Ngư dân an lòng bám biển

Thanh Niên Online:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa trình Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án “Xây dựng lực lượng Kiểm ngư VN”. Nếu đề án được thông qua, ngư dân sẽ có thêm một lực lượng bảo vệ khi khai thác trên biển.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết nếu được thành lập, lực lượng kiểm ngư sẽ thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi trên biển, tham gia cùng các lực lượng chức năng khác bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hoạt động của lực lượng kiểm ngư sẽ giúp ngư dân yên tâm làm ăn trên vùng biển chủ quyền - Ảnh: Trần Thị Duyên

Cụ thể, theo đề án, lực lượng kiểm ngư sẽ bảo đảm tính răn đe của pháp luật thông qua công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thay mặt Nhà nước VN kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển VN hoặc các vùng biển theo điều ước quốc tế về nghề cá mà VN là thành viên. Đây cũng sẽ là một trong những lực lượng tại chỗ quan trọng tham gia công tác phòng chống lụt bão và phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên các vùng biển.

Đề án nêu rõ, lực lượng kiểm ngư được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thống nhất từ trung ương xuống địa phương về chuyên môn nghiệp vụ. Cơ quan kiểm ngư được tổ chức ở trung ương và các địa phương ven biển. Dự kiến sẽ có 5 kiểm ngư vùng trực thuộc trung ương, gồm: vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Hoàng Sa, Nam Trung Bộ và Trường Sa, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.


Tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm đánh bắt trộm thủy sản diễn ra thường xuyên. Mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu thuyền nước ngoài, trong đó chủ yếu là tàu thuyền của Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta để đánh bắt trộm thủy sản. Thời gian qua, chúng ta chỉ chủ yếu phát hiện và xua đuổi, các trường hợp tàu cá nước ngoài bị ta bắt giữ thường chỉ bị lập biên bản, cảnh cáo và được ta phóng thích ngay trên biển - Trích đề án “Xây dựng lực lượng Kiểm ngư VN”


Kiểm ngư vùng là lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên các vùng biển khơi, nơi bắt buộc phải có sự hiện diện của lực lượng kiểm tra, kiểm soát của trung ương. Ngoài việc quản lý hỗ trợ, giúp đỡ các tàu cá VN hoạt động nghề cá còn là lực lượng kiểm tra, kiểm soát dân sự của VN, có đầy đủ các thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển VN... Kiểm ngư địa phương hay còn gọi là kiểm ngư tỉnh, thuộc Sở NN-PTNT, có các trạm kiểm ngư và các đội tàu kiểm ngư tại các địa bàn trọng điểm, đảm trách việc tuần tra, kiểm soát vùng ven bờ và vùng khơi.

Ông Tám cho biết lực lượng kiểm ngư sẽ được trang bị tàu và được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ và phù hợp với tình hình mới. Về nhiệm vụ xây dựng các đội tàu kiểm ngư, đề án nêu rõ, dự kiến mỗi cơ quan kiểm ngư vùng sẽ có 2 tàu kiểm ngư công suất từ 3.000 CV trở lên, được trang bị hiện đại, có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 8 - cấp 9 và hoạt động dài ngày trên biển. Trong khi đó, tàu kiểm ngư trang bị cho lực lượng kiểm ngư địa phương trong những năm tới sẽ gồm 3 loại chính. Loại 1, là các tàu có công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên, kết cấu vỏ thép, có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 7 - cấp 8; được trang bị đầy đủ các trang thiết bị vô tuyến MF/HF, định vị vệ tinh (GPS) và liên lạc qua vệ tinh IMMARSAT; các thiết bị kiểm tra chuyên dụng, quay phim, chụp ảnh bằng tia hồng ngoại... Loại 2, là các tàu công suất máy chính từ 600 CV trở lên, kết cấu vỏ thép, có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 5 - cấp 6. Loại 3, là các tàu có công suất máy chính từ 100 CV trở lên, kết cấu vỏ thép, có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 4 - cấp 5. Các tàu kiểm ngư địa phương loại 2 và 3 cũng được trang bị nhiều thiết bị hiện đại khác để hỗ trợ hoạt động.

Sẽ có tổng cộng 49 tàu kiểm ngư loại 1 và loại 2. Còn lại, tùy điều kiện thực tế mà các địa phương xây dựng đội tàu kiểm ngư loại 3 phù hợp. Tổng nguồn vốn đầu tư của đề án lên đến 2.079 tỉ đồng. Đề án nếu được phê duyệt sẽ được triển khai trong khoảng thời gian từ nay đến hết năm 2020.

Trong đề án, Bộ NN-PTNT nói rõ, hiện có 2 tàu kiểm ngư hoạt động tại vùng biển vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, 2 tàu này lại không thuộc tổ chức thanh tra (thuộc Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản) nên không có thẩm quyền xử lý các vi phạm mà chỉ hoạt động phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Cảnh sát biển, Hải quân. Tại các tỉnh ven biển hiện có 90 phương tiện tàu, xuồng, ca-nô phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên biển. Hầu hết các tàu này không được thiết kế để làm công tác kiểm tra, kiểm soát mà chủ yếu được cải hoán từ tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nên không đáp ứng được yêu cầu tính năng kỹ thuật của một tàu thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát lâu dài trên biển như: tốc độ của tàu không đảm bảo để thực thi nhiệm vụ, trang thiết bị thiếu đồng bộ và lạc hậu, phạm vi hoạt động chỉ giới hạn chủ yếu ở tuyến gần bờ, rất ít tàu có thể hoạt động ở tuyến lộng. Tổng công suất của đội tàu kiểm ngư khoảng 21.000 CV, trong đó chỉ có 5 tàu có công suất trên 600 CV, 8 tàu có công suất từ 500 - 600 CV.

Quang Duẩn


thanhnien.com.vn- Chính trị - Xã hội
Lập trường và chính sách quốc phòng gắn với an ninh biển rất rõ ràng của Việt Nam nhận được sự ủng hộ tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng trong ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, lập trường và chính sách quốc phòng của VN thể hiện rõ nét tinh thần hòa hiếu, hợp tác và hữu nghị. Bài phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh phác họa một bối cảnh quốc tế với an ninh biển đóng vai trò sống còn không chỉ với những quốc gia ven biển. Đặc biệt, ở khu vực biển Đông, nơi đang có những nguy cơ xung đột cần được kiềm chế, chính sách đối ngoại và quốc phòng của VN là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì ổn định.


Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen chúc mừng sau bài phát biểu và trả lời của đại tướng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Thục Minh

Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của VN là hòa bình và tự vệ. VN luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển”.

An ninh quốc gia của VN gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định. Vì thế, VN “mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển”, ông nói.

Cũng cố cơ sở pháp lý về hoạt động trên biển

Đại tướng Phùng Quang Thanh nhận định: “Tình hình biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển”. Ông nêu ra sự cố đang gây chú ý: “Gần đây nhất là vụ ngày 26.5.2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của VN bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình ổn định ở biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới”.


Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của VN là hòa bình và tự vệ.


Đại tướng Phùng Quang Thanh


Về phản ứng của VN trước sự cố này, đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: “VN đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng”. “Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn”.

Theo ông, củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ... là việc phải làm đầu tiên. Cụ thể là tuân thủ thực hiện đầy đủ Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), tiến tới ASEAN và Trung Quốc (TQ) cùng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và các cấu trúc an ninh mới như Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp khi có sự thống nhất, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các nước đối tác.

Ngoài ra, các bên cần tăng cường hợp tác phát triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm xây dựng và tăng cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động và các hoạt động kinh tế, hàng hải, hòa bình trên biển. Khi có các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, các bên cần kiên trì, kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch.

Quan tâm của cộng đồng quốc tế

Diễn đàn hoan nghênh phát biểu, trả lời của đoàn Việt Nam

Tiến sĩ John Chipman, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) là cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La 2011, đánh giá rất cao phần trả lời rất toàn diện và thành công của Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh. Ông Teo Chee Hean, quyền Thủ tướng Singapore trong khi ông Lý Hiển Long đang tạm vắng mặt, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen và nhiều đại biểu khác đã đến bắt tay và chúc mừng đại tướng Phùng Quang Thanh sau khi kết thúc phiên họp.

Trong cuộc họp báo kết thúc diễn đàn vào chiều qua, Giám đốc IISS khu vực châu Á Tim Huxley nhận định phiên thảo luận vấn đề an ninh biển là một thành công, đáp ứng tốt mục tiêu của nhà tổ chức. Mục tiêu đó là tạo cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á có liên quan trực tiếp trong cuộc tranh chấp ở biển Đông trình bày về các thách thức đang gặp phải. Ông cũng đánh giá cao bài phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh.

Bài phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh nhận được sự quan tâm lớn của các nhà quân sự, nhà chiến lược, học giả và giới ngoại giao từ 35 quốc gia. Đại tướng nhận được 10 câu hỏi xoay quanh nhiều chủ đề và thể hiện mối quan tâm toàn cầu đối với vấn đề biển Đông và chính sách quốc phòng của VN.

Đầu tiên là câu hỏi của chuyên gia Christopher Nelson từ Mỹ, hỏi thông tin chính xác về vụ tàu Bình Minh 02. Bởi trước đó, trong bài phát biểu kéo dài hơn 45 phút, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt đã không đề cập gì đến các vụ va chạm giữa TQ với VN, Malaysia, Philippines trên biển Đông. Ông Lương nói những nghi kỵ của thế giới đối với TQ chẳng qua là do “hiểu nhầm và diễn dịch sai các chính sách, và chủ ý tốt đẹp của TQ”.

Trả lời cho câu hỏi này, đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Trước hết tôi hoan nghênh và đánh giá cao bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng TQ đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại hòa bình và trách nhiệm của mình trong quá trình phát triển hòa bình. Chúng tôi luôn coi một TQ mà phát triển hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với các nước láng giềng, trong khu vực và trên thế giới, trong đó có VN, là điều kiện thuận lợi cho VN và các nước trong khu vực, trên thế giới. Chúng tôi luôn mong muốn TQ thực hiện như là những tuyên bố của mình, công khai với toàn thế giới”. Tuy nhiên, “Sự cố như tôi đã trình bày ở phần trước là có xảy ra”, đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định và cho biết thêm đó không phải là lần đầu. “Năm 2010, khi VN tiến hành khảo sát để lập hồ sơ báo cáo LHQ về ranh giới ngoài của thềm lục địa thì tàu khảo sát của VN cũng bị tàu hải giám của TQ cắt cáp”, ông cho biết. Ngoài ra, còn có những vụ va chạm khác như bắt tàu cá, ngăn cản các hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của VN... Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định những hành động đó là vi phạm luật quốc tế, xâm phạm chủ quyền VN, gây lo ngại cho thế giới, làm cộng đồng quốc tế băn khoăn về những tuyên bố công khai của TQ về các vụ việc xảy ra không chỉ với VN mà cả với Philippines và Malaysia.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng phủ nhận đường tuyên bố 9 đoạn trên biển Đông của TQ bởi nó không có cơ sở pháp lý và phản đối lệnh cấm đánh bắt cá vô lý mà TQ áp đặt trong cả những vùng thuộc chủ quyền của VN.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trả lời những câu hỏi liên quan đến hợp tác khai thác dầu khí giữa VN, TQ và Philippines; hoạch định ngư trường cho ngư dân, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các đơn vị VN và Philippines đóng trên các đảo trong khu vực nam biển Đông, vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia...

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh gặp gỡ báo chí quốc tế

Trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh trả lời đại biểu các nước trong phòng hội nghị của Diễn đàn Shangri-La, Thứ trưởng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh gặp gỡ phóng viên quốc tế trong phòng họp báo.

Thanh Niên xin giới thiệu một số câu hỏi và phần nội dung trả lời của trung tướng Nguyễn Chí Vịnh:

Ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Á. Một trong những bước tăng cường đó là bố trí thêm tàu ở vùng Singapore. Tôi muốn biết VN có hoan nghênh thông tin này không?

Việc Mỹ có tăng cường sự hiện diện ở châu Á hay bố trí thêm tàu ở Singapore là vì lợi ích của Mỹ. Nếu sự hiện diện ấy mang lại hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, mang lại sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia thì VN hoan nghênh.

Chính phủ VN gần đây tuyên bố mở cửa cảng Cam Ranh cho cộng đồng quốc tế. Tôi muốn hỏi việc mở của đó có đồng nghĩa với việc cho phép tàu quân sự của Mỹ, Nga và các quốc gia khác vào cảng Cam Ranh hay không?

Vịnh Cam Ranh thì trước hết chúng tôi đã tuyên bố không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự và trú đóng tàu quân sự ở đấy. Một phần ở vịnh Cam Ranh chúng tôi sẽ xây dựng thành căn cứ hải quân của VN. Còn một phần thì sẽ xây dựng thành một khu dịch vụ, kỹ thuật, hậu cần cho tàu quân sự và dân sự của tất cả các nước sử dụng. Khi đó, khu dịch vụ, kỹ thuật và hậu cần sẽ đón tàu của tất cả các nước vào sửa chữa, làm dịch vụ hậu cần theo luật pháp quốc tế và luật VN.

Tuyên bố các bên về ứng xử biển Đông (DOC) năm 2002 nay đã có hiệu lực 9 năm, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để có một văn bản hướng dẫn thực hiện các điều khoản của nó. Trong khi đó chúng ta lại đang cố phát triển DOC thành Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) để nó có tính ràng buộc pháp lý hơn. Ông có cho việc đó là thiết thực trong thời điểm này?

Các nước ASEAN thống nhất với nhau COC là rất cần thiết. Hội nghị Cấp cao ASEAN gần đây nhất đã đạt được kết luận là sẽ bàn bạc với TQ để sớm đạt được COC.

***

Sau khi phải chấm dứt cuộc gặp gỡ vì hạn chế về thời gian, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp tục bị phóng viên các hãng thông tấn quốc tế vây quanh ngoài hành lang với nhiều câu hỏi khác. Ông nhanh chóng trả lời các câu hỏi trước khi rời đi.

T.M

Trung Quốc lại cam kết phát triển hòa bình

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt một lần nữa khẳng định nước này luôn mong muốn khu vực biển Đông được “hòa bình, ổn định”. Ông Lương cũng kêu gọi các nước không xem Trung Quốc như một mối đe dọa. “Tôi biết nhiều người tin rằng cùng với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc cũng sẽ trở thành một mối đe dọa về quân sự”, AFP dẫn lời ông Lương nói, “Tôi xin cam kết đó không phải là lựa chọn của chúng tôi”. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng bác bỏ các cáo buộc rằng nước này đứng sau nhiều vụ tấn công mạng gần đây nhằm vào các mục tiêu ở nước ngoài.

Trọng Kha

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)


thanhnien.com.vn - Chính trị - Xã hội
Trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên vào trưa qua tại diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore, Thứ trưởng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Việt Nam theo đuổi chính sách giải quyết căng thẳng bằng đối thoại hòa bình.

Thưa trung tướng, trong tất cả các cuộc họp từ khi diễn đàn khai mạc tới nay, vấn đề biển Đông luôn được nhắc đến với hàm ý không đồng tình về sự vô lý của Trung Quốc (TQ). Ông có nghĩ rằng, ngay tại hoặc sau diễn đàn, TQ sẽ có những điều chỉnh phù hợp?

Nói đến biển Đông, người ta thường nhìn vào vấn đề tranh chấp và xung đột. Nhưng cần phải nhìn biển Đông một cách toàn diện để tìm đến căn nguyên của những vấn đề đó. Trước hết, biển Đông là một khu vực ngày càng đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, không chỉ các quốc gia ven biển. Ví dụ như giao thông hàng hải, tài nguyên trên bờ, nguồn lợi thủy sản và rất nhiều nguồn lợi khác. Vì vậy, ai cũng muốn can dự vào để có lợi ích ở đó. Sự can dự của các nước vào đây càng ngày càng nhiều, với những lợi ích khác nhau. Đương nhiên có những lợi ích cùng chia sẻ, nhưng cũng có những mâu thuẫn, tranh chấp vì lợi ích. Vì thế, nói tranh chấp biển Đông không chỉ nói giữa VN và TQ, mà tất cả những nước có lợi ích ở khu vực.

Tiếng nói của cộng đồng quốc tế tại đây, theo tôi hiểu, là họ nói vấn đề chung đó, rằng đây là "sân" chung, trước hết phải tôn trọng chủ quyền của các nước theo luật pháp quốc tế, không ai được quyền giữ làm "sân" riêng của mình, không ai được quyền khống chế biển Đông, không ai được quyền tài phán ở các khu vực tranh chấp.


Thứ trưởng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên - Ảnh: Thục Minh

Còn sự việc vừa qua đối với tàu Bình Minh 02 của chúng ta là một trong nhiều sự việc khiến người ta quan tâm. Quan tâm cái gì? Năm ngoái, TQ đưa ra khái niệm "đường lưỡi bò" và năm nay họ chính thức gửi tài liệu lên LHQ. Người ta đặt câu hỏi liệu hành động này có phải là một bước đi đầu tiên để biến "đường lưỡi bò" từ lời nói sang hiện thực hay không. Đây là câu hỏi của cộng đồng thế giới chứ không còn là của riêng VN, bởi nếu đó là sự thật thì sẽ phương hại đến lợi ích của tất cả các nước có liên quan.

Tôi hoàn toàn kỳ vọng vào sự điều chỉnh, sự nhận thức đúng đắn hơn của TQ trước những tiếng nói của cộng đồng quốc tế như vậy. Mà có điều chỉnh hay nhận thức đúng hơn thì cũng là vì lợi ích của TQ mà thôi. TQ bây giờ cần gì? Thứ nhất là môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Thứ hai, vô cùng cần, là một hình ảnh đẹp trên thế giới, cũng để phát triển. Hình ảnh đẹp đó không phải cho thêm phần mỹ miều, mà, rất thực tế, là để họ phát triển kinh tế, phát triển quan hệ chính trị và uy tín của mình. Đứng về góc độ lợi ích như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng sự điều chỉnh của TQ.

Liên quan đến vụ tàu Bình Minh 02, một chuyên gia luật quốc tế tại Singapore đưa ra ý kiến VN nên đưa vụ này lên Tòa án Trọng tài quốc tế. Tòa án này có thể giải quyết vụ kiện bất chấp TQ có đồng ý ra tòa hay không. Trung tướng nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi cho đó là một lựa chọn. Nhưng, theo tôi, để xác định về chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý... thì Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) đã nói rõ. Không cần tòa án nào cả. Theo tôi, trước hết và sau cùng vẫn là VN và TQ giải quyết với nhau. Cho nên, giải pháp mà chúng ta kiên trì lựa chọn là giải quyết với TQ, công khai và minh bạch. Chúng ta công khai cho cộng đồng quốc tế biết, như ở hội nghị hôm nay, để người ta có tiếng nói và để TQ suy nghĩ về hành vi của mình.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là hết sức vững vàng, hết sức đúng đắn, khôn khéo và linh hoạt. Đó là kinh nghiệm bảo vệ Tổ quốc được đúc kết từ hàng ngàn năm lịch sử. Đó là gì? Là tăng cường hợp tác, tăng cái đồng về lợi ích, giảm bớt cái bất đồng, trong khi ta vẫn giữ vững chủ quyền lãnh thổ. VN luôn kiềm chế và không để vấn đề vượt qua tầm kiểm soát mà ranh giới là xung đột. Nói như thế, chúng ta cần rất kiên trì - kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kiên trì giữ hòa hiếu, hữu nghị với nước láng giềng. Không còn cách nào khác.

Tôi nhắc lại, đưa ra tòa án quốc tế cũng là một lựa chọn. Nhưng trước hết và sau cùng vẫn là giải quyết với TQ. Và vì vậy, sự lựa chọn của Đảng và Nhà nước ta sẽ giải quyết được vấn đề, dù là rất lâu dài.

Bây giờ mọi người nhìn vào sự kiện ngày 26.5 một cách rất bức xúc. Tôi đồng ý. Nhưng nếu nói về kết quả, chúng ta hãy nhìn: Trước hết, TQ đâm tàu, cắt cáp của ta, ta phản đối, đòi bồi thường, sửa xong ta lại tiếp tục thăm dò ở chỗ ấy, ta có bỏ chỗ ấy đâu! Thứ hai, chúng ta tuyên truyền rộng rãi cho cộng đồng thế giới để họ nhìn thấy cái nào đúng, cái nào sai, cái nào đẹp, cái nào xấu. Sự kiện quá rõ ràng, mọi người đều biết rõ. Còn đối với TQ, một lần nữa ta nói với họ rằng: “Các đồng chí đã, thứ nhất, vi phạm luật pháp quốc tế; thứ hai, xâm phạm chủ quyền VN; thứ ba, không tôn trọng các điều khoản Tuyên bố các bên về ứng xử ở biển Đông đã ký với ASEAN". Chúng ta cũng nói với họ rằng: "Chúng tôi đã làm đúng với nhận thức chung của lãnh đạo hai nước là kiềm chế, là giải quyết song phương, là công khai minh bạch, và tuyệt đối "không sử dụng vũ lực". Đồng thời, chúng ta cũng chứng minh quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tóm lại, tôi muốn nói, hãy nhìn sự kiện 26.5 một cách tích cực về phía VN.

Thưa trung tướng, có người cho rằng tại sao lực lượng của ta không phát hiện sớm và can thiệp đối với tàu hải giám của TQ mà để họ tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của ta?

Trước hết, vùng đặc quyền kinh tế là của ta, ta có toàn quyền quản lý, khai thác, xây dựng..., và bảo vệ chủ quyền. Nhưng theo UNCLOS, tàu các nước có thể đi lại vô hại trong khu vực này thì chúng ta không có quyền ngăn cấm, thậm chí ta còn có trách nhiệm bảo vệ họ. Vấn đề ở đây là, khi họ hành động uy hiếp, cắt cáp tàu Bình Minh 02 của ta là họ đã vi phạm luật pháp VN và luật quốc tế.

Quân đội đương nhiên có trách nhiệm bảo vệ vùng biển, vùng trời và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, đây là sự va chạm giữa hai con tàu dân sự. Đây là vụ va chạm dân sự, nên hai chủ thể va chạm phải giải quyết với nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế và báo cáo lên các cơ quan luật pháp, cơ quan quản lý của hai nước. Tuy nhiên, quân đội phải theo dõi sát tình hình, không để sự việc diễn biến phức tạp, leo thang. Còn nếu với một hành động là bạo lực vũ trang thì dứt khoát quân đội sẽ tham gia bảo vệ.

Xin cảm ơn trung tướng!

Lợi ích và sự tin cậy

Thưa trung tướng, trong bài phát biểu sáng nay (4.6 - PV), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói: "Mỹ và VN đã tiến đến phía trước và xây dựng quan hệ song phương mạnh mẽ và sinh động". Theo ông, mối quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai bên sẽ có nét mới nào?

Không nên lấy những lời phát biểu tốt đẹp của một chính khách để đo lường quan hệ giữa hai quốc gia. Tuy nhiên tôi có thể nói quan hệ giữa Mỹ và VN đang phát triển, vì 2 lý do. Thứ nhất, lợi ích. Mỹ có lợi ích khi quan hệ với các nước trong khu vực, mà ở đó VN có một vị thế rất đáng tự hào: Có tiếng nói chính nghĩa, có vị trí địa chính trị quan trọng với hơn 80 triệu dân. Mỹ quan tâm đến VN là điều đương nhiên. Thứ hai, Mỹ tôn trọng VN, tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng luật pháp và chế độ xã hội chủ nghĩa của VN. Chính nhờ 2 lý do đó mà quan hệ Mỹ - VN ấm dần lên, trong đó có quan hệ quốc phòng.

Thời gian vừa qua VN và Mỹ có sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Trước hết là việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích ở VN. Năm ngoái hai bên đạt được một thỏa thuận quan trọng là Mỹ hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cách mạng VN trong thời kỳ chống Mỹ. Họ cũng đồng ý xây dựng với ta hành trình tìm di sản chiến tranh, những quyển nhật ký, tranh vẽ, bút thư các chiến sĩ ta gửi cho gia đình. Tôi là người trực tiếp chuyển những thứ ấy đến gia đình người đã mất sau 40 năm, điều đó là vô giá đối với gia đình họ và với nhân dân ta. Và tôi nói với người Mỹ, không có gì tốt hơn là các ông phải làm điều ấy.

Trong lĩnh vực quốc phòng, hai bên hợp tác về quân y, đào tạo tiếng Anh, rà phá bom mìn, giải độc... Những việc này nằm trong khuôn khổ hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Tôi cho rằng VN cũng có lợi ích trong những việc này, đồng thời cũng tăng sự tin cậy giữa hai bên.

Thục Minh
(VP Singapore thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét