Kinh hoàng cướp biển

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Tư, 25/05/2011, 15:45 (GMT+7)

TTO - Hai tàu cá của Quảng Ngãi bị cướp biển khống chế và tấn công chiều 15-5. Cùng với việc cướp tài sản, cướp biển đã dùng súng bắn bị thương hai ngư dân. 10 ngày sau khi xảy ra vụ việc, các tàu bị nạn đã về đến đất liền.

Các nạn nhân vẫn còn hãi hùng, kinh hoàng khi kể lại sự việc.

>> Chuyện kể của người bị cướp biển tấn công

Ông Dũng và chiếc tàu bị cướp tài sản mang số hiệu do Malaysia cung cấp để hành nghề tại vùng biển theo hợp đồng đánh bắt - Ảnh: Trà Giang

8g sáng 24-5, tàu cá số hiệu QNg 90847 TS do ông Nguyễn Tấn Luận (39 tuổi), quê ở Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu cùng 13 ngư dân, bị cướp biển tấn công (trong đó có 2 ngư dân bị thương) tại khu vực giáp ranh với Malaysia và Philippines, đã cập bến Sa Kỳ, xã Bình Châu với chi chít vết đạn còn hằn in trên thân tàu.

“Khoảng 17g ngày 15-5, sau khi hoàn tất việc chuẩn bị cho chuyến lặn đêm, tàu chúng tôi bắt đầu ra khơi” - ông Luận kể.

“Khi tàu đang trên đường ra khơi thì tàu của ông Trần Văn Dũng chạy ngược chiều, theo sau là một tàu gỗ lạ, nhỏ hơn. Tui ra dấu cho tàu ông Dũng nhưng không thấy đáp lời mà phóng vụt qua. Tui cho tàu quay ngược lại chạy theo. Nhưng từ phía sau chiếc tàu gỗ chồm tới, những họng súng chĩa về tàu tui ra hiệu dừng tàu. Tui tăng tốc cho tàu chạy nhanh hơn nhưng tàu lạ xả súng” - ông Luận tường thuật sự việc.

Ngư dân Nguyễn Tấn Luận bị thương do đạn bắn và các mảnh gỗ, kính của tàu găm vào cánh tay - Ảnh: Trà Giang

Cuộc rượt đuổi trên biển diễn ra khoảng 30 phút với những tiếng nổ chát chúa, lửa và khói đen từ họng súng khạc ra, đạn bay từ phía sau. Các thuyền viên trên tàu hoảng loạn. Cuối cùng, tàu QNg 90847 TS buộc phải dừng lại để bảo toàn tính mạng cho thuyền viên.

Chỉ chờ có thế, cướp biển nhảy qua tàu, tắt máy, vứt chìa khóa xuống biển. Hơn hai giờ, chiếc tàu của ông Luận đã bị “dọn” sạch. Thiết bị trên tàu bị tháo đi, chiếc tàu bơ vơ giữa biển trong đêm tối.

Một tàu cá của Malaysia đi ngang qua, các thuyền viên kêu cứu liền được tàu này dắt vào một cảng cá của tỉnh Sapa (Malaysia). Cảnh sát nước này lập tức có mặt tiếp nhận tàu bị nạn, đồng thời chuyển hai nạn nhân bị thương là Nguyễn Tấn Luận và Lê Quang Tư đến bệnh viện cấp cứu.

Hồ sơ bệnh án từ bệnh viện của Malaysia ghi: “Thuyền viên Lê Quang Tư, sinh năm 1976 ở xã Bình Trị, huyện Bình Sơn bị thương nặng với hơn 30 viên đạn găm vào cơ thể, đường kính 0,2mm, sâu 0,7mm”.

“Đó là tui đã trực tiếp lấy dao lam rạch, lấy ra 14 viên đạn rồi. Riêng bản thân tui tự gắp ra 3 viên đạn” - ông Luận vừa nói vừa vén cánh tay, phần đùi chi chít những vết thương.

Đã sau 10 ngày sự việc xảy ra, những thuyền viên vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng. Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1979, khuôn mặt thất thần mãi mới nói được một câu: “Em thôi không đi biển nữa anh ơi”! Còn ông Lê Quang Tư cũng thất thần không kém khi vừa kịp bước chân lên đất liền thì người nhà đã đón ngay lên xe, chở về trong khi những viên đạn còn găm trên cơ thể.

Căn cứ vào vết đạn và những viên đạn còn lại, lực lượng công an, Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi trong buổi làm việc sáng 24-5 với các ngư dân nhận định: “Loại súng mà cướp biển sử dụng là súng tự tạo, đạn ria bắn gây thương tích dày”.

Ông Lê Quang Tư và những vết đạn đã được lấy ra - Ảnh: Trà Giang

Theo đại úy Nguyễn Quyết Chiến, cán bộ đồn biên phòng 288 - Bình Sơn: “Theo thông tin lực lượng biên phòng thu thập và tìm hiểu được, bọn cướp hoạt động vào ban ngày và chỉ tấn công những tàu đi riêng lẻ. Vì vậy khi nghỉ ngơi, các tàu nên cùng neo đậu lại một chỗ để tránh bị bọn cướp tấn công”.

"Sắp tới có hội nghị về an ninh tại Hà Nội của Bộ Quốc phòng các nước khu vực ASEAN, trong đó phối hợp chống cướp biển, an ninh trên biển sẽ được đưa ra thảo luận để có giải pháp ngăn chặn tình trạng cướp biển hoành hành trên biển Đông” - phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng cảnh sát biển Vùng 2 - thượng tá Lý Ngọc Minh, cho biết.

TRÀ GIANG


Thứ Hai, 23/05/2011, 19:10 (GMT+7)

Hàn Quốc: lần đầu xét xử cướp biển Somalia

TTO - Bốn tên cướp biển Somalia bị Hải quân Hàn Quốc bắt giữ trong một đợt tấn công tháng 1-2011 trên biển Ả Rập đã ra hầu tòa bồi thẩm tại Hàn Quốc hôm nay 23-5. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc xét xử cướp biển nước ngoài.

>> Hải quân Đan Mạch giải cứu 16 con tin cướp biển
>> Hải tặc tấn công 25 thủy thủ tàu Singapore

Cướp biển Somalia được dẫn độ tới phiên tòa - Ảnh: AFP

Yonhap cho biết Arai Mahomed, 23 tuổi - kẻ tình nghi đã bắn đại úy Seok Hae Kyun, 58 tuổi - và ba tên khác đã bị đưa ra xét xử công khai tại tòa án thành phố cảng Busan miền nam.

Chúng bị buộc các tội danh: cướp biển, dùng con tin làm lá chắn trong chiến dịch giải cứu của Hải quân Hàn Quốc. Những tên này từng không chịu nhận các tội bị cáo buộc.

Riêng đối với Mahomed, Yonhap cho biết các công tố viên sẽ cố gắng để kết án y tội cố sát dựa trên những báo cáo thương vong, lời khai nhân chứng và hình ảnh chụp được. Nếu bị kết án đã bắn đại úy Seok, tên này sẽ nhận án tù chung thân hoặc tử hình, trong khi những tên còn lại chỉ bị kết án ít nhất 5 năm tù.

Theo các quan chức, Mahomed đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Đây là phiên tòa xét xử cướp biển quốc tế đầu tiên của Hàn Quốc, một vấn đề luôn đe dọa tàu thuyền của Hàn Quốc trên Ấn Độ Dương.

Phiên tòa đã thu hút sự quan tâm của công chúng và truyền thông trong nước. 100 nhân viên cảnh sát đã được điều tới để chống bạo động. Thành viên đoàn bồi thẩm gồm chín thẩm phán.

Phiên tòa kéo dài năm ngày và bốn tên này sẽ nghe bản án vào 17g30 thứ sáu tuần này - ngày cuối cùng của phiên tòa. Tên cướp biển thứ năm, Abdulahi Husseen Maxamuud, được cho đã nhận hết mọi tội trạng, sẽ được tuyên án riêng lẻ ngày 1-6. Cả năm tên cướp biển đều được cho quyền có luật sư bảo vệ trước tòa. Nhóm luật sư này gồm một giáo sư luật, một cựu thẩm phán và một nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng.

Người dân Hàn Quốc theo dõi chiến dịch chống cướp biển của đội đặc nhiệm hải quân nước này - Ảnh: AFP

Ngày 15-1, một nhóm cướp biển Somalia đã chiếm tàu chở 11.500 tấn hóa chất Samho Jewlry của Hàn Quốc trên Ấn Độ Dương.

Một tuần sau đó, đặc nhiệm Hải quân Hàn Quốc đã mở chiến dịch giải cứu con tin và giết chết tám tên cướp biển, năm tên bị bắt sống. 21 thủy thủ trên tàu đều được giải cứu thành công.

Riêng đại úy Seok, bị bắn nhiều lần trong cuộc tấn công, hiện đang trong tình trạng ổn định sau nhiều lần phẫu thuật.

Cơ quan điều tra cho biết thêm một số tên trong nhóm cướp biển này từng tham gia vụ đánh chiếm một tàu chở dầu 300.000 tấn Samho Dream, thuộc cùng công ty sở hữu tàu Samho Jewlry và bắt giữ 24 thủy thủ vào năm ngoái. Chiếc tàu và số con tin chỉ được thả tự do sau khi một số tiền chuộc 9 triệu USD được đưa ra.

TẤN KHOA


Thứ Hai, 16/05/2011, 11:43 (GMT+7)

Hải quân Đan Mạch giải cứu 16 con tin cướp biển

TTO - Tàu chiến Eshern Snare của Đan Mạch, khi đang tuần tra trên biển trong chiến dịch chống cướp biển Somali trên vịnh Aden, đã giải cứu 16 con tin bị bắt giữ.

>> Read this on Tuoitrenews.vn
>> Hải tặc tấn công 25 thủy thủ tàu Singapore
>> Tàu Hàn Quốc thoát khỏi tay cướp biển

Ảnh tư liệu của NATO chụp tàu tuần tra Esbern Snare của Đan Mạch kiểm tra một tàu tình nghi của cướp biển trên vịnh Aden - Ảnh: CNN

AFP dẫn thông tin từ trang web của Hải quân Đan Mạch hôm 14-5 cho biết: "Trong lúc tuần tra quanh bờ biển Somali sáng thứ năm 12-5, tàu tuần tra đã bắt gặp một tàu lớn khả nghi. Khi đội tuần tra cố gắng dừng con tàu này lại bằng cách sử dụng loa thì chúng ngay lập tức nã đạn ngược lại. Hải quân đã bắn trả, và chỉ sau một khoảng thời gian ngắn đấu súng, bọn cướp biển đã đầu hàng".

"16 con tin người Iran hiện đang chờ để được gặp gia đình - Thông báo của Hải quân Đan Mạch viết - Không có con tin hay binh sĩ nào trên tàu bị thương".

Kết thúc chiến dịch, bốn tên cướp biển bị bắn chết, mười tên bị thương. Hải quân cũng bắt giữ được 24 tên cướp biển khác, hiện chúng đang được giam giữ trên tàu tuần tra Esbern Snare trong khi chờ phán xét từ chính quyền Đan Mạch.

AFP dẫn lời phát ngôn viên hải quân Kenneth Nielsen: "Bốn tên cướp bị bắn chết đã được thủy táng theo quy trình của NATO và phong tục Hồi giáo. Tất cả con tin hiện đều bình an".

TẤN KHOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét