Hậu quả khó lường trước hacker

CAND Online
01:24:31 11/06/2011

Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Bkis Security cho biết: Khoảng 1 tuần trở lại đây, đã có hàng trăm website của Việt Nam bị tấn công mà không rõ lý do. Trên thực tế, việc các website Việt Nam bị tấn công diễn ra từ ngày 3/6, đều xuất phát từ những máy chủ có nguồn gốc tại Trung Quốc. Hacker đã thay đổi giao diện website, treo cờ Trung Quốc, đăng các nội dung bằng tiếng Trung Quốc

Từ đầu tháng 6 đến nay, trên các diễn đàn công nghệ và bảo mật đã liệt kê được tới hàng trăm website Việt Nam (.vn) đã bị hacker tấn công. Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở các website nhỏ lẻ của cá nhân, các vụ tấn công này còn nhằm cả vào các website Bộ, ngành có tên miền gov.vn nhưng quản lý lỏng lẻo về bảo mật.
Theo thống kê ban đầu của các diễn đàn công nghệ trong nước và quốc tế, tính đến thời điểm này, website trong nước bị tấn công đã lên tới con số hàng trăm.

Hacker có thể tấn công để "cướp" tên miền

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Bkis Security cho biết: Khoảng 1 tuần trở lại đây, đã có hàng trăm website của Việt Nam bị tấn công mà không rõ lý do. Trên thực tế, việc các website Việt Nam bị tấn công diễn ra từ ngày 3/6, đều xuất phát từ những máy chủ có nguồn gốc tại Trung Quốc. Trường hợp đầu tiên có thể kể đến là Cổng thông tin điện tử của quận Cầu Giấy (caugiay.hanoi.gov.vn). Hacker đã thay đổi giao diện website, treo cờ Trung Quốc, đăng các nội dung bằng tiếng Trung Quốc.

Nhân viên an ninh mạng họp bàn kế hoạch chống hacker.

Sau đó, liên tiếp các website, chủ yếu của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có đuôi gov.vn bị tấn công thay đổi giao diện. Trong đó, đáng chú ý là trường hợp cả website của Trung tâm Biên, phiên dịch thuộc Bộ Ngoại giao bị hacker tấn công làm thay đổi giao diện và trang điện tử của Bộ Ngoại giao bị tấn công từ chối dịch vụ khiến việc truy cập vào trang này gặp khó khăn. Trước đó, Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT đã bị hacker bị tấn công kéo theo 20 website con của Bộ này cũng phải chịu số phận tương tự.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Đức, việc tấn công của hacker đang đi theo xu hướng từ đơn giản đến phức tạp hơn. Bằng chứng là bắt đầu từ ngày 9/6, từ chỗ tấn công thay đổi giao diện, hacker chuyển sang tấn công hệ thống tên miền để chuyển hướng website đến một địa chỉ khác theo ý đồ của "tin tặc". Hacker dùng cách tấn công trực diện vào hệ thống quản trị máy chủ để sửa đổi thông tin, qua đó dễ dàng nắm quyền kiểm soát máy chủ. Mục tiêu của hacker là "ghi điểm", tức tấn công được càng nhiều càng tốt, website nào dễ thì tấn công trước một cách có tổ chức, có ý đồ rõ ràng, các hacker cũng cố tình để lại dấu vết.

Lo ngại về xu hướng và mục tiêu tấn công của hacker trong thời gian tới, ông Đức cũng khuyến cáo: Mặc dù việc tấn công tên miền khó hơn, khiến hacker mất nhiều thời gian hơn nhưng không loại trừ khả năng Việt Nam bị cướp tên miền. Theo lý giải của ông Đức, lần này, các vụ tấn công chủ yếu nhằm vào các tên miền tiếng Việt, khả năng lấy lại tên miền có thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu là các tên miền quốc tế, nếu bị chiếm đoạt thì nguy cơ mất tên miền là rất cao. Ở Việt Nam, đã có nhiều công ty, đơn vị bị mất tên miền vĩnh viễn vì không kịp thời phát hiện việc tấn công để có phản ứng phù hợp.

Vẫn còn lơ là về bảo mật và an ninh thông tin

Mặc dù các chuyên gia về an ninh mạng đã đưa ra rất nhiều cảnh báo về lỗ hổng bảo mật trong hệ thống website trong nước. Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn lơi là. Vì thế, việc hàng loạt website của Việt Nam, trong đó có cả các website của các Bộ, ngành bị hacker tấn công từ đầu tháng 6 đến nay được giới chuyên gia nhận định là "không bất ngờ" nếu không muốn nói là điều "tất yếu".

Bởi nếu nhìn tổng quan, có thể thấy các website Việt Nam bị tấn công đều thuộc nhóm không được trang bị tốt về các biện pháp an toàn thông tin, không nâng cấp bản sửa lỗi bảo mật thường xuyên. Thậm chí, các hacker có thể dùng phần mềm quét tự động vào các website .vn và .gov.vn để tìm ra các hệ thống đang mắc lỗi bảo mật, sau đó chỉ việc khai thác lỗ hổng để xâm nhập. Hacker chỉ cần xâm nhập được vào một máy chủ gốc, chẳng hạn như mard.gov.vn, là có thể tác động tới hàng chục website cấp thấp hơn.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Minh Đức cho biết thêm: Các website bị tấn công hầu hết đều có lỗ hổng bảo mật như lỗi lập trình, mật khẩu yếu, phân quyền trên máy chủ thiếu chặt chẽ, máy chủ chạy quá nhiều web dẫn đến một web có lỗ hổng ngay lập tức sẽ bị hacker lợi dụng để tấn công sang các web khác trên cùng máy chủ...

"Hiện nay, rất nhiều website của các Bộ, ngành có lỗ hổng bảo mật. Có nhiều website bị tấn công nhiều lần nhưng vẫn chưa sửa chữa được. Công tác bảo mật, an ninh thông tin vẫn còn lơ là. Nhân lực phục vụ cho việc vận hành hệ thống quản trị mạng còn thiếu và yếu. Nhiều website có hệ thống tường lửa kiên cố nhưng lại không có nhân lực vận hành, giám sát. Để hạn chế thiệt hại, các website bị tấn công cần lập tức rà soát lại hệ thống, vá các lỗ hổng bảo mật bằng các biện pháp công nghệ. Các website chưa bị tấn công cũng không có nghĩa là an toàn. Vì thế, nên xem đây là cơ hội để rà soát lại. Lần này, hacker cố tình để lại dấu vết, nhưng rất có thể, diễn biến tiếp theo sẽ là tấn công ngầm, "tin tặc" âm thầm đánh cắp thông tin, thậm chí phá hủy website. Khi đó, việc phát hiện sẽ rất khó, việc khắc phục sự cố cũng hết sức khó khăn, hệ thống mạng có nguy cơ không thể kiểm soát" - ông Đức nhấn mạnh.  

Đa số các trang web lớn của Việt Nam đều có lỗ hổng bảo mật

Ông Nguyễn Viết Thế - Cục trưởng Cục Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an cho biết: Theo đánh giá của một số chuyên gia về an ninh mạng, tại Việt Nam, các tên miền ".vn" hiện đang đứng hàng thứ 3 trong bảng xếp hạng các tên miền có nguy cơ bị tấn công. Rất nhiều website trong nước tồn tại các lỗ hổng an toàn thông tin ở mức độ nguy hiểm cao. Đa số các trang web lớn của Việt Nam đều có lỗ hổng bảo mật và có thể bị chiếm quyền điều khiển. Hiện có đến 90% các website được xây dựng trên công nghệ ASP.NET và sử dụng dịch vụ IIS 6.0, đây là lỗ hổng lớn nhất và vẫn chưa được khắc phục.

Lỗ hổng an ninh của các hệ thống ngày càng được phát hiện nhiều hơn. Số lượng các điểm yếu an ninh trong năm 2010 là 4.300, trong đó, có tới 30% lỗ hổng có mức độ nguy hiểm cao. Gần một nửa (49%) số lỗ hổng an ninh vẫn chưa có các bản vá do nhà cung cấp dịch vụ phát hành. Lỗ hổng liên quan đến phần mềm Adobe Acrobat PDF được phát hiện nhiều nhất. Tuy vậy, vấn đề lỗ hổng của hệ thống, ứng dụng vẫn chưa được các quản trị hệ thống cập nhật các bản vá kịp thời.


Huyền Thanh - Khánh Vy

Việt Nam chống ‘khủng bố’ trên mạng

VTC News:
11/06/2011 06:14
(VTC News) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, chống virus và mã độc hại....
Việt Nam chống ‘khủng bố’ trên mạng
Gần đây, hàng trăm website của Việt Nam bị hacker tấn công. Ảnh: http://nss.vn
Thời gian gần đây, nhiều trang web của Bộ, ngành Nhà nước bị tấn công, tình hình mất an toàn thông tin diễn biến phức tạp.
Số vụ tấn công trên mạng và các xâm nhập hệ thống công nghệ thông tin nhằm do thám, trục lợi, phá hoại dữ liệu, ăn cắp tài sản, cạnh tranh không lành mạnh và một số vụ mất an toàn thông tin khác đang gia tăng ở mức báo động về số lượng, tinh vi hơn về công nghệ.
Trước tình hình đó, ngày 10/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Chỉ thị số 897 yêu cầu các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp phải tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số.
Theo đó, đối với các hệ thống thông tin quan trọng nhất thiết phải áp dụng chính sách ghi lưu tập trung biên bản hoạt động cần thiết để phục vụ công tác điều tra và khắc phục sự cố mạng với thời hạn lưu giữ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, tối thiểu không ít hơn 3 tháng.
Bố trí cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật phù hợp chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các hệ thống và nhanh chóng triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng Internet.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng Internet Việt Nam nhằm sớm phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu và nguồn gốc tấn công mạng. Về lâu dài cần đề xuất, nghiên cứu xây dựng Luật An toàn thông tin số.
Riêng Bộ Công an cần chú trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, đề xuất việc bổ sung vào Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định về chứng cứ điện tử…
Còn Bộ Quốc phòng tiếp tục tham gia cá hoạt động đảm bảo an toàn thông tin, chống tội phạm khủng bố trên mạng.
Đặc biêt, Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Nội vụ triển khai các hệ thống bảo mật, an toàn thông tin dùng mật mã cho các cơ quan Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải tăng chú trọng triển khai ứng dụng chữ ký số và chứng thực số trong các hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ internet phái thiết lập đầu mối liên lạc để phối hợp, tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố cho các hệ thống thông tin quan trọng.


ICTNews > An toàn, an ninh thông tin
11/06/2011 07:00:19 AM
anh-VT.jpg
Các DN cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet được yêu cầu tham gia công tác ứng cứu, khắc phục sự cố cho các hệ thống thông tin quan trọng. Ảnh: M.T


ICTnews - Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường khả năng phòng, chống nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống CNTT và ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sự cố.
Thời gian gần đây, tình hình mất an toàn thông tin số ở nước ta diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến việc ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo số liệu thống kê, số vụ tấn công trên mạng và các vụ xâm nhập hệ thống CNTT nhằm do thám, trục lợi, phá hoại dữ liệu, ăn cắp tài sản, cạnh tranh không lành mạnh và một số vụ việc mất an toàn thông tin số khác đang gia tăng ở mức báo động về số lượng, đa dạng về hình thức, tinh vi về công nghệ.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát cũng cho thấy nhiều hệ thống CNTT của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là các cổng, trang thông tin có nhiều điểm yếu về an toàn thông tin, chưa được áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin phù hợp.
Trước tình hình đó, ngày 10/6/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 897/CT-TTg về tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số.
Theo chỉ thị này, Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, chống virus và mã độc hại cho các hệ thống thống thông tin và cá máy tính cá nhân có kết nối mạng Internet.
Đối với các hệ thống thông tin quan trọng, các cổng, trang thông tin điện tử quan trọng, nhất thiết phải áp dụng chính sách ghi lưu tập trung biên bản hoạt động (log file) cần thiết để phục vụ công tác điều tra và khắc phục sự cố mạng với thời hạn lưu giữ theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, nhưng tối thiểu không ít hơn 3 tháng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra và nghiêm túc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn thông tin số trên môi trường mạng tại các Điều 41, 42 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; bảo đảm các nguyên tắc an toàn thông tin trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, nâng cấp và hủy bỏ các hạ tầng kỹ thuật; tăng cường công tác triển khai quản lý an toàn thông tin số theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 27001:2009.
Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần bố trí cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật phù hợp chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin số. Lập kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ an toàn thông tin số, đào tạo phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dùng máy tính về phòng, chống các nguy cơ mất an toàn thông tin số khi sử dụng mạng Internet. Đặc biệt, các thông tin thuộc bí mật Nhà nước lưu trữ và truyền trên môi trường mạng phải được mã hóa và quản lý theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT hoàn thiện cơ chế, chính sách, môi trường pháp lý về an toàn thông tin số; nghiên cứu xây dựng Luật An toàn thông tin số để trình Quốc hội khóa XIII ban hành; và nhanh chóng triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng Internet Việt Nam nhằm sớm phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu và nguồn gốc tấn công mạng.
Đồng thời, Bộ TT&TT còn được Thủ tướng giao chịu trách nhiệm: ban hành và chủ trì triển khai thực hiện cơ chế điều phối và phối hợp giữa các đơn vị nhằm đảm bảo an toàn thông tin trên mạng Internet; xây dựng và tổ chức diễn tập các phương án hợp tác ứng cứu sự cố mạng máy tính; ban hành quy định hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin số; hướng dẫn đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật phụ trách an toàn thông tin của các cổng, trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đảm bảo an toàn thông tin; phối hợp với Bộ Công an trong hoạt động phòng chống tội phạm trong lĩnh vực CNTT…
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin số, chú trọng triển khai ứng dụng các giải pháp CNTT sử dụng chữ ký số và chứng thực số trong các hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thương mại điện tử.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet phải thiết lập đầu mối liên lạc để phối hợp, tuân thủ sự điều phối của cơ quan chức năng và tham gia vào công tác ứng cứu, khắc phục sự cố cho các hệ thống thông tin quan trọng.
Ngoài ra, chỉ thị này cũng nêu cụ thể các nhiệm vụ, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị khác, bao gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến an toàn thông tin số.
M.T

Trung Quốc trong cơn khát dầu mỏ

VnExpress:
Thứ bảy, 11/6/2011, 13:11 GMT+7

Nhu cầu lớn trong nước cùng với những bất ổn tại các vựa dầu lớn thế giới đang làm gia tăng áp lực với Trung Quốc, khiến đất nước tỷ dân này sốt sắng tăng cường đẩy nhanh các chiến lược phát triển dầu mỏ của mình.

Dự báo, trong năm 2011, tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ chiếm một phần ba tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu thế giới.

Năm 2010 lượng dầu thô sử dụng thực tế của Trung Quốc là 439 triệu tấn, tăng 13,1% và đây là lần đầu tiên lượng dầu thô sử dụng thực tế vượt qua mốc 400 triệu tấn, tốc độ tăng cũng lập kỷ lục mới kể từ năm 2005 đến nay. 55% trong số đó, tương đương 260 triệu tấn, Trung Quốc phải nhập khẩu nhập khẩu.

Hồi tháng 3, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc Trần Canh - hiện là đại biểu Quốc hội - đã lên tiếng cảnh báo rằng dự trữ xăng dầu chiến lược của quốc gia này đang ở mức rất thấp. “Nguồn dự trữ chỉ đủ dùng trong mươi mười lăm ngày một khi có cuộc khủng hoảng về nguồn cung xảy ra”.

Trong bối cảnh khu vực Bắc Phi và Trung Đông có nhiều bất ổn thì nguồn cung dầu mỏ cho Trung Quốc đang bị đe dọa. “Tôi lo ngại rằng những bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc. Nếu bất ổn kéo dài hơn nửa năm thì Trung Quốc sẽ hứng chịu nhiều tổn thất”, ông Canh nói.

Năm 2009, Trung Quốc còn vượt qua Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ Ảrập lớn nhất, khiến dầu thô Ảrập trở thành nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Theo Cục tình báo năng lượng Mỹ (EIA), bất chấp Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để đa dạng hóa nguồn dầu thô, nhưng phần lớn số dầu thô nhập khẩu cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đều xuất phát từ Ảrập. Trung Đông cung ứng khoảng 2,9 triệu thùng mỗi ngày cho Trung Quốc, chiếm hơn một nửa tổng số lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc, trong đó lượng cung ứng của Ảrập đạt xấp xỉ 1,1 triệu thùng mỗi ngày.

Nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ, phương Tây và Iran, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn vì các nguồn cung cấp dầu lửa từ vùng Vịnh qua eo biển Hormuz - tuyến đường biển độc nhất ra vào vùng Vịnh - có thể bị đe dọa. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán lượng dầu Trung Quốc phải nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng cao, đến 2015 có thể chiếm hai phần ba nhu cầu và con số của năm 2030 là bốn phần năm nhu cầu. Từ năm 2007, Trung Quốc cũng bắt đầu nhập khí đốt sau gần hai thập kỷ tự túc.

Sốt sắng tìm nguồn dầu mỏ mới

Nhu cầu trong nước ngày càng gia tăng cùng với những bất ổn tại các nước xuất khẩu dầu lớn khiến Trung Quốc sốt sắng tìm kiếm các nguồn cung ứng dầu mỏ khác. Cơn khát dầu khí để phục vụ phát triển nền kinh tế đang nóng này là một trong những nguyên nhân khiến nước này ngày càng tìm cách gây ảnh hưởng ra bên ngoài, nhắm đến những nơi có nguồn tài nguyên này.

Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục tăng cường các hoạt động thăm dò dầu mỏ ở biển Đông. Các hoạt động này nằm trong chiến lược lâu dài của chính quyền Bắc Kinh là thâu tóm gần như toàn bộ vùng biển này, nhằm kiểm soát một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới cũng như độc chiếm nguồn lợi về hải sản và dầu mỏ, đồng thời gia tăng ảnh hưởng xuống khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Theo ước tính, biển Đông được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 7,7 tỷ thùng dầu, trữ lượng khí đốt khoảng 266 nghìn tỷ feet khối. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mới đây khẳng định Biển Đông có trữ lượng 50 tỷ tấn dầu thô, hơn 20.000 tỷ mét khối khí đốt, gấp 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí đốt hiện có của nước này.

Mặt khác, Trung Quốc tích cực triển khai các dự án năng lượng ở Biển Đông. Mạng Jamestown Foundation (Mỹ) cho biết để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu lửa nhập khẩu từ các khu vực bất ổn ở Trung Đông và châu Phi, giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề nghị chính phủ từ nay đến năm 2020 triển khai các dự án thăm dò và khai thác năng lượng trị giá 30 tỷ USD ở Biển Đông.

Cuối năm 2010, Công ty Dầu lửa Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) trực thuộc nhà nước và đối tác nước ngoài của công ty này là BG Group PLC (trước kia là công ty Khí đốt của Anh) thông báo liên doanh này đã tìm thấy cát chứa khí đốt trong lúc khoan thăm dò lần đầu tiên ở vịnh Qiongdongnan, sâu gần 1.400 m, ở phía nam đảo Hải Nam. Zhu Weilin, Phó Chủ tịch Điều hành CNOOC, cho biết công ty này “rất lạc quan trước những kết quả ban đầu. Kết quả đó sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của công ty trong việc thăm dò các khu vực nước sâu.”

Ở phía đông bắc, CNOOC và đối tác Husky Energy Inc (Canada) sẽ bắt đầu triển khai dự án khai thác vào năm 2013 sau khi phát hiện lượng khí đốt lớn ở độ sâu 3.000m so với mặt biển ở ngoài khơi Trung Quốc. Khu vực khí đốt lớn nhất của Trung Quốc trên Biển Đông là nguồn năng lượng chủ yếu phục vụ các trạm phát điện của Hong Kong và mỗi năm sản xuất khoảng 124 tỷ feet khối khí đốt. Đây là dự án đầu tư chung giữa tập đoàn BP, CNOOC và công ty Thăm dò khai thác Dầu lửa Nước ngoài của Kuwait.

Sau khi sản xuất nhiều thiết bị thăm dò, khai thác và có kinh nghiệm trong việc khoan dầu dưới biển, Trung Quốc dự định sẽ thúc đẩy các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu lửa và khí đốt trên Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền và kiểm soát các nguồn dự trữ khí đốt và dầu lửa.

Zhou Dadi, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu năng lượng thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết biển Hoa Đông và Biển Đông là hai khu vực có tiềm năng về khai thác dầu khí biển sâu và sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Tăng cường năng lực khai thác

Giàn khoan 981 được Trung Quốc kỳ vọng giúp tăng năng lực khai thác ở biển Đông.
Giàn khoan 981 được Trung Quốc kỳ vọng giúp tăng năng lực khai thác ở biển Đông.

Từ kế hoạch năm năm lần thứ 11 (năm 2005-2010), Trung Quốc đã thúc đẩy phát triển chiến lược khai thác dầu mỏ ở khu vực biển sâu. Sau 6 năm sản xuất, Vào ngày 23/5, Trung Quốc đã cho hạ thủy giàn khoan dầu lớn và hiện đại nhất của mình tại Thượng Hải.

Trong hai ngày 23 và 24/5, CNOOC đã công bố và đặt tên cho giàn khoan này là Dầu khí Hải Dương 981 và con tàu rải đường ống là Dầu khí Hải Dương 201 với tổng chi phí chế tạo 6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 19.000 tỷ đồng.

Ngày 26/5, tám tàu lai dắt và bốn tàu tuần tra biển đã hộ tống giàn khoan Dầu mỏ Hải Dương 981 ra đảo Châu Sơn để hiệu chỉnh. Tháng 8 năm nay, dự kiến giàn khoan 981 sẽ chính thức được bàn giao.

Đây là giàn khoan kiểu nửa chìm hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 mét, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 mét, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới và là giàn khoan cấp siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Trên thế giới chỉ có khoảng 20 giàn khoan hoạt động ở độ sâu 3.000 m. Trung Quốc lâu nay chỉ có giàn khoan hoạt động được ở các vùng biển sâu 500 mét.

Giàn khoan dài hơn 650 mét, gồm năm tầng cao 136 mét (tương đương tòa nhà 45 tầng), được thiết kế chống bão cấp 10. Diện tích boong tương đương sân vận động đúng tiêu chuẩn. Giàn khoan có đầy đủ hệ thống phục vụ cho 160 công nhân làm việc và nghỉ ngơi.

Trong ngày hạ thủy giàn khoan 981, Tổng công ty Dầu mỏ Hải Dương Trung Quốc đã công bố 19 khu vực trên biển Đông sẽ hợp tác với nước ngoài thăm dò và khai thác, trong đó có sáu khu vực ở biển sâu, ba khu vực ở phía tây và ba khu vực ở phía đông biển Đông.

Giàn khoan nước sâu được giới truyền thông Trung Quốc ví von "tàu sân bay" này sẽ được kéo ra biển Hoa Đông thử nghiệm trước, sau đó mới kéo ra vùng biển Đông để khai thác dầu khí. Châu Thủ Vi, Phó giám đốc tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc cho biết tham vọng của Bắc Kinh trong chiến lược năng lượng, dầu mỏ: "Không chỉ tại biển Đông, mà ở tất cả các vùng biển nước sâu trên thế giới Trung Quốc cũng cần có phần.”

Con "tàu sân bay" dầu khí này của Trung Quốc ước tính cho thuê theo giá hiện hành cũng được 1-1,5 triệu USD một ngày ngày bởi cả thế giới hiện nay mới chỉ có 20 dàn khoan có thể tác nghiệp ở độ sâu 3.000 mét.

Tuyến Nguyễn tổng hợp

Doanh nghiệp Việt 'lười' sử dụng Facebook, Youtube

VnExpress:
Thứ bảy, 11/6/2011, 12:30 GMT+7

Có đến 35% người dùng Internet tại Việt Nam từng tham khảo thông tin từ Facebook, Youtube... trước khi sử dụng dịch vụ hay đi mua hàng. Nhưng chỉ 1% doanh nghiệp Việt Nam marketing qua những mạng xã hội này.

Theo nghiên cứu của Vinalink (một công ty chuyên về dịch vụ khảo sát, marketing trực tuyến), có đến 35% số người dùng Internet tại Việt Nam từng tham khảo thông tin trên forum và 25,5% từng xem thông tin từ bạn bè, fanpage, quảng cáo... trên các mạng xã hội trước khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, chỉ có 0,4% doanh nghiệp Việt Nam dùng Facebook (khoảng 2.000 doanh nghiệp) để quảng cáo; 0,07% dùng Youtube; và khoảng 0,2% còn lại dành cho các mạng xã hội khác. Có khoảng 5.000 doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội bao gồm cả forum, blog (chiếm 1%).

35% số người dùng Internet tại Việt Nam từng tham khảo thông tin doanh nghiệp từ Facebook, Youtube...
35% số người dùng Internet tại Việt Nam từng tham khảo thông tin doanh nghiệp từ Facebook, Youtube...

Trong khi đó, xu hướng sử dụng mạng xã hội để tiếp thị, bán hàng ở nước ngoài rất phổ biến. Phó giáo sư Marc Divine (trường IEA Paris) người có nhiều năm nghiên cứu về mạng xã hội, đã tiến hành khảo sát với 200 công ty quốc tế như IBM, L’Oreal, Unilever. Kết quả cho thấy, hơn một nửa trong số các công ty này đã sử dụng mạng xã hội làm công cụ trong hoạt động tiếp thị. Còn tại Mỹ có 70,3% doanh nghiệp dùng Facebook để quảng cáo, 58% dùng Linkedin, 40% dùng Twitter và 26,8% dùng Youtube.

Trong khi rất ít doanh nghiệp Việt dùng mạng xã hội để quảng bá thì những đơn vị từng sử dụng đã thu được kết quả khá tốt. Các clip quảng cáo của Vinamilk trên Youtube đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem trong khi chi phí bỏ ra bằng không.

Ông Hà Tuấn, Giám đốc Vinalink nhận xét, nếu biết sử dụng đúng cách mạng xã hội, hiệu quả kinh doanh sẽ rất lớn. Việt Nam có đến 15 triệu người sử dụng Internet, và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Thông qua mạng xã hội, doanh nghiệp sẽ dễ dàng truyền tải thông tin sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng mục tiêu (có thể phân khúc theo độ tuổi, giới tính, trình độ...). Hơn nữa chi phí cho công tác truyền thông này rất thấp, dễ dàng đo lường hiệu quả. Một lợi thế của kênh truyền thông này là doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thu thập các thông tin phản hồi, dễ dàng tạo dựng nhóm khách hàng trung thành.

Khảo sát của Vinalink với các giám đốc marketing cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu ngoài việc tạo được hiệu ứng lan truyền, tìm kiếm khách hàng... còn giúp gắn kết với đội ngũ nhân viên hiện thời và thu hút các ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội nhằm truyền thông cũng có những bất lợi nhất định. Facebook là mạng phổ biến nhất hiện nay, phù hợp tiếp thị truyền thông nhưng có đến 80% người dùng cho rằng khó truy cập.

Theo ông Ngô Thanh, Giám đốc Mancom (chuyên về tư vấn chiến lược marketing), nhiều chủ doanh nghiệp có lứa tuổi khá cao, hơn 50% là trên 45 tuổi. Lứa tuổi này không những khá lạc hậu về công nghệ thông tin mà còn khá bảo thủ với những trào lưu mới. Các chủ doanh nghiệp này nhìn nhận mạng xã hội giống như giới trẻ - những người chưa được họ đặt lòng tin một cách đúng mức.

Trong suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, thông tin trên mạng không mang tính chính thống, thiếu sự tin cậy so với các phương tiện truyền thông khác, như tivi, đài báo. Đây là những lý do mà doanh nghiệp Việt chưa thực sự coi mạng xã hội như một công cụ truyền thông hiệu quả, nhưng cũng là thiếu sót lớn của họ trong quá trình xây dựng thương hiệu, ông Thanh nhận xét.

Trái lại, những chủ doanh nghiệp trẻ lại rất nhanh nhạy trong vấn đề này. Thời gian gần đây, sản phẩm cơm kẹp (một dạng fastfood kiểu Việt) VietMac là một ví dụ điển hình. CEO của VietMac là người thuộc thế hệ 8X đã xây dựng thị trường và thương hiệu rất nhanh, chỉ thông qua mạng xã hội.

Ông Thanh cho biết, hơn 80% khách hàng của họ biết đến VietMac thông qua Facebook và các diễn đàn. Chỉ sau ba tháng, họ đã có thể nhượng quyền cho chính những thành viên của diễn đàn mà vị CEO này tham gia.

Chị Lê Thúy Hạnh, Tổng giám đốc Digimarketing bình luận, đa số các doanh nghiệp có thói quen truyền tải cùng một thông điệp trên các mạng xã hội khác nhau thay vì phát triển các hình thức truyền đạt riêng cho mỗi trang này. Trong khi đó, mỗi trang đều có những đặc tính riêng. Cái được chấp nhận ở Tumblr có thể bị coi là spam trên Facebook. Phong cách viết có hiệu quả với Twitter có thể thất bại trên FriendFeed. Vì thế, theo chị Hạnh, để tối đa hóa tác dụng của mạng xã hội, các doanh nghiệp nên truyền tải những thông điệp khác nhau trên các phương tiện khác nhau.

Một lời khuyên nữa mà chị đưa ra đối với mạng xã hội, là các doanh nghiệp nên giảm bớt các "tuyên bố chính thức" mà hướng sâu hơn vào các thông điệp mang tính cá nhân để tạo ra sự kết nối với khách hàng.

Thanh Hoa

'Việt Nam cần tỉnh táo trước khiêu khích của Trung Quốc'

VnExpress:
Thứ sáu, 10/6/2011, 15:51 GMT+7

"Trung Quốc đang thử thách, khiêu khích và chờ đợi sự mất bình tĩnh của chúng ta. Thời gian tới Trung Quốc không dừng lại mà sẽ còn tiếp tục có những hoạt động mạnh", nguyên trưởng ban biên giới Chính phủ đánh giá.

> 'Trung Quốc đang sử dụng vỏ bọc bán quân sự trên biển Đông'

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trao đổi với VnExpress sau sự kiện Trung Quốc tiếp tục phá cáp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Tại Đối thoại an ninh khu vực Shangri La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc liên tục nhắc đến "hòa bình". Vậy tại sao, vừa trở về, họ đã tiếp tục có hành động phá hoại tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam?

- Dư luận trong nước và quốc tế vừa qua đã có tiếng nói khá mạnh mẽ. Riêng tiếng nói chính thức Việt Nam rất cương quyết. Các nước Philippines, Malaysia cũng thế. Về mặt nguyên tắc, Mỹ vẫn thể hiện thái độ của mình, không từ bỏ lợi ích của mình ở Biển Đông. Nhưng về mức độ, so với tuyên bố năm ngoái của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate không mạnh mẽ bằng.

Trong khi đó, trước khi xảy ra vụ cắt cáp của tàu Bình Minh 2 cũng như trước hội nghị Shangri La, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã có hàng loạt chuyến công du lobby ngoại giao để tạo thuận lợi cho những hành động trên thực địa. Và với tuyên bố không đủ mạnh của các bên dẫn đến việc Trung Quốc mạnh dạn phớt lờ dư luận.

* Clip tàu Viking II bị tàu Trung Quốc uy hiếp

- Với việc liên tiếp uy hiếp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, Trung Quốc đang muốn gì, thưa ông?

- Sự kiện tàu Trung Quốc phá cáp của Viking II ngày 9/6 là một bước trong loạt hành động của Trung Quốc trong việc tìm cách cản phá việc thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Điều này tôi có thể hình dung và phán đoán khi xâu chuỗi các hành động đối với các nước trong khu vực. Chỉ trong vòng nửa tháng, các tàu Trung Quốc từ hải giám, ngư chính đến tàu cá đã hai lần ngang ngược xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam để tấn công, phá hoại cáp thăm dò trên các tàu thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, tàu Trung Quốc còn dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam và nhiều lần xâm phạm chủ quyền của Philippines.

Mục đích của họ không thay đổi về chiến lược đó là là hành động để hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò. Tuy nhiên, với hành động cụ thể lần này, Trung Quốc tiếp tục thử thách phản ứng của Việt Nam, thử thách các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Với các hành động cụ thể vừa rồi với Bình Minh 02 và Viking II, ý đồ trước mắt của họ là đánh vào kinh tế, quan hệ kinh tế và sự hợp tác làm ăn giữa các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài, phát lời cảnh báo với các đối tác đang, hoặc có ý định làm ăn với Việt Nam. Họ đánh vào quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước. Đây là hành động tính toán cực kỳ kỹ lưỡng.

Trong thời gian tới Trung Quốc không dừng lại mà sẽ còn tiếp tục có những hoạt động mạnh hơn như tiến tới khoan thăm dò sau khi đã phân lô trên Biển Đông, đặt giàn khoan trên biển. Tất cả là nhằm hợp thức hóa yêu sách về chủ quyền trên biển.

Ảnh: PetroTimes.
Tàu Viking 2 của Việt Nam. Ảnh: PetroTimes.

- Trung Quốc biết rõ tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam có tàu bảo vệ, vì sao họ vẫn phá rối?

- Có nhiều lý do, nhưng dưới góc độ thực tế họ tính toán tới lực lượng sức mạnh tại chỗ trong thời điểm đó. Khi hành động, đối đầu trực diện thì họ tính tới sự bảo vệ của mình với tàu thăm dò. Nếu sự bảo vệ không đủ, họ sẽ mạnh dạn quấy phá. Thứ hai là thời điểm tiến hành, họ tính toán lúc thuận lợi nhất để cho tàu cá chạy vào khu vực ta đang thăm dò.

Việc dẫn theo 2 tàu kiểm ngư, trong đó có tàu 311 có trọng tải tới hơn 4.000 tấn chứng tỏ không hề ngẫu nhiên. Họ tính rất kỹ, nấp dưới danh nghĩa dân sự nhưng tôi cho rằng đó là lực lượng quân sự nấp dưới vỏ bọc dân sự, hành chính. Trung Quốc có sức mạnh, nhưng về lý, về lẽ phải họ không có.

- Theo ông, Việt Nam cần có hành động và thái độ như thế nào sau tàu Viking 2 và tàu Bình Minh liên tiếp bị uy hiếp?

- Trung Quốc đang quấy phá, tạo ra sự tranh chấp, dựng lên tranh chấp để cố chứng tỏ với thế giới rằng họ có lợi ích ở đây và cần đàm phán với họ. Đấy là điểm cốt yếu chí tử của họ khi áp đặt ý chí chủ quan nhưng không có cơ sở gì về đường lưỡi bò.

Trước những hành động cụ thể như trong vụ tàu Viking II thì chúng ta nên biến tuyên bố về nguyên tắc - những gì mình nói với thế giới - thành những việc làm cụ thể. Ví dụ như yêu cầu Trung Quốc bồi thường; lập thủ tục hồ sơ để đưa ra cơ quan tài phán quốc tế và có tiếng nói chính thức lên Liên Hợp quốc.

Chúng ta cũng cần nói rõ với các nước trong khu vực, nói với các nước lớn có lợi ích trên Biển Đông. Tức là mình phải tiến thêm một bước cụ thể hơn nữa chứ không chỉ có tuyên bố về nguyên tắc.

Ngư chính 311, một trong các tàu vào giải cứu cho tàu cá Trung Quốc trong vụ Viking II hôm qua. Đây là tàu lớn nhất trong đội ngư chính của Trung Quốc, được hoán cải từ một tàu chiến. Ảnh: China Daily
Ngư chính 311, một trong các tàu yểm trợ cho tàu cá Trung Quốc trong vụ Viking II. Đây là tàu lớn nhất trong đội ngư chính của Trung Quốc, được hoán cải từ một tàu chiến. Ảnh: China Daily

- Có ý kiến cho rằng, các nước ASEAN đang tự làm suy yếu mình vì không đưa ra tuyên bố chung trước những hành động gây hấn của Trung Quốc. Ông nghĩ sao?

- Từ trước tới nay Trung Quốc vẫn dùng chiêu bài "song phương" đối với các nước ASEAN để đánh lẻ, bẻ từng chiếc đũa. Họ nhằm vào từng nước để lôi kéo hoặc phá rối mối liên kết nội khối. Rõ ràng, họ vẫn tiếp tục, không muốn đàm phán đa phương, quốc tế hóa. Nếu các quốc gia ASEAN sơ hở, Trung Quốc sẽ lợi dụng.

Tôi cho rằng, sau hành động lần này của Trung Quốc, với tư cách là một bên ký tuyên bố DOC, khối ASEAN cần có chung tiếng nói đủ rắn mà không phải chờ tới cuộc họp thường kỳ nào. Một tuyên bố chung là rất có ý nghĩa vào lúc này để nói lên ý chí, sự thống nhất của khối. Chỉ với sự thống nhất, các nước lớn có mối quan tâm về an ninh khu vực như Mỹ, Nga, Ấn Độ... mới có cách tiếp cận chính thức với những bất ổn trên biển Đông.

- Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có hành động cứng rắn hơn nữa trước sự xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc. Quan điểm của ông thế nào?

- Hành động của Trung Quốc là sự thử thách, khiêu khích. Họ chờ đợi sự mất bình tĩnh của chúng ta. Thậm chí, có thể họ đã tính đến việc mình không kiềm chế được và nổ súng trước vào các lực lượng mang vỏ bọc dân sự của họ.

Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước chúng ta đã có những thời điểm tương tự như hiện nay. Trung Quốc đang thử thách lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng từ phía các lực lượng của Việt Nam. Chỉ cần mình mất tỉnh táo, bình tĩnh, sử dụng vũ lực thì họ sẽ lấy cái cớ đó để tiến hành các hoạt động ở mức độ quân sự.

Cái quan trọng nhất là chúng ta phải bình tĩnh, kiềm chế, tiếp tục hành xử theo đúng quy định, thủ tục pháp lý. Nếu mình làm đúng như vậy thì lẽ phải thuộc về mình, không có gì phải sợ.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
"Tuyệt đối không dùng vũ lực. Tránh rơi vào cạm bẫy khiêu khích của họ". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Nếu các lực lượng mang vỏ bọc dân sự của họ tiếp tục phá hoại, chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống tiếp theo như thế nào?

- Điều cần khẳng định đầu tiên là chúng ta nhất định không được vì sự quấy phá, xâm phạm của Trung Quốc mà ngừng các hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền của mình. Nếu dừng lại, chúng ta sẽ rơi vào thế yếu, tạo cớ cho Trung Quốc rêu rao trên các diễn đàn thế giới cũng như với dư luận Trung Quốc về thứ chủ quyền mà họ vẽ ra.

Còn nếu họ tiếp tục phá, ta phải có cách ngăn cản theo đúng thủ tục pháp lý. Ví dụ trong trường hợp Viking II thì các lực lượng của Việt Nam hoàn toàn có quyền bắt giữ tàu cá, dẫn độ vào bờ, làm đúng thủ tục và đưa ra xét xử tại tòa án. Công ước Luật biển 1982 đã nói rõ điều đó, có điều phải tuyệt đối không dùng vũ lực. Tránh rơi vào cạm bẫy khiêu khích của họ.

Nguyễn Hưng thực hiện

Rộ múa sexy, kích dục để quảng cáo ở Sài Gòn

VTC News:
26/05/2011 00:17
Gần đây, trong các hội chợ, triển lãm, thậm chí một vài lễ hội rộ lên "mốt" chêm thêm những màn nhảy sexy, múa cột vô cùng phản cảm, kích dục...

Gần đây, trong các hội chợ, triển lãm, thậm chí một vài lễ hội rộ lên "mốt" chêm thêm những màn nhảy sexy, múa cột vô cùng phản cảm, kích dục của những cô gái trong những trang phục hai mảnh, thiếu vải khiến không ít du khách đến dự á bị sốc…

"Dịch vụ nhảy múa sexy" lan tràn

Còn nhớ cách đây chưa lâu, tại Hội chợ quốc tế về công nghệ thông tin và điện tử Việt Nam (Vietnam Computer Electronics Worldexpo) được tổ chức ở Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC) Quận7, TP HCM nhằm giới thiệu những sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất, ngay trong ngày khai mạc hội chợ, khách tham dự đã cảm thấy choáng váng trước tiết mục múa cột nóng bỏng, khêu gợi của các vũ nữ trong trang phục thiếu vải, ngay trong khuôn viên gian hàng Viscom Booth Show, nơi trưng bày các công nghệ mang thương hiệu D-Link.

Rộ múa sexy, kích dục để quảng cáo ở Sài Gòn
Các vũ công thi nhau múa bụng, "lắc" kích dục trong Lễ hội Ẩm thực quốc tế.

Khi đó, theo đánh giá của những người khách tham quan, thì những màn múa đó chỉ có thể diễn ra trong những vũ trường, bar ăn chơi thác loạn với mục đích kích dục chứ không thể hình dung nó lại được công khai giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng nghìn khách tham quan đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, cấp bậc, trong một sự kiện thu hút tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam và quốc tế như vậy.

Theo giải thích của đại diện Viscom, đây là một tiết mục nằm trong thể loại dance sports khá phổ biến trong các chương trình giải trí. Hai chiếc cột dựng trên sân khấu là cột ăngten, mô hình sản phẩm trưng bày mà Viscom phân phối.

Thừa nhận màn trình diễn múa cột đó là một "sự cố" cần rút kinh nghiệm sâu sắc nhưng đơn vị tổ chức màn trình diễn gây sốc này vẫn nhìn nhận đây là điểm nhấn để hút được lượng khách lớn đến tham quan và mua sắm tại gian hàng của mình.

Có thể thấy trong các hội chợ, cùng với việc áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, trình diễn các hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn, các đơn vị sản xuất, nhà phát hành mong muốn thu hút lượng khách đến để trải nghiệm và mua sản phẩm, bất chấp những tiết mục "văn nghệ" gây phản cảm.

Triễn lãm Ẩm thực thành...múa sexy

Ngay sau khi sự việc múa cột này xảy ra, dư luận và báo chí còn chưa hết xôn xao thì tại TP Vũng Tàu, trong Lễ hội Ẩm thực quốc tế, trước hàng trăm khán giả, các vũ công trong trang phục áo tắm, khoe các hình xăm thi nhau múa bụng, "lắc" kịch liệt với những động tác hết sức khó coi và dung tục.

Tiếp đó, các vũ công nam xuất hiện với những điệu nhảy ẻo lả, mặc áo hở rốn, quần ngắn như quần lót ôm các cô gái nhảy nhót những động tác bị đánh giá là khiêu dâm, kích dục. Càng về khuya, các "người mẫu" càng bạo dạn với những điệu nhảy "khoe hàng" rất chuyên nghiệp. Ngoài việc nhảy nhót, khi đổi tua để nghỉ, các cô gái này vẫn mặc áo hai mảnh xuống bên dưới đứng uống bia, rượu với khách.

Nhiều người chứng kiến đã cho rằng màn múa, lắc chẳng khác gì các show múa sexy thường thấy ở các khu giải trí của Thái Lan hay bản sao của những hoạt động trong vũ trường, quán bar được biến thành nội dung lễ hội giao lưu quốc tế.

Dù vậy, sau khi sự việc này xảy ra, theo lệnh phạt được Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành, ông Giám đốc Công ty Lạc Việt - một trong các đơn vị "góp tay" làm ra màn múa gây bất bình dư luận - chỉ bị phạt với số tiền là… 7 triệu đồng cho hai hành vi: tổ chức hoạt động biểu diễn mà không có giấy phép công diễn, và để hoạt náo viên dẫn chương trình DJ Beach Club "lợi dụng giao lưu với khán giả phát ngôn thô tục, không đúng đắn".

Đã có rất nhiều ý kiến bức xúc xung quanh hai sự kiện này, chẳng hạn "Mới hôm nào là việc "múa cột", tiếp đó lại "múa sexy". Không biết mai kia còn xuất hiện múa gì nữa đây!?". Nếu các sự việc này không được xử lí nghiêm thì sắp tới các chiêu này sẽ được sử dụng để câu khách"…

Đó là chưa kể tiết mục múa cột vô cùng phản cảm tại tiệc mừng khai trương một nhà hàng hải sản ở khu vực Mũi Né (phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) đã được báo chí lên tiếng phản ánh. Hay việc một số công ty khi đưa ra sản phẩm mới, bên cạnh việc thuê PG (Promotion Girl - người xúc tiến thương mại) đứng giới thiệu sản phẩm, họ còn thuê một số vũ nữ ăn mặc hở hang, nhảy nhót rất tưng bừng ở ngay một vỉa hè nào đó trước cửa công ty, trụ sở của họ mà không phải là ở một hội chợ hay triển lãm. Điều đó khiến không ít người đường tò mò dừng xe xem gây náo loạn cả một đoạn đường.

Trong tiếng nhạc xập xình náo nhiệt giữa phố đông đúc người, xe và tiếng ồn, các cô gái cứ nhảy và người ta cứ đứng xem. Các cô cũng không cần biết người ta nghĩ gì, nhìn mình như thế nào mà chỉ biết nhảy cho tưng bừng, cho nhanh để còn nhận tiền và đi.

Có lẽ chính việc công khai những màn múa phản cảm đã và đang lan mạnh "dịch" này tới những teen "sành điệu". Nhảy, múa sexy đang trở thành trò chơi "sành điệu" của một số teen hiện nay. Không phải tới những quán bar, vũ trường, chỉ cần một góc phòng nhỏ, một hệ thống âm thanh, một máy quay mini hoặc điện thoại có chức năng quay phim là teen đã có thể tụ tập và diễn ngay những trò "múa sexy" theo nhạc nóng bỏng.

Một clip sexy khá ấn tượng sẽ ra đời nhanh chóng. Công đoạn kế tiếp là có thể được tung lên mạng để mọi người cùng xem và nhận xét!

Dùng cả hình thức xử phạt "nguội"

Hiện nay khi có nhu cầu thuê nhóm nhảy múa sexy có vẻ cũng không quá khó để tìm được. Ngoài lực lượng ở các vũ trường, quán bar thì chỉ cần lên mạng là cũng có thể tìm các địa chỉ cụ thể của các nơi tổ chức sự kiện như N.C., Đ.D., M.G., P.C.… chuyên cho thuê nhóm nhảy với rất nhiều kiểu hàng - ngoại hình, chiều cao, cân nặng… và giá cả thuê khác nhau tùy mức độ và sự chịu chơi của các nhà tổ chức.

Điều đáng nói là tại những trang web hay mẩu quảng cáo những loại hình cho thuê nhóm nhảy múa thì đa số đều "trưng" những hình ảnh rất mát mẻ và sexy của các cô gái ăn mặc thiếu vải, cố tình lộ "hàng"… để giới thiệu với khách hàng.

Rộ múa sexy, kích dục để quảng cáo ở Sài Gòn
Nhóm múa được quảng cáo là sexy nhất Việt Nam.

Với những cô gái nhảy này có lẽ cũng thuộc nhiều thành phần khác nhau. Có thể họ là diễn viên của những vũ đoàn có tiếng (và cả không có tiếng) nhưng không ít người đã và đang làm gái nhảy ở các vũ trường, quán bar. Khi nhiều công ty, doanh nghiệp chuộng mốt có một vài điệu nhảy mở màn ở các buổi khai mạc, hội nghị, giới thiệu sản phẩm... thì có vẻ các cô gái này càng có cơ hội tăng thêm thu nhập. Với họ, có lẽ việc nhảy múa ở đâu không quan trọng miễn là ở đâu kiếm được tiền là nhận lời.

Tuy vậy, phải khách quan thừa nhận rằng công việc PG (Promotion Girl) và hơn nữa là gái nhảy đáng ra không có gì xấu. Họ chỉ làm nhiệm vụ để thu hút sự chú ý, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Nhưng với thực tế như vừa qua, các nhà tổ chức đã lạm dụng và không lường hết được những hậu quả ngay sau đó với những phản ứng mạnh mẽ và bức xúc của dư luận, đương nhiên hiệu quả quảng bá cũng chẳng đáng là bao bởi phần đông khách hàng thích thú với những hình ảnh ấy chiếm đa số là những thành phần không đàng hoàng.

Trong số đó không chứa số lượng lớn khách hàng tiềm năng. Khách hàng tiềm năng đa số đều có thái độ khinh miệt đối với hình ảnh khêu gợi đó từ các màn nhảy múa sexy phản cảm của các cô gái nhảy.

Mức xử phạt có thể lên tới 30 triệu đồng.

Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM, tất cả những hiện tượng vi phạm như nêu trên đều đã biến tướng rất nhiều và các hội chợ, triển lãm đã lợi dụng hình thức đó để thu hút, kích thích khách đến xem, với mục đích quảng bá cho sản phẩm, lễ hội… Ở đây lỗi lớn nhất thuộc về nhà tổ chức.

Việt Nam cấm hoàn toàn các hình thức này, dù nó đã và có thể vẫn đang tồn tại trong các quán bar, vũ trường ở đâu đó. Riêng sự kiện múa cột tại hội chợ quốc tế Expo 2010 ở quận 7, Sở đã xem xét và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Võ Trọng Nam cũng cho biết, hiện nay, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước ngoài việc xem xét kỹ càng nội dung chương trình, tiết mục biểu diễn cũng như trang phục của đội múa và chặt chẽ chuyện cấp phép, đương nhiên những màn múa phản cảm sẽ không được phép có trong chương trình, thì Sở vẫn cử người giám sát chặt chẽ những sự kiện nghi có khả năng xuất hiện những màn múa hay những hoạt động thiếu lành mạnh và công tác tăng cường kiểm tra, giám sát luôn được thực hiện thường xuyên.

Khi phát hiện những chi tiết, sự việc ngoài giấy phép vẫn xảy ra thì Sở xác định sẽ nhanh chóng tiến hành thu thập các tài liệu có liên quan, mời các đơn vị liên quan lên làm việc để xem xét, xử lý nghiêm theo Nghị định 75 về xử lý xử phạt các vi phạm hành chính về văn hóa (hai lỗi nặng là biểu diễn không phép, biểu diễn vi phạm thuần phong mỹ tục), hiện tại mức xử phạt có thể lên tới từ 25 đến 30 triệu đồng.


Theo Phú Lữ
Cảnh sát toàn cầu

Chiến sự tại Lybia tiếp tục bùng phát

VOVNEWS.VN:

Cập nhật lúc : 5:48 PM, 11/06/2011

(VOV) - Chiến sự kéo dài nhiều tháng qua tại Lybia chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà tiếp tục bùng phát mạnh trở lại ở miền Tây nước này

Ngày 10/6, giao tranh lại bùng phát tại thành phố cảng Misrata ở miền Tây Lybia khi lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi mở các đợt tấn công mới bằng pháo hạng nặng và rốc-két vào khu vực Dafina, cách trung tâm thành phố Misrata 35 km. Theo các nguồn tin tại chỗ, giao tranh đã làm ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương.

Trong khi đó, thủ đô Tripoli cũng bị rung chuyển bởi hai vụ nổ lớn tại khu vực Tajura và Ain Zara ở phía đông. Đến nửa đêm, người ta nghe thấy 3 tiếng nổ lớn kèm theo một số tiếng nổ nhỏ, song chưa rõ mức độ thương vong.

Trong lúc này, quốc tế tiếp tục gia tăng áp lực yêu cầu nhà lãnh đạo Lybia Gaddafi ra đi.

Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở thành phố Nizhny Novogorod của Nga, các nhà lãnh đạo hai bên yêu cầu ông Gaddafi rời bỏ quyền lực để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại nước này.

Chiến sự tại Lybia vẫn tiếp tục căng thẳng (Ảnh: Reuters)

Mỹ một mặt kêu gọi các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chia sẻ gánh nặng cả về mặt quân sự và ngoại giao trong cuộc chiến tại Lybia, đồng thời hối thúc tăng cường các vụ không kích xuống các khu vực có lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi đang đồn trú.

Phát biểu với báo chí, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhận định: “Ông ta đang ngày càng bị cô lập. Một số quan chức của ông ấy đã đào ngũ. Áp lực sẽ ngày càng tăng nếu NATO không kích cả ở Tripoli và những nơi khác”.

Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, nước này đã đề xuất một "đảm bảo" cho nhà lãnh đạo Lybia Gaddafi để đổi lấy việc ông này rời khỏi Lybia, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Phát biểu trên kênh truyền hình NTV, Thủ tướng Erdogan nói rằng, ông Gaddafi không có lựa chọn nào khác là rời khỏi Lybia với một đảm bảo dành cho ông ta. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp đưa ông Gaddafi đi đến bất cứ nơi nào ông ấy muốn. Tuy nhiên, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ không nói rõ đảm bảo đó như thế nào.

Về phần mình, Chính quyền Lybia tuyên bố lực lượng quân sự nước này ngày 10/6 đã bắn hạ một máy bay lên thẳng của NATO.

Kênh truyền hình TV của nhà nước Lybia dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết chiếc máy bay bị bắn hạ ở vùng biển ngoài khơi thành phố Zlitan.

Đây là chiếc máy bay thứ ba của NATO bị bắn hạ kể từ khi tổ chức này tiến hành các chiến dịch không kích nhằm vào Lybia từ tháng 3./.

Huy Hoàng (tổng hợp)

Thanh Hoá kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

vovnews.vn:

Cập nhật lúc : 5:17 PM, 11/06/2011

Hiện tỉnh Thanh Hoá có trên 22.800 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam, gần 1.700 cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3.

Ngày 11/6, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thanh Hoá tổ chức kỷ niện 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và biểu dương 50 nạn nhân da cam đã vươn lên trong cuộc sống, 10 cá nhân chăm sóc tốt nạn nhân da cam.

Tỉnh Thanh Hoá có trên 22.800 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam, gần 1.700 cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3 cũng mang trong mình những vết thương không rỉ máu này.

Nhằm chia sẻ, động viên những người bị phơi nhiễm chất độc da cam, tỉnh Thanh Hoá giải quyết chế độ hưởng trợ cấp hàng tháng cho trên 10.650 người tham gia kháng chiến và con cái của họ bị nhiễm chất độc da cam; trong đó, đối tượng hưởng trực tiếp là 4.500 người, gián tiếp hơn 6.000 người. Tuy nhiên ở thế hệ thứ 3 (đời cháu) có 1.700 cháu hiện chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trong lễ kỷ niệm, các tổ chức, cá nhân từ thiện đã ủng hộ 300 triệu đồng hỗ trợ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, giúp họ giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống./.

TTXVN



Xã hội - Dân trí:
Thứ Bẩy, 11/06/2011 - 16:35

Đà Nẵng: Hơn 5 ngàn người đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam

(Dân trí) - Sáng 11/6, hơn 5 ngàn người đã tập trung trước nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng tham dự cuộc đi bộ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2011).,
Hơn 5.000 người tham gia đi bộ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng
Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm để đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam, khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam...
Lực lượng bộ đội
Sự kiện này góp phần thức tỉnh lương tri và tình thương đồng loại của nhân dân các nước trên thế giới, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam.
Đoàn viên
Tại buổi đi bộ này, hơn 5.000 người dân thuộc các tầng lớp trí thức, sinh viên, cán bộ, đoàn thanh niên, tình nguyện viên... trên địa bàn Đà Nẵng cùng một số tổ chức nước ngoài tại Đà Nẵng cũng đồng ký tên vì công lý và xem triển lãm tranh về các nạn nhân da cam.
Người tàn tật
Sau cuộc đồng hành đi bộ là chương trình giao lưu “Chung tay vì nỗi đau da cam” được tổ chức với gần 1.500 đại biểu tham dự. Đây là cơ hội để các nạn nhân chất độc da cam nói lên tiếng nói của mình, đồng thời là nơi để cộng đồng chia sẻ những mất mát mà những nạn nhân da cam đã chịu đựng.
Người nước ngoài
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có hơn 1.400 trẻ em, nhiều gia đình có 2 đến 3 nạn nhân, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, luôn mong chờ sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội...
Cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

“Đây không phải là nỗi đau của tiêng ai. Mỗi chúng ta, mỗi trái tim, mỗi bàn tay phải có trách nhiệm cùng nhau xoa dịu nỗi đao da cam, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn và để họ cảm nhận sự ấm nồng từ trái tim của đồng bào. Chúng ta phải buộc 37 công ty hóa chất phải chịu trách nhiệm cho nỗi đau của hơn 5 triệu người Việt Nam, của nhiều thế hệ Việt Nam phải gánh chịu bi kịch đioxin”, Bà Hiền nhấn mạnh.

Dịp này, Hội nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng đã trực tiếp nhận giúp đỡ của hơn 100 cá nhân, tổ chức.... hơn 2 tỷ đồng, hơn 1.500 Euro và một số hiện vật khác. Số tiền này và hiện vật này nhằm gây quỹ để giúp đỡ cho các nạn nhân tại cộng đồng, vận động kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng cho gần 300 cháu là nạn nhân da cam tại 3 cơ sở thuộc Trung tâm nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng.
Cán bộ và nhân dân cùng ký tên vì công lý
Lực lượng bộ đội...
Và người nước ngoài cùng ký tên vì các nạn nhân da cam
Sau đó cuộc tuần hành, đầu tiên là lực lượng những người khuyết tật
Cán bộ
Người dân
Lực lượng vũ trang
Đoàn thanh niên
Sinh viên cùng tuần hành ủng hộ nạn nhân da cam
Công Bính

Kon Tum hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng sân bay

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 10/06/2011, 17:35 (GMT+7)

TTO - Chiều 10-6, tại thành phố Kon Tum, Cục hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức lễ Công bố quy hoạch sân bay Kon Tum. Theo đó, sân bay Kon Tum được đầu tư với tổng số vốn hơn 1.543 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2020 chiếm gần 1.000 tỷ đồng và sau năm 2020 được đầu tư hơn 543 tỷ đồng.

Sân bay Kon Tum được đặt tại xã Ngọc Bay, TP Kon Tum, gồm đường cất cánh, hệ thống đường lăn, hệ thống sân đỗ máy bay và nhà ga, hệ thống đường sá và các trục đường chính dẫn vào sân bay (cách thành phố Kon Tum khoảng 15 km, đường Hồ Chí Minh khoảng 10 km), tổng diện tích 162,2 ha.

Theo thiết kế, đây là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự cấp 3 C dùng để bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ tìm kiếm cứu nạn… đến năm 2020, quy hoạch hàng không dân dụng, công suất 150 khách trên giờ cao điểm; sau năm 2020 mở rộng công suất lên 300 hàng khách trong giờ cao điểm…

TRẦN THẢO NHI

500 tàu du lịch Vịnh Hạ Long hoạt động trở lại

Kinh doanh - Dân trí:
Thứ Bẩy, 11/06/2011 - 12:16

(Dân trí) - Sáng 11/6, 500 tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã trở lại hoạt động bình thường. Các chủ tàu du lịch đã được gia hạn thời gian lắp đặt các thiết bị an toàn theo quy định của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh.
>> Vịnh Hạ Long tê liệt vì hàng trăm tàu chở khách không chịu xuất bến

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Quang Long - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Sáng ngày 11/6, hoạt động du lịch của các tàu chở khách trên Vịnh Hạ Long đã trở lại bình thường. Các chủ tàu có phản ứng với quy định mới về về tiêu chuẩn an toàn cho tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long đã cơ bản thống nhất với các cơ quan chức năng liên quan về sự cần thiết của các trang thiết bị an toàn như quy định mới vừa ban hành.


Tàu du lịch đã trở lại hoạt động phục vụ khách tham quan vịnh
sau khi dừng chạy trong ngày 10/6.

Quan điểm của UBND tỉnh Quảng Ninh là đáp ứng một cách triệt để nhất về vấn đề an toàn của du khách và của chính những thủy thủ và các chủ tàu khi lưu hành thăm quan và đưa khách thăm quan trên Vịnh Hạ Long. Chính vì vậy quy định mới về yêu cầu các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn cho tàu lưu hành trên vịnh là điều nhất thiết phải đảm bảo.

Tuy nhiên, trước phản ứng của hàng trăm chủ tàu, cơ quan chức năng liên quan tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý với nguyện vọng của các chủ tàu về việc gia hạn thời gian lắp đặt các trang thiết bị. Và hiện tại, các chủ tàu đã cho tàu du lịch hoạt động trở lại để phục vụ cho việc vận chuyển hành khách thăm quan Vịnh Hạ Long.

Ông Long cho biết, đến nay mọi vấn đề về triển khai theo quyết định của Sở vẫn được thực thi nhưng Sở cũng tạo mọi điều kiện để các chủ tàu thực hiện quy định mới được ban hành. Ngay trong buổi sáng ngày hôm nay đã có gần 2.000 lượt du khách thăm quan vịnh, trong đó có nhiều du khách nước ngoài.

Ông Long cũng cho biết thêm, cuộc vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới đang bước vào những giai đoạn nước rút hết sức quan trọng. Vì thế, việc để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách quốc tế không những về vẻ đẹp thiên phú của kỳ quan Hạ Long mà còn ở chất lượng dịch vụ và sự đảm bảo an toàn cho du khách là điều mà ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh nói riêng và du lịch quốc gia nói chung đều hết sức coi trọng.

“Trang thiết bị đảm bảo an toàn cho tàu du lịch chở khách lưu hành trên Vịnh Hạ Long cũng như quy định năng lực của thuyền trưởng và các thuyền viên khi điều hành tàu chở khách là quy định cấp thiết về độ an toàn du lịch trên Vịnh xứng đáng với kỳ quan Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới” - ông Long khẳng định.

Quốc Đô

Na Uy rút khỏi chiến dịch Libya, Mỹ chỉ trích NATO

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 11/06/2011 - 07:03

(Dân trí) - Na Uy hôm qua tuyên bố sẽ rút khỏi chiến dịch không kích vào Libya do NATO tiến hành. Cùng ngày, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo liên minh này sẽ phải đối mặt với một tương lai "ảm đạm" nếu các nước không cam kết chi tiêu mạnh hơn.
Chiến trường Libya tiếp tục ác liệt, khi liên minh của NATO xuất hiện những rạn nứt

Chính phủ Na Uy cho biết từ ngày 1/8, nước này sẽ rút khỏi chiến dịch không kích vào Libya do NATO tiến hành.

Na Uy hiện đóng góp 6 máy bay chiến đấu F-16 trong chiến dịch không kích do NATO chỉ huy nhằm vào Libya. Tuyên bố trên của Chính phủ Na Uy được đưa ra sau khi NATO quyết định kéo dài chiến dịch tới cuối tháng 9.

Tuyên bố trên cũng được đưa ra cùng ngày Libya khẳng định lại bắn hạ một trực thăng của NATO, khi tổ chức này tiến hành đợt không kích mới một ngày sau khi các nước đồng minh và các quốc gia Arập cam kết hỗ trợ phe đối lập.

Tuy nhiên, NATO đã bác bỏ tuyên bố của chính quyền Libya, cho rằng thông tin trên không chính xác.

Trong khi đó, phát biểu trước nhóm cố vấn về chương trình nghị sự an ninh và phòng thủ ở Brussels (Bỉ), Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates trong nhận xét thẳng thắn đã cho là tương lai của NATO “sẽ rất mờ mịt, nếu không nói là có nguy cơ bị tan rã”.

Ông chỉ trích các đồng minh trong NATO về khoản chi tiêu cho quân sự bị thiếu hụt, đồng thời cảnh báo liên minh này sẽ phải đối mặt với một tương lai "ảm đạm" nếu các nước không cam kết chi tiêu mạnh hơn.

Hiện Mỹ đóng góp 75% khoản chi tiêu quân sự của NATO, song ông Gates cho rằng trong tương lai, Mỹ sẽ khó có thể duy trì được mức hỗ trợ như hiện nay do nước này đang gặp phải khó khăn về tài chính.

Mỹ và các thành viên châu Âu đã có xích mích nặng nề về việc họ tham chiến ở Afghanistan, nhất là số quân mà các thành viên phải đóng góp. Ông Gates đã không bằng lòng việc nhiều nước châu Âu đã lời đi những đóng góp cho NATO. “Cả hai mặt trận Afghanistan và Libya đều phơi bày sự yếu kém của NATO, vì mọi gánh nặng đều đổ dồn lên hai vai của Mỹ”, ông nói.

Nhật Mai
Theo AP, Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ nêu đề xuất “đảm bảo” với Gadhafi

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 11/06/2011 - 11:28

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu đề nghị “đảm bảo” với nhà lãnh đạo Libya Gahhafi nếu ông đồng ý rời khỏi quốc gia Bắc Phi này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết.

Nhà lãnh đạo Libya Gadhafi.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình NTV hôm qua, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Ông Gadhafi không còn lựa chọn nào khác là rời Libya với một đảm bảo dành cho ông ấy. Chúng tôi đã đề xuất sự đảm bảo này. Chúng tôi đã nói với Gahdafi rằng chúng tôi sẽ giúp ông ấy đến bất kỳ đâu mà ông ấy muốn”.

Tuy nhiên, ông Erdogan cho hay Thổ Nhĩ Kỳ chưa nhận được hồi âm.

“Phụ thuộc vào câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ ông ấy, chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề với các đồng minh NATO. Nhưng cho tới nay chúng tôi không có câu trả lời”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Ông Erdogan không nói rõ sự đảm bảo đó là gì và nó được đưa ra khi nào.

Ông Erdogan ban đầu đã đề nghị ông Gadhafi từ bỏ quyền lực và rời khỏi đất nước hồi đầu tháng 5 sau khi Ankara thất bại trong việc thuyết phục ông từ chức trong các cuộc tiếp xúc thận trọng.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước duy nhất trong NATO có đa số dân là người Hồi giáo và đóng vai trò quan trọng trong khu vực, đã gia tăng lập trường cứng rắn sau khững chỉ trích đầu tiên về chiến dịch không kích tại Libya do Mỹ dẫn đầu và chỉ ủng hộ vai trò chiến đấu hạn chế của NATO khi liên minh đảm nhận việc chỉ huy chiến dịch.

Ankara đã từ chối tham gia vào các chiến dịch không kích nhưng đóng góp 6 tàu quân sự cho một sứ mệnh tuần tra nhằm thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc tại vùng biển của Libya.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng thực hiện vài chiến dịch nhân đạo, đáng chú ý là việc sơ tán vài trăm người Libya bị thương từ các khu vực do quân nổi dậy nắm giữ để tới Thổ Nhĩ Kỳ điều trị.

Hồi tháng 4, Ankara đã đề xuất lộ trình nhằm chấm dứt xung đột tại Libya, hối thúc một lệnh ngừng bắn ngay tức thì, dỡ bỏ sự bao vây của lực lượng chính phủ tại các thị trấn do phe nổi dậy nắm giữ và khởi xướng tiến trình chuyển giao dẫn tới các cuộc bầu cử tự do.

An Bình
Theo AFP


tienphong.vn - Quốc tế
13:00 | 11/06/2011
Quân chính phủ Libya tấn công phủ đầu phe nổi dậy

TPO - Ngày 10-6, lực lượng nổi dậy ở Misrata bị pháo và rocket của quân chính phủ Libya tấn công, khiến hơn 20 người thiệt mạng và hơn 80 người khác bị thương.

Quân nổi dậy chiến đấu chống lại quân chính phủ Libya ở tiền tuyến Misrata vào ngày 10-6. Ảnh: Xinhuanet
Quân nổi dậy chiến đấu chống lại quân chính phủ Libya ở tiền tuyến Misrata vào ngày 10-6. Ảnh: Xinhuanet.

Cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào quân nổi dậy diễn ra mấy tiếng đồng hồ sau khi các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới hứa sẽ tìm một lối đi mới cho Tripoli,qua đó hy vọng phe nổi dậy sẽ rút lui trong êm thấm.

Một lính bị thương thuộc phe nổi dậy cho biết, lực lượng của ông Gaddafi dùng súng cối, xe tăng, tên lửa grad trong trận tấn công này. "Chúng tôi cũng nghe thấy tiếng máy bay của NATO trên bầu trời, nhưng họ không ném bom. Ba người bạn của tôi đã chết trong ngày hôm nay...".

Sau cuộc đụng độ trên, các bệnh viện đều quá tải vì nhiều người bị thương.

Trong cuộc tấn công lần này, quân chính phủ chuẩn bị khá kỹ lưỡng, với sự bổ sung lực lượng, vũ khí và đạn dược (do các tàu đánh cá vận chuyển từ Benghazi tới). Hơn nữa, tinh thần chiến đấu của họ cũng bất ngờ mạnh mẽ sau khi máy bay trực thăng Apache của Anh xuất hiện quanh khu vực Misrata vào hôm thứ năm trước đó - chỉ huy phe nổi dậy nói.

Thương vong sau cuộc đụng độ
Thương vong sau cuộc đụng độ.

Ông này cũng nói thêm rằng, họ đang lên kế hoạch phối hợp tấn công vào Zlitan, thành phố tiếp theo dọc bờ biển phía đông hướng về thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, kế hoạch chưa kịp triển khai thì đã bị lực lượng của ông Gaddafi đánh phủ đầu.

Việc tấn công vào thành phố Misrata của ông Gaddafi cũng nhằm mục đích phá hủy phi trường mà lực lượng NATO đang có ý định đưa vào sử dụng.

Một nhân viên an ninh của phi trường cho biết, NATO đã nói với chúng tôi, họ chuẩn bị đưa phi trường này vào sử dụng, nhưng giờ nó đã hư hỏng nặng trong cuộc giao tranh giữa quân nổi dậy với quân chính phủ.

Hầu hết các loại vũ khí của Gaddafi sử dụng là chiến lợi phẩm trong những cuộc giao tranh lần trước, hoặc do Qatar cung cấp.

Vũ Kiều
Theo Telegraph

Việt Nam cần phản đối lên Liên Hiệp Quốc

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 11/06/2011, 07:43 (GMT+7)
Vụ “Trung Quốc lại phá cáp khảo sát của Việt Nam”: Việt Nam cần phản đối lên Liên Hiệp Quốc
TT - Sau sự kiện tàu Bình Minh 02, một mặt Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố một cách hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và ngang ngược rằng hành động của Trung Quốc là “bình thường”, thậm chí là “chính đáng”, một mặt bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tuyên bố những lời hay chữ đẹp tại Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 (còn gọi là Đối thoại Shangri-La).
Ngay sau những lời hay chữ đẹp đó, các tàu Trung Quốc lại tiến hành cản trở và phá hoại tàu khảo sát địa chấn Viking 2 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Những hành động của Trung Quốc vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa
Để hiểu sự kiện Bình Minh 02 và sự kiện Viking 2 có thể xem bản đồ. Bờ biển và vị trí các đảo trong bản đồ này được kết hợp từ hai cơ sở dữ liệu World Data Bank II của CIA và World Vector Shoreline của cơ quan bản đồ quốc phòng Mỹ, độ chính xác rất cao.
Sự kiện Bình Minh 02 xảy ra tại điểm X trên bản đồ, tọa độ 12O48‘25‘‘ Bắc, 111O26‘48‘‘ Đông. Sự kiện Viking 2 xảy ra tại điểm Y trên bản đồ, tọa độ 6O47‘30‘‘ Bắc, 109O17‘30‘‘ Đông.
Các chấm tròn là lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Đường màu xám bao quanh hai quần đảo là đường cách đều hai quần đảo này và các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp. Đường màu đỏ từ cửa vịnh Bắc bộ ra đến quần đảo Hoàng Sa là đường cách đều Việt Nam - Hải Nam không tính quần đảo Hoàng Sa. Đường màu đỏ từ quần đảo Hoàng Sa đi xuống phía nam là đường 200 hải lý tính từ bờ biển đất liền Việt Nam.
Điểm X và điểm Y nằm cách xa các chấm tròn này, chiếu theo luật quốc tế chúng sẽ không nằm trong vùng biển thuộc hai quần đảo này, tức là không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Như vậy, việc tàu Trung Quốc uy hiếp và phá hoại tàu Bình Minh 02 và Viking 2 là những hành vi bành trướng vùng tranh chấp một cách vô cớ ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Các tuyên bố tiếp nối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau sự kiện Bình Minh 02 cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bỏ qua sự công bằng, lẽ phải và luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi sự bành trướng đó.
Một chính sách có hệ thống
Điều cần nhấn mạnh là hai sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2 không phải là những sự kiện đơn lẻ mà là những bước trong một chính sách có hệ thống của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang “cấm đánh cá” trong vùng biển phía bắc 12O Bắc và phía tây 113O Đông. Vùng biển này bao gồm một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của Việt Nam không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Điều đáng chú ý về vùng “cấm đánh cá” này là Trung Quốc đã thiết kế nó sao cho xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước Đông Nam Á nào khác, và không xâm phạm vùng bên ngoài 200 hải lý, nơi cả thế giới có quyền đánh bắt.
Có thể thấy trên bản đồ rằng hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch (được đánh dấu bằng ký hiệu M và H) không liên quan với tranh chấp Trường Sa. Hai vùng này cũng nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Thế nhưng, năm 2007 Trung Quốc đã ép Hãng BP rút ra khỏi hợp tác với Việt Nam trong hai vùng này.
Trước đó, vào năm 1992 Trung Quốc ký hợp đồng khảo sát dầu khí với Công ty Mỹ Crestone trong vùng Tư Chính. Trung Quốc còn tuyên bố rằng sẽ dùng hải quân để yểm trợ việc khảo sát. Khu vực cụ thể của hợp đồng này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chiếu theo luật quốc tế thì vùng Tư Chính không nằm trong tranh chấp Trường Sa.
Những điều trên thể hiện một chính sách có hệ thống của Trung Quốc để mở rộng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa như hỏa mù để ngụy trang cho chủ trương chiếm phần lớn biển Đông.
Có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách gây ra những sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2, thậm chí những sự kiện còn nghiêm trọng hơn.
Sự xâm phạm phải bị trả giá
Trước mắt, Việt Nam phải không nhượng bộ về những sự kiện này. Nếu nhượng bộ, các công ty dầu khí nước ngoài sẽ không còn dám hợp tác với Việt Nam, ngay cả các vùng biển của Việt Nam không thuộc tranh chấp cũng sẽ rơi vào tay Trung Quốc.
Về lâu dài, Việt Nam phải xác định và khẳng định ranh giới cho các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khẳng định rằng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể nằm trong các vùng biển đó. Những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bên ngoài vùng tranh chấp đó là một sự bành trướng vô cớ vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau khi xác định, Việt Nam phải công bố rộng rãi các ranh giới biển của mình. Tất cả các bản đồ Việt Nam nên thể hiện quan điểm của Việt Nam đâu là ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, đâu là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam nên gửi bản đồ thể hiện quan điểm đó đến các nước trên thế giới và các cơ quan quốc tế. Như vậy để thế giới thấy rõ yêu sách của Việt Nam và yêu sách đó công bằng và phù hợp với luật quốc tế hơn yêu sách của Trung Quốc.
Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng những ranh giới hợp lý và minh bạch.
Trong những trường hợp xâm phạm như sự kiện Bình Minh 02, Viking 2, nếu các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều lên án hành vi của Trung Quốc thì tiếng nói chung đó sẽ mạnh mẽ hơn chỉ có Việt Nam lên án.
Trong mỗi trường hợp cụ thể, mọi sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam đều phải trả một giá xứng đáng trong lĩnh vực ngoại giao và hình ảnh của nước xâm phạm trước cộng đồng quốc tế. Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn. Để thực hiện điều này, không có cách nào khác hơn là mỗi cơ quan nhà nước có chức năng, mỗi người Việt có khả năng phải tích cực làm cho thế giới thấy rõ “hình ảnh xứng đáng” của Trung Quốc.
Những hành động xâm phạm ngày càng leo thang của Trung Quốc đã chứng minh rằng không thể sống cạnh một nước vừa lớn, vừa muốn bành trướng, bằng cách phản đối song phương mỗi khi họ xâm phạm chúng ta. Đã đến lúc Việt Nam phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc.
Việt Nam có thể đề nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xin ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế. Nếu chúng ta không phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc, thì đến lúc cần sẽ khó thuyết phục Đại hội đồng rằng ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế là cần thiết. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc tất cả các hành động xâm phạm của Trung Quốc.
DƯƠNG DANH HUY (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)
........................................
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh:
Việt Nam phản đối mạnh mẽ những vụ việc gây bất ổn trên biển Đông
TT - Ngày 10-6, phát biểu tại các hội nghị cấp quan chức cao cấp ASEAN, ASEAN+3, cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), trưởng đoàn VN, trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: ngày 26-5-2011, tàu Bình Minh 02 của VN trong khi đang hoạt động hoàn toàn trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN đã bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp.
Tiếp theo, sáng 9-6-2011, một vụ việc tương tự lại xảy ra, tàu Trung Quốc được sự yểm trợ của tàu ngư chính cỡ lớn đã tiến hành các hoạt động phá hoại tuyến cáp thăm dò của tàu Viking 2 đang tiến hành thu nổ địa chấn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa VN.
VN phản đối mạnh mẽ những hành động này. Những vụ việc nêu trên càng làm cho tình hình biển Đông thêm bất ổn định, tìm cách biến khu vực hoàn toàn không có tranh chấp thành “khu vực có tranh chấp”, gây quan ngại không chỉ cho các quốc gia liên quan mà còn cho tất cả các nước cũng như cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực nói chung. VN khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia, kiên quyết yêu cầu không để tái diễn những vụ việc như nêu trên, đồng thời chủ trương tiếp tục đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Điều thiết yếu là phải tăng cường hơn nữa các thiết chế luật pháp ở khu vực; tất cả các bên phải nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Đây là điều có ý nghĩa quyết định đối với hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.
H.GIANG - website Bộ Ngoại giao
Tin tặc nước ngoài tấn công trang web Petrotimes.vn
TT - HÀ NỘI - Trang điện tử Petrotimes.vn của báo Năng Lượng Mới đã bị tin tặc tấn công từ chối dịch vụ trong khoảng 30 phút - trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-6, tổng biên tập báo Năng Lượng Mới Nguyễn Như Phong cho biết như vậy. Theo ông Phong, bộ phận kỹ thuật của báo xác định hướng tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) chủ yếu từ nước ngoài.
Trước đó, khoảng 20g30-21g tối 9-6, trang Petrotimes.vn đã bị tin tặc tấn công. Vào thời điểm này, khi truy cập vào website luôn nhận được các thông báo lỗi không thể truy cập được hoặc báo không có dữ liệu. Đến ngày 10-6, trang web này vẫn còn phải chỉnh sửa nhưng không bị mất dữ liệu, cơ bản đảm bảo thông tin đến bạn đọc.
Trang điện tử Petrotimes.vn của báo Năng Lượng Mới (thuộc Hội Dầu khí VN) là nơi đăng tải bài viết, hình ảnh và clip về việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2 vào ngày 9-6. Những hình ảnh đăng tải trên Petrotimes.vn cho thấy tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN và cắt cáp của tàu Viking 2, là những bằng chứng sống động về hành vi phá hoại này.
MINH QUANG

Thứ Bảy, 11/06/2011, 07:44 (GMT+7)
TT - Những hành vi khiêu khích, quấy rối của Trung Quốc trên biển Đông trong những ngày qua đã bị các nước và truyền thông khu vực cùng giới học giả quốc tế chỉ trích kịch liệt.
Phát biểu về ứng xử ở biển Đông của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-La trái ngược với diễn biến trong những ngày qua trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Trên báo Asia Times, cựu quan chức ngoại giao Mỹ David Brown cho rằng việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam và Philippines trên biển Đông là hành vi “thô bạo chưa từng thấy”. Báo Philippines Daily Inquirer dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile mô tả Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” trong khu vực.
Ông Enrile nhận định Trung Quốc đang hành xử theo kiểu nước lớn cậy sức mạnh để bắt nạt các nước nhỏ láng giềng. Báo Jakarta Post dẫn lời chuyên gia an ninh Andi Widjajanto thuộc ĐH Indonesia nhận định việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam và Philippines cho thấy Trung Quốc có ý đồ hành động đơn phương dù luôn lớn tiếng khẳng định muốn theo đuổi đàm phán hòa bình.
Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta, người sắp trở thành bộ trưởng quốc phòng Mỹ, mới đây cũng cảnh báo Trung Quốc dường như đang xây dựng lực lượng để “đánh và thắng trong những cuộc xung đột ngắn, căng thẳng” dọc biên giới nước này. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Panetta nhấn mạnh Mỹ cần giám sát chặt chẽ việc mở rộng quân sự của Trung Quốc.
Cần tuân thủ UNCLOS, DOC
Phản ứng lại việc Việt Nam tố cáo tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trắng trợn bịa đặt là “tàu Việt Nam tấn công tàu cá Trung Quốc”. Tương tự, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu tuyên bố việc Philippines tố cáo tàu Trung Quốc tấn công tàu thăm dò dầu khí Philippines là “tin đồn nhảm”!
Ông Lưu Kiến Siêu cũng thể hiện thái đội coi thường Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) khi khẳng định “UNCLOS là công cụ hữu ích để tổ chức và quản lý các vấn đề hàng hải, nhưng không phải là thứ duy nhất để kiểm soát việc các quốc gia đòi chủ quyền trên biển”.
Phản ứng lại, Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định có đủ bằng chứng cho thấy tàu Trung Quốc quấy rối tàu Philippines. Ngày 10-6, ông Edwin Lacierda, người phát ngôn của tổng thống Philippines, kêu gọi “không đưa ra những tuyên bố mang tính kích động gây khó khăn hơn cho việc đạt được giải pháp đồng thuận” và khẳng định “cần đàm phán hòa bình về biển Đông, không chỉ giữa Philippines và Trung Quốc mà cả các nước đòi chủ quyền khác như Việt Nam”.
Theo báo Jakarta Post, Indonesia, nước chủ tịch ASEAN, đã kêu gọi các quốc gia đòi chủ quyền ở biển Đông cần quay lại Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) để giải quyết xung đột. “Các vụ việc trên biển Đông cho thấy ASEAN và Trung Quốc cần hoàn thiện bản hướng dẫn cách thực hiện DOC để thực hiện các nguyên tắc đã được các bên đồng ý” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene tuyên bố.
Ông Tene cũng cho rằng các bên cần nghiêm túc tôn trọng UNCLOS. “Mọi bên có liên quan cần tôn trọng lẫn nhau, giải quyết vấn đề qua các cuộc đàm phán hòa bình và tôn trọng các nguyên tắc của UNCLOS, đồng thời kiềm chế không sử dụng các phương tiện dẫn tới nguy cơ bạo lực leo thang”.
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cũng đã lên tiếng phản ứng về tình hình biển Đông. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Leslie Hull-Ryde cho biết: “Mỹ có quyền lợi quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông và ủng hộ tiến trình ngoại giao hợp tác để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đều đã khẳng định quan điểm của Mỹ về biển Đông”.
Người phát ngôn này nhắc lại Mỹ không đứng về bất cứ một phía nào, “nhưng chúng tôi cho rằng các nước đòi chủ quyền cần tuân thủ luật pháp quốc tế như đã được ghi rõ trong UNCLOS”.
HIẾU TRUNG
Cần đưa vấn đề biển Đông ra diễn đàn quốc tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần đưa vấn đề biển Đông ra các hội nghị quốc tế với sự tham dự của ASEAN.
* Tại sao tàu Trung Quốc liên tiếp quấy rối tàu VN trong khi ở Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cam kết Bắc Kinh sẽ đảm bảo hòa bình, ổn định ở biển Đông?
- Có hai khả năng đã xảy ra. Thứ nhất, Cục Hải dương Trung Quốc, cơ quan kiểm soát các tàu hải giám, tự ý hành động với sự hỗ trợ của các chính quyền địa phương và Công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc. Ở Đối thoại Shangri-La, một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định quân đội Trung Quốc không liên can gì đến các vụ việc này. Thứ hai, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã không thành thật. Nói cách khác là Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo. Một vụ cắt cáp tàu Việt Nam có thể chỉ là một sự kiện đột xuất, nhưng hai lần cắt cùng với việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Philippines cho thấy một kế hoạch có sự chuẩn bị từ trước.
Việc tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam trong khu kinh tế đặc quyền của Việt Nam là hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam. “Đường chín khúc” của Trung Quốc không hề có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Nhiều khả năng Trung Quốc muốn hành động cứng rắn để chia rẽ các quốc gia ASEAN. Trung Quốc hi vọng rằng bằng các hành động gây hấn, Bắc Kinh có thể buộc các thành viên ASEAN nhượng bộ và không dám đối đầu với Trung Quốc.
* Theo ông, VN cần phải phản ứng như thế nào?
- Việc Việt Nam tuyên bố đưa tàu Bình Minh 02 trở lại hoạt động ở biển Đông với tám tàu bảo vệ là động thái phản ứng phù hợp. Mọi tàu khảo sát dầu khí Việt Nam cần được bảo vệ. Việt Nam cũng cần xem xét tăng cường tuần tra bằng máy bay trên biển để sớm phát hiện tàu Trung Quốc và cảnh báo cho tàu Việt Nam. Việt Nam có lợi thế là hoạt động ngay gần đất liền.
Tuy nhiên, Việt Nam cần kiềm chế. Các tàu bảo vệ của Việt Nam chỉ nên chắn tàu Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Nếu tàu Việt Nam phản ứng mạnh, phía Trung Quốc sẽ chụp lấy cơ hội đó để vu khống Việt Nam gây hấn và là vấn đề. Trong các vụ việc vừa qua, Việt Nam là nạn nhân, do đó cần cẩn trọng để tránh rơi vào cái bẫy của Trung Quốc.
Đồng thời, Việt Nam cần phản ứng công khai, mạnh mẽ các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Việt Nam cần sắp xếp các cuộc gặp cấp cao với quan chức Trung Quốc để thảo luận vấn đề này. Tất nhiên, các nỗ lực này là chưa đủ để buộc Trung Quốc thay đổi thái độ. Việt Nam và Philippines cần hình thành quan điểm chung, vận động sự ủng hộ của Indonesia và các nước ASEAN. Và Việt Nam cần vận động để đưa vấn đề biển Đông ra các hội nghị cấp cao có sự tham gia của ASEAN, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

dantri.com.vn:
Thứ Bẩy, 11/06/2011 - 09:50

(Dân trí) - “Trung Quốc không mở rộng quân sự, Trung Quốc xưa nay không có ý đe dọa nước khác...”- Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không ngừng nhấn mạnh. Nhưng những điều Trung Quốc nói và những việc nước này đã làm xem ra có một số khác biệt.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.
Hành động sau những cam kết...
Đối thoại Shangri-La lần đầu tiên chứng kiến sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và tại hội nghị, ông Lương Quang Liệt không ngừng nhấn mạnh Trung Quốc không mở rộng quân sự, Trung Quốc xưa nay không có ý đe dọa nước khác… Những phát biểu này của ông Lương Quang Liệt có thể xem là một sự trấn an đối với các nước Đông Nam Á.
Nhưng những cam kết mà quan chức Trung Quốc đưa ra tại hội nghị không xoa dịu được lo ngại của các nước láng giềng đối với Bắc Kinh, và thực tế cho thấy hành động của họ không liên quan đến những cam kết do chính họ phát ngôn. Christopher Roberts, chuyên gia các vấn đề châu Á Đại học Canbera (Australia), cho rằng rõ ràng là những cam kết của Trung Quốc đối với an ninh khu vực không hề thuyết phục được người khác. Những điều Trung Quốc nói và những việc nước này đã làm xem ra có một số khác biệt.
Những khác biệt này là gì, chỉ cần điểm lại những việc Trung Quốc làm ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt rời khỏi hội nghị Shangri-La hôm 5/6.
Căng thẳng ở Biển Đông sau đó đã gia tăng thêm sau các biến cố dồn dập mới đây, lần này cũng do Trung Quốc khởi động bằng cách cắt dây cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.
Trung Quốc kỷ niệm “Ngày Đại dương thế giới” 8/6 bằng việc khẳng định tham vọng trở thành một siêu cường hàng hải cũng như tuyên bố sẽ đẩy mạnh kiểm soát các vùng biển, trong đó có cả những khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.
Trung Quốc không giấu giếm việc Cơ quan Hải giám Trung Quốc được trang bị khoảng 300 tàu hải giám, trong đó có 30 tàu trọng tải trên 1.000 tấn và 10 máy bay, kể cả 4 máy bay trực thăng. Cơ quan này cũng đang trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại để kết nối với các hệ thống thông tin liên lạc bờ biển, trên không, trên biển và vũ trụ. Bắc Kinh đã tiết lộ một kế hoạch tham vọng tăng cường thêm nhiều tàu hải giám hiện đại trong 5 năm tới, theo đó lực lượng giám sát biển sẽ được mở rộng lên 16 trực thăng và 350 tàu, với 45 tàu thuộc loại có trọng lượng nước rẽ trên 1.000 tấn.
Trung Quốc dường như không giấu giếm tham vọng muốn củng cố vai trò cường quốc khu vực nên đã tăng cường ngân sách quốc phòng. Thập niên vừa qua, Trung Quốc là nước mua vũ khí lớn nhất thế giới, tiêu tốn tới 24 tỷ USD, vượt Ấn Độ, Hàn Quốc và Hy Lạp. Riêng năm 2010, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đạt 81 tỷ euro, chiếm 7,3% chi phí quốc phòng thế giới, vượt cả Anh, Pháp và Nga. Tuy nhiên, so với Mỹ thì khoảng cách còn xa, năm 2010, Mỹ chi đến 682 tỷ euro.
Các quốc gia châu Á từ lâu ngờ vực những cam kết ngoại giao của Trung Quốc về hòa bình và ổn định khu vực trong khi Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình xây dựng quân đội, đồng thời ngày càng mạnh bạo trong các tuyên bố chủ quyền với những vùng biển tranh chấp. Tuần này, việc Tổng tham mưu trưởng PLA Trần Bính Đức xác nhận kế hoạch đóng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc càng làm dấy lên quan ngại.
Mới đây nhất, cuộc xuất quân lớn nhất trong những năm gần đây của tàu chiến hải quân Trung Quốc trên biển Thái Bình Dương hôm 9/6 đã khiến Nhật Bản lo âu thật sự. Hải quân Nhật Bản được đặt trong tình trạng báo động khi nhóm gồm 11 tàu của hải quân Trung Quốc diễu qua vùng biển trung lập giữa các đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản.
Tình thế khó xử thời hiện đại
Tướng Reiti Oriki, người đứng đầu Bộ tổng tham mưu lực lượng phòng vệ Nhật Bản, hôm qua đã phát biểu ý kiến bày tỏ thái độ trong tương quan gia tăng hoạt tính của hải quân Trung Quốc.
Cũng như Nhật Bản, các láng giềng trong khu vực hiện đều tiếp nhận từng động thái của Hải quân Trung Quốc một cách thận trọng. Cả việc Bắc Kinh triển khai chương trình xây dựng hàng không mẫu hạm riêng của mình cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán. Giới chuyên gia nhận định trong 5 năm trở lại đây, đã có sự thay đổi về chất trong cách tiếp cận của ban lãnh đạo chính trị-quân sự nước này, thậm chí có thể nói rằng trước mắt chúng ta đang hiển hiện sự hình thành “chiến lược đại dương vĩ đại của đất nước Trung Hoa”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc từng bước mở rộng khả năng quân sự của mình, công khai thể hiện tham vọng trở thành cường quốc chính trị-quân sự số 1. Một yếu tố quan trọng là việc xây dựng hạm đội tàu sân bay, - chuyên viên quân sự Igor Korotchenko Trưởng biên tập tạp chí Defence nhận xét như vậy. Chuyên viên Nga nhìn thấy ở đây một vấn đề hệ trọng.
Cả Mỹ cũng công khai lo ngại những động thái quân sự của Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Obama đã chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang Đông Nam Á, cho dù ai đó từng hy vọng rằng người Mỹ vướng bận với hoạt động quân sự cùng với lực lượng liên quân phương Tây trong các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan.
Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta, người nhiều phần chắc chắn sẽ tiếp quản vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thay ông Robert Gates từ ngày 1/7 tới, hôm qua tuyên bố ông sẽ theo dõi sát tình hình. Theo ông, tốc độ và quy mô hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc, kết hợp với việc thiếu minh bạch, đã đặt ra nhiều nghi vấn.
Theo ý kiến của ông Panetta, Trung Quốc đang gia tăng tiềm năng quân sự để sẵn sàng ứng phó với những cuộc xung đột tiềm tàng gần biên giới nước mình, trong đó có xung đột quân sự với Mỹ. Xét theo mọi việc, Bắc Kinh muốn có được những khả năng quân sự cho phép nước này tiến hành những hành động chiến đấu và giành chiến thắng trong những cuộc xung đột chớp nhoáng trên biên giới. Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ sẵn sàng ứng phó với những xung đột tiềm tàng liên quan đến Đài Loan, có thể với sự can thiệp quân sự từ phía Mỹ. “Mỹ cần phải chú ý theo dõi việc củng cố tiềm năng quân sự của Trung Quốc”, ông khẳng định.
Hải quân Mỹ vừa tuyên bố sẽ đưa tàu chiến USS Chung-Hoon mang tên lửa tới Tây Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Con tàu đã rời căn cứ tại Hawaii hôm thứ 4 và 280 thuỷ thủ của tàu dự kiến sẽ hợp tác với các đối tác liên minh trong khu vực.
Trong khi các chuyên gia an ninh khu vực nhận xét Trung Quốc “đang tung các cú đấm trên mặt biển để tái khẳng định chủ quyền của họ trên Biển Đông”, báo chí khu vực cho rằng xung quanh Trung Quốc đang hình thành một tập hợp - không phải là một tổ chức chính thức - âm thầm kháng cự lại Bắc Kinh. Những liên lạc và hợp tác kín đáo giữa họ đang gia tăng, được bao trùm bởi những câu hỏi về an ninh và chiến lược nảy sinh do sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Có thể coi đây là một nhóm hỗ trợ, tự giúp đỡ lẫn nhau của các nhà ngoại giao và quan chức an ninh. Họ đoàn kết bởi một vấn đề chung là tất cả cảm thấy cần tiếp tục can dự sâu sắc với Trung Quốc, nhưng cũng muốn tìm cách kháng cự lại Bắc Kinh khi cần thiết.
Những người trong cuộc gọi đây chính là một tình thế khó xử thời hiện đại.
Nguyễn Viết