Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa

Thứ năm, 5/8/2010, 17:08 GMT+7

(VnExpress) - Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa yêu cầu Trung Quốc dừng ngay việc khảo sát địa chấn và mở rộng đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, bởi điều này vi phạm chủ quyền của Việt Nam. 

Từ cuối tháng 5/2010, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát MV Western Spirit và nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát đảo địa chấn đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 thuộc thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, khoảng 90-116 hải lý. Trung Quốc còn cho san lấp mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo.

"Những việc làm của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền của Việt Nam về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, trái với tinh thần tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) và đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc duy trì hòa bình ổn định không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định. 

Hải đăng trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam. Ảnh:
Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam. Ảnh: Trí Tín.

Việt Nam tuyên bố có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông.

Bà Phương Nga cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với các cấp của Trung Quốc để bày tỏ ý kiến chính thức về vấn đề này, nhưng cho đến nay phía Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động nói trên.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn các hành động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông", bà Phương Nga nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thừa nhận rằng trong thời gian qua trên biển Đông "có những diễn biến phức tạp". "Vì vậy cần có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan nhằm duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông và khu vực", bà Nga nói.

Hồi tháng 6, Việt Nam cũng đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa và khuyến khích đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không có người ở. Việc này, một lần nữa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và trái với tinh thần tuyên bố DOC.

Trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, tháng 4/2010, nhóm công tác về DOC của Việt Nam và Trung Quốc đã có cuộc họp. Theo kế hoạch, các quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc cũng sẽ gặp để bàn về việc thực hiện DOC trong thời gian tới.

Thời gian gần đây vấn đề Biển Đông thu hút sự chú ý của giới quan sát, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết ổn thỏa các tranh chấp ở biển Đông, và rằng Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện giúp các bên thương lượng để đạt được giải pháp. Sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề này.

Biển Đông là nơi có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực và thế giới, chứa nhiều trữ lượng khoáng sản và có tuyến đường biển quan trọng nối từ Ấn Độ Dương sang Đông Á.
Thanh Mai

Cập nhật lúc : 5:42 PM, 05/08/2010
Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam
 
(VOV) - Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát MV Western Spirit cùng nhiều tầu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảoTri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142, 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 90-116 hải lý.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam diễn ra chiều 5/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc mới đây đã tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp và mở rộng đảo Tri Tôn; người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga cho biết, từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát MV Western Spirit cùng nhiều tầu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảoTri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142, 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 90-116 hải lý. Phía Trung Quốc còn tiến hành san lấp và mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này. 

Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo các quy định của Công ước luật biển năm 1982, trái với tinh thần tuyên bố của các bên ở Biển Đông, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định, không làm phức tạp tình hình Biển Đông.

Bà Nguyễn Phương Nga khẳng định: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp khác nhau và bày tỏ ý kiến chính thức của Việt Nam về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nói trên. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy quan hệ Việt Trung phát triển ổn định và lành mạnh./.

Thu Hiền

Phát hiện bộ lạc dựng nhà trên cây giữa rừng già Indonesia

Thứ Ba, 20/07/2010 - 15:08
(Dân trí) - Cơ quan dân số Indonesia gần đây đã phát hiện được một bộ lạc du cư, xây nhà trên cây ở giữa khu rừng già hẻo lánh ở vùng cực đông Papua. Lần đầu tiên hình ảnh về cuộc sống của những con người sống như thời kỳ đồ đá này được tiết lộ.

Bộ lạc du cư có tên gọi Koroway, có khoảng 3.000 người. Họ có ngôn ngữ riêng, sống nhờ vào săn bắn động vật và hái lượm thực vật trong rừng. Cơ quan điều tra dân số Indonesia đã phát hiện ra họ trong cuộc điều tra dân số năm 2010.

“Nhà của họ được xây dựng trên cây, cuộc sống của họ giống như ở thời kỳ đồ đá”, Suntono, người đứng đầu cơ quan thống kê của vùng Papua,Indonesia, cho hay. Ông cho biết thêm, những người bộ lạc này làm thang bắc lên các căn lều nằm chót vót trên thân cây cao của mình.

Được biết sau khi nhận được thông tin từ những nhà truyền đạo, giới chức dân số đã đi bộ mất tới 2 tuần mới tìm ra bộ lạc Koroway, nhưng cũng mới chỉ đến được rìa lãnh thổ của họ.

Theo Suntono, những người bộ lạc Koroway không mặc quần áo, ngoại trừ dùng lá chuối để che đi những phần nhạy cảm trên cơ thể. Bộ lạc Koroway có ý thức bảo vệ lãnh thổ của họ khỏi những người từ bên ngoài rất cao, do nguồn thực phẩm của họ phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

Hiện ở Papua có hơn 2.500 bộ lạc và tất cả đều có ngôn ngữ riêng.


Bộ lạc Koroway là bộ lạc đầu tiên chính thức được công nhận là bộ lạc sống trên cây hay bộ lạc "nhà cây". Họ sống ở trong vùng rừng nhiệt đới rậm rạp ở cực đông Papua của Indonesia, có ngôn ngữ riêng và sống nhờ vào thực, động vật trong rừng.

Một người bộ lạc Koroway đang buộc chiếc rìu bằng đá bằng dây mây. Người dân bộ lạc không biết chiếc rìu xuất xứ từ đâu, nhưng các nhà nhân chủng học cho rằng chúng được lấy từ vùng cao nguyên rồi sau đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Người dân bộ lạc Koroway leo thang lên căn nhà bằng gỗ của họ rất điêu luyện. Các căn nhà thường nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt sàn rừng. Một gia đình có tới 8 người.

Đàn ông bộ lạc Koroway săn bắn và câu cá rất giỏi. Ảnh một người đàn ông vác một con đà điểu đầu mèo chưa trưởng thành mới bị giết chết sau khi sập bẫy.

Các mũi tên của người Koroway, mỗi một mũi tên đều có một tên riêng, được sử dụng cho việc săn các con mồi khác nhau. Chiếc có ngạnh lớn ở giữa làm bằng xương chân của đà điểu đầu mèo và sử dụng để chống lại người ngoài xâm nhập. Chiếc ở bên trái mũi tên đó là mũi tên 4 đầu, dùng để đánh cá. Chiếc có đầu cùn lớn là dùng để săn thằn lằn và chiếc có đầu bằng tre lớn là dùng để săn lợn.

Cây cầu tre được buộc bằng dây mây bắc qua một khu ngập lụt trong rừng.



Người Koroway chủ yếu ăn lợn lòi đực, nai, bột cọ sagu và chuối.

Chỉ có vài người Koroway được cho là biết đọc và biết viết. Tổng cộng có 2.868 người bộ lạc được các nhân viên dân số hỏi qua phiên dịch viên là các nhà truyền giáo, sử dụng ngôn ngữ cử chỉ. Ảnh một người đàn ông Koroway leo xuống khỏi cây, sau khi đập rơi một tổ kiến đen để dùng làm mồi câu cá.

Một nhóm ngôi nhà thuộc về 3 anh em trong một dòng họ.

 
 

Các ngôi nhà được xây dựng ở độ các khác nhau, tùy thuộc vào việc người Koroway hòa hợp với các thành viên khác trong bộ lạc như thế nào.

Trước đây, người bộ tộc Koroway cứ nghĩ họ là những người duy nhất sống trên thế giới này. 
Phan Anh
Tổng hợp

9 hang động bí ẩn nhất thế giới


Thứ Hai, 14/06/2010 - 18:30
(Dân trí) - Những cột pha lê khổng lồ mọc chằng chịt; loài côn trùng phát sáng lung linh; những khối băng đá liên tục mọc lên rồi biến mất... đã tạo nên sự kỳ bí làm mê đắm lòng người của 9 hang động dưới đây.
1. Hang Pha lê Mexico


Hang Pha lê khổng lồ ở Mexico nằm sâu 300m dưới lòng đất, chứa các cột tinh thể CaSO4 cao tới 10-11m. Hang được một thợ mỏ bạc Naica, đông nam thành phố Chihuahua, phát hiện vào năm 1974. Nhưng phải đến năm 2000, anh em nhà Juan và Pedro Sanchez tiến hành khoan một đường hầm dẫn tới hang này và những cảnh tượng thú vị thực sự mới được mở ra.

Hang Pha lê thực sự là một vương quốc của những cột pha lê khổng lồ mọc ra tua tủa từ các vách đá và đáy hang. Khối pha lê lớn nhất dài tới 11 m và nặng 55 tấn.

Dù có mặc quần áo làm mát nhưng không ai có thể ở dưới hang quá 1 giờ. Nhiệt độ trong hang lên tới 50 độ C và độ ẩm tới 90-100%.

Được biết, sự chuyển đổi môi trường trong lòng hang từ ẩm ướt sang khô ráo cách đây 2.000 năm khiến xảy ra hiện tượng bay hơi cô đặc một lượng lớn muối canxi trong nước, hình thành các cột pha lê như bây giờ. Nhưng hang Pha lê đang bị đe dọa biến mất bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nếu sự xâm thực của nước vào hang ngày càng tăng, có thể sẽ biến nó trở lại như 2.000 năm trước.

2. Hang FingalScotland
 
 
 
 
Hang Fingal là hang biển, nằm trên hòn đảo không có người ở Staffa tạiScotland. Hang được hình thành hoàn toàn từ những cột khoáng chất bazan 6 cạnh. Theo các nhà khoa học, Hang Fingal được hình thành do dung nham nóng chảy, kết hợp với hiện tượng xói mòn.

3. Hang băng Eisriesenwelt Werfen, Áo
 
 
 
Hang chứa băng đá này được mệnh danh là hệ thống hang băng đá lớn nhất thế giới, nằm ở thị trấn Werfen của Áo. Hệ thống hang được hình thành nhờ sự kết hợp của nhiều điều kiện khác nhau. Gió lạnh bị “bẫy” trong hệ thống hang và nhiệt độ thấp trong hang theo đó được duy trì. Nước chảy trong hang sau đó bị đóng băng thành những hình khối tuyệt đẹp. Sự hình thành băng đá trong hang thay đổi liên tục. Đá tan chảy, rồi lại tái đóng băng khi có dòng nước mới chảy vào.

4. Hang Mammoth trong Công viên quốc gia Mỹ
 
 
 
Hang Mammoth trong Công viên quốc gia Mỹ, công viên được hình thành để bảo tồn hang quý hiếm này, là hệ thống hang dài nhất thế giới, với hơn 500km được phát hiện. Mammoth có những hang rộng lớn, phức tạp như mê cung. Chính vì vậy mà nó được mệnh danh là hang Mammoth.

5. Blue Grotto (Hang Xanh), Italia
 
 
 
Blue Grotto là hang trên bờ biển đảo Capri, Italia. Ánh sáng, nước biển “cộng hưởng” đã tạo ra màu sắc tuyệt vời cho hang động. Chính vì vậy, cái tên gọi Blue Grotto (Hang Xanh) ra đời. Vẻ đẹp của Blue Grotto được nhà văn người Đức August Kopisch phát hiện vào năm 1826 và kể từ đó nó đã trở thành biểu tượng của Capri.

6. Hang Swallows (Nuốt chửng), San Luis PotosíMexico
 
 
 
Lối vào Hang Nuốt chửng nằm dọc một phần núi đá vôi dốc thẳng đứng, hình elip, có kích thước 49x62m. Hang Nuốt chửng là hang ống lớn nhất thế giới (gần 400m), sâu nhất Mexico và sâu thứ 11 thế giới.

7. Hang Đồng Trung, Quý Châu, Trung Quốc
 
 
 
Hang Dongzhong chứa đựng cả một trường học với khoảng 200 học sinh. Trường học hang này được thành lập vào năm 1984. “Khuôn viên” trường là kiệt tác tuyệt đẹp của tạo hóa, là những kiệt tác điêu khắc tuyệt vời được tạo ra bởi gió, nước và những trận địa chấn.

8. Hang Carlsbad, Mỹ
 
 
 
Hang Carlsbad gồm 1 hang lớn được tạo nên từ đá vôi tuyệt đẹp, dài 1.219m, rộng 190,5m và cao khoảng 107m. Đây là hang lớn thứ ba ở Bắc Mỹ và thứ bảy trên thế giới. Hang Carlsbad còn là một thế giới đầy mê hoặc, có hang Lechuguilla với hàng tỷ tinh thể nước phủ trên bề mặt những cụm măng đá lớn nhỏ.

9. Hang Đom đóm Waitomo, New Zealand
 
 
 
Có lẽ đây là một trong những “đặc sản du lịch” có một không hai của New Zealand, khi trong hang động lại có sông suối chảy qua và có một loại côn trùng phát sáng (đom đóm) sinh sống đông đúc khiến các hang động tối om ở độ sâu hàng chục mét dưới mặt đất vẫn sáng lung linh như khung cảnh dưới một bầu trời sao kỳ ảo. Đặc biệt hơn, Glowworm còn có thạch nhũ và măng đá còn “sống”, tức nước vẫn chảy, măng và nhũ vẫn mọc trước mắt khách tham quan.

Phan Anh
Tổng hợp

Giờ đây, Mỹ muốn gì ở Afghanistan?

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Pakistan, Mehmood Qureshi, trong cuộc họp ở Islamabad ngày 19/7.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Pakistan, Mehmood Qureshi, trong cuộc họp ở Islamabad ngày 19/7.

Quyết định viện trợ ồ ạt cho Pakistan để nước này hỗ trợ quốc gia láng giềng Afghanistan, tổ chức hội nghị các nhà tài trợ để nghe chính quyền Kabul báo cáo kế hoạch sắp tới, thay đổi chiến lược quân sự tại Afghanistan là những việc làm mới nhất của Mỹ liên quan tới chiến trường mà họ đã dấn thân từ gần 9 năm nay. Nếu như mục tiêu khởi điểm của Mỹ tại đất nước Nam Á này là tranh giành ảnh hưởng với Liên bang Nga thì giờ đây mục tiêu của họ là gì?

Những sửa soạn cuối cùng cho việc rút quân

Trong khi các lo ngại về tình hình cuộc chiến Afghanistan tiếp tục tăng lên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton khởi sự chuyến công du Nam Á với nhiệm vụ tái xác định mục tiêu của cuộc chiến kéo dài gần 9 năm nay.

Trong chuyến thăm 4 nước Đông - Nam Á lần này của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, điểm dừng chân đầu tiên của bà là Pakistan. Tại thủ đô Islamabad hôm 19/7, Ngoại trưởng Mỹ thông báo một kế hoạch hỗ trợ kinh tế cho Pakistan trên 500 triệu USD. Kế hoạch này bao gồm nhiều chương trình trợ giúp Pakistan như kế hoạch xây dựng đập thủy điện, nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, phát triển nông nghiệp và y tế.

Kế hoạch hỗ trợ 500 triệu USD là một phần trong chương trình tài trợ ồ ạt cho Pakistan đã được Quốc hội Mỹ thông qua, và dự trù tăng lên gấp ba ngân sách trợ giúp Pakistan về mặt dân sự. Tổng ngân sách tài trợ dự tính cho 5 năm tới ước tính lên tới khoảng 7,5 tỉ USD. Theo giới phân tích, kế hoạch trợ giúp kinh tế nói trên nhằm tô điểm lại hình ảnh của Mỹ trong mắt người dân Pakistan.

Đánh đổi lại chương trình viện trợ kinh tế ồ ạt vừa nêu, thì Washington theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của Islamabad tại Afghanistan đồng thời chính quyền Mỹ kêu gọi Pakistan mạnh dạn hơn trong việc đẩy lui quân Taliban khỏi lãnh thổ của mình.

Sau khi ở thăm Pakistan hai ngày, bà Clinton đã sang Afghanistan để tham dự hội nghị các nhà tài trợ Afghanistan. Đây là lần đầu tiên thủ đô Kabul tổ chức cuộc họp quốc tế này với sự có mặt của các đại diện hơn 60 quốc gia. Vấn đề then chốt đặt ra trong cuộc họp lần này là vấn đề chuyển tiếp, củng cố quyền lực cho Kabul, để có thể một mình quán xuyến tương lai, bảo đảm an ninh, một khi quân đội nước ngoài rút đi.

Trước khi khai mạc cuộc họp này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, người cùng chủ trì Hội nghị với Tổng thống Karzai đã tóm lược mong đợi của các nhà tài trợ. Theo đó, Tổng thống Afghanistan nêu rõ những biện pháp cụ thể để cải thiện việc điều hành đất nước, thúc đẩy hòa giải dân tộc, cải thiện tình hình an ninh.

Trong bài phát biểu hôm 20/7, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại lịch trình rút quân mà Tổng thống Obama trước đây đã từng thông báo: Mỹ bắt đầu rút quân từ tháng 7/2011. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định thời điểm này đánh dấu một giai đoạn mới, Mỹ sẽ không bỏ nhiệm vụ hỗ trợ để cho Afghanistan trở thành một quốc gia ổn định, hòa bình.

Tại hội nghị, Tổng thống Afghanistan kêu gọi tổ chức các cuộc thảo luận để xem Afghanistan có thể bằng cách nào tự một mình đứng vững hơn, không cần đến viện trợ nước ngoài. Ông Karzai không xin tiền các quốc gia tài trợ. Nhưng cũng như trong các cuộc họp trước đây, ông nhắc lại là chính quyền Afghanistan cần được quyền kiểm soát 50% quỹ tài trợ cho đất nước này chứ không phải chỉ có 20% như hiện nay. Theo ông, nếu để chính quyền Kabul đứng ra thực hiện các đề án phát triển thì họ sẽ được dân chúng ủng hộ nhiều hơn.

Đại biểu từ hơn 60 quốc gia và tổ chức đã kết thúc hội nghị quốc tế thảo luận về tương lai của Afghanistan.

Mảng thứ ba liên quan đến những thay đổi của Mỹ tại Afghanistan, đó là sự thay đổi chiến thuật. Tháng 6/2010 là tháng đẫm máu nhất trong cuộc chiến đối với lực lượng quốc tế tại Afghanistan, với 103 binh sĩ thiệt mạng, trong khi hàng chục ngàn quân Mỹ được đổ thêm vào nơi này. Trong báo cáo đưa ra mới đây, một nhà phân tích quân sự Mỹ nói rằng, hiện quá trễ để có thể thay đổi gì trong chiến lược và nếu có thay đổi khi duyệt xét tình hình chiến trường cuối năm nay thì chỉ để xem chiến thuật nào rút lui tốt nhất.

Những hậu quả không ngờ của chính trị Mỹ

Cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài tới cả chục năm nhưng thật ra, Mỹ đã tham chiến tại Afghanistan từ... 30 năm trước. Ban đầu là vì chọn lựa, sau đó mới là cần thiết.

Từ cuối năm 1979, khi Liên bang Xôviết đưa quân vào Afghanistan để can thiệp cuộc nội chiến đẫm máu ở đây, chính quyền Jimmy Carter cũng đã nhập cuộc. Đó là lần đầu tiên. Cùng với hai đồng minh Hồi giáo là Arập Xêút và Pakistan, Mỹ khi ấy tổ chức và yểm trợ các lực lượng kháng chiến Hồi giáo bản địa để làm giảm ảnh hưởng của Liên Xô tại khu vực Nam Á. Chẳng có quyền lợi gì tại Afghanistan, Mỹ chọn lựa chiến lược đó trong 10 năm và đạt kết quả vào năm 1989.

Nhưng hậu quả không thể lường được là sự can thiệp này của Mỹ lại thổi bùng lên phong trào Thánh chiến và tạo ra các lực lượng Hồi giáo đối đầu nhau để kiểm soát Afghanistan. Tình trạng nội chiến kéo dài quãng 10 năm, từ năm 1990 đến 2001, với Mỹ và đồng minh là Pakistan lại thủ vai yểm trợ phe này chặn nhóm kia. Kết cục thì phe Taliban được Pakistan yểm trợ đã làm chủ Kabul từ năm 1996. Đó là lần thứ hai Mỹ can thiệp vào Afghanistan.

Hậu quả là Taliban lại chứa chấp và trợ lực mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, dùng Afghanistan làm hậu cứ huấn luyện đặc công khủng bố và tấn công các cơ sở quyền lợi của Mỹ trên thế giới. Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 của Al-Qaeda đảo lộn tất cả vì từ chọn lựa, Afghanistan lại trở thành chiến trường cần thiết.

Ngày 10/10/2001, chính quyền George W. Bush cho quân vào Afghanistan, với sự đồng tình của Tổ chức NATO. Trong 30 ngày, Mỹ không thể chuyển quân vào làm chủ trận địa, mà ông Bush cũng chẳng muốn vậy.

"Của đi thay người" vẫn là phương sách hay, được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen là Mỹ dùng máy bay oanh tạc chiến lược và lực lượng biệt kích hơn là các đơn vị bộ binh quy mô để đánh bật lực lượng Taliban ra khỏi thủ đô Kabul và các thành phố miền Bắc Afghanistan. Nghĩa bóng là vận động sự hợp tác của các lực lượng Hồi giáo đối lập với Taliban, như Liên minh Phương Bắc hay nhiều lãnh đạo thị tộc khác, và các nhóm Hồi giáo theo dòng Shite có quan hệ với Iran hay cả Ấn Độ. Của ở đây gồm có cả tiền bạc, viện trợ hay sự mua chuộc.

Kết cuộc thì Mỹ huy động được vào một trận tuyến nhiều lực lượng Afghanistan đã từng bị Taliban đánh bại từ 1996. Nhưng Taliban bị đánh mà không bại. Họ chỉ phân tán trong các khu vực hiểm trở của Afghanistan.

Chiến lược của Tổng thống Bush tại Afghanistan là chỉ đánh cầm chừng, với mục tiêu là tiêu diệt lực lượng khủng bố Al-Qaeda, phá vỡ khả năng yểm trợ khủng bố của Taliban và lập ra một chính quyền thân Mỹ tại Kabul. Nhược điểm của chiến lược ấy là Mỹ không đủ quân số kiểm soát được cả lãnh thổ dù vẫn đạt kết quả là làm tê liệt bộ phận đầu não của Al-Qaeda. Từ 2001 đến nay, Al-Qaeda hết khả năng tái diễn “thành tích” 11/9. Nhưng từ đó đến nay, Taliban đã tái phối trí lại lực lượng và kiểm soát được nhiều khu vực hẻo lánh tại nông thôn, đa số ở miền Nam Afghanistan.

Điểm lại chuyện cũ, Mỹ đã tận dụng nghệ thuật "mượn sức" tại Afghanistan, mượn sức người để giải quyết chuyện mình. Cho tới khi ông Obama nhậm chức. Ông đắn đo rất lâu trước khi gián tiếp thông báo mục tiêu của chiến lược mới qua bài diễn văn cuối năm 2009 tại West Point. Khi quyết định mọi nguồn lực tại Afghanistan, Tổng thống Obama nhắm đến ba mục tiêu. Thứ nhất, không cho Al-Qaeda tồn tại ở Afghanistan; thứ hai là rút quân khỏi chiến trường này như tại Iraq qua việc thương thuyết với các lãnh đạo Taliban về điều kiện then chốt là chấm dứt yểm trợ Al-Qaeda và thứ ba là bắt đầu triệt thoái từ tháng 7/2011.

Muốn đạt các mục tiêu ấy, Mỹ phải đưa thêm 30.000 quân tới và kêu gọi các đồng minh trong NATO góp sức. Yêu cầu thứ hai là giúp chính quyền Hamid Karzai tại Kabul lập ra một quân đội và lực lượng cảnh sát để thay thế các đơn vị Mỹ - NATO. Yêu cầu thứ ba là phải tạo ra phép lạ kinh tế để ổn định cuộc sống người dân và phát triển một xã hội tiền công nghiệp.

Yêu cầu thứ tư gây sức ép bằng nghệ thuật chiến tranh chống nổi dậy để vừa phân hóa phe Taliban vừa tranh thủ hậu thuẫn của dân chúng nhằm có thêm thông tin về tình báo... Tức là thay vì chỉ đánh cầm chừng như vị tiền nhiệm, ông Obama cho dồn quân đánh tới để rút quân thật nhanh. Một “ấn bản” khác của chiến lược dồn quân tại Iraq mà ông đã lên án. Nhưng Afghanistan không phải là Iraq. Hậu cứ chính yếu của Al-Qaeda nay không còn là Afghanistan: lực lượng này đã tản qua Pakistan và phát triển cơ sở tại nhiều nơi khác, như Yemen hay Somalia. Mục tiêu đầu tiên của chiến lược Obama tại Afghanistan coi như đã... đạt trước khi chiến lược thành hình.

Nhưng quét sạch Al-Qaeda chỉ là mục tiêu phụ. Chuyện chính là tạo điều kiện cho Mỹ rút quân. Điều kiện ấy là cấp tốc Afghanistan hóa chiến tranh- trao cho Afghanistan trách nhiệm tự vệ, với một chính quyền liên hiệp giữa phe thân Mỹ tại Kabul và các lãnh đạo Taliban ly khai. Nhìn lại thì đây vẫn là phép "mượn sức" của nhiều thế lực khác nhau. Mỗi thế lực lại theo đuổi một mục đích riêng - có khi là quyền lực, có khi là quyền lợi kinh tế - với kết quả chung là cầm chân nhau cho Mỹ triệt thoái các đơn vị tác chiến.

Chiến lược ấy đòi hỏi một sức ép quân sự đáng sợ và nhiều chương trình viện trợ tốn kém. Đầu tháng 6, tướng Stanley McChrystal cũng tường trình lên các tổng trưởng quốc phòng của NATO rằng phải mất cả năm chứ không vài tháng mà có kết quả và tình hình mấy tháng tới sẽ còn nhiều khó khăn. Có lẽ đây mới là lý do thật - chứ không phải bài viết trên tờ Rolling Stone vào cuối tháng 6 - khiến ông bị giải nhiệm khỏi chức Tư lệnh chiến trường Afghanistan.

Từ năm 2008, Mỹ đã cho khảo sát về tình hình tài nguyên Afghanistan, tháng trước mới tiết lộ rằng trữ lượng tài nguyên khoáng sản ở đây lên tới cả ngàn tỉ USD. Nhưng, đó là tài sản trên giấy, trên núi hay dưới lòng đất. Muốn khai thác ra tiền thì còn cần cả nghìn cây số xa lộ hay đường sắt chưa hề có và không thể có nếu còn chiến tranh. Mỹ là nước tư bản chứ không khờ: Afghanistan không là thị trường có giá trị chiến lược về kinh tế cho nước Mỹ. Nhưng lại là chiến trường làm Mỹ bị hao tốn và các đơn vị tác chiến bị cầm chân tại chỗ. Một lúc vướng bận ở hai chiến trường thì xoay trở thế nào khi gặp chuyện bất ngờ?

Đã vậy, các đồng minh NATO đều từ chối đôn quân, khỏi cần tới lý do là vì ông Bush ngang bướng. Tiến độ tại Iraq có thể giúp Mỹ tăng viện cho chiến trường Afghanistan, nhưng các đơn vị Afghanistan vẫn chỉ có danh hơn thực và chưa thể thay được binh lính Mỹ trước ngày dân Mỹ đi bầu tổng thống. Đâm ra binh sĩ Mỹ phải chạy đua với thời gian: vào thật sâu mà toàn mạng để rút thật nhanh cho lãnh đạo ca khúc khải hoàn. Trong khi ấy, các viên chức dân sự cũng chạy đua với thời gian để lập kế hoạch phát triển kinh tế trong thời chiến và thời "hậu chiến".

Các lực lượng khác cũng biết bóc lịch Mỹ và coi giờ Washington. Chính quyền Karzai tìm cách móc nối và đối thoại với một số lãnh đạo Taliban. Chính quyền Pakistan bên cạnh cũng thế, ngày càng gây ảnh hưởng vào Afghanistan - như xưa. Lực lượng Taliban thì cố thủ trong các địa phương họ chiếm đóng. Trên thế giới, các quốc gia Hồi giáo, kể cả Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ, cũng theo dõi và chờ ngày Mỹ rút. Ngần ấy lực lượng đều tìm cách trám vào khoảng trống sẽ do Mỹ để lại. Tướng Petreaus phải thuyết phục họ là Mỹ sẽ đánh tới thắng - nhưng vẫn khéo léo để khỏi phủ nhận kỳ hạn chính trị do lãnh đạo đặt ra ở hậu phương.

Mỹ can thiệp vào Afghanistan từ 30 năm nay chủ yếu nhờ vận dụng các thế lực khác, kể cả các nhóm Thánh chiến biến thành khủng bố, có khi thành đồng minh, có khi là đối thủ của Mỹ. Bây giờ, chính quyền Obama lại muốn các đơn vị tác chiến phải nhảy vào tạo điều kiện cho các thế lực này sống chung để Mỹ sớm rút. Chiến lược ấy có thể thành công, với xác suất rất nhỏ. Nhưng không thể thành công với cái khung thời gian quá hẹp. Vì vậy, nhiều phần thì Mỹ sẽ còn ở lại Afghanistan sau kỳ hạn chính trị của Tổng thống Obama

Gửi vào 01/08/10 13:01

Mỹ tự vướng bẫy trong quan hệ với Pakistan

Cập nhật lúc : 2:49 PM, 03/08/2010
Mỹ tự vướng bẫy trong quan hệ với Pakistan
Llính Mỹ tại chiến trường Afghanistan
(VOV) - Những thông tin bị rò rỉ về cuộc chiến tại Afghanistan trên trang web WikiLeaks đã làm lộ chính sách “hai mặt” của Pakistan: vừa nhận viện trợ của Mỹ vừa ngầm hậu thuẫn cho Taliban

Hiện mọi con mắt đang đổ dồn về phía Mỹ và Pakistan, xem các bên sẽ xử trí ra sao? Tuy nhiên, có vẻ “lạ” khi Washington đã lựa chọn tuyên chiến với trang web WikiLeaks và vẫn bênh vực Islamabad. Liệu nước Mỹ quá “ngây thơ” tin cậy vào đồng minh chiến lược Pakistan hay vì Washington cũng đang vướng vào cái bẫy “bắt cá nhiều tay” do chính họ giăng ra?

Tin liên quan:
- WikiLeaks công bố tài liệu cuộc chiến Afghanistan
- Mỹ điều tra vụ lộ tài liệu mật cuộc chiến Afghanistan
- Mỹ mở cuộc điều tra hình sự về vụ rò rỉ thông tin tình báo
- Cơn ác mộng chính trị mới
- Mỹ không tiết lộ thêm tài liệu liên quan đến cuộc chiến tại Afghanistan

Vụ rò rỉ thông tin lần này thực sự gây chấn động khi công bố một số bằng chứng khó phủ nhận như cuộc gặp giữa Giám đốc cơ quan tình báo liên ngành Pakistan với một đại diện của Al Qeada sau khi một thủ lĩnh Al Qeada bị Mỹ bắn chết, hay việc cơ quan này cấp cho Taliban 1.000 xe gắn máy để hoạt động phá hoại hai tỉnh Khost và Logar của Afghanistan, tiếp tục cho phép Taliban dựng căn cứ ở lãnh thổ Pakistan hay âm mưu ám sát Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai...

Ngay đến quốc gia đồng minh số một của Mỹ ở châu Âu là Anh cũng lên tiếng gay gắt chỉ trích Pakistan. Thủ tướng Anh David Cameron, dù sắp tiếp đón Tổng thống Pakistan, cũng không ngại ngần chỉ trích Pakistan “xuất khẩu khủng bố” gây bất ổn Afghanistan. Những tưởng những tình tiết được xem là “đã rõ” như vậy sẽ khiến Mỹ phải thay đổi thái độ với Islamabad. Tuy nhiên, tiếng nói bênh vực công khai của các quan chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khiến dư luận phải ngạc nhiên. Washington cũng lựa chọn giải pháp “tuyên chiến” với trang web và các tờ báo đã để lộ những thông tin mà Nhà Trắng lo là sẽ “làm tổn hại các đồng minh của Mỹ”, trong đó ẩn ý có quan hệ với Pakistan.

Không khó để lý giải chính sách “hai mặt” của Pakistan, bởi đơn giản Islamabad gặt hái được nhiều lợi ích hơn khi vừa nhận viện trợ của Mỹ, giúp củng cố an ninh quốc phòng, vừa không gây thù hằn với Taliban hay Al Qeada vốn đã ăn sâu bám rễ trong xã hội quốc gia này.

Tuy nhiên về phía Mỹ, lại hoàn toàn không dễ cắt nghĩa tại sao Washington lại kiên định đến thế nhằm bảo vệ quan hệ với Pakistan - mối quan hệ đồng minh vốn đã “đặc biệt” một cách khác thường trước khi xảy ra vụ rò rỉ thông tin mật? Cách đây hai tuần, Mỹ lại cung cấp bổ sung 7,5 triệu USD cho Pakistan, đồng thời cung cấp thêm 18 máy bay chiến đấu F16 thế hệ mới khiến Pakistan trở thành quốc gia thứ hai sau Israel được Mỹ cung cấp phiên bản mới nhất của loại máy bay hiện đại này. Ai cũng biết Mỹ cần Pakistan, bởi trùm khủng bố Bin Laden và thủ lĩnh hàng đầu của Taliban Mullah Omar được cho là đang ẩn náu tại đây. Nhưng tại sao một siêu cường như Mỹ vốn không ngại mở các đợt tấn công quy mô lớn tại Afghanistan, Iraq lại không dám trực chiến tại những địa bàn trên lãnh thổ Pakistan mà Mỹ đã xác định là sào huyệt của bọn khủng bố? Phải chăng tình hình ở Pakistan phức tạp đến mức Nhà Trắng phải mượn tay của chính quyền Islamabad? Điều này có thể đúng, nhưng vẫn không thể giải thích được hết thái độ “ngọt nhạt” khó hiểu của Mỹ với Pakistan. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton mới đây từng nói với các quan chức Pakistan rằng: “Tôi tin rằng, trong Chính phủ này có người biết chính xác Osama Bin Laden và Al Qeada ở đâu, Mullah Omar và Taliban ở đâu, và chúng tôi mong có sự hợp tác chặt chẽ hơn để giúp đem lại công lý, tiêu diệt những kẻ đã gây ra thảm họa 11/9 cho nước Mỹ”.

Rõ ràng, nước Mỹ cần Pakistan ở nhiều mục đích hơn là cuộc chiến chống khủng bố, trong đó không loại trừ việc tận dụng mối quan hệ đồng minh thân thiết với Islamabad để cân bằng chỗ đứng trong khu vực địa chiến lược quan trọng Nam Á, cân bằng quan hệ với các chủ thể khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ. Song dường như Mỹ đang tự vướng bẫy của mình khi chơi trò “bắt cá nhiều tay”. Mới cách đây không lâu, Washington đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi Pakistan ký thoả thuận hạt nhân giá trị lớn với Trung Quốc, bởi chẳng phải chính nước Mỹ cũng đã vượt rào ký thoả thuận bán công nghệ hạt nhân gây nhiều tranh cãi cho Ấn Độ. Thậm chí còn có giả thuyết rằng Mỹ đã phải nhượng bộ do Pakistan đe doạ có thể xảy ra xung đột hạt nhân Pakistan với Ấn Độ nếu Mỹ không đảm bảo nguồn tài trợ không hạn chế cũng như vũ khí cho Islamabad.

Thông tin về chính sách sai lầm của Mỹ với Pakistan nay ít nhiều đã đến với hầu hết người dân Mỹ trong khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ đang đến rất gần. E rằng Tổng thống Obama sớm muộn gì cũng phải điều chỉnh thái độ với Pakistan./.

Thuỳ Vân

Những người dũng cảm

Chủ nhật, 01/08/2010 | 00:13GMT+7
TIẾT LỘ BÍ MẬT CHIẾN TRANH AFGHANISTAN
Những người dũng cảm

Vụ rò rỉ 76.000 trên tổng số 92.201 tài liệu mật về chiến tranh Afghanistan trên Wikileaks hôm 25-7 được xem là lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, lớn hơn cả vụ tiết lộ tài liệu mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam năm 1971

Giờ đây thì mọi người đã rõ danh tính hai nhân vật chính trong câu chuyện rò rỉ bí mật chiến tranh Afghanistan mà Lầu Năm Góc giấu kín trong mấy năm qua. Họ là những người dũng cảm, làm một việc đầy nguy hiểm cho bản thân.
Người thứ nhất là binh nhất Bradley Manning, 22 tuổi, ở chiến trường Iraq. Theo Lầu Năm Góc, Manning là nghi can số một đột nhập kho tài liệu mật của Lầu Năm Góc, tải xuống cả chục ngàn tài liệu rồi chuyển đến trang web Wikileaks.
Người thứ hai là Julian Assange, nhà sáng lập Wikileaks, 39 tuổi. Wikileaks là trang web khuyến khích mọi người công khai những thông tin để chống lại nạn tham nhũng trong chính quyền và các công ty.
Kể từ ngày thành lập (năm 2006), Wikileaks đã đăng tải hàng triệu tài liệu mật đủ thể loại , từ thông tin tình báo đến tài liệu nội bộ công ty. Trong 4 năm qua, WikiLeaks cung cấp nhiều bí mật hơn bất cứ tờ báo nào trong thế kỷ qua.
Lương tâm không ngủ yên
Trong bộ quân phục màu xanh lá cây, binh nhất Bradley Manning không có vẻ gì khác biệt so với đồng đội cùng trang lứa. Nếu có chăng, đó là một tâm hồn nhạy cảm và lòng can đảm hơn người.
Manning đã bị bắt hồi tháng 5 vừa qua, trong lúc đang đóng quân ở tiền đồn Hammer, cách thủ đô Baghdad của Iraq 64 km, nhưng không phải vì vụ rò rỉ thông tin mật chiến trường Afghanistan trên Wikileaks mặc dù là nghi can số một.
Julian Assange cầm tờ The Guardian đưa tin rò rỉ tài liệu mật chiến trường Afghanistan trên Wikileaks tại buổi họp báo ở London ngày 26-7. Ảnh: Reuters


Manning bị bắt vì đã tiết lộ, cũng trên WikiLeaks, ngày 5-4 vừa qua, một cuộn băng video cho thấy trực thăng Apache Mỹ bắn chết hàng chục thường dân vô tội ở Baghdad, trong đó có 2 phóng viên Reuters, hồi năm 2007. FBI và Bộ Tư pháp đang hỗ trợ Bộ Quốc phòng Mỹ điều tra xem ai đang giúp Manning tiết lộ tài liệu mật cho WikiLeaks.
Manning vào quân đội Mỹ năm 2007, làm công tác phân tích thông tin tình báo. Anh được phép vào kho dữ liệu mật, phân tích dữ liệu theo yêu cầu của cấp trên.
Trong quá trình công tác, những sự thật về chiến tranh Iraq làm cho Manning vỡ mộng về chính sách đối ngoại của Mỹ. Tháng 11-2009, anh bắt đầu sao chép tài liệu mật và tìm đến WikiLeaks.
Sau vụ tiết lộ cuộn băng video nói trên, Manning tiếp tục bức xúc về “thông tin mật chiến trường Afghanistan xấu xa không thể tưởng, công chúng có quyền được biết chứ không phải giấu giếm trong một số máy chủ đặt trong một căn phòng tối tăm ở Washington”.
Câu chuyện rò rỉ tài liệu mật Afghanistan bắt đầu từ ngày 21-5, khi Manning tìm đến Adrian Lamo, nguyên là tin tặc (hacker) nổi tiếng, mà anh tin rằng có tâm hồn đồng điệu nhưng Manning đã lầm người.
Trao đổi qua e-mail và chat trên Yahoo I.M, với biệt danh Bradass87, Manning hỏi Lamo: “Nếu bạn có cơ hội vào kho tài liệu mật 14 giờ/ngày, 7 ngày/tuần trong vòng 8 tháng thì bạn sẽ làm gì?”.
Năm ngày sau, Bradass87 cho Lamo biết anh đã vào hai mạng bí mật SIPRNET và JWICS của Mỹ chứa đựng thông tin mật về ngoại giao và tình báo quân sự, tải xuống như thế nào. Manning dùng dĩa hát CD-RW dán nhãn album Telephone của nữ ca sĩ thời thượng Lady Gaga, xóa hết nhạc để ghi lại tài liệu mật.
Ngày 25-5, Lamo đã tiếp xúc với đặc vụ Cục Điều tra tội phạm của Lầu Năm Góc tại một quán cà phê Starbuck, trưng ra một bản in nội dung chat với Bradass87 để làm bằng chứng. Ngày hôm sau, Manning bị bắt đưa về Kuwait, tống vào quân lao sau khi bị khởi tố 8 tội danh, trong đó có tội “cung cấp thông tin quốc phòng cho một nguồn trái phép”.
Với những tội danh trên, Manning có thể lãnh 52 năm tù. Manning sẽ bị xét xử tại Washington D.C, chứ không phải tại Baghdad như thông tin ban đầu.
Assange bị đe dọa
Ngày 26-7, xuất hiện trong một cuộc họp báo ở London (Anh), Julian Assange từ chối bình luận về nguồn cung cấp tài liệu mật cho WikiLeaks và làm cách nào WikiLeaks nhận được những tài liệu đó.
Trước đó, Daniel Ellsberg, người tiết lộ tài liệu mật Lầu Năm Góc cách đây 39 năm, đã báo động chuyện Manning bị bắt cho Assange biết với lời cảnh báo các cơ quan an ninh Mỹ sẽ làm đủ cách “xử đẹp Assange” để làm gương. Assange liền hủy kế hoạch bay đến Las Vegas và rút vào bí mật. Có tin Assange đang ở Thụy Điển và Iceland.
Đây không phải là lần đầu tiên Assange và WikiLeaks bị đe dọa. Hồi đầu năm nay, WikiLeaks đã đăng tải một tài liệu của quân đội Mỹ cho hay Mỹ lên kế hoạch “phá hủy trọng tâm của WikiLeaks”.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, phóng viên tờ The Guardian của Anh bắt gặp Assange trong một quán cà phê ở Brussels (Bỉ), nơi Assange có một buổi nói chuyện với các nghị sĩ Nghị viện châu Âu.
Tại đây, The Guardian đã đạt được một thỏa thuận với Assange, theo đó, ba tờ báo lớn của Mỹ, Anh và Đức là The New York Times, The Guardian và Der Spiegel đồng loạt đăng một số tài liệu mật lấy từ WikiLeaks. Việc làm này nhằm làm giảm nguy cơ WikiLeaks bị nhà cầm quyền Mỹ “nắn gân”. Assange cho biết Mỹ có thể bắt anh về tội đồng phạm gián điệp.
Bradley Manning. Ảnh: AP


Julian Assange thật sự là ai? Sinh năm 1971 tại Townsville, bang Queenland, Úc, Assange là một “chiến sĩ đấu tranh cho tự do internet” (theo nhật báo Úc The Age) và một nhà báo nổi tiếng sau khi ông thành lập WikiLeaks. Ông cũng là một lập trình viên phát triển phần mềm tự do đồng thời là một hacker nổi tiếng ở Úc.
WikiLeaks ra đời năm 2006. Trong khi báo chí nói Assange là nhà sáng lập hoặc giám đốc WikiLeaks, Assange chỉ tự nhận là tổng biên tập làm việc không ăn lương.
Năm 2009, Assange được Tổ chức Ân xá Quốc tế trao giải thưởng truyền thông.
Kỳ tới: Sự thật về biệt đội 373
VĂN ANH
Thứ hai, 02/08/2010 | 00:40GMT+7
email  in  comment
Người lao động (nld.com.vn): TIẾT LỘ BÍ MẬT CHIẾN TRANH AFGHANISTAN

Một trong những tiết lộ đáng chú ý trong vụ rò rỉ 76.000 tài liệu mật trên WikiLeaks ngày 25-7 là những thông tin liên quan đến TF 373 chuyên ám sát và bắt sống quân địch

Lần đầu tiên các hoạt động của một đơn vị đặc nhiệm của Mỹ có tên TF 373 được phơi bày ra ánh sáng làm quân đội Mỹ và NATO (Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương) bối rối.
 
Đứng về mặt nhân quyền, tìm cách bí mật tiêu diệt và giam cầm những kẻ nghi ngờ là quân nổi dậy không qua xét xử, không cần chứng cớ là trái với công ước quốc tế.
 
Đây là một khía cạnh cuộc chiến ở Afghanistan gây tranh cãi gay gắt nhất. Đó cũng là lý do mà các hoạt động của TF 373 được quân đội Mỹ xếp vào hạng bí mật quân sự.
 
Lính TF 373. Ảnh: COLDBEE
 
Danh sách đen
 
Những tiết lộ trên WikiLeaks liên quan đến TF 373 còn phơi bày một sự thật phũ phàng: Lính TF 373 từng nhiều lần giết nhầm thường dân, trong đó bao gồm phụ nữ và trẻ em, kể cả cảnh sát Afghanistan vô tình có mặt tại các điểm tập kích của TF 373.
 
Những vụ giết nhầm như vậy được giấu kín nhưng không ngăn chặn được những tin đồn mà giáo sư Philip Alston, người đã đến Afghanistan hồi tháng 5-2008 để điều tra những vụ giết người trái pháp luật, từng xác nhận.
 
Theo giáo sư Alston, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, Mỹ và lực lượng NATO đã không minh bạch và chạy trốn trách nhiệm trong những vụ giết nhầm như vậy.
 
76.000 trên tổng số 91.201 tài liệu mật của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) từ năm 2004-2009 tiết lộ trên WikiLeaks đã cung cấp một hình ảnh trung thực và tàn nhẫn của cuộc chiến ở Afghanistan hơn bao giờ hết.
 
Trong số này, 84 báo cáo về hoạt động của TF 373 cho một cái nhìn cận cảnh về một đơn vị biệt kích Mỹ hoạt động ở Afghanistan ngoài sự ủy thác của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) của NATO.
 
Cho đến nay, hoạt động của TF 373 hoàn toàn nằm ngoài báo cáo quân sự chính thức của Mỹ. Danh sách những người mà TF 373 có nhiệm vụ giết chết hoặc bắt cóc làm tù binh nhưng không bao giờ đem ra xét xử, lần đầu tiên được biết đến là chức sắc Taliban, Al-Qaeda, những kẻ chế tạo bom và trùm ma túy.
 
Tuy nhiên, không ai biết thật sự có bao nhiêu người nằm trong danh sách có tên viết tắt là JPEL này. Theo tờ Mail & Guardian của Nam Phi, danh sách có khoảng 2.000 người, mỗi cái tên kèm theo một mã số và cấp độ ưu tiên (giết hoặc bắt cóc).
 
TF 373 có ít nhất ba căn cứ đóng tại Afghanistan: thủ đô Kabul, tỉnh Kandahar và tỉnh Khost. Các thành viên của TF 373 không bao giờ đeo bảng tên trên sắc phục.
 
Họ xuất thân từ lực lượng biệt kích hải quân và lục quân Mỹ. Khi hành quân, tác chiến theo lệnh trực tiếp của Lầu Năm Góc, TF 373 không bao giờ báo cho trung tâm ISAF biết.
 
Những tài liệu tiết lộ trên WikiLeaks không chỉ bật mí về sự hiện diện và hoạt động của TF 373 mà còn cho biết tại sao biệt đội này góp phần làm cho người dân Afghanistan bất mãn và oán ghét quân đội Mỹ và NATO.
 
TF 373 từng nhiều lần giết hại dân lành và mỗi lần như vậy đều được bưng bít thông tin. Cuộc đột kích của TF 373 ngày 17-6-2007 là một ví dụ.
 
Giết nhầm học sinh
 
Hôm đó, TF 373 thực hiện một cuộc tấn công tiêu diệt Abu Laith al-Libi, một chức sắc cao cấp của Al-Qaeda người Lybia.
 
Sau nhiều tuần trinh sát một trường dạy kinh Koran trong làng Nangar Khel, TF 373 tin rằng Abu Laith và các trợ thủ đang ẩn núp trong trường.
 
TF 373 được trang bị vũ khí mới gọi là HIMARS, giàn phóng 6 tên lửa đặt trên xe tải nhỏ. TF 373 bắn 5 quả hủy diệt ngôi trường.
 
Kết quả, TF 373 không tìm thấy xác của Abu Laith al-Libi hay bất cứ tên Al-Qaeda nào. Thay vào đó là xác của 6 học sinh. Học sinh thứ 7 mặc dù được cấp cứu trong suốt 20 phút cũng đã chết.
 
Sự kiện này không thể bưng bít. Quân đội Mỹ phải đứng ra xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, lực lượng nào của Mỹ tấn công ngôi trường không được nêu ra.
 
Trước đó một tuần, TF 373 cũng giết nhầm và làm bị thương 11 cảnh sát Afghanistan. Tài liệu mật cho biết đêm 11-6-2007, TF 373 tấn công một địa điểm ở thung lũng gần thành phố Jalalabad để bắt cóc hoặc giết chết thủ lĩnh Taliban Qarl Ur-Rahman.
 
Trong khi tiến đến gần mục tiêu, trong bóng tối dày đặc bỗng có ai đó đốt đuốc sáng trưng. Cuộc đấu súng bùng phát, TF 373 gọi máy bay AC-130 hỗ trợ hỏa lực. Cả một vùng bị cày nát bằng đạn đại liên.
 
Báo cáo mật viết: “Sứ mệnh ban đầu bị hủy bỏ, TF 373 cắt đứt liên lạc và trở về căn cứ. 7X ANP KIA, 4X WIA”. Dòng mật mã này có nghĩa là: 7 người chết, 4 người bị thương, tất cả là cảnh sát Afghanistan.
 
Sáng hôm sau, ISAF ra thông cáo báo chí thừa nhận có đấu súng và máy bay hỗ trợ nhưng bỏ qua số cảnh sát Afghanistan bị giết và bị thương.
 
Sợ sự thật có thể bị rò rỉ, thông cáo nhấn mạnh: “Không có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng đối địch là bạn. Những cá nhân bắn vào lực lượng liên quân không mặc sắc phục”. Dĩ nhiên, thông cáo cũng lờ đi chuyện TF 373 can dự vào vụ này.
 
Thiệt hại phụ
 
Ngay cả những phi vụ thành công, không hiếm trường hợp ngoài đối tượng bị giết, thường dân vô tội cũng chết theo. Ví dụ như đêm 24-6-2009, TF 373 tấn công một mục tiêu có mật danh “Millersville” gần biên giới Afghanistan-Pakistan để giết thủ lĩnh Taliban Amir Jan Mutaki.
 
Một số lính TF 373 dùng trực thăng, một số khác đi đường bộ. Cuộc tấn công diễn ra chớp nhoáng. Theo báo cáo mật của quân đội Mỹ, “6 tên địch” bị trực thăng bắn chết.
 
Thế nhưng, cuộc kiểm tra sau đó phát hiện xác 2 người đàn ông, 3 phụ nữ và 6 trẻ em, trong đó một em bị chó Mỹ cắn chết. Một trong hai người đàn ông là Amir Jan Mutaki. Chiến dịch được coi là thành công kém, thiệt hại phụ là 10 người địa phương.

Kỳ tới: Mỹ yêu cầu ngưng tiết lộ thêm
VĂN ANH
Người lao động (nld.com.vn):
Thứ ba, 03/08/2010 | 01:48GMT+7
TIẾT LỘ BÍ MẬT CHIẾN TRANH AFGHANISTAN

Julian Assange, chủ nhân trang web WikiLeaks, còn trong tay gần 15.000 tài liệu mật về chiến tranh Afghanistan chưa công bố. Mỹ đang khẩn cầu Assange ngưng tiết lộ thêm

Ngày 25-7, trang web WikiLeaks mới công bố 76.911 trên tổng số 91.201 tài liệu mật dạng thô của các bộ Mỹ. Số còn lại, Julian Assange nói chưa tiện công khai vì đang cân nhắc lợi hại.
Robert Gates và đô đốc Mike Mullen. Ảnh: AP
 
Tuy Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tuyên bố rằng những tài liệu mật đã công bố “không có gì mới” nhưng P.J. Crowley, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, thừa nhận rằng trong số gần 15.000 tài liệu mật mà WikiLeaks chưa công bố, nhiều công hàm ngoại giao có nội dung hết sức tế nhị. Nếu những công hàm này bị tiết lộ, quan hệ ngoại giao Mỹ-Afghanistan và Mỹ-Pakistan sẽ bị tổn thương.
 
Đã có thêm tiết lộ mới
 
Điều mà Washington lo ngại nhiều nhất là các nguồn cung cấp thông tin cho quân đội và Bộ Ngoại giao Mỹ bị lộ và không còn tác dụng, thậm chí bị nguy hại đến tính mạng.
 
Được hỏi liệu chính quyền ông Obama có thể ngăn chặn WikiLeaks tiếp tục tiết lộ bí mật cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan hay không, Robert Gibbs – thư ký báo chí Nhà Trắng – trả lời trên đài truyền hình NBC hôm 30-7: “Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là khẩn cầu những người có những tài liệu tuyệt mật đừng đưa lên mạng nữa”.
 
P.J. Crowley cho biết Chính phủ Mỹ đã tìm cách liên hệ với Julian Assange nhưng “Assange không phải là công dân Mỹ. Vì vậy, khả năng nói chuyện với ông ấy rất hạn chế”.
 
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Úc ABC hôm 29-7, Assange cho biết ông đã tìm cách tiếp xúc với Nhà Trắng, thông qua trung gian nhật báo The New York Times để đề nghị Washington cử người đến xem trước các tài liệu mà WikiLeaks sẽ đưa lên mạng nhằm bảo đảm rằng không người vô tội nào bị hại. Nhà Trắng đã từ chối đề nghị của ông chủ WikiLeaks.
 
Tuy nhiên, đại tá hải quân Mỹ David Lapan, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, phủ nhận thông tin nói trên. Lapan cho rằng WikiLeaks chưa bao giờ liên lạc với Nhà Trắng hay cơ quan chính phủ nào.
 
Trong khi mọi chuyện còn đang dây dưa thì mới đây WikiLeaks đã tung lên mạng một tập tin mã hóa chứa 1,4 GB có tên “bảo hiểm” trong mục “Nhật ký chiến tranh Afghanistan”. Ý nghĩa cụm từ “bảo hiểm” này là để phòng Mỹ hành động chống lại WikiLeaks, trang web chuyên tiết lộ tài liệu mật bị rò rỉ có trụ sở ở Thụy Điển.
 
Muốn xem tập tin phải biết mật khẩu. Theo tin đồn râm ran mấy ngày nay, chỉ có những người ủng hộ WikiLeaks mới được Assange cung cấp mật khẩu để xem tập tin “bảo hiểm”.
 
Vẫn còn bí mật, có nhiều suy đoán chung quanh tập tin nói trên. Theo Cryptome.org, một trang web tương tự như WikiLeaks, tập tin có thể chứa gần 15.000 tài liệu mật mà Washington khẩn cầu đừng tiết lộ. Cryptome cũng tin rằng WikiLeaks đã sẵn sàng trong tư thế “tung hê hết” nếu bị chính quyền Mỹ hay ai đó tấn công. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng đe dọa Assange có thể là “ mục tiêu” của quân đội Mỹ.
 
Mua chuộc
 
Trong khi đó, trang web Wired.com cho rằng tập tin “bảo hiểm” có thể chứa những tài liệu mật khác như “nhật ký chiến tranh Afghanistan, video quay tại Afghanistan và 260.000 công điện của Bộ Ngoại giao Mỹ” của binh nhất Bradley Manning.
 
Manning – một chuyên viên phân tích thông tin tình báo quân đội Mỹ - đã bị bắt hồi tháng 5 vừa qua về tội tiết lộ cuộn băng video quay vụ trực thăng Mỹ bắn giết thường dân Afghanistan và hai phóng viên của hãng tin Reuters hồi năm 2007.
 
Bradley Manning hiện đã được di lý từ Kuwait về Quantico, bang Virgina, để chuẩn bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở thủ đô Washington. Nhật báo The Washington Post (WP) cho hay trước khi WikiLeaks tiết lộ hơn 76.000 tài liệu mật về chiến tranh, các nhà điều tra Mỹ đã “làm việc” với bạn bè và người quen của Manning, trong đó có ít nhất hai chuyên gia máy tính công tác ở Trường Đại học Boston và Học viện Công nghệ Massachusetts, nhằm tìm hiểu động cơ của Manning thuộc về tâm lý hay chính trị. Họ cũng muốn biết Manning hành động một mình hay có người trợ giúp.
 
Đáng chú ý là một chuyên gia máy tính ở Trường Đại học Boston bị các điều tra viên Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao thẩm vấn, tiết lộ rằng ông đã được đề nghị thưởng tiền để thâm nhập WikiLeaks nhưng ông đã từ chối.
 
Chuyên gia giấu tên nói trên từng gặp Manning hồi đầu năm nay. Sau khi Manning bị bắt, giữa tháng 6 vừa qua, hai điều tra viên đã phỏng vấn chuyên gia này để tìm hiểu xem Manning có liên can gì đến những tài liệu mật công bố trên WikiLeaks cách nay 8 ngày hay không. Họ nghi ngờ Manning khai thác lỗ hổng trong hệ thống máy tính Lầu Năm Góc để tải xuống hàng chục ngàn tài liệu mật lưu trữ trong các CD trong khoảng thời gian trên 6 tháng.
 
Đổ lỗi cho nhau
 
Một trong những vấn đề đang gây tranh cãi là việc WikiLeaks tiết lộ các tài liệu mật về chiến tranh Afghanistan có đe dọa tính mạng của những người cung cấp tin cho quân đội Mỹ hay không.
 
Theo các quan chức Mỹ, WikiLeaks ít nhất đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Robert Gibbs tuyên bố rằng việc WikiLeaks công bố hơn 76.000 tài liệu mật đã đe dọa tính mạng những người Afghanistan cộng tác với quân đội Mỹ và đồng minh của họ.
 
Gibbs khẳng định rằng Taliban đã tuyên bố sẽ tìm những “kẻ phản trắc” hợp tác với lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế của NATO để trừng phạt.
 
Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Liên tham mưu trưởng và Robert Gates còn đi xa hơn, tố cáo bàn tay Julian Assange đã “dấy máu những người lính trẻ Mỹ hoặc người Afghanistan (cộng tác với Mỹ) khi công bố trái phép tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan”.
 
WikiLeaks phản bác mọi tố giác của các quan chức Mỹ. Julian Assange tuyên bố trên tờ Observer (Anh) rằng nếu có ai đó bị hại là do Mỹ không biết bảo vệ cộng tác viên của mình.
 
Assange còn nhấn mạnh rằng nếu có người bị giết hay bị thương vì WikiLeaks tiết lộ bí mật cuộc chiến Afghanistan thì ông sẽ thay đổi phương pháp hoạt động của WikiLeaks.

VĂN ANH
-