Cách bù lỗ bằng túi tiền người dân của EVN?

Cập nhật lúc 15:03, 22/12/2012

(ĐVO) - “Đến thời điểm này chúng tôi không có kế hoạch thưởng Tết, có chăng chỉ là tìm cách ứng lương trước cho nhân viên”, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định chiều 21/12.

Không thưởng Tết


Theo Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri, năm nay dự kiến EVN lãi khoảng 3.500 - 4.000 tỉ đồng, nhưng vẫn đang phải bù vào phần hụt (tiền lỗ - PV) của các năm trước để lại. Những phần chưa bù đắp hết được sẽ chuyển vào kế hoạch năm tới. Và theo đó, dự kiến của tập đoàn, trong năm 2013, sẽ tiếp tục có lãi để bù vào phần còn lại”.
co-lai-nhung-EVN-van-khong-thuong-tet-Baodatviet.vn.jpg
Có lãi lớn nhưng năm nay EVN vẫn không có thưởng Tết để dồn tiền cho bù lỗ các năm trước. Ảnh minh họa Internet.
Lý giải cho việc không lên kế hoạch thưởng Tết, cho dù năm nay EVN có lãi, ông Tri cho biết, phần quỹ thưởng đều được EVN dùng để bù hết vào các khoản lỗ của tập đoàn.

EVN đã ra thông báo tăng giá điện 5% từ ngày 22/12/2012, lần tăng này EVN có thêm 7.000 tỉ đồng. Đây là lần thứ 2 EVN tăng giá điện trong năm 2012, lần trước là vào tháng 7/2012, với mức tăng 5%. Lần tăng đó doanh thu bán điện của EVN tăng thêm khoảng 3.700 tỉ đồng.

Đứng trên góc độ người tiêu dùng, ông Tri nói, việc thì tăng giá điện không bao giờ hợp lý, tăng 1 đồng cũng là bất hợp lý.

“Kể cả bản thân tôi, khi tôi về nhà, vợ tôi cũng sẽ nói điện tăng giá là không phù hợp”, ông Tri chia sẻ chân tình.

Trong năm 2011, với lý do thua lỗ trong sản xuất kinh doanh, EVN cũng công bố không có thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên toàn tập đoàn.

Năm 2011, EVN lỗ hơn 3.000 tỉ đồng; năm 2010, EVN lỗ 8.000 tỉ đồng. Chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ đến ngày 31/12/2011 là hơn 26.600 tỉ đồng.

Kế hoạch tài chính kinh doanh của EVN giai đoạn 2011-2015, đã được Thủ tướng phê duyệt, có cho phép EVN từng bước nâng giá điện bình quân để sang năm 2013 giá bán điện theo giá thị trường và từ 2012 đến 2015, tập đoàn này đảm bảo kinh doanh có lãi.

Lỗ vẫn đi nước ngoài

Chỉ ít ngày sau khi công bố tăng giá điện đợt 1 vào tháng 7 vừa qua để bù lỗ, dư luận lại được phen “nổi sóng”, khi một thành viên thuộc EVN là Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) có kế hoạch đưa 400 giám đốc, phó giám đốc đi tham quan học tập ở nước ngoài (Hồng Kông - Thẩm Quyến, Hàn Quốc, Đài Loan).

Danh sách này chia làm 18 đoàn, mỗi đoàn 20-30 người, đi trong thời gian 5-7 ngày. Với kế hoạch đi Hồng Kông - Thẩm Quyến (Trung Quốc), EVN SPC tổ chức 6 đoàn đi từ đầu năm tới 31/8/2012; đi Hàn Quốc có 6 đoàn, thời gian từ cuối tháng 7 đến 22/9/2012; đi Đài Loan có 6 đoàn, dự kiến đi cuối tháng 10/2012.

Tính tới giữ tháng 8/2012, có 6 đoàn đã hoàn tất chuyến đi. Sau khi sự việc được báo chí đưa tin, EVN SPC đã hủy 12 chuyến còn lại này.

Trong đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của EVN SPC, trong 4 năm từ 2012 - 2015, khoảng 1.500 cán bộ điện lực sẽ được ra nước ngoài “học tập”.

Trước đó, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN từng phát biểu lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng/tháng, khi đó ông Thanh từng “rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó”.
2 lần tăng 5% để được tự quyết
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường, nếu tăng trong phạm vi 5%, EVN được quyền tự quyết và chỉ cần thông báo tới Bộ Công thương.

Nếu tăng giá điện quá 5%, EVN sẽ phải báo cáo Liên Bộ Tài chính - Công thương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong năm 2012, EVN tăng giá điện 2 lần cách nhau chỉ 3 tháng. EVN đã cực kỳ khéo trong việc chọn mức tăng 5% để không phải trình Chính phủ. Hơn nữa, cần lưu ý rằng, dù cùng tăng 5% nhưng xét về giá trị thì 5% của lần sau bao giờ cũng lớn hơn lần trước.
  • P.V (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét