Quyết định viện trợ ồ ạt cho Pakistan để nước này hỗ trợ quốc gia láng giềng Afghanistan, tổ chức hội nghị các nhà tài trợ để nghe chính quyền Kabul báo cáo kế hoạch sắp tới, thay đổi chiến lược quân sự tại Afghanistan là những việc làm mới nhất của Mỹ liên quan tới chiến trường mà họ đã dấn thân từ gần 9 năm nay. Nếu như mục tiêu khởi điểm của Mỹ tại đất nước Nam Á này là tranh giành ảnh hưởng với Liên bang Nga thì giờ đây mục tiêu của họ là gì?
Những sửa soạn cuối cùng cho việc rút quân
Trong khi các lo ngại về tình hình cuộc chiến Afghanistan tiếp tục tăng lên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton khởi sự chuyến công du Nam Á với nhiệm vụ tái xác định mục tiêu của cuộc chiến kéo dài gần 9 năm nay.
Trong chuyến thăm 4 nước Đông - Nam Á lần này của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, điểm dừng chân đầu tiên của bà là Pakistan. Tại thủ đô Islamabad hôm 19/7, Ngoại trưởng Mỹ thông báo một kế hoạch hỗ trợ kinh tế cho Pakistan trên 500 triệu USD. Kế hoạch này bao gồm nhiều chương trình trợ giúp Pakistan như kế hoạch xây dựng đập thủy điện, nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, phát triển nông nghiệp và y tế.
Kế hoạch hỗ trợ 500 triệu USD là một phần trong chương trình tài trợ ồ ạt cho Pakistan đã được Quốc hội Mỹ thông qua, và dự trù tăng lên gấp ba ngân sách trợ giúp Pakistan về mặt dân sự. Tổng ngân sách tài trợ dự tính cho 5 năm tới ước tính lên tới khoảng 7,5 tỉ USD. Theo giới phân tích, kế hoạch trợ giúp kinh tế nói trên nhằm tô điểm lại hình ảnh của Mỹ trong mắt người dân Pakistan.
Đánh đổi lại chương trình viện trợ kinh tế ồ ạt vừa nêu, thì Washington theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của Islamabad tại Afghanistan đồng thời chính quyền Mỹ kêu gọi Pakistan mạnh dạn hơn trong việc đẩy lui quân Taliban khỏi lãnh thổ của mình.
Sau khi ở thăm Pakistan hai ngày, bà Clinton đã sang Afghanistan để tham dự hội nghị các nhà tài trợ Afghanistan. Đây là lần đầu tiên thủ đô Kabul tổ chức cuộc họp quốc tế này với sự có mặt của các đại diện hơn 60 quốc gia. Vấn đề then chốt đặt ra trong cuộc họp lần này là vấn đề chuyển tiếp, củng cố quyền lực cho Kabul, để có thể một mình quán xuyến tương lai, bảo đảm an ninh, một khi quân đội nước ngoài rút đi.
Trước khi khai mạc cuộc họp này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, người cùng chủ trì Hội nghị với Tổng thống Karzai đã tóm lược mong đợi của các nhà tài trợ. Theo đó, Tổng thống Afghanistan nêu rõ những biện pháp cụ thể để cải thiện việc điều hành đất nước, thúc đẩy hòa giải dân tộc, cải thiện tình hình an ninh.
Trong bài phát biểu hôm 20/7, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại lịch trình rút quân mà Tổng thống Obama trước đây đã từng thông báo: Mỹ bắt đầu rút quân từ tháng 7/2011. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định thời điểm này đánh dấu một giai đoạn mới, Mỹ sẽ không bỏ nhiệm vụ hỗ trợ để cho Afghanistan trở thành một quốc gia ổn định, hòa bình.
Tại hội nghị, Tổng thống Afghanistan kêu gọi tổ chức các cuộc thảo luận để xem Afghanistan có thể bằng cách nào tự một mình đứng vững hơn, không cần đến viện trợ nước ngoài. Ông Karzai không xin tiền các quốc gia tài trợ. Nhưng cũng như trong các cuộc họp trước đây, ông nhắc lại là chính quyền Afghanistan cần được quyền kiểm soát 50% quỹ tài trợ cho đất nước này chứ không phải chỉ có 20% như hiện nay. Theo ông, nếu để chính quyền Kabul đứng ra thực hiện các đề án phát triển thì họ sẽ được dân chúng ủng hộ nhiều hơn.
Đại biểu từ hơn 60 quốc gia và tổ chức đã kết thúc hội nghị quốc tế thảo luận về tương lai của Afghanistan. |
Mảng thứ ba liên quan đến những thay đổi của Mỹ tại Afghanistan, đó là sự thay đổi chiến thuật. Tháng 6/2010 là tháng đẫm máu nhất trong cuộc chiến đối với lực lượng quốc tế tại Afghanistan, với 103 binh sĩ thiệt mạng, trong khi hàng chục ngàn quân Mỹ được đổ thêm vào nơi này. Trong báo cáo đưa ra mới đây, một nhà phân tích quân sự Mỹ nói rằng, hiện quá trễ để có thể thay đổi gì trong chiến lược và nếu có thay đổi khi duyệt xét tình hình chiến trường cuối năm nay thì chỉ để xem chiến thuật nào rút lui tốt nhất.
Những hậu quả không ngờ của chính trị Mỹ
Cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài tới cả chục năm nhưng thật ra, Mỹ đã tham chiến tại Afghanistan từ... 30 năm trước. Ban đầu là vì chọn lựa, sau đó mới là cần thiết.
Từ cuối năm 1979, khi Liên bang Xôviết đưa quân vào Afghanistan để can thiệp cuộc nội chiến đẫm máu ở đây, chính quyền Jimmy Carter cũng đã nhập cuộc. Đó là lần đầu tiên. Cùng với hai đồng minh Hồi giáo là Arập Xêút và Pakistan, Mỹ khi ấy tổ chức và yểm trợ các lực lượng kháng chiến Hồi giáo bản địa để làm giảm ảnh hưởng của Liên Xô tại khu vực Nam Á. Chẳng có quyền lợi gì tại Afghanistan, Mỹ chọn lựa chiến lược đó trong 10 năm và đạt kết quả vào năm 1989.
Nhưng hậu quả không thể lường được là sự can thiệp này của Mỹ lại thổi bùng lên phong trào Thánh chiến và tạo ra các lực lượng Hồi giáo đối đầu nhau để kiểm soát Afghanistan. Tình trạng nội chiến kéo dài quãng 10 năm, từ năm 1990 đến 2001, với Mỹ và đồng minh là Pakistan lại thủ vai yểm trợ phe này chặn nhóm kia. Kết cục thì phe Taliban được Pakistan yểm trợ đã làm chủ Kabul từ năm 1996. Đó là lần thứ hai Mỹ can thiệp vào Afghanistan.
Hậu quả là Taliban lại chứa chấp và trợ lực mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, dùng Afghanistan làm hậu cứ huấn luyện đặc công khủng bố và tấn công các cơ sở quyền lợi của Mỹ trên thế giới. Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 của Al-Qaeda đảo lộn tất cả vì từ chọn lựa, Afghanistan lại trở thành chiến trường cần thiết.
Ngày 10/10/2001, chính quyền George W. Bush cho quân vào Afghanistan, với sự đồng tình của Tổ chức NATO. Trong 30 ngày, Mỹ không thể chuyển quân vào làm chủ trận địa, mà ông Bush cũng chẳng muốn vậy.
"Của đi thay người" vẫn là phương sách hay, được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen là Mỹ dùng máy bay oanh tạc chiến lược và lực lượng biệt kích hơn là các đơn vị bộ binh quy mô để đánh bật lực lượng Taliban ra khỏi thủ đô Kabul và các thành phố miền Bắc Afghanistan. Nghĩa bóng là vận động sự hợp tác của các lực lượng Hồi giáo đối lập với Taliban, như Liên minh Phương Bắc hay nhiều lãnh đạo thị tộc khác, và các nhóm Hồi giáo theo dòng Shite có quan hệ với Iran hay cả Ấn Độ. Của ở đây gồm có cả tiền bạc, viện trợ hay sự mua chuộc.
Kết cuộc thì Mỹ huy động được vào một trận tuyến nhiều lực lượng Afghanistan đã từng bị Taliban đánh bại từ 1996. Nhưng Taliban bị đánh mà không bại. Họ chỉ phân tán trong các khu vực hiểm trở của Afghanistan.
Chiến lược của Tổng thống Bush tại Afghanistan là chỉ đánh cầm chừng, với mục tiêu là tiêu diệt lực lượng khủng bố Al-Qaeda, phá vỡ khả năng yểm trợ khủng bố của Taliban và lập ra một chính quyền thân Mỹ tại Kabul. Nhược điểm của chiến lược ấy là Mỹ không đủ quân số kiểm soát được cả lãnh thổ dù vẫn đạt kết quả là làm tê liệt bộ phận đầu não của Al-Qaeda. Từ 2001 đến nay, Al-Qaeda hết khả năng tái diễn “thành tích” 11/9. Nhưng từ đó đến nay, Taliban đã tái phối trí lại lực lượng và kiểm soát được nhiều khu vực hẻo lánh tại nông thôn, đa số ở miền Nam Afghanistan.
Điểm lại chuyện cũ, Mỹ đã tận dụng nghệ thuật "mượn sức" tại Afghanistan, mượn sức người để giải quyết chuyện mình. Cho tới khi ông Obama nhậm chức. Ông đắn đo rất lâu trước khi gián tiếp thông báo mục tiêu của chiến lược mới qua bài diễn văn cuối năm 2009 tại West Point. Khi quyết định mọi nguồn lực tại Afghanistan, Tổng thống Obama nhắm đến ba mục tiêu. Thứ nhất, không cho Al-Qaeda tồn tại ở Afghanistan; thứ hai là rút quân khỏi chiến trường này như tại Iraq qua việc thương thuyết với các lãnh đạo Taliban về điều kiện then chốt là chấm dứt yểm trợ Al-Qaeda và thứ ba là bắt đầu triệt thoái từ tháng 7/2011.
Muốn đạt các mục tiêu ấy, Mỹ phải đưa thêm 30.000 quân tới và kêu gọi các đồng minh trong NATO góp sức. Yêu cầu thứ hai là giúp chính quyền Hamid Karzai tại Kabul lập ra một quân đội và lực lượng cảnh sát để thay thế các đơn vị Mỹ - NATO. Yêu cầu thứ ba là phải tạo ra phép lạ kinh tế để ổn định cuộc sống người dân và phát triển một xã hội tiền công nghiệp.
Yêu cầu thứ tư gây sức ép bằng nghệ thuật chiến tranh chống nổi dậy để vừa phân hóa phe Taliban vừa tranh thủ hậu thuẫn của dân chúng nhằm có thêm thông tin về tình báo... Tức là thay vì chỉ đánh cầm chừng như vị tiền nhiệm, ông Obama cho dồn quân đánh tới để rút quân thật nhanh. Một “ấn bản” khác của chiến lược dồn quân tại Iraq mà ông đã lên án. Nhưng Afghanistan không phải là Iraq. Hậu cứ chính yếu của Al-Qaeda nay không còn là Afghanistan: lực lượng này đã tản qua Pakistan và phát triển cơ sở tại nhiều nơi khác, như Yemen hay Somalia. Mục tiêu đầu tiên của chiến lược Obama tại Afghanistan coi như đã... đạt trước khi chiến lược thành hình.
Nhưng quét sạch Al-Qaeda chỉ là mục tiêu phụ. Chuyện chính là tạo điều kiện cho Mỹ rút quân. Điều kiện ấy là cấp tốc Afghanistan hóa chiến tranh- trao cho Afghanistan trách nhiệm tự vệ, với một chính quyền liên hiệp giữa phe thân Mỹ tại Kabul và các lãnh đạo Taliban ly khai. Nhìn lại thì đây vẫn là phép "mượn sức" của nhiều thế lực khác nhau. Mỗi thế lực lại theo đuổi một mục đích riêng - có khi là quyền lực, có khi là quyền lợi kinh tế - với kết quả chung là cầm chân nhau cho Mỹ triệt thoái các đơn vị tác chiến.
Chiến lược ấy đòi hỏi một sức ép quân sự đáng sợ và nhiều chương trình viện trợ tốn kém. Đầu tháng 6, tướng Stanley McChrystal cũng tường trình lên các tổng trưởng quốc phòng của NATO rằng phải mất cả năm chứ không vài tháng mà có kết quả và tình hình mấy tháng tới sẽ còn nhiều khó khăn. Có lẽ đây mới là lý do thật - chứ không phải bài viết trên tờ Rolling Stone vào cuối tháng 6 - khiến ông bị giải nhiệm khỏi chức Tư lệnh chiến trường Afghanistan.
Từ năm 2008, Mỹ đã cho khảo sát về tình hình tài nguyên Afghanistan, tháng trước mới tiết lộ rằng trữ lượng tài nguyên khoáng sản ở đây lên tới cả ngàn tỉ USD. Nhưng, đó là tài sản trên giấy, trên núi hay dưới lòng đất. Muốn khai thác ra tiền thì còn cần cả nghìn cây số xa lộ hay đường sắt chưa hề có và không thể có nếu còn chiến tranh. Mỹ là nước tư bản chứ không khờ: Afghanistan không là thị trường có giá trị chiến lược về kinh tế cho nước Mỹ. Nhưng lại là chiến trường làm Mỹ bị hao tốn và các đơn vị tác chiến bị cầm chân tại chỗ. Một lúc vướng bận ở hai chiến trường thì xoay trở thế nào khi gặp chuyện bất ngờ?
Đã vậy, các đồng minh NATO đều từ chối đôn quân, khỏi cần tới lý do là vì ông Bush ngang bướng. Tiến độ tại Iraq có thể giúp Mỹ tăng viện cho chiến trường Afghanistan, nhưng các đơn vị Afghanistan vẫn chỉ có danh hơn thực và chưa thể thay được binh lính Mỹ trước ngày dân Mỹ đi bầu tổng thống. Đâm ra binh sĩ Mỹ phải chạy đua với thời gian: vào thật sâu mà toàn mạng để rút thật nhanh cho lãnh đạo ca khúc khải hoàn. Trong khi ấy, các viên chức dân sự cũng chạy đua với thời gian để lập kế hoạch phát triển kinh tế trong thời chiến và thời "hậu chiến".
Các lực lượng khác cũng biết bóc lịch Mỹ và coi giờ Washington. Chính quyền Karzai tìm cách móc nối và đối thoại với một số lãnh đạo Taliban. Chính quyền Pakistan bên cạnh cũng thế, ngày càng gây ảnh hưởng vào Afghanistan - như xưa. Lực lượng Taliban thì cố thủ trong các địa phương họ chiếm đóng. Trên thế giới, các quốc gia Hồi giáo, kể cả Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ, cũng theo dõi và chờ ngày Mỹ rút. Ngần ấy lực lượng đều tìm cách trám vào khoảng trống sẽ do Mỹ để lại. Tướng Petreaus phải thuyết phục họ là Mỹ sẽ đánh tới thắng - nhưng vẫn khéo léo để khỏi phủ nhận kỳ hạn chính trị do lãnh đạo đặt ra ở hậu phương.
Mỹ can thiệp vào Afghanistan từ 30 năm nay chủ yếu nhờ vận dụng các thế lực khác, kể cả các nhóm Thánh chiến biến thành khủng bố, có khi thành đồng minh, có khi là đối thủ của Mỹ. Bây giờ, chính quyền Obama lại muốn các đơn vị tác chiến phải nhảy vào tạo điều kiện cho các thế lực này sống chung để Mỹ sớm rút. Chiến lược ấy có thể thành công, với xác suất rất nhỏ. Nhưng không thể thành công với cái khung thời gian quá hẹp. Vì vậy, nhiều phần thì Mỹ sẽ còn ở lại Afghanistan sau kỳ hạn chính trị của Tổng thống Obama
Gửi vào 01/08/10 13:01
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét