batdongsan.vietnamnet.vn - 22/12/2012 11:04:57 (GMT+7)
“Cứu” bất động sản: Lập công ty quản lý tài sản quốc gia?
Cứu bất động sản: Vấn đề nằm ở dòng tiền!
Khi chủ đầu tư địa ốc tự... giải cứu
Cứu BĐS: Nhà nước phải điều tiết cuộc chơi
Cứu bất động sản: Vấn đề nằm ở dòng tiền!
Khi chủ đầu tư địa ốc tự... giải cứu
Cứu BĐS: Nhà nước phải điều tiết cuộc chơi
Xác định rõ nguồn cơn để có biện pháp khắc phục hiệu quả là phương châm của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng trong buổi làm việc tại Hà Nội và TP.HCM trong 2 ngày 18, 19/12 về tình hình thị trường bất động sản hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, biện pháp quan trọng nhất để vực dậy thị trường bất động sản thời gian tới là nhanh chóng điều chỉnh lại cơ cấu hàng hoá bất động sản, cân đối cung cầu. Phải rà soát các dự án, phân loại để xử lý, dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương, giảm thời gian điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của dự án cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.
“Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản; tăng cường hoạt động sàng lọc doanh nghiệp, những doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính phải kiên quyết không cho tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, các biện pháp trên có thể dẫn đến phản ứng từ các chủ đầu tư dự án, nhưng đó là việc làm cần thiết trong điều kiện số lượng dự án đã cấp phép vượt hàng triệu m2 sàn xây dựng so với Chiến lược Phát triển nhà ở cũng như khả năng hấp thụ của thị trường.
Phân khúc căn hộ cao cấp một thời sôi động cũng đang trở nên trầm lắng |
Theo Chiến lược Phát triển nhà ở, đến năm 2020, TP.HCM cần phát triển thêm khoảng 66 triệu m2 nhà ở. Thế nhưng, trên thực tế, diện tích nhà ở tại các dự án đã giao chủ đầu tư lên tới hơn 80 triệu m2. Tình hình tại Hà Nội cũng tương tự, khi diện tích sàn xây dựng tại các dự án đã giao chủ đầu tư vượt hàng chục triệu m2 so với quy hoạch nhà ở đô thị đến năm 2020.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện còn khoảng 15.000 căn hộ chung cư chưa bán được, chủ yếu là các căn hộ có diện tích trên 90 m2. Ngoài ra, còn khoảng trên 300.000 m2 đất nền, gần 60.000 m2 văn phòng chưa giao dịch được, với tổng giá trị khoảng 30.242 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Tín cũng lưu ý, thị trường còn nhiều dự án đã huy động một phần vốn hay đã giải phóng mặt bằng nhưng phải dừng do không có thị trường. Các nhà đầu tư thứ cấp đã mua hàng, nhưng không bán được cho người tiêu dùng… Vì vậy, số vốn tồn đọng trong bất động sản còn lớn hơn rất nhiều so với số liệu báo cáo nêu trên.
Để vực dậy thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đã trực tiếp đề xuất 6 giải pháp cụ thể: tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo hành lang pháp lý; cơ cấu lại thị trường; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; thực hiện chính sách tài khoá và thuế; hỗ trợ doanh nghiệp miễn, giảm thuế đối với một số loại hình đầu tư bất động sản; giúp người mua nhà tiếp cận vốn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi…
Điều đáng lưu ý trong chương trình “giải cứu” thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng trình Chính phủ mới đây, đó là lần đầu tiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận trước Thủ tướng Chính phủ nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng của thị trường bất động sản hiện nay là do việc cấp phép và phát triển dự án theo nhu cầu ảo. Điều này bấy lâu nay ít được cơ quan chức năng đề cập trong các báo cáo thành tích phát triển thị trường địa ốc.
Cùng với 6 giải pháp nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các địa phương cho phép các dự án đã giải phóng mặt bằng có thể tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn, cho phép khai thác kinh doanh, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Ngoài ra, đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành, nhưng không bán được do diện tích căn hộ quá lớn, thì tuỳ theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân hoặc chuyển sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại… Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng, nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, thì cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động…
Thị trường bất động sản gần như “đông cứng” suốt nhiều tháng qua đang trông chờ vào những biện pháp tích cực và mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý thị trường bất động sản. Kết quả của các biện pháp này ra sao thì chỉ có qua thực tế mới có thể kiểm chứng. Nhưng rõ ràng, nếu các biện pháp được thực thi đúng và đủ như đã được công bố, thì sẽ có hàng loạt dự án và nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải ra đi sau cuộc “đại phẫu”. Chính phủ cũng đang xem xét ban hành một nghị quyết riêng để vực dậy thị trường bất động sản vào cuối tháng này.
Đâu là giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường BĐS hiện nay? Mời bạn đọc Vland
cùng đưa ra những giải pháp giải cứu thị trường BĐS để hi vọng vực dậy thị
trường vào năm mới, 2013. Bạn đọc cũng có thể gửi những ý kiến bình luận, những
bài viết đưa ra ý kiến của mình trước những chính sách của Bộ xây dựng nhằm vực
lại thị trường đầy khó khăn này. Những ý kiến góp ý xác đáng, có hiệu quả sẽ được đăng tải trên trang bất động sản Vland và được trả nhuận bút theo quy định. Các giải pháp hay, được độc giả bình chọn nhiều nhất sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn của chuyên trang bất động sản Vland. Thời gian bắt đầu diễn đàn từ ngày 18/12/2012 và kết thúc vào 30/1/2013. Kính mời độc giả tham gia đóng góp ý kiến để những chính sách sắp tới Bộ xây dựng đưa ra sẽ được đông đảo phản hồi và sự đồng tình của người dân nhiều hơn. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: vland@vietnamnet.vn |
Theo Báo đầu tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét