Cụ Rùa hồ Gươm và bài học lịch sử

VTC News:
12/04/2011 00:58

(VTC News) - Vua An Dương Vương đã không giữ chữ ”tín” nên giá phải trả là đất nước rơi vào tay giặc. Phải chăng vua Lê Lợi đã rút ra bài học đắt giá này mà đưa rùa đến hồ Lục Thủy và dệt nên câu chuyện "trả gươm"?

Phải chăng vì chữ Tín, vua Lê Lợi đã tạo nên truyền thuyết "Trả Gươm". Ảnh: wordpress

Lời tòa soạn: Hơn một tháng nay, chuyện về cụ Rùa hồ Gươm được báo chí và người dân cả nước quan tâm, hơn bất cứ một nhân vật nổi tiếng nào. Nhưng ít có người biết, đằng sau câu chuyện về cụ Rùa là bài học nhân văn về chữ Tín và đạo làm vua.

Nhân dịp cụ Rùa được cứu chữa kịp thời, PGS.TS Hà Đình Đức, người dành hàng chục năm nghiên cứu "linh vật" hồ Gươm, đã gửi tới VTC News bài viết thú vị này. Để rộng đường tranh luận, xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết:

Cụ Rùa Hồ Gươm chứa đựng bao câu chuyện lịch sử thú vị. Ảnh: PGS.TS Hà Đình Đức

"Xưa kia hồ Hoàn Kiếm khá rộng trải dài suốt từ Hàng Đào đến tận Lò Đúc. Hồ chia làm đôi, ở giữa là làng Cựu Lâu (khu vực Hàng Khay bây giờ). Hình dáng như con bướm, thân bướm là làng Cựu Lâu, hai phần hồ hai bên là cánh bướm.

Người xưa dùng mỹ từ để gọi tên hồ là ”Giáp Điệp Xuyên Hoa Cách”. Hồ có hình dáng như một vầng trăng khuyết nên gọi là Nguyệt Hồ. Nước trong hồ quanh năm một màu xanh ngắt nên có tên là hồ Lục Thủy.

Dưới triều Lý, vua Lý Thánh Tông chọn nơi đây để xây chùa Sùng Khánh vào năm Bính Thân (1056) để hàng năm nhà vua đến làm lễ tế Trời Đất cầu cho Quốc thái, Dân an. Đến năm Đinh Dậu (1057) nhà vua dựng tháp Báo Thiên (Đại thắng Tư thiên Bảo tháp) để kỷ công chiến thắng quân Chiêm Thành.

Tháp Báo thiên được liệt vào "Tứ Đại khí" (4 công trình lớn bằng kim khí: 1. Tháp Báo thiên, 2. Chuông Quy điền, 3.Tượng Di Lặc ở Quỳnh Lâm Đông Triều, 4. Vạc Phổ Minh ở Nam Hà).

Truyền thuyết "Trả Gươm"...

Truyện xưa kể rằng, khi dấy binh khởi nghĩa, Lê Lợi đã được Đức Long Quân cho mượn thanh Bảo Kiếm. Sau khi đánh đuổi hết quân xâm lược, giành lại giang sơn xã tắc, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế.

Một hôm nhà vua ngự trên thuyền rồng cùng bá quan văn võ du ngoạn ngắm cảnh vật bên hồ Lục Thủy giữa kinh thành Thăng Long. Bỗng nhiên thần Kim Quy xuất hiện bơi đến trước mũi thuyền và tâu với nhà vua rằng:

- Việc lớn đã xong xin Người hãy hoàn lại thanh Bảo Kiếm cho Đức Long Quân.

Thanh Thần Kiếm vẫn bên mình nhà vua từ ngày dựng cờ khởi nghĩa bỗng rùng rùng rồi vút bay khỏi vỏ hướng đến Rùa Vàng. Nhanh như chớp, thần Kim Quy đớp ngang lưỡi kiếm và lặn sâu xuống hồ. Từ đó một vệt sáng xanh ngắt bay vút thẳng lên trời. Khi đó thuyền của bá quan văn võ cũng vừa tới. Nhà vua liền phán:

- Khi ta dựng cờ khởi nghĩa Đức Long Quân đã cho ta mượn thanh Bảo Kiếm, nay việc lớn đã xong Người sai phái sứ thần đến đòi ta đã trao trả lại.

Kể từ đó hồ Lục Thủy đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (hồ Trả Gươm) hay Hồ Gươm.

Đến thế kỷ 16, chúa Trịnh dựng Phủ Chúa bên bờ Tây hồ Hoàn Kiếm với nhiều cung điện, lâu đài và thủy tạ nhô ra hồ. Lúc này hai phần hồ được gọi là Tả Vọng và Hữu Vọng (nhìn ra từ Phủ Chúa hồ bên trái và hồ bên phải). Trên hồ Tả Vọng có hòn đảo nhỏ nơi loài rùa to sống trong hồ thường bò lên phơi nắng nên thường gọi là Gò Rùa. Chúa Trịnh đã cho xây ngôi đình nhỏ gọi là đình Tả Vọng, Vào mùa hè chúa thường ra đây nghỉ mát và câu cá.

Năm 1884 Bá Kim là thương nhân giàu có và thân Pháp xin xây ngọn tháp trên Gò Rùa. Theo bản đồ Hà Nội 5/5/1885 ghi tên là tháp Bá Kim. Nhưng đây là nơi rùa thường lên nghỉ ngơi nên nhân dân quen gọi là Tháp Rùa.

Đến đầu thế kỷ 19 Hồ Hữu Vọng vẫn còn khá rộng nhưng về sau bị lấp dần và khi thực dân Pháp mở rộng phố xá thì hồ này bị xoá sổ hoàn toàn. Phía Đông Bắc hồ Tả Vọng có nhiều rạch nhỏ, người ta bắc cầu bằng gỗ để qua lại. Thực dân Pháp lấp đi mở phố và gọi tên là phố Cầu Gỗ. Dọc phía Đông có nhiều đầm ao và nương dâu.

Trong cuốn Cổ tích và Thắng cảnh Hà Nội của Doãn Kế Thiện, 1959 có đoạn nói về ánh sớm Hồ Gươm:"Bảy tám mươi năm về trước, khoảng đất từ cổng đền Ngọc Sơn ra tận bờ sông, còn là một bãi dâu xanh bạt ngàn, hàng ngày từ lúc mặt trời rạng đông, một làn ánh sáng đỏ, chiếu xuyên qua bãi dâu xanh chiếu xuyên thẳng vào mặt hồ, sắc nước cũng trong xanh, phản ánh ra một cảnh tượng từng phút, từng giây biến hoá muôn vẻ, muôn màu; đầu đề: “Kiếm Hồ Thần đôn” tức là ánh sớm Hồ Gươm trước đây đã làm cạn không biết bao nghiên mực, cùn không biết bao nhiêu ngọn bao bút của các ông thơ thánh, thơ thần mà cũng chưa có bài nào đã hình dung hết được vẻ đẹp tuyệt vời của thắng cảnh ấy.

Cũng vì Hồ Gươm có ánh sáng tuyệt diệu ấy, nên nhà văn Nguyễn Văn Siêu đã dặt tên cho cái cầu là Thê Húc, nghĩa là giữ lại ánh sớm tuyệt đẹp của mặt trời".

Hồ Tả Vọng chính là hồ Hoàn Kiếm ngày nay. Vẻ đẹp nên thơ của hồ Hoàn Kiếm vẫn tồn tại và là nguồn cảm hứng vô tận của các nhạc sỹ, thi sỹ, hoạ sỹ, nhà văn đã say sưa sáng tác không biết bao tác phẩm mô tả vẻ đẹp này. Hồ Hoàn Kiếm là nỗi nhớ không chỉ của người Hà Nội khi đi Hà Nội, mà cũng là kỷ niệm sâu đậm của những ai đã từng sống ở Hà Nội. Hồ Hoàn Kiếm là điểm đến đầu tiên của bất cứ ai mỗi khi đến thăm Hà Nội.

Gần 600 trăm năm qua, loài rùa khổng lồ vẫn đang sống trong lòng Hồ Gươm, chuyển tải thông điệp của ông cha xưa về trang sử oai hùng chống giặc ngoại xâm và to lớn hơn nữa, đó là thông điệp của lòng khao khát Hoà Bình của dân tộc ta.

...và bài học lịch sử

Trong nhiều năm qua thi thoảng Rùa Hồ Gươm xuất hiện trước sự chứng kiến của hàng vạn người dân Hà Nội và khách thập phương như một nhân chứng lịch sử, mà người đời vẫn tin tưởng rằng thanh Thần Kiếm của tổ tiên ẩn sâu đâu đó trong lòng hồ dưới làn nước xanh thẳm của Hồ Gươm Thần Rùa vẫn ngày đêm canh giữ.

Suốt chiều dài lịch sử kể từ khi Lý Công Uẩn định đô trên đất Thăng Long, qua triều Trần đến triều Lê gần 400 năm, qua thư tịch, truyền thuyết không hề có dấu vết về loài rùa khổng lồ trong hồ Lục Thủy. Chỉ từ khi truyền thuyết Hoàn Kiếm ra đời thì người ta mới nhắc tới loài rùa khổng lồ trong Hồ Gươm.

Mặt khác, nếu loài rùa này vốn dĩ ở đất Thăng Long thì chúng phải có ở Hồ Tây hay các ao hồ khác của Hà Nội, nhưng hầu như loài rùa này không thấy ở vùng quanh Hà Nội. Vậy có thể rùa được đưa từ nơi khác đến thả vào hồ Lục Thủy để dệt nên huyền thoại Hoàn Kiếm.

Lần lại trang truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, thần Kim Quy xuất hiện cho nhà vua mượn hai linh khí, đó lầ thanh Bảo Kiếm để chém đầu Gà Tinh trắng kẻ phá kế xây thành và chiếc móng của mình để làm lẫy Nỏ Thần giữ nước. Sau khi chém đầu Gà Tinh trắng, nhà vua đã hoàn trả.

Nhưng linh khí thứ hai là chiếc móng (lẫy nỏ), An Dương Vương sau khi đánh thắng quân Triệu Đà không trả lại cho thần Kim Quy. An Dương Vương đã phạm luật “Vay – Trả” để giữ chữ ”Tín", cái giá phải trả là cả đất nước rơi vào tay giặc! Phải chăng Lê Lợi đã rút ra bài học đắt giá này mà đưa rùa đến hồ Lục Thủy và dệt nên trang huyền thoại "Trả Gươm" và đổi tên hồ? ".

Một huyền thoại đan xen giữa “cái hư - cái thực, cái thực - cái hư”, mãi mãi trường tồn theo thời gian.

PGS.TS Hà Đình Đức


nld.com.vn:

Hoàn tất chữa trị “cụ” rùa

Thứ Ba, 12/04/2011 18:51

(NLĐO)- TS Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh thuộc Hội đồng chữa trị, chăm sóc rùa Hồ Gươm, ngày 12-4 cho hay sau một tuần bôi thuốc trị các vết lở loét, sức khỏe “cụ” rùa có tiến triển rất tốt, không có biểu hiện bị bệnh bên trong.
Nhóm chữa trị đã thống nhất đưa “cụ” rùa từ bể chữa trị sang bể điều dưỡng có diện tích rộng hơn. Dự kiến, chỉ cần nghỉ ngơi khoảng 2 - 3 tháng, “cụ” rùa sẽ hoàn toàn bình phục và có thể trở lại Hồ Gươm sau khi được làm sạch.
Các vết lở loét của "cụ" rùa đã được chữa trị xong. Ảnh: NLĐO
Trước khi đưa “cụ” vào khu điều dưỡng, nhóm chuyên gia đã tiến hành cân, đo. Trọng lượng chính xác của rùa Hồ Gươm là 169 kg, dài 1,6m, rộng 0,8m. Trong khi đó, tiêu bản “cụ” rùa trong đền Ngọc Sơn lớn hơn nhiều, nặng tới 250kg, dài 2,1m và rộng 1,2m.
Kết quả này trái ngược với nhận định của nhiều nhà khoa học và càng củng cố giả thuyết còn có “cụ” rùa khác có kích thước lớn hơn đang ở dưới hồ.
Ông Tề cũng cho biết trong khoảng một tuần nữa sẽ có kết quả ADN về giống loài, giới tính và tuổi của rùa Hồ Gươm.
B.Trân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét