Israel: 3 năm nữa Iran mới có bom nguyên tử

Thế giới - Dân trí:
Thứ Năm, 30/12/2010 - 08:42

(Dân trí) - Một bộ trưởng của Israel cho rằng chương trình hạt nhân của Iran đã vấp phải các vấn đề kỹ thuật và có thể phải mất 3 năm nữa mới có khả năng chế tạo được bom nguyên tử.
>> Iran tuyên bố trở thành quốc gia hạt nhân



Nhà máy điện hạt nhân Bushehr ở miền nam Iran.

Tuyên bố trên của Bộ trưởng các vấn đề chiến lược Israel Moshe Yaalon đưa ra một tháng sau khi Iran cho biết các máy ly tâm được sử dụng để làm giàu urani của họ bị phá hoại. Đã có nghi ngờ rằng những máy ly tâm của Iran bị virut máy tính Stuxnet tấn công. Tuy nhiên Iran phủ nhận thông tin này.

Bộ trưởng Moshe Yaalon cho biết chương trình hạt nhân của Iran đã vấp phải “nhiều khó khăn và thách thức về công nghệ. Những khó khăn này đã làm trì hoãn thời gian biểu” của Iran, ông Yaalon cho hay qua đài phát thanh Israel. “Iran không có khả năng tự tạo bom nguyên tử vào thời điểm này”.

Iran cho biết hồi tháng 9 vừa qua virut Stuxnet đã tấn công các máy tính của họ, nhưng phủ nhận nghi ngờ cho rằng chúng đã làm hư hại chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, virut Stuxnet đã được định dạng đặc biệt để phá hủy các mô-tơ thường được dùng trong các máy ly tâm làm giàu urani, làm cho chúng bị mất kiểm soát. Loại máy virut máy tính này được lập trình để tấn công một mục tiêu cụ thể.

Israel coi Iran là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh nước này, do chương trình hạt nhân của Iran và do những bình luận thường xuyên của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad về việc phá hủy nhà nước Do thái.

Phương Tây lo ngại mục đích hạt nhân của Iran là nhằm phát triển vũ khí nguyên tử, song Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ là mang mục đích hòa bình, phục vụ cho nhu cầu năng lượng của họ.

Phan Anh

Theo BBC

cand.com.vn:

Vòng kim cô ngày càng siết chặt Iran


11:15 AM, 30/12/2010









Bất chấp việc Iran thừa nhận đã có những tiến bộ trong vòng đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ với Nhóm P5+1 diễn ra hồi đầu tháng 12 vừa qua, Mỹ và các nước phương Tây vẫn tiếp tục gia tăng các biện pháp cấm vận đối với quốc gia Hồi giáo này. Việc duy trì hoặc gia tăng sức ép đối với Iran đang là kế hoạch mà Mỹ và EU thực thi nhằm buộc Tehran kiềm chế chương trình hạt nhân tại vòng đàm phán sắp tới tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một hành động cứng rắn mới nhất, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa quyết định mở rộng diện trừng phạt đối với Iran mà mục tiêu nhằm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRG) và các ngành dịch vụ năng lượng và vận tải biển của nước này.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 21/12 đã đưa thêm 5 doanh nghiệp của Iran, bao gồm 2 ngân hàng (Ansar Bank và Mehr Bank), 2 công ty tài chính (Moallem Insurance Company và Bonyad Taavon Sepah) và Giám đốc điều hành của một trong những công ty vừa kể (Parviz Fattah), vào danh sách đen tài chính của nước này do có liên hệ với IRG. Lệnh trừng phạt cấm các công ty trên tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và phong tỏa mọi tài sản có thể thuộc quyền thực thi pháp lý của Washington.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề về tình báo tài chính và khủng bố, Stuart Levey, nhấn mạnh: IRG và công ty vận tải biển quốc doanh của Iran là "những thể chế tham gia chính vào các hoạt động bất hợp pháp của Iran và nỗ lực trốn tránh các biện pháp trừng phạt. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép và vạch trần mạng lưới này". Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng xác định Công ty Dầu mỏ và khí đốt Pars, do Chính phủ Iran sở hữu và kiểm soát, phải chịu các biện pháp trừng phạt tài chính theo một dự luật mới.

Song song với các biện pháp trừng phạt chống Iran do LHQ thông qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran nhằm ngăn chặn chương trình làm giàu uranium của nước này, trong đó chú trọng biện pháp ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính, đầu tư về năng lượng.

Cùng với những biện pháp trừng phạt trên, ngày 18/12, giới chức quân sự hàng đầu của Mỹ phát biểu rằng, Iran đang cố chế tạo một quả bom nguyên tử, hiểm họa cho các nước láng giềng, và Mỹ rất sẵn sàng đánh trả nếu Iran có động thái tiến xa hơn. Tuyên bố trên của Ðô đốc Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ được đưa ra nhằm trấn an các nước ở vùng Vịnh, vốn đang lo sợ trước viễn cảnh quốc gia Iran ngày càng bành trướng về quân sự, có thể sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh.

Tất cả những việc làm và tuyên bố trên từ phía Mỹ cho thấy Washington đã không coi cuộc đàm phán trong hai ngày 6 và 7/12 vừa qua tại Thụy Sĩ, giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) là một thành công, bất chấp các cuộc đàm phán đã bị đình trệ từ 14 tháng nay. Trước đó, các quan chức Mỹ đã miêu tả vòng đàm phán 2 ngày với Iran tại Geneva là đáng thất vọng.

Điều phối viên của Nhà Trắng về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, Gary Samore, đánh giá vòng đàm phán trên đã không có sự tiến bộ rõ ràng nào, trong khi một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, phái đoàn đàm phán Iran, dẫn đầu là Cố vấn an ninh quốc gia Saeed Jalili, đã dành hầu hết thời gian của cuộc đàm phán vừa qua để thể hiện lập trường chính trị.

Tổng thống Iran Ahmadinejad tuyên bố các cuộc đàm phán tại Geneva đã diễn ra tốt đẹp.

Trong khi đó, phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia ngày 18/12, Tổng thống Iran Ahmadinejad tuyên bố các cuộc đàm phán tại Geneva đã diễn ra tốt đẹp, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc chuyển từ "chính sách đối đầu sang chính sách hợp tác". Ông Ahmadinejad cũng bày tỏ hy vọng trong các cuộc đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp theo là tại Brazil và Iran, các bên sẽ đạt được khung hợp tác cho vấn đề này.

Sự đối nghịch trong những tuyên bố của Mỹ và Iran làm cho dư luận không hiểu được thực chất của vấn đề ra sao, nhất là trong bối cảnh Washington lại giăng các biện pháp trừng phạt chống Tehran để kiềm chế và làm rõ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Tuy nhiên, có thể thấy được phần nào quan điểm của Mỹ qua phát biểu mới đây của Gary Samore: "Mỹ sẽ vẫn duy trì hoặc gia tăng sức ép đối với Iran chừng nào các cuộc thương lượng vẫn không đạt được sự tiến bộ nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran".

Khi được hỏi liệu điều đó có nghĩa là sẽ có các biện pháp trừng phạt mới trước khi diễn ra vòng đàm phán kế tiếp vào tháng 1/2011 tại Thổ Nhĩ Kỳ hay không, ông Samore nói: "Tôi cho rằng việc thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ là một thông điệp quan trọng được gửi đi"


Đan Kô (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét