- Ngày cập nhật 28/07/2011 15:15:00
Sau khi phát hiện sai phạm hơn 29 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), mới đây Thanh tra Chính phủ cũng vừa phát hiện, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã sai phạm hơn 22 tỷ đồng trong hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất.
Sai phạm trong cho vay hỗ trợ lãi suất
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, 83 hồ sơ cho vay trợ lãi suất tại ACB đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm. Điều này được thể hiện ở việc, phương án vay vốn không thể hiện được sự phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh tương ứng với những khoản vay. Cùng với đó, ACB đã không thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra tình hình kinh doanh của khách hàng, dẫn đến việc hỗ trợ lãi suất không phù hợp với nhu cầu thực tế vay vốn lưu động trong hoạt động kinh doanh của khách hàng. Mặt khác, việc thẩm định cho vay cũng có "vấn đề” khi thẩm định cho vay không đủ căn cứ để xác định thời hạn sử dụng vốn vay phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Á Châu bị phát hiện sai phạm hơn 22 tỷ đồng. Ảnh: Diễn Đàn Doanh Nghiệp. |
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện 14/83 doanh nghiệp được vay vốn lưu động lớn hơn nhu cầu thực tế hoạt động kinh doanh đã sử dụng vốn vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn, hưởng lãi trong thời gian được hưởng tiền hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước. Đơn cử, Công ty CP Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) vay vốn để mua lúa gạo nhưng công ty này đã sử dụng tiền vốn lưu động để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng khác như ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn, ANZ, HSBC. Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, số tiền lãi thu được trong thời gian hưởng hỗ trợ lãi suất lên đến hơn 3,4 tỷ đồng.
Tương tự trường hợp trên, nhưng có phần "nghịch lý” khi Công ty lương thực, thực phẩm An Giang (tỉnh An Giang) cũng vay vốn với lý do "để mua lúa gạo”, nhưng trên thực tế, công ty này đã sử dụng tiền vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn tại chính Ngân hàng ACB. Nhờ có việc gửi tiết kiệm này mà công ty này đã được hưởng hỗ trợ lãi suất 382 triệu đồng. Ngoài các trường hợp trên, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện, Công ty May Nhà Bè (TP HCM); Công ty Liên doanh TNHH KFC Việt Nam (Hà Nội); Công ty CP Docimexco (tỉnh Đồng Tháp) cũng vay vốn tại ACB nhưng đã sử dụng số tiền vay trên để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn để hưởng hỗ trợ lãi suất. Trong đó, Công ty May Nhà Bè hưởng 669 triệu đồng; Công ty liên doanh TNHH KFC Việt Nam hưởng 545 triệu đồng; Công ty CP Docimexco hưởng trên 1,7 tỷ đồng.
Qua thanh tra còn phát hiện 83/111 hồ sơ xác định thời gian cho vay, số lượng vốn vay lớn hơn nhu cầu vốn lưu động thực tế của khách hàng, dẫn đến việc hỗ trợ lãi suất cho cả những khoản vay không có nhu cầu sử dụng vốn. Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, số tiền đã hỗ trợ lãi suất không đúng quy định phải thu hồi về Ngân sách Nhà nước là hơn 22,7 tỷ đồng.
Kiểm điểm các cá nhân có liên quan
Thanh tra Chính phủ xác định, nguyên nhân để xảy ra các sai phạm, khuyết điểm là do ACB và các doanh nghiệp vay vốn chưa tuân thủ các quy định về Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo của ACB phải chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành hệ thống để xảy ra những khuyết điểm, sai phạm. Đặc biệt, những cá nhân có nhiệm vụ thẩm định, quyết định việc cho vay, kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sử dụng vốn vay phải chịu trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu về những sai phạm, khuyết điểm trong cho vay hỗ trợ lãi suất không đúng đối tượng, không đúng thời hạn cho vay, không đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ.
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 493/VPCP-KNTN gửi Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong đó yêu cầu ACB phải thu hồi từ khách hàng vay và hoàn trả ngay ngân sách Nhà nước số tiền hỗ trợ lãi suất không đúng là hơn 22,7 tỷ đồng, đồng thời kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét