Đầu tư Trung Quốc và nỗi ám ảnh của Mỹ

VietNamNet

Ba thập kỷ qua, các quốc gia giàu có đã đầu tư hàng trăm tỉ USD vào Trung Quốc, tạo ra sự bùng nổ kinh tế ấn tượng nhất trong lịch sử. Giờ đây, "thế cờ" dường như đảo ngược khi Trung Quốc sẵn sàng vươn sức mạnh kinh tế ra phạm vi toàn cầu.

Phấn khích bởi thặng dư thương mại khổng lồ cùng với lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc bắt đầu rải tiền đầu tư tới mọi ngóc ngách trên thế giới: từ những mỏ đồng ở châu Phi, các cơ sở quặng sắt ở Australia cho tới cả dự án đá phiến sét khí đốt ở Texas, Mỹ.

10.000 việc làm ở 35 tiểu bang

Chỉ trong vài năm qua, Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD tiền cho vay vào các quốc gia đang phát triển, cùng lúc cho phép các công ty nhà nước mua lại cổ phần của các tập đoàn tầm cỡ thế giới như Rio Tinto, Morgan Stanley và Blackstone Group.

Trung Quốc đang rải tiền đầu tư khắp thế giới. Ảnh: Reuters
Trung Quốc còn đóng vai trò như một chủ nợ lớn trong thị trường nợ toàn cầu. Quốc gia với hơn 1 tỷ dân này nắm giữ khoảng 1.600 tỷ USD trái phiếu của Mỹ, giúp kinh tế Mỹ duy trì mức lãi suất thấp.

Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù "cuộc chơi" của Trung Quốc hiện khá khiêm tốn song tiềm năng rất lớn. Năm ngoái, giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đạt khoảng 59 tỷ USD, ít hơn nhiều so với con số 300 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ.

Theo một nghiên cứu vừa được Hội châu Á (Asia Society) tại New York và Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson ở Washington công bố, đầu tư của Trung Quốc có thể sớm đạt 100-200 tỷ USD/năm, bởi Bắc Kinh đang chủ trương đưa các công ty lớn vươn ra nước ngoài, đầu tư vào các nguồn tài nguyên và năng lượng.

Từ nay tới trước năm 2020, Trung Quốc có thể đầu tư tới 2.000 tỷ USD vào các công ty, nhà máy hoặc tài sản ở nước ngoài. Người ta ước tính số tiền này lớn tới mức đủ để phục hồi tốc độ tăng trưởng cho cả Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên đồng thời cảnh báo rằng thời gian tới, Mỹ có thể mất đi cơ hội thu hút đầu tư từ Trung Quốc do những yếu tố chính trị, cạnh tranh gia tăng giữa hai nước và bởi nhận thức "bám rễ" rằng đầu tư của người Trung Quốc không được chào đón tại Mỹ.

"Nếu sự can thiệp chính trị không được kiềm chế, nhiều lợi ích có được từ sự đầu tư của Trung Quốc như tạo việc làm, trợ cấp tiêu dùng, cải thiện cơ sở hạ tầng... tại Mỹ có thể chuyển hướng sang các đối thủ cạnh tranh với Mỹ" - nghiên cứu nhấn mạnh.

Thực tế các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc đã triển khai hoạt động và tạo ra khoảng 10.000 công ăn việc làm ở ít nhất 35 trên tổng số 50 tiểu bang của nước Mỹ, giúp thúc đẩy ngành dịch vụ và chế tạo tại đây.

Đón làn sóng đầu tư

Trong lúc các ngân hàng Phố Wall vận động hậu trường để thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc, Washington vẫn thận trọng, thậm chí cả khi chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố hoan nghênh đồng tiền Trung Quốc.

Kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nếu còn e ngại đầu tư từ Trung Quốc. Ảnh: World News
Một số nhà quan sát cho rằng nhiều quan chức ở Washington và tại các tiểu bang của Mỹ vẫn có tâm lý "chống Trung Quốc". Một trong những lo ngại phổ biến của họ là việc các công ty Trung Quốc, phần nhiều do chính phủ Trung Quốc kiểm soát và bảo trợ, có thể giành được lợi thế cạnh tranh một cách thiếu công bằng, qua đó tiếp cận với các công nghệ quân sự nhạy cảm hoặc kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mỹ.

Ngoài ra, các công ty Trung Quốc có thể sẽ mua lại các công ty Mỹ, sau đó đóng cửa các nhà máy chế tạo tại Mỹ và đưa quy trình sản xuất về Trung Quốc.

Chính vì vậy, không ít chính trị gia Mỹ tìm cách ngăn cản các thỏa thuận, hợp đồng kinh doanh của Trung Quốc tại Mỹ. Năm 2005, Cnooc - tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc - đã phải từ bỏ ý định mua lại hãng dầu lớn thứ 9 của Mỹ Unocal sau khi Quốc hội Mỹ điều tra về vấn đề này.

Mấy năm gần đây, tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc cũng thường mất hợp đồng tại Mỹ do phía Mỹ lo ngại an ninh quốc gia bị xâm hại.

Mới đây, Anshan Iron & Steel Group - công ty Trung Quốc có ý định xây dựng nhà máy thép ở Mississippi - vấp phải sự phản đối mạnh tại bang này bởi những lo ngại rằng dự án sẽ khiến nhiều việc làm địa phương mất đi và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Tức giận trước "chủ nghĩa bảo hộ núp dưới lý do an ninh quốc gia" của Mỹ, Bắc Kinh không ngại phàn nàn với Washington. Daniel H.Rosen - đồng tác giả với Thilo Hanemann trong nghiên cứu của Hội châu Á - cảnh báo rằng Trung Quốc có thể trả đũa các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở nước này và không tích cực thúc đẩy các cải cách nhằm mở cửa hơn thị trường tài chính, kinh doanh.

Để hưởng lợi, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đón "làn sóng" đầu tư của Trung Quốc tràn vào nước này. Bên cạnh đó, Washington phải gửi một thông điệp rõ ràng rằng đầu tư của Trung Quốc được chào đón ở Mỹ, ngăn chặn sự can thiệp chính trị và hợp tác với Bắc Kinh để làm rõ tính minh bạch của các công ty Trung Quốc khi đầu tư ra nước ngoài.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính Mỹ đã dự tính đưa chủ đề đầu tư của Trung Quốc vào chương trình nghị sự của Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc, dự kiến diễn ra tuần tới ở Washington.

H.Giang (Theo The New York Times, WSJ)

VietNamNet

Caribbea thiếu hàng hóa, cũng phải là một nhà sản xuất nguyên liệu thô chủ chốt và sức mua của khu vực tương đối nhỏ. Nhưng Trung Quốc lại đang đầu tư cả tỉ đôla vào đây.

Không ai biết rõ động cơ

Kể từ khi quốc đảo nhỏ bé Grenada thuộc Caribbea không còn quan hệ với Đài Loan năm 2005, họ đã nhận được "lòng cảm kích" xứng đáng từ chính phủ Trung Quốc: một sân vận động cricket trị giá 55 triệu USD.

Một điểm tham quan tại khu nghỉ dưỡng ở Nassau, Bahamas. Ảnh: Getty Images
Đó chỉ là một phần nằm trong số 132 triệu USD mà Trung Quốc đổ vào các quốc gia Caribbea bằng các khoản viện trợ và cho vay ưu đãi trong những năm trước khi diễn ra Cúp cricket thế giới 2007.

Khi ấy, số tiền này được coi không phải là quá lớn.

Còn giờ đây, chính phủ Bắc Kinh và các tập đoàn tư nhân Trung Quốc đang chi nhiều tỉ USD vào Caribbean, triển khai các dự án du lịch lớn, tài trợ làm đường sá, cầu cảng và mua lại các công ty - tất cả nhằm mở ra thị trường mới cho hàng hóa Trung Quốc.

Các chính phủ Caribbea thiếu tiền mặt vừa hoan nghênh Trung Quốc như một ân nhân lại vừa hoài nghi về những gì mà nước này muốn trao đổi lại. "Gần như mọi hòn đảo ở Caribbea, từ nhỏ nhất tới lớn, gần đây đều có sự đầu tư lớn từ Trung Quốc", David Jessop, giám đốc quản lý Hội đồng Caribbea, một tổ chức tư vấn tại London làm việc với các chính phủ Caribbea, cho biết. "Và hầu như không có ai biết rõ động cơ của Trung Quốc".

Tổng số tiền đầu tư rất khó xác định. Bộ Thương mại Trung Quốc báo cáo, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Caribbea của các tập đoàn Trung Quốc đạt gần 7 tỉ USD năm 2009. Con số này dường như chưa chính xác vì Trung Quốc coi vùng Caribbea như thiên đường thuế khóa. Chỉ riêng quần đảo Cayman đã nhận được khoảng 5,3 tỉ USD tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc trong năm 2009. "Trung Quốc muốn gì từ chúng tôi?"

Rõ ràng, các quốc đảo vùng Caribbea đã nhận được đầu tư lớn của cả những tập đoàn và chính phủ Trung Quốc - nước tài trợ cho các dự án điển hình nhất, lớn nhất của họ. Đơn cử là Ngân hàng Xuất nhập khẩu của chính phủ Trung Quốc trong tháng trước đã chi 2,4 tỉ USD cho việc xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Bahamas, nơi sẽ có sòng bạc lớn nhất vùng Caribbea. Gần 5.000 công nhân Trung Quốc sẽ tham gia xây dựng khu nghỉ dưỡng Baha Mar ở Cable Beach.

Những dự án khác gần đây được nhất trí thực hiện hay hoàn tất bởi các tập đoàn và chính phủ Trung Quốc bao gồm:

- Cam kết năm 2011 của Bắc Kinh để xây dựng cảng nước sâu trị giá 600 triệu USD, đường quốc lộ và cảng ở Suriname sẽ kết nối nước này tới quốc gia láng giềng phía nam giàu tài nguyên tự nhiên là Brazil.

- Khoản tiền 462 triệu USD cho khu nghỉ dưỡng ven biển Punta Perla, ở bờ biển phía đông Cộng hòa Dominica. Bộ trưởng Du lịch nước này, Francisco Javier García Fernandez cho hay, ông hy vọng sẽ thỏa thuận để có thêm tiền đầu tư nhiều hơn từ phía Trung Quốc.

- Xây dựng cảng container 1 tỉ USD ở Freeport thuộc Bahamas, cách Florida chưa đầy 100km của Tập đoàn Hutchison Whampoa Ltd, Hong Kong.

- 100 triệu USD để có mua phần lớn cổ phần tại mỏ bô-xít Omai từ chính phủ Guyana của công ty khai mỏ Trung Quốc Bosai Minerals Group.

- Dự án xây dựng nơi ở của Thủ tướng Trinidad & Tobago và Học viện biểu diễn nghệ thuật quốc gia của công ty Xây dựng Thượng Hải.

Số lượng và độ lớn của các khoản đầu tư đã dẫn tới ít nhiều nghi ngại.

Trong bữa tối gần đây giữa các nhà lãnh đạo Caribbea và một đoàn đại biểu Trung Quốc, các quan chức Jamaica hỏi: "Trung Quốc muốn gì từ chúng tôi?". Một người tham dự bữa tối ấy kể đã nói rằng: "Có một câu hỏi lớn mà tất cả mọi người đều quan tâm, đó là: Tại sao?".

Thái An (Theo globalpost)


VietNamNet

Thận trọng trước việc Trung Quốc tăng cường các cơ sở hạ tầng dọc biên giới, Ấn Độ đã lặng lẽ xây dựng bãi đáp hiện đại cho máy bay vận chuyển của lực lượng không quân tại Dharasu ở Uttarakhand để hỗ trợ vận chuyển quân đội nhanh chóng trong trường hợp xảy ra xung đột.

Bãi đáp máy bay xây dựng tại khu vực đồi núi Uttarkashi ở độ cao hơn 800 mét so với mặt biển, giáp Trung Quốc, đã đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2010 mà không cần phô trương, với sự hạ cánh của một máy bay vận chuyển tầm trung AN-32 của Không quân Ấn Độ (IAF).

Ảnh minh họa: wordpress
Thông tin này được đưa ra trong số mới nhất của 'The Blue Glory', một tạp chí quý của ngành hàng không.

Dharasu là một “thách thức chuyên môn” trong nhiều năm với IAF và “cuộc thử nghiệm hạ cánh” của máy bay AN-32 đã được phi đội 12 của IAF thực hiện. "Bãi đáp nằm trong khu vực đồi núi nên hạn chế việc tiếp cận. Nó nằm ở độ cao hơn 800 mét so với mặt biển và chiều dài có thể sử dụng được cho việc hạ cánh là hơn 1.000 m”, tạp chí cho biết.

Tuy nhiên, quan chức quân sự liên quan khi được hỏi về thông tin chi tiết bãi đáp đã từ chối bình luận với lý do quân sự.

Việc mở cửa cho hoạt động hàng không của Dharasu xuất hiện hai năm sau khi Ấn Độ bắt đầu ý thức nâng cấp và triển khai các bãi đáp máy bay dọc theo đường biên giới Trung - Ấn dài 4.057km.

Ngoài việc huy động cho mục đích quân sự, các bãi đáp máy bay được nâng cấp sẽ đảm bảo cho vận chuyển dân thường và hàng hóa không bị gián đoạn khi giao thông đường bộ bị ảnh hưởng vì thời tiết khắc nghiệt mùa đông.

Daulat Beg Oldi nằm ở ngã ba của Jammu, Kashmir và Aksai Chin, có bãi đáp hiện đại đầu tiên được triển khai. Một đường băng ở phía bắc Ladakh với độ cao gần 5.000 mét so với mặt biển và cách khu vực biên giới Trung - Ấn khoảng 9km đã đi vào phục vụ các loại máy bay AN-32 kể từ 31/5/2008.

Chỉ sáu tháng sau đó, IAF đã mở cửa bãi đáp Fukche - một đường băng cũ bị bỏ quên sau cuộc chiến năm 1962 ở độ cao hơn 4.000 mét so với mặt biển và cách biên giới hai nước chỉ khoảng 3km ở phần đông nam Ladakh - vào tháng 11/2008 để phục vụ cho máy bay AN-32.

Ngày 18/9/2009, Không quân Ấn Độ lần đầu tiên đã thực hiện đổ bộ tại Nyoma ở phía đông nam Ladakh, cách biên giới Trung - Ấn 23km. Nyoma thường được sử dụng như một căn cứ trực thăng của IAF trước khi AN-32 có mặt tại đây.

Sau khi phục hồi hoạt động các đường băng ở khu vực miền tây và trung dọc biên giới Trung - Ấn, IAF cũng đang nỗ lực nâng cấp các bãi đáp máy bay ở phía đông vùng biên giới như Pasighat, Mechuka, Walong, Tuting, Ziro và Vijaynagar…

Vài năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một số căn cứ không quân ở khu vực Tây Tạng, gần biên giới với Ấn Độ, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt nối tới khu vực này, cho phép điều động nhanh chóng quân đội.

Ấn Độ đã phản ứng trước việc Trung Quốc tăng cường quân sự bằng cách củng cố hệ thống đường bộ và cơ sở hạ tầng không quân ở khu vực biên giới, đồng thời triển khai các máy bay chiến đấu tại những căn cứ tiền tiêu gần biên giới, tăng cường hai đơn vị mới cho vùng núi đông bắc.

  • Thái An (Theo ibnlive)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét