'Người thừa kế' số 1 của Bin Laden

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :7:41 PM, 02/05/2011
Anwar al-Awlaki, đồng thời là một học giả Hồi giáo ở Yemen được truyền thông phương Tây giới thiệu là một trùm khủng bố toàn cầu.

Kỳ 1: "Trùm khủng bố" sinh ra trong lòng nước Mỹ

CIA đã phải dùng đến cụm từ “kẻ thù nguy hiểm nhất với nước Mỹ hiện nay” khi nhắc đến Anwar al-Awlaki.

Người cha danh giá

Anwar al-Awlaki là người Mỹ gốc Yemen, sinh ngày 22/04/1971 tại Las Cruces, New Mexico, trong một gia đình tri thức.

Cha Anwar al-Awlaki, Nasser al-Awlaki, là một nghiên cứu sinh Yemen đến Mỹ do đạt được học bổng Fulbright. Năm 1971, ông Nasser bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ tại ĐH New Mexico.

Bốn năm sau, ông được cấp bằng Tiến sỹ của ĐH Nebraska và tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở ĐH Minnesota cho tới năm 1977.

Đến năm 1978, ông đưa cả gia đình trở về quê hương Yemen. Năm ấy, Anwar al-Awlaki đã được 7 tuổi.

Ông Nasser al-Awlaki, cha đẻ của trùm khủng bố Anwar al-Awlaki, trong một cuộc phỏng vấn do đài CNN thực hiện vào tháng 02/2010. Ảnh: CNN.

Sau khi trở về quê hương, ông Nasser tham gia giảng dạy ở ĐH Sana'a. Đây là một trong những ngôi trường lớn nhất Yemen, được thành lập vào năm 1970 ở thủ đô Sana'a.

Hiện tại, ĐH Sana’a có tới 14.000 sinh viên, có nhiều phần tử cực đoan theo học ở đây như John Walker Lindh, có biệt danh “American Taliban”.

Ở quê nhà, ông Nasser thăng tiến rất nhanh và trở thành hiệu trưởng của ĐH Sana’a vào năm 2001. Ông còn nắm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trong 2 năm, và là cố vấn kinh tế cho Tổng thống Yemen trong 4 năm.

"Trùm khủng bố" sinh trưởng ở Mỹ

Sinh ra ở Mỹ, sống ở đó tới năm 7 tuổi và có giọng Mỹ rất đặc trưng nhưng điều làm al-Awlaki tự hào lại là dòng máu Yemen chảy trong huyết quản. Trở về quê hương vào năm 1978, thời niên thiếu của al-Awlaki gắn liền với những bài giảng của kinh Koran và giáo lý đạo Hồi.

Có xuất thân danh giá nên al-Awlaki không phải quan tâm tới việc mưu toan cho cuộc sống như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa. Anwar al-Awlaki theo học trường Azal Modern và hưởng thụ những chế độ đãi ngộ giáo dục tốt nhất.

Trong thời gian này, al-Awlaki dành nhiều thời gian để nghiên cứu về đạo Hồi. Năm 1991, al-Awlaki ta trở lại Mỹ để theo học chương trình kỹ sư xây dựng tại ĐH Colorado, bằng học bổng của Chính phủ Yemen và sử dụng visa dành cho sinh viên nước ngoài (dù có quốc tịch kép: Yemen và Mỹ).

Nếu sử dụng quốc tịch Mỹ khi đăng ký các chương trình giáo dục tại đây thì al-Awlaki sẽ được hưởng những chính sách đãi ngộ tốt hơn nhưng al-Awlaki ta kiên quyết không sử dụng ưu thế này.

Các nhà phân tích suy diện hành động này cho thấy al-Awlaki ý thức rất rõ về gốc gác Yemen, đạo Hồi của mình và có ý bài Mỹ.

Sinh ra ở nước Mỹ nhưng Anwar al-Awlaki luôn tự hào về gốc gác Yemen của mình. Ảnh: Telegraph.

Ban đầu, al-Awlaki miễn cưỡng theo học ở nước Mỹ chỉ để làm vừa ý cha mình, nhưng chính chuyến trở lại nước Mỹ này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của al-Awlaki sau này.

Trong thời gian học đại học, bằng tài hùng biện và sức thu hút mạnh mẽ, al-Awlaki nhanh chóng dành được sự tín nhiệm từ nhiều sinh viên đến từ thế giới Hồi giáo học tại Mỹ. Thậm chí, al-Awlaki được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo (MSA) ở Mỹ.

Anwar al-Awlaki và những lãnh đạo của MSA luôn tránh đụng chạm đến các vấn đề chính trị, thay vào đó họ quan tâm nhiều hơn đến việc thay đổi hình ảnh tiêu cực của thế giới Hồi giáo trong mắt người Mỹ.

Tuy nhiên, trên cương vị chủ tịch MSA, al-Awlaki đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều thành phần cực đoan và những tư tưởng cực đoan dần định hình trong suy nghĩ của ông ta.

Mùa hè năm 1993, al-Awlaki đã tới Afghanistan và tham gia một khóa đào tạo với các thành viên lực lượng “thánh chiến” Mujahedin, những người từng chiến đấu với quân đội Liên Xô trong giai đoạn 1979-1988.

Chính thời gian này, ngay trong lòng nước Mỹ, một con người đang cố gắng kết nối thế giới Hồi giáo với phương Tây lại được "vun đắp" tư tưởng cực đoan, được "nhào nặn" trở thành "trùm khủng bố", người "kế tục" Binladen, theo cách gọi của phương Tây. Chính Anwar al-Awlaki luôn tự hào mỗi khi nhắc khoảng thời gian này trong cuộc đời mình.

(Còn tiếp)

Hoàng Nguyên (theo New York Times, USA Today, BBC)


BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :7:24 AM, 04/05/2011
Với cách nói chuyện có sức truyền đạt và thông thạo tiếng Anh, Anwar al-Awlaki đã thu hút được rất nhiều thành phần khủng bố cấp tiến.

Kỳ 2: Osama bin Laden trên internet

Kẻ núp bóng trong vụ khủng bố 11/9

Năm 1996, Anwar al-Awlaki trở thành thầy tế ở nhà thờ Hồi giáo Masjid Ar-Ribat al-Islami tại thành phố San Diego. Trong 4 năm làm việc ở đây, al-Awlaki đã có gặp gỡ với Khalid al-Midhar và Nawaf al-Hazmi, 2 tên không tặc trong vụ khủng bố 11/9.

Trong giai đoạn này, al-Awlaki cũng bắt đầu bị FBI để ý đến do nghi ngờ một tổ chức từ thiện màal-Awlaki làm phó chủ tịch có hoạt động “cung cấp tài chính cho các lực lượng khủng bố”. al-Awlaki còn bị tình nghi là có tiếp xúc với Ziyad Khaleel, một thành viên khác của al-Qaeda và Sheikh Omar Abdel Rahman, kẻ từng dính líu tới vụ đánh bom nổi tiếng ở New York. Tuy nhiên, al-Awlaki vẫn bình an vô sự do FBI không có chứng cứ rõ ràng.

Đầu năm 2001, al-Awlaki chuyển tới nhà thờ Hồi giáo Dar al-Hijrah ở Falls Church, Virginia. Tại đây, al-Awlaki đã gặp tên không tặc thứ ba, Hani Hanjour.

Anwar al-Awlaki được cho là một trong những kẻ đứng sau vụ khủng bố 11/9. Ảnh: AFP

Sau vụ khủng bố 11/9, al-Awlaki đã bị cơ quan điều tra đặc biệt của Mỹ thẩm vấn 4 lần vì bị tình nghi đứng sau cuộc tấn công này, đồng thơi đưa ra những cứ về việc ông ta từng tiếp xúc với 3 tên không tặc Khalid al-Midhar, Nawaf al-Hazmi và Hani Hanjour.

Tuy nhiên, với sự khéo léo của mình, cuối cùng al-Awlaki đã buộc 11/9 Commission (Ủy ban đặc biệt điều tra vụ 11/9) phải thừa nhận rằng những cuộc gặp gỡ đó chỉ là ngẫu nhiên.

Cũng trong thời gian này, al-Awlaki bày tỏ quan điểm phản đối cuộc tấn công 11/9; so sánh vụ khủng bố này với những cuộc thảm sát thường dân trong Chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất và vụ tàn sát người Palestine ở Israel.

Trở về quê hương và bộc lộ bản chất

Năm 2002, al-Awlaki rời nước Mỹ. Ban đầu, al-Awlaki ta sang Anh trong vài tháng để phổ biến các bài giảng cho thanh niên Hồi giáo qua các đĩa CD. Tuy nhiên, do không thể hoạt động độc lập lâu dài nên al-Awlaki đã trở về Yemen.

Với sự giúp đỡ của cha mình, al-Awlaki trở thành giảng viên tại ĐH Sana'a. Trong thời kỳ giảng dạy tại đây, al-Awlaki đã tiếp xúc nhiều với Abdul-Majid al-Zindani, một kẻ mà chính phủ Mỹ đã mô tả là “tên khủng bố toàn cầu đặc biệt nguy hiểm”.

Tháng 8/2006, al-Awlaki bị bắt giam 18 tháng do can thiệp vào một cuộc tranh chấp giữa các bộ tộc và dính líu tới vụ bắt cóc một tùy viên quân sự Mỹ. al-Awlaki đổ lỗi cho Mỹ khi cho rằng chính Washington gây sức ép để buộc chính quyền Yemen phải làm như vậy.

Kể từ khi được trả tự do, al-Awlaki đã công khai ủng hộ sử dụng bạo lực để chống lại ảnh hưởng của phương Tây lên các quốc gia Hồi giáo. Ông ta cho rằng: “Mỹ không thể và sẽ mãi không thể dành chiến thắng. Không gì có thể cản trở phong trào Thánh chiến trên toàn thế giới.”

Truyền bá tư tưởng khủng bố trên thế giới mạng

FBI có lẽ sẽ rất hối hận khi đã không phát hiện ra bản chất của al-Awlaki trong thời kỳ còn ở nước Mỹ.

Sau khi rời bỏ nước Mỹ, al-Awlaki vẫn tạo được sức ảnh hưởng lớn đến các tín đồ Hồi giáo ở đây thông qua những tư tưởng được truyền bá trên website cá nhân.

Facebook cũng là một phương tiện để al-Awlaki truyền bá tư tưởng khủng bố. Ảnh: The Week.

Ngoài website, al-Awlaki còn sử dụng facebook và đĩa CD để tuyên truyền những bài giảng của mình, cả bằng tiếng Arab và tiếng Anh.

Trong số những tài liệu của al-Awlaki, có tài liệu “44 cách để hỗ trợ Thánh chiến” thu hút được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ. Bộ tài liệu này đã được tìm thấy trong máy tính của nhiều chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Canada, Anh và Mỹ.

Không dừng lại ở đó, al-Awlaki cũng sử dụng Youtube làm công cụ kêu gọi “Thánh chiến”. Cho tới khi bị dỡ bỏ hàng loạt vào ngày 3/11/2010, hàng trăm video của ông ta đã có tổng cộng 3,5 triệu lượt xem, một con số kỉ lục!

Một lợi thế của al-Awlaki so với chính trùm khủng bố Osama bin Laden là việc ông ta nói tiếng Anh rất tốt. Do vậy, ông ta dễ truyền bá những thông điệp của mình đến với những tín đồ Hồi giáo thuộc khối các quốc gia nói tiếng Anh hơn.

al-Awlaki cũng có một lợi thế trong cuộc chiến chống lại nước Mỹ đó là việc đã sống ở quốc gia này hơn 20 năm và hiểu rất rõ tình hình kinh tế - chính trị - xã hội nơi đây.

Với phong cách dẫn dắt vấn đề tài tình khi nói chuyện, cộng thêm khả năng phân tích, lý luận chặt chẽ, ông ta đã không mấy khó khăn để thu hục những tín đồ Hồi giáo ở Mỹ và biến họ thành những tên khủng bổ nguy hiểm.

(Còn tiếp)

Hoàng Nguyên (theo New York Times, USA Today, BBC)



BAODATVIET.VN
Người thừa kế' số 1 của Bin Laden (kỳ cuối)
Cập nhật lúc :2:43 PM, 05/05/2011
Trong tương lai không xa, al-Awlaki có thể sẽ trở thành tên trùm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới trong thời kỳ "Hậu bin Laden".

Kỳ cuối: Biểu tượng mới của cái khủng bố thời kỳ hậu bin Laden

Biến người Mỹ thành chiến binh cực đoan

Gần 3 năm trước, al-Awlaki chính thức tuyên bố đã gia nhập al-Qaeda và chỉ sau một thời gian ngắn, đã trở thành lãnh đạo chi nhánh cảu tổ chức tại bán đảo Arab.

Vai trò chính của al-Awlaki là tuyển dụng các thành viên mới cho mạng lưới al-Qaeda, đặc biệt là những thành viên thuộc khối các quốc gia nói tiếng Anh.

al-Awlaki đã truyền bá tư tưởng cực đoan cho một số phần tử, đặc biệt là người Mỹ, và xúi giục họ thực hiện những cuộc khủng bố ngay trong nước hoặc tham gia vào các mạng lưới khủng bố nước ngoài.

Một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất có liên quan đến al-Awlaki là vụ nổ súng tại Fort Hood vào ngày 5/11/2009 khiến 13 người thiệt mạng và 32 người bị thương.

Kẻ trực tiếp gây ra vụ thảm sát này là Nidal Malik Hasan, một bác sỹ tâm thần và là Thiếu tá Quân đội Mỹ. Tuy nhiên, các điều tra viên xác định al-Awlaki mới là kẻ chủ mưu thực sự. Bởi trước khi xảy ra vụ khủng bố, al-Awlaki đã trao đổi với Hasan qua email hàng chục lần để chuẩn bị cho kế hoạch này.

Nidal Malik Hasan (phải), kẻ đã thực hiện vụ nổ súng Fort Hood, là một trong những môn đệ của Anwar al-Awlaki. Ảnh: AP.

Sau sự kiện trên, al-Awlaki tiết lộ đã gặp Hasan vào năm 2001 khi còn làm thầy tế tại nhà thờ Hồi giáo Dar al-Hijrah, Virginia, Mỹ. al-Awlaki gọi Hasan là một trong những môn đệ của mình và ngợi ca người này là người anh hùng của thế giới Hồi giáo.

CIA cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy al-Awlaki ã từng tiếp xúc và có nhiều ảnh hưởng với Faisal Shahzad, một người Pakistan gốc Mỹ. Nhiều khả năng, chính al-Awlaki đã xúi giục Shadzad tiến hành vụ đánh bom xăng tại Quảng trường Thời đại, nhưng âm mưu này đã không thành công.

Sharif Mobley, một công dân Mỹ bị bắt tại Yemen vì những cáo buộc có liên quan đến al-Qaeda, cũng khai nhận rằng thường xuyên trao đổi với al-Awlaki qua email và chịu nhiều tác động từ tư tưởng cực đoan của ông ta.

Khi người Mỹ nhận ra những thủ đoạn của al-Awlaki thì cũng đã không còn kịp nữa, bởi quá trình “nội địa hóa” các tín đồ Hồi giáo trên đất Mỹ đã diễn ra tương đối rộng. Lúc này đây, đã tới lúc chính quyền của ông Barack Obama phải hành động.

Lệnh tiêu diệt của Washington

Nước Mỹ đã đưa ra tuyên bố”Anwar al-Awlaki là tên trùm khủng bố toàn cầu đặc biệt nguy hiểm”, tất cả tài sản của ông ta tại Mỹ bị phong tỏa và những ai có dính líu tới al-Awlaki đều bị điều tra nghiêm ngặt.

Chỉ ít ngày sau, hai gói bưu phẩm bị nghi ngờ có bom đã được gửi tới Chicago từ Yemen thay cho lời thách thức của al-Awlaki dành cho người Mỹ.

Trước những nguy cơ về một vụ 11/9 mới, ông Barack Obama đã ủy quyền cho CIA tìm và tiêu diệt al-Awlaki. Mặc dù vậy, quyết định này đã khiến cho một số cơ quan luật pháp nước ngoài cảm thấy bất bình vì người Mỹ dường như đang đi quá quyền hạn của mình.

Thế giới vẫn chưa thể mừng vui sau cái chết của Osama bin Laden, bởi lẽ vẫn còn đó những kẻ như al-Awlaki sẵn sàng kế tục sự nghiệp của hắn. Ảnh: AP.

Ông Nasser al-Awlaki, cha đẻ của Anwar al-Awlaki, vẫn nhất mực tin tưởng rằng con trai mình không phải là khủng bố như cáo buộc của Mỹ. Ông quyết định kiện chính quyền của ông Obama vì đã đưa con trai mình vào danh sách những người bị tuyên án tử hình mà không qua xét xử.

Tuy nhiên, đơn kiện của ông đã bị bác bỏ vào ngày 7/12/2010 bởi lý do tổng thống Mỹ có quyền tuyên án một công dân Mỹ mà không cần thông qua bất kì thủ tục pháp lý nào mà chỉ cần dựa vào khẳng định người đó là một thành phần khủng bố.

Tháng 1/2011, các nhà chức trách Yemen đã xét xử vắng mặt al-Awlaki vì những cáo buộc có liên quan đến nhiều cuộc tấn công vũ lực với người nước ngoài và gây ra cái chết của một nhân viên bảo vệ người Pháp ở một công ty khai thác dầu. Kết thúc phiên tòa, al-Awlaki bị kết án 10 năm tù giam.

Hiện tại, al-Awlaki bị nghi ngờ là đang lẩn trốn tại miền núi của Shabwa và Marib, dưới sự bảo hộ của bộ tộc hùng mạnh Awalik sinh sống. Bộ tộc này từng tuyên bố sẽ không bao giờ hợp tác với Mỹ để sát hại Anwar al-Awlaki.

Rõ ràng, hiểm họa khủng bố vẫn còn bao trùm trên toàn thế giới kể cả khi Osama bin Laden đã chết. Bởi lẽ, ông trùm khủng bố có thể chết nhưng giấc mơ “Thánh chiến” vẫn còn đó và những người "kế tục" như al-Awlaki.

Với một người từng sống và hiểu rõ về phương Tây, trong tương lai không xa, al-Awlaki còn thể nguy hiểm hơn.

(Hết)

Hoàng Nguyên (theo New York Times, USA Today, BBC)

Cập nhật lúc :9:15 PM, 04/05/2011

Những nhân vật dưới đây đều nằm trong danh sách truy nã gắt gao của Mỹ, được đánh giá có thể thay thế bin Laden trở thành thủ lĩnh mới của Al Qaeda.

Ayman al-Zawahiri ("người phát ngôn" của Al Qaeda): người sáng lập nhóm vũ trang Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập, được trông đợi sẽ thay thế bin Laden lãnh đạo Al Qaeda. Hiện Zawahiri là nhà lý luận của Al Qaeda và theo một số nhà phân tích, người này chính là “bộ óc” đứng sau các vụ khủng bố ngày 11/9. Zawahiri cũng bị cáo buộc đóng vai trò trong vụ đánh bom Tòa đại sứ Mỹ ở châu Phi và bị xử tử Ai Cập xử tử vắng mặt vì các hoạt động của nhóm Thánh chiến Hồi giáo trong thập niên 1990.

Zawahiri cũng là một trong những phát ngôn viên quan trọng của Al Qaeda, đã xuất hiện trong hơn 40 đoạn video và thu âm kể từ năm 2003, lần gần đây nhất là tháng 4/2011. Đây là nhân vật đứng thứ 2 trong danh sách 22 tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất của Mỹ được công bố năm 2001.

Chính phủ Mỹ đang treo giải 25 triệu USD cho cái đầu của Zawahiri. Người ta nhìn thấy Zawahiri lần cuối cùng tại thị trấn Khost (miền đông Afghanistan), trước cuộc tấn công của Mỹ vào Afghanistan. Zawahiri được cho là đang trốn trong vùng núi ở biên giới Afghanistan – Pakistan với sự trợ giúp của các bộ lạc thân cận. Vợ và con của Zawahiri được thông báo đã chết trong một cuộc oanh tạc của Mỹ cuối năm 2001.

Ayman al-Zawahiri, Phó tổng chỉ huy lực lượng al Qaeda, có thể thay thế Osama bin Laden, nhưng bác sỹ người Ai Cập này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sự trung thành của lược lượng lớn theo chủ nghĩa khủng bố. Một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng rất có thể al-Zawahiri sẽ thay thế Osama bin Laden, nhưng nhấn mạnh là người này thiếu uy tín và không được tôn trọng như bin Laden trong tổ chức của mình.

Quan chức này cho biết: "Là thủ lĩnh al Qaeda thì quyền lực của hắn sẽ được tuân thủ rộng rãi. Hắn cũng đã duy trì được một sự gắn bó với cấp dưới. Tuy nhiên, để làm người thế chỗ bin Laden thì Ayman al-Zawahiri không giành được nhiều uy tín và nể trọng. Theo nhận xét của một số cán bộ cao cấp của al Qaeda đang bị giam giữ thì al-Zawahiri sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự trung thành của phần lớn những người Arab trong khu vực Vịnh từng theo bin Laden.”

Abu Yahya al-Libi ("tư lệnh chiến trường Afghanistan"): còn gọi là Hasan Qayid hay Yunis al-Sahrawi, từng là thành viên của Nhóm Chiến đấu vì Hồi giáo Libya (LIFG), trước khi trở thành đồng minh củ Bin Laden. Người này là nhà thần học hàng đầu của tổ chức Al Qaeda, sở hữu gương mặt dễ nhận biết nhất trong các đoạn băng video những năm gần đây, hơn cả al-Zawahiri.
Libi được cho là đã học tôn giáo 5 năm ở Mauritania trong những năm 1990. al Libi đã bị an ninh Pakistan bắt giữ năm 2002 và gửi tới căn cứ Không quân của Mỹ ở Bagram (Afghanistan), sau đó trốn thoát cùng 3 thành viên Al Qaeda khác. Al Qaeda đã gọi Libi là tư lệnh chiến trường ở Afghanistan, đưa ra ý kiến về những vấn đề toàn cầu có tầm quan trọng với tổ chức dù người này tự nhận mình chỉ là một học giả về thần học.

Khalid al-Habib ("thủ lĩnh quân sự" của Al Qaeda): có quốc tịch Morocco hoặc Ai Cập, được nhận diện trong một đoạn video tháng 11/2005 như là chỉ huy chiến trường của Al Qaeda ở đông nam Afghanistan. Sau khi Iraqi (chỉ huy chiến trường tây nam) bị bắt giữ năm 2006, có vẻ Habib phụ trách chỉ huy cả 2 chiến trường.

Tháng 7/2008, Habib được Al Qaeda gọi là “thủ lĩnh quân sự” của tổ chức. Còn các quan chức Mỹ cho rằng Habib chỉ huy các hoạt động “nội vụ” của Al Qaeda ở Afghanistan và bắc Pakistan. Một số nhà phân tích nói Habib có thể đang chiến đấu dưới nhiều bí danh khác nhau.

Adnan Gulshair el Shukrijumah: sinh ra tại Saudi Arabia, Shukrijumah đã theo cha – vốn là một giáo sĩ Hồi giáo – đến định cư tại Florida (Mỹ).

Đến cuối thập niên 1990 hắn rời Mỹ để tham gia trại huấn luyện của Al Qaeda ở Afghanistan.

Tháng 8/2010, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhận định Adnan Gulshair el Shukrijumah đã trở thành người đứng đầu của “hội đồng các chiến dịch ngoại vụ” của Al Qaeda.

Là người sống hơn 15 năm ở Mỹ, đây là lần đầu tiên một nhân vật đã quen thuộc với cuộc sống ở Mỹ được đặt vào vị trí chỉ huy các hoạt động của Al Qaeda ở ngoài Afghanistan.

Người này đóng vai trò liên lạc thường xuyên với các lãnh đạo cấp cao và chỉ huy quân sự của Al Qaeda, một vị trí quan trọng và nguy hiểm, có thể bị giết chết hoặc bị bắt bất cứ lúc nào.

Tòa án Liên bang Mỹ đã cáo buộc Shukrijumah âm mưu vụ đánh bom tại New York năm 2009 và các cuộc tấn công khác của Al Qaeda ở Anh, Na Uy và Panama.

Atiyah Abd al-Rahman ("chuyên gia chất nổ" của Al Qaeda), đến từ Libya và đi theo bin Laden từ khi còn là một thiếu niên, từ những năm 1980.

Kể từ đó al Rahman gây dựng được tiếng tăm như là chuyên gia chất nổ và học giả Hồi giáo hàng đầu của Al Qaeda.

Rahman đã đi theo bin Laden vào vùng rừng núi biên giới Pakistan – Afghanistan vào cuối năm 2001, và trở thành đầu mối liên lạc với các nhóm phiến quân Hồi giáo khác ở Trung Đông và Bắc Phi.

Một trong những chiến tích của Rahman là đã thiết lập thành công một liên minh với nhóm Hồi giáo cực đoan Algeria GSPC. Nhóm này sau đó đổi tên thành “Al Qaeda ở vùng Hồi giáo Maghreb”.

Saif al-Adel ("trưởng bộ phận an ninh" của Bin Laden): Saif al-Adel chỉ là bí danh của cựu đại tá Ai Cập Muhamad Ibrahim Makkawi, người đã rời Ai Cập đến Afghanistan để cùng các chiến binh mujahideen chống lại quân đội Liên Xô trong những năm 1980.

Adel từng là trưởng bộ phận an ninh của Osama bin Laden. Người này bị Chính phủ Ai Cập tố cáo âm mưu lật đổ chính phủ vào năm 1987 và dính líu đến các vụ đánh bom Sứ quán Mỹ ở châu Phi năm 1998.
Al Adel còn huấn luyện các chiến binh Sudan giết chết 18 công dân Mỹ ở Mogadishu năm 1993.

Có nguồn tin cho rằng Adel đã bị Iran bắt giữ sau khi Mỹ tấn công Afghanistan, tuy nhiên các báo cáo gần đây cho biết Adel có thể đã rời Iran đến vùng núi Pakistan tiếp tục hoạt động.

Nasser Abdul Karim al-Wuhayshi, từng là trợ lý của Bin Laden, hiện là lãnh đạo tổ chức Al Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP), một tổ chức thành lập năm 2009 dựa trên sự sáp nhập các thành phần Al Qaeda ở Saudi Arabia và Yemen. Hiện Mỹ đánh giá AQAP là chi nhánh hoạt động tích cực nhất của Al Qaeda ở Afghanistan và Pakistan.

Là thành viên kỳ cựu của Al Qaeda, Wuhayshi từng chiến đấu ở Afghanistan, bị bắt giữ, sau đó tiến hành một cuộc vượt ngục táo bạo khỏi nhà tù ở Sanaa (Yemen) năm 2006.

Wuhayshi từng đạo diễn nhiều vụ tấn công khủng bố, như vụ tấn công tòa sứ quán Mỹ ở Yemen năm 2008 làm 12 người thiệt mạng và âm mưu đánh bom máy bay hành khách Mỹ tại Detroit năm 2009.

Anwar al-Walaki: giáo sĩ Hồi giáo người Mỹ gốc Yemen, Walaki được cho là đứng sau nhiều vụ khủng bố kể từ vụ 11/9 đến nay.

Walaki cũng là một lãnh đạo cao cấp của Al Qaeda trong khu vực bán đảo Arab và là một thành viên của mạng lưới phiến quân Saudi Arabia và Yemen.

Đích thân Tổng thống Mỹ đã yêu cầu CIA tìm diệt Walaki. Một thời gian ngắn sau đó, Al Walaki thoát được một cuộc không kích của Mỹ ở Yemen. Hiện Walaki được cho là ẩn nấp ở vùng núi Shabwa và Marib ở Yemen.

Trong số các "ứng viên" thay Bin Laden lãnh đạo Al Qaeda, AL Walaki được đánh giá cao nhất. (>> xem thêm)

Abou Mossab Abdelwadoud: "chuyên gia" chế tạo bom khét tiếng của Al Qaeda. Abdelwadoud cũng chính là lãnh đạo của tổ chức Al Qaeda trong vùng Hồi giáo Maghreb (AQIM). Abdelwadoud được cho là đứng sau các vụ khủng bố tại Algeria năm 2007.


Quan chức Mỹ nói rằng giờ đây lực lượng khủng bố đã trở nên phức tạp hơn nhiều bởi có nhiều nhóm có lực lượng hùng mạnh như Lashkar-e-Tayyaba và Jaish-e-Mohammed đã xây dựng được chỗ đứng và ảnh hưởng ở các địa bàn do các bộ lạc kiểm soát.

Bin Laden là chỉ huy duy nhất của al Qaeda trong suốt 22 năm qua và chủ yếu chịu trách nhiệm về sự thần bí và thu hút của lực lượng này đối với số các phần tử thánh chiến bạo lực, cũng như tập trung khủng bố vào các mục tiêu tại Mỹ.

Giới chức Mỹ bày tỏ hy vọng: Dù lực lượng al Qaeda có thể sẽ không tan rã ngay lập tức nhưng cái chết của bin Laden sẽ đầy nhóm khủng bố này đi vào giai đoạn đi xuống và khó có thể đảo ngược được. Và cho rằng sự kiện này là thắng lợi lớn nhất của chiến dịch phá vỡ, đập tan, và đánh bại al Qaeda do Mỹ lãnh đạo.


Trường Giang - Phạm Ngọc Uyển (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét