viên toán Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM, phạt “thụt dầu” do cười đùa trong tiết học.


“Thụt” 100 lần


Chiều 24-11, chúng tôi có mặt tại phòng 729 Khoa Nội thận – Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, nơi Tuấn đang nằm điều trị.


Dù đang mệt mỏi nhưng em vẫn cố gắng tiếp chuyện chúng tôi. Tuấn kể: Sáng 19-11, trong tiết toán do thầy Bình dạy, em và một số bạn khác đùa giỡn với nhau. Thầy Bình phát hiện và phạt các em bằng cách bắt “thụt dầu” 100 lần.


Em Anh Tuấn đang điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM)


Các bạn khác chỉ thực hiện khoảng vài chục lần thì đuối sức và được thầy tha, trong khi Tuấn vẫn cố gắng “thụt” đủ 100 lần. “Thụt dầu” xong, thầy Bình đề nghị Tuấn đi lại, vận động và ngồi học tiếp. Hai ngày tiếp theo, dù đau chân nhưng Tuấn vẫn đến trường học.


Mẹ Tuấn cho biết hôm 19-11, thấy con đi học về người cứ xiêu vẹo, bà hỏi chuyện thì được biết Tuấn bị thầy phạt “thụt dầu”. Vì nghĩ chuyện đơn giản nên bà không đưa Tuấn đến bệnh viện ngay mà điều trị ở nhà.

Đến ngày 22-11, thấy Tuấn đi lại khó khăn hơn và tiểu ra chất màu đỏ như máu, bà vội vã đưa con vào Bệnh viện Thống Nhất. Mẹ Tuấn khẳng định ngày thường em rất khỏe mạnh, ở nhà vẫn luyện tập thể dục...


Phản sư phạm


“Thụt dầu” là biện pháp phạt học sinh ở trường? Chúng tôi đặt câu hỏi này và ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, khẳng định ban giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên không được có những phương pháp giáo dục phản sư phạm nhưng vụ việc vẫn xảy ra.


Ông Phiệt cho biết theo đề nghị của trường, ngày 24-11, thầy Võ Hải Bình đã làm kiểm điểm về việc phạt học sinh “thụt dầu”. Trong bản kiểm điểm, thấy Bình trình bày: Khi phát hiện học sinh đùa giỡn ở tiết học, thầy dọa sẽ ghi vào sổ đầu bài nhưng các em đề nghị được “tự xử” bằng cách “thụt dầu”.

Ông Phiệt nhận xét: “Phương pháp của giáo viên ở đây không đúng cách, không đúng liều và không đúng chỗ. Chuyện đó là sai, huống hồ giáo viên lại đứng chứng kiến”.


Ông Phiệt cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, trường đã báo cáo và xin ý kiến xử lý của Sở GD-ĐT TPHCM. Trước mắt, sở chỉ đạo phải tập trung lo sức khỏe cho học sinh Anh Tuấn.


Trường THPT Lê Quý Đôn là trường được Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng theo mô hình trường tiên tiến tiêu chuẩn quốc tế. Học phí mỗi tháng của học sinh ít nhất 890.000 đồng. Tuy nhiên, với cách giáo dục học sinh thế này, dù là cá biệt, dư luận vẫn băn khoăn về mô hình trường tiên tiến tại THPT Lê Quý Đôn.

Điều trị trễ sẽ suy thận cấp, yếu cơ

Theo bác sĩ Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, Tuấn nhập viện trong tình trạng đau cơ và nước tiểu màu đỏ như máu. Từ những xét nghiệm, bệnh viện chẩn đoán Tuấn bị ly giải cơ. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng trước mắt là suy thận cấp. Về lâu dài, bệnh nhân bị yếu các cơ. Hiện Tuấn đang được băng bó để hạn chế vận động nhóm cơ.


Bác sĩ Bách cho biết Tuấn không có tiền sử bệnh thận mà bị khởi phát đột ngột, do đó trong vòng một tuần nữa vẫn chưa thể xuất viện.

Bài và ảnh: HUY LÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét