Nghi phạm nhận tội tấn công Na Uy

VnExpress:
Chủ nhật, 24/7/2011, 11:33 GMT+7

Nghi phạm bị cảnh sát buộc tội Anders Behring Breivik hôm qua thú nhận đã thực hiện cả vụ đánh bom ở Oslo và xả súng điên cuồng trên đảo Utoeya làm tổng cộng 92 người chết.
Một cô gái thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tại Oslo. Ảnh: AFP.

Truyền thông Na Uy dẫn lời luật sư của Breivik là Geir Lippestad nói: "Anh ta nghĩ rằng việc thực hiện những hành động này là kinh khủng nhưng trong đầu anh ta coi điều đó là cần thiết". Thủ phạm 32 tuổi còn khẳng định sẽ tự giải thích về hành động của mình trước phiên toà sẽ diễn ra vào ngày mai.

Cũng theo nguồn tin từ luật sư Lippestad, các vụ tấn công của Breivik đã được lên kế hoạch trước đó một thời gian. Thủ phạm đã chính thức bị cảnh sát buộc tội thực hiện các hành động khủng bố chiều 22/7 và được cho là có liên hệ với các phần tử cực hữu.

Những bức ảnh chụp Breivik cầm súng máy vừa xuất hiện trên đoạn băng dài 12 phút có nội dung chống đạo Hồi mang tên Knights Templar 2083. Đoạn băng này được đăng trong thời gian ngắn trên Youtube sau đó bị gỡ xuống. Một tài liệu dài 1.500 bằng tiếng Anh có nội dung chống đạo Hồi do Breivik viết cũng được tung lên mạng vài giờ trước các vụ tấn công.

Trong khi đó, người dân Na Uy đang thực hiện các nghi lễ tưởng niệm 85 người chết trong vụ xả súng vào trại thanh niên trên đảo Utoeya và 7 người thiệt mạng trong vụ đánh bom tại trung tâm thủ đô Oslo chiều thứ sáu.

Đúng 1h sáng ngày 24/7, dưới cơn mưa tầm tã và tiếng sấm rền vang, có khoảng 100 người đã đứng thành vòng tròn bên ngoài nhà thờ lớn Oslo làm lễ tưởng niệm các nạn nhân. Họ nắm tay nhau đứng im lặng xung quanh một thảm hoa và nến cầu nguyện cho những người xấu số.

Cảnh sát vẫn đang tìm kiếm những người mất tích, do đó con số nạn nhân trong vụ khủng bố kép tại Na Uy có thể vẫn chưa dừng lại. Còn 4 người trên đảo Utoeya chưa xác định được tung tích và lực lượng cứu hộ lo ngại họ đã bị chết đuối khi cố bơi thoát thân khỏi làn đạn điên cuồng của Breivik.

Tại hiện trường vụ đánh bom ở Oslo, số người chết cũng có thể tăng do vẫn còn thi thể mắc kẹt trong đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ chưa thể tiến vào bên trong toàn bộ các toà nhà bị hư hại trong vụ nổ do chúng có thể bị sập bật cứ lúc nào.

Giới điều tra Na Uy cho biết có khả năng còn có một người khác ngoài Breivik tham gia hai vụ khủng bố cách nhau vài giờ. Cảnh sát cũng chưa đưa ra phán đoán về động cơ của các vụ khủng bố, nhưng hai sự kiện đẫm máu này đều liên quan chặt chẽ tới đảng Lao động cầm quyền của Na Uy.

Vụ đánh bom tại Oslo nhằm vào văn phòng của Thủ tướng Jens Stoltenberg và trụ sở Bộ Dầu mỏ và Năng lượng, trong khi vụ xả súng xảy ra tại trại hè thanh niên trên đảo Utoeya cũng do đảng Lao động tổ chức. Những dữ kiện này dẫn đến nhận định hai vụ tấn công mang màu sắc chính trị và không gắn với các tổ chức khủng bố nước ngoài.

Vụ xả súng trên đảo Utoeya diễn ra vài giờ sau vụ đánh bom xe tại Oslo. Cảnh sát phải mất 45 phút mới có thể từ đất liền ra đảo sau khi nhận tin báo về vụ thảm sát và 45 phút sau thì tay súng đầu hàng vì bị lực lượng vũ trang vây chặt. Tên này trang bị hai khẩu súng gồm một khẩu súng máy.

Thủ tướng Jens Stoltenberg cùng Vua Na Uy Harald, Hoàng hậu Sonja và Thái tử Haakon hôm qua tới thăm những người bị thương và thân nhân những người thiệt mạng tại thị trấn Sundvollen, gần đảo Utoeya, nơi xảy ra vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Hiện trường hai vụ tấn công tại Oslo và đảo Utoeya cùng thủ phạm Breivik. Ảnh: BBC.

Trước đây Na Uy từng đối mặt với các vấn đề liên quan đến những nhóm cực hữu Tân Phát xít. Tuy nhiên hoạt động của các nhóm này nhỏ lẻ và không bị coi là một mối đe doạ lớn. Nếu vụ khủng bố ngày 22/7 được chứng minh mang màu sắc của các phần tử cực hữu thì đây thực sự là lời cảnh báo cho cả châu Âu.

Đình Nguyễn


vnexpress.net
Thứ bảy, 23/7/2011, 15:33 GMT+7

Na Uy - Thiên đường bị đánh cắp

Đất nước Bắc Âu nổi tiếng yên bình với xã hội cởi mở và người dân không thấy có lý do phải tự bảo vệ mình. Nhưng tất cả đã thay đổi khi chỉ trong một ngày, Na Uy chìm trong hai vụ khủng bố đẫm máu mang tính lịch sử.

Vụ đánh bom ở trung tâm thủ đô Oslo nhằm vào các cơ quan đầu não của chính phủ và đặc biệt là vụ xả súng trên đảo Utoeya cướp đi sinh mạng gần 100 người có thể được coi là vụ 11/9 của Na Uy. Kể từ Thế chiến II đất nước thanh bình ở Bắc Âu này chưa từng hứng chịu bất cứ hành động bạo lực nào tương tự.

Cảnh đổ nát trong vụ đánh bom tại Oslo. Ảnh: AFP.

Thiên đường phải thay đổi

Sự bình yên trong suốt một thời gian dài của Na Uy không phải vì nước này giỏi trong việc tự bảo vệ mình, mà phần nhiều là do chính sách của nước này tránh xa các cuộc xung đột quốc tế. Dù là thành viên của khối quân sự NATO từ lâu, nước này gần đây mới bắt đầu tham gia các chiến dịch quân sự tại Afghanistan và Libya.

Chính sách đối ngoại ôn hoà truyền thống của Na Uy nhìn chung không khiến cho nước này có nhiều kẻ thù. Các nhà ngoại giao Na Uy trước đây thường nói rằng việc đánh bắt và kinh doanh thịt cá voi chính là vấn đề gây tranh cãi duy nhất của nước này khi họ tiếp xúc cộng đồng quốc tế.

Xã hội Na Uy hoàn toàn cởi mở với các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau và vấn đề an ninh tại đây từng được nhiều người nước ngoài mơ ước. Các thành viên trong Hoàng gia Na Uy thường tự do đi lại với sự hỗ trợ rất hạn chế của lực lượng an ninh tại các thành phố cũng như trong các kỳ nghỉ bên bờ biển hoặc vùng đồi núi.

Đa phần những thông tin cá nhân của người dân Na Uy cũng để mở nên hầu như hiếm người có địa chỉ hay số điện thoại bí mật. Chỉ cần mở các danh bạ trực tuyến là có thể tìm thấy những đường dẫn cung cấp cả ảnh chụp vệ tinh ngôi nhà và địa chỉ chính xác một người nào đó đang sống. Trên đó còn có chứa đựng cả chi tiết về địa chỉ email và nơi làm việc của họ.

Na Uy cũng là đất nước mà các chính trị gia, doanh nhân hay ngôi sao giải trí hàng đầu không ngại in số điện thoại và địa chỉ cá nhân ngay trên danh thiếp của mình. Ngay cả lương bổng và tài sản của họ cũng được cơ quan thuế công bố mỗi năm một lần và chúng có thể xuất hiện dày đặc trên các báo.

Xã hội cởi mở và an toàn của Na Uy còn được thể hiện qua việc người dân có thể sử dụng phương tiện tìm kiếm trực tuyến để tìm hiểu vấn đề tài chính của bạn bè hay thậm chí là hàng xóm của mình. Các hộp thư không khoá đặt bên ngoài mỗi ngôi nhà và các sao kê ngân hàng hay hồ sơ y tế thường được đặt vào đây mà không lo có ai tọc mạch.

Đối với thế giới bên ngoài, cách sống cởi mở của người dân Na Uy có thể bị coi là quá "thật thà" trong một thế giới ngày càng phức tạp. Nhưng theo nhiều người, cho đến trước vụ khủng bố kép đẫm máu ngày 22/7 vừa qua, người dân Na Uy vẫn không thấy có lý do gì để phải có biện pháp tự bảo vệ mình.

Cũng giống như Thụy Điển trước vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme năm 1986, người dân Na Uy thường phản đối những lời kêu gọi các biện pháp nhằm tăng cường an ninh ở trong nước. Theo BBC, đối với người Na Uy, sống trong một xã hội mở không chỉ là một đặc ân mà còn là lời tuyên bố đối với thế giới rằng, đó chính là nơi cho thấy mọi người có thể sống trong hoà bình như thế nào.

Năm 1993, người phụ trách xuất bản tập sách gây tranh cãi Những vần thơ quỷ Satăng (The Satanic Verses) của Salman Rushdie là William Nygaard bị bắn trọng thương bên ngoài nhà riêng ở thành phố Oslo, sau khi Đại giáo chủ Iran Khomenei ra sắc lệnh Hồi giáo chống lại người đàn ông Na Uy này vì tội cho xuất bản tập sách mà họ coi là "báng bổ tôn giáo".

Sự kiện trên đã phần nào đánh động những vấn đề an ninh của Na Uy, nơi vốn tự hào về sự thanh bình. Vụ khủng bố kép ngày 22/7 cũng sẽ có tác động tương tự nhưng trên quy mô hoàn toàn khác. Quan điểm về nguy cơ mất an ninh của Na Uy có thể sẽ thay đổi nhanh chóng và toàn diện. Nói cách khác, nếu những kẻ tấn công âm mưu đánh cắp cuộc sống thiên đường ở Na Uy thì chúng đã thành công.

Khủng bố mang màu sắc chính trị

Nghi phạm duy nhất bị bắt mang vẻ ngoài đậm nét Na Uy. Ảnh: AP.
Nghi phạm duy nhất bị bắt Anders Behring Breivik mang vẻ ngoài đậm nét Na Uy. Ảnh: AP.

Những vụ tấn công liên tiếp có phối hợp với nhau xảy ra ở châu Âu không thể tránh khỏi việc đặt ra câu hỏi tổ chức nào đứng sau hành động này. Phần lớn những kết luận ban đầu đều cho rằng có một tổ chức Hồi giáo cực đoan thực hiện vụ khủng bố đẫm máu ở Oslo, cũng giống như các sự kiện tương tự trước đây ở London và Madrid.

Nhưng nghi phạm duy nhất bị bắt trong vụ xả súng trên đảo Utoeya khiến 85 người chết là Anders Behring Breivik, 32 tuổi, có bề ngoài đậm nét Na Uy: dáng cao lớn, mắt xanh và tóc vàng. Tên này cũng được phát hiện đã lảng vảng ở Oslo ngay trước khi vụ đánh bom xảy ra. Sau đó anh ta lại giả danh cảnh sát tới đảo Utoeya nói rằng đang điều tra manh mối về các vụ nổ để xả súng.

Từ nghi vấn ban đầu, cảnh sát đã cáo buộc một mình Breivik thực hiện cả vụ đánh bom trung tâm Oslo khiến 7 người chết lẫn vụ bắn giết làm 84 người thiệt mạng tại trại hè thanh niên Utoeya. Cảnh sát Na Uy nhận định vụ tấn công kép không có dấu hiệu liên quan đến các tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế mà là hành động của "một gã điên rồ".

Có một điều dễ nhận thấy là các vụ tấn công ngày 22/7 mang màu sắc chính trị vì đều gắn với đảng Lao động cầm quyền ở Na Uy. Các toà nhà bị đánh bom đều thuộc chính phủ của Thủ tướng Jens Stoltenberg, đặc biệt là khu nhà văn phòng của ông. Trong khi vụ xả súng tại trại hè thanh niên do đảng Lao động tổ chức. Thủ tướng Stoltenberg cũng có lịch trình đến thăm đảo Utoeya để gặp gỡ các thanh niên đang tham dự trại hè trong ngày hôm nay.

Nhưng tất cả các điểm đến của ông có gắn với đảng Lao động đều bị tấn công trong một ngày, khiến nhiều người nghiêng về giả thuyết chúng mang động cơ chính trị hơn là âm mưu reo rắc nỗi sợ hãi trên diện rộng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

Nhiều chuyên gia nghiêng về giả thuyết đây giống như vụ Oklahoma của Mỹ năm 1995, khi toà nhà liên bang bị kẻ đánh bom Timothy McVeigh tấn công vì lý tưởng riêng của hắn chứ không liên quan đến tổ chức khủng bố nào. Động cơ của kẻ máu lạnh Anders Behring Breivik có thể cũng tương tự, nên vụ tấn công Na Uy khác với vụ 11/9/2001 tại Mỹ vốn do các phần tử khủng bố nước ngoài gây ra.

Trong khi đó, một nhóm tự xưng là "Thánh chiến Hồi giáo toàn cầu" hôm nay lên tiếng nhận trách nhiệm vụ khủng bố Na Uy để trả thù việc nước này đã đưa quân đến Afghanistan và xúc phạm đấng tiên tri Muhammad trước đây. Tuy nhiên sau đó tuyên bố nhận trách nhiệm này đã được rút lại.

Một ngày sau vụ khủng bố đẫm máu, cảnh sát Na Uy vẫn chưa thể thống kê chính xác số người thương vong cũng như quy mô đầy đủ của vụ tấn công kép ngày 22/7. Cuộc điều tra đang tiếp tục nên kết luận cuối cùng có thể có thay đổi. Hơn nữa, hồi đầu năm nay cơ quan tình báo Na Uy cũng từng cảnh báo về nguy cơ khủng bố ngày càng tăng khi có các công dân Na Uy được huấn luyện khủng bố tại các nước như Afghanistan, Pakistan, Somali và Yemen.

Đình Nguyễn


vnexpress.net
Thứ bảy, 23/7/2011, 08:00 GMT+7

'Thánh chiến Hồi giáo' nhận trách nhiệm vụ Na Uy

Một nhóm tự xưng là "Thánh chiến Hồi giáo Toàn cầu" nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tòa nhà chính phủ ở Oslo, Na Uy.
> Ảnh Na Uy rung chuyển vì khủng bố kép
Khói bốc cao từ hiện trường vụ đánh bom ở trung tâm Oslo. Ảnh: AFP.
Khói bốc cao từ hiện trường vụ đánh bom ở trung tâm Oslo. Ảnh: AFP.

Đây chính là tổ chức mà kẻ đánh bom Stockholm, Thụy Điển, năm ngoái từng có mối dây liên hệ. Thông điệp của nhóm cho hay chúng đánh bom là để trả thù việc Na Uy đưa quân đến Afghanistan và xúc phạm đấng tiên tri.

Hiện chưa rõ tính xác thực của tuyên bố nhận trách nhiệm vụ khủng bố chiều qua. Tuy nhiên, các quan chức cảnh sát Na Uy cho biết nghi phạm gây ra hai vụ tấn công - nổ bom ở tòa nhà chính phủ và bắn súng bừa bãi tại khu cắm trại của thanh niên Công đảng khiến ít nhất 17 người chết - dường như không liên hệ gì đến chủ nghĩa khủng bố hay Hồi giáo. Người này 32 tuổi và có vẻ ngoài như người Nauy.

Giới chức Na Uy nhận xét vụ đánh bom hôm qua có nét giống vụ tấn công năm 1995 nhằm vào tòa nhà chính phủ Mỹ ở thành phố Oklahoma.

CBS dẫn lời một quan chức cảnh sát Na Uy cho hay nghi phạm có vẻ hành động một mình "chứ không liên hệ với bất kỳ tổ chức khủng bố quốc tế nào".

Tại nước Thụy Điển láng giềng năm 2010, một người đàn ông đã đặt bom trong balo và kích nổ trên đường phố đông đúc của Stockholm. Bom nổ quá sớm giết chết y. Kẻ đánh bom để lại một cuốn băng video trong đó có những lời phản đối chiến tranh Afghanistan và việc giết người Hồi giáo.

Tại Na Uy, chiều thứ sáu, các viên chức được về nhà sớm, vào khoảng 15 giờ. Cảnh sát đang điều tra xem liệu có phải kẻ tấn công cố nhằm vào giờ cao điểm đó để gây thương vong lớn hay không, cũng như tìm kiếm xem nghi phạm có liên hệ với các tổ chức khủng bố hay không.

Mai Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét