Có những người Arab than khóc cho cái chết của “chiến binh thần thánh” và người hùng tử vì đạo Osama bin Laden, số khác lại xem ông trùm khủng bố này là một kẻ bạo ngược, kẻ đã tạo cơ hội cho nước Mỹ gây ra bao chết chóc trên khắp thế giới Hồi giáo.
Từ Arab Saudi – nơi sinh của Osama bin Laden cho đến bờ biển Arab hay lãnh thổ Palestine, cái chết của trùm khủng bố đang thể hiện sự chia sẽ sâu sắc giữa kẻ thống trị và người bị trị, giữa những người cực đoan và ôn hòa, và giữa những phe phái khác nhau trong thế giới Arab.
Chính quyền Palestine được Mỹ ủng hộ đã chào mừng điều họ gọi là “tốt cho cuộc đấu tranh vì hòa bình”. Còn Hamas, phong trào đối đầu ở đây, đã lên án Mỹ, bất chấp việc thân Hamas bị các tổ chức thân Al Qaeda lên án vì quá ôn hòa.
“Chúng tôi lên án việc ám sát và giết chết một chiến binh Hồi giáo thần thánh - Reuters dẫn lời người phát ngôn Ismail Haniyeh của chính quyền Hamas ở dải Gaza – Chúng tôi xem đây là sự tiếp tục chính sách của Mỹ dựa trên sự đàn áp và làm đổ máu người dân Arab”.
Từ người hùng…
Nhiều người Arab xem bin Laden là lãnh tụ Hồi giáo duy nhất dám đem cuộc chiến chống phương Tây vào tận trái tim của kẻ thù – thông qua các vụ khủng bố ở New York và Washington ngày 11/9.
“Bin Laden đã bảo vệ phẩm giá của người Hồi giáo. Giờ đây phương Tây và Mỹ sẽ phải trả lời cho sự chiếm đóng của chúng” - Abdullah Ali, một người Ai Cập đứng tuổi nói với Reuters.
Tareq al-Zumar của al-Gama'a al-Islamiya, nhóm Hồi giáo từng cầm vũ khí chống Chính phủ Ai Cập vào thập niên 1990, nhận xét: “Bin Laden sẽ trở thành một biểu tượng của cuộc kháng chiến chống bọn chiếm đóng… Việc Mỹ giết bin Laden sẽ kích động những cuộc báo thù”.
Bin Laden là một nhân vật gây tranh cãi |
Còn Islam Lotfy, nhà hoạt động của Anh em Hồi giáo – nhóm Hồi giáo chính thống lớn nhất Ai Cập, nhận xét: “Bin Laden là người giúp cân bằng sức mạnh với Mỹ kể từ sau chiến tranh lạnh”.
Tại Arab Saudi, nhiều người dân không tin rằng Bin Laden đã chết và bày tỏ sự đau buồn: “Đây là sự mất mát với tất cả người Hồi giáo… Ông ấy là đại diện tốt đẹp và mạnh mẽ của Hồi giáo”.
Tờ New York Times dẫn lời nhà hoạt động và nghiên cứu Hồi giáo Marwan Shehadeh, cho rằng: Người Arab sẽ nhìn sự việc bin Laden bị giết chết qua lăng kính của sự thù hận đối với nước Mỹ.
“Bin Laden là một người đầy sức hút và được công chúng yêu mến, người được xem là chiến sĩ chống sự thống trị của Mỹ…Nhiều người Arab xem ông như một nhà cách mạng dù họ có đồng ý với hành động của ông hay không”, ông Shehadeh trả lời New York Times.
…đến tên tội đồ
Một số người Arab tin rằng chính bin Laden và Al Qaeda đã mang lại tai họa cho thế giới Hồi giáo vì tạo cơ cho nước Mỹ mở 2 cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, đồng thời biến “Hồi giáo” trở cái gì đó thành từ đồng nghĩa với “khủng bố” trong con mắt người phương Tây.
Suốt những năm qua, thứ bạo lực vô tội vạ của Al Qaeda đã gây ra nhiều cái chết thương tâm cho người dân tại nhiều quốc gia Hồi giáo. Nhiều người tỏ ra giận dữ nhiều hơn là phấn khích sau mỗi “chiến tích” của Al Qaeda.
“Những tổn thất mà bin Laden gây ra cho Hồi giáo thật đáng kinh tởm và xấu hổ” - Mahmoud Sabbagh, một người Arab Saudi nói.
Ahmed Saleh, một người Palestine, nói: “Chính những hành động tàn ác của bin Laden đã tạo cớ cho những chính sách thù địch với người Hồi giáo”.
Bin Laden đã là quá khứ?
Tuy nhiên, đối với nhiều người dân thuộc thế giới Arab, đặc biệt là tại các nước vừa trải qua biến động như Tunisia hay Ai Cập, giờ đây bin Laden chỉ là hình ảnh của một quá khứ xa xăm.
“Thế giới Arab đang bận rộn với những sự kiện của riêng nó, những cuộc nổi loạn ở khắp nơi – Diaa Rashwan, nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Cairo, nói – Có thể trước cuộc nổi loạn ở Tunisia thì cái chết của bin Laden là quan trọng, nhưng giờ thì không”.
Nhà hoạt động Shehadeh cho rằng giờ đây cái chết của bin Laden chỉ mang ý nghĩa biểu tượng đánh dấu một sự thay đổi trong cuộc đấu tranh của người Hồi giáo – từ đấu tranh bạo động chuyển sang các hình thức khác ôn hòa hơn, được khích lệ bởi những biến động tại Tunisia và Ai Cập.
“Bin Laden chỉ là một ký ức tồi tệ - Nadim Houry của tổ chức Human Rights Watch nói – thế giới Arab đã đi qua thời kỳ của ông ta rồi”.
Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người Arab đồng tình, đó là cái chết của bin Laden không thay đổi được thực tế - cuộc đấu tranh giữa các một số bộ phận trong thế giới Hồi giáo với nước Mỹ vẫn tiếp tục, mối quan hệ giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo vẫn chưa được cải thiện.
“Obama nói: “Công lý đã chiến thắng” – giáo sĩ Bilal al-Baroudi nói với New York Times – Để xem công lý sẽ thắng như thế nào”.
“Tôi không thích cái cách người Mỹ đổ xô ra đường ăn mừng. Có chiến thắng lớn gì ở đây? Họ đạt được điều gì vĩ đại? Bin Laden không phải là sự kết thúc, trong khi cánh cửa giữa thế giới Arab và nước Mỹ thì vẫn đóng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét