>> IMF: Libya nắm giữ trữ lượng vàng khổng lồ
Tại miền tây, đại tá Gadhafi được cho là đang dùng trữ lượng lớn tiền mặt, và có thể là vàng, để chi trả cho cuộc chiến chống lại phe nổi dậy.
Còn tại miền đông, phe nổi dậy đòi lật đổ hơn 40 năm lãnh đạo của ông Gadhafi có vẻ yếu thế hơn nhiều, dựa chủ yếu vào sứ mệnh quân sự quốc tế do Liên hợp quốc hậu thuẫn để tạo đà tiến.
Phe nổi dậy muốn củng cố vị trí của mình bằng cách xuất khẩu dầu, có thể cho họ hàng tỷ đô la để mua nhu yếu phẩm cùng vũ khí, cũng như củng cố uy tín của một chính phủ tương lai như họ mong muốn.
Phe nổi dậy cho biết đang sản xuất tới 130.000 thùng dầu mỗi ngày và hi vọng có thể nâng con số này lên 300.000 thùng trong những tuần tới. Họ cho biết cơ sở hạ tầng dầu lửa bị hư hại rất ít.
Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn.
Các công ty quốc tế đã rút hết nhân viên, trong khi vẫn duy trì quyền khai thác dầu mỏ; tình hình an ninh vẫn rất bấp bênh và ngành dầu lửa Libya hiện đang phải hứng chịu sự trừng phạt của quốc tế.
Những hỗ trợ cho phe nổi dậy
Đại tá Gadhafi cho rằng mục đích can thiệp của phương Tây chỉ là vì muốn kiểm soát “miếng mồi” dầu lửa và ông đã ra đề nghị với các bạn hàng tiềm năng ở Trung Quốc, Ấn Độ. Ông cũng dọa sẽ kiện bất kỳ công ty dầu lửa nào làm ăn với phe nổi dậy.
Phe nổi dậy “đã có sẵn cơ sở hạ tầng, họ có người trên các giếng dầu, các nhà máy. Có rất nhiều người ở đó biết họ đang làm gì”, John Hamilton, một chuyên gia về Libya tại công ty phân tích rủi ro của Anh Cross-Border Information cho biết.
“Điều họ cần cấu trúc tài chính. Đó là điều họ đang tìm kiếm nhưng họ cần phải có sự hợp tác của quốc tế”.
Và đã có dấu hiệu cho thấy hợp tác này đang đến.
Mỹ và giới chức Liên hợp quốc cho biết lệnh trừng phạt không áp dụng đối với hoạt động bán dầu của phe nổi dậy – mặc dù Mỹ đã liệt công ty dầu lửa Vịnh Ả rập do phe nổi dậy điều hành (Agoco) vào “danh sách đen”.
Qatar cũng đã đề xuất hỗ trợ phe nổi dậy bán dầu và có thể giúp họ tránh được những khó khăn liên quan đến quyền sở hữu, Greg Priddy, một nhà phân tích dầu lửa thuộc công ty tư vấn Eurasia Group cho biết.
Nhưng theo ông Priddy, miền đông Libya cần 100.000 thùng dầu mỗi ngày, chỉ để cho tiêu dùng của chính họ. Và cần phải có thời gian trước khi phe nổi dậy có thể kiếm được nhiều tiền nhờ xuất khẩu. “Phải mất vài tháng nữa”, ông cho hay.
Trước khi xung đột nổ ra, Libya sản xuất 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 2% sản lượng của thế giới. Và 70% số này đến từ miền đông.
Libya nắm giữ trữ lượng dầu thô lớn nhất châu Phi và dầu của họ, hầu hết là được bán sang châu Âu, đặc biệt có giá trị bởi chất lượng tốt, nhẹ, sulphur thấp.
Tiền mặt và vàng
Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết đến giữa tháng 3, sản xuất dầu của Libya “nhỏ giọt” và có thể không tham gia vào thị trường xuất khẩu trong nhiều tháng.
Với nền kinh thế dựa chủ yếu vào dầu lửa, thì việc bán dầu trở lại quan trọng hơn là cuộc chiến đang diễn ra.
“Theo cá nhân tôi, cho phép Agoco giao thương độc lập là tối quan trọng, không chỉ xét về mặt chiến lược mà còn từ góc độ nhân đạo. Và Libya cũng đang rất cần nguồn lực để hỗ trợ người dân, cho phép cuộc sống của họ tiếp tục”, ông Hamilton nhận định. “Miền đông cần sẵn sàng để hỗ trợ cho miền tây, khi ông Gadhafi ra đi”.
Cho đến nay, không có dấu hiệu nào chứng tỏ đại tá Gadhafi sẽ ra đi. Tuy nhiên, một phần trong kế hoạch của quốc tế nhằm gây sức ép buộc ông ra đi gồm có đóng băng tài sản, tiền mặt ông nắm giữ ở nước ngoài cũng như nguồn thu nhập từ dầu lửa trong tương lai.
Điều này cũng cần phải có thời gian, bởi nhà lãnh đạo Libya cho biết đã xây dựng một nguồn quỹ dự trữ khổng lồ.
Quỹ tiền tệ Quốc tế ước tính giá trị trữ lượng vàng của Libya lên tới 6 tỷ USD. Ibrahim Dabbashi, phó đại diện của Libya tại Liên hợp quốc, người đã bỏ sang phe nổi dậy, cho biết trữ lượng tiền mặt lên tới “hàng chục tỷ đô la”. Và tiền mặt sẽ dễ dàng dùng để tri trả trực tiếp hơn rất nhiều các loại tài sản khác.
Cũng theo Dabbashi, một lượng lớn tiền và vàng dự trữ trên đã được chuyển tới nam Libya trong những container chở hàng trong những năm 1990.
“Giờ đây chúng ta biết rõ rằng số tiền này đang được sử dụng để tuyển binh lính, mua vũ khí và chi trả cho cuộc chiến”, ông Dabbashi nói.
Các khoản cấp cho dân của Gadhafi
Vào đầu cuộc xung đột, được biết, chính phủ Gadhafi cấp cho mỗi gia đình 500 đina (400USD) và cho biết sẽ tăng lương nhà nước lên 150%. Một số người ở Tripoli đươc cấp tới 17.000 đina, xe mới và vũ khí mới.
Và các binh sỹ đánh thuê nước ngoài (lên tới hàng ngàn) được biết được trả tới 10.000USD khi gia nhập và có mức lương hàng ngày lên tới 1.000USD.
Trong dấu hiệu chứng tỏ nguồn tiền không còn dồi dào, ngân hàng trung ương Libya đã phải bắt đầu phát hành loại tiền cũ, bản lớn.
Đã xuất hiện tình trạng thiếu nhiên liệu, nhưng ông Priddy cho rằng chừng nào đại tá Gadhafi vẫn kiểm soát được nhà máy lọc dầu Azzawiya, chắc chắn vẫn còn đủ xăng dầu cho các hoạt động quân sự.
Còn tại miền đông, theo ông, lực lượng nổi dậy sẽ có đủ dầu nếu họ nắm được quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn khác của đất nước tại Ras Lanuf.
Một nguồn tin của phe nổi dậy ở cảng miền đông Tobruk xác nhận quân nổi dậy có đủ nhiên liệu, nhưng thiếu tiền mặt. Và họ đang thương lượng với giới chức Anh để sở hữu hàng trăm triệu đina đã được in ở Anh.
Với sự hậu thuẫn của các nước phương Tây và tương lai bán được dầu, phe nổi dậy đang tự tin họ sẽ củng cố được lực lượng, thậm chí nếu cuộc xung đột có thể kéo dài.
Còn trước mắt, niềm hi vọng chính vẫn là chính quyền ông Gadhafi sẽ tự sụp đổ từ bên trong. Nhưng theo Wolfram Lacherm, chuyên gia về Libya tại Viện quan hệ quốc tế và an ninh Đức, điều đó cần phải có sự kết hợp giữa áp lực quân sự cộng với tác động đối với những người xung quanh ông Gadhafi, khiến họ bỏ sang phe nổi dậy hoặc rời đất nước.
Phan Anh
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét