'Ôtô lưu thông theo biển chẵn lẻ, thế giới làm được ta cũng làm được'

VnExpress:
Thứ sáu, 15/4/2011, 06:15 GMT+7"Đề xuất xe cá nhân lưu thông theo ngày chẵn lẻ sẽ tạo công bằng, hôm nay tôi đi xe công cộng thì ngày mai anh cũng phải như vậy", ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông trao đổi với VnExpress.
> Kiến nghị cho ôtô vào trung tâm TP HCM theo ngày chẵn lẻ / Quy định ôtô vào trung tâm TP HCM theo ngày chẵn lẻ khó khả thi

- Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách cho ôtô lưu thông theo ngày chẵn lẻ, ông nghĩ sao về giải pháp này?
- Đề xuất cho xe chạy theo biển chẵn lẻ vào trung tâm thành phố không phải giải pháp mới, hay sáng kiến của một cá nhân, mà trên thế giới đã có một số nước áp dụng. Trong hoàn cảnh chưa có giải pháp đồng bộ như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, kết hợp xe buýt tại các thành phố lớn, điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, thì giải pháp chống ùn tắc trước mắt như quy định biển xe chẵn lẻ đi theo ngày là cần thiết. Chúng ta phải mạnh dạn ủng hộ những giải pháp hạn chế xe cá nhân để từng bước giảm ùn tắc giao thông, trong đó có xe lưu thông theo biển chẵn lẻ.
Tôi được biết, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất giải pháp trên để hưởng ứng chương trình tiết kiệm năng lượng nói chung, có văn bản báo cáo UBND TP HCM để báo cáo Chính phủ xin phép được áp dụng trên phạm vi hẹp chứ không phải trên diện rộng, để thực hiện 2 mục tiêu tiết kiệm xăng dầu và giảm ùn tắc giao thông.

Cửa ngõ phía Đông TP HCM tắc nghẽn. Ảnh: Vĩnh Phú.

- Theo ông nói, nhiều nước đã áp dụng biện pháp trên, nhưng với điều kiện Việt Nam hiện nay tính khả thi của giải pháp trên thế nào?
- Thế giới áp dụng được thì mình cũng sẽ làm được. Chúng ta chưa có điều tra xã hội học nên chưa biết người dân ủng hộ hay phản đối. Phương án đề xuất chỉ áp dụng với xe cá nhân, chứ các loại xe tải, xe khách, taxi, xe chở hàng hóa chưa áp dụng như một số báo đưa tin.
Đây mới là chủ trương, nếu được áp dụng thì phải quy định phạm vi, thời gian, các giải pháp đồng bộ đi theo. Trước mắt phải khảo sát lượng phương tiện đi lại, khoảng hở của đường dành cho xe buýt bao nhiêu để tăng thêm xe buýt.
- Đề xuất xe cá nhân đi theo ngày chẵn lẻ từng được Hà Nội đưa ra song người dân đã phản đối mạnh mẽ, ông có lo ngại đề xuất này lại bị phản đối?
- Chúng ta phải có trách nhiệm với cộng đồng, ai cũng phải hy sinh. Mặc dù ai cũng biết rằng nếu có điều kiện kinh tế, đi phương tiện cá nhân thoải mái hơn nhiều.
Tôi cho rằng đề xuất xe cá nhân theo biển chẵn lẻ sẽ tạo công bằng cho mọi người dân, hôm nay tôi đi xe công cộng thì ngày mai anh phải đi xe công cộng. Mỗi người chia sẻ một ít rồi nhân rộng ra thì chúng ta sẽ khắc phục được ùn tắc giao thông.












Nhìn người Nhật sau vụ động đất, thấy người ta chia sẻ như thế nào. Chúng ta nhìn nước bạn Lào cũng có ý thức chấp hành giao thông rất tốt. Người ta nghe thấy tín hiệu xe ưu tiên thì đỗ xe lại nhường đường, khác với văn hóa giao thông chúng ta. Chúng ta cần nhường nhịn, chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng đang gặp phải.
Hiện nay vấn đề ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn là bức xúc của xã hội, mọi người không đồng ý đề xuất này vậy thì hãy đưa ra đề xuất khác. Song có ai đưa ra đề xuất nào đâu. Chúng ta phải xác định sống chung với xe máy ít nhất đến năm 2030.
- Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ đã đưa ra giải pháp nào để hạn chế phương tiện cá nhân?
- Bộ Giao thông Vận tải đã có một số phương án song vẫn trong quá trình chuẩn bị. Tôi được biết, Hà Nội từng đưa ra đề xuất cấm ôtô vào trung tâm thành phố và xây dựng các bãi đỗ xe trung chuyển; hoặc có đường dành riêng cho xe chở đủ tải, nếu không đủ tải thì đi cùng làn xe máy. Tuy nhiên, theo tôi giải pháp xe lưu thông theo biển chẵn lẻ là dễ áp dụng nhất.
Đoàn Loan thực hiện


Bạn đọc viết - laodong.com.vn
Thứ Tư, 13.4.2011 | 10:22 (GMT + 7)

Giải pháp "Hạn chế ô tô vào trung tâm TP.HCM theo biển số chẵn - lẻ" thực sự là một giải pháp thiếu sự đầu tư, hơn thế nữa mô hình giao thông ở Singapo khó mà áp dụng vào Việt Nam.
Chất lượng đường bộ của đảo quốc này được đánh giá là vào loại tốt nhất thế giới, phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là xe bus và tàu điện ngầm gồm 63 ga hoạt động từ 06:00 đến 24:00, hệ thống taxi giá cũng không quá đắt. Trong khi đó nếu so với Việt Nam thì hệ thống xe buýt chồng chéo giữa các tuyến xe do quy hoạch đường xá có nhiều đoạn đường còn chật hẹp, vừa muốn mở thêm địa điểm, tuyến đường mới lại vừa muốn xe lưu thông thông suốt. Hơn thế nữa nếu ai đã từng đi xe buýt chắc hẳn vẫn còn nhớ thái độ của nhân viên với những người dùng vé tháng (hiện đã bỏ), vé tập trong khi đó hệ thống bán vé tự động trên các xe buýt vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, đường xá Việt Nam thì nay đào mai lấp, hố tử thần và những cạm bẫy luôn rình rập người đi đường.
Tại sao không giao hẳn việc hệ thống đường xá cho Bộ Giao thông vận tải, nếu xảy ra sai phạm thì dễ truy cứu trách nhiệm hơn nhằm khắc phục những khuyết điểm, yếu kém để phục vụ người dân tốt hơn ?
Hồ Tiến Vũ

SGGP - XÃ HỘI
Cho ô tô vào trung tâm TPHCM theo ngày chẵn lẻ: Nên thí điểm, xem xét hiệu quả
Thứ ba, 12/04/2011, 01:56 (GMT+7)
(SGGP). – Sau khi Báo SGGP ngày 9-4 có đăng bài Phương án cho ô tô vào trung tâm TPHCM theo ngày chẵn lẻ: Cân nhắc cẩn trọng, Hiệp hội Vận tải hàng hóa và Hiệp hội Taxi TPHCM đã có phản hồi. Các ý kiến cho rằng, chủ trương hạn chế xe cá nhân lưu thông vào khu vực trung tâm TP để chống ùn tắc và kẹt xe là cần thiết. Tuy nhiên, nếu triển khai theo ngày chẵn lẻ sẽ gây khó khăn cho hoạt động vận tải. Do đó, TP cần nghiên cứu, khảo sát cụ thể các tuyến đường triển khai thực hiện để tránh gây sự xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, hàng ngày, số lượng xe của doanh nghiệp (DN) chở khách từ các tỉnh lân cận vào TPHCM không ít. Do đó, nếu cho ô tô vào trung tâm TP theo ngày chẵn lẻ sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Đề xuất ô tô vào trung tâm thành phố ngày chẵn lẻ khó khả thi. Ảnh: CAO THĂNG
Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho rằng: Hiện nay, một số tuyến đường trung tâm TP như: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ… là những tuyến đường chính vận chuyển hàng hóa lưu thông. Do đó, nếu cho ô tô vào trung tâm TP theo ngày chẵn lẻ trên một số tuyến đường nội đô, bắt buộc các DN vận tải phải sắp xếp bố trí lại xe để hoạt động vận chuyển hoặc tìm các tuyến đường không đi qua khu vực trung tâm.
Điều này sẽ làm số lượng xe tham gia vận chuyển hàng hóa hoặc phải giảm đi một nửa, hoặc phải tăng số chuyến của các xe được chạy lên gấp đôi. Việc số lượng xe tham gia vận chuyển hàng hóa giảm có thể sẽ làm chậm thời gian giải tỏa hàng hóa ở các cảng khiến việc cung ứng vật liệu cho các nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất khó đảm bảo theo đơn đặt hàng.
Do vậy, TP nên khảo sát, nghiên cứu kỹ các tuyến đường vào khu vực quận 1, 3 là những quận có mật độ xe lưu thông cao để thực hiện. Ngoài ra, khi thí điểm triển khai, TP cần phải có sự đánh giá hiệu quả của phương án để xem xét nên tiếp tục thực hiện ở phạm vi rộng hay dừng.
Đ. LÝ
Thông tin liên quan
Phương án cho ôtô vào trung tâm TPHCM theo ngày chẵn lẻ: Cân nhắc cẩn trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét