Hồi hộp chờ chứng minh loài cho rùa hồ Gươm

BAODATVIET.VN

5:00 AM, 14/04/2011

Theo một số thông tin ban đầu về kết quả giám định ADN của rùa hồ Gươm thì đây là một loài mới hoàn toàn, song không ít nhà khoa học lại tỏ ra băn khoăn...

Theo TS Nguyễn Viết Vĩnh, một chuyên gia thủy sản, thành viên Hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm: nếu rùa hồ Gươm là một loài mới hoàn toàn thì điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về mặt khoa học cũng như văn hóa, tâm linh người Việt.

Tuy nhiên, điều này cần được chứng minh với những luận cứ khoa học xác đáng thì mới có thể thuyết phục được thế giới.

Bất ngờ rùa hồ Gươm là loài mới

Trao đổi với báo Đất Việt hôm 12.4, TS Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa hồ Gươm cho biết, kết quả bước đầu xét nghiệm ADN của 8 cá thể rùa khác so sánh với rùa hồ Gươm cho thấy rùa hồ Gươm là anh em ruột thịt với cá thể rùa có tiêu bản trong đền Ngọc Sơn. Đây là một loài mới khác hoàn toàn với loài rùa Thượng Hải mà các nhà khoa học đã công bố.





Rùa Hồ Gươm...


Tuy nhiên, ông Tim McCormack, Điều phối viên Chương trình rùa Châu Á, nói rằng ông rất ngạc nhiên trước thông tin kết quả giám định ADN cho thấy rùa hồ Gươm thuộc giống khác rùa Đồng Mô và hai cá thể rùa mai mềm Rafetus swinhoei ở miền nam Trung Quốc trong khi tất cả những cá thể này đều sống chung trên một hệ thống sông.

Theo ông McCormack, trước tiên cần có kết quả ADN của rùa Đồng Mô và hai cá thể rùa ở Trung Quốc thì mới so sánh được chúng có cùng loài hay không. “Cho đến nay thì chưa có kết quả ADN của hai cá thể rùa ở Trung Quốc”, ông McCormack nói.

Ông McCormack cho biết, giả sử rùa hồ Gươm hoàn toàn khác với tất cả cá thể rùa trên thế giới, thì vẫn còn cách lai rùa này với cá thể rùa đực có họ hàng gần, dù rằng quá trình này sẽ phức tạp hơn.

Trên thế giới từng có trường hợp lai cá thể rùa hiếm duy nhất với họ hàng gần. Đó là trường hợp của rùa Lonesome George (hay rùa lớn Pinta) ở đảo Abingdon, thuộc quần đảo Galápagos (Ecudador). Giống rùa này gần như bị tuyệt chủng hoàn toàn, và Lonesome George là cá thể cuối cùng của giống này được tìm thấy năm 1972.

Sau khi được tìm thấy, Lonesome George được đưa vào nuôi nhốt tại Trạm nghiên cứu Charles Darwin ở Đảo Santa Cruz (Mỹ) để chờ con cái giao phối. Nhưng điều này không thực hiện được nên rùa Pinta được Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt vào danh sách đỏ các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Giống rùa này sẽ tuyệt chủng hoàn toàn nếu không tìm thấy con cái nào tương thích.

Tuy nhiên, nghiên cứu thực địa tiến hành gần đây ở quần đảo Galápagos (Ecuador) cho thấy một số ít giống rùa trên đảo Albemarle (cũng thuộc quần đảo Galápagos) mang một nửa kiểu gene giống gene của Lonesome George. Kết quả kiểm tra gene và lai chọn lọc mang lại hy vọng giống rùa Lonesome George sẽ được phục hồi một phần.

...trong bể nhân tạo.

Tuy nhiên, quá trình này rất tốn thời gian và cơ hội thành công cũng không cao.

Đánh giá về công tác bắt rùa và cải tạo môi trường nước cho rùa Hoàn Kiếm, ông McCormack nói rằng các chuyên gia Việt Nam thực hiện quá trình rất tốt và nhanh chóng, trong khi nhiệm vụ này không hề dễ dàng.

Phải chứng minh bằng chứng cứ khoa học

TS Vĩnh cũng cho rằng để khẳng định rùa hồ Gươm là loài mới phải làm rất bài bản. Nếu có kết quả phải so sánh với mẫu gen của loài rùa ở Trung Quốc. “Nếu đây là loài mới, phải nghĩ tới chuyện đặt tên. Người đưa ra bằng chứng chứng mình loài sẽ có quyền đặt tên (khoa học) cho rùa hồ Gươm”, TS Vĩnh nói.

Trước đó, GS Hà Đình Đức cũng từng khẳng định, rùa hồ Gươm là loài mới và đã công bố trên tạp chí Khảo cổ học số 4.2000 với tiêu đề: “Rùa hồ Gươm là loài rùa mới cho khoa học” đặt tên là: Refetus leloii sp.nov.DucH.D.,2000.

Đây là loài rùa lớn nhất trong các loài rùa nước ngọt ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới. GS Hà Đình Đức đã dựa trên kết quả nghiên cứu, so sánh về hình thái với các loài rùa mai mềm lớn trên thế giới cũng như Đông Nam Á và trao đổi với các chuyên gia nghiên cứu rùa Quốc tế như GS Kraig Adler (trường đại học Cornell, Mỹ) và hai chuyên gia khác là TS William P McCord và TS Patrick J.Baker để thấy rùa hồ Gươm hoàn toàn khác với các loài rùa đã biết .

Tuy nhiên, GS.TS Lê Trần Bình - người đang chịu trách nhiệm chính trong việc giám định ADN của rùa hồ Gươm cho rằng, phải thận trọng và phân tích thêm nhiều mẫu gene khác nhau mới có thể công bố. Hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn phải làm các nghiên cứu tiếp theo để chứng minh về giống, loài cho rùa hồ Gươm.


Bích Ngọc - Trúc Quỳnh


7:41 AM, 13/04/2011

Ngày 12/4, TS Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa hồ Gươm cho biết, đây là một loài mới căn cứ theo xét nghiệm ADN

Ngày 12/4, TS Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa hồ Gươm cho biết, 8 mẫu xét nghiệm đều cho thấy, rùa hồ Gươm là một loài mới khác hoàn toàn với loài rùa Thượng Hải mà các nhà khoa học đã công bố. Các kết quả xét nghiệm so sánh và đối chiếu với rùa Đồng Mô, chùa Hương Tích, một vài mẫu xương, đầu của rùa dọc sông Hồng… cho thấy rùa hồ Gươm hoàn toàn là một loài mới.

Chú thích ảnh: Rùa hồ Gươm đang được chăm sóc trong bể chứa (Ảnh: Như Ý)

“So với tiêu bản rùa đang được giữ trong đền Ngọc Sơn, rùa hồ Gươm giống hệt”, TS Tề nói. Nhóm nghiên cứu sẽ xem xét thêm một mẫu ADN nữa với một cá thể rùa đang sống ngoài môi trường để khẳng định loài, giống của rùa Hồ Gươm.

Trước đó, ngày 9/4, sau khi xác định sức khỏe rùa sau một thời gian điều trị đã cho kết quả tốt. Các vết thương đã se lại, vì vậy tổ y tế đã quyết định chuyển rùa sang bể rộng hơn. Thời điểm này người ta cũng cân trọng lượng chính xác của rùa là 169 kg, dài 1,6m, rộng 0,8m, nhỏ và nhẹ hơn so với tiêu bản trong đền Ngọc Sơn (tiêu bản rùa đang ngự trong đền Ngọc Sơn được xác định là nặng tới 250kg, rộng 1,2m và dài 2,1m).

Theo TS Tề, sau 3 ngày được chuyển sang bể mới, rùa vẫn ổn định, ăn uống đều và không có dấu hiệu nào bất thường. “Chúng tôi đang gấp rút làm các xét nghiệm mẫu ADN để đưa ra kết luận cuối cùng về giống loài, giới tính, và tuổi của rùa hồ Gươm”.

Dự kiến, ngày 16/4, nhóm nghiên cứu sẽ công bố kết quả xét nghiệm ADN rùa hồ Gươm trên tạp chí sinh học để các nhà khoa học trong nước, thế giới biết đến.


Bích Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét