Chính phủ "xắn tay" cứu bất động sản

Chính phủ

(LĐ) - Số 298 - Thứ năm 20/12/2012 07:05
 
Trong hai ngày 18 và 19.12 tại TPHCM và Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên của Chính phủ đã lắng nghe và trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc của thị trường bất động sản với lãnh đạo và doanh nghiệp BĐS của hai thành phố lớn.
Sự quyết liệt của Chính phủ đã tạo ra một sự kỳ vọng lớn trong giới DN và được các chuyên gia đánh giá cao.

Dừng các dự án chưa và đang GPMB

Tại hội nghị, đề cập đến các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Trước hết là phải thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, BĐS và xử lý theo hướng dừng các dự án chưa GPMB hoặc đang GPMB nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương”.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn, tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã GPMB nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.

Khẳng định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề xuất việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải cần một giải pháp dài hơi. Trong đó, hết sức lưu ý đến việc tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển đô thị và nhà ở, bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, theo quy hoạch, kế hoạch...

Thủ tướng đề nghị NHNN, bên cạnh xử lý nợ xấu, bao gồm cả 70% nợ xấu trong BĐS, cần trích  lập quỹ dự phòng rủi ro, tích cực xử lý tài sản thế chấp, đề xuất chính sách cho vay linh hoạt đối với các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, cần minh bạch thông tin về các diễn biến của thị trường BĐS, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cùng với nội dung làm việc với TPHCM, Chính phủ sẽ thảo luận nội dung này trong phiên họp thường kỳ tháng 12.2012 và sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Nhà bình dân hưởng lợi

Trao đổi qua điện thoại với PV Lao Động vào chiều 19.12, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea)- cho biết: “Từ sáng đến giờ tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các hội viên của Horea bày tỏ một sự hy vọng lớn về cơ hội làm ấm lại thị trường BĐS. Thực ra, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cũng là tháo gỡ khó khăn chung của nhiều ngành kinh tế khác. Thực tế, khi thị trường BĐS khó khăn, nhiều ngành liên quan khác như vật liệu xây dựng, sắt thép xây dựng cũng bị lao đao theo”.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu: “Những giải pháp được Chính phủ đồng ý là hướng đến  người có thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở thực sự, những DN đầu tư vào phân khúc căn hộ bình dân, có giá bán phù hợp với khả năng thanh toán của người có thu nhập thấp”.

UBND TP đã thuận chủ trương mua 500 căn hộ thương mại để làm quỹ nhà ở xã hội, đồng thời TP cũng sẽ mua lại trên 15.000 căn hộ, nền đất để làm quỹ nhà tái định cư với tổng số tiền lên đến gần 10.000 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng: “Trước mắt phân khúc thị trường BĐS giá bình dân, mỗi căn hộ có giá từ 1 tỉ đồng trở xuống sẽ được hưởng lợi. Qua 2 buổi làm việc của Chính phủ và Bộ Tài chính tại TPHCM về thị trường BĐS, tôi thấy nổi lên quan điểm rất rõ ràng đó làm ấm lại từng phần của thị trường BĐS. Thị trường BĐS có tính liên thông, khi phân khúc nhà bình dân được vực dậy sẽ dần có tác động đến các phân khúc khác”.

Chứng khoán thăng hoa sau tin cứu bất động sản. Cả hai sàn CK trong phiên giao dịch ngày 19.12 tăng mạnh trong cả phiên sáng và phiên chiều với lực mua mạnh. VN-Index đóng cửa tăng 5,2 điểm (1,32%) lên 398,59 điểm; VN30-Index tăng 6,7 điểm (1,46%) lên 467,12 điểm.

HNX-Index cũng tăng 0,97 điểm (1,8%) lên 54,93 điểm. Toàn thị trường có gần 360 mã tăng giá, trong đó có 158 mã tăng trần. Nhóm cổ phiếu (CP) bất động sản dẫn đầu về tăng giá. Trong tổng số 92 CP bất động sản và xây dựng niêm yết trên cả hai sàn có tới 41 mã tăng trần, 22 mã tăng giá và chỉ có 10 mã giảm giá. DLG có phiên tăng trần thứ năm liên tiếp, KBC dù chịu áp lực thoái vốn từ quỹ ETF nhưng vẫn lên trần...

Không chỉ bùng nổ về điểm số, hai sàn phiên này còn bùng nổ về khối lượng giao dịch. Trên sàn HCM có tới 72,5 triệu CP được chuyển nhượng, tương đương 939 tỉ đồng; sàn Hà Nội cũng tới 59 triệu CP, đương đương 363 tỉ đồng được giao dịch.

Ngoài các mã bất động sản, CTG phiên này cũng tạo điểm nhấn với hơn 7,53 triệu CP được giao dịch thành công, tương đương giá trị xấp xỉ 134 tỉ đồng. Trong đó, khối nhà đầu tư nước ngoài giao dịch thành công hơn 6,55 triệu CTG, tương đương 87% tổng lượng giao dịch. SHB phiên này cũng tăng trần với khối lượng giao dịch gần 10 triệu CP, SCR dư mua trần 1,8 triệu đơn vị...  L.THỦY


Các giải pháp của Chính phủ cứu bất động sản là liều kháng sinh tức thì  
TS Nguyễn Quang A. Ảnh: Internet

Các giải pháp của Chính phủ cứu bất động sản là liều kháng sinh tức thì

(LĐ) - Số 298 - Thứ năm 20/12/2012 06:30
 
Theo TS Nguyễn Quang A, "để cứu thị trường bất động sản (BĐS) lúc này thì các giải pháp Thủ tướng đưa ra là phù hợp".
Ví như việc quyết không đổ tiền vào nhà ở thương mại là đúng; hạ lãi suất để người dân có thể vay được mua nhà hay loại bỏ những DN năng lực yếu để thanh lọc thị trường cũng là đúng. Những giải pháp cứu tức thời thế là tốt.

Nhưng bên cạnh đó, tôi cho rằng vẫn cần phải lưu ý đến những giải pháp dài hơi hơn vì nếu không thì thị trường “băng” hay thị trường bong bóng sẽ lặp lại trong thời gian ngắn. Chính phủ phải tỉnh táo với việc này vì lúc này DN nào cũng kêu nguy cấp, nhưng “anh” nào thật, “anh” nào giả thì Chính phủ phải xem xét,  nếu làm không khéo chỉ cốt giải cứu cho các Cty “sân sau” thì tình hình còn tồi tệ hơn và thị trường càng méo mó hơn. Đây chỉ là liều kháng sinh tức thì, song chưa giải quyết được tận gốc.

Theo tôi, cần phải để những DN yếu sập thêm, giá nhà phải hạ đến mức đa số người dân có thể mua được nhà, phải chấp nhận giải pháp đau đớn thì mới thay đổi được tình hình. Về lâu dài, tôi cho rằng việc giải quyết thỏa đáng vấn đề đất đai, tiến hành đăng ký BĐS, thuế BĐS (thậm chí thuế tài sản)... chính là những công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường BĐS. Nếu Nhà nước làm tốt những việc ấy thì thị trường BĐS sẽ phát triển lành mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Tổng GĐ CTCP Group Cường Phát, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội: Đây là những giải pháp rất quyết liệt lấy lại lòng tin của doanh nghiệp

Hơn 10 năm nay kể từ khi có thị trường BĐS đến nay, chưa bao giờ thị trường này nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ như hiện nay. Một lượng hàng tồn kho BĐS khổng lồ và bài toán nợ xấu nếu không được tháo ngòi chắc chắn sẽ làm nền kinh tế suy yếu. Các giải pháp Thủ tướng đưa ra được các DN rất trông đợi. Bao nhiêu hội nghị, tọa đàm tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ cho BĐS được tổ chức nhưng nút thắt cho thị trường là vốn thì vẫn chưa gỡ được.

Giờ với chỉ đạo sát sao của Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng nhập cuộc, lãi suất cho vay hạ, một lượng hàng tồn kho sẽ được giải phóng, người dân có nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhóm đối tượng không có khả năng mua nhà theo giá thị trường sẽ có cơ hội có nhà.

Thực tế một thời gian dài vừa qua, bên cạnh tâm lý đầu cơ bầy đàn thổi giá, một trong những nguyên nhân khiến giá BĐS cao còn do các DN BĐS phải vay vốn thực hiện dự án với lãi suất lên tới 20%, tự bỏ tiền GPMB...

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT CTCP sàn bất động sản DTJ: Muốn phá băng thị trường nên mở rộng đối tượng cho vay

Hiện nay các giải pháp tháo gỡ cho thị trường BĐS đang quá tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, về mặt chính trị xã hội thì rất tốt và rất có ý nghĩa.

Tuy nhiên, dưới góc độ người trực tiếp tham gia thị trường thì tôi cho rằng thanh khoản nhất của thị trường hiện nay lại là phân khúc nhà trung bình, nhà bình dân. Các chính sách ưu đãi đang được đề xuất hiện nay hướng mạnh vào các đối tượng người thu nhập thấp, các đối tượng này khi vay mua nhà sẽ được hỗ trợ lãi suất thấp, song thực tế tuần nào sàn DTJ cũng mở vài phiên giao dịch nhưng số người thu nhập thấp dám vay mua nhà rất ít. Họ không dám vay vì không có tiền trả lãi ngân hàng 5-10 triệu đồng/tháng.

Theo tôi, muốn phá băng thị trường, nên mở rộng đối tượng cho vay, không chỉ cho vay mua nhà ở xã hội mà cả nhà thương mại, có vậy mới kéo được thị trường ấm lên.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét