MTTQVN đề nghị đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương

Dân trí:
Thứ Tư, 24/08/2011 - 17:18

(Dân trí) - “Cái gọi là “quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu đã có 6 năm trước khi bà Trần Ngọc Sương được cử làm GĐ. Đến nay, chưa thấy quy định nào vào thời điểm đó cấm thành lập một quỹ tương tự” - UBTW MTTQ Việt Nam kiến nghị xét lại vụ án.
>> Bà Trần Ngọc Sương tiếp tục bị truy tố về tội “lập quỹ trái phép”
>> Tiếp tục đề nghị truy tố bị can Trần Ngọc Sương
>> Khởi tố vụ án tham ô tài sản liên quan đến bà Trần Ngọc Sương

Ngày 12/8, Ban thường trực UBTW MTTQ Việt Nam có công văn số 1594 gửi Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao kiến nghị xem xét lại tội danh “lập quỹ trái phép” đối với bà Trần Ngọc Sương - GĐ Nông trường Sông Hậu. Công văn do Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBMTTQVN Vũ Trọng Kim ký.

Công văn 1594 nêu, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, tham vấn ý kiến các chuyên gia pháp luật của Mặt trận, thảo luận tập thể ý kiến của VKSND tối cao, Ban thường trực UBTW MTTQ cho rằng việc quy buộc bà Trần Ngọc Sương (tên thường gọi là Ba Sương) “lập quỹ trái phép” không có cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa bị kết tội "lập quỹ trái phép".

Theo đó, “Cái gọi là “quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu đã có từ năm 1994, 6 năm trước khi bà Trần Ngọc Sương được cử làm Giám đốc nông trường.

Như vậy, rõ ràng bà Sương không đưa ra chủ trương thành lập quỹ, không đứng ra thành lập quỹ và cũng không được giao trách nhiệm quản lý, điều hành quỹ tại Nông trường Sông Hậu từ năm 1994 đến năm 2000.

Quỹ tại Nông trường Sông Hậu đã hình thành từ hoạt động của Ban đời sống Công đoàn của Nông trường ngay từ ngày thành lập Nông trường năm 1979, do Ban chấp hành Công đoàn Nông trường quản lý và chịu trách nhiệm trước các khoản thu, chi của quỹ trong thực tiễn. Các nguồn thu của quỹ đều không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước mà bắt nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công đoàn. Các nguồn chi chủ yếu là hỗ trợ cho hoạt động của Nông trường.

“Chúng tôi chưa tìm được bất kỳ quy định nào vào thời điểm đó cấm, quy định việc thành lập một quỹ tương tự. Trong điều kiện đối với một hành vi mà pháp luật không cấm và không có quy định thì không được coi hành vi đó là trái phép. Theo các chuyên gia pháp luật, có một nguyên tắc pháp lý được công nhận là “công dân được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm.” - Ban thường trực UBTW MTTQ nhấn mạnh.

Từ lập luận trên, Ban thường trực UBTW MTTQ khẳng định, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và thực tế nào để quy buộc bà Sương tội “lập quỹ trái phép” theo Điều 166-BLHS.

UBTW MTTQ nhận định, bà Sương tất nhiên chịu trách nhiệm về các khoản chi mà Quỹ giao để bà thực hiện các công việc, nhiệm vụ mà Nông trường giao cho bà. Tuy nhiên, các sai phạm và các khoản chi này không mang tính hình sự, không thể coi là gây thiệt hại phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ mang tính hành chính, dân sự.

Do chưa có đủ cơ sở xác định “quỹ đen” hình thành và hoạt động nhiều năm tại Nông trường là trái phép; chưa đủ cơ sở quy buộc bà Sương tội “lập quỹ trái phép”, Ban thường trực UBTW MTTQ khẳng định, không có cơ sở để truy tố, đưa ra xét xử bà Sương về tội danh này.

Ban thường trực UBTW MTTQ phân tích vụ án rất phức tạp, có những tình tiết chưa rõ ràng, làm nảy sinh những vấn đề pháp lý thậm chí trái ngược nhau. Các sự việc đề cập trong vụ án diễn ra trong một thời gian dài, ít nhất từ năm 1994-2007, với nhiều thay đổi trong lĩnh vực pháp luật, kinh tế - kinh doanh, quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Điều đó đòi hỏi có quan điểm lịch sử để xem xét, xử lý vấn đề; đồng thời vận dụng đúng đắn pháp luật, các quy định của pháp luật trong từng giai đoạn đổi mới nền kinh tế và cơ chế tài chính ở nước ta. Cần làm rõ, xác định đúng trách nhiệm của bà Sương đối với quỹ tại Nông trường.

Kết lại UBTW MTTQ cho rằng, biện pháp tối ưu xử lý vụ án này là: đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh “lập quỹ trái phép”; Xử lý các sai sót của bà Sương trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự.

“Cách xử lý này vừa phù hợp với các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự; vừa có tình và có tính tới cống hiến to lớn của bà Trần Ngọc Sương và gia đình đối với Nông trường Sông Hậu, vừa giữ được trọn vẹn đạo lý trước sau ở đời theo truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa giải tỏa được những bức xúc của đông đảo nhân dân, các vị lão thành cách mạng lâu nay luôn dành tình cảm tốt đẹp cho Nông trường Sông Hậu - Một biểu tượng tiêu biểu nhất của mô hình nông trường XHCN còn lại và phát triển vững chắc trong thời kỳ đổi mới” - công văn kết lại.

Phan Huy - Phương Thảo


vietnamplus.vn

Kiến nghị xử lý dân sự vụ án Nông trường Sông Hậu

24/08/2011 | 19:14:00

Bà Trần Ngọc Sương tạo tòa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ban thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có công văn gửi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, nêu quan điểm đề ghị đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh “lập quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu, đồng thời xử lý các sai sót của bà Trần Ngọc Sương trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự.

Ban thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chuyển sang, Vụ án “lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu là vụ án rất phức tạp, có những tình tiết chưa rõ ràng, làm nảy sinh những vấn đề pháp lý còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Các sự kiện đề cập trong vụ án diễn ra trong một thời gian dài do đó cần phải có quan điểm lịch sử để xem xét, xử lý vấn đề đồng thời vận dụng đúng đắn pháp luật trong từng giai đoạn đổi mới nền kinh tế và cơ chế kinh tế tài chính ở Việt Nam; cần làm rõ, xác định đúng trách nhiệm của bà Trần Ngọc Sương đối với quỹ tại Nông trường Sông Hậu.

Công văn nêu hai vấn đề, thứ nhất là việc quy buộc bà Trần Ngọc Sương “lập quỹ trái phép” là không có cơ sở pháp lý, và thực tiễn bởi cái gọi là “quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu đã có từ năm 1994, tức 6 năm trước khi bà Sương được cử làm giám đốc. Bà Sương không đưa ra chủ trương thành lập quỹ, không quản lý và cũng không điều hành quỹ.

Thực tế, quỹ hình thành từ hoạt động của ban đời sống công đoàn do Ban chấp hành công đoàn quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khoản thu chi của quỹ trong thực tiễn. Vào thời điểm đó, không có quy định nào cấm thành lập quỹ như thế. Do vậy, không có cơ sở pháp lý và thực tế nào để quy buộc bà Trần Ngọc Sương “lập quỹ trái phép.”

Thứ hai, các sai phạm và các khoản chi này không mang tính hình sự, không thể coi là gây thiệt hại phải truy cứu trách nhiệm hình sự mà chi mang tính hành chính, dân sự. Bà Trần Ngọc Sương có trách nhiệm rà soát lại từng khoản chi quỹ đã giao cho bà, nộp lại cho quỹ những phần tiền chi vượt các quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận hợp pháp với quỹ.

Ban thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị: “Đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bà Trần Ngọc Sương về tội danh “Lập quỹ trái phép,” xử lý các sai sót của bà Trần Ngọc Sương trong lĩnh vực lài chính bằng biện pháp hành chính và dân sự.”

Cách xử lý như vậy vừa phù hợp với các quy định của pháp luật vừa có tình, có lý và có tính tới cống hiến to lớn của và Trần Ngọc Sương và gia đình đối với Nông trường Sông Hậu, vừa giữ được trọn vẹn đạo lý trước sau ở đời theo truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, vừa giải tỏa được những bức xúc của đông đảo nhân dân, các vị lão thành cách mạng bấy lâu nay luôn dành tình cảm tốt đẹp cho Nông trường Sông Hậu.

Luật sư Nguyễn Trường Thành, trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Trần Ngọc Sương, nhận định quá trình điều tra của các cơ quan tố tụng thực hiện chưa đầy đủ, chưa xác định được tội “lập quỹ trái phép” của bà Trần Ngọc Sương. Nhiều khoản tiền bị cáo buộc không đúng, quá trình điều tra, truy tố bộc lộ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ông vui mừng về quan điểm của Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng ý việc cần phải xem xét vụ án Nông trường Sông Hậu trong giai đoạn lịch sử, không thể lấy luật hiện nay để áp đặt cho những diễn biến tồn tại hằng chục năm trước. Nhận định của Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất phù hợp với quyết định của bản án giám đốc thẩm và kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao./.

Trần Khánh Linh (Vietnam+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét