Trung Quốc trong cơn khát dầu mỏ

VnExpress:
Thứ bảy, 11/6/2011, 13:11 GMT+7

Nhu cầu lớn trong nước cùng với những bất ổn tại các vựa dầu lớn thế giới đang làm gia tăng áp lực với Trung Quốc, khiến đất nước tỷ dân này sốt sắng tăng cường đẩy nhanh các chiến lược phát triển dầu mỏ của mình.

Dự báo, trong năm 2011, tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ chiếm một phần ba tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu thế giới.

Năm 2010 lượng dầu thô sử dụng thực tế của Trung Quốc là 439 triệu tấn, tăng 13,1% và đây là lần đầu tiên lượng dầu thô sử dụng thực tế vượt qua mốc 400 triệu tấn, tốc độ tăng cũng lập kỷ lục mới kể từ năm 2005 đến nay. 55% trong số đó, tương đương 260 triệu tấn, Trung Quốc phải nhập khẩu nhập khẩu.

Hồi tháng 3, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc Trần Canh - hiện là đại biểu Quốc hội - đã lên tiếng cảnh báo rằng dự trữ xăng dầu chiến lược của quốc gia này đang ở mức rất thấp. “Nguồn dự trữ chỉ đủ dùng trong mươi mười lăm ngày một khi có cuộc khủng hoảng về nguồn cung xảy ra”.

Trong bối cảnh khu vực Bắc Phi và Trung Đông có nhiều bất ổn thì nguồn cung dầu mỏ cho Trung Quốc đang bị đe dọa. “Tôi lo ngại rằng những bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc. Nếu bất ổn kéo dài hơn nửa năm thì Trung Quốc sẽ hứng chịu nhiều tổn thất”, ông Canh nói.

Năm 2009, Trung Quốc còn vượt qua Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ Ảrập lớn nhất, khiến dầu thô Ảrập trở thành nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Theo Cục tình báo năng lượng Mỹ (EIA), bất chấp Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để đa dạng hóa nguồn dầu thô, nhưng phần lớn số dầu thô nhập khẩu cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đều xuất phát từ Ảrập. Trung Đông cung ứng khoảng 2,9 triệu thùng mỗi ngày cho Trung Quốc, chiếm hơn một nửa tổng số lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc, trong đó lượng cung ứng của Ảrập đạt xấp xỉ 1,1 triệu thùng mỗi ngày.

Nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ, phương Tây và Iran, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn vì các nguồn cung cấp dầu lửa từ vùng Vịnh qua eo biển Hormuz - tuyến đường biển độc nhất ra vào vùng Vịnh - có thể bị đe dọa. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán lượng dầu Trung Quốc phải nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng cao, đến 2015 có thể chiếm hai phần ba nhu cầu và con số của năm 2030 là bốn phần năm nhu cầu. Từ năm 2007, Trung Quốc cũng bắt đầu nhập khí đốt sau gần hai thập kỷ tự túc.

Sốt sắng tìm nguồn dầu mỏ mới

Nhu cầu trong nước ngày càng gia tăng cùng với những bất ổn tại các nước xuất khẩu dầu lớn khiến Trung Quốc sốt sắng tìm kiếm các nguồn cung ứng dầu mỏ khác. Cơn khát dầu khí để phục vụ phát triển nền kinh tế đang nóng này là một trong những nguyên nhân khiến nước này ngày càng tìm cách gây ảnh hưởng ra bên ngoài, nhắm đến những nơi có nguồn tài nguyên này.

Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục tăng cường các hoạt động thăm dò dầu mỏ ở biển Đông. Các hoạt động này nằm trong chiến lược lâu dài của chính quyền Bắc Kinh là thâu tóm gần như toàn bộ vùng biển này, nhằm kiểm soát một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới cũng như độc chiếm nguồn lợi về hải sản và dầu mỏ, đồng thời gia tăng ảnh hưởng xuống khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Theo ước tính, biển Đông được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 7,7 tỷ thùng dầu, trữ lượng khí đốt khoảng 266 nghìn tỷ feet khối. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mới đây khẳng định Biển Đông có trữ lượng 50 tỷ tấn dầu thô, hơn 20.000 tỷ mét khối khí đốt, gấp 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí đốt hiện có của nước này.

Mặt khác, Trung Quốc tích cực triển khai các dự án năng lượng ở Biển Đông. Mạng Jamestown Foundation (Mỹ) cho biết để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu lửa nhập khẩu từ các khu vực bất ổn ở Trung Đông và châu Phi, giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề nghị chính phủ từ nay đến năm 2020 triển khai các dự án thăm dò và khai thác năng lượng trị giá 30 tỷ USD ở Biển Đông.

Cuối năm 2010, Công ty Dầu lửa Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) trực thuộc nhà nước và đối tác nước ngoài của công ty này là BG Group PLC (trước kia là công ty Khí đốt của Anh) thông báo liên doanh này đã tìm thấy cát chứa khí đốt trong lúc khoan thăm dò lần đầu tiên ở vịnh Qiongdongnan, sâu gần 1.400 m, ở phía nam đảo Hải Nam. Zhu Weilin, Phó Chủ tịch Điều hành CNOOC, cho biết công ty này “rất lạc quan trước những kết quả ban đầu. Kết quả đó sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của công ty trong việc thăm dò các khu vực nước sâu.”

Ở phía đông bắc, CNOOC và đối tác Husky Energy Inc (Canada) sẽ bắt đầu triển khai dự án khai thác vào năm 2013 sau khi phát hiện lượng khí đốt lớn ở độ sâu 3.000m so với mặt biển ở ngoài khơi Trung Quốc. Khu vực khí đốt lớn nhất của Trung Quốc trên Biển Đông là nguồn năng lượng chủ yếu phục vụ các trạm phát điện của Hong Kong và mỗi năm sản xuất khoảng 124 tỷ feet khối khí đốt. Đây là dự án đầu tư chung giữa tập đoàn BP, CNOOC và công ty Thăm dò khai thác Dầu lửa Nước ngoài của Kuwait.

Sau khi sản xuất nhiều thiết bị thăm dò, khai thác và có kinh nghiệm trong việc khoan dầu dưới biển, Trung Quốc dự định sẽ thúc đẩy các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu lửa và khí đốt trên Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền và kiểm soát các nguồn dự trữ khí đốt và dầu lửa.

Zhou Dadi, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu năng lượng thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết biển Hoa Đông và Biển Đông là hai khu vực có tiềm năng về khai thác dầu khí biển sâu và sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Tăng cường năng lực khai thác

Giàn khoan 981 được Trung Quốc kỳ vọng giúp tăng năng lực khai thác ở biển Đông.
Giàn khoan 981 được Trung Quốc kỳ vọng giúp tăng năng lực khai thác ở biển Đông.

Từ kế hoạch năm năm lần thứ 11 (năm 2005-2010), Trung Quốc đã thúc đẩy phát triển chiến lược khai thác dầu mỏ ở khu vực biển sâu. Sau 6 năm sản xuất, Vào ngày 23/5, Trung Quốc đã cho hạ thủy giàn khoan dầu lớn và hiện đại nhất của mình tại Thượng Hải.

Trong hai ngày 23 và 24/5, CNOOC đã công bố và đặt tên cho giàn khoan này là Dầu khí Hải Dương 981 và con tàu rải đường ống là Dầu khí Hải Dương 201 với tổng chi phí chế tạo 6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 19.000 tỷ đồng.

Ngày 26/5, tám tàu lai dắt và bốn tàu tuần tra biển đã hộ tống giàn khoan Dầu mỏ Hải Dương 981 ra đảo Châu Sơn để hiệu chỉnh. Tháng 8 năm nay, dự kiến giàn khoan 981 sẽ chính thức được bàn giao.

Đây là giàn khoan kiểu nửa chìm hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 mét, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 mét, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới và là giàn khoan cấp siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Trên thế giới chỉ có khoảng 20 giàn khoan hoạt động ở độ sâu 3.000 m. Trung Quốc lâu nay chỉ có giàn khoan hoạt động được ở các vùng biển sâu 500 mét.

Giàn khoan dài hơn 650 mét, gồm năm tầng cao 136 mét (tương đương tòa nhà 45 tầng), được thiết kế chống bão cấp 10. Diện tích boong tương đương sân vận động đúng tiêu chuẩn. Giàn khoan có đầy đủ hệ thống phục vụ cho 160 công nhân làm việc và nghỉ ngơi.

Trong ngày hạ thủy giàn khoan 981, Tổng công ty Dầu mỏ Hải Dương Trung Quốc đã công bố 19 khu vực trên biển Đông sẽ hợp tác với nước ngoài thăm dò và khai thác, trong đó có sáu khu vực ở biển sâu, ba khu vực ở phía tây và ba khu vực ở phía đông biển Đông.

Giàn khoan nước sâu được giới truyền thông Trung Quốc ví von "tàu sân bay" này sẽ được kéo ra biển Hoa Đông thử nghiệm trước, sau đó mới kéo ra vùng biển Đông để khai thác dầu khí. Châu Thủ Vi, Phó giám đốc tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc cho biết tham vọng của Bắc Kinh trong chiến lược năng lượng, dầu mỏ: "Không chỉ tại biển Đông, mà ở tất cả các vùng biển nước sâu trên thế giới Trung Quốc cũng cần có phần.”

Con "tàu sân bay" dầu khí này của Trung Quốc ước tính cho thuê theo giá hiện hành cũng được 1-1,5 triệu USD một ngày ngày bởi cả thế giới hiện nay mới chỉ có 20 dàn khoan có thể tác nghiệp ở độ sâu 3.000 mét.

Tuyến Nguyễn tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét