Nhật Bản một tháng sau thảm hoạ kép: Dấu hiệu hồi sinh giữa ngổn ngang tàn phá
Một thtáng sau trận động đất và sóng thần, Sendai, thủ phủ của tỉnh Miyagi - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của động đất và sóng thần hôm 11/3, vẫn là một thành phố ngổn ngang bàn ghế, đồ chơi, xoong nồi… Hàng triệu tấn rác, gạch đá, mái tôn … ùn lên hai bên đường.
Sendai với 1 triệu dân số nay chỉ còn là một thành phố bị chia đôi: một bên là những khu ven biển hoang tàn, đổ nát, hải cảng và sân bay vẫn tê liệt hoàn toàn; Bên kia là khu trung tâm thành phố, nơi nhà cửa ít bị hư hại, thì người dân cố gắng xoa dịu vết thương để tìm lại nhịp sống của thời kỳ trước biến cố 11/3. Mối quan tâm hàng đầu của người dân tại đây là làm thế nào để tiếp tục sống trong khung cảnh hoang tàn này.
Hiện cả thế giới đang dõi theo những diễn biến khó lường tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và lo lắng cho hàng ngàn người dân Nhật Bản đang phải chống chọi với thảm họa thiên nhiên. Nhưng cũng chính trong những giờ phút cả thế giới hồi hộp theo dõi từng diễn biến từ đây, hãng tin The Guardian đã cho đăng tải một bức thư ghi lại nội dung trao đổi giữa hai nhân viên của công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đang phục vụ tại nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima I. Bức thư làm cho nhiều người trên khắp thế giới hiểu được thế nào là tính cách Nhật.
“Khóc lóc là vô ích, và nếu chúng ta đã rơi vào địa ngục thì tất cả những gì chúng ta còn lại đều phải hướng về phía thiên đàng”, nhân viên làm việc tại nhà máy điện gặp sự cố viết. Nhân viên còn lại, đang làm việc tại văn phòng công ty ở Tokyo, trả lời: “Tất cả mọi người vô cùng kính trọng và đang chụm đầu lại để cùng cầu nguyện cho những ai đang đảm nhận trọng trách cao cả, chiến đấu ở tiền tuyến.”
Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp nói rằng tất cả các cơ sở hạt nhân kể từ nay phải có hai máy điện dự phòng thay vì chỉ có một như trước.
Thảm họa tại Fukushima còn tồi tệ hơn cả những gì có thể xảy ra với Nhật Bản, không hẳn bởi vì đó sẽ là một thảm họa phóng xạ mới. Người Nhật đang sống theo những truyền thống mà cha ông họ đã tạo dựng từ xưa. Hàng trăm năm trôi qua cũng không làm thay đổi những nghi thức, sự phân tầng xã hội cũng như các nguyên tắc thông qua những quyết sách quan trọng.
Những người đã sống ở Nhật nhiều năm cho biết đây không chỉ đơn thuần là một đất nước mà là cả một nền văn minh. Trong con mắt của người nước ngoài, sự kín đáo là đặc điểm chính trong tính cách của người Nhật. Theo Giám đốc học viện ngoại giao, nguyên đại sứ Nga tại Nhật Bản, ông Aleksandr Panov, Nhật Bản là dân tộc của những người sống nội tâm.
Trong khi đó, bất chấp hàng trăm ngàn người mất nhà, nhu yếu phẩm khan hiếm, dường như các quy tắc ứng xử bất thành văn đã đoàn kết người Nhật lại với nhau.
Một bé gái cùng mẹ trong ngày đầu tiên đến trường ở Fukushima, hôm 6/4
Khoảng 200.000 người mất nhà đang sống tại các nhà tạm, nhưng công tác dọn dẹp đã tiến hành mạnh mẽ nhờ một đạo quân tình nguyện đổ về từ khắp mọi miền Nhật Bản.
Hiện dân chúng Nhật đang chia thành hai khu vực – những người đang sống trong vùng bị thiên tai và khu vực không bị ảnh hưởng. Tại Tokyo và các khu dân cư không bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường mà nó vốn có, không hề thấy dấu hiệu nào của sự hoảng loạn hoặc lộn xộn.
Mùa này mọi năm là mùa hoa anh đào của Nhật, mùa của lễ hội và hồi sinh. Năm nay, cảnh này không còn nữa, Chính phủ tuyên bố hủy bỏ ngày lễ chính thức của đất nước là Lễ hội Sakura. Nhưng thế giới lại một lần nữa thấm thía sự kính trọng đối với những người dân Nhật Bản: hàng ngàn người Nhật vẫn đến khu vườn Anh đào trước Hoàng thành, cho thấy rằng những truyền thống văn hóa–tinh thần của quê hương họ không đổi thay.
Nguyễn Viết
tuoitre.vn: Chủ Nhật, 10/04/2011, 07:51 (GMT+7)ASEAN, Nhật Bản bắt tay ứng phó thiên tai
TT - Ngày 9-4 tại Jakarta (Indonesia), ngoại trưởng các nước ASEAN và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả và tạo điều kiện tăng cường viện trợ kỹ thuật thông suốt để khắc phục hậu quả thiên tai.
Liên tục đo nồng độ phóng xạ gần khu vực Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (ảnh chụp ngày 9-4) - Ảnh: Reuters |
Tại cuộc họp, hai bên cũng đã trao đổi thông tin liên quan về trận siêu động đất 9 độ Richter ngày 11-3 ở Nhật. Hãng tin Kyodo cho biết tại hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Takeaki Matsumoto đã công bố những thông tin mới nhất trong quá trình khắc phục hậu quả trận động đất và sóng thần.
Ông Takeaki cam kết Nhật đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về sự cố và tình hình khắc phục sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Đồng thời ông thừa nhận sự thiếu hợp tác là một trong những thử thách lớn nhất trong hoạt động cứu trợ khẩn cấp sau thảm họa ở Nhật.
Hai bên cam kết tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp ứng phó và viện trợ kỹ thuật thông suốt trong việc khắc phục hậu quả thiên tai.
MỸ LOAN
tuoitre.vn: Thứ Bảy, 09/04/2011, 09:37 (GMT+7)
Động đất mạnh xảy ra theo chu kỳ
TT - Trong mấy ngày vừa qua, động đất lại liên tiếp xảy ra tại Indonesia, Mexico và Nhật Bản. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) - cho biết:
- Trận động đất tại Nhật Bản xảy ra ở đứt gãy ngoài khơi, nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương; trận động đất ở Myanmar xảy ra trên đứt gãy nội mạng, nó nằm trong lục địa, thuộc dãy Tân Cương; động đất ở Indonesia nằm ở đứt gãy dài và sâu thuộc về mảng khác. Nghĩa là ba trận động đất trên phát sinh ở những dãy đứt gãy khác nhau, tại các vị trí khác nhau, với cơ chế va chạm khác nhau nên không liên quan tới nhau.
Nước Nhật sau thảm họa động đất - sóng thần - Ảnh: AP |
* Nhưng chúng xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn, liệu có điều gì bất thường?
- Điều bất thường ở đây có thể là chúng ta phải chứng kiến trận động đất có tính hủy diệt, gây sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản. Tuy nhiên, điều bình thường ở đây là những trận động đất mạnh thường xảy ra sau một chu kỳ lặp lại, nghĩa là những trận động đất càng lớn, càng mạnh thì chu kỳ lặp lại của nó càng dài ra.
4 người chết, 132 người bị thương vì dư chấn Theo Kyodo News, đợt dư chấn hôm 7-4 đã cướp đi sinh mạng của bốn người Nhật và làm 132 người bị thương. Hơn 3,3 triệu hộ dân tại Nhật rơi vào cảnh mất điện. Nhà nghiên cứu Volkan Sevilgen thuộc Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ dự báo sẽ còn nhiều đợt dư chấn mạnh xảy ra tại Nhật. Đài NPR dẫn lời chuyên gia Sevilgen: “Nguyên tắc cơ bản là một trận động đất 9 độ Richter sẽ sản sinh ra 10 đợt dư chấn 8 độ Richter, 100 đợt 7 độ Richter và hàng ngàn đợt 6 độ Richter”. |
- Dựa trên quy luật các trận động đất trong lịch sử, các nhà khoa học nói rằng càng xa trận động đất vừa xảy ra thì chúng ta càng gần trận động đất sắp đến. Người ta có thể dự báo tương đối chính xác về vị trí, độ lớn của trận động đất dựa trên quy luật của nó là xảy ra trên các đứt gãy sâu và ranh giới các mảng kiến tạo. Tuy nhiên, để xác định chính xác tọa độ và thời gian của một trận động đất thì không thể. Như vậy, không thể nói là sắp tới không xảy ra động đất nữa, mà rất có thể lại có những trận động đất mạnh tương tự ở Indonesia, Myanmar...
* Thưa ông, nguy cơ động đất, sóng thần đối với VN như thế nào?
- VN đã ghi nhận được hai trận động đất mạnh ở Tây Bắc, đó là trận năm 1935 ở Điện Biên có cường độ lớn 6,75 độ Richter, năm 1983 một trận động đất 6,8 độ Richter xảy ra ở Tuần Giáo. Ở miền Nam, trận động đất mạnh nhất ghi nhận được là 6,1 độ Richter năm 1923 trên thềm lục địa Đông Nam bộ. Như vậy, chúng ta khẳng định không phải VN không có động đất mạnh, tuy nhiên những trận động đất vừa kể không gây ra nhiều thiệt hại bởi nó xảy ra trong rừng, ngoài cánh đồng ít dân cư và thềm lục địa. Nếu những trận động đất mạnh như vậy xảy ra ở đô thị, khu công nghiệp chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại lớn.
Còn đối với sóng thần, từ trước đến nay chúng ta chưa có bất kỳ một văn liệu nào về sóng thần ở VN. Tuy nhiên trong tương lai, các nhà khoa học đã xác định chín vùng nguồn trong biển Đông có khả năng gây ra sóng thần tấn công các vùng bờ biển VN.
* Vậy nguy cơ động đất ở vùng đông dân cư như đồng bằng sông Hồng có thể xảy ra không?
- Từ những năm 1970, các nhà khoa học đã xây dựng được các bản đồ động đất, trên đó thể hiện những vùng có khả năng chịu những chấn động ở mức độ khác nhau. Theo đó, vùng nguy hiểm nhất là Tây Bắc (cấp 8-9 trên 12 cấp), Hà Nội được xếp vào vùng cấp 8, TP.HCM thuộc vùng cấp 5-6, miền Trung thuộc vùng chấn động cấp 7... Thủ đô Hà Nội nằm trên vùng có đứt gãy rất nổi tiếng chạy qua, đó là đứt gãy sông Hồng chạy từ Trung Quốc cắt ngang qua miền Bắc VN và thẳng ra biển Đông. Đây chính là vùng được cho rằng có khả năng xảy ra động đất.
* Nhật Bản là quốc gia hàng đầu thế giới xét về mặt đầu tư, phương tiện, nhân lực cho cảnh báo động đất, sóng thần nhưng họ vẫn bất lực trước trận động đất hủy diệt như vừa rồi. Ông có thể so sánh gì với VN về mặt phương tiện và nhân lực?
- Câu hỏi này thật sự khó trả lời. Đúng là Nhật Bản mạnh về mọi mặt trong việc nghiên cứu, dự báo, ứng phó với động đất. Họ có rất nhiều dữ liệu về thiệt hại do động đất, sóng thần, vì ở đó động đất xảy ra như cơm bữa. Nhật có rất nhiều máy móc, thiết bị, họ có khả năng đặt các máy móc đo dưới đáy Thái Bình Dương, chặn đường tiến của sóng thần và ngay lập tức truyền dữ liệu qua vệ tinh... Các nhà khoa học của Nhật cũng rất giỏi trong lĩnh vực nghiên cứu động đất. Nhưng trận động đất vừa rồi vẫn vượt qua khả năng của con người.
Còn VN thì sao? Chúng ta chưa chịu thiệt hại bởi động đất nên sự cảnh giác, đề phòng của ta không bằng họ được và không thể đầu tư những thiết bị tối tân như của họ được. Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể cảnh báo sớm được sóng thần, nhưng cảnh báo sớm không có nghĩa là giảm thiểu được thiệt hại, vì ứng phó mới là khâu quan trọng.
LÊ KIÊN thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét