Xây ngân hàng giữa trường học danh tiếng

VietNamNet

Vụ việc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam được sở Xây dựng TP.HCM cấp phép xây dựng trụ sở trong khuôn viên trường Lê Quý Đôn, một công trình có dấu ấn kiến trúc thuộc địa Pháp, đang được dư luận TP.HCM quan tâm.



Khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) ở khuôn viên trường Lê Quý Đôn- Ảnh: MINH ĐỨC, Tuổi Trẻ.
Ngôi trường giữ hồn văn hóa

Theo Tuổi Trẻ, việc xây dựng tòa nhà làm việc ở khu đất rộng 440m2 đã có ý kiến khác nhau, do nằm trong khu vực Trường THPT Lê Quý Đôn - một công trình đang trong giai đoạn nghiên cứu đưa vào danh mục bảo tồn.

Trả lời Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT), ông Võ Viết Thanh, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Dấu tích văn hoá – kiến trúc – lịch sử như trường Lê Quý Đôn và khuôn viên của nó hiện không còn nhiều ở thành phố. Giữ lại khuôn viên rất đẹp của ngôi trường 137 năm tuổi này là giữ hồn văn hoá cho một Sài Gòn – TP.HCM. Đó là yếu tố trường tồn.

"Nhiều nhà trí thức yêu nước sáng chói từng dạy và học ở đây. Thầy Dương Văn Thới, cha của bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, nhà kỹ sư bác vật Lưu Văn Lang, anh hùng Phạm Ngọc Thảo, ông Cao Triều Phát, ông Nguyễn An Ninh… Nơi đây, từ năm 1926, các học sinh Việt Nam đã từng viết nên khẩu hiệu đả đảo thực dân Pháp trong lần bãi khoá đưa tang cụ Phan Châu Trinh", ông Thanh cho biết thêm.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu cũng đồng tình với ông Võ Viết Thanh: "Trường Lê Quý Đôn là một trong những công trình bảo tồn kiến trúc để đưa vào xếp hạng di tích lịch sử văn hoá theo luật Di sản văn hoá. Do vậy, việc xây dựng cao ốc tại đây là điều vô lý", ông cho biết trên SGTT.

"Trường Lê Quý Đôn cũng như Trường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, là các công trình có dấu ấn kiến trúc thuộc địa Pháp mang dấu ấn lịch sử. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng thì trong quá trình cải tạo, nâng cấp không gian kiến trúc mới cũng phải phù hợp với cảnh quan, kiến trúc chung; công trình mới không được phá vỡ mà phải làm nổi bật kiến trúc cũ."

Ông Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đại biểu HĐND thành phố cũng nêu ý kiến trên SGTT: Nếu thành phố chưa có tiền để thực hiện dự án thì bằng mọi cách thành phố phải giữ lại khu đất, không cho bất cứ cá nhân nào xâm phạm, xây dựng, để khi có tiền thì tiến hành xây dựng cũng chưa muộn. Lỡ một vài năm sau thành phố có tiền để mở rộng trường thì cũng khó bứng một toà nhà sừng sững sáu tầng đã được xây kiên cố, tiền đền bù, giải toả chẳng phải cũng sẽ gấp nhiều lần bây giờ hay sao?

Mỡ trước miệng mèo?

Báo SGTT đưa ra vụ việc tương tự sau loạt bài “cao ốc thắng trường học”, đó là trường THPT Lê Qúy Đôn, TP Nha Trang trước đây của tỉnh Khánh Hòa.

Ngôi trường chuyên nổi tiếng ấy ở Khánh Hòa được xây dựng trên một khu đất đẹp, rộng gần 4.000m2, ngay trung tâm thành phố biển Nha Trang. Thế nhưng sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng rồi chuyển Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn đến địa chỉ mới tại đường A.Yersin – Nha Trang.

Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương giao cả khu đất 4.000m2 và bán toàn bộ cơ sở vật chất của Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn trên khu đất đó cho một nhóm tư nhân để kinh doanh trường tư thục.

Sau khi có nhiều dư luận và phản ánh của báo chí, cùng cử tri ở địa phương có đơn thư kiến nghị, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải quyết định giao lại toàn bộ diện tích đất và cơ sở Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn cũ cho UBND thành phố Nha Trang để chuyển sang làm Trường THCS Trần Quốc Toản.

Tác giả Trúc Nam Sơn trên tờ SGTT bình luận: Nếu quan sát nhiều trường học đã được xây dựng từ xưa tới nay ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, hầu hết trường học đều được dành đất đai rộng rãi hơn nhiều cơ sở phục vụ các mục đích khác và luôn ở những vị thế đẹp nhất về nhiều điều kiện như cảnh quan, môi trường, giao thông đi lại…

Có lẽ, do được ưu tiên về vị trí, đất đai nên ngày nay nhiều trường học ở các nơi đã trở thành “đất vàng” trong mắt các nhà kinh doanh, tìm lợi. Do đó, đất đai của trường học đã trở thành “mỡ trước miệng mèo” và đã khiến những “con mèo” hám lợi, thiếu đạo đức kinh doanh, thiếu lương tâm đối với sự phát triển của cộng đồng và tương lai của xã hội cùng bao thế hệ mai sau… tìm mọi cách chèn ép, xà xẻo, cưỡng đoạt đất đai dành cho giáo dục, trường học để “xài” cho lợi ích khác.

Được xây nhưng phải hài hòa với cảnh quan trường

Sau khi những thông tin trên báo chí đều nhất loạt phản đối việc xây cao ốc của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN trong khuôn viên Trường Lê Quý Đôn, lãnh đạo TP.HCM đã phải cho tạm ngừng việc thi công.

Báo Pháp luật TP. HCM cho biết: việc cấp phép xây dựng không sai pháp luật, nhưng không phù hợp với lợi ích chung thì cần phải xem xét lại.

Thành phố không cho ngân hàng xây cao ốc mà chỉ là trụ sở văn phòng làm việc với bốn tầng cao, hình khối kiến trúc vật liệu, màu sắc hài hòa với không gian chung của khu vực trường.

Công luận hoan nghênh tinh thần cởi mở đối thoại của lãnh đạo TP và hy vọng rằng với sự quan tâm, cân nhắc của các vị lãnh đạo, TP sẽ lưu giữ được sự toàn vẹn cho ngôi trường cổ kính này như Hà Nội đã từng làm với Công viên Thống Nhất.

Tờ Tuổi Trẻ cũng cho biết: UBND TP khẳng định nếu tòa nhà ngân hàng được xây dựng thì kiến trúc, tầng cao, chủng loại vật liệu xây dựng và màu sắc công trình phải đảm bảo hài hòa, đồng bộ với kiến trúc của Trường Lê Quý Đôn.

Trong trường hợp không chấp thuận cho xây dựng trụ sở ngân hàng, UBND TP đề nghị cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương giao cho các sở, ngành tìm kiếm khu đất khác để hoán đổi cho Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN xây dựng trụ sở làm việc.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Kinh tế cần nhưng môi trường giáo dục cũng quá cần

Người Pháp khi xây dựng chợ, bệnh viện và trường học luôn có quy hoạch chặt chẽ về giao thông và đô thị. Di sản mà họ để lại cho chúng ta - trường học là một trong những kiến trúc đẹp, độc đáo. (Marie Curie, Lê Hồng Phong hay Petrus Ký cũ, Nguyễn Thị Minh Khai hay Gia Long cũ). Trường bao giờ cũng có hoa viên, khuôn viên rộng với bóng mát cây lá, cỏ hoa. Những ngôi trường ấy đã trở thành cổ kính bởi tuổi tác và thời gian đi qua nó cùng với việc đào tạo bao nhiêu thế hệ trở thành trí thức của nước nhà.

Mất đi hay làm biến dạng những kiến trúc như thế nghĩa là chúng ta làm mất cả giá trị tinh thần, biểu tượng của tri thức, của ký ức nhiều thế hệ. Đại học Stanford danh tiếng làm sững sờ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và tôi khi chúng tôi ghé thăm. Đấy là một tu viện cổ thế kỷ 18, còn nguyên vẹn tháp chuông biểu tượng của trường và một nhà thờ với hàng ngàn bích họa cổ.

Bảo tàng mang tên nhà điêu khắc Rodin cũng nằm trong công viên rợp bóng sồi cổ thụ của trường. Du khách đến Sài Gòn tất nhiên không vào tham quan Trường Lê Quý Đôn. Nhưng từ bên kia đường không thiếu những ống kính du lịch đã chỉa qua cổng trường rất đẹp. (Phí đã nằm trong vé máy bay của họ khi đến VN đấy). Kiến trúc cổ kính có sức hút của nó là thế, cho dù chỉ là một ngôi trường trung học.

Thành phố không còn nhiều những ngôi trường vừa danh tiếng, cổ kính vừa có kiến trúc đẹp như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Marie Curie… nếu làm hỏng nó?

Tú Uyên (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét