Giải quyết xung đột biển Đông bằng cơ chế đa phương

Tuổi Trẻ Online:
Chủ Nhật, 05/06/2011, 08:19 (GMT+7)

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates: Giải quyết xung đột biển Đông bằng cơ chế đa phương

TT - Trong ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La (4-6), Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo xung đột trên biển Đông có nguy cơ dẫn đến đụng độ. Ông Gates kêu gọi các nước áp dụng cơ chế đa phương để giải quyết xung đột.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: Reuters

“Có rất nhiều mối quan ngại. Tôi nghĩ chúng ta cần nhanh chóng đẩy mạnh cơ chế giải quyết các yêu cầu đòi chủ quyền trên biển Đông. Tôi sợ rằng nếu không có luật, không có những thỏa thuận để giải quyết các vấn đề, đụng độ sẽ xảy ra. Điều đó không đem lại lợi ích cho bất cứ ai - Bộ trưởng Gates nhấn mạnh - Chúng tôi tin rằng luật pháp quốc tế, được phản ánh qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, hướng dẫn rõ ràng về việc tiếp cận và sử dụng vùng lãnh hải. Cùng làm việc trên các diễn đàn khu vực và đa phương thích hợp, tuân thủ các nguyên tắc có lợi cho toàn khu vực, chúng ta có thể đảm bảo tất cả cùng chia sẻ và tiếp cận bình đẳng các đường hàng hải quốc tế” (iiss.org).

Philippines: Trung Quốc xâm phạm hòa bình, ổn định khu vực

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Philippines đăng thông báo trên trang web dfa.gov.ph cho biết phía Philippines tiếp tục phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc về hoạt động của các tàu hải quân Trung Quốc trên biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: “Hành vi của tàu Trung Quốc xâm phạm hòa bình và ổn định khu vực..., vi phạm nghiêm trọng tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông”.

Theo Bộ trưởng Gates, an ninh hàng hải vẫn là vấn đề rất quan trọng của khu vực, các vấn đề về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và sử dụng hợp lý lãnh hải là thách thức đối với an ninh và sự thịnh vượng của khu vực. “Quan điểm của Mỹ rất rõ ràng: chúng tôi có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, phát triển kinh tế và thương mại không bị cản trở và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Bộ trưởng Gates khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện “mạnh mẽ” tại châu Á với sự hỗ trợ của các loại vũ khí hiện đại nhằm bảo vệ các đồng minh và đảm bảo an toàn các tuyến đường hàng hải.

Theo ông Gates, dù Washington giảm ngân sách quốc phòng, quân đội Mỹ vẫn mở rộng sự hiện diện bằng việc chia sẻ các cơ sở quân sự với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và triển khai tàu chiến ven biển tới Singapore. Vùng biển quanh Singapore thuộc tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới.

Ông Gates cũng cho biết Washington sẽ đầu tư vào các vũ khí công nghệ cao ở châu Á như máy bay chống rađa, máy bay do thám không người lái, tàu chiến, vũ khí trên mạng... Chương trình vũ khí này “nhằm đảm bảo an ninh, chủ quyền và tự do của các đồng minh và đối tác Mỹ trong khu vực”. Ông Gates cũng cho biết chương trình vũ khí này là sự phản ứng lại “khả năng các công nghệ và vũ khí mới có thể được triển khai để ngăn chặn lực lượng Mỹ tiếp cận các vùng biển và các tuyến liên lạc quan trọng”.

Đồng quan điểm với ông Gates, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa khẳng định việc đảm bảo nhân quyền và bình đẳng, các quy định thương mại tự do và tự do hàng hải là những nguyên tắc quan trọng nhất cho hòa bình và các hoạt động kinh tế của thế giới. Ông Kitazawa cũng cho biết rút kinh nghiệm từ thảm họa động đất - sóng thần, Tokyo đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ cứu hộ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa phía tây nam Nhật.

Ông Kitazawa cho biết Nhật có thể mời các nước sử dụng căn cứ có tích trữ hàng cứu trợ và trang thiết bị cứu hộ này. Ông cũng đề nghị tổ chức hội nghị các quan chức quốc phòng để thảo luận hợp tác khi xảy ra sự cố hạt nhân. Ông Kitazawa thừa nhận Nhật thiếu các trang thiết bị để giải quyết sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và tỏ ý sẵn sàng giới thiệu những robot có khả năng hoạt động trong môi trường phóng xạ cao. Trong sự cố Nhà máy Fukushima Daiichi, các robot Mỹ đã được sử dụng để ghi hình và kiểm tra mức phóng xạ cũng như các dữ liệu khác trong các tòa nhà chứa lò phản ứng hạt nhân.

HIẾU TRUNG

Để thế giới hiểu đúng về tình hình biển Đông

Hôm nay 5-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đại tướng Phùng Quang Thanh có bài phát biểu trong phiên họp mang tên “Đối phó với những thách thức an ninh hàng hải mới” trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La. Trong cuộc gặp song phương bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc trước đó, đại tướng Phùng Quang Thanh đã khẳng định trong bài phát biểu ông sẽ đề cập sự kiện tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc tấn công để khu vực và thế giới hiểu đúng về tình hình biển Đông. Trong phiên họp này, Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi và Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng sẽ có bài phát biểu.

Chiều 4-6, bên lề Đối thoại Shangri-La, đại tướng Phùng Quang Thanh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng quốc phòng Úc Stephen Smith và Bộ trưởng quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa. Tại cuộc gặp với đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng Úc Smith mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Việt Nam theo Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương. Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đang phát triển. Úc là quốc gia cung cấp học bổng đào tạo tiếng Anh nhiều nhất cho sĩ quan Việt Nam. Đại tướng Phùng Quang Thanh mong muốn Úc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng quốc phòng Nhật Kitazawa, đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị phía Nhật tiếp tục dành cho Việt Nam các suất học bổng đào tạo sĩ quan. Bộ trưởng quốc phòng Nhật mời đại tướng Phùng Quang Thanh thăm chính thức Nhật và ký bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng song phương. Hai bộ trưởng cũng dành thời gian trao đổi về tình hình an ninh trên biển Đông. Bộ trưởng Kitazawa hi vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm xây dựng được Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) và nhanh chóng đưa quy tắc này vào thực hiện vì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Đ.B.T. (từ Singapore) - H.T.


vietnamnet.vn:

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm 4/6 đã cảnh báo rằng, có những “quan ngại ngày càng gia tăng” về hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác tại châu Á.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates Ảnh: Reuters


Gần đây, cả Việt Nam và Philippines đã cáo buộc Trung Quốc hành xử gây hấn ở Biển Đông, làm căng thẳng thêm leo thang ở vùng biển vốn luôn có tranh chấp này.

“Tôi e rằng nếu không có quy tắc của đường đi và phương pháp tiếp cận thống nhất để giải quyết những vấn đề này thì còn sẽ có đụng độ”, ông Gates nói tại Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh cấp cao châu Á.

Khi được hỏi liệu hành động của Trung Quốc có làm xói mòn “câu thần chú” của Bắc Kinh rằng, Trung Quốc đang theo đuổi “sự gia tăng hòa bình”, ông Gates nói: “Tôi không nghĩ rằng tới mức độ ấy”.

Chỉ một tuần trước đây, Việt Nam đã phản đối Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng” luật pháp quốc tế sau khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp dầu khí một tàu thăm dò của Việt Nam lúc tàu này tiến hành khảo sát trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

Sau đó, Manila đã phản đối Trung Quốc về việc một tàu nước này đã tháo dỡ vật liệu xây dựng ở bãi đá ngầm tại Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Philippines cho rằng, thực sự quan ngại khi Bắc Kinh có thể từ bỏ thỏa thuận từ chín năm trước rằng không bắt đầu xây dựng công trình mới ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông.

Trong khi ông Gates bày tỏ quan ngại về các vụ việc liên tục xảy ra gần đây, thì bình luận của ông dường như đã “dịu” hơn so với cách tiếp cận đầy cứng rắn trong năm ngoái của chính phủ Mỹ. Tại hội nghị tương tự vào năm 2010, ông Gates đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Tháng sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi trong một chuyến thăm Việt Nam đã tuyên bố, Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Tuyên bố cứng rắn của Mỹ năm ngoái là một phần phản ứng lời kêu gọi của các quốc gia Đông Nam Á về vai trò mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực để cân bằng với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington sau đó lại làm dấy lên lo lắng rằng, một cường quốc hải quân hiện thời và một Trung Quốc đang trỗi dậy có thể đi vào một cuộc xung đột ở nước láng giềng của họ.

Hôm thứ Sáu, ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia, cũng nhấn mạnh sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông khi kêu gọi một trật tự an ninh mà không ép buộc các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục cam kết theo đuổi con đường “gia tăng hòa bình”. Học thuyết này bao gồm việc đảm bảo rằng sự gia tăng kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc sẽ không đặt ra mối đe dọa nào với các nước khác, và rằng Bắc Kinh sẽ không tìm kiếm vai trò bá quyền.

Ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và là đại biểu cấp cao nhất mà Bắc Kinh cử tới Đối thoại Shangri-La sẽ nhắc lại thông điệp trên khi ông phát biểu ở diễn đàn vào hôm nay (5/6).

Thái độ “dịu hơn” của Washington với Trung Quốc xuất hiện khi hai nước tìm kiếm các cuộc đối thoại quân sự sâu sắc hơn. Hôm thứ Sáu, các đại biểu Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành hội đàm song phương mà hai bên mô tả là “khá thân mật”. Tháng trước, ông Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã có chuyến công du kéo dài một tuần lễ tới Mỹ.

Ông Gates, người đang thực hiện chuyến thăm châu Á cuối cùng trước khi rời nhiệm sở vào cuối tháng này, nói tại diễn đàn an ninh cấp cao rằng, Mỹ sẽ vẫn duy trì “cam kết quân sự mạnh mẽ” và tăng cường các cuộc thăm cảng, các thỏa thuận hải quân trong khu vực. Ông cũng bác bỏ những quan ngại về áp lực ngân sách với Lầu Năm Góc khi Mỹ đối mặt với tình trạng thâm hụt tài chính trong khi ngân sách quân sự Trung Quốc lại tăng không ngừng nghĩa là ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sẽ giảm sút.

Ông khẳng định: “Tôi đặt cược 100 USD rằng, năm năm kể từ bây giờ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này là mạnh nếu không phải là mạnh hơn như ngày nay”.

  • Thái An (Theo FT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét