Mỹ tự vướng bẫy trong quan hệ với Pakistan

Cập nhật lúc : 2:49 PM, 03/08/2010
Mỹ tự vướng bẫy trong quan hệ với Pakistan
Llính Mỹ tại chiến trường Afghanistan
(VOV) - Những thông tin bị rò rỉ về cuộc chiến tại Afghanistan trên trang web WikiLeaks đã làm lộ chính sách “hai mặt” của Pakistan: vừa nhận viện trợ của Mỹ vừa ngầm hậu thuẫn cho Taliban

Hiện mọi con mắt đang đổ dồn về phía Mỹ và Pakistan, xem các bên sẽ xử trí ra sao? Tuy nhiên, có vẻ “lạ” khi Washington đã lựa chọn tuyên chiến với trang web WikiLeaks và vẫn bênh vực Islamabad. Liệu nước Mỹ quá “ngây thơ” tin cậy vào đồng minh chiến lược Pakistan hay vì Washington cũng đang vướng vào cái bẫy “bắt cá nhiều tay” do chính họ giăng ra?

Tin liên quan:
- WikiLeaks công bố tài liệu cuộc chiến Afghanistan
- Mỹ điều tra vụ lộ tài liệu mật cuộc chiến Afghanistan
- Mỹ mở cuộc điều tra hình sự về vụ rò rỉ thông tin tình báo
- Cơn ác mộng chính trị mới
- Mỹ không tiết lộ thêm tài liệu liên quan đến cuộc chiến tại Afghanistan

Vụ rò rỉ thông tin lần này thực sự gây chấn động khi công bố một số bằng chứng khó phủ nhận như cuộc gặp giữa Giám đốc cơ quan tình báo liên ngành Pakistan với một đại diện của Al Qeada sau khi một thủ lĩnh Al Qeada bị Mỹ bắn chết, hay việc cơ quan này cấp cho Taliban 1.000 xe gắn máy để hoạt động phá hoại hai tỉnh Khost và Logar của Afghanistan, tiếp tục cho phép Taliban dựng căn cứ ở lãnh thổ Pakistan hay âm mưu ám sát Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai...

Ngay đến quốc gia đồng minh số một của Mỹ ở châu Âu là Anh cũng lên tiếng gay gắt chỉ trích Pakistan. Thủ tướng Anh David Cameron, dù sắp tiếp đón Tổng thống Pakistan, cũng không ngại ngần chỉ trích Pakistan “xuất khẩu khủng bố” gây bất ổn Afghanistan. Những tưởng những tình tiết được xem là “đã rõ” như vậy sẽ khiến Mỹ phải thay đổi thái độ với Islamabad. Tuy nhiên, tiếng nói bênh vực công khai của các quan chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khiến dư luận phải ngạc nhiên. Washington cũng lựa chọn giải pháp “tuyên chiến” với trang web và các tờ báo đã để lộ những thông tin mà Nhà Trắng lo là sẽ “làm tổn hại các đồng minh của Mỹ”, trong đó ẩn ý có quan hệ với Pakistan.

Không khó để lý giải chính sách “hai mặt” của Pakistan, bởi đơn giản Islamabad gặt hái được nhiều lợi ích hơn khi vừa nhận viện trợ của Mỹ, giúp củng cố an ninh quốc phòng, vừa không gây thù hằn với Taliban hay Al Qeada vốn đã ăn sâu bám rễ trong xã hội quốc gia này.

Tuy nhiên về phía Mỹ, lại hoàn toàn không dễ cắt nghĩa tại sao Washington lại kiên định đến thế nhằm bảo vệ quan hệ với Pakistan - mối quan hệ đồng minh vốn đã “đặc biệt” một cách khác thường trước khi xảy ra vụ rò rỉ thông tin mật? Cách đây hai tuần, Mỹ lại cung cấp bổ sung 7,5 triệu USD cho Pakistan, đồng thời cung cấp thêm 18 máy bay chiến đấu F16 thế hệ mới khiến Pakistan trở thành quốc gia thứ hai sau Israel được Mỹ cung cấp phiên bản mới nhất của loại máy bay hiện đại này. Ai cũng biết Mỹ cần Pakistan, bởi trùm khủng bố Bin Laden và thủ lĩnh hàng đầu của Taliban Mullah Omar được cho là đang ẩn náu tại đây. Nhưng tại sao một siêu cường như Mỹ vốn không ngại mở các đợt tấn công quy mô lớn tại Afghanistan, Iraq lại không dám trực chiến tại những địa bàn trên lãnh thổ Pakistan mà Mỹ đã xác định là sào huyệt của bọn khủng bố? Phải chăng tình hình ở Pakistan phức tạp đến mức Nhà Trắng phải mượn tay của chính quyền Islamabad? Điều này có thể đúng, nhưng vẫn không thể giải thích được hết thái độ “ngọt nhạt” khó hiểu của Mỹ với Pakistan. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton mới đây từng nói với các quan chức Pakistan rằng: “Tôi tin rằng, trong Chính phủ này có người biết chính xác Osama Bin Laden và Al Qeada ở đâu, Mullah Omar và Taliban ở đâu, và chúng tôi mong có sự hợp tác chặt chẽ hơn để giúp đem lại công lý, tiêu diệt những kẻ đã gây ra thảm họa 11/9 cho nước Mỹ”.

Rõ ràng, nước Mỹ cần Pakistan ở nhiều mục đích hơn là cuộc chiến chống khủng bố, trong đó không loại trừ việc tận dụng mối quan hệ đồng minh thân thiết với Islamabad để cân bằng chỗ đứng trong khu vực địa chiến lược quan trọng Nam Á, cân bằng quan hệ với các chủ thể khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ. Song dường như Mỹ đang tự vướng bẫy của mình khi chơi trò “bắt cá nhiều tay”. Mới cách đây không lâu, Washington đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi Pakistan ký thoả thuận hạt nhân giá trị lớn với Trung Quốc, bởi chẳng phải chính nước Mỹ cũng đã vượt rào ký thoả thuận bán công nghệ hạt nhân gây nhiều tranh cãi cho Ấn Độ. Thậm chí còn có giả thuyết rằng Mỹ đã phải nhượng bộ do Pakistan đe doạ có thể xảy ra xung đột hạt nhân Pakistan với Ấn Độ nếu Mỹ không đảm bảo nguồn tài trợ không hạn chế cũng như vũ khí cho Islamabad.

Thông tin về chính sách sai lầm của Mỹ với Pakistan nay ít nhiều đã đến với hầu hết người dân Mỹ trong khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ đang đến rất gần. E rằng Tổng thống Obama sớm muộn gì cũng phải điều chỉnh thái độ với Pakistan./.

Thuỳ Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét