Nhiều động thái tăng cường vũ trang trong khu vực

Thanh Niên Online:


Giữa lúc có nhiều quan ngại về sự phát triển quân sự của Trung Quốc, một số nước và vùng lãnh thổ đồng loạt tuyên bố tăng cường vũ trang.

Từ tàu chiến…

Ngày 23.8, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố sẽ tăng cường phòng vệ khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Phát biểu này được đưa ra trong buổi lễ đón tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay của nước này tại vịnh Manila, theo AFP. Philippines mua con tàu, vốn là tàu cũ của Lực lượng tuần duyên Mỹ có tên USCGC Hamilton (WHEC-715) với giá hơn 10 triệu USD. Con tàu, nay được đổi tên thành BRP Gregorio del Pilar (PF-15), dài hơn 115m và có thể hoạt động trên biển suốt 30 ngày không cần tiếp liệu.

Ông Aquino nói tàu BRP Gregorio del Pilar sẽ được dùng để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Manila cũng như các hoạt động dầu khí của nước này ở biển Đông. Trước đó, Philippines cáo buộc hải quân Trung Quốc đe dọa ngư dân ở biển Đông, quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí cũng như cắm cột mốc ở một số đảo mà Manila tuyên bố chủ quyền, theo AFP. Ngoài ra, tờ Sunday Times ngày 22.8 dẫn lời một số quan chức giấu tên loan tin Mỹ cũng đang có kế hoạch triển khai các siêu tốc hạm tàng hình lớp Independence đến những khu vực tranh chấp trên biển Đông.


Các lãnh đạo Philippines lên tàu Grogorio del Pilar ngày 23.8 - Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, Ấn Độ, vốn đang lo ngại Trung Quốc phát triển hải quân xuống vùng Ấn Độ Dương, vừa tăng cường thêm tàu chiến cho Hạm đội phía đông. Theo báo The New Indian Express, hải quân Ấn Độ ngày 20.8 đưa vào biên chế tàu chiến tàng hình INS Satpura, dự kiến sẽ hoạt động ở vịnh Bengal. Tàu này được trang bị nhiều hệ thống vũ khí, gồm có tên lửa đối không Barak, tên lửa hành trình Klub do Nga sản xuất, vũ khí chống tàu ngầm và 2 trực thăng.

...đến tên lửa, máy bay

Nhằm đối phó sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc, trong thời gian qua, Đài Loan cũng liên tục thông báo phát triển vũ khí mới. Ngày 22.8, nghị sĩ Lâm Hữu Phương cho hay đảo này dành ngân sách hơn 1 triệu USD nhằm phát triển một loại tên lửa tầm xa có thể đánh trả các căn cứ quân sự dọc bờ biển đông nam của đại lục. “Như vậy Đài Loan không cần phải đưa máy bay chiến đấu đến gần mục tiêu ở đại lục và tránh được nhiều thiệt hại”, AFP dẫn lời ông Lâm đánh giá. Trước đó, nghị sĩ này cũng cho hay Đài Loan đang nghiên cứu phát triển phiên bản mới của tên lửa siêu thanh Hùng Phong III, được cho là có khả năng tiêu diệt tàu sân bay.

Nhật Bản cũng không ngồi yên trước những diễn biến phức tạp trong khu vực. Mới đây, Kyodo News đăng tấm ảnh chụp cảnh lắp ráp máy bay chiến đấu F-35 trong một nhà máy của hãng Lockheed Martin tại Fort Worth (Texas, Mỹ). Hãng tin này dẫn lời một nhân vật cấp cao của Lockheed Martin cho biết giá bán một chiếc F-35 dành cho Nhật Bản vào khoảng 65 triệu USD. Một số nguồn tin khác cho biết Tokyo có thể nhận hàng vào năm 2016.

Sau chuyến thăm Trung Quốc vào đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đã khuyên Nhật Bản nên mua F-35 để làm đối trọng với chiếc J-20 của Trung Quốc, theo tờ Telegraph. Việc sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình đang là mục tiêu quan trọng trong việc hiện đại hóa không quân Nhật. Vì thế, Tokyo cũng đang thực hiện dự án Mitsubishi ATD-X để tự chế tạo máy bay loại này. Theo website Flightglobal, máy bay chiến đấu thế hệ 5 Mitsubishi ATD-X sẽ bay thử lần đầu tiên vào năm 2014. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật cho biết thêm nước này cũng đang nghiên cứu các khí tài phòng không để đối phó việc láng giềng triển khai máy bay tàng hình.

Hàn Quốc trang bị tên lửa cho tàu tuần tra

Từ cuối tháng 8, hải quân Hàn Quốc sẽ trang bị tên lửa đối hạm di động Mistra cho các tàu tuần tra cao tốc để đối phó tàu đệm khí của CHDCND Triều Tiên, theo Yonhap ngày 23.8.

Tên lửa lớp Mistral có thể bắn trúng mục tiêu cách 6 km với vận tốc gấp 2,6 lần tốc độ âm thanh. Các tàu cao tốc hiện nay của hải quân Hàn Quốc được trang bị súng 40 mm nhưng không thể tấn công tàu đệm khí tốc độ cao của miền Bắc trên Hoàng Hải.

Văn Khoa - Hoàng Đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét