Chủ quyền biển đảo là bất khả xâm phạm

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :11:12 AM, 26/07/2011
(Đất Việt) Ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc trao đổi với báo chí về các vấn đề chủ quyền biển đảo, công tác phòng chống tham nhũng và nhất thể hóa Tổng bí thư và Chủ tịch nước.

- Thưa ông, phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề được người dân và cử tri cả nước quan tâm. Trên cương vị mới, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
- Đây là vấn đề rất bức xúc của đồng bào cử tri cả nước. Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách, luật pháp cũng đã có, vấn đề là hành động thôi. Theo tôi, chắc chắn Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm rất lớn trong điều hành lãnh đạo mặt trận phòng chống tham nhũng, đáp ứng nguyện vọng rất lớn của cử tri gửi gắm đến Quốc hội khoá XIII. Tôi biết chắc rằng, cũng có nhiều đại biểu hứa hẹn tiếp tục phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tôi cũng hy vọng rằng, lời hứa của các vị ĐBQH trước nhân dân cũng sẽ không bao giờ quên và nhân dân hãy giám sát chúng tôi để ít ra cũng tốt hơn khoá vừa rồi.
- Thực tế, chống tham nhũng đã đạt một số kết quả nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra? Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Nghị quyết Trung ương 3, khoá 10 về phòng chống tham nhũng, lãng phí đã nói cụ thể, luật pháp cũng đã đầy đủ. Quốc hội cũng đã cho phép thành lập Ủy ban phòng chống tham nhũng hai cấp. Tại đại hội Đảng vừa qua cũng đã đánh gía việc phòng chống tham nhũng có đạt một số kết quả, nhưng so với yêu cầu của Đảng, của Quốc hội thì chưa đạt được mục tiêu. Mục tiêu là phải ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, nhưng kết quả đó chưa đủ ngăn chặn và đẩy lùi. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải năng nổ và tích cực hơn trong việc thực hịên chức năng của mình. Cũng cần xem cơ chế chính sách có gì sơ hở không để thay đổi; thứ hai tổ chức bộ máy chỉ đạo chống tham nhũng xem chỗ nào còn thiếu để chấn chỉnh và sửa. Văn bản giấy tờ có nhiều rồi, vấn đề là hành động kiên quyết thôi.
- Thưa ông, vấn đề Biển Đông sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này. Ông có cho rằng Quốc hội cần ra Nghị quyết về vấn đề này?
Việc ra Nghị quyết hay không thì do Quốc hội quyết định. Đây là thẩm quyền của Quốc hội. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng sẽ tuỳ thuộc vào tính chất, tình hình, ý chí của ĐBQH và tôi chưa thể nói trước. Tôi tin là Quốc hội sẽ xem xét quyết định. Chủ thể là Quốc hội chứ không phải là Chủ tịch nước. Đến khi chương trình được bàn thảo, tôi sẽ bày tỏ thái độ.
- Theo ông, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng ta cần phải làm những gì?
- Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Bất kể một công dân của quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, cũng có nhận thức giống nhau như vậy. Để giữ vững chủ quyền biển đảo, phải dựa vào 3 cơ sở: về pháp lý, lịch sử và thực tế, chiếm hữu và sử dụng, khai thác sử dụng. Luật pháp phải dựa vào luật quốc nội và luật pháp quốc tế. Bất cứ quốc gia nào cũng phải dựa vào luật quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982. Đây là một quá trình đấu tranh và là thắng lợi của các nước nhỏ. Nước nhỏ chúng ta phải dựa vào sức mạnh tập thể cộng đồng là luật pháp quốc tế, dứt khoát phải dựa vào đó để bảo vệ quyền biển đảo. Nước nào cũng thế và chúng ta cũng thế, phải luật hoá luật quốc nội để thực hiện chiếm hữu về mặt pháp lý. Trên cơ sở đó chiếm hữu về mặt thực tế. Ba mặt vấn đề trên sẽ xác định chủ quyền của một quốc gia biển đảo, về pháp lý, lịch sử và thực tế, chiếm hữu và sử dụng, khai thác sử dụng.
- Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bàn về chủ trương sửa đổi Hiến pháp. Ông nghĩ sao về việc nhất thể hoá chức danh Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước?
- Cái đó là công tác bố trí, sử dụng cán bộ của Đảng. Các kỳ đại hội Đảng cũng bàn chuyện này, nhưng độ chín, tức là quyết hai chức danh này là một chưa cao nên vẫn là hai chức danh như hiện nay.
Hà Vỹ (ghi)

Cập nhật lúc :3:25 PM, 25/07/2011
Chiều 25/7, ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đọc tờ trình đề cử ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016. Bà Nguyễn Thị Doan được đề cử làm Phó chủ tịch nước.
>> Sửa Hiến pháp theo quy trình đặc biệt
>> Hôm nay, ứng viên Thủ tướng CP sẽ được đề cử
>> Quốc hội đề cử ông Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước
>> Ông Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Doan, ông Trương Hòa Bình và ông Nguyễn Hòa Bình lần lượt được đề cử vào các vị trí Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục được đề cử vị trí Thủ tướng. Ảnh: Chinhphu.vn.

Ông Nguyễn Tấn Dũng năm nay 62 tuổi, quê Cà Mau, là cử nhân luật. Ông tham gia quân đội từ nhỏ, chuyển ngành năm 1981 và công tác tại tỉnh Kiên Giang, lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy. Năm 1995, ông nhận nhiệm vụ tại trung ương với các chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Kinh tế trung ương. Hai năm sau, ông được Quốc hội thông qua chức Phó thủ tướng và sau đó được phân công làm Phó thủ tướng thường trực. Tháng 6/2006 ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất Việt Nam kể từ năm 1975.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng là một trong những ủy viên Trung ương Đảng trẻ nhất khi được bầu vào khóa 6 (1986), lúc 37 tuổi. Liên tiếp các khóa 8, 9, 10, 11, ông là ủy viên Bộ Chính trị. Ông cũng vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, khi ứng cử tại thành phố Hải Phòng.

Bà Nguyễn Thị Doan tiếp tục được đề cử vị trí Phó chủ tịch nước. Ảnh: VNE

Bà Nguyễn Thị Doan, 60 tuổi, quê Hà Nam, là giáo sư, tiến sĩ về kinh tế. Bà là Phó chủ tịch nước nhiệm kỳ 2006-2011; đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ông Trương Hòa Bình, 56 tuổi, quê Long An, là tiến sĩ luật, Chánh án TAND nhiệm kỳ 2006-2011; đại biểu Quốc hội các khóa 10,11,12, 13.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, được giới thiệu sẽ kế nhiệm Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng.
Ngày 26/7 Quốc hội sẽ tiến hành bầu các chức danh trên.
Theo VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét