Những câu hỏi đằng sau cái chết của Bin Laden

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Năm, 05/05/2011, 07:33 (GMT+7)

TT - Dư luận thế giới đang đặt ra ba câu hỏi lớn xung quanh chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden: Việc lực lượng Mỹ giết ông trùm Al Qaeda ở một quốc gia khác có hợp pháp không? Pakistan đã che giấu tên tội phạm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới?

Vì sao Mỹ chưa công bố một hình ảnh nào về thi thể của Bin Laden?

Trẻ em Pakistan nhặt những mảnh vụn của một trực thăng Mỹ bị rớt quanh tòa nhà nơi Bin Laden ẩn náu ở Abbottabad - Ảnh: Reuters

>> Bin Laden xin lỗi các con trong di chúc
>> Theo dõi cuộc tấn công Bin Laden từ Nhà Trắng
>>
Tại sao chôn cất Bin Laden ngoài biển?
>>
Bin Laden đã bị tiêu diệt như thế nào?

Mỹ giết Bin Laden ở một nước khác có hợp pháp không?

Chính quyền các nước hầu hết đều lên tiếng ủng hộ chiến dịch tiêu diệt Bin Laden. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Mỹ không có thẩm quyền vừa làm cảnh sát, vừa làm quan tòa và kiêm luôn nhiệm vụ đao phủ. “Đó rõ ràng là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế - cựu thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt bình luận trên truyền hình Đức - Chiến dịch này có thể dẫn tới những hậu quả không thể lường trước ở thế giới Ả Rập”.

Tổng công tố Mỹ Eric Holder ngày 4-5 khẳng định chiến dịch giết Bin Laden là “hành động tự vệ quốc gia” và hoàn toàn “hợp pháp”. Tuy nhiên, luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Anh Geoffrey Robertson cho rằng chiến dịch là hành vi ám sát, có nguy cơ biến y thành một người tử vì đạo. “Đó không phải là thực thi công lý - luật sư Robertson nhận định - Công lý có nghĩa là đưa nghi can ra tòa, xét xử dựa trên bằng chứng và ra bản án”.

Giáo sư luật quốc tế Nick Grief thuộc ĐH Kent (Anh) cũng đánh giá vụ tấn công giống như “hành vi giết chóc không tuân theo luật pháp”. Giáo sư Grief nhấn mạnh ai cũng được luật pháp bảo vệ, kể cả những tên tội phạm Đức quốc xã cũng được xử tại tòa sau Thế chiến II.

Trên thực tế, một tuần sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, tổng thống Mỹ George Bush đã ký thông qua đạo luật 107-40, theo đó Quốc hội Mỹ cho phép tổng thống “sử dụng vũ lực cần thiết và phù hợp chống lại các quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân đã lên kế hoạch, ra lệnh, thực hiện hoặc hỗ trợ các hành vi khủng bố ngày 11-9”. Tuy nhiên, dù việc giết Bin Laden phù hợp với luật pháp Mỹ nhưng lại diễn ra ở một quốc gia khác (Pakistan) và không có sự cho phép của chính quyền nước này.

Do đó việc giết Bin Laden có hợp pháp hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Một số chuyên gia cho rằng lẽ ra Mỹ nên bắt sống Bin Laden và dẫn độ về Mỹ để xét xử, hoặc đưa ra Tòa án hình sự quốc tế (ICC).

Chính quyền Pakistan dù hoan nghênh việc giết Bin Laden nhưng đã khẳng định: “Hành động đơn phương không được cho phép này không thể trở thành một quy tắc. Chính quyền Pakistan khẳng định rằng một sự kiện như vậy sẽ không trở thành tiền lệ cho bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ”.

“Thế giới có trở nên tốt đẹp hơn khi không có Bin Laden? Nhiều người có thể trả lời câu hỏi đó - luật sư Reed Brody thuộc Tổ chức Giám sát nhân quyền (Mỹ) bình luận - Nhưng điều đó có nghĩa là ta có quyền vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế hay không? Hoàn toàn không”.

Bin Laden đã được Pakistan chứa chấp?

Mỏ vàng thông tin tình báo

Chính quyền Mỹ tiết lộ tại dinh thự của Bin Laden, nhóm đặc nhiệm SEAL đã thu giữ được năm máy vi tính, 10 ổ cứng vi tính và hơn 100 thiết bị chứa dữ liệu như đĩa DVD và USB. Các quan chức Mỹ cho biết nguồn dữ liệu này sẽ giúp Washington khám phá nhiều bí mật về tổ chức của Al Qaeda, buộc các thủ lĩnh Al Qaeda phải dời địa điểm trú ẩn hoặc thay đổi phương thức liên lạc, do đó dễ bị phát hiện hơn. Một nhóm chuyên viên CIA đã nghiên cứu các dữ liệu để tìm tung tích của Ayman al-Zawahiri, kẻ nhiều khả năng sẽ thay thế Bin Laden lãnh đạo Al Qaeda, cũng như các âm mưu khủng bố mới, tên tuổi của các nghi can khủng bố...

Việc lính Mỹ phát hiện Bin Laden ở thành phố Abbottabad, chỉ cách thủ đô Islamabad khoảng 60km, làm dấy lên nghi vấn chính quyền Pakistan, một đồng minh thân cận của Mỹ, đã chứa chấp ông trùm khủng bố. Ngay sau chiến dịch, Ấn Độ đã lên tiếng cáo buộc Pakistan là “ổ chứa khủng bố”.

Giám đốc CIA Leon Panetta tiết lộ Mỹ “xác định việc thông báo cho chính quyền Pakistan có thể đe dọa sự thành công của chiến dịch, bởi phía Pakistan có thể đánh động mục tiêu”.

Cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng John O.Brennan bồi thêm: “Có quá nhiều câu hỏi về việc tại sao Bin Laden có thể sống trong một dinh thự lớn ở Abbottabad mà chính quyền địa phương không hề hay biết gì. Chúng ta cần phải tìm hiểu Bin Laden đã có mạng lưới hỗ trợ ở đó như thế nào”.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho rằng Islamabad phải trả lời các câu hỏi về mạng lưới hỗ trợ cho Bin Laden. Một số quan chức Mỹ khẳng định khó có thể tin rằng Bin Laden có thể thoải mái sống ở Abbottabad, nơi rất nhiều sĩ quan quân sự Pakistan đương nhiệm và về hưu định cư, mà không có sự hỗ trợ ngầm của một số thành phần trong chính quyền Islamabad.

Mới đây, Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) lớn tiếng tuyên bố đã chia sẻ thông tin về dinh thự của Bin Laden với CIA và các cơ quan tình báo khác từ năm 2009 đến tận tháng 4-2010. Tuy nhiên, tuyên bố này càng gây thêm nghi ngờ bởi CIA khẳng định chỉ biết về dinh thự này từ tháng 5-2010.

Một số quan chức chính quyền Pakistan thừa nhận không thể loại trừ khả năng tình báo nước này ngầm hỗ trợ Bin Laden hoặc hoàn toàn vô dụng. Báo chí Mỹ đưa tin nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ bắt đầu tỏ thái độ chống đối Pakistan và đã tính đến chuyện thảo luận việc cắt hoặc hạn chế hỗ trợ quân sự và tình báo cho Islamabad.

Trên thực tế, từ năm 2009 nhiều quan chức Mỹ và NATO đã công khai đặt nghi vấn Bin Laden sống ung dung trong lãnh thổ Pakistan và được các phần tử cực đoan trong lực lượng tình báo Pakistan bảo vệ. Khi đó chính quyền Pakistan ra sức bác bỏ nghi vấn này.

Vì sao Mỹ chưa công bố một hình ảnh nào về thi thể của Bin Laden?

Chính thức thì Mỹ còn do dự chưa công bố một hình ảnh nào về thi thể của Bin Laden. Đã có cuộc tranh luận căng thẳng trong chính quyền Tổng thống Obama giữa ý muốn chứng minh Bin Laden đã chết và sự cần thiết phải tính đến là liệu hình ảnh “ghê rợn” sẽ có gây sốc.

Nhà Trắng tuyên bố những hình ảnh này rất ghê rợn, tuy nhiên vẫn chưa quyết định có công bố hay không trong bối cảnh dư luận đang đưa ra những quan điểm khác nhau. Tối 3-5, giám đốc CIA Leon Panetta khẳng định những tấm ảnh về thi thể của Osama Bin Laden cuối cùng sẽ được công bố trước công chúng.

“Chính phủ tất nhiên đã thảo luận làm như thế nào là tốt nhất, tôi đã nhìn thấy những bức ảnh đó. Chúng tôi đã phân tích chúng và không nghi ngờ gì nữa đó chính là Bin Laden. Theo tôi, còn có những quan ngại cần xem xét nhưng quan trọng là đã bắt và tiêu diệt được Bin Laden và Mỹ phải công bố với thế giới về thông tin này”. Reuters dẫn lời ông John Brennan nói trên đài truyền thanh công cộng quốc gia rằng “điều mà chúng tôi không muốn làm là công bố bất cứ điều gì có thể gây hiểu lầm hoặc có thể gây ra các vấn đề khác tồi tệ hơn”.

Nhưng sau đó Nhà Trắng khẳng định vẫn chưa có quyết định nào. “Tôi xin nói thẳng việc công bố ảnh là rất nhạy cảm, và chúng tôi đang đánh giá có cần thiết làm điều này không” - người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney nói. Theo ông, vấn đề là xem xét việc công bố những ảnh này “có lợi hay bất lợi cho lợi ích của chúng tôi, không chỉ cho Mỹ mà cho cả thế giới”. Khi được hỏi về tính chất các bức ảnh, ông Carney nói: “Chỉ có thể nói rằng đó là những bức ảnh ghê rợn”, nhưng ông từ chối cho biết bản thân ông đã nhìn thấy những bức ảnh đó hay chưa. Ông cho biết đích thân Tổng thống Obama sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Ngay từ ngày 2-5, các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu công bố các bức ảnh để chứng tỏ cuộc truy lùng kẻ thù số 1 của Mỹ nay đã kết thúc, trong khi nhiều nghi vấn cho rằng Mỹ đang dàn dựng nên một câu chuyện qua tất cả những chuyện này.

Chủ tịch Ủy ban an ninh nội địa Thượng viện Mỹ Jeo Lieberman cho rằng “có thể cần công bố những bức ảnh cho dù có khủng khiếp mấy chăng nữa để bác bỏ mọi nghi ngờ rằng đây là một thủ đoạn của chính quyền Mỹ”. Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số thuộc Đảng Dân chủ tại thượng viện Harry Reid lại cho rằng với tư cách cá nhân, việc công bố những bức ảnh là “bệnh hoạn”.

HIẾU TRUNG - MỸ LOAN
(Theo NYT, Reuters, WSJ, Der Spiegel)


tuoitre.vn:
Thứ Năm, 05/05/2011, 07:35 (GMT+7)

Quan sát & bình luận:

Màn độc diễn ở sân khấu Nhà Trắng

TT - Dù cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden được giới thiệu là có “truyền hình trực tiếp về Nhà Trắng” nhưng sang đến ngày thứ ba, thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney còn phải “nói lại” về những thông tin không đúng sự thật mà các quan chức Chính phủ Mỹ đã cung cấp trong các cuộc họp báo trước đó.

Tổng thống Barack Obama và các trợ lý thân cận nhất trong Chính phủ Mỹ theo dõi trực tiếp 40 phút thực hiện chiến dịch của SEAL Team Six tại Pakistan ngày 1-5 - Ảnh: Daily Mail

Tất cả cho thấy chiến dịch trên là một màn “press release”, không phải trong ý nghĩa “thông cáo báo chí”, đơn giản trong ý nghĩa “lần lượt nhả thông tin cho báo chí“, mà mục tiêu là kiếm cho ông Barack Obama một “tấm giấy khai sinh Mỹ 1.000%” như nhận xét của nhật báo Haaretz của Israel, đồng minh số 1 của Mỹ.

* Màn 1: Bin Laden chết trong một vụ đấu súng

0g03 sáng 2-5, trong cuộc họp báo video do Nhà Trắng triệu tập, các nhà báo đặt câu hỏi với các quan chức cao cấp không xưng danh:

* Các ông nói rõ hơn Bin Laden đã bị giết như thế nào, ở đâu? Điều gì đã xảy ra trong tòa nhà đó?

- Quan chức cao cấp: Như Tổng thống đã nói tối nay, Bin Laden đã bị giết trong một cuộc đấu súng vào lúc mà các đặc nhiệm bước vô tòa nhà.

* Bin Laden có trực tiếp nổ súng hay tự vệ không? Có thời gian biểu cụ thể của vụ đột kích không?

- Quan chức cao cấp: Y có kháng cự lực lượng tấn công và đã bị giết trong vụ đấu súng.

Các câu hỏi mà báo chí đặt ra là những câu hỏi cơ bản của nghề báo “Cái gì? Như thế nào?...” để đừng nhắm mắt nhắm mũi, thiên hạ bảo sao chép vậy. Quan chức nọ đã hai lần dùng từ ngữ “vụ đấu súng” để mô tả sự kháng cự của Bin Laden, tức Bin Laden đã nổ súng, nên đã bị bắn hạ.

* Màn 2: Đó là một vụ đấu súng và Bin Laden có tham gia

14 giờ sau cuộc họp báo khuya đó, trợ lý an ninh nội địa và chống khủng bố của Tổng thống Obama là John Brennan đồng chủ tọa cuộc họp báo thứ hai tại Nhà Trắng. Phóng viên AP được mời mở màn họp báo đã đặt ngay một “câu hỏi lương tâm”:

* Mục tiêu cụ thể của cuộc đột kích là gì? Có xem xét khả năng bắt sống Bin Laden hay đây là một sứ mệnh “thấy mặt là hạ sát” ngay?

