23/04/2011 23:29
|
|
Dự luật sẽ được trình Quốc hội vào cuối năm nay có tên gọi nôm na là “Luật chanh”, xuất phát từ chữ “lemon” (chanh) theo nghĩa lóng của người Mỹ chỉ một sản phẩm, đặc biệt là xe hơi, bị lỗi. “Lemon” cũng trở thành một lý thuyết thị trường vào năm 1970, giúp 3 học giả George Akerlof, Michael Spence, và Joseph Stiglitz đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001. Lý thuyết này được hiểu ở mức tận cùng đơn giản, như cách nói của người Việt, là “người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm”. “Luật chanh” vì thế được sinh ra để bảo vệ “người lầm”.
|
Luật này đã áp dụng từ lâu ở các nước phát triển như Mỹ, Anh và Đức. Giám đốc Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Singapore Seah Seng Choon, người từ lâu vận động cho việc ra đời “Luật chanh” ở đảo quốc sư tử, cho hay phiên bản luật của Singapore sẽ tương tự của Anh, và được áp dụng bất chấp sản phẩm còn trong thời hạn bảo hành hay không.
Theo dự luật này, người bán hàng phải trả lại tiền, đổi hàng mới hoặc giảm giá cho sản phẩm bị phát hiện lỗi không sửa chữa được. “Đổi một cái điện thoại di động thì dễ, chứ một chiếc xe hơi thì rất khó”, chủ một salon của hãng Isuzu than với báo Straits Times. “Khó” là bởi ở Singapore muốn mua một xe hơi mới phải đấu giá quyền mua xe (COE).
Tại phiên đấu giá hôm 20.4, COE cho một chiếc xe trên 1,6 lít có giá 56.801 SGD (965 triệu đồng), dưới 1,6 lít là 44.000 SGD! Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh xe hơi Tan Kheng Hwee nói ông đã kiến nghị Cục Giao thông đường bộ (LTA) rằng khi khách hàng yêu cầu đổi xe thì COE và phí đăng kiểm của xe cũ được chuyển sang xe mới, còn nếu khách muốn lấy lại tiền thì LTA phải hoàn các khoản phí trên cho người đã mua xe. Tuy nhiên, điều này cũng nhiêu khê, vì COE thay đổi chóng mặt theo thời gian. Chẳng hạn vào thời điểm khủng hoảng kinh tế cuối năm 2008, COE “rớt” chỉ còn 2 SGD.
“Luật chanh” cũng áp dụng đối với xe hơi cũ, khiến các nhà kinh doanh hàng “second-hand” sắp méo mặt, bởi thứ gì xài lâu chả hao mòn và hỏng hóc! “Phân định lỗi của nhà sản xuất và lỗi khấu hao không phải là chuyện dễ”, chính ông Seah cũng thừa nhận.
Tuy vậy, các nhà sản xuất xe hơi như Toyota, Volkswagen, Audi… tỏ ra rất tự tin và ủng hộ dự luật này. Straits Times trích lời phát ngôn viên Toyota Motor Asia-Pacific, bà Eriko Tsuro nói: “Toyota luôn đứng sau các sản phẩm của nó, bởi vậy không cần có thêm điều kiện bổ sung nào trong quá trình chuẩn bị thực thi luật chanh”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét