Nhật Bản: Bắt đầu tái thiết khu vực bị thảm họa động đất

Vanhoa Online
(15/04/2011)



VH- Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 12.4 đã kêu gọi cả nước tìm giải pháp để xây dựng lại cuộc sống và các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa động đất-sóng thần xảy ra một tháng trước đó.

Phát biểu trong cuộc họp báo được truyền hình trên toàn quốc, Thủ tướng Kan cho rằng, một tháng đã trôi qua kể từ sau trận động đất mạnh nhất mà Nhật Bản phải hứng chịu, nay chính quyền Trung ương và địa phương cần chuyển trọng tâm sang công cuộc tái thiết ở những khu vực bị tàn phá, đặc biệt tiến trình tái thiết phải ưu tiên theo những ước nguyện và ý kiến của những người trực tiếp chịu thảm họa động đất và sóng thần.

Cùng lúc, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ yêu cầu Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) chi tiền hỗ trợ khẩn cấp cho những người phải sơ tán ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Banri Kaieda nói: “Nhiều người buộc phải bỏ chạy mà không kịp mang theo bất cứ tài sản nào”.

Ông cho biết cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản phụ trách công tác đền bù thiệt hại do cuộc khủng hoảng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 vừa phê chuẩn đề xuất giải ngân tiền hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng này. Chính phủ sẽ thông báo cho TEPCO quyết định này.

Các hộ dân sống trong bán kính 20km xung quanh Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 và 10km xung quanh Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 2 thuộc diện buộc phải sơ tán sẽ được nhận tiền hỗ trợ khẩn cấp. Bên cạnh đó, những người sống trong phạm vi từ 20km đến 30km xung quanh Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 cũng sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Mỗi hộ dân có thể nhận được số tiền hỗ trợ lên tới 1 triệu yên. Theo dự kiến, tổng số tiền mà TEPCO phải chi trả khoảng 50 tỷ yên.

TEPCO cho biết, họ đã vay 2.000 tỷ yên từ các tổ chức tài chính, trong đó 1.900 tỷ yên từ 7 ngân hàng tư nhân và 100 tỷ yên vay từ Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) – một định chế tài chính thuộc Chính phủ, và sẽ sử dụng số tiền vay này để trả cho các nhà máy, hoàn trả nợ và tài trợ cho các hoạt động của công ty, trong đó có việc mua lại trái phiếu công ty, chi trả chi phí nhiên liệu và chi phí khác cần để tái thiết.

TEPCO dự định sẽ sử dụng số tiền vay từ DBJ để khôi phục hoạt động tại các nhà máy nhiệt điện bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất và sóng thần vừa qua. Theo các quan chức của DBJ, ngân hàng này sẽ cân nhắc cung cấp thêm tín dụng cho TEPCO nếu công ty này cần.

Cùng ngày 12.4, Phó tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Denis Flory nhận định sự cố phóng xạ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản hoàn toàn khác so với thảm họa Chernobyl ở Ukraina.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Flory cho biết, các lò phản ứng hạt nhân tại Chernobyl vẫn hoạt động khi sự cố xảy ra nên đã khiến lượng phóng xạ nồng độ cao bay ra ngoài và phát tán rộng rãi, trong khi đó, các lò phản ứng ở Nhà máy Fukushima số 1 đã ngừng hoạt động ngay sau khi xảy ra động đất và sóng thần ngày 11.3.

Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng, lượng phóng xạ thoát ra từ Nhà máy Fukushima số 1 chỉ bằng khoảng 10% so với trong thảm họa Nhà máy Chernobyl.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEC) ngày 12.4 đã quyết định hủy bỏ kế hoạch công bố Sách trắng hạt nhân năm 2010. JAEC cho biết Sách trắng Hạt nhân là đóng góp quan trọng của Nhật Bản đối với cộng đồng quốc tế trong việc gia tăng số lượng các nhà máy điện hạt nhân và nâng cao tầm quan trọng của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, việc công bố Sách trắng Hạt nhân 2010, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3.2011, bị hủy bỏ do JAEC chưa tập hợp được đủ thông tin về sự cố phóng xạ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1.

Trong quá khứ, JAEC cũng từng hủy bỏ công bố Sách trắng Hạt nhân sau sự cố tại nhà máy xử lý nguyên liệu hạt nhân ở Tokaimura năm 1999.

Khánh An

(theo Kyodo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét