'100 ngày nghiên cứu khoa học, 99 ngày đau khổ'

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :11:18 AM, 21/08/2011
"100 ngày nghiên cứu khoa học thì 99 ngày khổ sở, một ngày vui. Trong một ngày vui ấy lại phải tìm ra cái khổ sở tiếp theo", giáo sư Ngô Bảo Châu nói.

Trong phần giao lưu “thắp sáng ước mơ thủ khoa Thủ đô” tại buổi vinh danh các thủ khoa xuất sắc của các ĐH, học viện trên địa bàn Hà Nội tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám chiều qua, nhiều sinh viên không ngại ngần bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với giáo sư Ngô Bảo Châu. Cũng vì lẽ đó các sinh viên liên tiếp giành micro gửi các câu hỏi đến thần tượng.

Trả lời câu hỏi “Liệu trong quá trình nghiên cứu của Giáo sư, đã bao giờ GS gặp những khó khăn, trở ngại mà giáo sư thấy muốn bỏ dở giữa chừng chưa? Những lúc như vậy, Giáo sư vượt qua bằng cách nào?” của Nguyễn Ngọc Dũng, thủ khoa Đại học Mỏ địa chất, giáo sư Châu cho rằng, bất cứ ai làm khoa học cũng có những khó khăn nhưng điều quan trọng là phải luôn thành thực với chính mình và biết vượt qua. Cho dù chúng ta có thất bại thì cũng phải tìm tiếp cơ hội thành công vì trong gian nan, trong thất bại tiềm ẩn thành công.

Giáo sư Ngô Bảo Châu và khách mời chụp ảnh cùng các thủ khoa

'Khi mình đã dấn thân vào con đường khoa học, có kỳ vọng đạt được điều gì đó trong khoa học thì sẽ có nhiều rủi ro vì không ai có thể đặt ra cái đích là 5 năm có thể làm được công trình này, 10 năm làm công trình kia. Cảm giác thất bại trong quá trình lao động là tương đối thường xuyên. 100 ngày nghiên cứu khoa học thì 99 ngày khổ sở, một ngày vui. Trong một ngày vui ấy lại phải tìm ra cái khổ sở tiếp theo. Nhưng khi mình thành thật với chính mình thì ngay trong những thất bại cũng đã nhem nhóm thành công rồi. Tuy nhiên, cũng cần một chút may mắn, chúng ta phải biết chờ đợi, phải có chuẩn bị để khi số phận mỉm cười thì mình luôn sẵn sàng. Nếu mình không chuẩn bị trước, mình sẽ bỏ lỡ cơ hội ấy”, anh Châu giãi bày.

Câu hỏi của Dương Thanh Long, thủ khoa Đại học FPT về cách giữ được niềm đam mê nghiên cứu khoa học được giáo sư Ngô Bảo Châu khen là một câu hỏi hay. Anh thừa nhận, khó khăn nhất khi làm khoa học đúng là là làm được lâu, lúc nào cũng giữ được niềm đam mê. Để giữ được niềm đam mê thì ta phải biết niềm đam mê đến từ đâu, phải luôn biết tìm tòi, thắc mắc...

“Trước đây các nhà triết học cổ đại và triết gia Platon đã nhận định: "Cội nguồn của niềm đam mê chính là con mắt của trẻ thơ". Bởi lẽ, khi là một người từng trải, hiểu rõ mọi việc như thế nào, ta không còn con mắt trẻ thơ, con mắt luôn muốn tìm hiểu vạn vật. Như trong truyện cười Việt Nam, người lớn thường hay trả lời "Trời sinh ra thế" trong khi đối với đứa trẻ thì nó luôn tò mò, thắc mắc và không chấp nhận việc "trời sinh ra thế"”, anh Châu lấy ví dụ hóm hỉnh.

Trả lời câu hỏi về tốc độ phát triển khoa học của nước nhà, anh Châu cho rằng, khoảng cách của Việt Nam với thế giới vẫn chưa rút lại được trong khi nhiều nước châu Á, thậm chí những nước nhỏ như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… đã làm được điều đó. Họ nỗ lực rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học, công nghệ, kỹ nghệ của họ hơn Việt Nam. Đó là điều thực sự đáng lo.

Cũng theo anh Châu, người Việt Nam vốn đã tồn tại quá lâu những suy nghĩ con đường duy nhất để có cuộc sống ổn định là làm những công việc mang lại nhiều vật chất như kinh doanh… Đây là một quan điểm không sai. Nhưng theo quan điểm của con người muốn mưu cầu hạnh phúc thì vấn đề không đơn thuần là sống yên ổn mà là sống theo đúng ý mình muốn. Giữ gìn sự ham mê dù chỉ là điểm xuất phát nhưng nếu không có điểm xuất phát đó, đất nước chúng ta khó có thể tiến lên được, ít nhất về mặt khoa học kỹ thuật.

Tại buổi giao lưu giáo sư Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ một số kế hoạch đã và sẽ làm trong thời gian tới để phát triển tình yêu toán học và niềm say mê đọc sách của các bạn trẻ Viêt Nam.

“Với tư cách là Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, hàng năm tôi sẽ về làm việc tại Việt Nam trong 3 tháng hè. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên trao đổi công tác giảng dạy đối với những cán bộ giảng dạy ở Viện. Ngoài ra, từ năm 2010, tôi cùng Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel mở Quỹ mang tên Hạt Vừng nhằm tiếp sức, ủng hộ cho các nhà khoa học. Ngoài ra, tôi cùng một nhà văn xuất bản một cuốn sách để qua đó chúng tôi muốn truyền niềm ham mê đọc sách cho các bạn trẻ”, anh Châu chia sẻ.

Khép lại phần giao lưu trong sự tiếc nuối của nhiều sinh viên chưa được đặt câu hỏi tới chủ nhân giải thưởng Fields 2010, giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ niềm xúc động khi nhìn các thủ khoa lên ghi sổ vàng với ánh mắt tự hào, trong sáng.

“Điều tôi mong muốn nhất, nếu có duyên số 5- 10 năm nữa khi gặp lại thì các bạn vẫn giữ được ánh mắt đó. Mong rằng các bạn không để thực tế cuộc sống làm tắt đi niềm tin về bản thân mình trong tâm hồn các bạn”, giáo sư Ngô Bảo Châu nhắn nhủ.

Chia sẻ với phóng viên về danh hiệu thủ khoa các sịnh viên đã đạt được, giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, danh hiệu này là rất quý nhưng nên dừng ở đó chứ không nên quá bị choáng ngợp bởi những thứ đó.

“Hãy coi những vinh danh đó như một cái mình thấy tự tin, đem niềm tin cho mình. Cái niềm tin đó giúp cho bạn rất nhiều trong tương lai chứ không nên coi đó như một sức ép là phải làm được gì đó để xứng với danh hiệu thủ khoa. Cái sức ép ấy không giúp được cho các bạn vì cuộc sống thì muôn hình muôn vẻ. Cái chuyện mình học giỏi và thành công trong cuộc sống là khác nhau. Để thành công thì cần rất nhiều sự ham học, biết vượt qua thách thức. Phía trước các bạn là một con đường mở, các bạn hãy để những cái đã qua như hành trang giúp mình vượt qua khó khăn chứ đừng coi đó như môt gánh nặng”, giáo sư Châu nói.


Khánh Tường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét