Bầu Đức không muốn VFF quản lý VPF

Tin nhanh Việt Nam:
Cập nhật lúc 14 giờ 12/10/2011

Những cuộc tranh cãi về mô hình hoạt động của VPF đã bắt đầu khi ông bầu Đoàn Nguyên Đức từ Gia Lai đã lên tiếng phản đối quyền quản lý công ty cổ phần bóng đá Việt Nam của VFF.

679777151_Duc6_5B1_5D

Khẳng định VPF là một công ty, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai cho rằng: Liên đoàn bóng đá Việt Nam chỉ là một cổ đông, vì thế không có quyền quản lý VPF.

Sau cuộc gặp với ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch CLB Hà Nội ACB – người đại diện cho 28 ông chủ bóng đá, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn khẳng định, VPF do VFF quản lý về mặt chuyên môn và được Bộ VH-TT-DL quản lý về mặt nhà nước. Theo ông Viễn, về cơ bản, mô hình của VPF sẽ giống như bản đề án của các ông “bầu” nhưng có chút thay đổi về thành phần. Theo đó, ngoài VFF và 14 đội V-League, có 10 đội hạng Nhất (là CLB chuyên nghiệp) được phép trở thành cổ đông của VPF.

“VFF là tổ chức xã hội nhà nước giao trách nhiệm quản lý các hoạt động của bóng đá Việt Nam. VPF là doanh nghiệp nhưng có hoạt động đặc thù là quản lý V-League, giải đấu cao nhất Việt Nam. Vì thế, VFF phải có vai trò lớn hơn một cổ đông. VFF sẽ quản lý VPF về mặt chuyên môn bởi khi ra đời, VPF không thể đứng chơ vơ được. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc điểm của Việt Nam”. Ông Viễn lý giải về quyết định để VPF chịu sự quản lý của VFF.

Từ Pleiku, ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch đội Hoàng Anh Gia Lai tỏ ra bất bình trước thông tin này. Theo bầu Đức, VPF là một doanh nghiệp, vì thế, hãy để nó đứng đúng vị trí. “VPF là công ty cổ phần, hoạt động theo luật doanh nghiệp. VFF chỉ là một cổ đông của VPF. Ngay cả khi là cổ đông lớn nhất với hơn 30% cổ phần, VFF cũng chỉ được chia quyền lợi, biểu quyết theo đúng tỷ lệ vốn đầu tư. VFF không thể quản lý VPF được. Các CLB và VFF có tư cách ngang nhau ở VPF. Không ai có quyền áp đặt ở đây cả. Cơ quan quyền lực cao nhất của VPF là đại hội cổ đông. Các vấn đề cần bàn bạc, quyết định phải thông qua đại hội. Khi cần thiết, VPF sẽ báo cáo lên Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội. Nói thế không có nghĩa chúng tôi không có ý tranh giành với VFF về vấn đề này. Nhưng đã là doanh nghiệp thì phải tuân theo luật, một cách sòng phẳng”. Ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng nếu VPF bị VFF quản lý về mặt chuyên môn, công ty này sẽ mất đi tính độc lập – vốn là cơ sở để các ông bầu tin rằng VPF có thể đem đến một thức bóng đá sạch sẽ, chuyên nghiệp và thu được lợi.

“Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã khẳng định, thành lập VPF là việc cần làm vì nó đem lại lợi ích cho bóng đá Việt Nam. Bộ VH-DL-TT sẽ tạo điều để VPF được thành lập. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói với tôi như vậy. Có lẽ không cần bàn đến chuyện này nữa vì thực tế mọi vấn đề đều đã được thông qua ở cuộc gặp giữa VFF và 28 ông chủ bóng đá rồi. Bây giờ, việc phải làm chỉ là xúc tiến thành lập VPF thôi”, ông Đức củng cố lý lẽ của mình.

VFF đang làm công văn trình lên Bộ VH-TT-DL xung quanh việc thành lập VPF. Sau khi có ý kiến từ Bộ, VFF và các ông chủ bóng đá sẽ ngồi lại với nhau để bàn bạc cụ thể, thống nhất những chi tiết cuối cùng. Theo đại diện của VFF thì VPF có thể ra đời ngay trong tháng 10 nếu mọi việc suôn sẻ.

Theo VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét