Sớm khắc phục tình trạng ngập nước và nứt, lún trên đại lộ Thăng Long

Đời sống - Tin chung - NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ:
Cập nhật lúc 02:35, Thứ sáu, 29/07/2011 (GMT+7)

Mặc dù nắng to nhưng các hầm chui vẫn lầy lội, gặp mưa lớn có nguy cơ xảy ra úng ngập nặng,
Ðại lộ Thăng Long là đường cao tốc đầu tiên và hiện đại nhất nước ta, nhưng chưa đầy nửa năm sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường đã bị xuống cấp, hỏng, thường xuyên bị ngập úng tại các hầm chui dân sinh, khiến người dân qua lại khốn khổ.

Mưa: ngập, nắng: bụi

Ðại lộ Thăng Long - công trình trọng điểm của Thủ đô được đưa vào sử dụng đúng dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000năm Thăng Long - Hà Nội. Tổng mức đầu tư công trình hơn 7.500 tỷ đồng, gồm sáu làn đường tách biệt, hai đường gom hai bên, hai đường cao tốc, hai đường hầm và 13 cầu vượt ngang đường,... Tổng chiều dài tuyến gần 30 km, mặt cắt ngang tuyến 140 m. Mặc dù được thông xe để giải quyết giao thông, song một số hạng mục như điện chiếu sáng, cây xanh, cầu vượt, nút giao Hòa Lạc vẫn chưa hoàn tất. Tại thời điểm này, công trình vẫn ở dạng vừa thi công, vừa khai thác, cho nên nảy sinh nhiều bất cập.

Khảo sát dọc tuyến đường, chúng tôi nhận thấy, chỉ phần đầu tuyến, tiếp giáp trung tâm Hà Nội là sạch đẹp, còn càng về phía Hòa Lạc càng nhem nhuốc, nhất là khu vực thuộc địa phận Hà Tây (cũ). Dọc tuyến đường gom hai bên, xe tải nặng chở vật liệu cho các công trình xây dựng chạy với mật độ cao, đất đá vương vãi khắp nơi, bụi mù mịt. Ven đường gom bị đổ trộm đất đá phế thải thành từng đống lớn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Các khu đô thị mọc lên nhanh chóng hai bên đại lộ, ao hồ bị lấp trong khi hệ thống thoát nước chưa được kết nối, các hầm chui dân sinh có nguy cơ bị úng ngập nặng mỗi khi xảy ra mưa lớn. Tại hầm chui dân sinh số 6, thuộc thôn An Khánh, xã Yên Lũng (Hoài Ðức), chình ình một tấm bê-tông lớn chắn ngay giữa đường, trong lòng hầm nhão nhoét bùn đất, mỗi khi xe tải đi qua, nước bẩn bắn tung tóe sang hai bên. Nhiều hầm chui khác cũng chung tình trạng trên. Theo báo cáo của đơn vị tổng thầu xây dựng đại lộ Thăng Long (Vinaconex), tại thời điểm khảo sát thiết kế, dọc tuyến phần lớn là ruộng đồng, ao hồ, nước có thể thoát tự nhiên. Từ năm 2005 trở lại đây, dọc tuyến mọc lên nhiều khu đô thị mới, nhiều đoạn cốt san nền cao hơn hai tuyến đường gom, đè lấp một số cửa xả của hệ thống thoát nước, dẫn đến úng ngập kéo dài.

Trận mưa to cuối tháng 5 vừa qua khiến nhiều hầm chui bị ngập sâu 50 đến 60 cm, thậm chí có chỗ tới 80 đến 90 cm, khiến nhiều phương tiện không qua nổi. Tại hầm chui Km 22 +189, tuy hệ thống thoát nước thi công theo đúng thiết kế song cửa cống phía hạ lưu bị chặn cho nên khi mưa to nước không thoát được, gây ngập úng. Theo quy hoạch, đường thoát nước của hầm chui và phần cao tốc với đường gom được bố trí ở dải phân cách giữa nhưng trong quá trình thi công, dải phân cách bị đổ trộm phế thải tràn lan. Nếu thi công theo thiết kế thì phải đào bốc lượng đất đá rất lớn, trong khi chi phí và các phần việc được phê duyệt không có hạng mục này. Do vậy, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu đang khảo sát, tính toán, đưa ra thiết kế hệ thống thoát nước tại mặt bằng khác cho phù hợp.

Theo đánh giá của một chuyên gia xây dựng, ở các hầm chui này, nhược điểm lớn nhất là hệ thống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ với đường. Ở một số hầm chui có cống, nhưng không có nhiều tác dụng thoát nước. Hơn nữa, vị trí miệng cống không nằm ở nơi thấp nhất của nền đường. Trong khi mưa và sau trận mưa lớn, xuất hiện tình trạng ngập nặng, có thể khẳng định rãnh thoát nước có lưu lượng thấp hơn so với thực tế. Ðiều này không phải lỗi ở công nghệ mà là lỗi kỹ thuật tính toán. Ðường bê-tông để ngập nước, sau đó các phương tiện vẫn lưu thông sẽ làm cho đường nhanh xuống cấp, hỏng, ảnh hưởng đến nền đất của đường cao tốc bên trên. Vì thế, việc khắc phục nhanh chóng tình trạng ngập nước cần phải được làm ngay để bảo đảm an toàn cho đại lộ này.

Ðể khắc phục tình trạng trên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) phối hợp Ban Quản lý dự án Vinaconex (đơn vị thi công) triển khai thiết kế bổ sung nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, nhà thầu sẽ tính toán, thiết kế hệ thống máy bơm cưỡng bức trong hầm chui dân sinh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tránh ngập những điểm trũng, khu vực bị ngập úng cục bộ, không đủ khả năng thoát nước cho toàn tuyến đại lộ. Nếu xảy ra mưa lớn, nhiều đoạn bị ngập úng nặng thì không thể khắc phục được. Việc khắc phục lâu dài, triệt để tình trạng ngập úng trên đại lộ Thăng Long không khó nhưng cần đầu tư lớn. Có thể tôn nền đường lên cao hơn, tạo ra một mặt phẳng có độ nghiêng liên tục, ở điểm thấp nhất sẽ lắp đặt hệ thống đường ống thoát nước; hạ cao độ của mặt cống đến mức thấp nhất để nước dồn vào. Ngoài ra, có thể làm hệ thống thoát nước trên đoạn đường phụ phía ngoài nhằm hạn chế nước đổ vào đường hầm.

Nứt, lún trên mặt đường

Tình trạng lún, nứt trên mặt đường và mặt tường hầm chữ U bắt đầu xuất hiện trên đại lộ Thăng Long chỉ vài tháng sau khi khai thác. Qua kiểm tra đơn vị này phát hiện một số điểm nứt rạn, lún mặt đường. Theo kết quả kiểm tra của Vinaconex, có năm vị trí trên mặt đường bị rạn nứt và 18 điểm bị lún cùng một số vị trí bị nứt. Các vết nứt chủ yếu tập trung tại một số điểm cầu chui dân sinh và nằm giữa điểm tiếp giáp mố cầu và phần đường. Theo thiết kế, trên tuyến có một số điểm được bố trí khe co giãn. Ðối với đoạn có các cầu lớn hoặc cầu vượt, khe co giãn được đệm một lớp tiếp giáp bằng sắt. Riêng các điểm tiếp giáp ở cầu chui dân sinh, khe co giãn khoảng 2 cm, đơn vị thi công lắp đặt lớp bao đay tẩm nhựa chống co giãn. Tuy nhiên trên thực tế, đã xuất hiện nhiều vết nứt từ 0,5 đến 1 cm, có điểm lên tới 1,5 cm. Nguyên nhân do phần đệm bị mục trong quá trình thi công, sử dụng. Về nguyên nhân trên hai tuyến cao tốc xuất hiện một số điểm bị lún, đại diện nhà thầu cho biết: Thời điểm đường cao tốc trái thông xe, lưu lượng xe quá khổ, quá tải thi công các khu đô thị lân cận tăng đột biến, vượt quá tải trọng thiết kế của đường. Các lỗ khoan khảo sát địa chất phục vụ lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công chưa phản ánh hết địa chất phức tạp của khu vực tuyến, dẫn đến việc bố trí các đoạn xử lý đất yếu chưa giải quyết triệt để. Ðáp ứng tiến độ theo yêu cầu, nhà thầu dỡ tải sớm một số đoạn nền đường đầu cầu để thi công cầu kịp tiến độ, do vậy nền đường đầu cầu tiếp tục lún trong quá trình khai thác. Trước mắt, để khắc phục, nhà thầu bắt đầu tiến hành xử lý những đoạn bù lún.

Bộ Xây dựng đã có đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng tại các điểm nứt, lún trên đại lộ Thăng Long. Sơ bộ kết luận, tình trạng nứt, lún vẫn trong giới hạn cho phép bởi những vị trí này đều đi qua khu vực đất yếu. Bộ GTVT cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long theo dõi tất cả các vị trí đường đầu cầu và những đoạn phải xử lý nền đất yếu để đánh giá sự ổn định mới quyết định cho phép thi công lớp thảm mặt cuối cùng. Trong thời gian chờ ổn định, nhà thầu có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục, bù lún tất cả những vị trí xảy ra lún, nứt trên toàn tuyến.

THỦY HƯNG và THANH TRÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét