SGGP Online- Bước ngoặt mới của “Mùa xuân Arab”

SGGP Online
Thứ bảy, 28/05/2011, 02:06 (GMT+7)

Cơ quan công tố Ai Cập vừa quyết định sẽ đưa cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ra tòa xét xử về tội cố sát và lãng phí công quỹ. Ông H.Mubarak bị cáo buộc ra lệnh cho lực lượng an ninh bắn đạn thật vào đám đông người biểu tình tại Quảng trường Tahrir hôm 25-1.

Đây là một quyết định chưa từng có bởi từ trước đến nay chưa một lãnh đạo tại bất kỳ một quốc gia nào tại Arab bị triệu ra tòa xét xử. Nếu bị kết án, ông H.Mubarak rất có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.

Ngày ra tòa của ông H.Mubarak chưa được xác định nhưng giới quan sát nhận định quyết định trên sẽ tạo ra một bước ngoặt đối với phong trào đấu tranh tại khu vực Trung Đông được biết đến với tên gọi “Mùa xuân Arab” đang được phương Tây ra sức cổ vũ.

Nasser Amin, một thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế đã nhận định, với việc đưa ông Mubarak ra tòa, các nhà lãnh đạo các nước nằm trong tầm phủ sóng của làn sóng biểu tình sẽ nghi ngờ những thỏa thuận ngầm mà phương Tây can thiệp để họ ra đi trong hòa bình. Nỗ lực nộp hơn 3 triệu USD trước đó cùng cam kết giao hơn 140 triệu USD của vợ chồng ông H.Mubarak để được ân xá có thể sẽ không còn ý nghĩa.

Có dư luận cho rằng chính việc đưa ông Mubarak ra xét xử đã khiến Tổng thống Yemen, Ali Abdullah Saleh chần chừ chưa muốn trao quyền lực bởi lo ngại bản thân mình khi hết quyền lực cũng sẽ rơi vào tình trạng như thế, dù theo báo Wall Street Journal, Mỹ đang vận động ông này ra đi trong ôn hòa. Việc ông Mubarak bị xét xử sẽ khó thuyết phục được các lãnh đạo này theo gương cựu Tổng thống Ai Cập. “Không một ai muốn có một kết cục như ông H.Mubarak”, ông Amin nói. Ngược lại, những nhà lãnh đạo này rất có thể còn tăng cường sử dụng vũ lực nhiều hơn nữa để giữ lại quyền lực của họ. Những cố gắng của phương Tây kêu gọi các nhà lãnh đạo từ bỏ vị trí một cách ôn hòa chắc chắn sẽ không còn thuận buồm xuôi gió.

Có thể nói rằng vụ xét xử này đang làm Mỹ khó xử. Bởi trước hết quyết định của Cơ quan Công tố Ai Cập dường như vượt ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, không chỉ đặt Mỹ vào tình trạng bỗng dưng thành người thất hứa mà còn rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nếu không ủng hộ việc khởi tố ông Mubarak, Mỹ sẽ bị đánh giá không ủng hộ công lý ở Ai Cập, nhưng nếu ủng hộ thì thành người thất hứa. Tình huống này khiến Mỹ khó xoay xở hơn sự kiện tháng 2 khi phong trào đấu tranh chống ông Mubarak dâng cao. Ngay thời điểm đó, Mỹ còn đang ủng hộ mạnh mẽ cho ông Mubarak, nhưng trước sức mạnh của quần chúng, Mỹ cảm nhận được thế cờ yếu của nhà lãnh đạo này nên ngay lập tức quay sang ủng hộ lực lượng biểu tình và đàm phán bí mật để ông rời bỏ quyền lực với lời hứa đảm bảo tính mạng và tài sản.

Việc xét xử ông Mubarak, người tự nguyện trao quyền lực, cùng với cuộc không kích Libya kéo dài đã hơn 2 tháng nhưng chưa thể lật đổ Tổng thống Gaddafi, người không tự nguyện rút lui, đang thực sự cản trở chiến lược can thiệp và bảo vệ lợi ích của phương Tây ở Trung Đông.

ĐỖ VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét