Lùng nhóm bắn chết người kinh động Bình Dương

Vietnam+ (VietnamPlus)
07/05/2011 | 18:50:00


Chiều 7/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khẩn trương thu thập chứng cứ, vây bắt toán người đi xe hơi, dùng súng bắn chết ông Phan Văn Lan, 41 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân sắt thép Lan Thảo tại phường Định Hòa, thị xã Thủ Dầu Một gây kinh động ở Bình Dương.

Theo người nhà nạn nhân, trước đó vào sáng (6/5) một toán người khoảng 15 tên đi trên hai xe hơi Camry, Mitsubishi và hai chiếc xe máy kéo đến nhà xưởng ông Lan đập phá đòi tiền.

Chiều cùng ngày, toán người này lại kéo đến với nhiều hung khí mã tấu, dao, búa trên tay. Khi đó, ông Lan cùng 2 người khác hay tin nhà có chuyện đã tức tốc về và khi đến gần khu nhà xưởng, ông bị đám người này bao vây. Chưa kịp phản ứng thì ông Lan đã bị bắn. Người cháu đi cùng xe kịp thời bỏ chạy thoát thân.

Mặc dù được người nhà đưa đi cấp cứu, nhưng ông Lan đã chết bởi một viên đạn bắn trúng tim.

Theo bà Phan Thị Ngọc, em gái ông Lan, nguyên nhân cái chết của ông Lan có thể liên quan đến một hợp đồng mua bán đất trong năm 2009. Khi đó, ông Lan có lô đất hơn 3.000m2 ở ấp 1, xã Tân Định, huyện Bến Cát bán cho người con rể của một chủ xưởng hạt điều có tiếng tên là H.L ở phường Định Hòa, thị xã Thủ Dầu Một.

Hai bên thỏa thuận mua bán lô đất với giá 3,2 tỷ đồng trong đó đối tác đặt cọc cho ông Lan 2 tỷ đồng. Đột nhiên, phía đối tác hủy hợp đồng và đòi lại số tiền đã đặt cọc 2 tỷ đồng.

Ông Lan đồng ý trả lại phía người mua đất trước 1,5 tỷ đồng tiền cọc, số tiền còn lại 500 triệu đồng sẽ đưa sau. Thế nhưng, người con rể chủ xưởng hạt điều liên tục đưa người qua gây hấn đòi số tiền 500 triệu đồng.

Tại hôm ông Lan bị bắn chết, nhiều người chứng kiến đối tượng mua đất của ông Lan cũng có mặt trong toán người khoảng 15 tên đến đập phá nhà xưởng.

Sau khi bắn chết ông Lan, nhóm này leo lên xe chạy về hướng tỉnh Bình Phước. Một người khoảng 45 tuổi cầm mã tấu và một con dao không kịp lên xe tẩu thoát đã bị người dân kịp thời bao vây bắt giao công an.

Sau khi nhận được thông tin, cơ quan công an Bình Dương khẩn trương vào cuộc xác minh, điều tra. Tuy nhiên, băng nhóm dùng súng bắn chết người đã bỏ trốn.

Hiện công an đang truy lùng gắt gao nhóm tội phạm nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Đề nghị truy tố ông Phan Hà Bình

Tuổi trẻ Online
Thứ Bảy, 07/05/2011, 08:11 (GMT+7)

Vụ nhà báo cưỡng đoạt tiền doanh nghiệp: Đề nghị truy tố ông Phan Hà Bình

TT - Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa đề nghị Viện KSND tối cao truy tố bị can Phan Hà Bình (42 tuổi, bút danh Hà Phan), nguyên phó tổng thư ký tòa soạn báo Tiền Phong, làm việc tại văn phòng đại điện TP.HCM, về tội cưỡng đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra xác định Phan Hà Bình đã cưỡng đoạt 220 triệu đồng của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn và 1.000 USD của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Lương Tài.

Theo kết luận điều tra, tháng 9-2010 Phan Hà Bình đã thu thập thông tin về việc thực hiện một số dự án kinh tế của các công ty thành viên Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn để viết bài đăng trên báo Tiền Phong.

Trong quá trình thu thập thông tin, Phan Hà Bình đã đến trụ sở Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn gặp bà Nguyễn Cẩm Phương - giám đốc truyền thông của tập đoàn, trưởng đại diện Công ty cổ phần đầu tư ximăng Sài Gòn - Tân Kỳ tại TP.HCM - yêu cầu đưa tiền, nếu không đáp ứng sẽ đăng bài có nội dung gây ảnh hưởng uy tín cho doanh nghiệp. Bà Phương đã từ chối yêu cầu này.

Trong tháng 9 và tháng 10-2010, Phan Hà Bình đã viết và đăng trên báo Tiền Phong ba bài báo gồm: “SGT và KGB - dự án tỉ đô đầu voi đuôi chuột”, “Cổ phiếu bất thường trên sàn Hà Nội”, “Cách nào kiểm soát cổ phiếu bất thường”.

Sau khi đăng các bài báo này, Phan Hà Bình nhiều lần chủ động liên hệ và gặp riêng bà Nguyễn Cẩm Phương gây áp lực, đặt vấn đề đưa tiền, nếu không sẽ tiếp tục đăng bài.

Theo cơ quan điều tra, Phan Hà Bình đòi bà Phương đưa 200 triệu đồng thì sẽ dừng đăng các bài viết gây ảnh hưởng đến uy tín, nếu đưa thêm 3.000 USD sẽ viết một bài lấy lại uy tín doanh nghiệp.

Do sợ ảnh hưởng đến uy tín các đơn vị thành viên và tập đoàn, bà Phương đã báo cáo tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ximăng Sài Gòn - Tân Kỳ và được giao tự xử lý sao cho mọi việc tốt đẹp, nếu đưa tiền phải báo công an.

Sau nhiều lần trao đổi, bà Phương nói với Phan Hà Bình đồng ý đưa 220 triệu đồng để Bình dừng đăng bài gây ảnh hưởng đến uy tín và viết bài lấy lại uy tín cho doanh nghiệp. Sau khi hẹn gặp Phan Hà Bình, bà Phương đã tố cáo sự việc đến cơ quan an ninh.

Tối 13-10-2010, cơ quan an ninh đã bắt giữ Phan Hà Bình khi vừa nhận 220 triệu đồng của bà Nguyễn Cẩm Phương tại một nhà hàng ở TP.HCM.

Ngoài vụ việc trên, cơ quan điều tra còn làm rõ việc Phan Hà Bình phát hiện bản cáo bạch của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Lương Tài có phần không chính xác, sau đó điện thoại đến công ty yêu cầu gặp lãnh đạo để thu thập tư liệu viết bài.

Ông Bùi Đình Hưng, chủ tịch HĐQT công ty, hẹn gặp Phan Hà Bình và bị Bình đòi chi 1.000 USD. Ông Hưng đồng ý đưa tiền cho Bình. Sau khi Phan Hà Bình bị bắt, ông Hưng tố cáo hành vi này.

MINH QUANG


Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có kết luận chính thức về hành vi vi phạm pháp luật của ông Phan Hà Bình, bút danh Hà Phan - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong.

Sau khi bị bắt khẩn cấp lúc đang nhận 220 triệu đồng của Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, Phan Hà Bình (bút danh Hà Phan - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong) khai nhận, bằng cách hù dọa một doanh nghiệp khác, Bình đã nhận trót lọt 1.000 USD “tiền im lặng”...

Muốn “êm” thì phải chi

Theo kết quả điều tra, ngày 13.10.2010, Hà Phan đã cùng một phóng viên khác có bài viết “SGT và KBC - Dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột” với nội dung bất lợi cho Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ.

Phan Hà Bình bị bắt tối 13.10.2010
Trong thời gian thu thập thông tin để viết bài và sau khi bài báo đã được đăng, Phan Hà Bình đã nhiều lần đến gặp Nguyễn Cẩm Phương - Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - để đòi chi tiền. Mỗi lần đến gặp bà Phương, Hà Phan hù dọa nếu không chi tiền thì sẽ tiếp tục viết thêm nhiều bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp này.

Sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng Phan Hà Bình ra giá, nếu được chi 200 triệu đồng thì sẽ dừng không đăng các bài báo gây bất lợi cho Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ nữa. Còn nếu được chi thêm 3.000 USD nữa thì Phan Hà Bình sẽ không những không đăng tiếp các bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp mà còn viết lại một bài báo khác để... lấy lại uy tín cho doanh nghiệp này.

Bị hù dọa như thế, bà Nguyễn Cẩm Phương buộc phải đưa 220 triệu đồng theo yêu cầu của Phan Hà Bình và sau đó tố cáo toàn bộ sự việc với cơ quan bảo vệ pháp luật...

Tại cơ quan điều tra, Phan Hà Bình khai nhận trước khi bị bắt, đã hù dọa và nhận 1.000 USD của một doanh nghiệp khác. Khi đọc báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Lương Tài, Phan Hà Bình phát hiện có sai phạm nên liên hệ trực tiếp và hẹn gặp lãnh đạo công ty này tại một quán cà phê.

Tại đây, Phan Hà Bình đặt vấn đề nếu mua sự im lặng thì phải chung chi 1.000 USD. Đổi lại, Phan Hà Bình sẽ không viết và đăng bài gây bất lợi cho doanh nghiệp này. Vụ này, Phan Hà Bình đã nhận trót lọt 1.000 USD...

Nguồn tin từ Cơ quan ANĐT cho biết, sắp tới cơ quan này sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố Phan Hà Bình về hành vi cưỡng đoạt tài sản 220 triệu đồng.

Đưa thông tin “phiến diện, một chiều”

Theo Cơ quan ANĐT, năm 2010, mặc dù biết Phan Hà Bình ngoài việc làm phóng viên cho Báo Tiền Phong, còn làm Thư ký tòa soạn cho Báo Xe và Thể thao (với mức lương 8 triệu đồng/tháng) là trái với quy chế của báo nhưng ông Tổng Biên tập Đoàn Công Huynh vẫn cho làm các thủ tục bổ nhiệm Phan Hà Bình làm Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong.

Theo Cơ quan an ninh điều tra, trước và sau khi được bổ nhiệm, Phan Hà Bình đã biếu ông Huynh một máy nghe nhạc Ipod và một máy tính bảng Ipad. Đến nay, ông Đoàn Công Huynh đã giao nộp hai chiếc máy này cho cơ quan công an.

Về sai phạm của hai cán bộ khác của Báo Tiền Phong, Cơ quan ANĐT khẳng định, ông Phùng Công Sưởng (Trưởng ban Thời sự - Chính trị) đã viết và đăng 10 bài báo về Vinashin, trong đó đáng chú ý có chùm bài "Cận cảnh con tàu Vinashin" đăng trên Báo Tiền Phong 3 số liên tiếp từ ngày 29.3.2010 đến ngày 31.3.2010.

Tuy nhiên, nhà báo này viết bài dựa vào tài liệu photocopy khoảng 20 trang đánh máy do một người nào đó không rõ nguồn gốc gửi đến thùng thư của Báo Tiền Phong và chưa thẩm định tính xác thực của tài liệu.
Còn ông Nguyễn Bá Kiên (Trưởng ban Kinh tế) đã viết loạt bài về sai phạm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đăng trên Báo Tiền Phong (bài "Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bị đề nghị thôi chức" đăng ngày 3.9.2009 và bài "TKV và các chiêu tự hại mình" đăng 2 kỳ vào ngày 7 và 8.9.2009. Để viết loạt bài này, phóng viên Bá Kiên đã sự dụng tài liệu photocopy và kết luận kiểm toán do một người nặc danh gửi đến thông qua bộ phận tiếp tân của Báo Tiền Phong.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho rằng, Báo Tiền Phong đã đưa thông tin "phiến diện một chiều", sử dụng thông tin, tài liệu không có nguồn gốc rõ ràng, không kiểm chứng. Cơ quan ANĐT Bộ Công an khẳng định trách nhiệm này trước hết thuộc về ông Đoàn Công Huynh - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong và đã đề nghị cơ quan chủ quản của Báo Tiền Phong xem xét, xử lý sai phạm của các ông Đoàn Công Huynh, Phùng Công Sưởng và Nguyễn Bá Kiên theo quy định.

Liên quan đến dự án chợ Bình Phú (quận 6), Cơ quan ANĐT đang tiếp tục làm rõ hành vi "đánh hội đồng" rồi sau đó quay lại đòi tiền doanh nghiệp của một số nhà báo khác có liên quan.

(Theo Dân Việt)



Cái chết của Bin Laden: Lời cảnh cáo với Gaddafi

LAODONG:

Thứ Bảy, 7.5.2011 | 09:07 (GMT + 7)

Cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden nên được xem là một lời cảnh cáo đối với Tổng thống Libya Muammar Gaddafi - Tư lệnh các lực lượng vũ trang Anh nói hôm 6.5.

d
"Cái chết của Bin Laden phải được xem là lời cảnh báo đối với Gaddafi".

Theo đó, Tướng David Richards cho rằng, cái chết của trùm khủng bố Al Qaeda phải gây "tác động tâm lý" với nhà lãnh đạo Libya và một số nhân vật khác.

Lời cảnh báo của Tướng Richards được đưa ra sau khi các quan chức Anh tiết lộ rằng chính phủ của ông Gaddafi đã hao tổn gần 3/4 lực lượng quân sự sau nhiều tuần bị liên minh tấn công.

Tướng Richards cho rằng, cái chết của Bin Laden "chắc chắn có tác động tích cực" trong bối cảnh thay đổi chính trị ở Trung Đông.

"Điều này gây nên tâm lý cực kỳ quan trọng trong bối cảnh của Libya và các cuộc khủng hoảng khác ở Trung Đông. Tôi cho rằng, nó gây nên tác động tâm lý nhiều hơn là tác động ngắn hạn".

Mặc dù NATO vẫn phủ nhận các cuộc tấn công nhằm mục tiêu cá nhân Đại tá Gaddafi, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox tháng trước nói rằng, liên minh thực hiện các cuộc không kích vào Tripoli "nhằm gia tăng sức ép tâm lý" đối với Gaddafi".

d
Anh cho biết, lực lượng thân Gaddafi đã bị tổn thất tới 3/4 quân số.

Tuần trước, cuộc tấn công của NATO đã phá hủy nhà của một trong số những người con trai Gaddafi. Phát ngôn viên chính phủ Libya cho biết, đại tá Gaddafi có mặt trong dinh thự tại thời điểm đó và cáo buộc rằng đây là âm mưu ám sát nhà lãnh đạo này.

Anh và Pháp bắt đầu các trận không kích vào nhiều mục tiêu ở Libya từ tháng 3, tuy nhiên các cuộc chiến đấu của quân nổi dậy nhằm lật đổ nhà độc tài Gaddafi đạt được rất ít tiến bộ.

Các quan chức Anh hôm qua khẳng định rằng "thời gian đang chống lại Gaddafi", sức ép quân sự và ngoại giao lên chính quyền Libya đã bắt đầu có hiệu quả.

Các nhà phân tích quân sự ước tính, Đại tá Gaddafi bắt đầu cuộc xung đột với khoảng 50.000 lính bộ binh, trong đó một nửa không đáng tin cậy và chỉ hơn 12.000 quân là chuyên nghiệp. "Chúng tôi cho rằng, Gaddafi chỉ còn lại khoảng 30% lực lượng bộ binh có khả năng chiến đấu" - một quan chức Anh nói.

Không quân Hoàng gia Anh đã thực hiện các vụ tấn công nhằm vào khoảng 250 mục tiêu ở Libya kể từ khi chiến dịch bắt đầu.

Trong một động thái nhằm gia tăng sức ép và cô lập ngoại giao với Libya, hôm qua Pháp tuyên bố trục xuất 14 nhà ngoại giao nước này. Tổ chức Ân xá quốc tế cũng cáo buộc chính quyền Gaddafi phạm tội ác chiến tranh với dân thường Libya.

Vân Anh (Theo Telegraph)

Thử siêu máy bay tàng hình không người lái

VietNamNet
Tập đoàn Boeing của Mỹ hôm 5/5 tuyên bố đã thử nghiệm thành công máy bay ném bom tàng hình không người lái Phantom Ray tại căn cứ quân sự Edwards ở California vào ngày 27/4 vừa qua.

Mẫu máy bay tàng hình không người lái mới nhất có tên Phantom Ray của hãng Boeing đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên hôm 27/4. Ảnh: FoxNews.

Craig Brown, giám đốc chương trình phát triển máy bay nem bom tàng hình không người lái Phantom Ray, tiết lộ mẫu siêu máy bay mới lần đầu tiên đã được thử nghiệm thành công tại căn cứ quân sự Edwards. Trong lần thử nghiệm này, Phantom Ray đã bay trên không trong vòng 17 phút và có thể đạt tốc độ tối đa 988 km/h.

Hãng thông tấn FoxNews dẫn lời ông Craig Brown cho biết: “Phantom Ray trông giống như một chiếc xe taxi bay trên không trung. Với cuộc thử nghiệm thành công này, chúng ta đã có thể nhìn thấy tương lai của thế hệ máy bay không người lái đang ở rất gần”.

Phantom Ray cất cánh bay thử nghiệm vào 9h05 sáng (theo giờ địa phương) ngày 27/4 vừa qua. Sau khi cất cánh, mẫu máy bay có sải cánh dài 15m và thân dài 11m này đã được điều khiển bay ở độ cao 2.286m so với mặt đất.

“Kết quả thử nghiệm rất tuyệt vời. Tôi đã tham gia chương trình phát triển mẫu máy bay này từ đầu, vì thế cảm xúc của tôi cũng thật khó tả khi chứng kiến Phantom Ray lần đầu tiên bay trên không”, Teri Finchamp, người đứng đầu nhóm phát triển mẫu máy bay Phantom Ray, khẳng định.

Hãng Boeing chính thức thông báo về chương trình phát triển máy bay ném bom tàng hình không người lái Phantom Ray cách đây đúng 1 năm. Mẫu máy bay này được phát triển từ mẫu máy bay không người lái trước đó, có tên là X-45 A và C. Theo Boeing, Phantom Ray được trang bị công nghệ điều khiển từ xa. Với công nghệ này, Phantom Ray sẽ được điều khiển từ một căn cứ an toàn dưới mặt đất.

Sau lần thử nghiệm này, hãng Boeing sẽ tiến hành thêm các chuyến bay thử nghiệm trong những tuần sắp tới.

  • Hà Hương

Toan tính của Trung Quốc và Đài Loan về dầu khí Biển Đông

VietNamNet
Đài Loan đòi chủ quyền, khai thác dầu khí; Trung Quốc kêu gọi đột phá mới trong khai thác dầu khí ở vùng sâu Biển Đông.

Sau vụ va chạm giữa hai tàu tuần tra Trung Quốc với tàu thăm dò dầu khí Philippines ngày 2/3, Manila tỏ thái độ cứng rắn hơn trước các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông. Philippines cảm thấy cần phải gia tăng sự hiện diện tại vùng quần đảo Trường Sa, trong bối cảnh họ bắt đầu bị Trung Quốc chèn ép trở lại cho dù đã cố tránh làm phật ý Bắc Kinh.


Các vùng trầm tích dầu khí và các lô khai thác dầu khí tại Biển Đông

Mạng sunstar của Philippines cho biết, ông Juan Ponce EnLilai, Chủ tịch Thượng nghị viện Philippines, người từng giữ chức Bộ trưởng quốc phòng, ngày 17/4 một lần nữa kêu gọi tăng cường trang bị mới hơn nữa cho quân đội nước này, nhằm bảo vệ “lãnh thổ quốc gia” trong đó có quần đảo Trường Sa. Tin cho hay, Philippines không hài lòng về chủ trương của Trung Quốc đối với Nam Hải, đã nêu kháng nghị chính thức về tấm bản đồ Bắc Kinh trình lên Liên hợp quốc năm 2009. Trong trả lời phỏng vấn đài DZBB của Philippines, ông Juan nói rằng phản đối ngoại giao dường như không có ý nghĩa, cho rằng “trong so sánh lực lượng giữa quốc gia với quốc gia, xét cho cùng là vấn đề thực lực”, “súng và dao của ai nhiều hơn, đó là người chiến thắng”. Đồng thời cho biết thêm, lãnh đạo Philippines cần phải thảo luận về vấn đề tăng cường lực lượng quân sự của Philippines.

Đến lượt Đài Loan lên tiếng đòi chủ quyền

Mạng Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin, sau khi Manila gửi lên Liên hợp quốc công hàm phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Trung Quốc bác bỏ lập trường của Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Dương Tiến Thiêm ngày 18/4 lại bày tỏ, Đài Loan có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Ông Dương nói rằng, quần đảo Trường Sa xét từ góc độ lịch sử lẫn luật pháp quốc tế đều thuộc lãnh thổ cố hữu của Đài Loan và Đài Loan mong muốn cùng với các nước khác tiến hành khai thác chung, cùng hưởng tài nguyên. Đài Loan hy vọng các nước liên quan cần giải quyết tranh chấp hòa bình, có lý trí và theo quy định cũng như tinh thần của luật pháp quốc tế. Ông Dương tuyên bố rằng, là bên có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Đài Loan mong muốn cùng các nước giải quyết hòa bình, cùng khai thác và cùng hưởng tài nguyên. Bộ Ngoại giao Đài Loan nhận thấy tình hình tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia liên quan về những đảo và vùng biển quanh những đảo đó tại khu vực Biển Đông đang gia tăng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định Đài Loan có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Trung sa, Đông Sa, vùng biển phụ cận và thềm lục điạ; kêu gọi những quốc gia có biên giới với những khu đảo đó gác tranh chấp và tìm kiếm một giải pháp hợp lý và hoà bình.

Việc tại sao Đài Loan lại lên tiếng vào thời điểm này, giới quan sát đã nêu 2 yếu tố. Trước hết là sự kiện Philippines đã chính thức gửi công hàm lên LHQ, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ hai, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và ông Quách Bá Hùng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tuần trước, đã tiếp xúc tại Hà Nội, đồng ý hợp tác với nhau một cách chặt chẽ hơn để “tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản” nhằm giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông.

Đài Loan phải lên tiếng nếu không muốn bị gạt ra bên lề các đàm phán liên quan đến Biển Đông. Nhiều học giả Đài Loan cho rằng chính quyền Mã Anh Cửu không dám lên tiếng về Biển Đông vì sợ gây trở ngại cho tiến trình cải thiện quan hệ đang rõ nét với Trung Quốc.

Bắc Kinh: Cần có đột phá mới khai thác dầu khí Biển Đông


Mạng Sina.com.cn ngày 15/4 đăng bài về lợi ích dầu khí Biển Đông: Biển Đông được mệnh danh là “vịnh Péc-xích thứ hai”. Theo thống kê của Cục Tình báo năng lượng Bộ Năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng dầu thô ở khu vực Biển Đông khoảng 7 tỷ thùng, sản lượng khai thác hàng ngày 2,5 triệu thùng. Điều tra của Cục thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho thấy, trữ lượng khí thiên nhiên ở khu vực Biển Đông khoảng gấp đôi trữ lượng dầu thô.

Căn cứ chủ trương chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông như Trung Quốc tuyên bố thì phần lớn dầu khí ở khu vực này phải thuộc về Trung Quốc(?!). Tuy nhiên 5 nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei đã hợp tác với các công ty dầu khí của Phương Tây khai thác từ 20-30 năm nay. Báo cáo của một công ty dầu khí lớn của phương Tây cho biết, các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei đã hợp tác với hơn 200 công ty của phương Tây khoan 1.380 giếng dầu ở Biển Đông, sản lượng năm đạt 50 triệu tấn dầu thô.

Mạng tin nêu rõ, mặc dù Trung Quốc nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển phụ cận, nhưng so với Việt Nam và Philippines, những gì Trung Quốc làm được rất ít. Các doanh nghiệp Trung Quốc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông hiện nay dường như mới chỉ có Tổng Công ty dầu khí hải dương (CNOOC), nhưng chủ yếu là ở vùng biển nông vịnh Bắc Bộ và cửa sông Chu Giang. Mặc dù Tập đoàn dầu và khí thiên nhiên Trung Quốc (CNPC) và Công ty hoá dầu Trung Quốc (Sinopec) những năm gần đây đã tuyên bố tiến quân vào lĩnh vực dầu khí hải dương, nhưng đến nay chưa có hoạt động gì ở Biển Đông.

Theo con số thống kê của các cơ quan Trung Quốc, vùng Biển Đông có hơn 200 cấu tạo dầu khí, khoảng 180 mỏ dầu khí. Chỉ tính bồn địa Tăng Mẫu, bồn địa Sabah, bồn địa Vạn An (Tư Chính) đã có trữ lượng gần 20 tỷ tấn dầu thô, là một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất trên thế giới chưa được khai thác, trong đó hơn 1 nửa nằm trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc (?). Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông đều không bằng bất cứ 5 nước nào nêu trên. Các lô dầu khí ở Biển Đông rất ít được mở thầu, mặt khác kỹ thuật khai thác dầu khí biển sâu của Trung Quốc còn hạn chế, phần lớn vẫn phải hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài.

Kinh tế biển, bao gồm dầu khí hải dương, đã được đưa vào “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” của Trung Quốc, trong đó Biển Đông được liệt vào 1 trong 10 khu vực dầu khí chiến lược quốc gia. Năm 2010, CNOOC công bố sẽ đầu tư 200 tỷ NDT trong vòng 20 năm tới để đẩy mạnh khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, xây dựng “mỏ Đại Khánh” ở Biển Đông (khai thác 50 triệu tấn dầu/năm). Hiện nay, CNOOC đã hợp tác với 51 công ty của 14 nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Italia, ký kết hơn 70 hợp đồng và thoả thuận thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông, thu hút hơn 7 tỷ USD vốn đầu tư.

Một quan chức của Bộ Đất đai Trung Quốc cho biết, Chính phủ Trung Quốc không có văn bản nào và cũng không có quy định nào chỉ cho phép CNOOC khai thác dầu khí ở Biển Đông, do đó sắp tới Sinopec và CNPC cũng sẽ được thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Năm 2009, Phó Tổng giám đốc của Sinopec đã từng kiến nghị, Trung Quốc cần ủng hộ mạnh mẽ về chính sách và vốn để khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, bảo vệ quyền lợi tài nguyên biển của Trung Quốc. Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược tài nguyên dầu khí thuộc Bộ Tài nguyên đất đai Trung Quốc kiến nghị, cần có đột phá mới trong khai thác dầu khí ở Biển Đông, đó là chìa khoá hoá giải cục diện khó khăn về dầu khí của Trung Quốc hiện nay.

  • Nguồn: Toquoc.vn
VietNamNet

- Đọc bản dịch tiếng Trung một phần tài liệu nghiên cứu của TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã về Biển Đông trong phụ lục tham khảo đề tài khóa luận của cô sinh viên người Việt tại Đài Loan, vị giáo sư người Hoa phải thốt lên: Tôi không ngờ sự thực lịch sử lại như vậy!

Đáng tiếc, đó lại là phút hạnh phúc không thường gặp, bởi đây là tài liệu hiếm hoi được chuyển ngữ.

Không ít công trình nghiên cứu công phu của Việt Nam đành chỉ dành cho người Việt, bởi không có kinh phí và nhân lực chuyển tải sang tiếng Anh, tiếng Pháp, hay tiếng Trung.

Lại nữa, dày công nghiên cứu để có một công trình khoa học về Biển Đông được giải thưởng quốc tế, được giới khoa học nước ngoài trích dẫn, thế nhưng đứa con tinh thần của TS Nguyễn Hồng Thao sau thời gian dài vẫn chưa được cho chào đời tại Việt Nam.


Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và TS Nguyễn Nhã trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Phương Loan

Bản thảo đề tài nghiên cứu bằng tiếng Pháp của ông sau nhiều năm dịch sang tiếng Việt vẫn đợi một nhà xuất bản đủ dũng cảm dám in.

Có tài liệu quý mà không biết để xài là niềm trăn trở của nhiều học giả tại hội thảo quốc gia lần 2 về vấn đề Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 26/4.

“Chúng ta đã có website về nghiên cứu Biển Đông (nghiencuubiendong.vn) thế nhưng chưa có một tài liệu nào được dịch ra tiếng Trung để đưa lên, bởi nhân sự mỏng quá, làm không nổi”, một thành viên của chương trình nghiên cứu Biển Đông chia sẻ.

Vấn đề chủ quyền lãnh thổ, theo các học giả, không thể nói chay mà được.

“Nếu xem dư luận về vấn đề Biển Đông là một tờ giấy, thì lâu nay, chúng ta đã để mặc tờ giấy trắng cho nước khác thích vẽ gì thì vẽ. Dư luận thế giới vì thế một chiều, thiếu khách quan và bất lợi cho Việt Nam”, một học giả nói.

Tình hình khu vực, quốc tế và vấn đề Biển Đông đang thay đổi cực kì mau lẹ, mà Việt Nam vẫn “còn ngổn ngang trăm mối”, từ chuyện bản đồ, hệ thống tư liệu, chứng cứ lịch sử, căn cứ pháp lý đến vấn đề con người…

Nhiều bước chuyển

Hai năm sau hội thảo mở đầu tiên về vấn đề Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội, ngày 26/4, gần 80 học giả Việt Nam đã cùng ngồi lại, thảo luận về tình hình Biển Đông, đánh giá những bước chuyển trong cục diện và điều chỉnh quan điểm của các bên và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Đã bớt những dè dặt, nghi ngại khi thảo luận về vấn đề Biển Đông của 2 năm trước, các học giả đã cởi mở và thẳng thắn mổ xẻ những chuyển biến nhanh chóng của tình hình Biển Đông.


Tàu chuẩn bị vào đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Chu Thanh Vân

Những diễn biến đặc biệt mau lẹ với một loạt động thái của các bên tuyên bố chủ quyền cũng như các quốc gia có lợi ích liên quan ở Biển Đông: sự kiện tàu Impeccable, việc Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa, Trung Quốc lần đầu tiên công khai yêu sách đường lưỡi bò, Indonesia gửi công hàm phản đối, ARF 17 với việc 14/27 nước phát biểu về Biển Đông... và mới đây nhất là việc tàu Trung Quốc xua đuổi tàu thăm dò của Philippines dẫn tới việc Philippines gửi công hàm phản đối…

Vấn đề Biển Đông từ chỗ chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế. Không cần quốc tế hóa, bản thân vấn đề Biển Đông đã tự nó quốc tế hóa. Thế giới ngày càng quan tâm đến việc gìn giữ an ninh, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông và khu vực. Các nước lớn đã có nhiều điều chỉnh trong chính sách Biển Đông, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Không chỉ loanh quanh trên bàn thảo luận của của ASEAN hay ASEAN với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông nay được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương quốc tế, thậm chí trở thành đề tài ở Liên hiệp quốc.

Ở bình diện ASEAN, vấn đề Biển Đông cũng thay đổi, trở thành vấn đề khá nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sang Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trong khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán thì các nước ASEAN cũng ngày càng tự tin, có lập trường ngày một rõ ràng về hoạt động của các bên liên quan trên Biển Đông và các vấn đề ở Biển Đông.

Hơn nữa, lập trường của Trung Quốc cũng đã có nhiều thay đổi. Thay vì né tránh viện dẫn Công ước về Luật biển 1982 như trước kia, nay dường như Trung Quốc có xu hướng sử dụng Công ước về Luật biển nhiều hơn. Các hành vi ngoại giao cũng như hành vi trên thực địa của Trung Quốc cũng có những thay đổi.

Ngay quá trình đàm phán về vấn đề Biển Đông cũng bắt đầu có nhiều chuyển biến khi các nước bắt đầu đàm phán trực tiếp về COC, sau thời gian dài trì trệ, 10 năm với chỉ 5 cuộc họp về DOC và không thúc đẩy được gì nhiều.

Công khai và thực chất hơn

Hai năm qua, theo các học giả, Việt Nam cũng đã có chuyển biến quan trọng trong tư duy, chính sách và các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ ổn định tình hình Biển Đông.

Một học giả dẫn lời TS. Ian Storey từ Viện Nghiên cứu ĐNA của Singapore, cho rằng, chính sách Biển Đông của Việt Nam hơn 2 năm qua là tổ hợp các hướng: đàm phán song phương với Trung Quốc, khu vực hóa thông qua thúc đẩy ASEAN trong vấn đề DOC và Biển Đông, quốc tế hóa vấn đề bao gồm tạo đan xen lợi ích quốc tế, nộp báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa và tổ chức hội thảo khoa học quốc tế và hiện đại hóa quân đội nhằm hỗ trợ cho ngoại giao.

Với các học giả tham dự hội thảo, tuy chưa thể định danh cụ thể bước chuyển đó ra sao, nhưng là người trong cuộc, họ đều cảm nhận được rõ ràng những thay đổi ấy.


Ảnh: Chu Thanh Vân

Chỉ xét riêng trong giới học thuật, hai năm qua, các ý kiến cực đoan về Biển Đông không còn nữa. Số bài viết về Biển Đông tăng lên gấp bội. Số người nói công khai về những vấn đề xảy ra ở Biển Đông cũng tăng lên nhiều lần.

Khuyến nghị 4 hóa: Xã hội hóa, Công khai hóa, Quốc tế hóa và Phi nhạy cảm hóa được đưa ra từ Hội thảo về Biển Đông 2 năm trước đang đi vào thực tế, dù vẫn có những phàn nàn về việc thiếu thông tin, mập mờ giữa mật hay không mật.

Nếu như trước năm 2008, hàng năm ở khu vực ĐNA chỉ có Hội thảo kiểm soát xung đột ở Biển Đông tại Indonesia và một số ít hội thảo nhưng chỉ bàn về hợp tác, thì nay, số hội thảo về Biển Đông tăng nhanh. Không chỉ Việt Nam, trong năm 2010, các nước Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore đều tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông.

Không chỉ mang tính thăm dò, các hội thảo đã đi vào bàn nội dung thực chất của vấn đề Biển Đông, nhìn từ nhiều khía cạnh, cả lịch sử, pháp lý, quan hệ quốc tế và các khía cạnh khác.

Dũng cảm tăng tốc

Tạm ghi nhận những nỗ lực thời gian qua, các học giả cho rằng đến lúc Việt Nam phải dũng cảm tăng tốc trong công tác nghiên cứu cũng như triển khai liên quan đến Biển Đông.

Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, trong thời gian ngắn, nước bạn đã có thêm 36 luận án tiến sĩ liên quan đến Biển Đông, trong đó 20 luận án được làm tại nước ngoài.

Hiện Trung Quốc cũng đã có một chuyên gia luật quốc tế đang là thẩm phán trong Tòa án Công lý Quốc tế, một chuyên gia hàng hải thuộc nhóm 21 thẩm phán tại tòa án quốc tế về luật Biển, một chuyên gia khác là thành viên của UB về ranh giới thềm lục địa. Trung Quốc còn tham gia ba tổ chức khu vực được thiết lập nhằm bảo vệ môi trường biển tại các vùng biển chung ở Đông Á. Trung Quốc còn là thành viên của UB nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương.

Không tăng tốc, chúng ta sẽ khó bắt nhịp với bước chuyển của thực tế đang diễn ra đặc biệt mau lẹ, một học giả lưu ý. Phải nghiên cứu cho sâu, đào cho kĩ tài liệu, mài cho sắc lập luận… Việc nghiên cứu hiện nay mới chỉ như muối bỏ bể.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, đi đôi với việc tiếp tục sưu tầm, hoàn chỉnh các tài liệu gốc, Việt Nam cần dịch tài liệu sang các thứ tiếng và quảng bá rộng rãi các tài liệu, cùng với đó là phải chỉnh sửa và bổ sung các thông tin chưa chính xác hay còn thiếu.

Song song với việc củng cố lập luận của Việt Nam, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý của các nước liên quan trong tranh chấp cũng quan trọng và có vai trò tương đương. Do vậy, cần phải rà soát lịch sử, các tư liệu, bản đồ của các nước có liên quan một cách hệ thống, khoa học và khách quan.

Và quan trọng hơn, các sản phẩm nghiên cứu phải được công khai cho dư luận thế giới.

Nói như TS Nguyễn Nhã, để bảo vệ chủ quyền, ông và mỗi người Việt Nam “phải có cho mình một kế hoạch nhỏ”.

Có lẽ, phải nói thêm, các kế hoạch nhỏ ấy phải có sự liên kết, kết nối với nhau, trong một sự phân vai trên cơ sở thống nhất về hướng đi.

Đầu tư Trung Quốc và nỗi ám ảnh của Mỹ

VietNamNet

Ba thập kỷ qua, các quốc gia giàu có đã đầu tư hàng trăm tỉ USD vào Trung Quốc, tạo ra sự bùng nổ kinh tế ấn tượng nhất trong lịch sử. Giờ đây, "thế cờ" dường như đảo ngược khi Trung Quốc sẵn sàng vươn sức mạnh kinh tế ra phạm vi toàn cầu.

Phấn khích bởi thặng dư thương mại khổng lồ cùng với lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc bắt đầu rải tiền đầu tư tới mọi ngóc ngách trên thế giới: từ những mỏ đồng ở châu Phi, các cơ sở quặng sắt ở Australia cho tới cả dự án đá phiến sét khí đốt ở Texas, Mỹ.

10.000 việc làm ở 35 tiểu bang

Chỉ trong vài năm qua, Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD tiền cho vay vào các quốc gia đang phát triển, cùng lúc cho phép các công ty nhà nước mua lại cổ phần của các tập đoàn tầm cỡ thế giới như Rio Tinto, Morgan Stanley và Blackstone Group.

Trung Quốc đang rải tiền đầu tư khắp thế giới. Ảnh: Reuters
Trung Quốc còn đóng vai trò như một chủ nợ lớn trong thị trường nợ toàn cầu. Quốc gia với hơn 1 tỷ dân này nắm giữ khoảng 1.600 tỷ USD trái phiếu của Mỹ, giúp kinh tế Mỹ duy trì mức lãi suất thấp.

Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù "cuộc chơi" của Trung Quốc hiện khá khiêm tốn song tiềm năng rất lớn. Năm ngoái, giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đạt khoảng 59 tỷ USD, ít hơn nhiều so với con số 300 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ.

Theo một nghiên cứu vừa được Hội châu Á (Asia Society) tại New York và Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson ở Washington công bố, đầu tư của Trung Quốc có thể sớm đạt 100-200 tỷ USD/năm, bởi Bắc Kinh đang chủ trương đưa các công ty lớn vươn ra nước ngoài, đầu tư vào các nguồn tài nguyên và năng lượng.

Từ nay tới trước năm 2020, Trung Quốc có thể đầu tư tới 2.000 tỷ USD vào các công ty, nhà máy hoặc tài sản ở nước ngoài. Người ta ước tính số tiền này lớn tới mức đủ để phục hồi tốc độ tăng trưởng cho cả Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên đồng thời cảnh báo rằng thời gian tới, Mỹ có thể mất đi cơ hội thu hút đầu tư từ Trung Quốc do những yếu tố chính trị, cạnh tranh gia tăng giữa hai nước và bởi nhận thức "bám rễ" rằng đầu tư của người Trung Quốc không được chào đón tại Mỹ.

"Nếu sự can thiệp chính trị không được kiềm chế, nhiều lợi ích có được từ sự đầu tư của Trung Quốc như tạo việc làm, trợ cấp tiêu dùng, cải thiện cơ sở hạ tầng... tại Mỹ có thể chuyển hướng sang các đối thủ cạnh tranh với Mỹ" - nghiên cứu nhấn mạnh.

Thực tế các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc đã triển khai hoạt động và tạo ra khoảng 10.000 công ăn việc làm ở ít nhất 35 trên tổng số 50 tiểu bang của nước Mỹ, giúp thúc đẩy ngành dịch vụ và chế tạo tại đây.

Đón làn sóng đầu tư

Trong lúc các ngân hàng Phố Wall vận động hậu trường để thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc, Washington vẫn thận trọng, thậm chí cả khi chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố hoan nghênh đồng tiền Trung Quốc.

Kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nếu còn e ngại đầu tư từ Trung Quốc. Ảnh: World News
Một số nhà quan sát cho rằng nhiều quan chức ở Washington và tại các tiểu bang của Mỹ vẫn có tâm lý "chống Trung Quốc". Một trong những lo ngại phổ biến của họ là việc các công ty Trung Quốc, phần nhiều do chính phủ Trung Quốc kiểm soát và bảo trợ, có thể giành được lợi thế cạnh tranh một cách thiếu công bằng, qua đó tiếp cận với các công nghệ quân sự nhạy cảm hoặc kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mỹ.

Ngoài ra, các công ty Trung Quốc có thể sẽ mua lại các công ty Mỹ, sau đó đóng cửa các nhà máy chế tạo tại Mỹ và đưa quy trình sản xuất về Trung Quốc.

Chính vì vậy, không ít chính trị gia Mỹ tìm cách ngăn cản các thỏa thuận, hợp đồng kinh doanh của Trung Quốc tại Mỹ. Năm 2005, Cnooc - tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc - đã phải từ bỏ ý định mua lại hãng dầu lớn thứ 9 của Mỹ Unocal sau khi Quốc hội Mỹ điều tra về vấn đề này.

Mấy năm gần đây, tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc cũng thường mất hợp đồng tại Mỹ do phía Mỹ lo ngại an ninh quốc gia bị xâm hại.

Mới đây, Anshan Iron & Steel Group - công ty Trung Quốc có ý định xây dựng nhà máy thép ở Mississippi - vấp phải sự phản đối mạnh tại bang này bởi những lo ngại rằng dự án sẽ khiến nhiều việc làm địa phương mất đi và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Tức giận trước "chủ nghĩa bảo hộ núp dưới lý do an ninh quốc gia" của Mỹ, Bắc Kinh không ngại phàn nàn với Washington. Daniel H.Rosen - đồng tác giả với Thilo Hanemann trong nghiên cứu của Hội châu Á - cảnh báo rằng Trung Quốc có thể trả đũa các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở nước này và không tích cực thúc đẩy các cải cách nhằm mở cửa hơn thị trường tài chính, kinh doanh.

Để hưởng lợi, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đón "làn sóng" đầu tư của Trung Quốc tràn vào nước này. Bên cạnh đó, Washington phải gửi một thông điệp rõ ràng rằng đầu tư của Trung Quốc được chào đón ở Mỹ, ngăn chặn sự can thiệp chính trị và hợp tác với Bắc Kinh để làm rõ tính minh bạch của các công ty Trung Quốc khi đầu tư ra nước ngoài.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính Mỹ đã dự tính đưa chủ đề đầu tư của Trung Quốc vào chương trình nghị sự của Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc, dự kiến diễn ra tuần tới ở Washington.

H.Giang (Theo The New York Times, WSJ)

VietNamNet

Caribbea thiếu hàng hóa, cũng phải là một nhà sản xuất nguyên liệu thô chủ chốt và sức mua của khu vực tương đối nhỏ. Nhưng Trung Quốc lại đang đầu tư cả tỉ đôla vào đây.

Không ai biết rõ động cơ

Kể từ khi quốc đảo nhỏ bé Grenada thuộc Caribbea không còn quan hệ với Đài Loan năm 2005, họ đã nhận được "lòng cảm kích" xứng đáng từ chính phủ Trung Quốc: một sân vận động cricket trị giá 55 triệu USD.

Một điểm tham quan tại khu nghỉ dưỡng ở Nassau, Bahamas. Ảnh: Getty Images
Đó chỉ là một phần nằm trong số 132 triệu USD mà Trung Quốc đổ vào các quốc gia Caribbea bằng các khoản viện trợ và cho vay ưu đãi trong những năm trước khi diễn ra Cúp cricket thế giới 2007.

Khi ấy, số tiền này được coi không phải là quá lớn.

Còn giờ đây, chính phủ Bắc Kinh và các tập đoàn tư nhân Trung Quốc đang chi nhiều tỉ USD vào Caribbean, triển khai các dự án du lịch lớn, tài trợ làm đường sá, cầu cảng và mua lại các công ty - tất cả nhằm mở ra thị trường mới cho hàng hóa Trung Quốc.

Các chính phủ Caribbea thiếu tiền mặt vừa hoan nghênh Trung Quốc như một ân nhân lại vừa hoài nghi về những gì mà nước này muốn trao đổi lại. "Gần như mọi hòn đảo ở Caribbea, từ nhỏ nhất tới lớn, gần đây đều có sự đầu tư lớn từ Trung Quốc", David Jessop, giám đốc quản lý Hội đồng Caribbea, một tổ chức tư vấn tại London làm việc với các chính phủ Caribbea, cho biết. "Và hầu như không có ai biết rõ động cơ của Trung Quốc".

Tổng số tiền đầu tư rất khó xác định. Bộ Thương mại Trung Quốc báo cáo, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Caribbea của các tập đoàn Trung Quốc đạt gần 7 tỉ USD năm 2009. Con số này dường như chưa chính xác vì Trung Quốc coi vùng Caribbea như thiên đường thuế khóa. Chỉ riêng quần đảo Cayman đã nhận được khoảng 5,3 tỉ USD tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc trong năm 2009. "Trung Quốc muốn gì từ chúng tôi?"

Rõ ràng, các quốc đảo vùng Caribbea đã nhận được đầu tư lớn của cả những tập đoàn và chính phủ Trung Quốc - nước tài trợ cho các dự án điển hình nhất, lớn nhất của họ. Đơn cử là Ngân hàng Xuất nhập khẩu của chính phủ Trung Quốc trong tháng trước đã chi 2,4 tỉ USD cho việc xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Bahamas, nơi sẽ có sòng bạc lớn nhất vùng Caribbea. Gần 5.000 công nhân Trung Quốc sẽ tham gia xây dựng khu nghỉ dưỡng Baha Mar ở Cable Beach.

Những dự án khác gần đây được nhất trí thực hiện hay hoàn tất bởi các tập đoàn và chính phủ Trung Quốc bao gồm:

- Cam kết năm 2011 của Bắc Kinh để xây dựng cảng nước sâu trị giá 600 triệu USD, đường quốc lộ và cảng ở Suriname sẽ kết nối nước này tới quốc gia láng giềng phía nam giàu tài nguyên tự nhiên là Brazil.

- Khoản tiền 462 triệu USD cho khu nghỉ dưỡng ven biển Punta Perla, ở bờ biển phía đông Cộng hòa Dominica. Bộ trưởng Du lịch nước này, Francisco Javier García Fernandez cho hay, ông hy vọng sẽ thỏa thuận để có thêm tiền đầu tư nhiều hơn từ phía Trung Quốc.

- Xây dựng cảng container 1 tỉ USD ở Freeport thuộc Bahamas, cách Florida chưa đầy 100km của Tập đoàn Hutchison Whampoa Ltd, Hong Kong.

- 100 triệu USD để có mua phần lớn cổ phần tại mỏ bô-xít Omai từ chính phủ Guyana của công ty khai mỏ Trung Quốc Bosai Minerals Group.

- Dự án xây dựng nơi ở của Thủ tướng Trinidad & Tobago và Học viện biểu diễn nghệ thuật quốc gia của công ty Xây dựng Thượng Hải.

Số lượng và độ lớn của các khoản đầu tư đã dẫn tới ít nhiều nghi ngại.

Trong bữa tối gần đây giữa các nhà lãnh đạo Caribbea và một đoàn đại biểu Trung Quốc, các quan chức Jamaica hỏi: "Trung Quốc muốn gì từ chúng tôi?". Một người tham dự bữa tối ấy kể đã nói rằng: "Có một câu hỏi lớn mà tất cả mọi người đều quan tâm, đó là: Tại sao?".

Thái An (Theo globalpost)


VietNamNet

Thận trọng trước việc Trung Quốc tăng cường các cơ sở hạ tầng dọc biên giới, Ấn Độ đã lặng lẽ xây dựng bãi đáp hiện đại cho máy bay vận chuyển của lực lượng không quân tại Dharasu ở Uttarakhand để hỗ trợ vận chuyển quân đội nhanh chóng trong trường hợp xảy ra xung đột.

Bãi đáp máy bay xây dựng tại khu vực đồi núi Uttarkashi ở độ cao hơn 800 mét so với mặt biển, giáp Trung Quốc, đã đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2010 mà không cần phô trương, với sự hạ cánh của một máy bay vận chuyển tầm trung AN-32 của Không quân Ấn Độ (IAF).

Ảnh minh họa: wordpress
Thông tin này được đưa ra trong số mới nhất của 'The Blue Glory', một tạp chí quý của ngành hàng không.

Dharasu là một “thách thức chuyên môn” trong nhiều năm với IAF và “cuộc thử nghiệm hạ cánh” của máy bay AN-32 đã được phi đội 12 của IAF thực hiện. "Bãi đáp nằm trong khu vực đồi núi nên hạn chế việc tiếp cận. Nó nằm ở độ cao hơn 800 mét so với mặt biển và chiều dài có thể sử dụng được cho việc hạ cánh là hơn 1.000 m”, tạp chí cho biết.

Tuy nhiên, quan chức quân sự liên quan khi được hỏi về thông tin chi tiết bãi đáp đã từ chối bình luận với lý do quân sự.

Việc mở cửa cho hoạt động hàng không của Dharasu xuất hiện hai năm sau khi Ấn Độ bắt đầu ý thức nâng cấp và triển khai các bãi đáp máy bay dọc theo đường biên giới Trung - Ấn dài 4.057km.

Ngoài việc huy động cho mục đích quân sự, các bãi đáp máy bay được nâng cấp sẽ đảm bảo cho vận chuyển dân thường và hàng hóa không bị gián đoạn khi giao thông đường bộ bị ảnh hưởng vì thời tiết khắc nghiệt mùa đông.

Daulat Beg Oldi nằm ở ngã ba của Jammu, Kashmir và Aksai Chin, có bãi đáp hiện đại đầu tiên được triển khai. Một đường băng ở phía bắc Ladakh với độ cao gần 5.000 mét so với mặt biển và cách khu vực biên giới Trung - Ấn khoảng 9km đã đi vào phục vụ các loại máy bay AN-32 kể từ 31/5/2008.

Chỉ sáu tháng sau đó, IAF đã mở cửa bãi đáp Fukche - một đường băng cũ bị bỏ quên sau cuộc chiến năm 1962 ở độ cao hơn 4.000 mét so với mặt biển và cách biên giới hai nước chỉ khoảng 3km ở phần đông nam Ladakh - vào tháng 11/2008 để phục vụ cho máy bay AN-32.

Ngày 18/9/2009, Không quân Ấn Độ lần đầu tiên đã thực hiện đổ bộ tại Nyoma ở phía đông nam Ladakh, cách biên giới Trung - Ấn 23km. Nyoma thường được sử dụng như một căn cứ trực thăng của IAF trước khi AN-32 có mặt tại đây.

Sau khi phục hồi hoạt động các đường băng ở khu vực miền tây và trung dọc biên giới Trung - Ấn, IAF cũng đang nỗ lực nâng cấp các bãi đáp máy bay ở phía đông vùng biên giới như Pasighat, Mechuka, Walong, Tuting, Ziro và Vijaynagar…

Vài năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một số căn cứ không quân ở khu vực Tây Tạng, gần biên giới với Ấn Độ, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt nối tới khu vực này, cho phép điều động nhanh chóng quân đội.

Ấn Độ đã phản ứng trước việc Trung Quốc tăng cường quân sự bằng cách củng cố hệ thống đường bộ và cơ sở hạ tầng không quân ở khu vực biên giới, đồng thời triển khai các máy bay chiến đấu tại những căn cứ tiền tiêu gần biên giới, tăng cường hai đơn vị mới cho vùng núi đông bắc.

  • Thái An (Theo ibnlive)

Osama bin Laden bị tiêu diệt khi rút lui vào phòng ngủ

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 07/05/2011 - 08:13

(Dân trí) - Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bắn Osama bin Laden khi ông ta đứng cạnh cửa phòng ngủ trên tầng 3 nhưng bị trượt mục tiêu, các quan chức cấp cao của Mỹ cho hay. Sau đó, trùm khủng bố bị tiêu diệt khi rút lui vào phòng ngủ.
Một người đàn ông đang cố nhìn vào bên trong ngôi nhà của Osama bin Laden tại Abbottabad, đông bắc Pakistan.

Các chi tiết mới về những giây phút cuối cùng của thủ lĩnh al-Qaeda đã được tiết lộ.

Theo các thông tin trên, đội đặc nhiệm SEAL đã bắn trượt Osama bin Laden khi ông ta đang đứng gần cửa phòng ngủ. Sau đó, Bin Laden rút vào bên trong, một động thái được xem là “hành động kháng cự”. Cuối cùng, thủ lĩnh al-Qaeda đã bị tiêu diệt với 2 phát súng vào đầu và một vào ngực.

Thông tin mới về cuộc đột kích được cung cấp trong các báo cáo tình báo.
Thượng nghị sĩ Saxby Chambliss, một thành viên của Úy ban tình báo Thượng viện, nói: “Các thành viên của đội đặc nhiệm đã phá cửa và nhìn dọc hành lang. Bin Laden thò đầu ra khỏi căn phòng nơi ông ta đang đứng và nhìn thấy họ rồi rút lui vào bên trong. Họ bắn nhưng trượt mục tiêu ở lần nổ súng đầu tiên. Sau đó họ vào phòng và đó là lúc Bin Laden bị tiêu diệt.

Bạn nên nhớ là lúc đó trời rất tối. Khi tiếp cận được phòng của Bin Laden, đội đặc nhiệm đã phải vượt qua một số người khác ở tầng một và hai, hai người trong số đó họ đã giết. Và họ phải dùng chất nổ để phá các cánh cửa. Vào lúc họ tiếp cận được với Bin Laden, họ không biết có thể tìm thấy gì.

Họ đã tìm thấy một chiếc súng AK-47 và một khẩu súng ngắn trong phòng Bin Laden. Liệu ông ta có bất kỳ động thái nào để vồ lấy súng hay không thì không rõ. Nhưng bắn hạ ông ta trong điều kiện trời tối là hành động đúng đắn”.

Theo các quan chức Mỹ, động thái của Bin Laden nhằm rút lui vào phòng là rất nghiêm trọng. Một quan chức nói: “Ông ta rút lui. Bạn không biết tại sao ông ta rút vào, ông ta sẽ làm gì khi quay trở lại phòng? Ông ta lấy vũ khí? Liệu ông ta có áo đánh bom tự sát hay không?”.

Một nguồn tin khác có liên quan trong chiến dịch cho biết Bin Laden dường như “hoảng sợ và hoàn toàn nhẫm lẫn” trong những giây cuối cùng trước khi chết.

“Khi đội SEAL tiếp cận tầng 3 của ngôi nhà, sau sự chống cự và các chướng ngại vật bên dưới, Bin Laden không đầu hàng. Với một kẻ như Bin Laden, từng nói muốn giết càng nhiều người Mỹ càng tốt, 150% là hắn không đầu hàng, bạn phải đánh giá đó là một mối đe dọa”.

Những thông tin sửa đổi về những giây cuối cùng của Bin Laden đã làm gia tăng áp lực lên Nhà Trắng nhằm cung cấp diễn biến đầy đủ về cuộc đột kích.

Christof Heyns, điều tra viên độc lập của Liên hợp quốc về các vụ giết người ngoại tụng, nói: “Washington nên tiết lộ các thông tin phụ để cho phép tiến hành một bản đánh giá về phương diện các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Việc xác định xem liệu kế hoạch của sứ mệnh có cho phép một nỗ lực để bắt sống Bin Laden hay không là rất quan trọng”.

Các quan chức trước đó đã buộc phải đính chính một loạt các tuyên bố, trong đó có khẳng định rằng Bin Laden đã mang một khẩu súng tự động và nấp sau vợ khi bị bắn. Nhà Trắng ban đầu nói rằng có một cuộc đọ súng kéo dài khi lực lượng đặc nhiệm tiến vào khu nhà. Nhưng trên thực tế, 4 trong số 5 người đã bị giết khi các lực lượng Mỹ đổ bộ không mang vũ khí.

Một chi tiết mới khác tiết lộ rằng sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt, đội đặc nhiệm SEAL đã cố gắng nhận dạng trùm khủng bố bằng chiều cao của ông ta (Bin Laden cao 1,93m) nhưng không có dụng cụ đo. Một thành viên của nhóm đã tình nguyện nằm xuống cạnh thi thể ông ta để họ có thể ước tính chiều cao của thủ lĩnh al-Qaeda.

An Bình
Theo Telegraph

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 07/05/2011 - 09:09
(Dân trí) - Mohammed Omar, Thủ lĩnh tinh thần của phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban, đang lẩn trốn ở Pakistan, có thể là mục tiêu truy sát tiếp theo của lực lượng đặc nhiệm Mỹ - một tướng Mỹ tiết lộ.
Mohammed Omar, Thủ lĩnh tinh thần của phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban

Tướng Mỹ Richard Mills, người vừa trở về sau khi chỉ huy chiến dịch quân sự ở tây nam Afghanistan, nói: “Nếu mục tiêu tiếp theo là Omar, chắc chắn tôi sẽ rất lo lắng”.

Tướng Mills đã chỉ huy lực lượng liên quân ở tỉnh Helmand, một sào huyệt cũ của Taliban và từng là khu vực trồng thuốc phiện rất lớn của lực lượng tàn quân này.

Omar đã lãnh đạo chính quyền Taliban ở Kabul từ năm 1996 cho đến tháng 10/2001. Mohammed Omar cũng đã cho phép Osama bin Laden và mạng lưới quốc tế al-Qaeda tổ chức từ lãnh thổ Afghanistan các cuộc tấn công khủng bố toàn cầu, bao gồm cả vụ nổ ở New York và Washington vào tháng 9/2001.

Sau khi Lầu Năm Góc bắt đầu tiến hành các hoạt động quân sự tại Afghanistan, Mohammed Omar đã trốn sang Pakistan.

Những phỏng đoán quanh khả năng Mohammed Omar sẽ là mục tiêu tiếp theo của Mỹ cũng đã được nhiều tờ báo trong nước nói đến.
Tổng thống Mỹ hôm qua đã gặp các thành viên nhóm tiến hành vụ đột kích tư dinh và tiêu diệt Bin Laden.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ hôm qua đã đến Trại Campbell ở Kentucky để đích thân cám ơn các biệt kích SEAL và những thành viên khác trong quân đội, sau khi diễn ra vụ đột kích vào ngôi nhà của Osama bin Laden tại thị trấn Abbottabad của Pakistan.
“Cuối cùng, chúng ta đang chiến thắng al-Qaeda”, ông nói trước hơn 2.300 binh sĩ vừa trở về từ Afghanistan.
Cùng ngày, đề cập khả năng cái chết của bin Laden sẽ ảnh hưởng đến quan hệ al-Qaeda-Taliban thế nào, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm qua cho rằng có thể phải chờ ít nhất 6 tháng nữa mới rõ ràng.
Ông Gates nhận xét: “Al-Qaeda và Taliban có quan hệ rất mật thiết với nhau. Ngoài ra, có nhiều phần tử Taliban bất mãn với al-Qaeda, cho rằng vì al-Qaeda tấn công Mỹ cho nên Taliban mới bị loại khỏi Afghanistan. Do đó chúng ta sẽ chờ xem mối quan hệ này sẽ đi tới đâu”.

Ông Gates cũng cho rằng có thể sẽ có thay đổi trong cuộc chiến tại Afghanistan, nhưng cũng dẫn lời Tổng thống Obama nói rằng việc rút quân sẽ dựa trên một số điều kiện. “Do đó, tôi nghĩ rằng mặc dù vẫn có chuyện rút lui từ từ, bắt đầu vào tháng 7, nhưng nhanh như thế nào thì cũng còn tuy phần lớn tình hình tại chỗ”.

Việt Hà
Theo USA Today, RIA


Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 07/05/2011 - 10:20
(Dân trí) - Kiến trúc sư cho vụ đột kích tiêu diệt Bin Laden là một thành viên kỳ cựu của đội đặc nhiệm SEAL, nhưng tốt nghiệp đại học chỉ với tấm bằng báo chí. Vị phó đô đốc 3 sao này mới đây đã nhận được lời cảm ơn riêng của Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Obama (phải) đã cảm ơn riêng Phó đô đốc McRaven (trái) đã chỉ huy thành công vụ đột kích tiêu diệt Bin Laden.

Khi Giám đốc CIA Leon Panetta được Tổng thống bật đèn xanh cho cuộc đột kích tối mật nhằm vào nơi ẩn náu của Bin Laden, ông đã quay sang một người. “Chỉ dẫn của tôi đối với McRaven rằng: “Đô đốc, hãy đi và tóm Bin Laden”, Panetta cho biết.

Điều hành một sứ mệnh là sở trường của Phó đô đốc William H McRaven, người đứng đầu Bộ chỉ huy hỗn hợp các chiến dịch đặc biệt (JSOC), đóng tại Afghanistan.

Vào ngày thứ năm, Tổng thống Obama đã mời vị tướng 3 sao tới Phòng Bầu dục để cảm ơn ông đã chỉ đạo thành công sứ mệnh tiêu diệt Bin Laden.

Một số thành viên thực hiện chỉ dẫn của Phó đô đốc McRaven cũng được Tổng thống Mỹ mời tới để cảm ơn vào ngày thứ sáu (giờ Mỹ). Trong số này không thể không có lực lượng đặc nhiệm của Hải quân SEAL, những người đã xông vào ngôi nhà Bin Laden đang ẩn náu và tiêu diệt tên trùm khủng bố.
Tổng thống Obama cảm ơn các đặc nhiệm SEAL thực hiện thành công cuộc đột kích vào nơi ẩn náu của Pakistan.

Có rất ít thông tin cá nhân về Phó đô đốc 55 tuổi McRaven, bởi ông hiếm khi xuất hiện trước báo chí.

Được biết ông là người gốc Antonio, Texas, từng học tại trường trung học Roosevelt. Ông vào đại học Texas nhờ học bổng.

Năm 1977, ông tốt nghiệp đại học với tấm bằng báo chí – ngành không liên quan gì đến những thành tựu xuất sắc ông đạt được sau này tại Hải quân Mỹ.

“Tôi rất ngạc nhiên khi người với bằng báo chí lại có thể vào được lực lượng đặc nhiệm và là một thành viên SEAL”, đô đốc nghỉ hưu Bobby Inman, và hiện là giáo sư đại học cho hay. “Ông ấy đã chứng tỏ là một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của trường đại học Texas”.

Mặc dù lựa chọn con đường sự nghiệp không liên quan đến những gì đã học ở trường, nhưng tấm bằng báo chí của ông không hề bị lãng phí. Năm 1995, ông đã viết cuốn sách đã trở thành sách bắt buộc phải đọc cho những ai là chỉ huy chiến dịch đặc biệt.

Trong cuốn sách mang tự đề đơn giản “Spec Ops” (Tạm dịch: Những chiến dịch đặc biệt), Phó đô đốc McRaven đã phân tích 8 chiến dịch đặc biệt trong lịch sử, hầu hết là trong Thế chiến II.

Tác giả, vào thời điểm đó là thành viên cấp cao của SEAL, đã xác định được 6 nguyên tắc dẫn tới thành công: đơn giản, an ninh, tập luyện, bất ngờ, tốc độ và mục đích.

“Bill nổi tiếng là thành viên SEAL thông minh nhất từ trước tới nay”, một cựu chỉ huy nhận xét về McRaven. “Bill là người cứng cỏi, đầy nhiệt huyết”.

Vài ngày tỏa sáng và 3 tháng chuẩn bị

McRaven bắt đầu làm quen với quân ngũ trong chương trình huấn luyện sỹ quan dự bị của Đại học Texas. Và từ đó, sự nghiệp của McRaven chỉ đi theo một hướng.

McRaven đã làm chỉ huy ở mọi cấp độ trong hoạt động đặc biệt, như lãnh đạo một nhóm hải kích SEAL, đứng đầu một đơn vị tham gia vào chiến dịch Bão cát Sa mạc trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991. Trong những năm gần đây, ông dành phần lớn thời gian ở Afghansitan, chỉ huy các vụ đột kích nhằm vào quân nổi dậy trong đêm.

Thậm chí trước cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden, ông đã được đề xuất lên làm đô đốc 4 sao. Và nhờ sự kiện vào cuối tuần vừa qua, việc phê chuẩn của Thượng viện Mỹ chỉ còn mang tính hình thức.

Chỉ trong vài ngày qua khả năng của “kiến trúc sư” này mới được báo chí nhắc tới, nhưng quá trình lên kế hoạch cho một chiến dịch đặc biệt như thế này đòi hỏi phải mất nhiều tháng.

Theo tờ New York Times, Phó đô đốc McRaven đã được giám đốc CIA yêu cầu từ tháng 2, đưa ra các đề xuất khác nhau về cuộc tấn công nhằm vào khu nhà được tin là Bin Laden đang ẩn náu.

3 tháng chuẩn bị và thành quả đạt được vào hôm thứ hai vừa qua đã ghi danh McRaven vào lịch sử nước Mỹ.

Phan Anh

Theo BBC

Thế giới - Dân trí:
Thứ Sáu, 06/05/2011 - 17:06
(Dân trí) - Trong đội đặc nhiệm tham gia sứ mệnh tiêu diệt Osama bin Laden tại Pakistan vào sáng sớm ngày 2/5 có một thành viên đặc biệt: một con chó phát hiện chất nổ.

Binh sĩ Mỹ bên một con chó nghiệp vụ tại Mina Salman, Bahrain.
Tờ New York Times cho hay đó là thành viên 4 chân duy nhất trong đội đặc nhiệm SEAL vốn đã đổ bộ vào ngôi nhà của trùm khủng bố tại Abbottabad, tây bắc Pakistan. Nhiều khả năng thành viên 4 chân này thuộc giống chó Malinois của Bỉ, mặc dù các quan chức nói rằng nó cũng có thể thuộc giống Shepherd của Đức.

Chú chó anh hùng đã được buộc vào người một thành viên của SEAL khi họ được thả từ trực thăng Black Hawk xuống nơi ẩn náu của Bin Laden.

Thông tin về việc sử dụng chó nghiệp vụ trong cuộc đột kích chỉ được tiết lộ hôm 4/5. Nhưng cũng giống với các thành viên của biệt đội, danh tính của nó hiện vẫn chưa được tiết lộ.

Các nguồn tin cho hay con chó tham đội biệt kích được huấn luyện để phát hiện chất nổ. Tuy nhiên, nó cũng có các khả năng khác có thể biến nó trở thành một con chó thích hợp trên chiến trường. Con chó này thậm chí còn có thể được huấn luyện để đánh hơi lực lượng đối phương ở cách xa hơn 3km.

Sự nhạy bén về giác quan mà những con chó nghiệp vụ mang lại trong tình huống thời chiến là không gì có thể sánh kịp. “Con người hay máy móc không thể thay thế khả năng mà chúng mang lại cho cuộc chiến”, Tướng David Petraeus nói hồi năm ngoái, kêu gọi tăng cường sử dụng chó nghiệp vụ.

Nhưng điều thú vị nhất về những thành viên 4 chân này là gì? Nhiều chú chó của đội đặc nhiệm SEAL được trang bị những chiếc răng nanh bọc titanium có khả năng cắn xuyên áo giáp của đối phương. Mỗi chiếc răng này có giá khoảng 2.000USD.

An Bình
Tổng hợp

20 cảnh sát truy bắt kẻ bắn cô gái 20 tuổi trên taxi

VTC News:

06/05/2011 16:32

(VTC News) - Chiều ngày 6/5, Công an thành phố Hà Nội cho biết đã bắt giữ 3 nghi phạm trong vụ giết người xảy ra ngày 29/4/2011, trước nhà số 488 phố Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa trên đường chạy trốn.
Tin liên quan

» Làm rõ nghi phạm bắn trúng mặt cô gái 20 tuổi trên taxi
» Cô gái 20 tuổi trên taxi chết vì bị bắn thẳng vào mặt

Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an TP Hà Nội xác nhận thông tin trên. “ Ngay sau khi ra lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng để điều tra về tội giết người, cán bộ phòng PC52 đã vào cuộc. Tối qua (5/5) số nghi phạm đang trên đường trốn sang Trung Quốc đã bị hơn 20 cảnh sát truy bắt. Cuộc vây bắt khá vất vả vì chúng di chuyển liên tục qua nhiều địa điểm khác nhau. Hiện chúng tôi đang di lý các đối tượng về Hà Nội...", thượng tá Hùng nói.

Theo đó, các đối tượng được xác định gồm: Nguyễn Mạnh Cường (SN 1989) trú tại 51/83 Chùa Hàng, Hồ Nam, Lê Chân, TP Hải Phòng, có 1 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Đồng Cao Cường (SN 1983) ở 61 Ngô Gia Tự, khu 7, Thị Cầu, TP Bắc Ninh, trú tại 163 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và Lưu Văn Đức (SN 1987) trú tại Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam.

Ba nghi phạm trong vụ giết người đã bị cơ quan Công an bắt giữ trên đường chạy trốn.

Trước đó, theo điều tra của cơ quan Công an, trước đây Đức có cho chị Nguyễn Thị Liên (SN 1991) trú tại 782-H16 Tân Mai, quận Hoàng Mai vay 10 triệu đồng. Đức đã liên lạc để đòi Liên nhiều lần nhưng không được.

Ngày 28/4, Đức rủ Mạnh Cường và Cao Cường đi xe máy đến nhà Liên để đòi tiền nhưng không gặp. Các đối tượng đã về nhà Cao Cường lấy vũ khí, tìm chị Liên để “thanh toán” nợ nần.

Đến khoảng 1h sáng ngày 29/4, các đối tượng phát hiện chị Liên đi xe taxi hãng Thành Công do anh Bùi Mạnh Quân (SN 1989) trú tại ngõ 85, Bảo Linh, Phúc Tân, Hoàn Kiếm điều khiển, trên đường Kim Liên. Khi đến trước nhà số 488 phố Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, bọn chúng đã ép xe, dùng súng bắn đạn ghém bắn vào thái dương bên phải đầu chị Liên, mảnh đạn bắn vào trán anh Quân.

Chị Liên được một người bạn ngồi cùng trên xe đưa đi cấp cứu nhưng đã chết ngay sau đó. Lái xe Quân bị thương nặng cũng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức.

Quang Tùng

Giải cứu một phụ nữ bị tra tấn dã man

Sự kiện - Dân trí:
Thứ Năm, 05/05/2011 - 22:59

Hà Nội: Giải cứu một phụ nữ bị tra tấn dã man

Với chiếc dùi cui bằng cao su, hai gã thanh niên đã thay nhau đánh vào đầu gối, mắt cá chân của một phụ nữ để đòi tiền.
Chiều 4/5, chúng tôi tìm đến địa chỉ nơi xảy ra vụ việc nghiêm trọng này. Đó là một ngôi nhà 1 tầng có gác xép, nằm trong khu dân cư Tây Kết, phường Bạch Đằng. Và điều bất ngờ là trong từng ấy thời gian, việc một phụ nữ bị dùng nhục hình tra tấn, bị chửi bới, dọa giết, mà không ai biết.

2 đối tượng Tú, Vũ và hung khí tra tấn chị Oanh

Nạn nhân trong vụ việc này là chị Vũ Ngọc Oanh, 41 tuổi, nhà ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Tường trình của chị Oanh sau khi được lực lượng công an giải cứu, cùng tài liệu CQĐT CAQ Hai Bà Trưng thu thập được cho thấy ngày 10/4, chị Oanh vay 10 triệu đồng của Trương Ngọc Tuyền, cũng trú ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai.

Việc vay mượn tiền chỉ là thỏa thuận miệng, được thực hiện ở địa chỉ số 50 ngõ 7, phố Tây Kết, phường Bạch Đằng. Ngôi nhà này Tuyền được một người bạn cho ở nhờ. Số tiền lãi hàng ngày chị Oanh phải trả cho khoản vay 10 triệu đồng là 200.000 đồng.

Trong 10 ngày đầu tiên, chị Oanh thanh toán đủ tiền lãi cho Tuyền. Nhưng đến ngày 20/4, chị Oanh không có khả năng thanh toán lãi. 16h ngày 1/5, một thanh niên đi xe máy đến gặp chị Oanh ở khu vực đường Lĩnh Nam, nói là có người nhờ anh ta đón chị đi giải quyết.

Chị Oanh vừa lên xe, y phóng một mạch về phố Tây Kết. Đến nơi, y tát phủ đầu rồi bắt chị Oanh ngồi vào góc nhà dùng dùi cui bắt đầu tra tấn.

Rất “có nghề”, những cú đập của gã thanh niên toàn vào đầu gối, mắt cá chân. “Mày mà kêu khóc thì tao giết”, gã đe dọa. Bị đánh đau quá, chị Oanh dùng tay che chắn thì chiếc dùi cui không thương tiếc, vụt thẳng vào mu bàn tay. Như chủ định trước, khi gã thanh niên này đánh đến hồi… mỏi tay thì một tên khác xuất hiện. Lại chửi bới, đe dọa và những nhát dùi cui tàn nhẫn.

Khoảng 17h30, màn tra tấn tạm dừng. Hai gã thanh niên cho chị Oanh dùng điện thoại gọi nhắn người nhà mang tiền đến trả. Chồng chị Oanh phóng xe máy đến nơi, nhưng không dám vào nhà vì thấy mấy bộ mặt “cô hồn” quanh đó.

Trước tình huống này, anh đã đến CAP Bạch Đằng trình báo. Lập tức, chỉ huy CAP Bạch Đằng huy động trinh sát hình sự cùng CSKV và đội viên dân phòng ập đến địa chỉ trên. Hai gã thanh niên đánh đập chị Oanh bị bắt tại chỗ. Còn chị Oanh, khi nhìn thấy chồng mình và các chiến sỹ công an, chị đã không đủ sức đứng dậy bởi chấn thương nặng ở đầu gối và mắt cá chân.

Qua đấu tranh, bước đầu CAP Bạch Đằng xác định hai đối tượng đánh đập chị Oanh là Nguyễn Văn Tú (20 tuổi), nhà ở phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai; và Nguyễn Anh Vũ (19 tuổi), tạm trú ở phường Cát Linh, Đống Đa. Vũ chính là kẻ đã đèo chị Oanh về phố Tây Kết và mở đầu màn tra tấn vô nhân tính trên.

Căn cứ tài liệu thu thập ban đầu, CQĐT CAQ Hai Bà Trưng đã tạm giữ hình sự hai đối tượng Tú, Vũ về hành vi bắt giữ người trái pháp luật; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Theo Hà Minh
An ninh Thủ đô

CIA theo dõi Bin Laden từ ngôi nhà thuê ngay tại Abbottabad

Sự kiện - Dân trí:
Thứ Sáu, 06/05/2011 - 12:29

(Dân trí) - CIA đã tiến hành theo dõi nơi ẩn náu của Osama bin Laden trong suốt thời gian dài từ một “ngôi nhà an toàn” gần đó ngay tại Abbottabad. Tiết lộ này của Mỹ được dự đoán sẽ khiến cơ quan tình báo Pakistan thêm "mất mặt".
>> Pakistan doạ xem lại thoả thuận hợp tác quân sự với Mỹ
Cổng ngôi nhà Bin Laden ẩn náu tại Abbottabad, Pakistan.
Tờ Washington Post hôm nay dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay ngôi nhà an toàn trên là căn cứ dùng cho hoạt động thu thập thông tin tình báo và hoạt động này bắt đầu sau khi khu nhà của Bin Laden được phát hiện vào tháng 8 năm ngoái. Hoạt động phức tạp đến nỗi CIA đã phải yêu cầu Quốc hội phân phối lại hàng chục triệu đô la để hỗ trợ.

“Công việc của CIA là tìm kiếm và sửa chữa”, tờ Post dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay. “Công tác tình báo đã rất thành công, cho đến khi đến lượt quân đội hoàn thành mục tiêu”.

Giới chức Mỹ cũng cho biết trên tờ New York Times rằng thông tin thu thập được từ các tài liệu trong ngôi nhà Bin Laden sống cho thấy tên trùm khủng bố này đã trực tiếp “soạn thảo” các cuộc tấn công của al-Qaeda trong suốt nhiều năm, từ chính thành phố Abbottabad, Pakistan.

Cả tờ New York TimesWashington Post dẫn lời các quan chức Mỹ đều cho biết, CIA do thám nơi ẩn náu của Bin Laden, như theo dõi, chụp ảnh người dân và khách viếng thăm từ một ngôi nhà thuê ngay gần đó.

Từ sau gương phản chiếu, các điệp viên CIA đã dùng camera với ống kính chụp xa và thiết bị hình ảnh hồng ngoại để nghiên cứu ngôi nhà. Họ cũng dùng thiết bị nghe trộm để cố gắng bắt được giọng nói từ bên trong ngôi nhà cũng như chặn các cuộc gọi điện thoại di động. Ngoài ra, họ cũng dùng vệ tinh radar để tìm kiếm đường hầm trốn thoát từ ngôi nhà.

Trong một diễn biến khác, các nguồn tin thân cận với chính phủ Mỹ cho biết trong khi diễn ra vụ đột kích, chỉ có một trong 4 mục tiêu chính bị đặc nhiệm Mỹ bắn chết tham gia vào cuộc đấu súng. Khi lực lượng đặc nhiệm tiến vào một nhà khách trong khuôn viên ngôi nhà Bin Laden sống, họ đã bị bắn và sau đó họ bắn chết một người đàn ông bên trong. Người này được cho là Abu Ahmed al-Kuwaiti, kẻ đưa tin mà tình báo Mỹ đã theo dõi từ lâu.

Và khi tiến vào ngôi nhà chính, họ đã tiêu diệt một tên đưa tin khác cùng con trai của Bin Laden. Cuối cùng họ bắn chết thủ lĩnh al-Qaeda tại phòng trên tầng trên cùng của ngôi nhà.

Việc Bin Laden được tìm thấy ở một thành phố nhà binh (nhà của hắn ta cách học viện quân sự danh giá của Paksitan có vài bước chân) đã khiến Pakistan bị mất mặt và vụ đột kích bí mật của đặc nhiệm Mỹ dẫn đến tiêu diệt Bin Laden đã khiến quân đội nước này không khỏi bất bình.

Vào ngày hôm qua, quân đội Pakistan đã dọa sẽ ngừng hợp tác chống khủng bố với Mỹ nếu Mỹ tiến hành một vụ tấn công đơn phương tương tự nữa.

Một đảng Hồi giáo lớn của Pakistan, Jamaat-e-Islami, hôm nay đã kêu gọi biểu tình rầm rộ nhằm phản đối điều mà họ gọi là vi phạm chủ quyền của người Mỹ. Họ cũng kêu gọi chính phủ ngừng hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống lại phiến quân.

Một quan chức an ninh cấp cao của Pakistan thậm chí còn cáo buộc quân đội Mỹ “máu lạnh” khi giết thủ lĩnh al-Qaeda không được trang bị vũ khí.

Phan Anh

Theo Reuters

Món Pịa Sơn La

Sự kiện - Dân trí:
Thứ Sáu, 06/05/2011 - 14:48
“Hoảng hồn” với món Pịa Sơn La
(Dân trí) - Sau một đêm ngủ ngon lành với tấm chăn mỏng đắp hờ, buổi sáng cao nguyên Mộc Châu - Sơn La bắt đầu với món ăn giao đãi đặc trưng của người Thái Sơn La mà mới thoạt nghe người ăn lần đầu đã “kinh hoàng” sởn tóc gáy: món Pịa Sơn La.

Đến với Sơn La mà chưa ăn món Pịa thì coi như chưa đến, người Sơn La nói thế. Và nếu như đã một lần ăn món Pịa thì sẽ chẳng bao giờ quên. Đầu tháng 5, khắp cao nguyên Mộc Châu vẫn có mây mù bao phủ . Trên con đường độc đạo xuyên suốt thị trấn, giữa đêm khuya đâu đó vẫn nghe tiếng giầy đinh của một người bộ hành gõ cốp cốp xuống mặt đường nhựa.

Người ta có thể cảm nhận được cái so vai và cái rùng mình vì lạnh của người khách bộ hành mà uể oải kéo đắp thêm chăn để chìm dần vào giấc ngủ. Buổi sáng cao nguyên, ngồi trong một quán ăn của người Mông, người Thái nhìn ra đường sẽ thấy thấp thoáng bóng một cô gái Thái, gái Mông gùi trên lưng từng gùi mận, gùi đào đỏ au thấp thoáng trong đám sương mù trên đỉnh con dốc cao.

Tây Bắc luôn là vùng đấy đầy bí ẩn với những người ưa khám phá. (Ảnh: Anh Thế)

Buổi sáng cao nguyên vắng tiếng còi xe inh ỏi của thành phố. Thấp thoáng xa xa là những vạt chè xanh ngăn ngắt, đẫm sương đêm. Chủ quán là một cô gái Thái còn trẻ nhưng trên đầu đã búi “tẳng cẩu”, nghĩa là người con gái ấy đã trở thành thiếu phụ. Người thiếu phụ trẻ đặt trên bàn những bát nhỏ nghi ngút khói, mỉm cười bỏ vào trong sau những tiếng chào mời nhỏ nhẹ. Bạn sẽ thắc mắc về món ăn thực lạ mắt này và người bạn người Thái sẽ nói cho bạn biết về món Pịa Sơn La.

Pịa là món ăn đặc trưng của người Sơn La, có thể dùng để làm nước chấm và có thể dùng trực tiếp làm món ăn. Khi chế biến món Pịa, người ta chọn nguyên liệu từ những động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê… Nhưng chủ yếu là Pịa bò và Pịa dê. Dọc theo tuyến quốc lộ 6 từ Châu Mộc đến Châu Thuận, du khách có thể dễ dàng bắt gặp la liệt những quán ăn treo biển: “Pịa đây, Pịa đây” hay “Đặc sản Pịa bò, Pịa dê”, hoặc “Đến Sơn La đừng quên món Pịa”, cũng có thể đơn giản là “Pịa!”. Ngay cả thậm chí nếu bạn bước chân vào một quán ăn bất kì, bạn cũng có thể gọi được món Pịa, chỉ đơn giản vì quán Sơn La không thể thiếu món Pịa.

Bát Pịa nghi ngút khói trong bếp người Thái.

Món Pịa truyền thống nhất của người Sơn La bây giờ cũng khác rất nhiều với những quán Pịa bán cho du khách. Bởi lẽ những chủ quán đã nhiều lần chứng kiến khách hàng của mình sau khi ăn xong đã “kinh hoàng”, tá hỏa bởi được nghe chủ quán giảng giải cho nguyên liệu và các bước nấu món Pịa Sơn La.

Để nấu được món Pịa, người ta phải chuẩn bị nguyên liệu từ bò hoặc dê tùy vào sản phẩm sẽ là Pịa bò hay Pịa dê. Món Pịa Sơn La có những nét tương đồng với món Thắng Cố Lào Cao ở độ “hổ lốn” nhưng không giống nhau. Chế biến Pịa bò cần chuẩn bị đủ mọi thứ từ con bò mới ngon nhưng quan trọng nhất phải là tiết bò đông, sụn bò, đuôi bò, thịt bò, bạc nhạc bò, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan… Nếu như chỉ có thể thì dù cách nấu có thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thể khiến dù là những khách hàng khó tính nhất phải “kinh hoàng”. Điểm mấu chốt tạo nên đặc trưng của món Pịa là cần cả phần phân non của bò khoảng giữa dạ dày và ruột già (Theo tiếng Thái thì phần phân non đó gọi là Pịa. Vì thế món ăn có tên là món Pịa).

Những sản vật Tây Bắc luôn "hút hồn" du khách.

Khi mổ bò, người Thái rất cẩn trọng trong việc lấy phần pịa. Pịa được lấy ra ngay khi bộ lòng bò mới được mang ra khỏi bụng bò, và được bảo quan cẩn thận tránh ruồi nhặng. Công đoạn nấu món Pịa cũng không hề đơn giản. Nồi nước xương bò được ninh sùng sục trong nhiều giờ liền cho đến khi nước dùng có đủ vị ngọt và vị ngậy người nấu mới đổ tất cả những nguyên liệu thịt, sụn và lục phủ ngũ tạng vào nồi ninh. Nồi Pịa được ninh tiếp trong nhiều giờ liền cho đến khi nước chuyển thành một nâu sệt thì phần chính là phần Pịa được cho vào nồi ninh khoảng một giờ đồng hồ.

Nấu món Pịa, người ta không thể quên gia vị đặc trưng “mắc khén” (mắc khén là gia vị từ cây rừng phổ biến như hạt tiêu dưới miền xuôi) cùng nhiều gia vị khác như sả, ớt… Đặc biệt, để tạo vị cho Pịa, người ta cho thêm mật bò và lá đắng trong rừng. Vì thế, vị chủ đạo của Pịa là vị đắng nhưng ăn xong lại có vị ngọt của xương, thịt và của Pịa.

Mâm cơm người Thái hiếm khi vào thiếu món Pịa. (Ảnh: Anh Thế)

Nếu như để làm món ăn, Pịa được đơm ra bát nhỏ ăn bằng thìa kèm theo những loại rau sống. Nhưng Pịa ngon hơn nếu được dùng làm nước chấm cho những món ăn đặc biệt nấu từ bò, dê. Đặc biệt Pịa dê chuyên dùng làm nước chấm cho lẩu dê, gỏi dê và dê nướng ăn kèm với lá sung.

Tuy nhiên, muốn thưởng thức món Pịa Sơn La truyền thống, du khách phải dặn trước chủ quán hoặc phải có người bạn Thái đưa đến quán quen. Nhiều quán bây giờ nấu Pịa bỏ qua phân non của bò, dê mà cho thêm nhiều mật để có vị đắng. Như vậy không còn là món Pịa đầy đủ nữa. Theo như anh Lò Văn Tằng, chủ quán ăn trên đường Tô Hiệu, thành phố Sơn La thì: “Chúng tôi cũng ít dám cho nhiều pịa (phân non) vào món ăn vì sợ du khách “hoảng hồn”. Vẫn biết như thế là mất dư vị món Pịa nhưng phải chiều khách thôi”.

Còn theo một du khách từ Hà Nội: “Lần đầu tiên ăn món Pịa thực sự rất khó ăn, lại được nghe về nguyên liệu tôi cũng thấy ghê một chút. Nhưng thôi ăn một lần cho biết”. Có điều những ai có duyên với Sơn La, ăn món Pịa một vài lần sẽ “nghiện”, sẽ chẳng nào quên được cái dư vị đặc trưng của nó, cũng như cái khí trời cao nguyên châu Mộc quanh năm mây núi.

Và chắc chắn trong những lần đầu du khách sẽ một chút hoảng hồn với món Pịa Sơn La.

Anh Thế