Lâm Đồng: Truy quét hàng loạt quán ăn có món… thú rừng

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM:
TRUNG DUNG (04/05/2011 09:53)

* 84% nhà hàng tại Đà Lạt có món… thú rừng!

* Nhà hàng Tư Loan (đã bị khởi tố) vẫn tiếp tục vi phạm!

Sau đúng 12 tháng kể từ khi cá thể tê giác được nhận định là cuối cùng của Việt Nam được tìm thấy đã chết tại VQG Cát Tiên, ngày 29/4 vừa qua lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng phối hợp với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã tiến hành truy quét hàng loạt nhà hàng, quán nhậu tại thành phố Đà Lạt có món đặc sản… thú rừng.

Sáng sớm 29/4, hơn 100 cán bộ kiểm lâm từ các hạt kiểm lâm trên địa bàn cùng một số nhân viên của WCS được chia làm 8 tổ công tác, bí mật bất ngờ “tập kích” vào các nhà hàng được tình nghi có món …thú rừng. Đến 14 giờ cùng ngày có 16/27 nhà hàng, quán ăn của Đà Lạt bị lực lượng kiểm lâm bắt quả tang đang kinh doanh động vật hoang dã trái phép như: nhà hàng Tư Loan (đường Hai Bà Trưng), Hoàng Minh (đường Văn Tâm), Sân Vườn 1 và 2, Chuông Gió (đường Bùi Thị Xuân), Vạn Phúc Đường, Đông Á (đường Phan Đình Phùng), Hương Đồng (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh)…

Tổng số thịt thú rừng các loại bị bắt và lập biên bản tại các cơ sở là 88,1 kg (bao gồm: lợn rừng, nhím, nai, cheo cheo, dúi, rắn, cầy, và tê tê) cùng 99 con chim cu (1 con bị chết), 11 con dúi còn sống, 1 con don, 4 con gà rừng, một bình rượu bìm bịp, cùng nhiều loại sừng trâu, da cá sấu và các sản phẩm sừng, gạc bò tót, nai cà toong, sơn dương...Đặc biệt, tại Quán 06, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 con chồn, 1 con kỳ đà còn sống, số động vật này được nuôi nhốt trong các rỏ sắt, phục vụ thượng đế khi có nhu cầu.

Chiều tối cùng ngày, ông Scott Roberton, Giám đốc WCS tại Việt Nam đã có thông báo chính thức gửi PV NNVN cho biết, cuộc truy quét được tiến hành ngay sau khi WCS thực hiện cuộc khảo sát về hoạt động buôn bán ĐVHD tại các nhà hàng có món “đặc sản thú rừng”. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy có tới 84% (57/68) các nhà hàng có phục vụ các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD), bao gồm những nhà hàng nằm trong danh sách từng bị truy quét hồi tháng 8/2010 (NNVN đã thông tin qua bài Lâm Đồng: Thú rừng bị tàn sát kinh hoàng). Ông Scott Roberton nhấn mạnh: “Kết quả khảo sát của chúng tôi chỉ ra rằng mức phạt hiện tại với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý động vật rừng vẫn còn rất thấp và không đủ sức răn đe, chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước tịch thu giấy phép kinh doanh với các trường hợp tái phạm nhiều lần, để cảnh báo rằng rủi ro khi bán thịt động vật rừng sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích thu được”.

Ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam: trong những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện rất nhiều các vụ tịch thu ĐVHD lớn nhưng không có nhiều đối tượng vi phạm bị trừng phạt nghiêm và gần như không trường hợp nào bị xử ở án phạt cao nhất là 7 năm tù giam khiến cho việc bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp gặp nhiều khó khăn.

Ông Võ Danh Tuyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng sẽ không dung túng bất kỳ hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD nào. Nếu các ban ngành liên quan không phối hợp đóng cửa các nhà hàng vi phạm này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra và xử phạt cho tới khi họ dừng cung cấp trái phép các sản phẩm ĐVHD và để làm được điều này, sẽ cần đến rất nhiều nguồn lực, cả nhân lực và tài chính.

Trước đó, trong chiến dịch truy quét hồi tháng 8/2010, đối tượng vi phạm lớn nhất là Nhà hàng Tư Loan và Sở thú Tư Loan (Vào thời điểm kiểm tra quán Tư Loan đang có một lượng lớn thịt thú rừng chứa trong tủ cấp đông như chồn, tê tê, sơn dương được ướp đá cùng hàng chục con dúi sống được nhốt trong các lồng sắt. Ngoài ra còn chứa 2 bàn tay gấu, một bộ da và đầu của một con vượn - thuộc nhóm 1B- đặc biệt quý hiếm” sau này Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án (NNVN đã thông tin). Thế nhưng, đến nay đã hơn 8 tháng, không hiểu có “uẩn khúc gì” mà chưa thấy cơ quan điều tra khởi tố bị can trong vụ án này (?!) Theo tìm hiểu của NNVN vụ việc vẫn còn đang…trong quá trình điều tra” của Công an Lâm Đồng.

Theo ông Scott “Gia đình Tư Loan đang điều hành một mạng lưới buôn bán trái phép ĐVHD lớn ở miền Nam Việt Nam, và trường hợp này cần đưa ra làm gương cho các đối tượng vi phạm khác. Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thúc đẩy việc điều tra và áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất theo quy định của Bộ luật hình sự Việt nam.

Việt Nam và Campuchia hợp tác chống buôn bán trái phép các loài hoang dã

Ngày 27 và 28/4 tại Tây Ninh, Tổng cục Lâm Nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Tây ninh tổ chức hội thảo về kiểm soát các loài hoang dã ở khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia. Hội thảo bàn biện pháp tăng cường hợp tác chống buôn bán trái phép các loài hoang dã giữa cơ quan chức năng hai nước. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, kế hoạch hợp tác, trao đổi thông tin giữa hai bên về vấn đề kiểm soát, giảm thiểu hành vì buôn bán trái phép các loài hoang dã khu vực biên giới. TS. Hà Công Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết “Đây là cơ hội để hai bên hoàn thành trách nhiệm của quốc gia và quốc tế trong việc kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã. Theo đó, cơ quan chức năng Tây Ninh (Việt Nam) và tỉnh biên giới KampôngChàm (Campuchia) cùng phối hợp ngăn chặn hàng hóa bất hợp pháp là các loài hoang dã. Mặc dù cả Việt Nam và Campuchia đều đã có nhiều nỗ lực để phòng chống buôn bán trái phép các loài hoang dã, nhưng đến nay hợp tác giữa hai bên vẫn còn hạn chế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét