Thứ Bảy, 30/07/2011 11:33
(NLĐO)- NATO hôm 30-7 tuyên bố một cuộc không kích chính xác của tổ chức này đã vô hiệu hóa 3 ăng-ten truyền hình vệ tinh của Đài truyền hình nhà nước Libya tại thủ đô Tripoli.Được biết chiến dịch không kích này của NATO nhằm mục đích “bịt miệng” đại tá Gaddafi bằng cách phá hủy các phương tiện truyền tải “những thông điệp kích động” của nhà lãnh đạo này.
NATO thực hiện chiến dịch không kích Tripoli nhiều tháng qua
Tuyên bố của NATO cho biết cuộc không kích “do một chiến đấu cơ thực hiện sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác” và sứ mệnh đã được tiến hành “sau khi cân nhắc và lên kế hoạch kỹ lưỡng để tối thiểu hóa nguy cơ thương vong”.
Phía NATO cho biết họ đang trong quá trình đánh giá tác động của đợt không kích. Tuy nhiên, sau khi tuyên bố trên của NATO được đưa ra, đài truyền hình nhà nước Libya vẫn tiếp tục lên sóng.
Nhà chức trách Đài truyền hình Libya cho hay 3 kỹ thuật viên của họ bị chết và 15 người khác bị thương trong đợt không kích.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters cho biết Tư lệnh quân đội của lực lượng nổi dậy Libya Abdel Fatah Younes đã bị chính những người đồng đội của ông sát hại vì nghi ngờ mưu phản.
Ông Younes và hai trợ lý bị ám sát hôm 28-7 sau khi bị triệu tập về thành trì của quân nổi dậy ở Benghazi để trả lời chất vấn.
Ông Abdel Fatah Younes
Reuters dẫn lời ông Ali Tarhouni, Bộ trưởng Dầu mỏ của quân nổi dậy, cho biết một chỉ huy khác thuộc quân nổi dậy bị bắt sau đó đã thú nhận rằng ông đã ra lệnh cho cấp dưới giết tướng Younes.
Ông Ali Tarhouni khẳng định rằng ông Younes bị sát hại bởi các thành viên của Lữ đoàn Obaida Ibn Jarrah, một nhóm có liên quan mật thiết với quân nổi dậy.
Ông Ali Tarhouni khẳng định rằng ông Younes bị sát hại bởi các thành viên của Lữ đoàn Obaida Ibn Jarrah, một nhóm có liên quan mật thiết với quân nổi dậy.
Ông Abdel Fattah Younes là một thành viên trong đội ngũ trung thành từng giúp đại tá Gaddafi giành được chính quyền năm 1969. Ông này giữ chức Bộ trưởng Nội vụ của Libya trước khi đào thoát và gia nhập lực lượng nổi dậy hồi tháng 2, ngay sau khi xảy ra các cuộc nổi dậy chống chế độ của ông Gaddafi.
Cái chết của ông Younes cho thấy dấu hiệu của sự chia rẽ trong giới lãnh đạo quân nổi dậy và là bước lùi lớn lớn trong nỗ lực của liên minh phương Tây nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi.
Không những thế, những rạn nứt giữa phe nổi dậy và các đồng minh phương Tây về chuyện liệu Gaddafi có thể ở lại trong nước hay không nếu ông từ chức cũng phần nào làm cho người ta càng mơ hồ về cái kết của cuộc chiến ở đất nước Bắc Phi này.
Đỗ Quyên (Theo Ria Novosti, Reuters, BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét