Lũ lụt thành cuộc chiến chính trị

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 12/11/2011, 07:05 (GMT+7)

TT - Trận lũ lịch sử ở Thái Lan không chỉ là thảm họa quốc gia mà còn là một cuộc chiến chính trị khốc liệt giữa các đảng phái chính trị.

Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand trả lời các phóng viên ở một cửa xả lũ tại Bangkok - Ảnh: Reuters

Theo báo Bangkok Post, Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới đây đã khẳng định sẽ không từ chức bất chấp những lời chỉ trích cho rằng các biện pháp chống lũ của chính phủ không hiệu quả và quá yếu ớt. “Mọi người đặt hi vọng vào chúng tôi. Tôi sẽ không bỏ cuộc - bà Yingluck khẳng định - Tôi có thể đã khóc, nhưng đó không phải là sự yếu đuối hay tuyệt vọng. Đó là sự thông cảm đối với những gì người dân đang phải chịu đựng”.

Kể từ khi lũ lụt bắt đầu hoành hành tại Thái Lan, đảng Dân chủ đối lập và tầng lớp thân hoàng tộc đã liên tục chỉ trích Thủ tướng Yingluck bằng những ngôn từ cay độc như “kẻ rỗng tuếch”, “búp bê Barbie không não”, thậm chí còn nói việc Thái Lan có nữ thủ tướng đầu tiên là vận xui cho đất nước. Mục tiêu là nhằm đánh đổ uy tín của bà Yingluck, phủ nhận mọi nỗ lực mà chính phủ của bà đang thực hiện để chống lũ.

Những miếng đòn hiểm

Những lời kêu gọi bà Yingluck từ chức đã xuất hiện từ hai tháng qua. Mở đầu là vào giữa tháng 10, khi Atiya Achakulwisut, người thường xuyên viết những bài xã luận chỉ trích đảng Puea Thai cầm quyền trên báo Bangkok Post, đã có bài viết với tựa đề “Bà có hiểu không?” với hàm ý đòi bà Yingluck từ chức. Tuy nhiên, sau đó trên báo The Nation, nhà bình luận chính trị Pavin Chachavalpongpun lại cho rằng không thể đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu bà Yingluck.

“Liệu có phải một mình bà ấy phải chịu trách nhiệm về đợt lũ lụt? - Chachavalpongpun đặt câu hỏi - Tại sao Cơ quan tưới tiêu hoàng gia lại trữ một lượng nước cực lớn ở các con đập vào đầu mùa lũ? Tại sao các chính quyền trước đây không hề xây dựng một hệ thống quản lý lũ hiệu quả dù lũ lụt năm nào cũng xảy ra?”. Một số nhà quan sát khác cũng nhận xét năm ngoái lũ lụt đã làm cả trăm người Thái Lan thiệt mạng, nhưng nhà báo Atiya Achakulwisut của báo Bangkok Post và những người giờ đang sỉ vả bà Yingluck ở đâu mà lúc đó chẳng hề thấy lên tiếng chỉ trích thủ tướng Abhisit.

Theo báo The Nation, những kẻ chống đối bà Yingluck còn thực hiện hàng loạt cuộc tấn công mang tính bôi nhọ bà trên mạng Internet. Giới quan sát nhận định đây là một chiến dịch có tổ chức nhằm làm giảm niềm tin của người dân Thái Lan vào chính phủ của Đảng Puea Thai.

“Hoàng tử Bangkok”

Trên báo The Nation ngày 9-11, nhà bình luận chính trị Chachavalpongpun lại cáo buộc một nhân vật khác cũng đang lợi dụng lũ lụt để chơi trò chính trị là thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra. Ông Sukhumbhand thuộc đảng Dân chủ, là con của hoàng tử Sukhumbhinanda và là hậu duệ của nhà vua Chulalongkorn. Nhiều người gọi ông là “hoàng tử Bangkok”.

Chachavalpongpun viết: “Những trận lũ tàn phá đã cho ông cơ hội để chứng tỏ quyền lực của mình như một thị trưởng Bangkok, và cho đến nay ông đã tỏ rõ cho thấy mình hoàn toàn độc lập với chính phủ (thậm chí còn đưa ra những mệnh lệnh trái ngược hẳn với những quyết định của chính phủ). Đó không là sự hợp tác mà là sự cạnh tranh xác lập mối quan hệ của mình với thủ tướng (là bà Yingluck). Dưới quyền của Sukhumbhand, Bangkok là một ốc đảo. Thủ đô được tách khỏi phần còn lại của cả nước. Tất cả các tỉnh khác có thể chấp nhận cho chìm ngập dưới nước lũ, còn Bangkok là phải khô ráo bằng mọi giá.

Trước đó, ngày 7-11, vốn nổi tiếng là tờ báo chống Thaksin và không ưa gì đảng Puea Thai, báo Bangkok Post cũng đã phải kêu lên trong một bài xã luận: “Giờ không phải là lúc chơi trò chính trị”. Báo này khẳng định việc thị trưởng Sukhumbhand hùng hổ với các cơ quan chính quyền trung ương “không phải là dấu hiệu của sự mạnh mẽ, mà là điều ngược lại”, và kêu gọi ông Sukhumbhand và bà Yingluck hợp tác.

Nhiều độc giả viết trên báo Bangkok Post và The Nation cho rằng trên thực tế các cơ quan của chính quyền trung ương như Trung tâm phối hợp cứu trợ (FROC) đã rất nỗ lực chống lũ và muốn hợp tác với chính quyền Bangkok, nhưng tất cả những gì ông Sukhumbhand làm là chỉ trích, phủ nhận chính quyền trung ương và từ chối phối hợp. Điều nực cười là trong khi chê bà Yingluck “dốt”, thì ông Sukhumbhand lại thực hiện lễ tế “đuổi nước” để cầu trời chống lũ.

“Thái độ của ông Sukhumbhand cho thấy gì? - nhà bình luận chính trị Chachavalpongpun tự hỏi và nhận định - Thái độ này cho thấy Bangkok không phải là Thái Lan và ngược lại. Đó là một đất nước trong một đất nước. Chính cách nghĩ này đã ngăn cản chính quyền đưa ra một giải pháp toàn cục để ngăn chặn lũ lụt vốn đã không còn kiểm soát được”. Chính cách điều hành của ông Sukhumbhand đã khiến người dân thủ đô Bangkok giàu có cũng coi mình thành người “chiếu trên”.

Chachavalpongpun vạch rõ “cách đây hai tháng khi Bangkok vẫn còn khô ráo trong khi các vùng nông thôn đã bị ngập chìm trong nước lũ, thì không người dân Bangkok nào bày tỏ sự lo âu và chia sẻ đoàn kết với các vùng gặp nạn này. Việc các vùng này gặp nạn xem ra chẳng có gì là nghiêm trọng khi mà Bangkok vẫn bình yên vô sự. Đến khi Bangkok ngập thì họ là những người kêu gào to nhất, ùn ùn kéo nhau đi tích trữ thực phẩm gây nên tình trạng hỗn loạn. Phải chăng cách ứng xử của người dân Bangkok là tiêu biểu cho hệ thống hai tốc độ đang chi phối xã hội Thái Lan. Vẫn như trước nay, quyền lực và sự thịnh vượng là thuộc về Bangkok, còn phần còn lại của Thái Lan có thể nghèo và kém phát triển”.

SƠN HÀ

Unesco lao đao vì Mỹ “đóng băng” viện trợ

Dân trí:
Thứ Sáu, 11/11/2011 - 14:49

(Dân trí) - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) đã thông báo đình chỉ các dự án mới do Mỹ “đóng băng” viện trợ sau khi Unesco kết nạp Palestine làm thành viên chính thức.
>> UNESCO công nhận thành viên đầy đủ Palestine, Mỹ “đáp trả”

Tổng giám đốc Unesco, bà Irina Bokova, cho biết tại hội nghị toàn thể của Unesco tại Paris rằng động thái trên là do lỗ hổng 65 triệu USD trong ngân sách tài chính năm 2011 do Mỹ ngừng đóng góp tài chính.

Unesco, tổ chức chuyên thúc đẩy giáo dục, tự do báo chí và các sứ mệnh khác, sẽ duyệt lại các hoạt động của tổ chức từ nay tới cuối tháng 12, trong đó các dự án mới sẽ bị đình chỉ.

Một phát ngôn viên của Unesco nói các chương trình ưu tiên sẽ vẫn được duy trì, và tổ chức không có kế hoạch cắt giảm việc làm trong thời điểm hiện tại.

Unesco đã rơi vào cảnh khủng hoảng tài chính hồi tháng 10 khi Washington, vốn cung cấp 22% ngân sách, tuyên bố đóng băng các khoản đóng bóp sau khi Palestine được kết nạp làm thành viên đầy đủ.

Luật pháp Mỹ cấm tài trợ cho bất kỳ cơ quan nào của Liên hợp quốc nếu các quan đó công nhận thành viên đầy đủ cho một vùng lãnh thổ không được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập.

Bà Bokova cho hay, Unesco phải cắt giảm 3 triệu ngân sách trong năm nay và sử dụng 30 triệu USD vốn luân chuyển còn lại để trang trải cho phần bị thiếu hụt, nhưng điều đó sẽ khiến tài chính của tổ chức rơi vào trạng thái khủng hoảng trầm trọng vào đầu năm 2012.

Trong năm tới, việc Mỹ ngừng đóng góp tài chính có nghĩa là Unesco đang đối mặt với khoản thiếu hụt 143 triệu USD.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đàm phán với các thành viên Quốc hội về việc tái cấp vốn cho Unesco, nhưng lại đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ phe đối lập trong thời buổi ngân sách eo hẹp.

Bà Bokova đã kêu gọi các thành viên khác của Unesco đóng góp thêm vốn để thúc đẩy tình hình tài chính của tổ chức.

An Bình
Theo AFP

Nhịp sống Bangkok trong khủng hoảng lụt lội

Dân trí:
Thứ Sáu, 11/11/2011 - 10:24

(Dân trí) - Lụt lội ở Thái Lan hiện đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành kinh doanh, giáo dục và du lịch ở Bangkok cùng các tỉnh lân cận. Nhưng dù có khó khăn về điều kiện làm việc và đi lại, cuộc sống của người dân thủ đô vẫn phải tiếp diễn.


7 khu công nghiệp ở Ayutthaya và Pathum Thani đã bị ngập, trong khi 700.000 công nhân dự kiến sẽ bị mất việc.


613 chi nhánh ngân hàng thương mại ở 8 tỉnh phải đóng cửa.


2.500 trường học và trường đại học bị ảnh hưởng, trong khi 73 bưu điện ở Bangkok phải đóng cửa.


400 chi nhánh của các cửa hàng 7-Eleven trên khắp cả nước phải ngừng hoạt động.


56 tuyến đường ở Bangkok bị cấm xe cộ vì ngập nước.


Lượng du khách tới Thái Lan dự kiến giảm tới 600.000 người. Các khách sạn ở Bangkok có khách nghỉ chỉ đạt 60% số phòng, thấp hơn 15% so với bình thường vào dịp này của năm.


143 khu nhà ở Bangkok và các tỉnh lân cận bị nhấn chìm.


287.593 người Bangkok nghỉ tại các khách sạn, khu nghỉ mát ở Pattaya trong đợt nghỉ 5 ngày được chính phủ cho phép, từ 27-31/10, để di dời khỏi thủ đô tới các tỉnh không bị lụt.

120 trạm xăng của Cơ quan xăng dầu Thái Lan (PTT) tại Bangkok và các tỉnh miền trung bị đóng cửa.

Phan Anh

Theo Bangkok Post

Bình Nhưỡng sắp vận hành lò phản ứng hạt nhân mới

Thanh Niên Online:
Một góc thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

(TNO) CHDCND Triều Tiên sẽ đưa vào hoạt động một lò phản ứng hạt nhân mới do nước này chế tạo, hãng thông tấn nhà nước KCNA tiết lộ hôm 10.11.

Theo hãng tin AFP, thông báo trên được đưa ra một năm sau khi Bình Nhưỡng hé lộ việc xây dựng cơ sở hạt nhân này.

“Một lò phản ứng nước nhẹ hoàn toàn dựa trên nguồn lực và công nghệ nước nhà sẽ sớm được đưa vào hoạt động tại CHDCND Triều Tiên”, theo hãng KCNA.

Tuy nhiên, hãng KCNA không tiết lộ thêm chi tiết liên quan tới việc này cũng như ngày lò phản ứng sẽ bắt đầu hoạt động.

Được biết, Bình Nhưỡng đã thông báo việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên cho các nhà khoa học Mỹ đến thăm khu vực nhà máy nguyên tử Yongbyon của CHDCND Triều Tiên hồi tháng 11.2010.

Một trong số những nhà khoa học đó là Siegfried Hecker. Theo hãng tin AFP, ông Hecker từng cho biết rằng, ông và các đồng nghiệp được cho xem lò phản ứng nước nhẹ có công suất từ 25-30 megawatt ở giai đoạn đầu xây dựng.

Theo ông Hecker, thời gian vận hành lò phản ứng này được cho là vào năm 2012.

Huỳnh Thiềm

Cơ hội cứu tàu thám hiểm sao Hỏa của Nga “rất nhỏ nhoi”

Dân trí:
Thứ Sáu, 11/11/2011 - 13:54

(Dân trí) - Hãng thông tấn Nga Interfax hôm nay cho hay có rất ít cơ hội để cứu tàu thám hiếm sao Hỏa của Nga, đang bị mắc kẹt trong quỹ đạo trái đất, sau khi tàu này bị trệch hướng tới hành tinh Đỏ vài phút sau khi được phóng vào hôm 9/11 vừa qua.
>> Nga và dự án chinh phục sao Hỏa đầu tiên



Hệ thống điều khiển Phobos-Grunt đã bị hỏng vào đêm qua, thậm chí các nhà khoa học còn không lấy được dữ liệu từ tàu. Phobos-Grunt được phóng vào đầu tuần này, trong sứ mệnh mà Mátxcơva hi vọng sẽ là chuyến quay trở lại không gian ngoạn mục để khám phá các hành tinh ngoài trái đất.

“Đêm qua, đã có nhiều nỗ lực để lấy được thông tin từ tàu vũ trụ. Tất cả đều có kết quả bằng không”, Interfax dẫn lời nguồn tin từ cơ quan vũ trụ Nga cho hay.

“Khả năng cứu tàu là rất, rất nhỏ”, nguồn tin trên cho biết thêm.

Tuy vậy, nỗ lực liên lạc với tàu vẫn được tiếp tục vào ngày hôm nay, bằng việc sử dụng các cơ sở do NASA và Cơ quan vũ trụ châu Âu điều hành hành trên Trái đất.

Cơ quan vũ trụ Nga cho hay các nhà qua học chỉ có vài ngày để tái lập trình tàu vũ trụ, nhằm giúp tàu đi đúng hướng tới sao Hỏa. nếu điều này không thực hiện được, nó có nguy cơ rơi trở lại trái đất.

Phan Anh

Theo AFP

Những bức ảnh đoạt giải “Động vật hoang dã” năm 2011

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Hai, 07/11/2011, 22:31 (GMT+7)

TTO - Bảo tàng lịch sử tự nhiên London, Vương quốc Anh cùng tạp chí động vật hoang dã BBC vừa công bố một số ảnh đoạt giải mục ảnh “Động vật hoang dã” năm 2011.

Tác phẩm Vẫn sống trong dầu

Tấm ảnh Vẫn sống trong dầu của nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha Daniel Beltrá đã xuất sắc giành được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi. Bức ảnh chụp lại những chú bồ nông nâu ở trạm cứu hộ gia cầm tạm thời ở Fort Jackson, bang Louisiana (Mỹ) trong biến cố tràn dầu ở vùng vịnh năm 2010.

Nhà động vật học cũng như nhà nhiếp ảnh gia Mark Carwardine từng bình luận về bức ảnh: “Tai nạn tràn dầu khiến bức ảnh mang một nghệ thuật rất đặc sắc”.

Tác phẩm Tin tưởng

Về nhì là bức chân dung loài vật mang tên Tin tưởng của nhiếp ảnh gia người Đức Klaus Echle. Echle đã chụp một con cáo lông đỏ trong khu rừng Black, Đức. Bức ảnh mang tên “Tin tưởng” vì theo Echle thuật lại: “Cô bé cáo đã rất thoải mái khi nằm kế bên, và nó an tâm tin tưởng để cho tôi chụp ảnh”.

Sau đây là những tấm ảnh khác lọt vào chung kết:

Thế giới dưới nước của nhiếp ảnh gia Thomas Peter Peschak. Ảnh chụp những chú cá mập bơi dưới một con tàu nghiên cứu trong đầm phá ở kênh Mozambique

Bay trong lửa của nhiếp ảnh gia Ấn Độ Nilanjan Das, chụp những chú chim săn côn trùng bối rối trước bức tưởng lửa ở vườn quốc gia Kaziranga ở đông bắc Ấn Độ

Ốc đảo Gobi của nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ Alessandra Meniconzi. Ảnh chụp những cồn cát của một ngọn núi khổng lồ được phản ánh qua mặt hồ ở công viên địa chất sa mạc thuộc sa mạc Gobi ở Mông Cổ

Cuộc đọ sức của nhiếp ảnh gia Na Uy Aleksander Myklebust. Anh chụp lại cảnh 2 con gà gồ đen đang “la hét” trên nền tuyết, chuẩn bị đọ sức với nhau. Gà gồ ở Na Uy là giống chim có kích thước như những con gà, được xem là loài chim đặc trưng của nước này. Nhiếp ảnh gia Aleksander Myklebust cũng là người đã chiến thắng giải ảnh dành cho nhóm tuổi 15-17

Tấm ảnh Những vua tuyết do nhiếp ảnh gia người Na Uy thực hiện. Ảnh chụp những chú chim cánh cụt vừa lái xe tuyết lạch bạch trong trận bão tuyết trên đảo U.K ở miền nam Georgia gần Nam Cực. Ole Jørgen Liodden cũng là người giành chiến thắng ở hạng mục “Động vật trong môi trường của chúng”. Giám khảo Judge Sophie Stafford đã dành những lời tốt đẹp cho Những vua tuyết: “Bức ảnh đã đem lại những cảm giác tuyệt vời. Những chú chim cánh cụt xuất hiện đáng kể trong trận bão tuyết tạo thành dãy ánh sáng tuyệt đẹp. Bức ảnh thật sự phát sáng".

TRÙNG DƯƠNG (Theo National Geographic)

Thêm một loài tê giác tuyệt chủng

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 11/11/2011, 19:42 (GMT+7)

Thêm một loài tê giác tuyệt chủng

* Cuộc di chuyển tê giác đen ngoạn ngục

TTO - Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa chính thức tuyên bố loài tê giác đen miền tây châu Phi đã tuyệt chủng, trong khi hai loài tê giác khác cũng có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

Tê giác đen ở châu Phi - Ảnh: IUCN

Theo IUCN, loài tê giác đen miền tây - một phân loài của tê giác đen - được nhìn thấy lần cuối cùng ở châu Phi vào năm 2006 và cho đến nay không còn ai nhìn thấy chúng nữa.

Trong khi đó, loài tê giác trắng miền bắc - sống ở miền trung châu Phi - hiện “có lẽ đã tuyệt chủng” trong hoang dã; còn tê giác Java cũng đang sắp tuyệt chủng, sau khi con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam bị giết chết còn đồng loại của nó chỉ còn lại một số ít ở đảo Java của Indonesia.

Ngoài tê giác, IUCN cho biết khoảng 1/4 trong số các loài động vật có vú cũng đang có nguy cơ biến mất vĩnh viễn khỏi trái đất. Nhiều loài thực vật cũng đang cùng chung số phận.

Trước đó ngày 8-11, các chuyên gia Quỹ đời sống hoang dã thế giới (WWF) đã tiến hành di chuyển 19 chú tê giác đen đến vùng đất an toàn, nhiều thực phẩm và không gian thoáng rộng.

Có thể nói việc chuyển đến ngôi nhà mới của những chú tê giác đen nặng 1.400 kg đã để lại cho nhiều người xem ấn tượng khó phai và hồi hộp đến từng giây.

Máy bay trực thăng quân sự đang nhấc chúng lên khỏi mặt đất - Ảnh: WWF

Chú tê giác đen lơ lửng trên không trung - Ảnh: WWF

Hành trình của chuyến đi bắt đầu từ vùng đồi hiểm trở ở mũi đông của Nam Phi đến vùng đồng cỏ ở tỉnh Limpopo. Được biết mỗi chuyến đi của 1 chú tê giác đen mất khoảng 20 phút đường bay cả đi lẫn về.

Hành trình này đã chuyển được 19 chú tê giác đen. Sau đây là 1 loạt ảnh ghi lại khoảng thời gian đứng tim đó do nhiếp ảnh gia Michael Raimondo thực hiện.

Các chuyên gia đang chuẩn bị di chuyển tê giác - Ảnh: WWF

Trước khi được nâng lên bởi trực thăng, chú tê giác được bắn tên để ngủ thiếp đi và buộc chặt 4 chân - Ảnh: WWF

Tiến sĩ Jacques Flamand vuốt ve phía sau 1 con tê giác sau khi được giải thuốc, đánh thức chúng sau cuộc hành trình dài 1500 km - Ảnh: WWF

MINH ANH - TRÙNG DƯƠNG
(Theo AFP, ZME Science, BBC News)

“Iran đã di chuyển thiết bị hạt nhân xuống boongke”

Dân trí:
Thứ Tư, 09/11/2011 - 23:02

(Dân trí) - Theo cơ quan hạt nhân quốc tế, Iran đã bắt đầu di chuyển thiết bị hạt nhân xuống một cơ sở dưới lòng đất để theo đuổi hoạt động nhạy cảm. Thông tin như đổ thêm dầu vào lửa “nghi ngờ” của phương Tây cho rằng Tehran đang phát triển vũ khí hạt nhân.
>> IAEA: Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân


Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran.

Tài liệu của Cơ quan năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) cho biết Iran đã tiếp tục tích trữ urain làm giàu thấp (LEU) và một cơ quan phân tích hàng đầu của Mỹ cho rằng Iran có đủ nguyên liệu để sản xuất 4 quả bom nguyên tử nếu nguyên liệu được tinh chế thêm.

Thông tin cho biết Iran đã chuyển một “ống trụ lớn” với LEU tới địa điểm dưới lòng đất Fordow được đề cập trong báo cáo toàn diện nhất của IAEA, với tập trung chính là khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân của Tehran.

Phát hiện lớn nhất trong báo cáo của IAEA, bị rò rỉ vào ngày hôm qua, là Iran có vẻ như đã tập trung thiết kế một đầu đạn hạt nhân và hoạt động nghiên cứu vũ khí bí mật liên quan vẫn được tiếp tục.

Thông tin trên có thể mở đường cho phương Tây trừng phạt thêm nước sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới này. Pháp hôm nay đã cảnh báo Tehran phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ nếu từ chối hợp tác với IAEA về chương trình hạt nhân của nước này.

“Không có nhà quan sát công tâm nào lại có thể tin chương trình hạt nhân của Iran là hoàn toàn vì mục đích hòa bình”, Mark Fitzpatrick, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế cho hay.

Tuy nhiên, ông cho rằng Iran chưa phải thực sự đang phát triển bom nguyên tử và phải mất hơn một năm nữa mới đạt được khả năng này.

Báo cáo của IAEA cũng bao gồm thông tin mới nhất về hoạt động làm giàu urani của Iran, phần khiến phương Tây lo ngại nhất bởi urani làm giàu có thể được dùng để sản xuất vũ khí nếu nó tiếp tục được xử lý.

Quyết định của Iran vào đầu năm 2010 là tăng mức độ làm già từ 3,5% tinh khiết, mức thông thường dùng làm nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân, lên 20% đã khiến các quốc gia phương Tây lo ngại. Họ cho rằng Iran đang ngày một tiến gần đến mức độ 90% để chế tạo bom.

Nhà máy làm giàu chính của Iran nằm ở gần thành phố miền trung Natanz. Nhưng hồi tháng 6 nước này công bố sẽ chuyển hoạt động làm giàu cấp độ cao tới Fordow, để có thể tránh được các cuộc tấn công quân sự.

Báo cáo của IAEA vào tuần này cho thấy Iran hiện đã lắp đặt 2 bộ 174 máy để tinh chế urani tới mức độ tinh khiết 20% ở Fordow, gần thánh địa Qom. Tuy nhiên, các máy ly tâm chưa hoạt động.

Vũ Quý

Theo Reuters

Giáo chủ Iran doạ trả đũa bằng “cái tát mạnh và nắm đấm sắt”

Dân trí:
Thứ Sáu, 11/11/2011 - 17:13

(Dân trí) - Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran đã cảnh báo Israel Mỹ rằng Tehran sẽ đáp trả bằng “cái tát mạnh và nắm đấm sắt trước tiên” nếu một trong hai nước này phát động tấn công quân sự nhằm vào chương trình hạt nhân của nước Cộng hoà Hồi giáo.
>> “Iran đã di chuyển thiết bị hạt nhân xuống boongke”
>> Tổng thống Iran tuyên bố kiên định về kế hoạch hạt nhân
>> “Điểm danh” các cơ sở hạt nhân chính của Iran
Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Bình luận của ông Ayatollah Ali Khamenei được đưa 2 ngày sau khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố một báo cáo trong đó lần đầu tiên nói rằng Iran đã thực hiện các thí nghiệm phục vụ việc phát triển vũ khí nguyên tử.

“Các kẻ thù, đặc biệt là Mỹ, các nước tay sai và chính quyền Do Thái nên biết rằng Iran không tìm cách xâm lược bất kỳ quốc gia nào”, ông Khamenei nói trong bài phát biểu tại một học viện quân sự tại thủ đô Tehran ngày 10/11.

“Nhưng Iran sẽ đáp trả mạnh mẽ trước bất kỳ cuộc tấn công hay xâm lược nào… Bất kỳ ai có ý tưởng về việc tấn công Iran nên chuẩn bị sẵn sàng để nhận một cái tát mạnh và nắm đấm sắt trước tiên”.

Giọng điệu cứng rắn của ông Khamenei chứng tỏ Tehran, vốn khẳng định chỉ theo đuổi năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, sẵn sàng đối đầu với phương Tây.

Lãnh tụ tinh thần tối cao là người có quyền quyết định về mọi vấn đề tại Iran và ít khi can thiệp vào các vấn đề quốc tế. Ông Khamenei dường như muốn gửi một thông điệp rằng Iran đoàn kết trong cam kết của nước này nhằm đáp trả bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào.
Trong bình luận đưa ra sau báo cáo của IAEA, Ngoại trưởng Anh William Hague cho hay thế giới đang bước vào “giai đoạn nguy hiểm mới” vì Iran.

Liên minh châu Âu đã bắt đầu thảo luận các biện pháp cấm vận chống lại Iran, sau những lời kêu gọi từ Anh và Pháp về một cuộc họp của Hội đồng Bảo an đối với vấn đề Iran. Nga và Trung Quốc trong khi đó đều đồng ý rằng không nên áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống Iran, cho thấy sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế.

Các quốc gia phương Tây cũng kêu gọi IAEA đưa Iran ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhóm họp vào tuần tới tại Vienna.

An Bình
Tổng hợp

Điểm lại 9 "đối thủ" của Vịnh Hạ Long trước giờ G

Thể thao & Văn hóa:

Thứ Sáu, 11/11/2011 11:56

(TT&VH Online) – Đến 18h11’ ngày hôm nay (11/11/2011) cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới sẽ khép lại. Hãy cùng TT&VH Online “điểm mặt” 9 "đối thủ" của Vịnh Hạ Long trước giờ G.

9 "đối thủ" liệt kê dưới đây dựa trên danh sách 10 địa danh đang dẫn đầu trong số 28ứng cử viên lọt vào vòng chung kết 7 kỳ quan thế giới mới của New7Wonders. Danh sách này đã được người phụ trách truyền thông của New7Wonders, ông Eamonn Fitzgerald, công bố hôm 7/11.

1. Dead Sea (Biển Chết)


Biển Chết là một hồ nước mặn giữa Palestin và Israel về phía Tây và Gioócđani về phía Đông. Ở 420 mét dưới mực nước biển, bờ của nó là điểm thấp nhất trên đất liền của trái đất. Với 30% độ mặn, nó mặn hơn đại dương 8,6 lần.

2. The Grand Canyon (Hẻm Núi lớn)


Canyon (Hẻm núi Lớn) được tạo bởi sông Colorado trong khoảng thời gian hơn 6 triệu năm, dài 446 km, có những khoảng rộng từ 6 đến 29 km và nơi có độ sâu nhất đạt hơn 1,6 km. Thời tiền sử, khu vực này là nơi sinh sống của người Mỹ bản địa. Họ đã xây lên các khu định cư trong hẻm núi này và nhiều hang động của nó.

3. The Great Barrier Reef (Rặng đá Ngầm vĩ đại)


Great Barrier Reef là hệ thống rặng san hô lớn nhất hành tinh, với khoảng 3.000 rặng đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo trải dài 2.600 km trên một diện tích khoảng 344.400 km2. Nó là cấu trúc độc lập lớn nhất được tạo bởi các sinh vật sống và có thể được nhìn thấy từ vũ trụ.

4. Jeita Grotto (Hang động Jeita)


Hang động Jeita là một tổ hợp các hang động kết tinh ở Liban, nằm cách thủ đô Beirut 20 km về phía Bắc trong thung lũng Nahr al-Kalb (Sông Dog). Hang động này được tạo bởi hai hang đá vôi, các hành lang phía trên và một hang phía dưới nơi một con sông dài 6.230m chảy qua. Về mặt địa chất, các hang động này cung cấp một đường hầm hoặc đường thoát cho dòng sông ngầm. Trong hang động và hành lang này, tác động của nước chảy trong đá vôi đã tạo nên các mái vòm như ở nhà thờ với đầy kích cỡ, màu sắc và hình dạng của nhũ đá, măng đá, rèm đá hùng vĩ, tuyệt đẹp. Tổng chiều dài của hang động là hơn 9.000 m và có một trong số những nhũ đá lớn nhất trên thế giới treo lơ lửng với kích thước 8,2m. Hang động này chứa một khoang lớn với khoảng cách từ trên trần đến mực nước cao 108m.

5. Jeju Island (Đảo Jeju)


Jeju là một hòn đảo núi lửa, cách bờ biển phía Nam Hàn Quốc 130 km. Hòn đảo lớn nhất xứ sở Kim Chi này đồng thời là tỉnh nhỏ nhất ở Hàn Quốc. Hòn đảo này có diện tích bề mặt 1.846km2. Một điểm nhấn ở trung tâm của đảo Jeju là Hallasan, ngọn núi cao nhất ở Hàn Quốc và là một núi lửa không hoạt động, ngọn núi nổi lên 1.950m trên mực nước biển. Có 360 núi lửa vệ tinh ở xung quanh núi lửa chính.

6. Puerto Princesa Underground River (Sông Ngầm Vườn quốc gia Puerto Princesa)



Các Sông ngầm Vườn quốc gia Puerto Princesa nằm khoảng 50km về phía Bắc của thành phố Puerto Princesa, Palawan thuộc Phillippines. Nơi đây nổi bật với cảnh quan núi đá vôi dài 8,2km hướng dưới sông ngầm. Điểm nổi bật khác biệt của dòng sông là những cơn gió thổi qua một hang động trước khi chảy trực tiếp vào biển Đông. Hang động có rất nhiều nhũ đá, măng đá, và một số động lớn. Phần dưới của sông chịu ảnh hưởng của thủy triều. Puerto Princesa được biết đến như sông ngầm dài nhất thế giới. Tại cửa hang, một đầm phá được bao bọc bởi cây cổ thụ vẫn đang mọc đến mép nước. Các loài khỉ, thằn lằn lớn và sóc tìm đều tìm đến bãi biển gần các hang để sinh sống.

7. Sundarbans (Đồng bằng Sundarbans)



Đồng bằng Sundarbans, tại cửa sông Hằng, là rừng ngập mặn lớn nhất trên thế giới, lan rộng khắp qua nhiều phần lãnh thổ của Bangladesh và Tây Bengal - Ấn Độ. Vùng Đồng bằng Sundarbans có mạng lưới các tuyến đường thủy chằng chịt, các vùng đầm lầy và các đảo nhỏ của rừng ngập mặn. Khu vực này có lượng động vật vô cùng phong phú, trong đó phải kể đến loài hổ Bengal Hoàng gia nổi tiếng nhất, bên cạnh đó còn có nhiều loài chim, nai đốm, cá sấu và rắn.

8. Vesuvius (Núi Vesuvius)


Núi Vesuvius là ngọn núi lửa phía Đông Naples của Italy. Đây là ngọn núi lửa duy nhất trên lục địa châu Âu đã từng phun trào 100 năm qua, mặc dù hiện tại nó không hoạt động. Vesuvius được biết đến với lần phun trào nổi tiếng vào năm 79 sau Công nguyên, đã dẫn đến sự hủy diệt của thành phố Pompeii và Herculaneum thời La Mã. Nó đã phun trào nhiều lần trước đây và ngày nay vẫn được coi là một trong những núi lửa nguy hiểm nhất trên thế giới.

9. Komodo Island (Đảo Komodo)


Vườn quốc gia Komodo của Indonesia bao gồm 3 đảo lớn hơn là Komodo, Rinca và Padar, cũng như một số đảo nhỏ, với tổng diện tích 1.817 km2 (603 km2 mặt đất). Công viên quốc gia này được thành lập vào năm 1980 để bảo vệ loài rồng Komodo. Sau đó, được chỉ định để bảo vệ thêm các loài khác, bao gồm cả động vật biển. Những hòn đảo của công viên quốc gia có nguồn gốc núi lửa.



Vịnh Hạ Long nằm ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Vịnh gồm hàng ngàn vùng đá vôi và các hòn đảo đa dạng về kích thước và hình dạng. Vịnh Hạ Long có bờ biển dài 120 km và diện tích khoảng 1.553 km2 với 1969 hòn đảo nhỏ. Một số các đảo rỗng với các hang động lớn, các hòn đảo khác là nơi sinh sống của những làng nổi của ngư dân. Ở đây có đến 200 loài cá và 450 loại động vật thân mềm khác nhau. Điểm đặc trưng nữa của Vịnh Hạ Long là sự phong phú của các hồ bên trong các hòn đảo đá vôi, ví dụ đảo Đầu Bê có đến 6 hồ nước.
P.V (Tổng hợp từ New7worlds)

“Nhập EVN Telecom vào Viettel là phạm Luật Cạnh tranh”

Dân trí:
Thứ Sáu, 11/11/2011 - 05:07

Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) vừa có công văn gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong đó cho rằng việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel là vi phạm Luật Cạnh tranh và nhờ các đơn vị này đứng ra làm “trọng tài” giải quyết.
>> Vụ tranh mua EVN Telecom: Hanoi Telecom "kêu cứu" Chính phủ
>> Vì sao Hanoi Telecom quyết “mua bằng được” EVN Telecom?
Chỉ trong một thời gian ngắn, Hanoi Telecom đã liên tục gửi công văn kiến nghị về đề xuất mua lại phần băng tần 3G và cơ sở hạ tầng của EVN Telecom.
Trong công văn số 585 mà Hanoi Telecom gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh, đồng thời cũng gửi tới Hội đồng Cạnh tranh, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Hanoi Telecom cho rằng, chủ trương sáp nhập Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) vào Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là tập trung kinh tế quá mức và dồn mọi nguồn lực của EVN Telecom cho Viettel, là trái với các quy định của Luật Cạnh tranh cũng như các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cụ thể, Hanoi Telecom cho rằng, thứ nhất, nếu mọi nguồn lực của EVN Telecom được chuyển giao toàn bộ cho Viettel bao gồm cả tài nguyên tần số 2G, 3G thì chỉ riêng đơn vị này sở hữu tới trên 50% tổng quỹ tần số 3G của quốc gia.

Điều này, theo Hanoi Telecom, là vi phạm điều 18, mục 3, Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 trong đó đã quy định rõ: “Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan”.

Vì thế, theo Hanoi Telecom, điều này nếu trở thành hiện thực sẽ tạo điều kiện cho Viettel trở thành “doanh nghiệp có vị trí độc quyền” trên thị trường viễn thông Việt Nam.

Thứ hai, do Viettel hiện chiếm gần 37% thị phần thông tin di động tại Việt Nam, nên theo điều 11, mục 2, Luật Cạnh tranh, với trên 30% thị phần, Viettel được coi là “doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường”. Cho nên, nếu lấy được phần băng tần 3G đang chia sẻ với Hanoi Telecom từ EVN Telecom, việc Viettel sẽ “ngăn cản việc tham gia thị trường” cung cấp dịch vụ 3G “của những đối thủ cạnh tranh” như Hanoi Telecom là không thể tránh khỏi.

Lý do, bởi chỉ với một phần nhỏ băng tần 3G còn lại, Hanoi Telecom sẽ không thể cung cấp dịch vụ 3G ra thị trường với giá cả cạnh tranh nhất do chi phí triển khai quá lớn . Điều này đi ngược với quy định cấm “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường” theo Luật Cạnh tranh.

Hơn nữa, theo Hanoi Telecom, trong kế hoạch tiếp nhận EVN Telecom của Viettel, Viettel sẽ được sử dụng miễn phí tất cả các cột tháp anten và hàng chục triệu cột điện trong khi đó các nhà mạng khác phải thuê cột điện để treo cáp với giá tăng gấp trên 7 lần so với giá khởi điểm. Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Cạnh tranh.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Hanoi Telecom đã liên tục gửi công văn kiến nghị tới Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ, ban, ngành Hanoi Telecom về đề xuất mua lại phần băng tần 3G và cơ sở hạ tầng của EVN Telecom.

Vì lo ngại bởi khả năng EVN Telecom sẽ được sáp nhập với tập đoàn viễn thông quân đội Viettel sẽ diễn ra trong tháng 11/2011, nên cũng trong công văn 585, Hanoi Telecom kiến nghị các đơn vị trên cần có ý kiến công khai với Chính phủ về việc sáp nhập EVN Telecom với Viettel để đảm bảo tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam, tránh sự quay trở lại thời kỳ độc quyền cũ hoặc dạng biến tướng của hình thức độc quyền mới.

Theo Mạnh Chung
VnEconomy

Giáo sư trẻ nhất Việt Nam: Tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa!

Dân trí:
Thứ Sáu, 11/11/2011 - 08:06

(Dân trí) - Tân Giáo sư Nguyễn Quang Diệu (37 tuổi) là người trẻ nhất trong số 34 nhà giáo trở thành Giáo sư từ năm 2011. Điều đặc biệt nhất, năm 2007, anh cũng là Phó giáo sư trẻ nhất trong đợt phong hàm.
>> Trò chuyện với Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2011

Hiện nay Tân Giáo sư Nguyễn Quang Diệu là Phó chủ nhiệm bộ môn Lý thuyết hàm, khoa Toán - Tin, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Do đang công tác ở viện nghiên cứu Max-Planck, CHLB Đức nên anh không kịp về dự Lễ công nhận chức danh GS, PGS năm 2011 tổ chức vào ngày 12/11 tới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Dân trí đã có cuộc trò chuyện với anh.
GS trẻ nhất Việt Nam năm 2011 Nguyễn Quang Diệu.
Được biết, anh là một trong hai phó giáo sư trẻ nhất năm 2007, năm nay, anh lại được phong là giáo sư trẻ nhất. Vậy khi trở thành GS trẻ nhất Việt Nam anh có bất ngờ không?
Tôi không khỏi bất ngờ và sung sướng khi biết được tin trên. Tôi chỉ biết tự nhủ mình phải thật cố gắng nhiều hơn nữa trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học để luôn xứng đáng với học hàm này.
Để thành công trên con đường làm toán nhiều người nổi tiếng đã chia sẻ đó là duyên phận. Với anh thế nào?
Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghiên cứu khoa học (bố là GS. Toán của trường ĐHSPHN), ngay từ nhỏ tôi đã yêu thích ngành toán.
Tuy nhiên tôi chỉ thực sự bắt tay vào nghiên cứu toán học cao cấp vào những năm cuối khi tôi học ở khoa Toán-Cơ-Tin học trường ĐHTH Hà Nội (nay là ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội). Sau đó tôi có may mắn sang Pháp làm luận án Tiến sĩ dưới sự đồng hướng dẫn của GS. Đỗ Đức Thái (ĐHSPHN) và GS. Pascal Thomas (ĐHTH Toulouse 3). Tôi nói đó là một cơ may vì vào thời điểm đó (năm 1997) việc xin học bổng đi nước ngoài trong cả 3 năm là không dễ.
Anh có thể bật mí chút về con đường nghiên cứu khoa học của mình?
Tôi bắt đầu làm luận án TS toán học tại trường Đại Học Toulouse 3 (cộng hòa Pháp). Vào tháng 6 năm 2000, tôi bảo vệ thành công luận án TS chuyên ngành giải tích phức về đề tài “Bao lồi đa thức địa phương của hợp thành các đồ thị hoàn toàn thực” tại Đại học Toulouse 3. Tháng 8/2001, tôi trở về Việt Nam và nhận công tác tại khoa Toán-Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2003, tôi được mời làm thực tập sinh sau TS tại trường ĐH Sundsvall, Thụy Điển. Tại đây, tôi đã chuyển sang nghiên cứu lý thuyết đa thế vị phức.
Vào tháng 11/2006, bằng các công trình trong hướng nghiên cứu này, tôi đã bảo vệ luận án Habilitation Diriger des Recherches tại Đại Học Toulouse 3. Sau đó, tôi đã được bổ nhiệm làm PGS. Của trường ĐHSP Hà Nội vào cuối năm 2007. Từ tháng 9/2007 đến tháng 8/2009, tôi được mời đi làm cộng tác viên khoa học tại trường ĐHQG Seoul và ĐHQG Chonnam (Hàn Quốc). Tại các trung tâm này, tôi đã chuyển sang nghiên cứu lý thuyết toán tử và giải phương trình d ngang với đánh giá.
GS Nguyễn Quang Diệu cùng vợ và con.
Các sản phẩm nghiên cứu của anh hiện được đánh giá thế nào?
Bắt đầu từ công trình của Halmos và Brown vào năm 1965 về toán tử Toeplitz trên không gian Bergman các hàm chỉnh hình trên đĩa đơn vị, những vấn đề về toán tử Toeplitz và toán tử hợp thành giữa các không gian hàm chỉnh hình đã được nhiều nhà toán học trên thế giới đặc biệt là ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ nghiên cứu. Tuy nhiên lý thuyết toán tử giữa các không gian hàm còn rất mới mẻ đối với toán học trong nước. Trong thời gian làm thực tập sinh tại Hàn Quốc, tôi đã có cơ hội tiếp cận với hương nghiên cứu mới này và đã hoàn thoàn một số công trình chẳng hạn như về cấu trúc của toán tử Toeplitz trên miền tùy ý trong mặt phẳng hay là tính các giá trị riêng của toán tử hợp thành có trọng trên không gian Bloch suy rộng. Bên cạnh đó, tôi cũng tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu truyền thống của bộ môn như lý thuyết đa thế vị và giải tích phức nhiều biến. Tính sáng tạo trong những công trình của mình là ở chỗ tôi luôn cố gắng vận dụng những kiến thức cổ điển đã biết vào việc nghiên cứu, giải quyết những bài toán thời sự.
Các công trình khoa học này đã được dùng để hướng dẫn nhiều học viên thạc sĩ. Đồng thời một số bài toán mở trong những hướng nghiên cứu kể trên đã được tôi đề xuất cho 2 NCS của mình.
Các công trình nghiên cứu của tôi hiện nay đang ở mức tiếp cận mặt bằng chung của toán học hiện đại. Trong thời gian tới, cùng với các cộng sự trong bộ môn, tôi sẽ cố gắng giải quyết triệt để một số bài toán mở của lý thuyết toán tử và phương trình Monge-Ampere.
Nhờ vào các công trình nghiên cứu khoa học của mình mà tôi đã được mời đọc báo cáo tại một số hội thảo và được mời đi cộng tác tại một số trường đại học hay viện nghiên cứu chẳng hạn ĐH Fudan (Trung Quốc) 11/2009, ĐH Niigata (Nhật Bản) (6/2009 và 1/2011), ĐH Toulouse (CH Pháp) (5/2011), Viện Max Planck (CHLB Đức) (11/2011)”.
Là nhà khoa học trẻ, anh suy nghĩ thế nào về nền giáo dục Việt Nam hiện nay? Đặc biệt với ngành Toán học?
Chúng ta đều biết hiện nay giáo dục Việt Nam đang gặp phải nhiều bài toán nan giải. Riêng với Toán học tôi thấy gần đây chính phủ đã có những đầu tư đáng kể chẳng hạn như thành lập Viện Toán Học cao cấp, tài trợ cho quĩ nghiên cứu cơ bản quốc gia (NAFOSTED)… Những động thái này đã và đang khích lệ những bạn trẻ như tôi nghiên cứu khoa học
Anh có lời khuyên gì với giới trẻ hiện nay?
Biết cảm nhận được “sở trường” của bản thân là gì và đầu tư hết mình vào đó. Chắc chắn có ngày sẽ thành công.
Xin trân trọng cảm ơn anh!

Tân Giáo sư Nguyễn Quang Diệu sinh ngày 17/7/1974, hiện công tác tại Khoa Toán-Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Anh đã xuất bản 35 bài báo khoa học. Trong số đó có 4 bài báo đăng ở các tạp chí quốc gia và 30 bài đăng ở các tạp chí quốc tế nằm trong danh mục SCI và SCIE.
Những bài toán mà anh nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của giải tích phức nhiều biến và lý thuyết đa thế vị như: Bao lồi đa thức, toán tử Monge-Ampere, phương trình d ngang với đánh giá, toán tử giữa các không gian hàm. Đây là những hướng nghiên đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học quốc tế.
Dưới đây là 5 công trình tiêu biểu được anh viết trong những năm gần đây:
Jensen measures and unbounded B-regular domains , Annales Inst. Fourier 2008; Toeplitz operators on bounded domain in C, Proceedings of American Math. Soc. 2011; d-bar equations with Donnely-Feferfemann estimates, Osaka Journal of Math., 2009; Local polynomial convexity of graphs, Michigan Math. Journal, 2009; Peron-Bremermann envelopes on bounded domains, International Journal of Math., 2007.
Đây là các công trình được xuất bản tại các tạp chí có uy tín ở Pháp, Mỹ và Nhật Bản.

Hồng Hạnh (thực hiện)

Hà Nội: Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Ams

Dân trí:
Chủ Nhật, 06/11/2011 - 07:02

Hà Nội: Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Ams

(Dân trí) - “Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”.

Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với GV trường Ams (THPT Hà Nội - Amsterdam)
Trên đây là bài văn của học trò Nguyễn Trung Hiếu, hiện là học sinh lớp 11 chuyên lý, trường trường Ams (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Bài văn “lạ” trước hết bởi đề bài văn nghị luận cô giao là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền.

Bài văn của em đã lật tung quan niệm bấy lâu nay của nhiều người coi trường Ams là trường “của con nhà giàu” (!?). Nhìn cách tiêu xài hay xe cộ sử dụng để đến trường của một bộ phận học sinh trường Ams, rất nhiều người cứ nhầm tưởng như thế. Chỉ những thày cô giáo đang công tác ở trường Ams mới hiểu rõ đó là ngộ nhận. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là nơi quy tụ các học sinh giỏi, còn trong hàng nghìn học sinh đang theo học ở trường cũng có rất nhiều hoàn cảnh, số phận. Và trường hợp em Nguyễn Trung Hiếu là một ví dụ.

Tuy nhiên, bài văn của Hiếu cũng đã gây “sốc” với ngay chính nhiều thày cô đang giảng dạy tại trường bởi hoàn cảnh của gia đình em. Và hơn thế, các thày cô rất khâm phục ý chí nghị lực của cậu học trò nghèo nhưng học giỏi này. Hiếu chưa nằm trong tốp học sinh xuất sắc của trường, nhưng cũng là một học sinh khá thông minh. Năm học vừa qua em đã đoạt giải nhì trong kì thi Olympic vật lí và cuối năm được cô giáo chủ nhiệm nhận xét trong học bạ là học sinh học giỏi đều các môn học.

Đến thăm gia đình em mới thấy hoàn cảnh gia đình quả rất khó khăn. Mẹ Hiếu (chị Nguyễn Thị Hạnh) bị suy thận mãn tính nặng phải chạy thận đã 8 năm. Bố Hiếu (anh Nguyễn Xuân Sơn) sức khỏe kém, theo bà nội em kể thì bố em từ nhỏ bị viêm tai giữa, đến khi phát hiện máu chảy ra đằng tai mới cho đến bệnh viện thì đã muộn, bác sĩ nói đã “ăn vào não” và để lại di chứng là trí nhớ và sức khỏe bị giảm sút, không có khả năng lao động. Bà nội Hiếu đã cao tuổi mắt lòa. Mọi chi tiêu cho 5 người trong gia đình Hiếu ở giữa Hà Nội trong thời buổi giá cả leo thang đều chủ yếu trông chờ ở số lương hưu ít ỏi của ông nội em - một cựu quân nhân hiện đang ốm nằm liệt giường …

Cảm thông với gia cảnh của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Ams đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10/2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền là 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ các thày cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hàng tháng” cho em Hiếu 450 ngàn đồng; thày Nguyễn Trọng Tuấn nguyên hiệu phó nhà trường cam kết cho em Hiếu vay hàng tháng 500 ngàn đồng cho đến khi học hết lớp 12; còn cô Nguyễn Thúy Hằng giáo viên toán thì tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.

Nguyễn Trung Hiếu cho biết em rất xúc động trước tình cảm các thày cô dành cho em và gia đình. Em không còn phải nhịn ăn sáng để đi học nữa. Em tự hứa sẽ thật cố gắng để giành thành tích cao hơn trong học tập nhằm vượt lên số phận và để ngày mai lập nghiệp, không phụ lòng mong mỏi của các thày cô, của gia đình …

Vũ Quốc Lịch
(
Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam)

*Dưới đây là bài văn của Hiếu đã gây “sốc” với giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

Thư gửi mẹ.

Mẹ thân yêu của con !

“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .

Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.

Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.

Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …

Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ

Nguyễn Trung Hiếu


Dân trí:
Thứ Tư, 09/11/2011 - 16:57
(Dân trí)-“Những lời động viên và sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm em xin ghi nhận và là động lực để em cố gắng. Em nghĩ còn rất nhiều em nhỏ và bạn bè còn khó khăn, cần giúp đỡ hơn em và em muốn chia sẻ phần nào tới những hoàn cảnh đó”.

Đó là tâm sự của em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 chuyên lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, tác giả bài văn gây xúc động trong đó em đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền.
Em Nguyễn Trung Hiếu.

Sau 3 ngày bài báo “Bài văn lạ của cậu học trò nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Ams” được đăng trên Dân trí, rất đông bạn đọc, nhà hảo tâm đã gọi điện và đến nhà thăm hỏi, động viên học sinh Nguyễn Trung Hiếu và gia đình.

Hiếu tâm sự: “Em rất bối rối, bất ngờ và xúc động vì sự quan tâm của mọi người. Lòng tốt và lòng hảo tâm của mọi người em xin ghi nhận và là động lực để em cố gắng. Điều đó làm cho em thấy cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn nhưng em không muốn trở thành sự kiện chú ý như vậy. Bài văn của em chỉ là bài văn bình thường, đúng với quan điểm của em về đồng tiền. Khi em viết bài văn không hề có ý định đăng lên mạng hay rùm beng gì cả mà đó chỉ là bài kiểm tra trên lớp. Hoàn cảnh của em, em chấp nhận và tìm cách giải quyết”.

Với lòng biết ơn và trân trọng tình cảm mọi người dành cho mình, Hiếu cho biết: “Về vật chất mà mọi người tặng em, em dành một phần nhỏ để bồi bổ thêm cho mẹ và số tiền còn lại sẽ quyên góp cho quỹ tình nguyện em đang tham gia. Em nghĩ còn rất nhiều em nhỏ và bạn bè còn khó khăn cần tiền và vật chất hơn em nhiều. Không chỉ khi em nhận đóng góp của người khác em mới làm như vậy mà lúc nào em cũng nghĩ luôn luôn làm việc để giúp đỡ người khác”.

Trao đổi với báo chí, cô Đặng Nguyệt Anh - cô giáo dạy văn của Hiếu, cho biết: “Đọc bài văn của Hiếu tôi không hề sốc mà chỉ cảm động hơn vì hoàn cảnh của em Hiếu, nhà trường biết ngay từ đầu năm học lớp 10 và em đã được nhà trường trợ giúp. Ban phụ huynh lớp 11 chuyên Lý cũng rất nhiệt tình đối xử với Hiếu như là con mình. Các bác phụ huynh đã dành cho Hiếu cả về vật chất và tinh thần. Bản thân tôi, cô Thảo chủ nhiệm lớp 11 và thầy Phúc (chủ nhiệm Hiếu năm lớp 10) không chỉ hỗ trợ Hiếu mà còn nhiều bạn học sinh nghèo khác trong lớp. Điều đáng trân trọng là em Hiếu dám mạnh dạn chia sẻ. Qua chia sẻ chúng ta mới thấy việc làm của em khiến chúng ta phải nhớ. Em là tấm gương về nhận thức, về tình cảm trong xã hội vì bây giờ có những người sống lạnh lùng vô cảm".
Cô Nguyệt Anh chia sẻ: "Điều tôi quý nhất của bài văn này không phải là giúp tôi hiểu em là con nhà nghèo, giúp tôi biết mẹ em chạy thận, điều đó chúng tôi biết từ lâu rồi. Điều mà chúng tôi biết thêm đó là sự hiếu thảo. Thương cho hoàn cảnh khó khăn của em mà phải nhịn ăn đi học, rồi phải trăn trở suy nghĩ. Hiếu tự xác định em không phải là học sinh nghèo và khó khăn nhất của trường, nhiều bạn khó khăn hơn em”.

Được biết, Hiếu là một trong 10 học sinh xuất sắc của lớp 11 chuyên Lý Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Hồng Hạnh


Dân trí:
Thứ Hai, 07/11/2011 - 06:56
(Dân trí) - Bài văn lạ của cậu học trò nghèo Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được đăng trên báo Dân trí đã làm rung động bao trái tim bạn đọc. Nhưng, điều bất ngờ hơn nữa khi cậu học trò nghèo này có tấm lòng rất quảng đại, luôn làm việc thiện.

Chúng tôi đến nhà Nguyễn Trung Hiếu vào chiều qua 6/11 nhưng chờ mãi đến 7h tối mới gặp được, bởi em tham gia CLB tình nguyện đóng đồ tiếp tế cho “Chương trình thắp sáng bản em” ở huyện Mường Tè (Lai Châu) cả ngày.

Cám cảnh thay khi nhìn bề ngoài ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm trong khu phố Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều người sẽ nghĩ rằng gia đình đó thuộc loại khá giả. Nhưng, những người trong căn nhà đó đều sống lay lắt, bệnh tật và không còn khả năng lao động để kiếm sống và thuộc vào hộ nghèo của phường. Niềm hy vọng nhất trong ngôi nhà đó là cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu.

Bà nội Đỗ Thị Lạp của Hiếu năm nay 73 tuổi, nhỏ thó và gầy yếu đang cố gắng đưa người chồng bệnh tật 90 tuổi từ dưới đất lên giường, nếu không có sự hỗ trợ của chúng tôi thì khó lòng bà đưa nổi.

Tâm sự về hoàn cảnh gia đình, bà Lạp nghẹn ngào: “Hôm nay Hiếu đi tình nguyện cả ngày, mẹ nó cũng đi vắng nên một mình tôi hơi vất vả. Tôi cố gắng sống và chăm sóc ông ấy vì mức lương hơn 3 triệu/tháng quân đội về hưu cùng đồng lương ít ỏi hơn 1,4 triệu/ tháng của tôi là chỗ dựa cho cả gia đình Hiếu. Mỗi lần mẹ Hiếu chạy thận, tôi lo lắm vì mẹ cháu đã có lần suýt chết trong lúc đang chạy”.
Ông bà nội của Nguyễn Trung Hiếu.

Theo bà Lạp, bố Hiếu bị viêm tai giữa biến chứng não từ khi 3 tuổi nên rất chậm chạp và không ổn định về tinh thần, không thể làm thêm được việc gì. Mẹ của Hiếu - chị Nguyễn Thị Hạnh thì sức khỏe yếu ngay từ lúc còn trẻ nên sinh Hiếu chỉ được 2,1 kg. Sau khi chị sinh con, sức khỏe ngày càng giảm sút và chị đến bệnh viện phát hiện bị suy thận độ 4 và phải chạy thận tuần 3 lần.

Ngày đầu chưa có bảo hiểm nên việc chạy thận rất tốn kém, bố mẹ bên gia đình nội ngoại đã dồn hết số tiền tiết kiệm để duy trì sự sống cho chị nên tài sản cũng đã khánh kiệt. Cách đây 4 năm, bố chồng chị lại ngã bệnh và nằm liệt giường, gánh nặng lại tiếp tục đè nặng lên gia đình vốn nghèo và bệnh tật.

“Nghèo thì nghèo rồi nhưng tôi quyết tâm giữ ngôi nhà này vì đây là món quà cuối cùng của chúng tôi để lại cho cháu đích tôn duy nhất của gia đình” - bà Lạp nghẹn ngào nói.

Ở chung cùng ông bà nội nhưng gia đình Hiếu lại ăn riêng. Mỗi tháng ông bà nội chu cấp cho gia đình hơn 1 triệu nên việc ăn thịt và cá hàng tuần rất hiếm khi có trong bữa ăn của Hiếu bởi còn dành tiền chữa trị bệnh tật cho mẹ em.

Sống trong hoàn cảnh như vậy nhưng suốt những năm học tiểu học và THCS, Hiếu luôn là học sinh giỏi của trường. Thi vào cấp ba, Hiếu đã đỗ cả 2 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT Chu Văn An. Do sợ học trường Ams phải đóng nhiều tiền, gia đình đã bắt Hiếu học ở trường Chu Văn An. Hiếu đã nài nỉ gia đình cho học tại trường Ams và đã nhịn ăn gần 1 tuần để mong bà và mẹ chấp thuận cho ước nguyện của mình.

May mắn thay, ngay đầu năm nhập học, biết được hoàn cảnh gia đình Hiếu, thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 10 Bùi Văn Phúc đã kiến nghị lên nhà trường miễn giảm các khoản đóng góp cho em. Để tiết kiệm, hàng ngày tới trường Hiếu mang theo âu cơm nhỏ với muối vừng để ăn bữa trưa.

Mẹ Hiếu gầy gò với gương mặt xanh xao, sau nhiều năm chạy thận chỉ còn 35 kg, tâm sự: “Gia đình tôi sống hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương của ông bà nội. Hàng tháng, gia đình có thêm trợ cấp 250.000 đ/tháng của phường theo chế độ hộ nghèo. Thương mẹ, Hiếu nhiều lần xin phép tôi cho đi làm thêm nhưng tôi không muốn để cháu tập trung vào học tập. Tiết kiệm, Hiếu chỉ ăn cơm muối vừng và nhiều lần lén tôi nhịn ăn sáng nên nó gầy lắm. Bị mẹ mắng, Hiếu bảo với tôi: phải ăn dè mẹ ạ, phải tiết kiệm thì bữa sau mới có. Khi Hiếu học lớp 3, tôi chạy thận trong bệnh viện, Hiếu đã kêu gào bác sĩ cứu mẹ cháu với. Hiếu là động lực cuối cùng để tôi cố gắng sống, làm chỗ dựa động viên cho con học tập”.

Sau bài Văn Hiếu viết, cô giáo dạy văn Đặng Nguyệt Anh đã không cầm nổi nước mắt vì không nghĩ Hiếu lại khó khăn đến như vậy. Cô và các bạn học sinh trong lớp đã làm ruốc để giúp đỡ Hiếu trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời cô đã kiến nghị Hội đồng trường cùng quyên góp hỗ trợ Hiếu.
Cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu.

Mặc dù hoàn cảnh như vậy nhưng Hiếu vẫn lạc quan và tham gia nhiều chương trình tình nguyện như “Chương trình Thắp sáng bản em”, “Nhịp đập mùa thu”... giúp đỡ trẻ em nghèo lang thang cơ nhỡ, trẻ em là nạn nhân của chất độc màu da cam, dioxin, nhặt rác tình nguyện…

Hiếu tâm sự: “Khi cô giáo ra đề đề văn nghị luận Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, em viết những gì luôn thường trực, ám ảnh trong đầu em. Em đã từng nghĩ đến việc bỏ học để đi làm thêm nhưng em lại nghĩ phải có kiến thức thì mới làm được việc. Có buổi tình nguyện, chúng em chỉ ăn bánh quy và uống nước để tranh thủ làm việc nhưng em thấy rất thú vị và em yêu thích công việc này vì nó rất cần thiết. Tuy nghèo nhưng em còn may mắn hơn rất nhiều người, nhiều em bé bất hạnh khác vì em còn bố mẹ, ông bà”.

“Chính việc làm từ thiện được gần với những người nghèo khó miếng ăn cũng không có, em thấy cuộc sống nhiều khi quá bất công và tăm tối nên bắt buộc em phải hành động và hành động. Em phải sống, phải cố gắng học tập, phải chấp nhận cuộc sống để giúp đỡ gia đình và những người có hoàn cảnh nghèo khó hơn mình” - Hiếu quả quyết.

Ước mơ của Hiếu là theo học ngành có ứng dụng thực tế và điều đó thôi thúc em học tập để đi du học và đó là cách để em đạt được ước nguyện của mình.

Cao 1m7 mà chỉ nặng 43 kg, Hiếu gầy và xanh nhưng nghị lực sống của em luôn mãnh liệt và luôn hy vọng vào cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp và luôn giúp đỡ người khác.

Tâm sự với chúng tôi, cô Đào Phương Thảo - cô giáo chủ nhiệm lớp của Hiếu cho biết: “Hoàn cảnh của em Hiếu rất đáng thương, nghèo, trong gia đình không còn ai có sức lực để lao động. Tuy vậy, nhưng Hiếu rất chăm ngoan, học giỏi và giàu ý chí. Chúng tôi giúp đỡ em cũng rất tế nhị vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý của em. Tôi luôn căn dặn các em học sinh, lớp là nhà, bạn bè là anh em nên cần giúp đỡ nhau nên Hiếu cũng không bị mặc cảm ở lớp”.

Hồng Hạnh


Dân trí:
Thứ Ba, 08/11/2011 - 11:55
(Dân trí) - Chiều ngày 7/11, đại diện Quỹ Khuyến học “Vòng tay đồng đội” - Quỹ Khuyến học Việt Nam đã đến nhà em Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và tặng học bổng trị giá 5 triệu đồng tới em.

Sáng 6/11, bài viết “Bài văn lạ của cậu học trò nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Ams” đăng tải trên báo Dân trí đã gây xúc động nhiều người vì nghị lực vượt khó của cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu. Chiều ngày 7/11, Quỹ Khuyến học “Vòng tay đồng đội” - Quỹ Khuyến học Việt Nam đến nhà và tặng học bổng trị giá 5 triệu đồng tới em Nguyễn Trung Hiếu bởi ông bà nội Hiếu từng là quân nhân phục vụ trong quân đội. Gia đình Hiếu sống trông chờ vào đồng lương hưu quân đội của ông bà nội tổng cộng hơn 4 triệu đồng/tháng.
Đại diện Quỹ Khuyến học "Vòng tay đồng đội" tặng học bổng tới em Nguyễn Trung Hiếu.

Gia đình cho biết ông nội của em Hiếu là cựu chiến binh cũng đang đau ốm. Từ nguồn phụ cấp quân nhân nghỉ hưu, ông vẫn cùng chia sẻ để giúp việc ăn học của em Hiếu. Quỹ Khuyến học Việt Nam đã trích nguồn Quỹ Khuyến học “Vòng tay đồng đội” dành giúp con em quân nhân găp khó khăn để hỗ trợ học bổng 5 triệu đồng tới em Hiếu.

Cảm động về suất học bổng bất ngờ này, chị Nguyễn Thị Hạnh - mẹ em Nguyễn Trung Hiếu nghẹn ngào nói: “Gia đình rất bất ngờ khi nhận được suất học bổng này và xin chân thành cảm ơn Quỹ Khuyến học “Vòng tay đồng đội” đã giúp đỡ cháu Hiếu. Gia đình chúng tôi cũng rất khó khăn, tôi bị bệnh thận độ 4 nên tuần 3 lần vào viện, chồng tôi thần kinh không ổn định nên chỉ ở nhà. Gia đình hiện nay ở nhờ nhà ông bà nội và nguồn sống của gia đình cũng chỉ trông chờ vào đồng lương của ông bà nội. Tất cả niềm hy vọng của tôi trông chờ vào con, mong con học thật giỏi để có công việc ổn định lúc đó có chết tôi cũng mãn nguyện lắm rồi”.

Nguyễn Trung Hiếu cũng bất ngờ về tình cảm của nhiều người dành cho mình, em tâm sự: “Em không nghĩ bài văn của mình lại được lên báo và nhiều người đến động viên như vậy. Bài văn này em viết theo cảm xúc và hoàn cảnh của mình như đề bài cô giáo ra. Em không biết nói gì hơn là cảm ơn tất cả mọi người đã dành tình cảm giúp đỡ em”.

Cũng trong chiều qua, đại diện cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải - chủ đầu tư của Flamingo Đại Lải Resort đã đến nhà em Nguyễn Trung Hiếu và trao tặng em suất học bổng trị giá 5 triệu đồng để động viên tinh thần, mong Hiếu học giỏi hơn nữa trở thành người có ích cho xã hội.
Đại diện Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải trao học bổng 5 triệu đồng tới Nguyễn Trung Hiếu.
Anh Lê Hữu Trúc - đại diện công ty cho biết: “Ngay sau khi báo Dân trí đăng bài viết về em Hiếu, lãnh đạo công ty rất xúc động và đã phô tô phát cho mỗi nhân viên trong cơ quan đọc vì đây là tấm gương điển hình về nghị lực, ý chí của học sinh nghèo. Công ty mong em cố gắng học thật giỏi để đạt được ước mơ của mình”.

PV


Dân trí:
Thứ Năm, 10/11/2011 - 17:58
(Dân trí) - Chiều nay 9/11, Đại điện Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin đã đến thăm và trao học bổng Thắp Sáng Niềm Tin tới cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu - tác giả “bài văn lạ”.

Ông Hồ Nghĩa Thứ, giám đốc Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin, đã trao tặng em Hiếu học bổng trị giá 10 triệu đồng.
Đại diện công ty PVFC cho biết: "Tâm sự về hoàn cảnh gia đình, chúng tôi được bà nội em cho biết cả gia đình hiện đang sống nhờ vào đồng lương hưu ít ỏi của ông nội và bà nội Hiếu, khoảng gần 4 triệu đồng. Sống trong hoàn cảnh như vậy nhưng suốt những năm học tiểu học và THCS, Hiếu luôn là học sinh giỏi của trường. Thi vào cấp ba, Hiếu đã đỗ vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam".
Cảm thông với gia cảnh gia đình của em Nguyễn Trung Hiếu, bà Nguyễn Thu Hương - Phó Tổng giám đốc PVFC đã thay mặt toàn thể CBNV PVFC chuyển tới mẹ em Hiếu số tiền 10 triệu đồng, để gia đình em có nguồn tài chính ổn định hơn trong sinh hoạt hàng ngày và chữa bệnh.

Ngoài ra, thay mặt Ban điều hành Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin, ông Hồ Nghĩa Thứ, giám đốc Quỹ đã trao tặng em Hiếu một học bổng trị giá 10 triệu đồng.

PV