Dấu hiệu ấm dần trong quan hệ Trung – Nhật

VOVNEWS.VN
Cập nhật lúc : 6:22 PM, 17/12/2010
(VOV) - Trung Quốc đang thể hiện thiện chí với Nhật Bản thông qua cuộc đối thoại an ninh cấp cao giữa 2 nước ở Bắc Kinh vào ngày 24/12 tới, nhằm thảo luận về tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Động thái này cho thấy quan hệ căng thẳng giữa hai nước đang dần cải thiện sau vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông hồi đầu tháng 9. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng: những thiện chí của Trung Quốc đối với Nhật Bản chẳng qua nhằm mục đích tìm kiếm sự “đồng thanh” giữa Bắc Kinh và Tokyo trong các vấn đề khu vực.

Một cách khá khéo léo, Trung Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại an ninh cấp cao song phương với Nhật Bản đúng thời điểm ngay sau khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa có cuộc tham vấn về vấn đề Triều Tiên đầu tuần trước. Vẫn là những nội dung như vụ pháo kích trên bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng hay đại cương về chương trình quốc phòng mới của Nhật Bản; nhưng ở cuộc đối thoại an ninh cấp cao lần này, lần đầu tiên Trung Quốc thể hiện thiện chí mong muốn tổ chức thường xuyên hơn nữa các cuộc gặp song phương với Nhật Bản để thảo luận về các vấn đề khu vực cũng như quốc tế. Không chỉ tổ chức cuộc đối thoại an ninh cấp cao song phương, theo Tân hoa xã trong tuần này, Trung Quốc và Nhật Bản còn tiến hành những cuộc điện đàm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ căng thẳng khu vực, vấn đề Triều Tiên và nhất là kêu gọi Tokyo hưởng ứng đề xuất mới đây của Bắc Kinh về việc tổ chức cuộc gặp tham vấn 6 bên khẩn cấp.

Hôm 11/12, Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ và người đồng cấp Nhật Bản Akitaka Saiki đã gặp nhau tại Bắc Kinh, trong một nỗ lực nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực Đông Bắc Á. Hai bên đã nhanh chóng đi đến sự nhất trí tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, theo chủ trương đổi viện trợ lấy phi hạt nhân hóa như các bên đã thỏa thuận năm 2005.

Những động thái này “thật khác xa” với thái độ lãnh đạm trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo suốt 3 tháng qua kể từ sau vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy quan hệ căng thẳng giữa hai nước đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, theo giới phân tích những thiện chí của Trung Quốc đối với Nhật Bản chẳng qua chỉ là để tìm kiếm “sự đồng thanh” giữa Bắc Kinh và Tokyo trong các vấn đề khu vực.

Thời gian gần đây, dư luận quốc tế đã nổi lên những lời “xì xào” về việc Trung Quốc đang bị các nước khác “phớt lờ” trong các cuộc thảo luận về tình hình khu vực. Chẳng gì thì trong cuộc tham vấn về vấn đề Triều Tiên đầu tuần trước, Trung Quốc đã buộc phải đứng ngoài khi các ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Hàn nhất trí tăng cường điều phối và tham vấn về các vấn đề liên quan đến Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Điều này được thể hiện trong chính tuyên bố chung của cuộc đàm phán Mỹ-Nhật-Hàn khi “yếu tố” Trung Quốc không được nhắc tới trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á.

Thêm vào đó, tiếng nói của Trung Quốc xem chừng như cũng đang mất dần trọng lượng khi trong không thể thuyết phục được Bình Nhưỡng giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Trong bối cảnh như vậy, một nhà nghiên cứu chính trị độc lập của Trung Quốc cho rằng: Bắc Kinh chỉ còn cách gác lại những khúc mắc, hàn gắn quan hệ với Tokyo mới có thể hy vọng lấy lại những “điểm” đã mất trên trường khu vực. Điều này cũng có nghĩa rằng là: tìm được tiếng nói “đồng thanh” với Nhật Bản, Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế tại bàn đàm phán về các vấn đề khu vực./.

Ngân Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét