Chủ Nhật, 10/04/2011, 00:10
Luật sư bỏ phiên tòa: Lại bàn về văn hóa pháp đình
(ANTĐ) - Trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, vai trò và vị thế của Luật sư đang ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, một hiện tượng đã xảy ra không còn hy hữu là các Luật sư bỏ về giữa phiên tòa, mặc cho thân chủ bơ vơ và Hội đồng xét xử rơi vào tình thế khó xử…
Bỏ về để phản đối
Trong phiên tòa giữa tháng 11-2010, xét xử vụ án cướp tài sản xảy ra tại Bản Phủ (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) ba luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Nguyệt đã bỏ về, sau khi tố Kiểm sát viên không có tên trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng vẫn ngồi ghế công tố.
Vị thế của luật sư ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội |
Trước đó, mọi người còn nhớ, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử Bùi Tiến Dũng (nguyên Tổng Giám đốc PMU 18) khi phiên tòa bước sang phần tranh tụng, nhiều Luật sư bức xúc vì bị chủ tọa ngắt lời nhiều lần, đã đứng dậy, rũ áo bỏ về.
Một luật sư từng bỏ phiên tòa về chia sẻ: Tôi bỏ ra về là để phản ứng lại thái độ thiếu tế nhị và coi thường Luật sư của Hội đồng xét xử. Luật sư bị hạn chế thời gian nói, nói chưa xong đã bị ngắt lời giữa chừng. Nếu Luật sư vi phạm quy định của phiên tòa thì chủ tọa có quyền mời Luật sư ra ngoài. Còn ở đây, chủ tọa phiên tòa vi phạm quy định hạn chế thời gian nói của Luật sư. Không có biện pháp gì để phản ứng lại nên chúng tôi buộc phải bỏ ra ngoài.
Văn hóa pháp đình
Thực tế cho thấy, do Luật sư bỏ về, có trường hợp phiên tòa vẫn tiếp tục nhưng có nhiều phiên tòa phải hoãn. Có ý kiến còn cho rằng, một trong những nguyên nhân làm tồn đọng án mà không ai dám đề cập tới đó là một phần do Luật sư gây khó khăn cho Tòa.
TS Nguyễn Trí Tuệ, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc các Luật sư tự ý bỏ về là từ bỏ quyền bào chữa của mình, gây thiệt hại cho thân chủ. Đối với Tòa, việc này không ảnh hưởng nhiều, nhưng gây tâm lý không tốt cho tất cả những người có mặt tại phiên tòa. Người ta sẽ đặt câu hỏi về sự nghiêm minh của cơ quan xét xử, về sự điều hành của chủ tọa cũng như thái độ của Luật sư. Bởi Luật sư ngoài việc bảo vệ thân chủ, họ còn có trách nhiệm cao hơn, đó là bảo vệ pháp chế XHCN. Sự “giận dỗi” của Luật sư đôi khi thái quá hoặc làm mình, làm mẩy, đề cao vai trò của mình, gây sự chú ý cho những người tham gia phiên tòa cũng là điều không thể chấp nhận được.
Về phía Tòa án, khi có hiện tượng như vậy bao giờ lãnh đạo cũng xem xét lại việc điều hành của Hội đồng xét xử về diễn biến tại phiên tòa, kể cả phần tranh tụng của Kiểm sát viên, cũng như phát biểu của Luật sư để rút kinh nghiệm. Mới đây, ở Quảng Ninh xảy ra việc một Kiểm sát viên bị kiểm điểm do có thái độ xúc phạm Luật sư trong khi tranh tụng tại phiên tòa. Để xảy ra chuyện như thế thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng phải chịu trách nhiệm.
Có Kiểm sát viên sau khi tranh tụng không đạt yêu cầu đã quay sang xúc phạm Luật sư rằng “Đề nghị Tòa án sau phiên tòa này làm văn bản kiến nghị lên Sở Tư pháp để kiểm tra trình độ của Luật sư vì Luật sư trình độ quá thấp và kiểm tra Văn phòng Luật sư...”.
Về phía Luật sư cũng có nhiều chuyện phải bàn. Có người nhận xét, các Luật sư trong Nam bao giờ cũng “Thưa tòa” rồi mới nói, còn Luật sư ngoài Bắc thì không, có khi giơ tay rồi nói liền một thôi một hồi, thậm chí có trường hợp còn đòi “xem lại trình độ của Thẩm phán”…
Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn Quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì đưa ra một giải pháp: Ở phiên xử, thì về nguyên tắc cả Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và Luật sư đều phải có ý thức tôn trọng nhau, tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm của mỗi người tham gia phiên tòa.
Việc Luật sư tự ý phản ứng bằng cách bỏ phòng xử án, nếu xét về luật tố tụng và nội quy phiên Tòa, thì việc này không vi phạm điều cấm nào, nhưng xét về đạo đức nghề nghiệp Luật sư, thì Luật sư rời phòng xử án mà không được khách hàng đồng ý, gây thiệt hại quyền lợi của khách hàng là vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, theo tôi sau mỗi vụ việc xảy ra, Lãnh đạo Tòa án và Lãnh đạo Tổ chức hành nghề Luật sư hoặc Đoàn Luật sư cần cùng nhau xem xét lại xem bên nào sai để rút kinh nghiệm, hoặc xét kỷ luật nếu cần thiết (có thể căn cứ vào băng ghi âm, ghi hình hoặc qua các nhân chứng tham dự phiên Tòa để xem xét ai sai, mức độ sai).
Xây dựng văn hóa pháp đình, xây dựng lối ứng xử tôn trọng nhau, tôn trọng quyền của nhau là một đòi hỏi khách quan và phải được sự quan tâm từ nhiều phía, nhất là từ phía đại diện cơ quan công quyền là Tòa án, Viện Kiểm sát, vì họ là người giữ quyền lực công nên cần phải gương mẫu trước. Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng quả thực nó là bài học chung cho tất cả các bên. Các bên đều đòi hỏi được tôn trọng, trên cơ sở tố tụng cũng như văn hóa giao tiếp.
Vũ Chân Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét