Chính phủ "xắn tay" cứu bất động sản

Chính phủ

(LĐ) - Số 298 - Thứ năm 20/12/2012 07:05
 
Trong hai ngày 18 và 19.12 tại TPHCM và Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên của Chính phủ đã lắng nghe và trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc của thị trường bất động sản với lãnh đạo và doanh nghiệp BĐS của hai thành phố lớn.
Sự quyết liệt của Chính phủ đã tạo ra một sự kỳ vọng lớn trong giới DN và được các chuyên gia đánh giá cao.

Dừng các dự án chưa và đang GPMB

Tại hội nghị, đề cập đến các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Trước hết là phải thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, BĐS và xử lý theo hướng dừng các dự án chưa GPMB hoặc đang GPMB nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương”.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn, tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã GPMB nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.

Khẳng định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề xuất việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải cần một giải pháp dài hơi. Trong đó, hết sức lưu ý đến việc tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển đô thị và nhà ở, bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, theo quy hoạch, kế hoạch...

Thủ tướng đề nghị NHNN, bên cạnh xử lý nợ xấu, bao gồm cả 70% nợ xấu trong BĐS, cần trích  lập quỹ dự phòng rủi ro, tích cực xử lý tài sản thế chấp, đề xuất chính sách cho vay linh hoạt đối với các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, cần minh bạch thông tin về các diễn biến của thị trường BĐS, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cùng với nội dung làm việc với TPHCM, Chính phủ sẽ thảo luận nội dung này trong phiên họp thường kỳ tháng 12.2012 và sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Nhà bình dân hưởng lợi

Trao đổi qua điện thoại với PV Lao Động vào chiều 19.12, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea)- cho biết: “Từ sáng đến giờ tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các hội viên của Horea bày tỏ một sự hy vọng lớn về cơ hội làm ấm lại thị trường BĐS. Thực ra, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cũng là tháo gỡ khó khăn chung của nhiều ngành kinh tế khác. Thực tế, khi thị trường BĐS khó khăn, nhiều ngành liên quan khác như vật liệu xây dựng, sắt thép xây dựng cũng bị lao đao theo”.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu: “Những giải pháp được Chính phủ đồng ý là hướng đến  người có thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở thực sự, những DN đầu tư vào phân khúc căn hộ bình dân, có giá bán phù hợp với khả năng thanh toán của người có thu nhập thấp”.

UBND TP đã thuận chủ trương mua 500 căn hộ thương mại để làm quỹ nhà ở xã hội, đồng thời TP cũng sẽ mua lại trên 15.000 căn hộ, nền đất để làm quỹ nhà tái định cư với tổng số tiền lên đến gần 10.000 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng: “Trước mắt phân khúc thị trường BĐS giá bình dân, mỗi căn hộ có giá từ 1 tỉ đồng trở xuống sẽ được hưởng lợi. Qua 2 buổi làm việc của Chính phủ và Bộ Tài chính tại TPHCM về thị trường BĐS, tôi thấy nổi lên quan điểm rất rõ ràng đó làm ấm lại từng phần của thị trường BĐS. Thị trường BĐS có tính liên thông, khi phân khúc nhà bình dân được vực dậy sẽ dần có tác động đến các phân khúc khác”.

Chứng khoán thăng hoa sau tin cứu bất động sản. Cả hai sàn CK trong phiên giao dịch ngày 19.12 tăng mạnh trong cả phiên sáng và phiên chiều với lực mua mạnh. VN-Index đóng cửa tăng 5,2 điểm (1,32%) lên 398,59 điểm; VN30-Index tăng 6,7 điểm (1,46%) lên 467,12 điểm.

HNX-Index cũng tăng 0,97 điểm (1,8%) lên 54,93 điểm. Toàn thị trường có gần 360 mã tăng giá, trong đó có 158 mã tăng trần. Nhóm cổ phiếu (CP) bất động sản dẫn đầu về tăng giá. Trong tổng số 92 CP bất động sản và xây dựng niêm yết trên cả hai sàn có tới 41 mã tăng trần, 22 mã tăng giá và chỉ có 10 mã giảm giá. DLG có phiên tăng trần thứ năm liên tiếp, KBC dù chịu áp lực thoái vốn từ quỹ ETF nhưng vẫn lên trần...

Không chỉ bùng nổ về điểm số, hai sàn phiên này còn bùng nổ về khối lượng giao dịch. Trên sàn HCM có tới 72,5 triệu CP được chuyển nhượng, tương đương 939 tỉ đồng; sàn Hà Nội cũng tới 59 triệu CP, đương đương 363 tỉ đồng được giao dịch.

Ngoài các mã bất động sản, CTG phiên này cũng tạo điểm nhấn với hơn 7,53 triệu CP được giao dịch thành công, tương đương giá trị xấp xỉ 134 tỉ đồng. Trong đó, khối nhà đầu tư nước ngoài giao dịch thành công hơn 6,55 triệu CTG, tương đương 87% tổng lượng giao dịch. SHB phiên này cũng tăng trần với khối lượng giao dịch gần 10 triệu CP, SCR dư mua trần 1,8 triệu đơn vị...  L.THỦY


Các giải pháp của Chính phủ cứu bất động sản là liều kháng sinh tức thì  
TS Nguyễn Quang A. Ảnh: Internet

Các giải pháp của Chính phủ cứu bất động sản là liều kháng sinh tức thì

(LĐ) - Số 298 - Thứ năm 20/12/2012 06:30
 
Theo TS Nguyễn Quang A, "để cứu thị trường bất động sản (BĐS) lúc này thì các giải pháp Thủ tướng đưa ra là phù hợp".
Ví như việc quyết không đổ tiền vào nhà ở thương mại là đúng; hạ lãi suất để người dân có thể vay được mua nhà hay loại bỏ những DN năng lực yếu để thanh lọc thị trường cũng là đúng. Những giải pháp cứu tức thời thế là tốt.

Nhưng bên cạnh đó, tôi cho rằng vẫn cần phải lưu ý đến những giải pháp dài hơi hơn vì nếu không thì thị trường “băng” hay thị trường bong bóng sẽ lặp lại trong thời gian ngắn. Chính phủ phải tỉnh táo với việc này vì lúc này DN nào cũng kêu nguy cấp, nhưng “anh” nào thật, “anh” nào giả thì Chính phủ phải xem xét,  nếu làm không khéo chỉ cốt giải cứu cho các Cty “sân sau” thì tình hình còn tồi tệ hơn và thị trường càng méo mó hơn. Đây chỉ là liều kháng sinh tức thì, song chưa giải quyết được tận gốc.

Theo tôi, cần phải để những DN yếu sập thêm, giá nhà phải hạ đến mức đa số người dân có thể mua được nhà, phải chấp nhận giải pháp đau đớn thì mới thay đổi được tình hình. Về lâu dài, tôi cho rằng việc giải quyết thỏa đáng vấn đề đất đai, tiến hành đăng ký BĐS, thuế BĐS (thậm chí thuế tài sản)... chính là những công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường BĐS. Nếu Nhà nước làm tốt những việc ấy thì thị trường BĐS sẽ phát triển lành mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Tổng GĐ CTCP Group Cường Phát, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội: Đây là những giải pháp rất quyết liệt lấy lại lòng tin của doanh nghiệp

Hơn 10 năm nay kể từ khi có thị trường BĐS đến nay, chưa bao giờ thị trường này nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ như hiện nay. Một lượng hàng tồn kho BĐS khổng lồ và bài toán nợ xấu nếu không được tháo ngòi chắc chắn sẽ làm nền kinh tế suy yếu. Các giải pháp Thủ tướng đưa ra được các DN rất trông đợi. Bao nhiêu hội nghị, tọa đàm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ cho BĐS được tổ chức nhưng nút thắt cho thị trường là vốn thì vẫn chưa gỡ được.

Giờ với chỉ đạo sát sao của Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng nhập cuộc, lãi suất cho vay hạ, một lượng hàng tồn kho sẽ được giải phóng, người dân có nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhóm đối tượng không có khả năng mua nhà theo giá thị trường sẽ có cơ hội có nhà.

Thực tế một thời gian dài vừa qua, bên cạnh tâm lý đầu cơ bầy đàn thổi giá, một trong những nguyên nhân khiến giá BĐS cao còn do các DN BĐS phải vay vốn thực hiện dự án với lãi suất lên tới 20%, tự bỏ tiền GPMB...

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT CTCP sàn bất động sản DTJ: Muốn phá băng thị trường nên mở rộng đối tượng cho vay

Hiện nay các giải pháp tháo gỡ cho thị trường BĐS đang quá tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, về mặt chính trị xã hội thì rất tốt và rất có ý nghĩa.

Tuy nhiên, dưới góc độ người trực tiếp tham gia thị trường thì tôi cho rằng thanh khoản nhất của thị trường hiện nay lại là phân khúc nhà trung bình, nhà bình dân. Các chính sách ưu đãi đang được đề xuất hiện nay hướng mạnh vào các đối tượng người thu nhập thấp, các đối tượng này khi vay mua nhà sẽ được hỗ trợ lãi suất thấp, song thực tế tuần nào sàn DTJ cũng mở vài phiên giao dịch nhưng số người thu nhập thấp dám vay mua nhà rất ít. Họ không dám vay vì không có tiền trả lãi ngân hàng 5-10 triệu đồng/tháng.

Theo tôi, muốn phá băng thị trường, nên mở rộng đối tượng cho vay, không chỉ cho vay mua nhà ở xã hội mà cả nhà thương mại, có vậy mới kéo được thị trường ấm lên.  

Chủ nợ phong tỏa Nhà máy cồn Đại Tân

Chủ nợ phong tỏa Nhà máy cồn Đại Tân  
Nhà máy cồn lặng ngắt sau cuộc xô xát giữa các chủ nợ hôm 20.12.

(LĐ) - Số 300 - Thứ bảy 22/12/2012 15:16

Ngày 21.12, vụ các chủ nợ phong tỏa Nhà máy cồn Đại Tân của Cty Đồng Xanh tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam (trong khi lãnh đạo Cty biến mất) vẫn trong tình trạng bế tắc.
Hàng trăm công nhân nhà máy bỗng dưng mất việc làm, phải sống lay lắt mà không được hưởng bất cứ chế độ nào.

Đi đòi nợ để... trốn nợ

Khu vực nhà máy cồn của Cty Đồng Xanh tại xã Đại Tân ngày 21.12 vắng tanh, chỉ có vài bảo vệ nhà máy trực canh ở cổng. Sau trận xô xát giữa vệ sĩ Cty Phi Vũ - được Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) - chi nhánh Đà Nẵng thuê vào “xiết nợ” - với những chủ nợ khác là người dân đang túc trực tại cổng nhà máy, phía ngân hàng tạm rút quân, còn phía Cty vệ sĩ đang chờ công an tỉnh làm rõ hành vi phá hoại tàn sản và gây rối trật tự trị an. Riêng khoảng 20 chủ nợ là người dân sản xuất, thu gom bán nguyên liệu sắn, bán than đốt, cung cấp thức ăn... cho nhà máy thì vẫn cố thủ trong các xe tải đặt ngang cổng chính, cổng phụ nhà máy và các quán xá gần đó.

Bà Phan Thị Lục - vợ ông Lê Văn Tường, ở xã Đại Tân - kể: “Tôi bán hơn 4.000 tấn sắn cho nhà máy từ tháng 7.2011-3.2012, nhưng nhà máy cứ trả tiền thiếu trước hụt sau, đến tháng 11.2012 được lãnh đạo nhà máy chốt công nợ hơn 1,8 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi, rồi trốn luôn, để tôi phải lâm cảnh khốn nạn thế này đây. Tôi mua gom số sắn này của rất nhiều nông dân trong tỉnh, cũng nợ tiền nông dân, phải vay của ngân hàng Sacombank và nhiều người quen để trả tạm cho họ, chứ họ cũng lấy gì mà ăn, giờ tui ôm nợ, phá sản đến nơi rồi”.

Hàng chục chủ nợ khác là người ở các tỉnh Tây Nguyên đã đăng ký tạm trú với xã Đại Tân, quyết cố thủ đòi nợ. Ông Trần Quang Minh (ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cùng những người dân gom sắn bán cho nhà máy bức xúc: “Chúng tôi vạ vật ở đây để đòi nợ mà cũng là... trốn nợ. Bởi chúng tôi mua gom sắn của hàng vạn nông dân các tỉnh Tây Nguyên rồi thuê xe chở xuống bán cho nhà máy từ mấy năm nay, lại bị nhà máy trả tiền theo kiểu ''nợ gối đầu'', rồi tịt luôn, nên chúng tôi cũng mang nợ nông dân. Nếu không đòi được món nợ này, chúng tôi cũng... ra đường ở, chứ nhà cửa tài sản rồi phải bán để trả nợ nông dân thôi”.

Hàng trăm công nhân bơ vơ

Cùng chầu chực gần nhà máy để đòi quyền lợi còn có nhiều công nhân. Ông Phan Văn Chính ở xã Đại Nghĩa và ông Trương Văn Thủ ở xã Đại Minh (cùng huyện Đại Lộc) cho biết, họ vào làm công nhân nhà máy từ năm 2009. Cuối tháng 10.2012, nhà máy bỗng nhiên ngừng hoạt động, lãnh đạo cũng cuốn gói đi biệt mà không nói một lời nào về số phận của hơn 300 công nhân nhà máy. Trong khi đó, từ tháng 8.2011 đến nay, họ làm việc mà không hề được nhà máy trả lương. Đến khi ngừng hoạt động, nhà máy nợ lương và các khoản bảo hiểm của công nhân đến gần 7 tỉ đồng.

“Tôi là kỹ sư, lao động chính của gia đình, làm việc cho nhà máy từ năm 2009 đến nay, nhưng giờ bị nhà máy bỏ rơi, không được hưởng bất cứ quyền lợi hay bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gì cả, trong khi nhà máy lâu nay vẫn thu tiền đóng bảo hiểm của tôi. Toàn bộ anh em công nhân khác của nhà máy đều chịu chung số phận, giờ bơ vơ, người thì đi làm thuê nơi khác, người thì về nhà làm ruộng sống qua ngày” - ông Chính nói.

Ông Lương Tân Thành - Chủ tịch LĐLĐ huyện - cho biết: “Nhà máy cồn sau khi hoạt động, có thành lập tổ chức Công đoàn lâm thời, có thu đoàn phí của công nhân, nhưng dù LĐLĐ huyện mấy năm nay nhiều lần đến làm việc, mời họp... để vận động tổ chức đại hội công đoàn chính thức thì họ lại cố tình né tránh mãi, không tổ chức đại hội. Khi xảy ra sự việc nợ lương, các công nhân gửi đơn, đến báo với LĐLĐ huyện, và huyện đã báo với chính quyền huyện, đề nghị có hướng xử lý đảm bảo quyền lợi công nhân”. Còn các chủ nợ là người cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giờ đều trông vào món hàng cồn trong kho, nên quyết không để ngân hàng tẩu tán.

Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho biết: “Trước sự cố nhà máy cồn, huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, đặc biệt là hướng dẫn nông dân trồng sắn phơi khô sản phẩm để bán cho các đơn vị thu mua khác, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có đầu ra cho sản phẩm”. Còn ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết: “Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm tình hình, hỗ trợ nhà máy và các bên liên quan giải quyết vấn đề”. Tuy nhiên đến nay, vụ việc vẫn đang trong tình trạng phức tạp, bế tắc.

Vực dậy thị trường BĐS: Cuộc “đại phẫu” đớn đau



“Căn bệnh” của thị trường địa ốc chưa bao giờ được Chính phủ “hội chẩn” một cách nghiêm túc như hiện tại với quyết tâm lành mạnh hoá thị trường, dù phải cắt bỏ những khối u lớn nhỏ.


Xác định rõ nguồn cơn để có biện pháp khắc phục hiệu quả là phương châm của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng trong buổi làm việc tại Hà Nội và TP.HCM trong 2 ngày 18, 19/12 về tình hình thị trường bất động sản hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, biện pháp quan trọng nhất để vực dậy thị trường bất động sản thời gian tới là nhanh chóng điều chỉnh lại cơ cấu hàng hoá bất động sản, cân đối cung cầu. Phải rà soát các dự án, phân loại để xử lý, dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương, giảm thời gian điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của dự án cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.

“Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản; tăng cường hoạt động sàng lọc doanh nghiệp, những doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính phải kiên quyết không cho tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, các biện pháp trên có thể dẫn đến phản ứng từ các chủ đầu tư dự án, nhưng đó là việc làm cần thiết trong điều kiện số lượng dự án đã cấp phép vượt hàng triệu m2 sàn xây dựng so với Chiến lược Phát triển nhà ở cũng như khả năng hấp thụ của thị trường.

Phân khúc căn hộ cao cấp một thời sôi động cũng đang trở nên trầm lắng

Theo Chiến lược Phát triển nhà ở, đến năm 2020, TP.HCM cần phát triển thêm khoảng 66 triệu m2 nhà ở. Thế nhưng, trên thực tế, diện tích nhà ở tại các dự án đã giao chủ đầu tư lên tới hơn 80 triệu m2. Tình hình tại Hà Nội cũng tương tự, khi diện tích sàn xây dựng tại các dự án đã giao chủ đầu tư vượt hàng chục triệu m2 so với quy hoạch nhà ở đô thị đến năm 2020.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện còn khoảng 15.000 căn hộ chung cư chưa bán được, chủ yếu là các căn hộ có diện tích trên 90 m2. Ngoài ra, còn khoảng trên 300.000 m2 đất nền, gần 60.000 m2 văn phòng chưa giao dịch được, với tổng giá trị khoảng 30.242 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Tín cũng lưu ý, thị trường còn nhiều dự án đã huy động một phần vốn hay đã giải phóng mặt bằng nhưng phải dừng do không có thị trường. Các nhà đầu tư thứ cấp đã mua hàng, nhưng không bán được cho người tiêu dùng… Vì vậy, số vốn tồn đọng trong bất động sản còn lớn hơn rất nhiều so với số liệu báo cáo nêu trên.

Để vực dậy thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đã trực tiếp đề xuất 6 giải pháp cụ thể: tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo hành lang pháp lý; cơ cấu lại thị trường; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; thực hiện chính sách tài khoá và thuế; hỗ trợ doanh nghiệp miễn, giảm thuế đối với một số loại hình đầu tư bất động sản; giúp người mua nhà tiếp cận vốn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi…

Điều đáng lưu ý trong chương trình “giải cứu” thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng trình Chính phủ mới đây, đó là lần đầu tiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận trước Thủ tướng Chính phủ nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng của thị trường bất động sản hiện nay là do việc cấp phép và phát triển dự án theo nhu cầu ảo. Điều này bấy lâu nay ít được cơ quan chức năng đề cập trong các báo cáo thành tích phát triển thị trường địa ốc.

Cùng với 6 giải pháp nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các địa phương cho phép các dự án đã giải phóng mặt bằng có thể tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn, cho phép khai thác kinh doanh, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Ngoài ra, đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành, nhưng không bán được do diện tích căn hộ quá lớn, thì tuỳ theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân hoặc chuyển sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại… Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng, nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, thì cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động…

Thị trường bất động sản gần như “đông cứng” suốt nhiều tháng qua đang trông chờ vào những biện pháp tích cực và mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý thị trường bất động sản. Kết quả của các biện pháp này ra sao thì chỉ có qua thực tế mới có thể kiểm chứng. Nhưng rõ ràng, nếu các biện pháp được thực thi đúng và đủ như đã được công bố, thì sẽ có hàng loạt dự án và nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải ra đi sau cuộc “đại phẫu”. Chính phủ cũng đang xem xét ban hành một nghị quyết riêng để vực dậy thị trường bất động sản vào cuối tháng này.
 
Đâu là giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường BĐS hiện nay? Mời bạn đọc Vland cùng đưa ra những giải pháp giải cứu thị trường BĐS để hi vọng vực dậy thị trường vào năm mới, 2013. Bạn đọc cũng có thể gửi những ý kiến bình luận, những bài viết đưa ra ý kiến của mình trước những chính sách của Bộ xây dựng nhằm vực lại thị trường đầy khó khăn này.

 Những ý kiến góp ý xác đáng, có hiệu quả sẽ được đăng tải trên trang bất động sản Vland và được trả nhuận bút theo quy định. Các giải pháp hay, được độc giả bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn của chuyên trang bất động sản Vland.

 Thời gian bắt đầu diễn đàn từ ngày 18/12/2012 và kết thúc vào 30/1/2013.

 Kính mời độc giả tham gia đóng góp ý kiến để những chính sách sắp tới Bộ xây dựng đưa ra sẽ được đông đảo phản hồi và sự đồng tình của người dân nhiều hơn.
 Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: vland@vietnamnet.vn

Theo Báo đầu tư

Cách bù lỗ bằng túi tiền người dân của EVN?

Cập nhật lúc 15:03, 22/12/2012

(ĐVO) - “Đến thời điểm này chúng tôi không có kế hoạch thưởng Tết, có chăng chỉ là tìm cách ứng lương trước cho nhân viên”, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định chiều 21/12.

Không thưởng Tết


Theo Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri, năm nay dự kiến EVN lãi khoảng 3.500 - 4.000 tỉ đồng, nhưng vẫn đang phải bù vào phần hụt (tiền lỗ - PV) của các năm trước để lại. Những phần chưa bù đắp hết được sẽ chuyển vào kế hoạch năm tới. Và theo đó, dự kiến của tập đoàn, trong năm 2013, sẽ tiếp tục có lãi để bù vào phần còn lại”.
co-lai-nhung-EVN-van-khong-thuong-tet-Baodatviet.vn.jpg
Có lãi lớn nhưng năm nay EVN vẫn không có thưởng Tết để dồn tiền cho bù lỗ các năm trước. Ảnh minh họa Internet.
Lý giải cho việc không lên kế hoạch thưởng Tết, cho dù năm nay EVN có lãi, ông Tri cho biết, phần quỹ thưởng đều được EVN dùng để bù hết vào các khoản lỗ của tập đoàn.

EVN đã ra thông báo tăng giá điện 5% từ ngày 22/12/2012, lần tăng này EVN có thêm 7.000 tỉ đồng. Đây là lần thứ 2 EVN tăng giá điện trong năm 2012, lần trước là vào tháng 7/2012, với mức tăng 5%. Lần tăng đó doanh thu bán điện của EVN tăng thêm khoảng 3.700 tỉ đồng.

Đứng trên góc độ người tiêu dùng, ông Tri nói, việc thì tăng giá điện không bao giờ hợp lý, tăng 1 đồng cũng là bất hợp lý.

“Kể cả bản thân tôi, khi tôi về nhà, vợ tôi cũng sẽ nói điện tăng giá là không phù hợp”, ông Tri chia sẻ chân tình.

Trong năm 2011, với lý do thua lỗ trong sản xuất kinh doanh, EVN cũng công bố không có thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên toàn tập đoàn.

Năm 2011, EVN lỗ hơn 3.000 tỉ đồng; năm 2010, EVN lỗ 8.000 tỉ đồng. Chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ đến ngày 31/12/2011 là hơn 26.600 tỉ đồng.

Kế hoạch tài chính kinh doanh của EVN giai đoạn 2011-2015, đã được Thủ tướng phê duyệt, có cho phép EVN từng bước nâng giá điện bình quân để sang năm 2013 giá bán điện theo giá thị trường và từ 2012 đến 2015, tập đoàn này đảm bảo kinh doanh có lãi.

Lỗ vẫn đi nước ngoài

Chỉ ít ngày sau khi công bố tăng giá điện đợt 1 vào tháng 7 vừa qua để bù lỗ, dư luận lại được phen “nổi sóng”, khi một thành viên thuộc EVN là Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) có kế hoạch đưa 400 giám đốc, phó giám đốc đi tham quan học tập ở nước ngoài (Hồng Kông - Thẩm Quyến, Hàn Quốc, Đài Loan).

Danh sách này chia làm 18 đoàn, mỗi đoàn 20-30 người, đi trong thời gian 5-7 ngày. Với kế hoạch đi Hồng Kông - Thẩm Quyến (Trung Quốc), EVN SPC tổ chức 6 đoàn đi từ đầu năm tới 31/8/2012; đi Hàn Quốc có 6 đoàn, thời gian từ cuối tháng 7 đến 22/9/2012; đi Đài Loan có 6 đoàn, dự kiến đi cuối tháng 10/2012.

Tính tới giữ tháng 8/2012, có 6 đoàn đã hoàn tất chuyến đi. Sau khi sự việc được báo chí đưa tin, EVN SPC đã hủy 12 chuyến còn lại này.

Trong đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của EVN SPC, trong 4 năm từ 2012 - 2015, khoảng 1.500 cán bộ điện lực sẽ được ra nước ngoài “học tập”.

Trước đó, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN từng phát biểu lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng/tháng, khi đó ông Thanh từng “rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó”.
2 lần tăng 5% để được tự quyết
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường, nếu tăng trong phạm vi 5%, EVN được quyền tự quyết và chỉ cần thông báo tới Bộ Công thương.

Nếu tăng giá điện quá 5%, EVN sẽ phải báo cáo Liên Bộ Tài chính - Công thương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong năm 2012, EVN tăng giá điện 2 lần cách nhau chỉ 3 tháng. EVN đã cực kỳ khéo trong việc chọn mức tăng 5% để không phải trình Chính phủ. Hơn nữa, cần lưu ý rằng, dù cùng tăng 5% nhưng xét về giá trị thì 5% của lần sau bao giờ cũng lớn hơn lần trước.
  • P.V (tổng hợp)