- Trợ lý Brennan: Nếu chúng tôi có cơ hội bắt sống Bin Laden, nếu y không lộ ra bất cứ sự đe dọa nào, thì các cá nhân tham gia có khả năng và đã được chuẩn bị để làm điều đó. Chúng tôi đã thảo luận về điều này trong nhiều cuộc họp ở Nhà Trắng và với cả Tổng thống. Chúng tôi quan ngại rằng Bin Laden sẽ chống trả. Thực tế y đã chống trả. Đó là một cuộc đấu súng. Y đã bị giết trong vụ đấu súng. Tình hình là như thế vào lúc mà các thi thể được đưa đi. Chắc chắn rằng chúng tôi có lên kế hoạch cho khả năng đó (bắt sống)...

* Vậy là các ông đã tiến hành chiến dịch với niềm tin rằng khả năng dễ xảy ra nhất là “giáp mặt là giết”?

- Trợ lý Brennan: Chúng tôi quan tâm làm sao cho mọi người tham gia thực hiện sứ mệnh này được đảm bảo an toàn. Chúng tôi không thể liều sinh mạng họ được. Bin Laden đã giao chiến và đã bị giết trong giao chiến. Nếu như chúng tôi đã có thể bắt sống y, chúng tôi đã làm như vậy rồi.

Phóng viên Mỹ AP đã nêu “câu hỏi lương tâm” trên với trợ lý Brennan do lẽ: cho dù Bin Laden có là kẻ chủ mưu khủng bố số một thế giới thì cũng không thể “thấy mặt là bắn” được.

Ngay lúc đó một phóng viên khác hỏi để xác định xem êkip Nhà Trắng đã theo dõi chiến sự đến mức nào để có thể khẳng định độ tin cậy vào các công bố của các quan chức này:

* Quý vị nhận báo cáo bằng hình ảnh hay chỉ qua điện đài?

- Trợ lý Brennan: Chúng tôi có khả năng theo dõi tình hình, được đảm bảo nhìn thấy hình ảnh trong thời gian thực suốt diễn biến chiến dịch.

Trả lời của trợ lý Brennan có nghĩa cả êkip Nhà Trắng và tình báo đã nhìn thấy từ đầu đến cuối cuộc đột kích và chạm súng, như các bức ảnh do nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng Pete Souza đã chụp và công bố mà các báo lấy đăng lại.

* Màn 3: Bin Laden không có súng, không có vũ khí

13g57 trưa 3-5 (giờ Mỹ), các phóng viên đã có những thông tin riêng của mình đủ để “quay” thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney:

* Hôm qua tại họp báo, ông Brennan có đưa ra vài thông tin sai... như liệu Bin Laden có hay không có súng? Bộ các ông đang ở trong sương mù của chiến tranh sao?

- Jay Carney: Sự thật là chúng tôi đã được cung cấp một lượng thông tin quá lớn, và chúng tôi vội vã loan tin cho quý vị. Các thông tin thì cứ tới tấp đến... nay đang được duyệt lại, cập nhật hóa... Nay tôi có thể thuật lại rằng Bin Laden và gia đình y bị tìm thấy trên lầu hai và lầu ba của tòa nhà. Ở trong phòng với y có một phụ nữ, vợ Bin Laden. Bà này nhảy đến binh sĩ Mỹ và bị bắn vào đùi chứ không bị giết. Bin Laden bị bắn chết. Y không có vũ trang.

* Làm sao Bin Laden kháng cự được khi không có súng trong tay?

- Để kháng cự đâu cần phải có súng.

* Bin Laden có vũ khí gì khác không?

- Y không có vũ khí.

* Phía sau sân khấu

Ít ai hiểu người Mỹ bằng Israel, đồng minh sinh tử của Mỹ. Trớ trêu là chính một tờ báo đồng minh, tờ Haaretz ngày 3-5, lại đặt tít như huỵch toẹt về cách Nhà Trắng đang xỏ mũi báo chí: “Tấm da đầu của Bin Laden quý hơn bất cứ tờ giấy khai sinh nào”. Số là gần đây, ông Obama đang bị tỉ phú Donald Trump đòi “soi” cho tới tận kỳ cùng tấm giấy khai sinh cấp từ Hawaii cho ông Obama là dỏm hay thật.

Thành ra tờ Haaretz bèn diễn giải cái chết của Bin Laden như thế kèm theo giải thích: “Kết cuộc của Bin Laden đã tháo gỡ đi những nghi kỵ còn lại về lòng nhiệt tình của Obama với quê hương mình cùng những mối quan ngại cho rằng ông nhẹ tay và có cảm tình với Hồi giáo”.

DANH DỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét