Quy định pháp lý với blogger

VnExpress:
Thứ hai, 6/12/2010, 11:46 GMT+7"Pháp luật quy định không được lợi dụng Internet gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù...", luật sư Phạm Thanh Bình tư vấn.
> Cấm viết gì trên blog?

“Blog” là một thuật ngữ có nguồn gốc từ cặp từ “Web Log” hay “Weblog” dùng để chỉ một tập san cá nhân trực tuyến, một quyển nhật ký dựa trên nền web hay một bản tin trực tuyến nhằm thông báo những sự kiện xảy ra hàng ngày về một vấn đề gì đó. Do là sản phẩm mang dấu ấn “cá nhân” nên nội dung và chủ đề của blog rất đa dạng, nhưng thường là những câu chuyện cá nhân, bản tin, danh sách các liên kết web, những bài tường thuật, phê bình một bộ phim hay tác phẩm văn học mới xuất bản hoặc những sự kiện xảy ra trong một nhóm người nào đó…

Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 18/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet (Nghị định 97) cũng xác định blog là một trong những dạng “trang thông tin điện tử”. Theo quy định tại khoản 12 Điều 2 Nghị định 97 thì: “Trang thông tin điện tử trên Internet là trang thông tin hoặc tập hợp trang thông tin phục vụ cho việc cung cấp và trao đổi thông tin trên môi trường Internet, bao gồm trang thông tin điện tử (website), trang thông tin điện tử cá nhân (blog), cổng thông tin điện tử (portal) và các hình thức tương tự khác”.

Hiện nay, trên Internet, trang thông tin điện tử cá nhân đã trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, blog không phải là một sản phẩm báo chí. Những thông tin được đăng tải trên blog một mặt được pháp luật bảo hộ quyền tự do ngôn luận, mặt khác việc thực hiện quyền tự do ngôn luận phải đảm bảo nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Pháp luật Việt Nam quy định không được lợi dụng Internet nhằm mục đích chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân... Cụ thể hơn, chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân (blogger) phải “chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin do mình đưa vào, lưu trữ, truyền đi trên Internet theo quy định của pháp luật” (điểm c, khoản 2 Điều 12 Nghị định 97).

Cụ thể hóa quy định này, Mục 4 Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ngày 18/12/2008 (Thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP) hướng dẫn: Chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cung cấp, lưu trữ, truyền đi trên trang thông tin điện tử cá nhân của mình, bảo đảm không vi phạm quy định của pháp luật và các quy định bị nghiêm cấm tại mục 3 của Thông tư, cụ thể:

- Lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại Điều 6 Nghị định 97.

- Tạo trang thông tin điện tử cá nhân giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản trang thông tin điện tử cá nhân của cá nhân khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản.

- Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ Luật Dân sự.

- Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân mà vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 24 Nghị định 97 cũng quy định trường hợp blogger đưa lên những thông tin, nội dung sai sự thật, vu khống hay xúc phạm, ảnh hưởng thiệt hại đến người khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà blogger có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do vậy, không chỉ blogger mà cả những người khác (viết comment) cũng cần cân nhắc trước khi đưa ra những ý kiến của mình trên trang thông tin điện tử cá nhân.

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội


Thứ năm, 2/12/2010, 16:45 GMT+7

Cấm viết gì trên blog?

Tôi thường xuyên viết blog, chia sẻ suy nghĩ trong nhật ký cá nhân điện tử này. Tôi biết đây không phải là sản phẩm báo chí nhưng nhiều bạn bè đã đọc các bài viết của tôi, xin hỏi tôi có phải chịu trách nhiệm về nội dung không? Pháp luật quy định việc này như thế nào?

Ai biết xin chỉ giùm. Mong nhận được tư vấn của luật sư và các bạn.

Chi Mai

Ý kiến bạn đọc ()

Blog

Bạn có thể viết tất cả mọi thứ, với điều kiện là không đụng chạm gì đến cá nhân nào khác, hay bất cứ tổ chức nào, hội đoàn gì.... nói chung bạn không thể khiến các cá nhân hay tập thể này cảm thấy bị xúc phạm, bị xâm hại vì blog của bạn. Còn thế nào là xâm hại thì bạn không thể biết đâu, vì người xâm hại đâu có phải là bạn mà bạn biết (?)

Bạn cũng không thể công bố tài liệu mật như Wikileak đã làm, vì đó là vi phạm pháp luật. Nếu bạn vẫn thích viết blog thì bạn phải chấp nhận đụng chạm ở mức độ nào đó. Nhưng mà tại sao bạn lại thích đụng chạm? Bạn bức xúc gì thế? Bạn có thể gửi thư kiến nghị cơ mà?

( Sinh Tran )


Góp ý

Đã có quy định của Bộ, bạn nên tìm đọc trước đã, bạn ạ

( Vân )


Nghị định quản lý blog

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet (sau đây gọi tắt là Nghị định số 97) như sau: 1. Trang thông tin điện tử cá nhân (blog) quy định tại khoản 12 Điều 3 Nghị định số 97 được hiểu như sau: Trang thông tin điện tử cá nhân được dùng để thể hiện những thông tin mang tính chất cá nhân phục vụ nhu cầu lưu trữ hoặc trao đổi,chia sẻ với một nhóm người hoặc với cộng đồng rộng rãi sử dụng dịch vụ Internet. Trang thông tin điện tử cá nhân được chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân đăng ký khởi tạo trên Internet. 2. Hướng dẫn khoản 3, 5, 6 Điều 4 Nghị định số 97 đối với hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân như sau: 2.1 Khuyến khích phát triển và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân giúp cá nhân mở rộng khả năng tương tác trên môi trường Internet để trao đổi, chia sẻ các thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật Việt Nam, làm phong phú thêm đời sống xã hội và tinh thần gắn kết cộng đồng. 2.2 Khuyến khích sử dụng tiếng Việt trong sáng, lành mạnh trên các trang thông tin điện tử cá nhân. 2.3 Khuyến khích việc sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên các mạng xã hội trực tuyến đã đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. 3. Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6 Nghị định số 97 đối với hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân được quy định cụ thể như sau: 3.1 Lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại Điều 6 Nghị định số 97. 3.2 Tạo trang thông tin điện tử cá nhân giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản trang thông tin điện tử cá nhân của cá nhân khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 3.3 Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản. 3.4 Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ Luật Dân sự. 3.5 Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân mà vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 4. Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ Internet quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 12 Nghị định số 97 được hướng dẫn như sau: 4.1 Chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cung cấp, lưu trữ, truyền đi trên trang thông tin điện tử cá nhân của mình, bảo đảm không vi phạm quy định của pháp luật và các quy định tại mục 3 Thông tư này. 4.2 Chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân có trách nhiệm bảo vệ mật khẩu, khoá mật mã, thông tin cá nhân. 5. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 97 trong hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân được hướng dẫn như sau: 5.1 Xây dựng và công khai quy chế cung cấp, trao đổi thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân tại trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, bảo đảm không vi phạm các quy định của pháp luật và quy định tại mục 3 Thông tư này. Có biện pháp xử lý thích hợp đối với các trang thông tin điện tử cá nhân vi phạm quy chế hoạt động cung cấp thông tin của doanh nghiệp. 5.2 Xây dựng quy trình quản lý thông tin phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ do doanh nghiệp quản lý. 5.3 Xây dựng cơ sở dữ liệu về trang thông tin điện tử cá nhân do doanh nghiệp quản lý và có trách nhiệm cung cấp thông tin với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu. 5.4 Ngăn chặn và loại bỏ những nội dung thông tin vi phạm các quy định của pháp luật và các quy định tại mục 3 Thông tư này ngay khi phát hiện hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. 5.5 Chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. 6. Thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định số 97 như sau: 6.1 Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. 6.2 Nội dung báo cáo định kỳ bao gồm: a) Ngày, tháng, năm và ký hiệu văn bản xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông; b) Ngày, tháng, năm chính thức cung cấp dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân; c) Địa chỉ trụ sở giao dịch; d) Tên, số điện thoại và email của người đại diện có thẩm quyền; đ) Số lượng các trang thông tin điện tử cá nhân mà doanh nghiệp đang quản lý và dữ liệu thống kê theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; e) Số liệu về các trang thông tin điện tử cá nhân vi phạm quy chế hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin của doanh nghiệp. 6.3 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến có cung cấp dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân có trách nhiệm gửi báo cáo trước ngày 15 tháng Một và trước ngày 15 tháng Bảy hàng năm. 6.4 Địa chỉ gửi báo cáo: a) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử). Email: cucptth&ttđt@mic.gov.vn b) Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động. 7. Hiệu lực thi hành 7.1 Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. 7.2 Trong quá trình thực hiện, các tổ chức, cá nhân nếu có vướng mắc thì phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để được xem xét, giải quyết.

( Quang )


Những gì bạn có thể viết?

Bạn có thể viết những gì bạn muốn nhưng với điều kiện không chứa nội dung độc hại như: tuyên truyền chống phá nhà nước, xúc phạm nhân phẩm người khác, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, tung tin gây hoang mang dư luận... Nói chung bạn cũng nên cân nhắc trước khi viết để tránh phức tạp từ bài viết của mình.

Chúc bạn thành công!

( Yphong )


Blog

Tôi nghĩ bạn có thể viết thoải mái về suy nghĩ của bạn, về gia đình, về xã hội giống như nhật ký, cốt không vi phạm về chính trị, về quyền và lợi ích của ngừời khác và vi phạm điều cấm của pháp luật.

( Trắng đen )


Viết những gì luật không cấm

Bạn nên viết những gì luật cho phép & không cấm.

( Mr Success )


Nên lấy bài học từ cogaidolong - Hương Trà

Viết gì cũng được nhưng trong qui định của pháp luật. Bạn nên lấy bài học từ blog của cogaidolong.

( Già Làng )


Viết Blog - nên hay không nên

Theo tôi hiểu, Blog chẳng qua chỉ là một dạng "nhật ký" hay "hòm thư" tâm tình kiểu như mục hỏi đáp của chị Thanh tâm trên báo Phụ nữ một thời... Mà những việc đó chỉ nên giới hạn trong một phạm vị hẹp, càng hẹp càng tốt (Thậm chí, nhật ký là chỉ để cho riêng chủ nhân của nó đọc và ghi nhớ lấy mà thôi).
Vậy thì tại sao lại phải đưa những chuyện riêng tư ấy ra công chúng bằng hình thức viết Blog?
Chẳng biết nghĩ như thế này có... cực đoan không chứ tôi thấy Blog chỉ là một thứ phù phiếm của những ai người ưa phô trương bản thân mình. Hoặc đó là những kẻ dư thời gian, ưa thích "buôn" tào lao cho hết thời giờ mà thôi.
Mà cái trò đời nói dài nói dai thường dẫn đến nói dại... ngộ nhớ khi trải lòng mình trên Blog (vô tình hay cố ý) ngộ nhỡ chẳng may phạm vào một điều cấm kỵ nào đó thì có mà... thân bại danh liệt.

Tốt nhất là không nên trao đổi một điều gì thật lòng trên Blog.

( Đào Quốc Đạo )


Các nội dung không nên đưa lên Blog

Chào bạn! Theo mình thì các cá nhân sử dụng blog nên hạn chế đưa lên trang cá nhân của mình số thông tin sau: 1. Các thông tin nhạy cảm liên quan đến chính trị 2. Các thông tin từ các trang báo quốc tế chưa rõ mức độ uy tín cũng như đánh giá về chất lượng thông tin 3. Các thông tin bịa đặt, sai sự thật về cuộc sống ở Việt Nam 4. Các bí mật quốc gia (nếu chủ nhân của Blog có khả năng tiếp nhận được)....

( Nguyễn Tuấn Việt )


Bạn hãy để ý khi bạn đang ký thành viên

Trong mỗi diễn đàn hoặc mỗi trang web khi bạn đang ký thành viên đều có 1 mục đó là "Tôi đồng ý với quy định của diễn đàn "Hãy đọc kỹ mục ấy nhất là trang yahoo 360 và một số trang blog nổi tiếng khác.

Thân

( ltvd )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét