Vàng thế giới sắp lập đỉnh

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 10:40 AM, 16/04/2011

(VOV) - Giá vàng thế giới đang được niêm yết với giá 1485,7-1486,5 USD/oz (mua vào- bán ra) cách đỉnh 1500 USD/oz không còn bao nhiêu

Lúc 10h30’ ngày 16/4, thương hiệu vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại TP HCM niêm yết với giá 37,12- 37,19 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Còn tại Hà Nội giá bán ra của công ty này được niêm yết 37,21 triệu đồng/lượng.

Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo tín Minh Châu, thương hiệu vàng SJC được niêm yết giá 37,15- 37,28 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Thương hiệu Vàng rồng Thăng Long cũng được Bảo tín Minh Châu niêm yết với giá tương tự.

Công ty vàng bạc đá quý Sacombank giá vàng SJC niêm yết 37,15- 37,27 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Còn thương hiệu vàng SBJ lại được niêm yết giá 37,16-37,26 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Như vậy so với ngày 15/4, giá vàng giao dịch trong nước không có nhiều thay đổi.

Giá vàng quốc tế đêm 15/4 tăng vọt lên mốc cao kỷ lục mới. Hiện cách ngưỡng dự báo 1.500 USD không còn bao nhiêu. Theo đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 6 trên sàn Comex ở New York tăng 13,6 USD, tương đương 0,8%, lên 1.486 USD/oz. Như vậy, so với kỷ lục lập được trong tuần trước khi leo lên 1.474,1 USD, mỗi ounce vàng giờ cao hơn gần 12 USD.

Vàng tăng giá mạnh trước những quan ngại về tình trạng lạm phát ngày một gia tăng.

Ngày 15/4, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 3 tăng 0,5%. Trong khi đó, lạm phát tại Trung Quốc trong cùng tháng leo thang mạnh tới 5,4%, mức cao nhất trong khoảng 3 năm.

Các chuyên gia cho rằng bất cứ một động thái tăng giá lạm phát tại thị trường Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ tác động mạnh đến giá vàng trong bối cảnh dầu thô và các giá cả lương thực trên thế giới đang ở mức cao.

Bên cạnh đó vấn đề nợ công tại châu Âu đang ở mức khủng hoảng cao. Sau khi Hy Lạp buộc phải tái cơ cấu nền tài chính, Bồ Đào Nha kêu cứu và Moody đánh tụt tín nhiệm nợ công Ireland thì giá vàng đã tăng mạnh.

Với những bất ổn trên, nhiều chuyên gia dự đoán, giá vàng sẽ còn tăng cao trong thời gian tới./.

T.H

Trung Quốc: dự trữ ngoại hối vượt 3.000 tỉ đô la Mỹ

Saigon Times Online - Thời báo Kinh tế Sài gòn - Thoi bao Kinh te Sai gon:
Chánh Tài
Thứ Sáu, 15/4/2011, 11:48 (GMT+7)










Trụ sở ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) - Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lần đầu tiên vượt mức 3.000 tỉ đô la Mỹ, đạt 3.040 tỉ đô la Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức ngân hàng trung ương nước này, cho biết.

Hôm qua 14-4, ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố, trong quí 1-2011, dự trữ ngoại hối tăng thêm 197 tỉ đô la Mỹ. Trong tháng 3-2011, các ngân hàng Trung Quốc cũng cho vay các khoản vay mới hơn 679,4 tỉ nhân dân tệ (104 tỉ đô la Mỹ).

Chính sách kiểm soát tiền tệ của chính phủ Trung Quốc cùng với thặng dư thương mại và những dòng vốn chảy vào nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới này đã giúp dự trữ ngoại hối của Trung Quốc phình thêm 1.000 tỉ đô la Mỹ trong hai năm vừa qua.

Dự trữ ngoại hối Trung Quốc ở mức cao nhất thế giới và gần gấp ba lần dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, nước đang xếp thứ hai về dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng dự trữ ngoại hối cao chưa hẳn đã có lợi mà có thể có hại.

Ông Stephen Green, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered cho rằng mức dự trữ ngoại hối của Trung Quốc quá lớn, quá mức cần thiết và gây tổn hại cho nền kinh tế. Mỗi đô la Mỹ dự trữ, Trung Quốc phải in 6,5 nhân dân tệ, làm tăng lưu lượng tiền mặt, khiến vấn đề lạm phát càng thêm tồi tệ.

Việc Trung Quốc tăng dự trữ ngoại hối cho thấy sự mất cân đối toàn cầu, cụ thể là thặng dư thương mại quá lớn của Trung Quốc.

Hôm nay (15-4), các bộ trưởng tài chính G20 họp tại Washington (Mỹ) sẽ tìm kiếm một thỏa thuận về hệ thống cảnh báo sớm giúp ngăn ngừa mất cân đối trong thương mại và các mô hình tài chính đã góp phần dẫn đến khủng hoảng và suy thoái kinh tế giai đoạn 2007-2009.

(Bloomberg, Forexpros)




billgate ( theo Gafin )

Trung Quốc có thể mua cả thế giới với hơn 3.000 tỷ USD ?

Với khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình, Trung Quốc có thể mua rất nhiều thứ khác chứ không chỉ là trái phiếu chính phủ Mỹ.


Trung Quốc có thể mua cả thế giới với hơn 3.000 tỷ USD ? shopping entertainments
ảnh minh họa

Ngày 14/4, ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố số liệu mới cho thấy dự trữ ngoại tệ tính tới cuối tháng 3 đạt trên 3.000 tỷ USD.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc có rất nhiều tiền nhưng không có nhiều trí tưởng tượng khi chỉ dành tiền để mua chứng khoán chính phủ Mỹ. Dù việc đó mang tới thêm USD nhưng đống USD đó sẽ giá trị bao nhiêu nếu nước Mỹ không chống nổi lạm phát hay trượt giá.

Vậy Trung Quốc có thể làm gì với số tiền mình đang có? Thay vì giữ USD, Trung Quốc có thể chọn đồng euro. Trung Quốc có thể mua tất cả số nợ công khổng lồ của Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, giải quyết khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro trong nháy mắt. Và vẫn còn tới gần 1 nửa khoản dự trữ của mình.

Cách khác là từ bỏ hoàn toàn số nợ và mua chứng khoán. Trung Quốc có thể nuốt gọn Apple, Microsoft, IBM và Google với không tới 1.000 tỷ USD. Hay nó cũng có thể theo chân các đại gia và ông trùm lớn mua các câu lạc bộ bóng đá Anh. Theo tạp chí Forbes, giá trị nhượng quyền thương mại của 50 câu lạc bộ thể thao lớn nhất thế giới năm ngoái chỉ có giá 50,4 tỷ USD, không đến 2% dự trữ Trung Quốc.

Một lĩnh vực khác mà những người giàu nhất thế giới ưa thích đổ tiền vào là bất động sản. Có thể Trung Quốc nên mua một số địa chỉ đặc biệt tại Manhattan. Thậm chí là cả Manhattan? Giá trị bất động sản tính thuế của hòn đảo này chỉ là 287 tỷ USD, theo chính quyền thành phố New York. Các bất động sản tại thủ đô Washington D.C Mỹ cũng chỉ khoảng 232 tỷ USD. Trung Quốc đã là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, tại sao không trở thành chủ đất?

Trung Quốc cũng có thể làm giảm mối lo ngại về năng lượng, thực phẩm và an ninh quân sự. 3.000 tỷ USD sẽ mua được khoảng 88% nguồn cung dầu toàn thế giới. 1.870 tỷ USD (giá năm 2009) đủ để mua tất cả đất nông nghiệp (và trang trại) tại lục địa Mỹ.

Về lý thuyết, Trung Quốc cũng có thể mua toàn bộ Bộ Quốc phòng của Mỹ, với trị giá tài sản chỉ 1.900 tỷ USD, theo số liệu năm 2010. Phần lớn trong số đó là đất đai, các tòa nhà và các khoản đầu tư; súng, xe tăng và các loại vũ khí khác trị giá chỉ 423,7 tỷ USD.

Các số liệu tính toán này không chỉ để thấy khoản dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lớn tới mức nào mà còn để thấy những khó khăn to lớn phải đối mặt để đa dạng chúng.

Gửi vào 16/04/11 14:02

Lời thú tội muộn màng của người vợ tẩm xăng đốt chồng

Xã hội - Dân trí:
Thứ Bẩy, 16/04/2011 - 08:48

(Dân trí) - Biết chồng say rượu, bị ngã xuống đất, người vợ không những không đưa vào nhà chăm sóc mà còn dùng dây thắt cổ chồng đến chết. Sau đó, người vợ này mua xăng đổ lên người đốt và thản nhiên đưa xác chồng đi chôn làm như không có chuyện gì xảy ra.

Sau gần một tháng CQĐT Công an huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An phối hợp cùng người thân gia đình thị Liễu để tìm kiếm anh Nguyễn Văn Hùng (chồng thị Liễu) được cho là mất tích thì ngày 11/4/2011, Cao Thị Liễu đã đến trình báo với cơ quan chức năng về việc giết chồng.
Cùng ngày cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Đàn đã bắt khẩn cấp đối với Cao Thị Liễu (SN1979) trú xóm 1, xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn, Nghệ An về tội giết người.
Tại CQĐT, thị Liễu khai đã dùng dây thắt cổ chồng đến chết, sau đó mua thêm 3 lít xăng đổ lên người và đốt chồng cháy đen. Thị Liễu còn cho biết thêm, thời gian qua anh Hùng ngày nào cũng uống rượu, có những cuộc rượu uống cho đến say mới thôi. Cứ rượu vào là lời ra, về nhà lại sinh chuyện mắng vợ, chửi con. Mặc cho mọi người khuyên răn, nhưng Hùng vẫn “tính nào vẫn tật nấy”. Liễu đã có lần nói trong tâm trạng bực tức là sẽ chôn sống anh Hùng nếu tình trạng này kéo dài.
Địa điểm thị Liễu chôn xác chồng

Chiều ngày 27/3/2011, anh Hùng đi uống rượu cho đến lúc say mềm, phải có người cõng về nhà. Hùng mắng vợ con, sau đó đi ra giếng thì bị ngã. Quá tức giận, Liễu thấy chồng trong tình trạng quá say đã bế anh vào chuồng lợn cho nằm xuống nền sau đó lấy dây thừng treo cổ anh Hùng đến chết.

Chưa dừng lại ở đó, thị Liễu tiếp tục đi mua 3 lít xăng và lấy quần áo chất lên người anh Hùng rồi châm lửa đốt. Khoảng gần 3 giờ sáng hôm sau Liễu kéo xác anh Hùng cách nhà 70m bỏ vào một cái hố cũ, dùng cuốc lấp đất lên.

Chuồng lợn nơi thị Liễu dùng dây thắt cổ chồng đến chết rồi tẩm xăng đốt

Trưa ngày 28/3/2011, thị Liễu loan tin rằng anh Hùng bị mất tích. Mọi người trong gia đình đi tìm khắp nơi vẫn không thấy. Cũng thời gian trên, cứ đêm đến nằm ngủ thị Liễu lại thấy ác mộng. Không còn chịu đựng được áp lực từ những ác mộng, ngày 11/4/2011, thị Liễu đã nói với người nhà, anh Hùng đã chết, được chôn trong rẫy và do chính tay mình giết.

Ngày 13/4/2011, CQCSĐT và bộ phận pháp y Công an tỉnh Nghệ An đã khai quật tử thi khám nghiệm. Ngày 14/4/2011, Cao Thị Liễu đã bị khởi tố về tội giết người.

Được biết, anh Nguyễn Văn Hùng, quê ở Thanh Lâm, Thanh Chương (Nghệ An) làm nghề thợ xây. Năm 1996, anh Hùng theo anh em đến Nghĩa Mai nhận thầu và xây dựng một số công trình tại đây. Cùng năm đó, Hùng kết duyên cùng Liễu và sinh hai người con trai, định cư tại đây.
Tuy nhiên suốt thời gian qua anh Hùng hay uống rượu say rồi chửi bới vợ con. Cho rằng, chồng đối xử không ra gì, thị Liễu đã hành động giết người cực kỳ dã man.
Ngày lấy lời khai tại CQĐT, thị Liễu đã cúi đầu nhận tôi và thành khẩn ăn năn. Thị Liễu đã ôm mặt khóc nức nở và cầu xin sự khoan hồng của pháp luật.
Lê Văn Sơn

Dân trí: Thứ Ba, 12/04/2011 - 13:21

Nghệ An:

Tìm thấy xác nạn nhân bị đốt sau lời thú tội của người vợ

(Dân trí) - Thấy anh Hùng đi uống rượu ở hàng xóm về không may bị ngã đập đầu vào thành giếng chết, người vợ không báo với cơ quan chức năng mà mua thêm 4 chai xăng đốt chồng, đưa đi chôn rồi báo cáo chồng mất tích.

CQĐT công an huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An cho biết, người vợ nhờ điều tra và tìm kiếm anh Nguyễn Thế Hùng (SN 1976, trú xóm 1A, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) mất tích từ đêm 25/3/2011 vừa khai sự thật chồng đã chết. Việc tìm kiếm đang triển khai được 15 ngày thì sáng ngày 11/4/2011, Cao Thị Liễu (SN 1979) đến cơ quan chức năng tự thú.

Ông Lê Văn Long - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết: “Vợ chồng anh Nguyễn Thế Hùng đã có với nhau 2 con trai (con đầu 12 tuổi, con thứ 8 tuổi). Trong quá trình sống với nhau hai người không có mâu thuẫn gì lớn. Tuy nhiên không hiểu sao ngày 26/3/2011, Cao Thị Liễu báo với chính quyền là anh Hùng mất tích. Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra và đúng trong thời gian đó không thấy anh Hùng xuất hiện ở địa phương. Ngay sau đó, chính quyền và người nhà cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức đi tìm và thông báo cho các xã lân cận về việc anh Hùng mất tích.

Và đến sáng 11/4/2011, khi mọi người vẫn đang tiếp tục tìm kiếm tung tích anh Hùng, thì Cao Thị Liễu đến cùng người thân của anh Hùng báo cáo chính quyền việc chính tay mình dùng xăng đốt và đưa đi chôn để phi tang xác chồng.

Tại cơ quan địa phương, Cao Thị Liễu đã khai, trước đó vào đêm 25/3/2011, anh Hùng đi uống rượu nhà bạn trong xóm về. Do quá say, anh Hùng đi ra giếng của nhà mình múc nước uống không may bị ngã đập đầu vào thành giếng đột tử.

Phát hiện chồng chết (lúc này các con đã đi ngủ), Cao Thị Liễu đã đi mua 4 chai xăng và tưới lên thi thể chồng để đốt. Sau khi đốt xong, Liễu tự tay đưa xác chồng vùi xuống một hố sâu ở chân một con đập cách nhà khoảng 50m vùi xuống một hố sâu. Sau đó, Liễu bình thản đi báo cáo với công an và hợp tác trong việc tìm kiếm chồng “mất tích”.

Đến sáng ngày 11/4/2011, Cao Thị Liễu đã tự thú, CA huyện Nghĩa Đàn đã kết thúc việc tìm kiếm anh Hùng sau hơn 15 ngày được cho là mất tích. Hiện Liễu bị bắt tạm giam để điều tra. Theo đó, Công an huyện Nghĩa Đàn phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An tổ chức khai quật và khám nghiệm tử thi anh Hừng nơi Cao Thị Liễu đã chôn xác chồng.

Vụ việc đang được công an Nghĩa Đàn hoàn tất hồ sơ chuyển VKS phê duyệt quyết định khởi tố vụ án.

Cũng khoảng thời gian xảy ra vụ đốt xác chồng này, trên địa bàn huyện Quế Phòng, ngày 8/4, tại khu vực rẫy thuộc bản Mường Piệt, Thông Thụ, người dân đi rẫy phát hiện xác người phụ nữ được xác định là Quang Thị Hương (SN 1964) trú ở bản Mường Piệt với 10 vết cắt trên cổ dài khoảng 10 cm.

Nguyễn Duy - Bá Liễu

Xử phạt hai đối tượng gây rối trật tự công cộng

Chuyên đề pháp luật - NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ:
Cập nhật lúc 02:03, Thứ bảy, 16/04/2011 (GMT+7)

Sáng 4-4-2011, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ phạm tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định tại Ðiều 88, Khoản 1, điểm c - Bộ luật Hình sự. Khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, Lê Quốc Quân, SN 1971, hiện ở phòng 504, N9 khu Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), là Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam và Phạm Hồng Sơn, SN 1968 (không nghề nghiệp), hiện ở số 72B, phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) cùng một số người tụ tập tại vỉa hè khu vực ngã ba Triệu Quốc Ðạt - Hai Bà Trưng đã la hét, gây rối trật tự.

Các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa dùng loa, yêu cầu số người này giải tán, ra khỏi khu vực bảo vệ phiên tòa nhưng họ không chấp hành. Lê Quốc Quân và Phạm Hồng Sơn kích động những người chung quanh không chấp hành yêu cầu của lực lượng bảo vệ phiên tòa. Quân và Sơn cùng một số người xô đẩy lực lượng làm nhiệm vụ trong khu vực bảo vệ, gây mất trật tự an ninh. Trước tình hình trên, lực lượng bảo vệ phiên tòa đã bắt giữ Quân và Sơn cùng một số người khác đưa về trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm lập biên bản phạm tội quả tang, đồng thời tiến hành điều tra làm rõ hành vi vi phạm của hai đối tượng này.

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, có đủ cơ sở xác định Lê Quốc Quân và Phạm Hồng Sơn đã có hành vi gây rối trật tự công cộng. Xét thấy hành vi vi phạm của Lê Quốc Quân và Phạm Hồng Sơn không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, ngày 13-4-2011, Công an quận Hoàn Kiếm đã ra Quyết định số 86 và 87 xử phạt hành chính đối với Quân và Sơn.

PV

Tòa án giải tán đảng của cựu tổng thống Mubarak

Vietnam+ (VietnamPlus)
16/04/2011 | 20:44:00


Một tòa án của Ai Cập ngày 16/4 đã ra lệnh giải tán đảng cầm quyền trước đây của Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak.

Tòa hành chính tối cao cũng phán quyết rằng mọi tài sản thuộc Đảng Dân chủ Nhân dân (NDP) sẽ bị tịch thu và bàn giao cho chính phủ.

Ông Mubarak đang bị giam giữ tại bệnh viện và chờ thẩm vấn liên quan những cáo buộc tham nhũng.

CNN dẫn lời một quan chức quân đội cho hay ông Mubarak đx được chuyển tới một căn cứ quân sự tại Cairo cũng ngày.

Hai con trai của ông và nhiều bộ trưởng cùng quan chức thuộc đảng cầm quyền của ông cũng đang bị điều tra.

Tổng thống Mubarak phải từ chức hồi tháng 2 sau cuộc nổi dậy của quần chúng kết thúc 30 năm cầm quyền của ông.

Việc giải tán đảng của ông là một yêu cầu then chốt của những người biểu tình đã hạ bệ ông. Các văn phòng của đảng này từng là mục tiêu bị tấn công trong thời gian diễn ra cuộc nổi dậy.

Người phát ngôn của NDP, ông Nabil Luka Bibawi tuyên bố NDP sẽ theo đuổi các thủ tục pháp lý để chống lại phán quyết này của tòa.

Đảng NDP chi phối chính trường Ai Cập kể từ khi được người tiền nhiệm của ông Mubarak là Anwar Sadat lập nên vào năm 1978./.

(Vietnam+)

Israel lại không kích dải Gaza

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 9:20 PM, 16/04/2011

Cảnh đổ nát sau vụ không kích

Đây là hành động trả đũa các tay súng Palestine đã bắn rốc két vào hai thành phố Ashdod và Ashkelon của Israel

Ngày 16/4, quân đội Israel lại tiến hành hai vụ không kích nhằm vào các mục tiêu của Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đang kiểm soát dải Gaza.

Quân đội Israel xác nhận vụ bắn rốc két này và tuyên bố, đây là hành động trả đũa các tay súng Palestine đã bắn rốc két vào hai thành phố Ashdod và Ashkelon của nước này trước đó vài giờ. Hiện chưa có báo cáo thiệt hại về người trong các vụ bắn phá đáp trả vừa nêu.

Xung đột bùng phát từ sau hôm 7/4 vừa qua, Hamas bắn hàng trăm quả đạn pháo, tên lửa sang lãnh thổ Israel, trong đó có 1 quả bắn nhầm vào một xe bus chở học sinh, làm một tài xế và một thiếu niên bị thương nặng.

Cùng ngày 7/4, Hamas cũng đã tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn đơn phương trong nỗ lực không muốn bạo lực leo thang với Israel. Phía Israel vẫn liên tiếp có các hành động trả đũa bằng không kích vào dải Gaza khiến 19 người Palestine thiệt mạng và hơn người 30 người khác bị thương ./.

Mai Liên (theo Reuters)

Thủ tướng Nga Putin chơi khúc côn cầu

Thế giới - Dân trí:
Thứ Bẩy, 16/04/2011 - 10:25

(Dân trí) - Thủ tướng Nga Vladimir Putin hôm qua đã thử chơi môn thể thao khúc côn cầu trên băng trong khuôn khổ một trận đấu không chính thức giữa 2 đội trẻ.

Ông Putin đã tham gia trận đấu kéo dài 40 phút tại khu phức hợp thể thao Luzhniki ở Mátxcơva giữa 2 đội trẻ đến từ các thành phố Chelyabinsk và Penza. Hai đội này sẽ đối đầu nhau trong vòng chung kết của giải khúc côn cầu trên băng Golden Puck dành cho các bạn trẻ vào hôm nay.

“Đó là một môn thể thao tiêu hao nhiều năng lượng và theo quan điểm của tôi, khúc côn cầu trên băng ít gây chấn thương hơn bóng đá”, ông Putin, 58 tuổi, nói.

Cho tới tận gần đây Thủ tướng Nga vẫn chưa biết trượt băng. Hồi tháng 2 năm ngoái, ông Putin từng hứa sẽ học trượt băng trong một cuộc trò chuyện với các vận động viên trẻ của Nga.

Thủ tướng Nga nói thêm ông từng thử trượt băng hồi còn trẻ nhưng không thích môn này. “Tôi từng bị xoạc chân nên nhận thấy rằng môn thể thao này không dành cho tôi. Nhưng giờ tôi lại rất thích nó”, ông Putin nói.

Không chỉ nổi tiếng là một võ sĩ judo đai đen, ông Putin còn có thể chơi nhiều môn thể thao như bơi, cưỡi ngựa, trượt tuyết.

An Bình
Theo Ria

Ông Putin yêu cầu dừng bàn tán ai tranh cử tổng thống

LAODONG

Thứ Bảy, 16.4.2011 | 09:28 (GMT + 7)

Thủ tướng Putin yêu cầu các thành viên của Đảng nước Nga thống nhất tập trung hơn vào cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga sắp tới thay vì bàn tán về việc ai sẽ ra tranh cử tổng thống năm 2012.

Putin muốn các thành viên trong đảng của mình dừng bàn tán chuyện ai sẽ tranh cử tổng thống 2012.
Putin muốn các thành viên trong đảng của mình dừng bàn tán chuyện ai sẽ tranh cử tổng thống 2012.

Hiện cả Thủ tướng Putin và Tổng thống Medvedev đều được cho rằng sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2012.

Hôm 15.4, Vladimir Putin, Thủ tướng Nga và cũng là Chủ tịch Đảng cầm quyền nước Nga thống nhất đưa ra một vài đề xuất về cuộc bầu cử đại biểu quốc hội sắp tới. Theo ông Putin, ứng viên tranh cử vào Duma Quốc gia Nga phải được sự đồng thuận của người dân chứ không chỉ được sự thông qua của các đảng chính trị.

Phát biểu tại cuộc họp với các lãnh đạo của Đảng cầm quyền nước Nga thống nhất hôm qua, ông Putin cho biết: "Người dân tin tưởng Đảng nước Nga thống nhất và bỏ phiếu cho đảng này. Điều đó có nghĩa là họ có quyền biết ai sẽ đại diện cho quyền lợi và mục đích của mình tại quốc hội".

Ông Putin cũng cho rằng, để thúc đẩy thể chế chính trị trong đảng nước Nga thống nhất, tính cạnh tranh trong đảng phải được tăng lên hơn nữa.

Đảng cần "những nhân tố mới, thú vị, những người có thể nhanh chóng nắm bắt những vấn đề hiện tại và giải quyết chúng". Ông Putin yêu cầu các nhà lập pháp trong Đảng nước Nga thống nhất phải phản ánh thẳng thắn và cụ thể những vấn đề còn tồn tại ở khu vực mình.

Boris Gryzlov, phát ngôn viên của Hạ viện Nga và là người đứng đầu Hội đồng tối cao Đảng nước Nga thống nhất nói, cuộc bầu cử sơ bộ với 600 ứng viên sẽ được tổ chức trước khi cuộc bầu cử đại biểu vào Duma Quốc gia Nga diễn ra vào tháng 12 năm nay.

"Điều này đặc biệt quan trọng đối với kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử", Gryzlov cho biết. Ông này cũng nói thêm rằng, cuộc bầu cử sơ bộ sẽ giúp các đảng chính trị có thêm cơ hội để hiểu rõ quyền ưu tiên của mình trước khi chính thức chạy đua vận động tranh cử.

Lan Phương (Theo Ria)

Cuba với mục tiêu cải cách kinh tế

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 9:54 AM, 16/04/2011

(VOV) - Chính sách cải cách kinh tế sẽ là nội dung quan trọng được thảo luận tại Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Cuba

Ngày 16/4, tại thủ đô La Habana (Cuba) sẽ khai mạc Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Cuba và kéo dài đến ngày 19/4. Chính sách cải cách kinh tế sẽ là nội dung quan trọng được thông qua tại đại hội lần này với một văn kiện mang tiêu đề “Đường lối chính sách kinh tế và xã hội”. Đại hội có khoảng 1.000 đại biểu trong số hơn 850.000 đảng viên tham dự.

Trước đó, những nội dung của văn kiện trình tại đại hội đã được thảo luận rộng rãi không chỉ giữa các đảng viên. Một việc làm cho thấy Cuba rất chú trọng ý kiến thống nhất của toàn dân để đẩy mạnh tiến trình cải cách kinh tế, phát triển đất nước.

Ý kiến của nhân dân cũng được đóng góp vào dự thảo văn kiện với hơn 55.000 cuộc thảo luận đã được tiến hành tại các cơ sở đảng, các cơ quan Nhà nước, xí nghiệp, tổ dân phố và trường đại học.

Nội dung thảo luận chính là bàn thảo về mô hình cập nhật hoá nền kinh tế của đất nước mà Chính phủ Cuba sẽ tiến hành trong tương lai.

Cuba lấy ý kiện rộng rãi của người dân về dự thảo văn kiện (Ảnh: Getty)

Các ý kiến đóng góp đã tập trung vào mô hình kinh tế tự doanh, thuế, hệ thống giao thông, hai đồng tiền, vấn đề tem phiếu... Trong số này, vấn đề điều chỉnh chính sách kinh tế của Cuba, mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, cắt giảm đáng kể lực lượng lao động trong khu vực Nhà nước, cắt giảm bao cấp, thực hiện chính sách thu thuế mới… được nhiều người đồng tình.

Việc từng bước cắt giảm chế độ bao cấp tem phiếu, được áp dụng ở Cuba từ năm 1962, cũng như một vài loại hình bao cấp khác cũng là một trong 291 vấn đề được đề cập trong “Dự thảo Đường lối chính sách kinh tế và xã hội” được Đại hội Đảng Cộng sản Cuba xem xét thông qua.

Nhìn lại quá trình phát triển, có thể nói Cuba đã đạt được một tầm vóc quốc tế chưa từng có từ khi làm chủ hoàn toàn vận mệnh của mình vào năm 1959. Đảo quốc này hiện là một tấm gương sáng trên toàn thế giới khi giảm tỷ lệ mù chữ từ 30% xuống dưới 0,2% trong vòng 50 năm qua. 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí. Cuba hiện giúp 89 quốc gia đào tạo trên 53.000 sinh viên, cử 113.000 bác sĩ làm việc và cộng tác tại 103 quốc gia.

Phát huy những thành tựu đó, chính sách thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác phát triển kinh tế sẽ là ưu tiên của Cuba trong giai đoạn tới. Đại hội lần thứ VI cũng sẽ nêu ra và thảo luận về chính sách kinh tế đối ngoại.

Mối quan hệ Việt Nam - Cuba là được xây dựng và củng cố trong suốt hơn nửa thế kỷ qua có thể coi là một minh chứng cho tình đoàn kết, sự ủng hộ lẫn nhau của nhân dân hai nước và của hai Đảng Cộng sản. Đó là mối quan hệ anh em gắn bó, thủy chung, là tấm gương chân thực đối với các nước đang phát triển. Mối quan hệ đó thể hiện tình cảm, lập trường cách mạng kiên định của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đối với sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng CNXH ở mỗi nước.

Cùng với nhiều hoạt động quan trọng như trao đổi các đoàn đại biểu cấp cao cùng nhiều hoạt động giao lưu văn hóa – xã hội, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước không ngừng được thúc đẩy. Hiện Cuba đang có những cơ chế mở, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực như du lịch, khách sạn, sân gôn, dầu khí, viễn thông, sản xuất hàng dân dụng… Đó sẽ là những cơ hội để quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển trong thời gian tới.

Quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản Cuba và Việt Nam cũng không ngừng được đẩy mạnh và củng cố. Biểu hiện cụ thể là Cuba rất quan tâm tới kỳ Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra đầu năm nay và đánh giá cao việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cử Đặc phái viên sang thông báo trực tiếp, kịp thời cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba về kết quả của đại hội, thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa hai Đảng.

Cuba coi việc Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức thành công Đại hội XI là kinh nghiệm tốt đẹp cho Cuba. Nước này bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, giành nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có thể khẳng định rằng những thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam và những thành tựu mà Đảng Cộng sản Cuba giành được thời gian qua cũng như đường hướng phát triển thời gian tới sẽ là những hòn đá tảng quan trọng, góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai nước theo tinh thần mà vị lãnh tụ Cuba Fidel Castro từng nhấn mạnh “Mối quan hệ giữa Cuba và Việt Nam là biểu tượng của thời đại”./.

Điệp Anh

Obama “chê” công nghệ tại Nhà Trắng lỗi thời 30 năm

Sức mạnh số - Dân trí:
Thứ Bẩy, 16/04/2011 - 12:41

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ tỏ ra rất nản lòng với công nghệ quá lỗi thời tại Nhà Trắng. “Nơi đây không phải là thế giới của công nghệ, chúng tôi đang tụt hậu 30 năm so với thế giới”, Obama chia sẻ tại một sự kiện ở Chicago.
Ông Obama trong một sự kiện tại Chicago.

Trước đây, trong những ngày mới nhậm chức, vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ đã phải “đấu tranh” đến cùng để được sử dụng chiếc điện thoại BlackBerry. Tuy nhiên, hiện tại, ông đang phải dùng một “chú dế” cũ kỹ, lỗi thời. “Giấc mộng” của Obama trước khi vào Nhà Trắng là sẽ được dùng những chiếc điện thoại hiện đại, sành điệu.

“Tôi là tổng thống Mỹ, nhưng đâu rồi những nút bấm, những chiếc điện thoại sành điệu và những chiếc màn hình cỡ lớn?”, Barrack Obama “than thở” trên ABC News.
Khôi Linh
Theo Mashable

Ngắm siêu xe buýt có vận tốc 255 km/h

VietNamNet
Xe buýt chưa bao giờ là một phương tiện chuyên chở đầy quyến rũ. Tuy nhiên, cách nghĩ này sẽ thay đổi với Superbus, thoạt nhìn giống xe lai giữa một chiếc limousine kéo dài và Batmobile.

Siêu xe buýt này có thể chở 23 hành khách và đạt tốc độ tới 255km/h, song điểm yếu duy nhất của nó có lẽ là rất khó tìm được chỗ đỗ. Superbus, dài đúng như một xe buýt tiêu chuẩn, được chế tạo từ vật liệu sợi carbon siêu nhẹ và vận hạnh bằng động cơ điện và ắc quy.

Một đội ngũ thiết kế của trường đại học TU Delft, gồm cựu phi hành gia người Hà Lan Wubbo Ockels, đã tiết lộ chiếc Superbus (siêu xe buýt) tại Triển lãm thế giới của Hiệp hội các phương tiện giao thông công cộng quốc tế (UITP) tại Dubai.

Siêu xe buýt có 12 cửa cho phép các hành khách dễ dàng ra vào những chiếc ghế rộng rãi.

Ông Ockels nói: "Thế mạnh của chiếc xe mới lạ này là Superbus có thể đi tới bất cứ đâu mà một xe buýt bình thường đi tới. Dự án về chiếc xe bắt đầu từ 2004 và cho tới giờ mới chỉ tiêu tốn 19 triệu USD.

Kỹ sư thiết kế trưởng Antonia Terzi, người đã làm việc cho đội BMW-Williams F1 nói, vẻ bề ngoài khí động lực làm chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu. Nội thất xe cũng khá ấn tượng, có túi khí cho mỗi hành khách và cả tivi, đường truyền internet.

Nếu Superbus vượt qua mọi kiểm tra của chính phủ ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, những người tạo ra xe cho biết, siêu xe buýt sẽ được đưa vào sử dụng sớm.


* Hoài Linh (Theo Mail)

Giải mật chuyện 8.000 con bò làm Nhà Trắng thất kinh

VietNamNe

Nhà Trắng đã bị một phen kinh hoàng khi người ngoài hành tinh bắt đi 8.000 con bò rồi xẻo thịt và vứt trở lại trái đất ở miền nam nước Mỹ trong những năm 1970 - theo các hồ sơ mới giải mật của FBI.


Người ngoài hành tinh có thể là thủ phạm vụ bắt cóc và tàn sát hơn 8.000 con bò ở miền nam nước Mỹ những năm 1970.

Tài liệu này là một trong hàng nghìn trang hồ sơ mật được giữ kín trước kia nhưng nay được FBI công bố trên trang web The Vault của cơ quan này.

Nội dung tài liệu mô tả chi tiết người ngoài hành tinh đã lấy đi chiến lợi phẩm từ các nạn nhân của mình ở dạng các bộ phận cơ thể và trong một số trường hợp, họ rút hết máu của các con vật.

Một nhà điều tra đưa ra giả thuyết rằng "những con vật này đã bị tàu bay nhấc đi, bị cắt xẻo ở đâu đó rồi lại được đưa trở lại để thả xuống. Những vụ cắt xẻo giống y hệt nhau xảy ra trên khắp phía tây nam. Bất cứ kẻ nào chịu trách nhiệm đều được tổ chức rất tốt về bí mật, tài chính và công nghệ vô hạn".

Tin tức về các vụ bắt cóc bò ở Colorado, Nebraska và New Mexico đã được báo về Nhà Trắng, làm dấy lên hoảng sợ về mối đe dọa tiềm ẩn từ đĩa bay và các sinh vật điều khiển vật thể này.

"Các tài liệu gửi tới chỗ tôi cho thấy một trong những hiện tượng lạ thường nhất trong ký ức của tôi", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi đó, Griffin Bell, bày tỏ trong một lá thư gửi cho thượng nghị sĩ Harrison Schmitt, theo báo The Sun.

Ông Schmitt là đại diện của New Mexico, nơi xảy ra vô số các vụ việc tại một nông trại ở Dulce, một thị trấn nhỏ phía bắc bang.

Trong một trường hợp, một chú bò đực 11 tháng tuổi bị tàu bay thả xuống cạnh nhà một người dân trong tình trạng các cơ quan sinh dục bị cắt bỏ.

Báo cáo của cảnh sát về vụ việc viết: "Con bò chịu nhiều vết bầm tím quanh ức, có vẻ như một chiếc bẫy đã được sử dụng để nhấc và hạ con vật từ tàu bay xuống... lớp thịt bên dưới da màu hồng nhạt. Lời giải có thể cho điều này là một loại phóng xạ kiểm soát đã được dùng để giết con vật... cả gan và tim đều mềm ra".

Các nhân viên FBI đã được phái tới các nông trại trên khắp cả nước có thông tin về hiện tượng bí ẩn để điều tra.

Theo một báo cáo từ trang trại ở Dulce năm 1976, một tàu bay tình nghi đã hạ cánh và để lại 3 dấu trong một hình tam giác.

Một báo cáo khác được lập năm 1979 viết: "Bộ Tư pháp khuyến nghị bộ phận phụ trách tội phạm của họ đã biết về hiện tượng các con vật bị cắt xẻo theo một cách mà cho thấy những hành động như vậy được người ta thực hiện như một phần của một lễ nghi".

FBI cho biết thêm rằng theo một số giả thuyết, đó có thể là kết quả của một cuộc chiến tranh sinh học hoặc "các vật thể bay không xác định" là thủ phạm.

Thanh Hảo (Theo Mail)

Đảng cầm quyền muốn Putin làm Tổng thống

VietNamNet
Nga: Đảng cầm quyền muốn Putin làm Tổng thống

Đảng cầm quyền ở Nga vừa phát đi tín hiệu rằng họ muốn Vladimir Putin trở thành ứng viên Tổng thống của đảng này.


Bộ đôi quyền lực Nga Dmitry Medvedev và Vladimir Putin. (Ảnh: RIA Novosti)

Cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống Nga nổ ra hôm 14/4 khi lãnh đạo Đảng Nước Nga Thống nhất, Yuri Shuvalov, khẳng định ông Putin là lựa chọn của đảng cho cuộc bầu cử vào tháng 3 năm tới.

Sau 3 năm hòa hợp, những tham vọng chính trị giờ đây đang kéo căng mối quan hệ giữa bộ đôi quyền lực Nga - Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev.

Hôm 12/4, ông Medvedev dường như đã quay lưng lại "người thầy" của mình khi trả lời một bài phỏng vấn của Đài Truyền hình Trung Quốc.

"Chúng tôi cần thay đổi. Chúng tôi cần hiện đại hóa đời sống kinh tế xã hội và hệ thống chính trị. Cần có những con người mới. Cần có những chính trị gia mới", ông Medvedev nhấn mạnh và khép lại bài phỏng vấn bằng câu nói rằng một quyết định về ứng viên Tổng thống chính thức sẽ sớm được đưa ra.

Ngay hôm sau, 13/4, Thủ tướng Putin "đáp lời" bằng cách yêu cầu mọi người hãy giảm bớt lối nói khoa trương: Ông cảnh báo rằng "còn gần một năm nữa mới đến kỳ bầu cử và tất cả những sự quan trọng hóa đó không đóng góp gì được cho một cấu trúc đang hoạt động bình thường".

Vladimir Putin là Tổng thống Nga cho tới năm 2008 qua 2 nhiệm kỳ trước khi chuyển giao quyền lực cho Dmirty Medvedev và trở thành Thủ tướng Nga.

Các thành viên trong Đảng Nước Nga Thống nhất cho rằng ông Medvedev chỉ có thể tiếp tục làm Tổng thống nếu ông Putin không tranh cử năm 2012.

Mặc dù Putin và Medvedev rất ít khi công khai bất đồng nhưng trước kia họ cũng đã từng xảy ra xung đột ngôn ngữ và những xung đột này đều nhanh chóng lắng xuống. Một thành viên cao cấp của Đảng cầm quyền cho hay: "Điều này có vẻ như đang trở thành xu hướng, tôi không biết hai người có sự rạn nứt hay không nhưng tôi biết họ có sự khác biệt".

Thanh Hảo (Theo Chosun Ilbo)

Philippines phản đối Trung Quốc về Biển Đông tại LHQ

VietNamNet

Philippines đã gửi công hàm chính thức đến Liên hợp quốc để phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông.


Philippines cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với các đảo và vùng biển lân cận tại Biển Đông là không có cơ sở luật pháp quốc tế. Hãng tin AP đã thấy bản copy công hàm phản đối Trung Quốc mà Philippines gửi tới LHQ.

Philippines, Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, khu vực được coi là rất giàu trữ lượng dầu và khí tự nhiên.

"Không có cơ sở luật pháp quốc tế"

Trong công hàm gửi tới Ban phụ trách các vấn đề Đại dương và Luật biển của LHQ, Philippines tuyên bố, nhóm đảo Kalayaan là một phần không tách rời của Philippines, rằng nước này có chủ quyền với vùng biển xung quanh hoặc tiếp giáp với mỗi đặc trưng địa chất trong Nhóm đảo Kalayaan theo quy định của luật pháp quốc tế, cũng như theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).


Ảnh minh họa: lastprice.wordpress.com

Philippines khẳng định, vùng biển tiếp giáp tới các đặc điểm địa chất tại Nhóm đảo Kalaayan đã được xác định bởi các biện pháp pháp lý và kỹ thuật, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “với vùng biển liên quan cũng như đáy biển và thềm lục địa” bên ngoài của các đặc trưng địa chất là “không có cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS".

Sự phản đối của Philipplines xuất hiện sau khi một tàu tìm kiếm thăm dò dầu khí nước này thông tin về việc bị hai tàu tuần tra của Trung Quốc “quấy nhiễu”. Quân đội Philippines đã triển khai hai máy bay chiến đấu tới khu vực xảy ra vụ việc và tàu Trung Quốc sau đó rời đi mà không có đụng độ gì.

Tại cuộc họp báo chung ngày 8/3 ở Jakarta, hai Tổng thống Indonesia và Philippines cho rằng tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán. Về vụ tàu thăm dò dầu khí bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu, Tổng thống Philippines Benigno Aquino loại trừ bất kỳ “hành động đơn phương” nào của Philippines trong vụ việc này.

Ông Aquino khẳng định, hợp tác thăm dò với các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông nên được tiếp tục. “Cùng hợp tác thăm dò là ý tưởng đã được đề xuất trong các thập niên trước, nhưng có lẽ chúng ta nên tiếp tục hội đàm với các nước tuyên bố chủ quyền khác. Không có chỗ cho hành động đơn phương ở khu vực đặc biệt này”, ông nói.

Vì nếu chúng ta hành động đơn phương, sẽ không giải quyết được vấn đề. Hy vọng rằng, với quan điểm coi đây là vấn đề quan tâm chung, một cơ hội chung, chúng ta sẽ có thể tiến lên phía trước trong việc sử dụng nguồn tài nguyên ở khu vực đặc biệt này nhằm tạo lợi ích cho tất cả các nước tuyên bố chủ quyền”.
Sau nhiều phản đối của các nước trong khu vực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư vẫn quả quyết chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông. Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh đầu tháng 3, bà tuyên bố: "Trung Quốc nắm giữ chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông. Trung Quốc tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng tham vấn thân thiện với các quốc gia khác”.

Thái An (Theo AP, inquirer)


tuanvietnam.vietnamnet.vn:

Trung Quốc nhìn lại mác "lợi ích cốt lõi" với Biển Đông

Khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Washington trong mùa đông, một trong những chủ đề nóng lại không được đề cập tới: đó là Biển Đông.

Suốt một năm qua, Biển Đông là một trong những vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất giữa Trung Quốc và Mỹ. Căng thẳng gia tăng khi quan chức Mỹ tuyên bố về lợi ích Biển Đông và lập tức được "đối đáp" bằng chính sách ngoại giao Trung Quốc. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, lãnh đạo Trung Quốc dường như đã vui vẻ để vấn đề lắng xuống, có lẽ là vì tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh với chính quyền Obama.

Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đã có nhiều năm tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ với Biển Đông. Tháng 7 năm ngoái, khi căng thẳng giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này gia tăng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã "liên kết" với những quốc gia Đông Nam Á để đưa ra tuyên bố phản đối Trung Quốc. Tại một hội nghị khu vực ở Hà Nội, bà thẳng thừng tuyên bố Mỹ có "lợi ích quốc gia" tại Biển Đông và rằng Trung Quốc cũng như các nước khác nên tôn trọng thỏa thuận năm 2002 đảm bảo việc giải quyết tranh chấp chủ quyền "bằng các biện pháp hòa bình".

Theo giới phân tích, khi ấy, quan chức Trung Quốc thực sự bất ngờ khi Mỹ dính líu tới vấn đề Biển Đông. Một cuộc tranh luận công khai đã nổ ra tại Trung Quốc về chủ điểm này: Liệu Trung Quốc có nên chính thức "nâng cấp" Biển Đông thành "lợi ích cốt lõi", sánh ngang với các vấn đề chủ quyền khác của họ như Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương để có thể biện minh cho sự can thiệp quân sự?

Một số quan chức Trung Quốc từng "thả nổi" ý tưởng này vào đầu năm 2010 trong các cuộc trao đổi kín với những người đồng nhiệm Mỹ. Năm ngoái, vài quan chức Mỹ đã nói với báo giới ở Bắc Kinh và Washington rằng, một hoặc nhiều quan chức Trung Quốc đã gắn mác để Biển Đông là một "lợi ích cốt lõi". Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố hay tranh luận, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra một chính sách rõ ràng để tuyên bố Biển Đông như vậy, và họ cũng không phủ nhận nó.

Ảnh minh họa: Xinhua

"Trung Quốc không có chính sách tuyên bố Biển Đông là một lợi ích cốt lõi", Chu Phong, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nói. Bộ Ngoại giao và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc không trả lời câu hỏi về vấn đề này, cho dù nhiều lần được yêu cầu.

Michael Swaine, nhà phân tích của Tổ chức Carnegie Endowment, đã có bài nghiên cứu nhìn nhận về việc Trung Quốc gia tăng sử dụng cụm từ "lợi ích cốt lõi". Kể từ năm 2004, quan chức, học giả, các tổ chức tin tức Trung Quốc đã tăng cường sử dụng cụm từ này khi đề capạ tới vấn đề chủ quyền. Ban đầu, cụm từ này nói về Đài Loan, nhưng hiện tại, nó được mở rộng sang cả vấn đề Tây Tạng và Tân Cương - khu vực nhạy cảm phía tây Trung Quốc. Sau khi khảo sát các nguồn in ấn Trung Quốc, ông Swaine kết luận rằng, Trung Quốc không chính thức coi Biển Đông như một "lợi ích cốt lõi".

Swaine viết: "Một số khác biệt không chính thức trong quan điểm, cùng với sự tiến thoái lưỡng nan liên quan tới việc nên hay không xác nhận Biển Đông là lợi ích cốt lõi có thể thể hiện khả năng xảy ra bất đồng trong giới lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề này".

Tuy nhiên, những điều kể trên không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã kiềm chế trong tuyên bố chủ quyền. Vào ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư nói trong một cuộc họp báo rằng: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với Biển Đông".

Mùa xuân năm 2010, một số quan chức Mỹ nói rằng, quan chức Trung Quốc đang thúc đẩy xa hơn "chuẩn mực" tuyên bố chủ quyền, khi gọi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi". Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11 với The Australian, bà Clinton cho hay, ông Đới Bỉnh Quốc - một quan chức ngoại giao cấp cao của chính phủ Trung Quốc, đã nói với bà như thế tại một cuộc gặp thượng đỉnh tháng 5/2010.

"Tôi lập tức phản ứng và nói "chúng tôi không chấp nhận như vậy", Ngoại trưởng Mỹ khẳng định cho dù có sự hoài nghi của một số học giả Trung Quốc và Mỹ. Sau đó vào tháng 7/2010, tại một cuộc họp khu vực ở Hà Nội, bà Clinton đã đưa ra tuyên bố chọc giận người Trung Quốc. M. Taylor Fravel, một giáo sư của Học viện Công nghệ Massachusetts - người nghiên cứu về vấn đề lãnh thổ Trung Quốc - cho rằng, động thái của bà Clinton là phản ứng với hàng loạt vụ việc xảy ra ở Biển Đông mà các quan chức Mỹ tin rằng, nó phản ánh sự quả quyết ngày một lớn của Trung Quốc.

Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc đã đưa ra bài bình luận đầy giận dữ, coi Biển Đông như một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tờ báo viết: "Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền của mình để bảo vệ lợi ích cốt lõi với các biện pháp quân sự". Trong khi đó, một số quan chức quân sự cấp cao lại tỏ ra khá thận trọng. Hàn Tô Đông, giáo sư Đại học Quốc phòng viết trên Tạp chí Outlook: "Sức mạnh toàn diện của Trung Quốc, đặc biệt là các khả năng quân sự vẫn chưa đủ để bảo vệ tất cả lợi ích cốt lõi quốc gia. Trong trường hợp này, không phải là ý tưởng hay khi tuyên bố các lợi ích quốc gia cốt lõi".

Trang web của Nhân Dân Nhật báo đưa ra kết quả cuộc thăm dò người đọc rằng, bây giờ có phải là lúc dán mác "lợi ích cốt lõi" với Biển Đông. Theo đó, 97% trong gần 4.300 người được hỏi nói "có".

Năm 2009, ông Đới từng nói rằng, Trung Quốc có ba lợi ích cốt lõi: duy trì hệ thống chính trị, bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy phát triển kinh tế. Giờ đây, một số quan chức Trung Quốc có thể coi Biển Đông và các vấn đề chủ quyền khác thuộc phạm trù "lợi ích cốt lõii".

Theo giới phân tích, cuộc tranh cãi trên báo chí dường như phản ánh sự bất đồng của các quan chức Trung Quốc. Tới mùa thu, báo chí được yêu cầu ngừng bàn luận về vấn đề này.

"Giờ đây, tôi cho rằng họ đang làm dịu vấn đề vì những rắc rối với Mỹ và ASEAN", Joseph Nye Jr., giáo sư quan hệ quốc tế của Harvard và cựu quan chức Lầu Năm Góc nói.

  • Thụy Phương dịch theo New York Times


tuanvietnam.vietnamnet.vn:

Trung Quốc điều chỉnh chính sách ở Biển Đông: Kết quả từ các hội thảo

Rất nhiều nhà phân tích, bao gồm cả các học giả tham gia hội thảo về Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội (25 - 27/11/2009) và thành phố Hồ Chí Minh (10 - 12/11/2010) cho rằng Trung Quốc đang áp dụng một chiến lược hung hăng mới ở Biển Đông.

Những sự kiện diễn ra trong suốt năm 2010 chính là minh chứng cho thất bại của chính sách Trung Quốc ở Biển Đông trong việc phục vụ lợi ích quốc gia của mình. Những hành động nhằm theo đuổi chính sách đó đã xói mòn những nỗ lực ngoại giao trong suốt một thập kỷ qua nhằm xây dựng lòng tin ở Đông Nam Á, và tạo điều kiện cho Mỹ quay trở lại khu vực này như một đối trọng với Trung Quốc. Việt Nam cũng đang lôi kéo Nga trở lại với vai trò là một đối tác hải quân và là quốc gia cung cấp vũ khí. Việt Nam đang nỗ lực quốc tế hóa những tranh luận xung quanh vấn đề an ninh khu vực và đã tận dụng vị trí chủ tịch ASEAN nhằm thực hiện những nỗ lực trên.

Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Hà Nội tháng 10/2010 vừa qua, các ngoại trưởng Mỹ và Nga được tiếp đón như những vị khách đặc biệt. Từ bây giờ trở đi, Mỹ và Nga sẽ là thành viên của EAS. Chính sách ngoại giao cứng rắn mới của Việt Nam cũng được minh chứng trong hai hội thảo về Biển Đông được tổ chức tại Hà Nội (25 - 27/11/2009) và thành phố Hồ Chí Minh (10 - 12/11/2010). Bài viết này tổng hợp báo cáo tham luận từ hai hội thảo này, diễn đàn nơi các học giả Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á gặp gỡ với các đồng nghiệp từ các nước khác và đã có những trao đổi rất thẳng thắn.

Những quan niệm sai lầm chung

Rất nhiều nhà phân tích, bao gồm cả các học giả tham gia hội thảo trên cho rằng Trung Quốc đang áp dụng một chiến lược hung hăng mới ở Biển Đông. Những học giả này lập luận rằng điều này phản ánh sức mạnh hải quân mới được tăng cường của Trung Quốc. Những bằng chứng được đưa ra bao gồm một loạt các sự kiện diễn ra gần đây.

Vào tháng 3/2009, các tàu chiến của Trung Quốc đã đe dọa tàu Hải quân Mỹ Impeccable, một tàu khảo sát thủy văn biển được triển khai 75 dặm phía Nam đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ hải quân hiện đại. Impeccable buộc phải rút lui nhưng đã trở lại ngay ngày hôm sau cùng với tàu quân sự hộ tống. Không lâu sau, vào tháng 5/2009, Trung Quốc đã đính kèm bản sao bản đồ gây tranh cãi có in hình đường chín đoạn vào công hàm ngoại giao chính thức lên Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) nhằm phản đối một tính toán chung của Ma-lai-xia và Việt Nam về chiều rộng thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nguồn: Ủy ban Địa hình Quảng Đông, Các tài liệu được sưu tập về địa hình các đảo Biển Đông (Quảng Châu: Nhà xuất bản Bản đồ Quảng Đông, 1987) (bằng tiếng Trung), 45 - 46. In lại trong tập san mới nhất của tạp chí Ocean Development and International Law (ODIL) 2010, 41 (3): 208

Vào năm 1948, Cộng hòa Trung Quốc (ROC) đã xuất bản tấm bản đồ Biển Đông này với 11 nét đứt tạo thành đường chữ U. Ngay sau khi thành lập năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) bắt đầu sử dụng chính tấm bản đồ đó. Trong khi ROC (Đài Loan -ND) tiếp tục sử dụng bản đồ này, PRC đã bỏ đi 2 nét đứt đoạn ở Vịnh Bắc Bộ sau năm 1953, do đó, tạo thành bản đồ của PRC với đường chín đoạn. Ý nghĩa của tấm bản đồ này đến nay vẫn chưa được làm rõ nhưng có vẻ nhằm thể hiện ý định của Trung Quốc muốn yêu sách toàn bộ các đảo nằm trong đường đó, và các vùng biển có thể có được từ các đảo nêu trên dựa trên cơ sở phát hiện và kiểm soát hiệu quả theo Luật biển.

Tấm bản đồ này mang lại ấn tượng rằng Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông là của mình.[1] Cùng lúc đó, Trung Quốc gây áp lực cho các công ty dầu khí quốc tế chấm dứt khai thác dầu và khí đốt trên thềm lục địa Việt Nam. Trong 2 năm 2009 và 2010, Trung Quốc đã tấn công một số lượng lớn tàu cá Việt Nam ở những khu vực đang tranh chấp, tịch thu hải sản đánh bắt được và bắt giam ngư dân. Trong buổi gặp với hai đại diện của Mỹ vào tháng 3/2010, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc[2] đã tuyên bố rằng Biển Đông là một trong những "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc (hexin liyi) - cùng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.

Từ tháng 4 - 10/2010, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) đã tiến hành 3 cuộc tập trận ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu chiến từ các Hạm đội Đông Hải và Bắc Hải. Ấn tượng rằng Trung Quốc đang áp dụng một chiến lược hung hăng mới được khẳng định bởi các động thái ở những nơi khác, đáng lưu ý là sự leo thang nhanh chóng trong xung đột của Trung Quốc và Nhật Bản vào tháng 9/2010 xung quanh việc Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc gần khu vực đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp giữa hai nước ở phía Đông Đài Loan.

Một số học giả tham gia hội thảo tháng 11/2010 tại thành phố Hồ Chí Minh mà diễn ra cùng lúc với Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Seoul, Hàn Quốc đã đưa ra các cách giải thích rõ nét hơn về các sự kiện nêu trên. Các học giả Trung Quốc xem các hành động của Trung Quốc như là phản ứng trước các hành động khiêu khích của các quốc gia khác và không cho rằng các phản ứng này được phối hợp trước. Thay vào đó, họ tin rằng các nhà hoạch định chính sách khác nhau đơn giản áp dụng các chính sách đã được định trước. Tàu hải quân Mỹ Impeccable thực hiện các hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc mà từ lâu nay Trung Quốc cho rằng vi phạm các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Hoạt động khảo sát khoa học là vi phạm luật biển nếu các hoạt động này được thực hiện vì mục đích thương mại bên trong vùng EEZ của một quốc gia khác mà không được sự cho phép của quốc gia đó. Trung Quốc đã lập luận rằng nguyên tắc này được áp dụng cho cả các khảo sát thủy văn học hải quân và do thám hàng không. Đó là lý do vì sao mà Trung Quốc dùng các biện pháp cứng rắn vào đầu năm 2001 để ngăn chặn các hoạt động tình báo của Mỹ cả trên biển và trên không gần đảo Hải Nam.

Vì vậy, theo quan điểm của Trung Quốc, các hành động đối với tàu hải quân Mỹ Impeccable không phản ánh một sự thay đổi trong chính sách. Khi Trung Quốc đệ trình phản đối lên CLCS vào tháng 5/2009, Trung Quốc thực sự đã thực hiện hai bước đi theo hướng làm cho các yêu sách chủ quyền của mình phù hợp với luật quốc tế. Bằng việc đính kèm bản đồ đường chín đoạn, Trung Quốc đã biến tấm bản đồ này thành một tài liệu chính thức, do đó tạo điều kiện cho các chuyên gia luật pháp xem xét. Trong công hàm phản đối của mình, Trung Quốc cũng tuyên bố rằng Trung Quốc yêu sách các đảo trong đường chín đoạn, cùng với các vùng biển "kế cận" hay "liên quan" của các đảo đó.

Mặc dù đây không phải là các thuật ngữ được sử dụng trong UNCLOS, ý nghĩa của các thuật ngữ này chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ phải xác định các yêu sách của mình đối với các vùng biển dựa trên khoảng cách đến các đảo của Trung Quốc. Đây thực ra là một sự thay đổi tiến đến một chính sách ít bành trướng hơn. Phát biểu "lợi ích cốt lõi" được cho là thiếu sáng suốt được đưa ra trong một cuộc họp kín giữa các đại diện của Trung Quốc và Mỹ và sau đó bị tiết lộ cho báo chí Nhật Bản và Mỹ. Phát biểu này diễn ra trong bối cảnh trước đó có một tuyên bố chung vào tháng 11/2009 nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Bắc Kinh, trong đó hai bên nhất trí "tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau".[3] Trung Quốc đã thực hiện sáng kiến xác định "lợi ích cốt lõi và các quan ngại chính" của mỗi bên trong các cuộc hội đàm song phương với một vài nước.

Mỹ đã do dự khi xác định "lợi ích cốt lõi" của mình và có vẻ sẵn sàng hơn trong việc xác định lợi ích chung hay lợi ích sẻ chia. Mặc dù chúng ta phải cho rằng phát biểu về "lợi ích cốt lõi" ở Biển Đông vào tháng 3/2010 đã được làm rõ trước đó ở cấp cao nhất, không có vẻ như đây là một tuyên bố công khai. Ý nghĩa thực sự của tuyên bố này cũng không rõ ràng, bởi vì có rất nhiều khu vực của Biển Đông không hề nằm trong đường chín đoạn trên bản đồ được đính kèm vào công hàm phản đối gửi lên CLSC vào tháng 5/2009. Chưa hề có một tuyên bố chính thức nào từ phía Trung Quốc được ghi chép lại rằng Biển Đông đã được nâng lên thành "lợi ích cốt lõi' 4]

Đối mặt với rất nhiều phản ứng tiêu cực từ tuyên bố trên, Trung Quốc đã rút lui.[5] Gần đây hơn, Trung Quốc đã mềm mỏng hơn trong cách tiếp cận với Việt Nam. Một nhà nghiên cứu từ Học viện Ngoại giao Việt Nam tại hội thảo tháng 11/2010 đã cho biết rằng trong những tháng gần đây, không hề có báo cáo nào về việc Trung Quốc cản trở ngư dân Việt Nam và không có dấu hiệu cho thấy áp lực đối với các công ty dầu khí. Điều còn lại trong chiến lược cứng rắn mới của Trung Quốc đó là các cuộc tập trận hải quân. Trung Quốc giải thích các hoạt động đó hoặc là "bình thường" hoặc là các phản ứng đối với các cuộc tập trận mà Mỹ và các đồng minh tiến hành. Tóm lại, dường như Trung Quốc không hề có một chiến lược mới, mà có vẻ như nhiều động thái thiếu sáng suốt, không nhịp nhàng và đôi khi là ngạo mạn đã hủy hoại vị trí của Trung Quốc ở khu vực.

Các nhà phân tích Trung Quốc có xu hướng nghĩ rằng Mỹ đang thay đổi chiến lược của mình. Cho đến gần đây, Washington vẫn luôn nhấn mạnh rằng các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không phải là mối bận tâm của Mỹ, tuy nhiên tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tháng 7/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đột nhiên đề nghị hỗ trợ tiến trình giải quyết xung đột. Bước đi này rõ ràng đã được phối hợp từ trước với một số chính phủ các nước Đông Nam Á, nhưng chắc chắn không phải với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng đã có một loạt các tuyên bố vào năm 2010 dường như thể hiện một chiến lược mới kiên quyết hơn ở Biển Đông. Điều này xảy ra cùng lúc với sự gia tăng hiện diện hải quân của Mỹ - những lần cập cảng và các cuộc tập trận hải quân được tiến hành, mặc dù hầu hết ở khu vực xa hơn về phía Đông. Trung Quốc cho rằng điều này có liên hệ với một tuyên bố của Mỹ rằng Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật do đó sẽ bao hàm cả những vùng lãnh thổ đang tranh chấp như quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Một lần nữa, đây là một quan niệm sai lầm. Chiến lược của Mỹ ở khu vực là nhất quán. Nhắc đến các tuyên bố của Mỹ năm 1995, khi mà Phi-lip-pin phát hiện Trung Quốc đang chiếm đóng đảo Vành Khăn nằm trên thềm lục địa của Phi-lip-pin, những phát biểu được đưa ra năm 2010 cũng tương tự như thế.[6] Mỹ có lợi ích quốc gia vô cùng quan trọng mà Mỹ luôn coi trọng: tự do hàng hải không bị cản trở. Mỹ không chấp nhận bất kỳ sự phân biệt nào giữa hàng hải thương mại và quân sự, và không chấp nhận hay tôn trọng luật quốc gia nào mà yêu cầu các tàu hải quân phải xin phép trước nếu các tàu này muốn sử dụng quyền qua lại vô hại qua lãnh hải của một quốc gia (trong 12 hải lý). Hơn nữa, trong vùng biển chung ngoài vùng lãnh hải, Mỹ kiên quyết đòi quyền thực hiện các hoạt động hải quân, tập trận, khảo sát tình báo và các hoạt động khác.

Cần phải nhấn mạnh rằng khái niệm "vùng biển chung" theo cách nói của Mỹ bao gồm cả vùng EEZ của các quốc gia khác. Với bất kỳ mục đích nào ngoài mục đích khai thác kinh tế các nguồn tài nguyên, các quốc gia ven biển không có đặc quyền trong vùng EEZ của mình. Đó là lý do vì sao Mỹ kiên quyết thực hiện các quyền của mình trong các vụ việc liên quan đến sự cố máy bay do thám năm 2001 và các hoạt động khảo sát thủy văn biển của tàu khảo sát hải quân Mỹ Bowditch gần đảo Hải Nam cùng năm đó.

Đối với Mỹ, những hoạt động khảo sát này đã trở nên quan trọng hơn bởi sự hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc. Hải quân Mỹ muốn theo đuổi từng đường đi nước bước của các tàu ngầm Trung Quốc (một số là hạt nhân) - đang hoạt động từ căn cứ Yulin ở Hải Nam. Nhiệm vụ của Impeccable năm 2009 không khác gì nhiệm vụ của Bowditch năm 2001 và không phải là tín hiệu cho một chiến lược mới của Mỹ.

Mỹ cũng đã tuyên bố một cách nhất quán lợi ích của mình trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Trước đây, Mỹ cũng đã đề nghị được làm hòa giải nếu các bên yêu cầu. Tuy nhiên, có vẻ như có một nhân tố mới trong những tuyên bố gần đây của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố vào tháng 7/2010:

"Theo luật tập quán quốc tế, các yêu sách hợp pháp đối với các khu vực biển ở Biển Đông chỉ nên xuất phát từ các yêu sách hợp pháp đối với các điểm đất liền."[7]

Trong khi đây là một phát biểu đúng đắn, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất cho rằng thật là nghịch lý rằng một quốc gia không phải là thành viên của Công ước Luật Biển lại đang thuyết giáo các quốc gia thành viên của Công ước đó về luật tập quán quốc tế trong lĩnh vực này. Trong số các quốc gia xung quanh Biển Đông, chỉ có Cam-pu-chia và Thái Lan chưa phê chuẩn Công ước.

Việc ký kết văn kiện này năm 1982 không phải là một thắng lợi đối với các cường quốc hải quân. Mặc dù khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải, văn kiện này trên hết phản ánh lợi ích của các quốc gia ven biển và quần đảo - những nước mà đã đạt được một sự gia tăng đáng kể quyền chủ quyền đối với các khu vực biển rộng lớn. Trung Quốc, Indonesia và Phi-lip-pin là những quốc gia ủng hộ rất nhiệt tình cho Công ước này. Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán và tuyên bố rằng Mỹ hài lòng với kết quả đạt được (mặc dù Mỹ có phản đối chương về đáy biển quốc tế với mục đích thành lập một Cơ quan Quyền lực Đáy biển Quốc tế). Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa thông qua Công ước này.

Điều mà chúng ta chứng kiến trong thời gian gần đây không phải là việc thực thi các chiến lược mới của Trung Quốc và Mỹ mà là sự xung đột giữa các lập trường đã có từ lâu. Đáng lưu ý là các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Cam-pu-chia, Thái Lan, Lào và My-an-ma đã phá vỡ xu hướng xích lại sự hấp dẫn về kinh tế của Trung Quốc và đã bắt tay với Mỹ trên lĩnh vực an ninh.

Một số học giả tham gia hội thảo thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện quan ngại rằng các cường quốc địa chính trị có thể bỏ qua các nỗ lực quản lý xung đột cục bộ và các nỗ lực khu vực để chống lại các mối đe dọa quan trọng nhất ở Biển Đông, ví dụ như sự phá hủy môi trường biển và sự cạn kiệt của các nguồn hải sản. Hầu hết các học giả đều tỏ ra thất vọng rằng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) từ năm 2002 không được coi trọng hơn nữa. Các học giả này cảm thấy cần thiết phải đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) mới ràng buộc về mặt pháp lý với các điều khoản cụ thể hơn, như là cấm tăng cường hơn nữa các công trình mà Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan , Ma-lai-xia và Phi-lip-pin đang tiếp tục xây dựng trên các đảo đá và đảo nhỏ mà các nước này chiếm đóng ở Trường Sa.[8] Cần nhấn mạnh rằng bi kịch thực sự của các công trình này không phải là công trình đó biểu trưng cho mối đe dọa về quân sự. Các đảo nhỏ ở Trường Sa không thể cầm cự được trước một kẻ tấn công đầy quyết tâm và luôn luôn có giá trị chiến lược không đáng kể. Bi kịch thực sự đó là các công trình xây dựng, đường sá và giao thông du lịch và quân sự ở khu vực đang phá hủy môi trường sống của các loài trên đá san hô. Trước đây, các đảo này là nơi sinh sản cho rùa biển; hiện tại, các đảo này vẫn hỗ trợ sinh sản cho vô số các loài chim và cá.

Mặc dù sẻ chia sự thất vọng đó, tôi thuộc về số ít học giả lạc quan khá thận trọng tại hội thảo. Thiểu số này cho rằng sự khủng hoảng hiện thời có thể sẽ khiến Trung Quốc nhận ra rằng chính sách được kế thừa của Trung Quốc đang đi ngược lại với lợi ích của chính họ. Nếu Trung Quốc thay đổi chính sách của mình để phù hợp hơn với luật quốc tế, Trung Quốc có thể nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác trong nỗ lực loại bỏ một số hoạt động không quân và hải quân của Mỹ.

Ngày nay, các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đảo nhỏ và các khu vực biển đang được kết hợp với vấn đề tiếp cận của hải quân Mỹ đối với các khu vực ven biển của Trung Quốc. Trung Quốc muốn tách hai vấn đề này nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ đối với các tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, để tách riêng hai vấn đề này, Bắc Kinh phải hiểu rằng sức mạnh hải quân ngày càng phát triển không tự động gia tăng vị thế chính trị trong khu vực. Điều đó có thể chỉ dẫn đến hành vi đối trọng. Nếu các quốc gia láng giềng chấp nhận sự lớn mạnh của khả năng hải quân của Trung Quốc mà không cần phải đối trọng, các quốc gia này cần phải được thuyết phục rằng Trung Quốc sẽ hoạt động phù hợp với luật quốc tế. Và nếu Bắc Kinh nhìn nhận Biển Đông thông qua lăng kính pháp lý, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng không phải chỉ có một tranh chấp về Biển Đông, mà ít nhất có 3 tranh chấp khác nhau. Mỗi một tranh chấp có thể được tiếp cận riêng biệt.

Tự do hàng hải (Và vấn đề do thám)

Tranh chấp đầu tiên liên quan đến tự do hoạt động quân sự trên biển và trên không trong vùng lãnh hải (12 hải lý) và EEZ (200 hải lý) của các quốc gia ven biển. Khi các đại diện của Mỹ nói về điều này, họ thường hay nói là "tự do hàng hải", nhưng Mỹ đang nghĩ đến nhiều hơn chỉ đơn thuần là "hàng hải." Mỹ sẵn sàng ngăn chặn bất kỳ phát triển pháp lý nào cản trở Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự và thu thập tình báo ở các vùng kinh tế biển của các quốc gia khác.

Về vấn đề liệu Mỹ có hay không quyền tiến hành các hoạt động khảo sát thủy văn biển trong vùng EEZ của Trung Quốc mà chưa có sự cho phép của quốc gia này, cách giải thích luật biển của Mỹ còn thiếu chặt chẽ. Trung Quốc do đó đã có thể nhận được sự ủng hộ đáng kể trong khu vực đối với lập trường của mình. Nhưng sự ủng hộ đó đã không được đưa ra bởi vì các nước láng giềng của Trung Quốc lo sợ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng hải quân của mình để tăng cường các yêu sách về lãnh thổ của mình.

Trung Quốc, Việt Nam và Phi-lip-pin đều yêu cầu phải xin phép trước đối với quyền qua lại của tàu chiến qua vùng lãnh hải của các quốc gia này.[9] Trong vùng EEZ (12 đến 200 hải lý), các tàu chiến được hưởng quyền tự do hàng hải đầy đủ bởi quyền tài phán của quốc gia ven biển chỉ liên quan đến các nguồn tài nguyên ở khu vực này. Tuy nhiên, vẫn có các quốc gia như Brazil và Ma-lai-xia có quy định rằng các hoạt động hay tập trận quân sự không được phép thực hiện trong vùng EEZ của các quốc gia này.[10] Trong phần của UNCLOS điều chỉnh các hoạt động thương mại được tiến hành trong vùng EEZ của một quốc gia khác, điều 246 (2) quy định:

"Nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phải được tiến hành với sự đồng ý của quốc gia ven biển."

Mặt khác, điều 204 (a) quy định:

"Nghiên cứu khoa học biển sẽ chỉ được tiến hành cho các mục đích hòa bình."

Do đó, có một nghịch lý rằng các hoạt động khảo sát thủy văn biển được Bowditch tiến hành năm 2001 và Impeecable năm 2010 sẽ vi phạm UNCLOS nếu chúng được tiến hành vì mục đích khoa học hay thương mại, nhưng không vi phạm luật tập quán quốc tế (do thực tiễn các quốc gia xác định) khi được thực hiện chỉ cho mục đích quân sự thuần túy. Có một nguy cơ rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ hủy bỏ cách giải thích luật quốc tế hiện thời và đi theo quan điểm của Mỹ rằng, khi một hải quân lớn mạnh về số lượng và đủ mạnh thì có thể di chuyển ra xa khỏi bờ biển của mình.

Phân định biển

Tranh chấp thứ hai liên quan đến sự phân định ranh giới biển. Trung Quốc vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình trong UNCLOS về việc công khai chính xác yêu sách về ranh giới ngoài của các vùng EEZ và thềm lục địa của Trung Quốc. Những yêu sách của Trung Quốc mơ hồ và đa dạng đến mức đã kích động sự phản đối từ các quốc gia yêu sách khác. Có lẽ, thông điệp rõ ràng nhất từ hầu như mọi học giả tham gia cả hai hội thảo ở Việt Nam (ngoại trừ Trung Quốc và Đài Loan) là mong muốn PRC và ROC làm rõ các yêu sách của mình.

Rất nhiều học giả Trung Quốc và Đài Loan tin rằng họ có thể yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông nằm trong đường "chín đoạn" hay "chữ U" như là "vùng nước lịch sử" của Trung Quốc hoặc như vùng EEZ và thềm lục địa của Trường Sa và các nhóm đảo khác. Tuy nhiên, không có cách nào mà nguyên tắc "vùng nước lịch sử" hay phép tính vùng EEZ hay thềm lục địa từ các đảo này có thể đưa đến kết quả đó. Nếu Trung Quốc đạt được các quyền chủ quyền đối với toàn bộ khu vực được đường đứt đoạn bao quanh, Trung Quốc cần phải phá vỡ hay sửa lại hoàn toàn luật quốc tế, và điều này cần phải được sự chấp nhận của các quốc gia khác.

Từ tháng 5/2009, khi Trung Quốc đính kèm bản đồ có in hình đường đứt đoạn vào công hàm gửi CLCS phản đối Báo cáo chung giữa Việt Nam và Ma-lai-xia về ranh giới thềm lục địa, vai trò pháp lý của tấm bản đồ này đã được một học giả danh tiếng về luật biển người châu Âu - Erik Franckx, thuộc Đại học Vrije Brussel, Bỉ nghiên cứu kỹ lưỡng. Ông là thành viên của Tòa Trọng tài Thường trực và là Chủ tịch của Ban Luật Quốc tế và Châu Âu. Ông đã trình bày những nghiên cứu của mình tại hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh, cùng với trợ lý nghiên cứu của ông là Marco Benatar. Bài báo pháp lý được mong đợi, phát triển dựa trên bài trình bày của hai học giả này tại Hội thảo có khả năng sẽ kết luận rằng tầm bản đồ có in hình đứt đoạn thiếu cơ sở vững chắc. Do đó, tấm bản đồ này sẽ mang lại phiền toái nếu tiếp tục được duy trì là một phần trong chính sách chính thức của PRC và ROC.[11]

Bản đồ có in hình đường đứt đoạn được PRC thừa kế từ thời Trung Hoa Dân Quốc (Trung Hoa Dân Quốc) của Tưởng Giới Thạch và xuất hiện trên một số bản đồ do Trung Quốc xuất bản. Bản đồ này là một phần của tinh thần dân tộc, do đó không thể dễ dàng bị xóa bỏ. Tuy nhiên, nó có thể được giải thích lại hoặc gác lại một cách lặng lẽ trong khi Trung Quốc công bố chính xác các yêu sách về EEZ và thềm lục địa. Điều này có thể xảy ra, dù hơi chậm, nếu các chính phủ ở Bắc Kinh và Đài Bắc có đủ ý chí để ban hành các chính sách cần thiết mới bất chấp những tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc.

Những tuyên bố gần đây từ Đài Bắc, chính phủ đang chiếm đóng đảo lớn nhất ở Trường Sa, Ba Bình đã không còn quá coi trọng lập luận "vùng nước lịch sử". Lập luận này đã chi phối suy nghĩ của Đài Bắc trước đây. Thay vào đó, các chuyên gia pháp lý của Đài Loan bây giờ có xu hướng coi vùng biển trong nằm bên trong đường lưỡi bò là "vùng nước bao quanh" của một số điểm đất liền mà ROC có chủ quyền.

Như đã đề cập, phản đối của PRC lên CLCS cũng nhắc đến các đảo và "các vùng biển kế cận". Cách thức đúng đắn để yêu sách chủ quyền đối với các điểm đất liền đó là đặt tên và định vị chính xác từng điểm cũng như giải thích các điểm này đã được phát hiện, quản lý và sử dụng như thế nào. Điều này không thể chỉ đơn giản được thực hiện bằng việc vẽ một đường bao quanh một khu vực trên một bản đồ. Đối với Trung Quốc, việc chuyển sang yêu sách sở hữu đối với các tài nguyên biển từ yêu sách chủ quyền đối với các vùng đất chắc chắn là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, vấn đề đối với Trung Quốc không chỉ là các yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa và Bãi cạn Scarborough đang bị tranh chấp; một số đảo nhỏ có kích thước quá nhỏ để có thể có vùng EEZ hay thềm lục địa; một số đảo khác cũng có kích thước quá nhỏ để có thể có nhiều hiệu lực trong phân định vùng EEZ của quốc gia (ngoại trừ bên ngoài 200 hải lý từ bờ biển, còn được gọi là vùng "bánh donut"* ở giữa Biển Đông).

Không vùng EEZ nào có thể rộng hơn 200 hải lý tính từ bờ biển, nhưng thềm lục địa có thể mở rộng ra ngoài giới hạn đó. Báo cáo chung giữa Việt Nam và Ma-lai-xia tháng 5/2009 về ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý thể hiện một bước đi quan trọng tiến tới việc áp dụng luật biển bởi báo cáo này đã hoàn toàn bỏ qua các đảo nhỏ ở Trường Sa, rất nhiều trong đó đang bị Ma-lai-xia và Việt Nam chiếm đóng. Báo cáo này chỉ tính khoảng cách thuần túy từ bờ biển và các đảo gần bờ của Ma-lai-xia, Việt Nam, Brunei và Phi-lip-pin.

Dù sao đi nữa, xét việc phân định ở các nơi khác - ví dụ như gần đây nhất ở Hắc Hải giữa Ru-ma-nia và Ucraina - rõ ràng phương pháp thích hợp để phân định như sau: trước tiên, mô tả các yêu sách về thềm lục địa và EEZ dựa trên khoảng cách từ bờ biển chính; thứ hai, xác định đường trung tuyến giữa hai bờ biển đối diện (hay đường cách đều giữa các bờ biển liền kề); và chỉ khi đó mới xem xét liệu các đảo nhỏ có thể có hiệu lực trong phân định hay không.

Các chuyên gia pháp lý Việt Nam đã hoàn toàn hiểu được vấn đề này. Điều này được minh chứng trong bài thuyết trình chi tiết tại hội thảo thành phố Hồ Chí Minh của bà Nguyễn Thị Lan Anh từ Học viện Ngoại giao Việt Nam. Bà đã chứng minh rằng việc phân định biển ở Biển Đông sẽ vô cùng khó khăn nếu bất kỳ điểm đảo nào ở Trường Sa được phép có hiệu lực trong việc phân định EEZ hay thềm lục địa.[12]

* Theo trang web nghiên cứu Biển Đông (nghiencuubiendong.vn)

Bản gốc tiếng Anh " China's Changing Role in the South China Sea: Reflections on a Scholars Workshop". Bài viết được in trong Seri đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly với chủ đề "The Disputed Sea - Maritime Security in East Asia" tháng 12/2010

Bản quyền tiếng Việt thuộc NCBĐ


* Stein Tonnesson là một nhà nghiên cứu về hòa bình, nhà lịch sử quốc tế và hiện tại là một Nghiên cứu viên cao cấp Jennings Randolph tại Học viện Hòa bình của Mỹ tại Washington DC cho đến tháng 7/2011. Ông muốn bày tỏ sự cảm ơn đối với Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam đã có lời mời ông tham dự hai hội thảo Biển Đông vào tháng 11/2009 và tháng 11/2010. Để xem thêm về các bài viết của Tonnesson, xem: www.cliostein.com.

[1] 1. Cộng hòa Trung Quốc (Đài Loan) đã đưa ra một tuyên bố riêng. Smith, R. W., "Maritime Delimitation in the South China Sea: Potentiality and Challenges," Ocean Development and International Law 41 (2010): 232-233.

[2] Về vị trí của Quốc vụ khanh Đới Bỉnh Quốc trong Nhóm ra quyết sách về các vấn đề đối ngoại trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, xem Linda Jakobson và Dean Knox, "Foreign Policy Actors in Chinese Decision-Making," SIPRI Policy Paper 26 (9/2010): 5.

[3] "Hai nước tái khẳng định rằng nguyên tắc cơ bản về tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau là trọng tâm cốt lõi trong ba tuyên bố chung Mỹ - Trung vốn là kim chỉ nam cho mối quan hệ Mỹ - Trung. Không bên nào ủng hộ bất kỳ nỗ lực của bất kỳ lực lượng nào muốn làm suy giảm nguyên tắc này. Hai bên nhất trí rằng tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau là cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển ổn định trong quan hệ Mỹ - Trung." Tuyên bố chung Mỹ - Trung, 17/11/2009. Truy cập ngày 26/10/2010: http://www.whitehouse.gov/the-press-offce/us-china-joint-statement.

[4] Do vậy, Niall Ferguson đã làm cho người đọc hiểu nhầm khi tuyên bố rằng "Biển Đông đã được tuyên bố là 'lợi ích quốc gia cốt lõi'," The Wall Street Journal, 18/11/2010. Christian Karyl cũng gây ra điều tương tự khi viết rằng "Trung Quốc làm cả thế giới giật mình khi tuyên bố rằng Trung Quốc coi các vùng lãnh thổ ở khu vực Biển Đông rất giàu tài nguyên là một khu vực thuộc 'lợi ích quốc gia sống còn'," The New York Review of Books 52-9 (11/2010): 32.

[5] Carlyle Thayer, "Recent developments in the South China Sea and Implications for Regional Security and Prosperity." Bài viết cho Hội thảo quốc tế lần 2, Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 11 - 12/11/2010. Một phần trong Kỷ yếu gồm tập hợp các tham luận cho Họi thảo quốc tế lần 2, Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Xem thêm Carlyle Thayer, Southeast Asia: Patterns of Security Cooperation, Viện Chính sách Chiến lược Úc (9/2010): 34-35

[6] Bronson Percival, "The South China Sea: An American Perspective." Bài viết cho Hội thảo quốc tế lần 2, Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 11 - 12/11/2010.

[7] Ngoại trưởng Hillary R. Clinton, Phát biểu tại buổi họp báo, Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội, 23/7/2010. Sưu tầm ngày 18/11/2010: http://www.state.gov/secretary/rm/2010/07/145095.htm

[8] Ảnh chụp trên không của các công trình này có thể xem trong Rommel C. Banlaoi, "Renewed Tensions and Continuing Maritime Security Dilemma in the South China Sea: A Philippine Perspective," Kỷ yếu Hội thảo quốc tế, Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 26-27/11/2009, Hiệu đính: Tran Truong Thuy (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Thế Giới, 2010), 149-157.

[9] Donald R. Rothwell và Tim Stephens, The International Law of the Sea (Oxford và Portland: Hart Publishing, 2010), 270.

[10] Như trên, 275.

[11] Erik Franckx và Marco Benatar, "Dotted Lines in the South China Sea: Fishing for (Legal) Clarity." Bài viết cho Hội thảo quốc tế lần 2, Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 11 - 12/11/2010.

* Cụm từ "Bánh Donut" do Indonesia đề xuất, theo đó các vùng nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường bờ biển và đảo của nhiều nước có yêu sách sẽ là khu vực hợp tác của tất cả các nước xung quanh biển Đông - ND

[12] Nguyễn Thị Lan Anh, "Maritime Delimitation in International Law and the Impacts on the South China Sea Disputes." Bài viết cho Hội thảo quốc tế lần 2, Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 11 - 12/11/2010.