Cựu thủ lĩnh quân sự Serbia Ratko Mladic bị bắt

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 28/05/2011, 07:45 (GMT+7)

Cựu thủ lĩnh quân sự Serbia Ratko Mladic bị bắt

TT - Ngày 26-5, vị tướng khét tiếng trong cuộc chiến tranh Bosnia là Ratko Mladic bị bắt giữ tại phía bắc thủ đô Belgrade của Serbia sau gần 16 năm lẩn trốn cáo trạng tội ác diệt chủng.

>> Read this on Tuoitrenews.vn

Ngày 27-5, Darko Mladic, con trai của Ratko Mladic, đề nghị có chuyên gia độc lập kiểm tra sức khỏe cha mình sau khi tòa án phán quyết Mladic đủ khỏe để bị dẫn độ và xét xử ở ICTY - Ảnh: AFP

“Thay mặt nước Cộng hòa Serbia, tôi tuyên bố Ratko Mladic đã bị bắt. Việc dẫn độ đang được thực hiện - Reuters dẫn lời Tổng thống Serbia Boris Tadic xác nhận với báo giới - Đây là một bước cho thấy Serbia là một quốc gia có luật lệ được thiết lập vững chắc”. Theo ông Tadic, việc Mladic bị tóm đã khép lại trang sử đen tối của quốc gia này.

Bắt giữ dễ dàng

Chiến dịch truy bắt cựu tướng lĩnh 69 tuổi Mladic diễn ra không mấy khó khăn cho lực lượng đặc nhiệm của Serbia. Cảnh sát cho biết đã phát hiện Mladic trong một căn nhà thuộc vùng nông thôn Lazarevo, cách Belgrade khoảng 100km, thuộc sở hữu một người họ hàng của Mladic.

Ông ta có hai khẩu súng đã nạp đạn song không chống cự khi bị bắt. Mladic hốc hác và già đến mức khó còn nhận ra và sống dưới cái tên giả Milorad Komodic. “Một người có thể đi ngang qua mà không nhận ra ông ta. Ông ta xanh xao có thể do hiếm khi ra khỏi nhà, một lý do khiến ông ta không bị chú ý” - một quan chức Serbia phụ trách hợp tác với Tòa án xét xử tội phạm chiến tranh Nam Tư cũ (ICTY) cho biết.

Hàng xóm của Mladic tại Lazarevo cho biết họ không hề biết mình sống cùng với một tội phạm chiến tranh bị truy nã gắt gao nhất châu Âu trong một thời gian dài và hết sức ngạc nhiên khi nghe tin về vụ bắt giữ trên truyền thông. Mladic lẩn trốn từ năm 2001 sau khi cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic bị bắt giữ. Ông Milosevic chết năm 2006 khi đang bị xét xử về tội ác chiến tranh. Trước đó, Mladic được cho là tự do đi lại, ăn uống ở những nơi sang trọng và thậm chí xuất hiện trong các trận bóng đá ở Belgrade.

Chỉ vài giờ sau khi bị bắt giữ, Mladic bị đưa ra thẩm vấn ở Serbia song phiên tòa đã bị dời sang ngày 27-5 do luật sư cho biết tình trạng sức khỏe của ông ta không được ổn định, bị liệt tay, cao huyết áp và có vấn đề về thận. Nếu kết quả khám sức khỏe của Mladic không khả quan, phiên tòa có thể tiếp tục bị hoãn.

Các quan chức tòa án Serbia cũng cho biết Mladic sẽ tìm cách chống lại sức ép quốc tế muốn dẫn độ ông ta khỏi Serbia đến ICTY ở The Hague (Hà Lan). Luật sư của Mladic nói ông ta không thừa nhận Tòa án The Hague. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác lại cho biết Mladic đã được dẫn độ tới The Hague “vì việc giữ ông ta lại Belgrade là rất nguy hiểm”.

Đổi Mladic để gia nhập EU

Báo New York Times dẫn lời các chuyên gia quốc tế bình luận vụ bắt giữ Mladic đã dẹp bỏ được một trở ngại lớn cho Serbia trong quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, phía EU đặt điều kiện Serbia phải bắt được Mladic và đưa tới ICTY trước khi Serbia đàm phán gia nhập EU. Trong các nước châu Âu, Hà Lan từng tuyên bố chừng nào ông Mladic còn tự do thì Serbia không thể gia nhập EU. Hà Lan là quốc gia đưa quân đội tới gìn giữ an ninh ở Srebrenica, nơi Mladic ra lệnh thảm sát 8.000 người.

Thông tin Mladic bị bắt giữ nhận được sự hoan nghênh mạnh mẽ từ châu Âu. Tại G-8, các nhà lãnh đạo quốc tế đều dành những lời lẽ tích cực cho sự kiện này. Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt nói viễn cảnh cho Serbia trở nên tươi sáng hơn bao giờ hết, trong khi Ngoại trưởng Anh William Hague nhận xét đây là một thời khắc lịch sử đối với khu vực châu Âu bị chia rẽ bởi chiến tranh những năm 1990. Còn Chủ tịch EU Jose Manuel Barroso tuyên bố “công lý đã được thực thi cho gia đình các nạn nhân (của Mladic)”. Các lãnh đạo châu Âu hi vọng Mladic sẽ được dẫn độ đến The Hague trong vòng bảy ngày.

Trong khi đó, người Serbia vẫn luôn đánh giá Mladic là một anh hùng và lên án ICTY trong khi truy đuổi Mladic hay Radovan Karadzic nhưng bỏ qua cho các nhà lãnh đạo Croatia và Bosnia thời kỳ chiến tranh. Trong chiến tranh Nam Tư cũ, rất nhiều người Serbia cũng bị sát hại. Những năm gần đây, đã có hàng loạt lời tố cáo người Kosovo gốc Albania đã giam giữ người Serbia để bán nội tạng của họ.

“Đốt cháy và phá hủy”

Tướng Mladic năm 1993 và hiện nay - Ảnh: Reuters

Phương Tây đánh giá Ratko Mladic là kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất còn sống sót. Sử gia người Anh David Owen gọi ông ta là “kẻ sát nhân khát máu”. Cựu đại sứ Mỹ tại Nam Tư cũ gọi ông ta là Heinrich Himmler (bộ trưởng nội vụ Đức quốc xã, tàn sát hàng triệu người Do Thái) của thập niên 1990.

Theo báo Đức Der Spiegel, Mladic gốc người Serbia, sinh tháng 3-1942 ở làng Bozinovic, cách Sarajevo 50km ở Bosnia. Theo học tại Học viện Quân sự Belgrade và gia nhập quân đội, Mladic nhanh chóng thăng tiến và trở thành tướng lãnh đạo Lực lượng liên bang Nam Tư ở Sarajevo, sau này trở thành quân đội Serbia ở Bosnia. Khi Slovenia và Croatia tách khỏi Nam Tư vào năm 1991, các cuộc giao tranh bắt đầu.

Đầu tháng 5-1992, một tháng sau khi Cộng hòa Bosnia tuyên bố độc lập, Mladic và các tướng lĩnh Serbia dẫn quân bao vây thành phố Sarajevo, khởi đầu cuộc vây hãm Sarajevo kéo dài bốn năm - cuộc vây hãm dài nhất trong lịch sử quân sự hiện đại. Trong thời kỳ đó, Sarajevo liên tục bị giội bom. Nhiều người cáo buộc Mladic đích thân ra lệnh cho các tay súng bắn tỉa nhắm bắn thường dân Sarajevo. Khi ra lệnh cho binh sĩ bắn súng vào một khu vực ngoại ô Sarajevo, Mladic nói: “Đốt cháy bộ não của chúng đi”. Ông ta cũng thường đưa ra mệnh lệnh: “Đốt cháy và phá hủy”.

Tuy nhiên, tội ác đẫm máu nhất của Mladic là vụ thảm sát ở Srebrenica tháng 7-1995 ở thị trấn Srebrenica thuộc Bosnia và Herzegovina, khu vực dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Quân đội của Mladic thảm sát khoảng 8.000 người đàn ông và nam thiếu niên Hồi giáo ở Srebrenica. Tháng 11-1995, khi truy tố Mladic ở tòa án tội ác chiến tranh tại The Hague, chánh án Fouad Riad tuyên bố vụ thảm sát Srebrenica là “cảnh tượng ở địa ngục, là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử loài người”. Đây là vụ thảm sát lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Trong chiến tranh, Mladic có quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với lãnh đạo người Serbia ở Bosnia Radovan Karadzic. Tháng 8-1995, Karadzic từng tuyên bố sa thải Mladic, nhưng sự ủng hộ mạnh mẽ của các tướng lĩnh Serbia ở Bosnia đã khiến Karadzic phải bãi bỏ quyết định này. Đến tháng 11-1996, tổng thống Serbia ở Bosnia là Biljana Plavsic đã sa thải Mladic. Bị Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh Nam Tư cũ (ICTY) truy tố từ năm 1995, Mladic vẫn sống tự do ở Serbia cho đến năm 2001 khi cựu tổng thống Nam Tư cũ Slobodan Milosevic bị bắt giữ.

Theo AP, có thời kỳ Mladic cùng vợ sống bình yên ở nhà, nuôi ong và dê. Có tin 23 con dê mang tên của những chính khách nước ngoài mà ông ta căm ghét. Chương trình Giải thưởng cho công lý của Mỹ treo giải 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt Mladic. Trong những năm qua, Mladic vẫn lẩn trốn trong khi Karadzic bị bắt, cho tới ngày 26-5.

SƠN HÀ

TRẦN PHƯƠNG - H.VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét