Việc làm này được nhận định là nhắm tới mục tiêu tạo ảnh hưởng quân sự tới nhiều nơi trên toàn cầu.
Từ những hoạt động thực của quân đội Trung Quốc trong thời gian gần đây đã cho thấy, khả năng mở rộng tầm tác chiến vượt ra ngoài biên giới của cả hải, lục và không quân nước này đang từng bước được nâng cao.
Thực tế của khả năng trên đã được thể hiện rõ nét thông qua việc điều động luân phiên các biên đội tàu chiến tới biển Somali tham gia vào các hoạt động chống cướp biển, theo chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; điều động các máy bay chiến đấu tới Kazakhstan để tham gia vào chương trình diễn tập quân sự chung của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)…
Tuy nhiên, thông qua các hoạt động hợp pháp trên, Trung Quốc đã tận dụng được cơ hội để huấn luyện khả năng tác chiến cho quân đội, thử nghiệm khả năng về kỹ thuật và chiến thuật của vũ khí khi tham gia vào một trận chiến ở những nơi xa xôi bên ngoài lãnh thổ.
Biên đội tàu chiến Trung Quốc tham gia chống cướp biển tại Somalia. |
Đối với hải quân, kể từ tháng 12/2008, hải quân Trung Quốc đã luân phiên tổ chức các biên đội tàu chiến lên đường tới Somalia tham gia vào chương trình chống cướp biển bảo vệ tàu hàng Trung Quốc qua lại khu vực này.
Điều đáng lưu ý là trong mỗi đợt triển khai, các biên đội tàu chiến tham gia đã thực hiện một quá trình chuẩn bị khá công phu và khoa học từ những việc như: Chuẩn bị hậu cần, huấn luyện đặc nhiệm, kỹ năng tác chiến ở vùng biển xa, khả năng thích nghi với môi trường tác chiến mới, rèn luyện sức chịu đựng cho đợt hoạt động dài ngày trên biển….;
Trong quá trình hành quân tới Somalia, các biên đội tàu Trung Quốc đã liên tục thực hành các hoạt động diễn tập tại những khu vực được coi là trọng yếu và có vị trí địa lý chiến lược, thực hành tiếp dầu trên biển, tuần tra đường dài, tiến công các mục tiêu tầm xa. Tại khu vực biển Somalia các biên đội này cũng thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện quân sự như: Dàn đội hình trên biển, tuần tra, bắn pháo hạm, cất hạ cánh máy bay trên boong tàu, kỹ năng tiếp cận, lên boong, lục soát và bắt giữ, kỹ năng vận hành các máy bay không người lái trong hoạt động trinh sát và do thám…
Quân đội Trung Quốc hiện diện tại Somalia. |
Với những hoạt động trên có thể khẳng định rằng, hải quân Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến lược hải quân mới “Chiến lược cận hải”, thực chất là nâng cao khả năng thực hiện các hoạt động tác chiến tầm xa, vươn tới những vùng biển xa xôi cách xa Trung Quốc hàng ngàn hải lý.
Cùng với đó, lực lượng không quân hạm Trung Quốc cũng đã và đang nâng cao khả năng tác chiến, mở rộng tầm chiến lược ra xa biên giới bằng các máy bay hiện có. Cụ thể của mục tiêu chiến lược trong 10 – 15 năm tới, lực lượng không quân của hải quân phải đủ khả năng vươn tới 3 tầm tác chiến với 3 loại máy bay chiến đấu khác nhau.
Trong đó, tại Hạm đội Bắc Hải, các máy bay SU-30MK2 phải vươn tầm tác chiến tới khu vực Osaka, Nhật Bản, tầm tác chiến gần nhất (đường màu xanh trên bản đồ); máy bay JH-7 có tầm tác chiến tới Tokyo, Nhật Bản (đường màu vàng trên bản đồ); máy bay H-6 có tầm tác chiến xa nhất vươn tới khu vực Sapporo, phía bắc Nhật Bản (đường màu đỏ).
Tầm tác chiến của 03 loại máy bay chiến đấu Trung Quốc. |
Đối với Hạm đội Nam Hải, các máy bay SU-30MK2 phải vươn tầm tác chiến tới khu vực Nam Biển Đông; máy bay JH-7 vươn tầm tác chiến tới lãnh thổ Malaysia và máy bay H-6 vươn tới lãnh thổ Indonesia.
Hạm đội Đông Hải được biên chế 1 sư đoàn ném bom, 2 sư đoàn tiêm kích, 1 tiểu đoàn vận tải, 1 tiểu đoàn trinh sát. Ngoài ra 3 loại máy bay như SU-30MK2, JH-7 và H-6 cũng được yêu cầu mở rộng tầm tác chiến vượt qua Đài Loan và vươn rộng ra hướng Thái Bình Dương.
2 máy bay J-10 tham gia diễn tập “Sứ mệnh hòa bình 2010”. |
Cùng với hải quân, lực lượng không quân cũng bắt đầu có bước chuyển dịch quan trọng nhằm nâng cao khả năng tác chiến vươn ra ngoài biên giới. Điển hình tại cuộc diễn tập “Sứ mệnh hoà bình-2010” của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra từ ngày 9-25/9/2010 tại Kazakhstan, lực lượng không quân Trung Quốc đã tổ chức đội hình máy bay chiến đấu 6 chiếc (4 máy bay ném bom H-6H và 2 tiêm kích J-10) được hỗ trợ bởi 1 máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu trên không, xuất phát từ sân bay trong lãnh thổ Trung Quốc nhằm tấn công mục tiêu giả định trên lãnh thổ Kazakhstan, sau đó lập tức quay trở về.
Cũng tại diễn tập “Sứ mệnh hoà bình-2010”, lực lượng lục quân thuộc đại Quân khu Bắc Kinh đã điều động một lực lượng vũ khí, trang bị lớn gồm các xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, phòng không, trực thăng và một số phương tiện vũ khí khác lần đầu tiên xuất quân vượt biên giới, tham gia diễn tập tác chiến trên lãnh thổ nước ngoài (Kazakhstan).
Trong quá trình tổ chức, lực lượng lục quân Trung Quốc đã tiến hành khá chi tiết cả về cách thức tập kết lực lượng, kỹ năng chuyển quân qua biên giới và cách thức tiến hành các hoạt động quân sự trên lãnh thổ nước ngoài.
Máy bay H-6H bay trên bầu trời Kazakhstan khi tham gia diễn tập “Sứ mệnh hòa bình 2010”. |
Qua một số hoạt động điển hình có thể thấy rằng, quân đội Trung Quốc đang dần biểu hiện khả năng có tầm tác chiến ra xa biên giới. Khả năng tác chiến này một phần nhằm thực hiện tham vọng trở thành một cường quốc quân sự trên thế giới, đồng thời nhằm đối trọng và cạnh tranh ảnh hưởng quân sự với Mỹ.
Những hoạt động quân sự vượt ra khỏi biên giới cũng là một trong ý định nhằm phô trương sức mạnh quân sự, thể hiện sức mạnh siêu cường và khẳng định vị thế quân sự, sẵn sàng điều động quân đội tới những khu vực nằm xa lãnh thổ khi cần thiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét