Giao tranh ác liệt tại đại bản doanh của ông Gaddafi | Thanh Niên Online

Thanh Niên Online:
(TNO) Lực lượng trung thành với ông Muammar Gaddafi đã giao tranh ác liệt với quân nổi dậy ở gần đại bản doanh Bab al-Aziziyah, một khu phức hợp lớn, nơi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi được cho là đang trú ngụ, theo AFP.

>> Con trai ông Gadadfi tái xuất ở Tripoli

Các phóng viên ở khách sạn Rixos gần đó đã nghe thấy một tiếng nổ lớn vào khoảng 11 giờ, giờ địa phương ngày 23.8 (16 giờ, giờ Việt Nam), tiếp theo sau là tiếng rốc-két và pháo hạng nặng.

Bab al-Aziziyah vốn được cho là trung tâm của cuộc chiến ở Tripoli và quân nổi dậy nói họ không chờ đợi khu phức hợp này sẽ thất thủ một cách dễ dàng.


Một chiếc xe hơi bốc cháy trước học viện quân sự dành cho nữ giới ở Tripoli, nơi hiện do quân nổi dậy kiểm soát - Ảnh: AFP

Theo phóng viên của BBC Rupert Wingfield-Hayes, hiện có nhiều tin đồn về tung tích của Đại tá Gaddafi và một trong những tin tức được lan truyền nhiều nhất là nhà lãnh đạo này có thể đang ẩn náu bên dưới khách sạn Rixos, nơi có khoảng 30 nhà báo nước ngoài đang trú ngụ.

Cũng trong hôm nay, Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) thông báo một chiếc tàu của tổ chức này đã không thể cập cảng tại Tripoli để di tản những người nước ngoài kẹt tại đây vì những lo ngại an ninh.

“Cho đến hôm qua, chúng tôi tin rằng khu cảng nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập song trong đêm, họ bảo chúng tôi hãy chờ và đừng cập cảng”, người phát ngôn của IOM Jean-Phillipe Chauzy nói tại Geneva (Thụy Sĩ).

Ông Chauzy cho biết có 1.700 người Philippines, 2.000 người Bangladesh và từ 1.500 đến 2.000 người Ai Cập đã đề nghị được giải cứu và sẵn sàng để rời khỏi Tripoli.

Trong một diễn biến khác, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xác nhận có ba tên lửa Scud đã được quân chính phủ bắn về hướng thị trấn Misrata trong cuộc giao tranh vào hôm qua.

Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu nói: “Chúng tôi có thể xác nhận những tường thuật liên quan đến việc bắn ba quả tên lửa đất đối đất Scud từ vùng phụ cận Sirte”.

Vào hôm 15.8, Mỹ và NATO thông báo lực lượng của ông Gaddafi đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa Scud kể từ khi NATO bắt đầu chiến dịch không kích vào ngày 19.3.

“Việc sử dụng các loại tên lửa như Scud mang đến mối đe dọa cho dân thường. Chúng là vũ khí khủng bố, việc sử dụng nó cực kỳ vô trách nhiệm”, bà Lungescu nói.

Theo tập san quân sự Jane's Defence, Libya có khoảng 240 tên lửa đạn đạo và loại tên lửa Scud B của nước này có tầm bắn khoảng 300 km.

Sơn Duân


Cập nhật lúc :2:52 PM, 23/08/2011
Mỹ sẽ gây áp lực để nhà lãnh đạo Gaddafi bước xuống vũ đài chính trị nhưng cũng tỏ ra quan ngại trước sự an toàn của kho vũ khí khổng lồ của Libya trong quá trình chuyển giao quyền lực thời hậu Gaddafi và những nguy cơ nếu nó rơi vào tay các đối thủ.

Cùng chung mối bận tâm với nhiều quan chức Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc hội Mỹ, Mike Rogers vừa lên tiếng cảnh báo về các vấn đề an ninh sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ.

“Ngay cả khi Gaddafi sụp đổ, chúng ta cũng sẽ phải tiến hành các bước để đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ được bảo vệ. Đặc biệt, chúng ta phải đảm bảo kho vũ khí của Gaddafi bao gồm cả vũ khí hóa học và các vật liệu nổ không rơi vào tay kẻ xấu”, ông Mike Rogers.

Số phận kho vũ khí được giới chức Mỹ đang hết sức bận tâm.

Trước đó, hồi tháng 2 Tổ chức cấm vũ khí hóa học cho hay, Libya hiện giữ 9,5 tấn khí mù tạc tại một địa điểm bí mật ở ngoài sa mạc và được canh phòng nghiêm ngặt bởi quân đội.

Theo một quan chức Mỹ giấu tên thì cho đến nay, kho vũ khí hóa học khổng lồ này của Đại tá Gaddài vẫn còn tồn tại và được canh phòng cẩn mật bởi quân đội trung thành với ông.

Cũng theo quan chức này, chẳng riêng gì Mỹ mà NATO cũng như Liên Hiệp Quốc vẫn luôn để mắt đến kho vũ khí này trong suốt thời gian Libya xảy ra xung đột.

“Kho vũ khí, cho đến thời điểm này, dường như vẫn được canh phòng tốt. Tuy nhiên, nó chỉ nhắc chúng ta nhớ thực tế là Gaddafi chỉ phá hủy một phần kho vũ khí nguy hiểm nhất của ông ta”, quan chức Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, một quan chức của Liên Hiệp Quốc cho rằng, do tuổi thọ của các loại vũ khí trên, kho vũ khí hóa học của Libya thực tế là một mối nguy cho môi trường hơn là mối đe doạ quân sự hay khủng bố.

Chúng bao gồm “các chất hóa học "hết đát", không còn hữu ích như là một loại vũ khí nữa. Khí mù tạt thường bị phân hủy theo thời gian mà kho vũ khí hóa học của Gaddafi thực sự tồn tại lâu lắm rồi. Do đó, nó không còn là mối đe dọa về quân sự hay khủng bố nữa", quan chức này cho hay.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ và châu Âu còn quan tâm đến việc giữ cho kho vũ khí thông thường như các loại tên lửa chống tăng, tên lửa đất đối không, các loại xe bọc thép, đạn tên lửa và các vật liệu gây nổ khác.

Tuy nhiên, điều khiến cho nhiều quan chức chống khủng bố đau đầu nhất chính là khả năng kho vũ khí này bị bọn khủng bố cướp đi. Nếu kịch bản tồi tệ đó xảy ra, các quốc gia châu Phi sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bất ổn.

Trước đó, quân đội Chính phủ Libya bắn 3 tên lửa Scud từ khu vực Sirte, quê hương Đại tá Gaddafi sau khi phóng một tên lửa Scud khác tuần trước. Đây là lần đầu tiên Đại tá Gaddafi sử dụng loại vũ khí này kể từ khi cuộc chiến nổ ra.

Lê Dung (theo Reuters)


vtv.vn
Thứ ba, 23/08/2011, 09:52 GMT+7

Libya: Tương lai bất định

Chiến sự giữa lực lượng nổi dậy và lực lượng trung thành với Tổng thống Gadhafi nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ thủ đô Tripoli đang ở trong thế giằng co quyết liệt. Cả hai đều tuyên bố đang nắm quyền kiểm soát tình hình.
Libya: Tương lai bất định

Súng vẫn vang lên tại thủ đô Tripoli hơn một ngày sau khi lực lượng nổi dậy Libya tuyên bố kiểm soát phần lớn thành phố này. Những dự đoán cho rằng, số phận của chính quyền Tổng thống Gadhafi chỉ còn tính bằng giờ vẫn chưa thành hiện thực. Trong khi đó, lại xuất hiện những diễn biến gây bất ngờ cho dư luận.

Ông Moussa Ibarhim, Người phát ngôn Chính phủ Libya: “Tình hình Tripoli lúc này tốt hơn rất nhiều ngày hôm qua. Tôi xin thông báo chi tiết và rõ ràng rằng, chúng tôi đang nắm quyền kiểm soát 80% Tripoli, nếu không cũng phải tới 75%”.
Lực lượng trung thành với Tổng thống Gadhafi trong 24h qua đã được tiếp thêm sức mạnh sau khi có tin cho biết, con trai cả của Tổng thống Gadhafi Mohamed đã trốn thoát khỏi sự giam giữ của lực lượng đối lập. Và người con trai thứ là Saif al Islam đã bất ngờ xuất hiện trở lại sau khi có tin nói rằng, anh ta đã bị lực lượng đối lập bắt giữ.
Ông Saif al Islam Gaddafi, Con trai của Tổng thống M.Gadhafi: “Trước tiên, tôi muốn bác bỏ mọi tin đồn. NATO và phương Tây có công nghệ hiện đại, họ đã ngăn chặn và phá nhiễu hệ thống thông tin của chúng tôi. Họ đã tạo ra một cuộc chiến tranh thông tin và điện tử nhằm gây hoang mang và hỗn loạn trong dân chúng ở Libya”.
Xuất hiện trên 1 chiếc xe ô tô của Chính phủ Libya, Saif al Islam cũng khẳng định với các phóng viên nước ngoài về sự kiểm soát của chính phủ Libya đối với Tripoli.
“Bây giờ chúng ta sẽ đi một vòng tới các điểm nóng của Tripoli để các bạn có thể thấy là tình hình giờ đã tốt hơn và mọi việc đều ổn. Tripoli đang nằm dưới quyền kiểm soát của chúng tôi”.
Cho tới lúc này, chưa có bất kỳ một nguồn thông tin nào có thể khẳng định bên nào đang nắm quyền kiểm soát thực sự Tripoli. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cuộc chiến sẽ còn giằng co quyết liệt giữa một bên quyết cố thủ và một bên quyết đánh chiếm. Thêm vào đó là Mỹ, trong suốt 12 ngày qua đã cho tăng cường gấp đôi các cuộc không kích nhằm vào các vị trí trọng yếu của chính phủ Libya. Con số dân thường thiệt mạng và bị thương tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ còn duy nhất một bệnh viện còn hoạt động lại không có đủ trang thiết bị và thuốc men để chữa trị cho những người bị thương.
Trong lúc này, tin tức về tung tích của Tổng thống Gadhafi vẫn còn là một ẩn số và lực lượng trung thành với ông vẫn tiếp tục cố thủ.
Thế giới phản ứng trước cục diện mới tại Libya
Mặc dù cuộc quyết chiến tại thủ đô Tripoli giữa quân nổi dậy và lực lượng trung thành với Tổng thống Gadhafi chưa ngã ngũ, nhưng cục diện tình hình cũng đã khá rõ ràng. Thế giới cũng đã có phản ứng trước cục diện mới này.
Trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi lực lượng đối lập tại Libya tiến vào Tripoli, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi lực lượng trung thành với Tổng thống Gadhafi ngừng bắn, để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra trong hòa bình.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon: "Điều quan trọng hiện nay là chấm dứt xung đột, không để xảy ra thêm mất mát sinh mạng và những hành động báo thù. Tôi hoan nghênh việc Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya cam đoan làm hết sức để bảo vệ người dân và các thể chế công”.
Liên đoàn Arab cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, ra tuyên bố bày tỏ sự đoàn kết với Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya.
Ai Cập, quốc gia Hồi giáo láng giềng của Libya cũng lên tiếng công nhận lực lượng nổi dậy là chính phủ hợp pháp của Libya, dọn đường cho Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya tiếp quản ĐSQ Libya tại Cairo và phái đoàn ngoại giao Libya tại Liên đoàn Arab.
Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi nhà lãnh đạo Libya Gadhafi từ bỏ quyền lực và cam kết ủng hộ lực lượng nổi dậy trong tiến trình thành lập chính phủ mới. “Đã rõ là chế độ Gadhafi đã đến hồi kết, nhưng ông ấy vẫn còn cơ hội để hạn chế đổ máu bằng cách trao lại quyền lực cho nhân dân, đồng thời kêu gọi các lực lượng của mình hạ vũ khí”.
Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ hy vọng ở tương lai của Libya đồng thời cam kết viện trợ giúp tái thiết và xây dựng dân chủ ở Libya.
Phương Tây hiện đang phong tỏa số tài sản ước tính 150 tỷ USD của cá nhân Tổng thống Libya Gadhafi và các thành viên trong gia đình, cùng 144 tấn vàng của Ngân hàng Trung ương Libya.
Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Libya đang đi đến hồi kết và rằng, Matxcơva sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới tại Libya.
Ông Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Nga: “Theo nguồn tin mà chúng tôi có, quyền lực sẽ sớm về tay lực lượng nổi dậy tại Libya. Chúng tôi hy vọng họ sẽ đảm bảo được an ninh và tài sản cho người dân, đồng thời đảm bảo không trả thù và không để xảy ra thêm đổ máu”.
Trung Quốc thì tái khẳng định, giao thương về dầu mỏ có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Libya. Ông Wen Zhongliang, Vụ phó Vụ Mậu dịch, Bộ Thương mại Trung Quốc: “Tình hình Libya rất ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại đây. Hy vọng trong tương lai, khi sự ổn định trở lại, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và hợp tác với Libya”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triệu Húc cho biết, Trung Quốc tôn trọng lựa chọn của người dân Libya và sẽ cùng cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào công cuộc tái thiết Libya trong tương lai.
Tương lai bất định
Tới lúc này, tuy chiến sự tại Libya chưa hoàn toàn kết thúc, nhưng người ta đã nói nhiều đến một đất nước Libya thời hậu chiến và rộng hơn nữa là tình hình tại cả khu vực Trung Đông sẽ ra sao trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, đây mới chỉ là sự mở đầu của một thời kỳ đầy bất ổn cúa đất nước Libya.
Tại thủ đô Tripoli của Libya, lực lượng nổi dậy tiến vào giành quyền kiểm soát các địa điểm trọng yếu. Cùng với bước tiến quân là lời kêu gọi đoàn kết và hoà giải.
Ông Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya: “Liby là một dân tộc lớn và có đủ khả năng hội tụ tất cả các nền văn hoá và các hệ tư tưởng. Chúng ta không bất hoà”.
Lời kêu gọi này được đưa ra cũng là điều dễ hiểu khi nhìn vào tình hình Libya lúc này.
Các nhà phân tích cho rằng, đây mới là điểm khởi đầu của một thời kỳ đầy bất ổn mới ở Libya.
Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Nga: “Tôi tin rằng, Libya bây giờ đã đi đến điểm không thể quay trở lại được nữa. Ông Gadhafi không còn cơ hội nào để khôi phục sự kiểm soát đất nước, nhưng theo tôi, đây không phải là hồi kết của câu chuyện, mà mới chỉ là điểm khởi đầu của một tương lai đầy bất ổn của Libya.
Lý do hàng đầu và đơn giản nhất là Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya không phải là một lực lượng thống nhất. Đây là đội quân của các nhóm người khác nhau, các tộc người khác nhau, các lực lượng chính trị khác nhau và họ sẽ đấu đá lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Hiện tại có 3 đến 4 nhân vật xuất hiện trên tivi, nhưng thực sự họ có ảnh hưởng như thế nào, liệu họ có thể lãnh đạo được người dân Libya hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải”.
Ông Anthony Cordesman, Cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ: “Tôi nghĩ, chúng ta cần phải hết sức thận trọng, bởi vì tình trạng vô chính phủ và nội chiến sẽ là những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Bất cứ ai nhìn vào tình hình Libya, Tunisia, hoặc Ai Cập thì, phần lớn các cuộc cách mạng đều không đạt được các mục đích ban đầu đề ra. Phần lớn những người khởi xướng lại không nắm quyền khi chính phủ thay đổi và nếu có nắm quyền lãnh đạo cũng không kéo dài quá được vài năm”.
Đặc điểm dân tộc và xã hội Libya cùng những dấu ấn đậm nét của hơn 4 thập kỷ lãnh đạo của ông Gadhafi cũng là yếu tố cần tính đến.
Một tương lai bất ổn tại đất nước Libya là điều đã có thể thấy trước. Với một đất nước có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng ở khu vực Bắc Phi-Trung Đông, có vai trò và vị trí quan trọng trong cộng đồng Arab như Libya, thì sự mất ổn định này là đáng lo ngại cho cả khu vực.
Một đất nước Libya đang đối mặt với một tương lai bất định kéo theo cả một khu vực đứng trước nguy cơ bất ổn. Đó là điều mà người ta đang lo lắng khi nhìn về Libya.

Tác giả : Úy Thương-Thu Thủy-Thanh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét