Toan tính của Trung Quốc và Đài Loan về dầu khí Biển Đông

VietNamNet
Đài Loan đòi chủ quyền, khai thác dầu khí; Trung Quốc kêu gọi đột phá mới trong khai thác dầu khí ở vùng sâu Biển Đông.

Sau vụ va chạm giữa hai tàu tuần tra Trung Quốc với tàu thăm dò dầu khí Philippines ngày 2/3, Manila tỏ thái độ cứng rắn hơn trước các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông. Philippines cảm thấy cần phải gia tăng sự hiện diện tại vùng quần đảo Trường Sa, trong bối cảnh họ bắt đầu bị Trung Quốc chèn ép trở lại cho dù đã cố tránh làm phật ý Bắc Kinh.


Các vùng trầm tích dầu khí và các lô khai thác dầu khí tại Biển Đông

Mạng sunstar của Philippines cho biết, ông Juan Ponce EnLilai, Chủ tịch Thượng nghị viện Philippines, người từng giữ chức Bộ trưởng quốc phòng, ngày 17/4 một lần nữa kêu gọi tăng cường trang bị mới hơn nữa cho quân đội nước này, nhằm bảo vệ “lãnh thổ quốc gia” trong đó có quần đảo Trường Sa. Tin cho hay, Philippines không hài lòng về chủ trương của Trung Quốc đối với Nam Hải, đã nêu kháng nghị chính thức về tấm bản đồ Bắc Kinh trình lên Liên hợp quốc năm 2009. Trong trả lời phỏng vấn đài DZBB của Philippines, ông Juan nói rằng phản đối ngoại giao dường như không có ý nghĩa, cho rằng “trong so sánh lực lượng giữa quốc gia với quốc gia, xét cho cùng là vấn đề thực lực”, “súng và dao của ai nhiều hơn, đó là người chiến thắng”. Đồng thời cho biết thêm, lãnh đạo Philippines cần phải thảo luận về vấn đề tăng cường lực lượng quân sự của Philippines.

Đến lượt Đài Loan lên tiếng đòi chủ quyền

Mạng Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin, sau khi Manila gửi lên Liên hợp quốc công hàm phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Trung Quốc bác bỏ lập trường của Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Dương Tiến Thiêm ngày 18/4 lại bày tỏ, Đài Loan có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Ông Dương nói rằng, quần đảo Trường Sa xét từ góc độ lịch sử lẫn luật pháp quốc tế đều thuộc lãnh thổ cố hữu của Đài Loan và Đài Loan mong muốn cùng với các nước khác tiến hành khai thác chung, cùng hưởng tài nguyên. Đài Loan hy vọng các nước liên quan cần giải quyết tranh chấp hòa bình, có lý trí và theo quy định cũng như tinh thần của luật pháp quốc tế. Ông Dương tuyên bố rằng, là bên có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Đài Loan mong muốn cùng các nước giải quyết hòa bình, cùng khai thác và cùng hưởng tài nguyên. Bộ Ngoại giao Đài Loan nhận thấy tình hình tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia liên quan về những đảo và vùng biển quanh những đảo đó tại khu vực Biển Đông đang gia tăng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định Đài Loan có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Trung sa, Đông Sa, vùng biển phụ cận và thềm lục điạ; kêu gọi những quốc gia có biên giới với những khu đảo đó gác tranh chấp và tìm kiếm một giải pháp hợp lý và hoà bình.

Việc tại sao Đài Loan lại lên tiếng vào thời điểm này, giới quan sát đã nêu 2 yếu tố. Trước hết là sự kiện Philippines đã chính thức gửi công hàm lên LHQ, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ hai, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và ông Quách Bá Hùng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tuần trước, đã tiếp xúc tại Hà Nội, đồng ý hợp tác với nhau một cách chặt chẽ hơn để “tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản” nhằm giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông.

Đài Loan phải lên tiếng nếu không muốn bị gạt ra bên lề các đàm phán liên quan đến Biển Đông. Nhiều học giả Đài Loan cho rằng chính quyền Mã Anh Cửu không dám lên tiếng về Biển Đông vì sợ gây trở ngại cho tiến trình cải thiện quan hệ đang rõ nét với Trung Quốc.

Bắc Kinh: Cần có đột phá mới khai thác dầu khí Biển Đông


Mạng Sina.com.cn ngày 15/4 đăng bài về lợi ích dầu khí Biển Đông: Biển Đông được mệnh danh là “vịnh Péc-xích thứ hai”. Theo thống kê của Cục Tình báo năng lượng Bộ Năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng dầu thô ở khu vực Biển Đông khoảng 7 tỷ thùng, sản lượng khai thác hàng ngày 2,5 triệu thùng. Điều tra của Cục thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho thấy, trữ lượng khí thiên nhiên ở khu vực Biển Đông khoảng gấp đôi trữ lượng dầu thô.

Căn cứ chủ trương chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông như Trung Quốc tuyên bố thì phần lớn dầu khí ở khu vực này phải thuộc về Trung Quốc(?!). Tuy nhiên 5 nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei đã hợp tác với các công ty dầu khí của Phương Tây khai thác từ 20-30 năm nay. Báo cáo của một công ty dầu khí lớn của phương Tây cho biết, các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei đã hợp tác với hơn 200 công ty của phương Tây khoan 1.380 giếng dầu ở Biển Đông, sản lượng năm đạt 50 triệu tấn dầu thô.

Mạng tin nêu rõ, mặc dù Trung Quốc nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển phụ cận, nhưng so với Việt Nam và Philippines, những gì Trung Quốc làm được rất ít. Các doanh nghiệp Trung Quốc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông hiện nay dường như mới chỉ có Tổng Công ty dầu khí hải dương (CNOOC), nhưng chủ yếu là ở vùng biển nông vịnh Bắc Bộ và cửa sông Chu Giang. Mặc dù Tập đoàn dầu và khí thiên nhiên Trung Quốc (CNPC) và Công ty hoá dầu Trung Quốc (Sinopec) những năm gần đây đã tuyên bố tiến quân vào lĩnh vực dầu khí hải dương, nhưng đến nay chưa có hoạt động gì ở Biển Đông.

Theo con số thống kê của các cơ quan Trung Quốc, vùng Biển Đông có hơn 200 cấu tạo dầu khí, khoảng 180 mỏ dầu khí. Chỉ tính bồn địa Tăng Mẫu, bồn địa Sabah, bồn địa Vạn An (Tư Chính) đã có trữ lượng gần 20 tỷ tấn dầu thô, là một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất trên thế giới chưa được khai thác, trong đó hơn 1 nửa nằm trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc (?). Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông đều không bằng bất cứ 5 nước nào nêu trên. Các lô dầu khí ở Biển Đông rất ít được mở thầu, mặt khác kỹ thuật khai thác dầu khí biển sâu của Trung Quốc còn hạn chế, phần lớn vẫn phải hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài.

Kinh tế biển, bao gồm dầu khí hải dương, đã được đưa vào “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” của Trung Quốc, trong đó Biển Đông được liệt vào 1 trong 10 khu vực dầu khí chiến lược quốc gia. Năm 2010, CNOOC công bố sẽ đầu tư 200 tỷ NDT trong vòng 20 năm tới để đẩy mạnh khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, xây dựng “mỏ Đại Khánh” ở Biển Đông (khai thác 50 triệu tấn dầu/năm). Hiện nay, CNOOC đã hợp tác với 51 công ty của 14 nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Italia, ký kết hơn 70 hợp đồng và thoả thuận thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông, thu hút hơn 7 tỷ USD vốn đầu tư.

Một quan chức của Bộ Đất đai Trung Quốc cho biết, Chính phủ Trung Quốc không có văn bản nào và cũng không có quy định nào chỉ cho phép CNOOC khai thác dầu khí ở Biển Đông, do đó sắp tới Sinopec và CNPC cũng sẽ được thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Năm 2009, Phó Tổng giám đốc của Sinopec đã từng kiến nghị, Trung Quốc cần ủng hộ mạnh mẽ về chính sách và vốn để khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, bảo vệ quyền lợi tài nguyên biển của Trung Quốc. Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược tài nguyên dầu khí thuộc Bộ Tài nguyên đất đai Trung Quốc kiến nghị, cần có đột phá mới trong khai thác dầu khí ở Biển Đông, đó là chìa khoá hoá giải cục diện khó khăn về dầu khí của Trung Quốc hiện nay.

  • Nguồn: Toquoc.vn
VietNamNet

- Đọc bản dịch tiếng Trung một phần tài liệu nghiên cứu của TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã về Biển Đông trong phụ lục tham khảo đề tài khóa luận của cô sinh viên người Việt tại Đài Loan, vị giáo sư người Hoa phải thốt lên: Tôi không ngờ sự thực lịch sử lại như vậy!

Đáng tiếc, đó lại là phút hạnh phúc không thường gặp, bởi đây là tài liệu hiếm hoi được chuyển ngữ.

Không ít công trình nghiên cứu công phu của Việt Nam đành chỉ dành cho người Việt, bởi không có kinh phí và nhân lực chuyển tải sang tiếng Anh, tiếng Pháp, hay tiếng Trung.

Lại nữa, dày công nghiên cứu để có một công trình khoa học về Biển Đông được giải thưởng quốc tế, được giới khoa học nước ngoài trích dẫn, thế nhưng đứa con tinh thần của TS Nguyễn Hồng Thao sau thời gian dài vẫn chưa được cho chào đời tại Việt Nam.


Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và TS Nguyễn Nhã trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Phương Loan

Bản thảo đề tài nghiên cứu bằng tiếng Pháp của ông sau nhiều năm dịch sang tiếng Việt vẫn đợi một nhà xuất bản đủ dũng cảm dám in.

Có tài liệu quý mà không biết để xài là niềm trăn trở của nhiều học giả tại hội thảo quốc gia lần 2 về vấn đề Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 26/4.

“Chúng ta đã có website về nghiên cứu Biển Đông (nghiencuubiendong.vn) thế nhưng chưa có một tài liệu nào được dịch ra tiếng Trung để đưa lên, bởi nhân sự mỏng quá, làm không nổi”, một thành viên của chương trình nghiên cứu Biển Đông chia sẻ.

Vấn đề chủ quyền lãnh thổ, theo các học giả, không thể nói chay mà được.

“Nếu xem dư luận về vấn đề Biển Đông là một tờ giấy, thì lâu nay, chúng ta đã để mặc tờ giấy trắng cho nước khác thích vẽ gì thì vẽ. Dư luận thế giới vì thế một chiều, thiếu khách quan và bất lợi cho Việt Nam”, một học giả nói.

Tình hình khu vực, quốc tế và vấn đề Biển Đông đang thay đổi cực kì mau lẹ, mà Việt Nam vẫn “còn ngổn ngang trăm mối”, từ chuyện bản đồ, hệ thống tư liệu, chứng cứ lịch sử, căn cứ pháp lý đến vấn đề con người…

Nhiều bước chuyển

Hai năm sau hội thảo mở đầu tiên về vấn đề Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội, ngày 26/4, gần 80 học giả Việt Nam đã cùng ngồi lại, thảo luận về tình hình Biển Đông, đánh giá những bước chuyển trong cục diện và điều chỉnh quan điểm của các bên và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Đã bớt những dè dặt, nghi ngại khi thảo luận về vấn đề Biển Đông của 2 năm trước, các học giả đã cởi mở và thẳng thắn mổ xẻ những chuyển biến nhanh chóng của tình hình Biển Đông.


Tàu chuẩn bị vào đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Chu Thanh Vân

Những diễn biến đặc biệt mau lẹ với một loạt động thái của các bên tuyên bố chủ quyền cũng như các quốc gia có lợi ích liên quan ở Biển Đông: sự kiện tàu Impeccable, việc Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa, Trung Quốc lần đầu tiên công khai yêu sách đường lưỡi bò, Indonesia gửi công hàm phản đối, ARF 17 với việc 14/27 nước phát biểu về Biển Đông... và mới đây nhất là việc tàu Trung Quốc xua đuổi tàu thăm dò của Philippines dẫn tới việc Philippines gửi công hàm phản đối…

Vấn đề Biển Đông từ chỗ chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế. Không cần quốc tế hóa, bản thân vấn đề Biển Đông đã tự nó quốc tế hóa. Thế giới ngày càng quan tâm đến việc gìn giữ an ninh, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông và khu vực. Các nước lớn đã có nhiều điều chỉnh trong chính sách Biển Đông, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Không chỉ loanh quanh trên bàn thảo luận của của ASEAN hay ASEAN với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông nay được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương quốc tế, thậm chí trở thành đề tài ở Liên hiệp quốc.

Ở bình diện ASEAN, vấn đề Biển Đông cũng thay đổi, trở thành vấn đề khá nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sang Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trong khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán thì các nước ASEAN cũng ngày càng tự tin, có lập trường ngày một rõ ràng về hoạt động của các bên liên quan trên Biển Đông và các vấn đề ở Biển Đông.

Hơn nữa, lập trường của Trung Quốc cũng đã có nhiều thay đổi. Thay vì né tránh viện dẫn Công ước về Luật biển 1982 như trước kia, nay dường như Trung Quốc có xu hướng sử dụng Công ước về Luật biển nhiều hơn. Các hành vi ngoại giao cũng như hành vi trên thực địa của Trung Quốc cũng có những thay đổi.

Ngay quá trình đàm phán về vấn đề Biển Đông cũng bắt đầu có nhiều chuyển biến khi các nước bắt đầu đàm phán trực tiếp về COC, sau thời gian dài trì trệ, 10 năm với chỉ 5 cuộc họp về DOC và không thúc đẩy được gì nhiều.

Công khai và thực chất hơn

Hai năm qua, theo các học giả, Việt Nam cũng đã có chuyển biến quan trọng trong tư duy, chính sách và các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ ổn định tình hình Biển Đông.

Một học giả dẫn lời TS. Ian Storey từ Viện Nghiên cứu ĐNA của Singapore, cho rằng, chính sách Biển Đông của Việt Nam hơn 2 năm qua là tổ hợp các hướng: đàm phán song phương với Trung Quốc, khu vực hóa thông qua thúc đẩy ASEAN trong vấn đề DOC và Biển Đông, quốc tế hóa vấn đề bao gồm tạo đan xen lợi ích quốc tế, nộp báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa và tổ chức hội thảo khoa học quốc tế và hiện đại hóa quân đội nhằm hỗ trợ cho ngoại giao.

Với các học giả tham dự hội thảo, tuy chưa thể định danh cụ thể bước chuyển đó ra sao, nhưng là người trong cuộc, họ đều cảm nhận được rõ ràng những thay đổi ấy.


Ảnh: Chu Thanh Vân

Chỉ xét riêng trong giới học thuật, hai năm qua, các ý kiến cực đoan về Biển Đông không còn nữa. Số bài viết về Biển Đông tăng lên gấp bội. Số người nói công khai về những vấn đề xảy ra ở Biển Đông cũng tăng lên nhiều lần.

Khuyến nghị 4 hóa: Xã hội hóa, Công khai hóa, Quốc tế hóa và Phi nhạy cảm hóa được đưa ra từ Hội thảo về Biển Đông 2 năm trước đang đi vào thực tế, dù vẫn có những phàn nàn về việc thiếu thông tin, mập mờ giữa mật hay không mật.

Nếu như trước năm 2008, hàng năm ở khu vực ĐNA chỉ có Hội thảo kiểm soát xung đột ở Biển Đông tại Indonesia và một số ít hội thảo nhưng chỉ bàn về hợp tác, thì nay, số hội thảo về Biển Đông tăng nhanh. Không chỉ Việt Nam, trong năm 2010, các nước Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore đều tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông.

Không chỉ mang tính thăm dò, các hội thảo đã đi vào bàn nội dung thực chất của vấn đề Biển Đông, nhìn từ nhiều khía cạnh, cả lịch sử, pháp lý, quan hệ quốc tế và các khía cạnh khác.

Dũng cảm tăng tốc

Tạm ghi nhận những nỗ lực thời gian qua, các học giả cho rằng đến lúc Việt Nam phải dũng cảm tăng tốc trong công tác nghiên cứu cũng như triển khai liên quan đến Biển Đông.

Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, trong thời gian ngắn, nước bạn đã có thêm 36 luận án tiến sĩ liên quan đến Biển Đông, trong đó 20 luận án được làm tại nước ngoài.

Hiện Trung Quốc cũng đã có một chuyên gia luật quốc tế đang là thẩm phán trong Tòa án Công lý Quốc tế, một chuyên gia hàng hải thuộc nhóm 21 thẩm phán tại tòa án quốc tế về luật Biển, một chuyên gia khác là thành viên của UB về ranh giới thềm lục địa. Trung Quốc còn tham gia ba tổ chức khu vực được thiết lập nhằm bảo vệ môi trường biển tại các vùng biển chung ở Đông Á. Trung Quốc còn là thành viên của UB nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương.

Không tăng tốc, chúng ta sẽ khó bắt nhịp với bước chuyển của thực tế đang diễn ra đặc biệt mau lẹ, một học giả lưu ý. Phải nghiên cứu cho sâu, đào cho kĩ tài liệu, mài cho sắc lập luận… Việc nghiên cứu hiện nay mới chỉ như muối bỏ bể.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, đi đôi với việc tiếp tục sưu tầm, hoàn chỉnh các tài liệu gốc, Việt Nam cần dịch tài liệu sang các thứ tiếng và quảng bá rộng rãi các tài liệu, cùng với đó là phải chỉnh sửa và bổ sung các thông tin chưa chính xác hay còn thiếu.

Song song với việc củng cố lập luận của Việt Nam, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý của các nước liên quan trong tranh chấp cũng quan trọng và có vai trò tương đương. Do vậy, cần phải rà soát lịch sử, các tư liệu, bản đồ của các nước có liên quan một cách hệ thống, khoa học và khách quan.

Và quan trọng hơn, các sản phẩm nghiên cứu phải được công khai cho dư luận thế giới.

Nói như TS Nguyễn Nhã, để bảo vệ chủ quyền, ông và mỗi người Việt Nam “phải có cho mình một kế hoạch nhỏ”.

Có lẽ, phải nói thêm, các kế hoạch nhỏ ấy phải có sự liên kết, kết nối với nhau, trong một sự phân vai trên cơ sở thống nhất về hướng đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét