Hoảng loạn sau bữa tiệc thịt trăn

Thanh Nien Online:
29/10/2010 23:58

Sau bữa tiệc thịt trăn, 23 người dân ở xã Ia Nhin, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) bỗng dưng bị bệnh lạ: cứ mê mê tỉnh tỉnh, tay chân rũ ra không thể lên rẫy. Một không khí hoang mang đang bao trùm tại địa phương này.

Chuyện xảy ra cách đây non hai tháng, ông Nguyễn Văn Thông (48 tuổi) nghe có người rao bán một con trăn to, lập tức đến hỏi mua. Con trăn nặng 13,5 kg, dài khoảng 3m. Ông Thông đã mua con trăn này với giá 130 ngàn đồng/kg. Sau đó, ông Thông làm thịt trăn, lấy mật, tiết uống rượu, còn thịt được chế biến thành món nộm.

Nạn nhân bữa tiệc “hoành tráng”

Chiều 22.8, bữa tiệc thịt trăn tổ chức ngay tại nhà ông và có 23 người được mời tham dự. Sau tiệc 10 ngày, cả nhà ông Thông gồm 9 người đều có chung những triệu chứng như sốt cao, một số người lên cơn co giật, nhẹ thì nhức mỏi từ trong xương, không thể lê bước lên rẫy, ăn uống không nổi. Nhiều người bị các triệu chứng trên hành hạ như thế khoảng 5-6 ngày thì trở lại bình thường, sau đó khoảng 15 ngày triệu chứng trên lại xuất hiện như một chu trình tuần hoàn.

Thịt trăn được bày bán rất phổ biến ở một số địa phương như Cà Mau - Ảnh: G.B

Vợ chồng ông Thông được gia đình khẩn trương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 311 ở TP Pleiku (Gia Lai), rồi uống thuốc nam, và sau cùng là vào tận Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM điều trị cũng chưa biết bệnh gì. Những người dự tiệc còn lại cũng được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện 331 và Bệnh viện Quân y 211 nhưng bệnh vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm.


Ban đầu bệnh nhân Nguyễn Văn Thông được đưa vào khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc này ông có các biểu hiện yếu liệt tứ chi, tình trạng bệnh giống như bệnh nhân viêm đa cơ (do thuốc, do nhiễm trùng...). Nhưng không tìm ra nguyên nhân nên khoa Nội thần kinh chuyển ông xuống khoa Bệnh nhiệt đới để tiếp tục theo dõi, điều trị. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến cuối ngày hôm qua 29.10, bệnh nhân Thông vẫn còn trong tình trạng yếu các chi, và đang phải thở máy. Bệnh nhân được bác sĩ nghĩ đến trường hợp bị viêm rễ thần kinh, còn nguyên nhân vì sao viêm thì chưa xác định được.

Quanh chuyện này nhiều người địa phương thêu dệt rằng họ bị quỷ thần bắt vì ăn phải "Trăn Tinh". Tuy nhiên anh Khánh khẳng định con trăn này nhìn bình thường, chẳng có điểm gì khác lạ, chỉ có khi mổ bụng trăn thì thấy có con khỉ chưa tiêu hóa hết. 13 người ăn thịt trăn bị bệnh, do quá hoảng loạn, còn mời hai thầy cúng "cao tay ấn" tận Thanh Hóa vào cúng giải hạn (!?).

Có thể bị nhiễm bệnh giun xoắn

Sau khi nhận được thông tin về việc 23 người tại xã Ia Nhin đồng loạt đổ bệnh sau khi ăn thịt trăn dù đã điều trị nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không khỏi, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đã cử cán bộ đến tận nơi tìm hiểu, xác định nguyên nhân chính gây bệnh. Qua tìm hiểu bệnh lý lâm sàng của 3/23 người đã ăn thịt trăn, chi cục đã có kết luận sơ bộ: Nhiều khả năng họ đều mắc bệnh giun xoắn do nhiễm ký sinh trùng khi uống rượu tiết và mật của con trăn này.

Ngày 29.10, ông Đoàn Mạnh Thắng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Gia Lai cho biết thêm: “Nưa là loài bò sát thuộc họ trăn, thức ăn chính của loài này là thịt động vật còn sống, thịt các động vật này phần lớn bị nhiễm ấu trùng trong cơ thể, chủ yếu là giun xoắn. Khi nưa (trăn) ăn vào sẽ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt là trong máu và mật sẽ chứa nhiều ấu trùng của loài giun này và lây sang người nếu không thực hiện việc ăn chín, uống sôi. Nếu số người trên bị nhiễm loại giun này, chi phí khám chữa bệnh chỉ mất khoảng 1 triệu đồng/người. Hiện chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương để thông tin đến gia đình những bệnh nhân đã ăn thịt trăn hôm đó cần sớm đến Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, Bình Định (thuộc Bộ Y tế) xét nghiệm để có kết quả chính xác”.

Thịt trăn không hề độc

Theo lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Q.5, TP.HCM) thì bản thân trăn không độc cho sức khỏe. Trong y học cổ truyền, trong dân gian, hầu hết các bộ phận của trăn từ da, thịt, mỡ, xương đều được sử dụng để điều trị bệnh. Thường dùng nhất là cao trăn (được nấu từ thịt và xương trăn) để trị các bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi người, và còn cho dinh dưỡng cao. Da trăn dùng làm thuốc chữa phong ngứa. Còn mỡ trăn thì trị phỏng rất hay… Tương tự, lương y Vũ Quốc Trung (Hội viên Hội Đông y VN) cũng cho rằng: "Thịt trăn không hề độc; y học cổ truyền thường dùng cao trăn để chữa chứng đau nhức xương khớp".

Lương y Huỳnh Văn Quang cho rằng, việc một số người bị độc sau khi dùng thịt, mật trăn có thể xảy ra là do, trước đó con trăn vừa ăn một con vật nào đó, mà con vật này đã bị nhiễm bệnh. Một chi tiết khác theo lương y Huỳnh Văn Quang đó là: "Con trăn mà những người ở Gia Lai ăn khi mổ ra trong bụng có chứa con khỉ chưa tiêu hóa hết. Bản thân trăn rất khó bắt được khỉ nếu khỉ khỏe mạnh, lanh lợi, mà chỉ bắt được khi khỉ mắc bệnh nằm một chỗ. Bản thân khỉ bình thường cũng không độc, mà còn là vị thuốc dùng trong y học cổ truyền. Vì vậy, chỉ có thể con khỉ bị nhiễm bệnh, hoặc trăn đã ăn một con vật khác có bệnh trước đó".

Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, không nên dùng mật trăn hay mật một số động vật (mật sống) để uống tươi. Từ lâu y học cổ truyền đã nói đến tính độc của mật trăn tươi, biểu hiện ngộ độc sau uống là: đau bụng, co giật; nếu uống quá nhiều sẽ gây vàng da và đỏ mắt. Mật trăn nên sử dụng sau khi đã qua chế biến - cụ thể là sấy khô, tán bột, để dành dùng dần.

Ở một góc độ khác, lương y Phạm Như Tá (Hội viên Hội Đông y TP.HCM) cho rằng: "Thịt trăn có tính hơi hàn (lạnh), dùng thích hợp với phụ nữ gầy yếu, phụ nữ tuổi mãn kinh. Nhưng lại không hợp với nam giới. Bởi vì, theo lý giải của Đông y "thường sau khi ăn con mồi no nê, trăn nằm nghỉ tại chỗ đến mấy tháng, lúc này trăn có tính nhu, không cương, vì thế nếu nam giới dùng quá nhiều thịt trăn ở thời điểm này sẽ không mạnh về chuyện sinh lý".

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có trên 600 hộ nuôi trăn, với số lượng gần 20 ngàn con. Nhưng sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải việc người dân ăn thịt trăn bị bệnh lạ, thì sức mua thịt trăn tại chợ và các hộ nuôi bị chựng lại thấy rõ.

Cô Lê Hồng Nga, người bán thịt trăn ở chợ Cầu Cũ (phường 2, TP Cà Mau, Cà Mau) ngạc nhiên: "Tôi bán thịt trăn ở đây gần cả chục năm nay, đâu có ai đến phàn nàn ăn thịt trăn bị bệnh gì đâu. Mà hồi nào tới giờ cũng đâu có ai nói ăn thịt trăn bị bệnh. Mấy ngày nay, thịt trăn cả chợ này bán chậm, hôm nào cũng ế. Như hôm nay (29.10), sáng giờ tôi bán không được 10 kg. Trước đó, tôi bán một ngày gần cả trăm kg".

Anh Lữ Hoàng Nhứt, người có quầy bán thịt trăn cạnh cô Nga cũng cho rằng: "Tôi bán trăn đã hơn 5 năm, cũng chưa từng nghe ai ăn thịt trăn bị bệnh cả. Và cũng chưa từng bị ai mắng vốn là ăn thịt trăn bị bệnh, bị dị ứng chi hết". Còn chú Nguyễn Ngọc Cung, người nuôi trăn ở P.1, TP Cà Mau lo lắng: "Tôi nuôi trăn gần 20 năm và ăn không biết nhiêu con trăn, đâu thấy bị bệnh gì đâu. Thịt trăn là vị thuốc, có tính hàn thì có, chứ ăn bệnh thật tình tôi chưa nghe. Mấy ngày nay, nghe báo đài đưa tin ăn thịt trăn bị bệnh, mấy người thu mua trăn gọi điện thoại cho hay tháng này không ăn hàng nữa, chờ thực hư chuyện đó thế nào đã, bởi vậy hàng ở chợ không bán được. Tôi cũng mong các ngành chức năng sớm có kết luận về 23 người ăn thịt trăn bị bệnh lạ, để giải oan cho thịt trăn".

Thanh Tùng - Gia Bách

Thiên Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét