|
Trụ sở ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) - Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lần đầu tiên vượt mức 3.000 tỉ đô la Mỹ, đạt 3.040 tỉ đô la Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức ngân hàng trung ương nước này, cho biết.
Hôm qua 14-4, ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố, trong quí 1-2011, dự trữ ngoại hối tăng thêm 197 tỉ đô la Mỹ. Trong tháng 3-2011, các ngân hàng Trung Quốc cũng cho vay các khoản vay mới hơn 679,4 tỉ nhân dân tệ (104 tỉ đô la Mỹ).
Chính sách kiểm soát tiền tệ của chính phủ Trung Quốc cùng với thặng dư thương mại và những dòng vốn chảy vào nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới này đã giúp dự trữ ngoại hối của Trung Quốc phình thêm 1.000 tỉ đô la Mỹ trong hai năm vừa qua.
Dự trữ ngoại hối Trung Quốc ở mức cao nhất thế giới và gần gấp ba lần dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, nước đang xếp thứ hai về dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng dự trữ ngoại hối cao chưa hẳn đã có lợi mà có thể có hại.
Ông Stephen Green, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered cho rằng mức dự trữ ngoại hối của Trung Quốc quá lớn, quá mức cần thiết và gây tổn hại cho nền kinh tế. Mỗi đô la Mỹ dự trữ, Trung Quốc phải in 6,5 nhân dân tệ, làm tăng lưu lượng tiền mặt, khiến vấn đề lạm phát càng thêm tồi tệ.
Việc Trung Quốc tăng dự trữ ngoại hối cho thấy sự mất cân đối toàn cầu, cụ thể là thặng dư thương mại quá lớn của Trung Quốc.
Hôm nay (15-4), các bộ trưởng tài chính G20 họp tại Washington (Mỹ) sẽ tìm kiếm một thỏa thuận về hệ thống cảnh báo sớm giúp ngăn ngừa mất cân đối trong thương mại và các mô hình tài chính đã góp phần dẫn đến khủng hoảng và suy thoái kinh tế giai đoạn 2007-2009.
(Bloomberg, Forexpros)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét